Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.144
123.227.008
 
Tìm xưa duyên hải
Vũ Dy

  1.   Đêm nhờ nhờ rồi trắng dần theo khuya cạn. Tôi như tĩnh vật thuyền mọc lên từ cát lạnh nằm nghe biển vỗ miên man hoài trên bãi chờ sáng mặt trời. Sóng cứ âm ba đủ làm người ta phải lòng và sẵn sàng ăn nằm với biển. Gió nhễ nhại trên da thịt tanh nồng mùi biển. Dưới chỗ tôi nằm bỗng nghe nhồn nhột và ngọ nguậy, té ra suốt đêm qua tôi đã chiếm chỗ trú ẩn của một chú còng. Và cũng như bao lần tôi không là kẻ duy nhất đối diện trước biển một ngày. Đêm như khúc dã tràng. Ma mị gặm mòn tôi. Biển cũ mà nghìn đời vẫn lạ như thủa hồng hoang. Dịu dàng và tàn khốc. Đôi khi như kết cục như một chuyện tình. Thanh Khê sắp tàn đêm còn nóng khủng khiếp. Trừ biển. Nóng làm rạc người tựa cô đơn. Tôi cố hình dung ra cung đường rong chơi trong đêm của chú còng gió trên lãnh địa mình ở miền giáp ranh giữa cát và sóng. Đà nẵng ngày xưa của tôi không phải phố mà một phía cơ man dương liễu, cỏ gai và dứa dại phủ đồi cát lúp xúp. Biển tôi là biển trong tình khúc của Trịnh xấp xoả liễu khuya cát trắng, bây giờ chỉ còn chói chang bãi không với những vạt hoa muống biển xanh rì. Hồn liễu nơi đâu? Tôi vẫn còn kịp úp mặt vào cát như ngày xưa đã từng, cái trò chơi mỗi lần ra biển, trước khi dãy đèn trên những con tàu ngoài khơi xa tắt dần và mấy người đàn bà gánh những đôi rổ ra chờ chuyến cá giã đôi vào sớm ngang qua tôi đang thản nhiên chuyện trò. Họ không biết gì về những sớm mai của tôi ba mươi năm về trước. Tôi muốn sớm mai cứ thanh tân mãi thế này. Lạnh và thơm mùi rong biển như mùi tóc người con gái làng chài ngồi suốt đêm dưới sương. Qua một đêm hoá thân, biển trở lại vẻ thường ngày như chưa hằng có bão đi qua, chưa có nỗi ám ảnh về một loài rắn biển hay giấc mơ ngư nữ. Một nhóm người họp chợ mua bán ngay dưới chân triều, bên cạnh những con cá còn giãy trên lưới. Họ tranh giành mặc cả và chửi rủa. Những câu chửi hồn nhiên bằng giọng biển nằng nặng nghe thật hay. Hôm qua Niệm đã chen vào, lần đầu tiên em thấy cá được kéo lên từ biển nên ngẩn ngơ nhìn hoài không chán. Niệm đã chọn mua mấy con nục tươi xanh rồi tung tăng xách về. Bây giờ đến lượt tôi. Muốn tận mặt một chút gì của biển. Một con quẫy mạnh, ngạnh chích vào tay đau điếng. Chút máu hồng  loang mau. Bao giờ cũng vậy, biển luôn làm tôi đau. Đòn trừng phạt quá nhẹ nhàng đối với kẻ bỏ biển biệt mù. Biển bắt đầu giận dữ và cảnh giác. Hình như đêm qua biển thả trôi vào tôi những loài cây quá khứ, thét vào tôi tiếng rền rĩ loài chim ăn cá và quất tôi bằng cơn gió cát rát buốt thời liễu thề bỏ hoang.

 

