Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.945
 
Đọc Thi Tửu của Thái Lương
Nguyễn Khôi

 

 

       (Tặng : Hoàng Gia Cương)


                   ---------

  Thái Lương (1939-2014) quê Hà Tĩnh, nguyên Tổng giám đốc công ty Bia rượu , tính tình phóng khoáng, hòa nhã ,khiêm nhường ,kiến thức khá sâu rộng ( thể hiện trong 2 cuốn "Văn hóa Rượu" nxb Văn hóa Thông tin 1998,2008, dày trên 600 trang) làm công tác quản lý giỏi, biết ăn chơi đúng mức, được bạn bè yêu quý, thi thoảng làm  thơ nhỏ nhẹ góp vui với bạn bè, trong đó mảng nổi trội là THI TỬU.

   Xưa nay, ai cũng bảo "Thơ là hồn của chữ, rượu của gạo. Rượu là linh hồn của gạo.Thơ có rượu đồng hành thì ngôn ngữ (chữ nghĩa) có thêm một lần sáng tạo". Thi nhân hiền triết xưa từng viết " Tửu đức tụng"...Lý Bạch trong "Tương tiến tửu" đã viết :

     Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch

     Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh

    (Thánh hiền tên tuổi bặt đi

     Chỉ phường Thánh Rượu tiếng ghi muôn đời)

  Do thói quên nghề nghiệp (nghề sản xuất Bia rượu) nên Thái Lương có những vần thơ về Rượu khá dí dỏm đời thường :

  Đầu tiên như 1 lời "đề từ " dẫn 2 câu thơ xưa :

        Cô tửu thuyền lai giang diệc túy

        Mại hoa nhân khứ lộ do hương

       ( Mua rượu, thuyền sang sông lảo đảo

        Bán hoa, người rẽ ngõ vương hương)

Ra mắt "Thi đàn", tác giả Tự Bạch :

        RƯỢU, uống lần cả chai

        THƠ, viết đến trăm bài

         Tình, nào ai đếm được

         TIỀN, tàm tạm đủ xài


                        *

         RƯỢU, chưa một lần say

         THƠ, chưa một bài hay

         TÌNH, chưa một cuộc dứt

         TIỀN, chưa một món đầy.

Rồi anh "Ngụy biện" :

   Hãy độ lượng với anh, em đừng cấm

   Uống ít hay nhiều, anh đều biết là sai

   Chén khoe vợ, chén khoe con ,khoe gia đình đầm ấm

   Không uống gì, anh còn biết khoe ai ?

Rồi anh lý sự "Hồn của rượu" :

   Đừng chê Bia rượu la cà

Nguyễn  Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà thì sao

  Hồn nào thức tỉnh Văn Cao

Quốc ca thức tỉnh biết bao hồn người !

Đây là lý do đi đến "Tửu viên Thi quán" :

  Hôm qua họp mặt bạn bè

Nửa đường, lại phải đạp xe quay về

  Quay về, vợ hỏi : làm gì ?

Rằng quên chai Rượu mang đi góp quà.

Cái ích lợi của Rượu " Hiểu nhau qua nét mặt/ Hiểu nhau qua nụ cười/

Hiểu nhau qua ánh mắt/ Qua ly rượu đầy vơi."

  Và đây là đến với TÌNH, tuy "SAY MÀ TỈNH" ;

Đừng rót nữa cho anh

Vì, nếu say,anh phải nói ra những điều muốn nói

Đã từ lâu, với lòng, tự dối

Em trốn anh, nên anh cố trốn mình

Đừng rót nữa cho anh...

Giới "sâu rượu- thi tửu" đa số không uống rượu với vợ ? mà chỉ thích đàn đúm trong Tửu Quán, Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã để lại bút tích tại Trúc Viên :

   * Dĩ hòa vi quý.

   *Túy thời tâm thắng, tĩnh thời tâm.

Do đó không gì buồn bằng "Uống Rượu không bạn" :

   Rượu đã rót. nhìn chưa thấy bạn

   Nhấc ly lên, rồi đặt xuống một mình

   Lưỡi se lại, ly không thể cạn

   Rượu có say đâu, chỉ tại thiếu tình.

Rượu giúp ta làm lành, hòa giải :

   Tay nâng Rượu, tay bắt tay

-Cạn ly ! Đúng với chả sai ! Làm lành !

Rượu còn là "Quà của chị" :

 Dạo năm ngoái em về giỗ mẹ

 Em chưa say, chị đã khóc thương em

-Chị trông cậu dạo này không khỏe

-Uống ít thôi,cậu bơn bớt chất men...

Dầu dặn vậy có ai ra Hà Nội

Vẫn gửi cho em một lúc mấy chai

Mỗi lần uống, em thấy mình có lỗi

Thôi cũng đành,quà của chị, Chứ ai !


Rồi thì ai mà chả có ly rượu tình "Nụ hôn và ly rượu" :

     Nhân nụ hôn ngây ngất

     Nhấp ly rượu ngất ngây

     Tinh thần hay vật chất

     Thả hồn ta lên mây...

     Nụ hôn đặt lên môi

     Ly rượu đặt lên môi

     Nụ hôn và ly rượu

     Là Đạo hay là Đời ?

Ở trên đời này, không có bà vợ nào lại thích chồng mình nghiện rượu cả ? vì thế  Thi nhân có lúc phải LỪA VỢ  rất hiệu nghiệm :

    Uống rượu trắng vợ cho là nghiện

    Nhịn uống một hôm,lử khử giả vờ

    Kế nhỏ ấy thế mà nên chuyện

   Vợ bồn chồn, thấy những lo lo...

    Đi cắt vội một thang thuốc Bắc

    Cũng ngâm vào rượu trắng đó thôi

    Rượu khỏi mồm, lên giường tức khắc

    Vợ xiết ghì - Rượu bổ thật mình ơi !

Rượu còn là một phương tiện trong giao lưu Quốc tế :

    ...Tình người thân ái muôn năm

Đo tình người, chén rượu tăm, lại đầy !

Trên thế giới này, ai đã từng sang Nga thì thấy " đây là một Dân tộc bợm Rượu", đến nỗi có thời Tổng thống phải ra lệnh "cấm rượu" :

        RƯỢU TRÀN QUÁ CỔ

     (chuyện vui của người Nga)

Người Nga, uống rượu là rót đầy, vào bụng

Chừng nào tràn lên cổ thì thôi.

Ép uống thêm một ly, có anh chàng há mồm soi gương lúng búng :

-Rượu đã tràn quá cổ mất rồi !

Phi tửu bất thành lễ , nên phải có LY RƯỢU KHÓC CHỒNG :

      Rót ly rượu đầy, trước vong linh chồng

      Tay em run run, đặt xuống

       Nỗi đau đớn,mắt đẫm lệ, khóc chồng

       Lúc sinh thời, em ngăn không cho uống

       Nay rót làm gì ?

       Phí rượu

       uổng công.

Kết lại "Thi tửu "của Thái Lương,  NK thấy thú vị nhất là bài :

     UỐNG RƯỢU VỚI BỐ VỢ

 Bố vợ ngà ngà, giục con rể

Đàn ông mà, ta uống đi anh

Chẳng sợ vợ,cánh mình chỉ nể

Họ có đây, ta không uống ,đã đành.

  Anh chưa say, anh sao từ chối 

Hay là anh sợ nó, phải không ?

Với bà ấy, tôi không dám nói

Với con tôi

                  tôi dạy

                            phải chiều chồng !

 Thơ là người, với Thái Lương thật đúng là như vậy.

Chao ôi, giờ này thân xác anh đã nằm sâu dưới ba tấc đất, hồn còn quanh quất bên vợ con anh, ba chén Rượu Trắng còn để nguyên trên ban thờ nghi ngút khói hương (không ai uống)...Thương quá  đi thôi...thơ anh còn đây, để tôi nhẩm đọc  trước vong linh anh như một lời tưa tiễn tới Tây phương  cực lạc :

  Rượu bảo ta cuộc đời đừng vội chán

  Còn yêu đời, đời lập lại từ đây .

 

           Hà Nội 19-5-2014

     Ngày tang lễ Nhà thơ Thái Lương

          Kính viếng : Nguyễn Khôi

 

Nguyễn Khôi
Số lần đọc: 3516
Ngày đăng: 21.05.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tháng bảy mưa Ngâu - Xuân Thao
Sáng nay Tôi ra vườn - Trần Vấn Lệ
Trở về chiều Cổ Ngư - Phan Văn Thạnh
Ký ức đen - Võ Công Liêm
Buổi chiều trong ký ức - Nguyễn Phương Đình
Tự bơi trên giường - Thạch Đà
Đêm và bóng - Vũ Dy
Kính Mừng Phật Đản - Trần Vấn Lệ
Lữ Hành - Trần Hữu Khả
Mùa xuân, đi và trở lại - Vũ Dy
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)