     Dãi bê-tông xám lạnh, mặt đá granite nhẵn thín và tay vịn bằng inox sáng loáng làm tôi không chịu được, hút dài từ Nam Ô xuống tận Thanh Khê, vượt qua tôi rồi xa tít. Bê tông đã giam hãm người rồi còn ngăn cách biển. Con thuồng luồng trong huyền thoại biển đã hiện hình thuỷ quái. Tôi không bao giờ quen được những vọng gác cứu hộ với lủng lẳng phao bơi đỏ rực rỡ. Người đông. Biển đẹp. Nhưng không phải là biển của tôi. Biển của tôi tinh khôi mà nồng nàn lắm kia. Một con đường nhựa đen chia cắt bãi hoang. Bỏ lại bầy võ ốc suốt đời mắc cạn nằm đau đớn dưới chân đi vô tình, nghe biển rền rĩ kêu đòi. Làm sao tìm lại mái dầm gãy tôi và chị Hân giấu trong bụi dứa dại ngày xưa và lời chị hát những đêm cùng về qua bãi trăng. Cái bãi cát luôn dụ dỗ tôi buông người xuống ngủ ngon lành bất cứ lúc nào thời còn là chú nhóc. Mai tôi sẽ xuống phố tìm mua chiếc trống da trâu về ra biển gõ ba ngày ba đêm, không phải để xua tan cơn ngủ chết người bởi nọc độc con đẻn* chạy vào tim không còn thuốc giải mà để đánh thức tôi ra khỏi cơn mộng mị bây giờ. Cơn mộng mà bao năm sống trên Cao nguyên tôi không làm sao thoát khỏi như một dại khờ tự tại. Trên kia cuộc sống vỉa hè vẫn tưng bừng dưới ánh đèn cao áp. Những đêm bia liêu xiêu uống với chíp chíp vẫn cứ làm tôi tỉnh. Tỉnh mà Côn chuếnh choáng phải đưa tôi qua mấy khúc quanh co về nhà chị Hân. Mấy khúc quanh rất ngắn để vượt qua mà đôi khi không được, cứ lặp lại. Những khuya, tôi đã lòng vòng mãi trên đường hẹp không tìm được lối rồi cuối cùng lại xuôi ra biển. Đời người là vậy, cứ quanh co trong ma trận của mình. Chiều qua tôi đã trèo lên xem một anh dân chài trám lại con thuyền. Thật lạ lùng khi được hít mùi dầu chai tưởng đã quên mà không thể cũng như nghe nhịp tay run lên khi lướt vào mặt ván bạc phếch ram ráp nắng gió nước mặn để biết vẫn còn cảm giác. Con thuyền gỗ và chiếc thúng chai bé bỏng đã hiếm dần ở một vùng biển mà nhà cao tầng mọc lên từng ngày rực rỡ sắc màu như nấm dại. Những chiếc xà lan và ca nô đêm đêm chạy ngang dọc rạch nát giấc mơ tôi. Ngạc nhiên và buồn cười khi anh dân chài ngỡ tôi là một du khách lần đầu tiên đến Đà nẵng. Có lẽ do tôi hỏi nhiều và có vẻ ngu ngơ. Anh đâu hay tôi từng là dân bản địa. Sao cứ vừa quen vừa lạ hở biển? Hay bởi một lãng quên. Tôi chưa một lần ra khơi nhân danh người đánh cá mà sao cứ lẩn thẩn khôn nguôi với thuyền với thúng, với lưới giăng giăng trong nỗi kiên trì vô vọng của loài còng. Biển ơi  Đừng cho tôi thấy hết tim người. Dấu vết tôi và bạn bè trôi về đâu xa lắc. Nhúm nhau kẻ về đã tan hoà trong vô biên muối mặn. Ngoài trùng dương kia bây giờ trầm tích một thời tôi. Vừa muốn tìm lại vừa muốn chối từ.

 

 

       2.  Đó là chiếc thúng duy nhất ai để lại trên bãi mà tôi tìm được suốt buổi chiều lang thang. Chiếc thúng cũ đựng nhiều lưới, dây thừng, một chiếc đèn. Mấy thứ đi biển lặt vặt và một mái chèo. Hình như là một chuyến đi gần. Một chuyến đi cô đơn. Ai rồi cũng phải một chuyến đi. Lắm khi nơi đến không định mệnh bằng con đường. Con đường tôi đi đã dần xa biển. Tôi bấm mấy kiểu ảnh. Loay hoay với cái trò giả vờ neo giữ thời gian. Núi đã neo giữ tôi rồi. Làm sao biển? Tự dưng muốn gào lên cho đã nư, muốn hét lên át sóng. Thì thôi đành bám vào be thúng cố xoay một vòng, để nghe cát lún dưới chân, nghe chìm xuống lênh đênh. Lại thấy mình là chú nhỏ quần xà lỏn đen nhẻm chạy về trú trong lòng mái thúng một chiều mưa ấm, một trưa bỏng chân trần và chiếc thúng lại chở đầy ắp giấc mơ tôi phiêu du trên sóng những khuya không lời. Bây giờ tôi biết trú ẩn đâu giữa gió chiều rợn ngợp? Gió cứ chạy ngược xuyên qua tôi tàn bạo. Nghe máu mình đông lại. Nghe miệng đắng khô. Những chiếc thúng cứ quay tròn, quay mãi làm tôi chóng mặt. Biển cũng quay tròn rồi oà đổ vào tôi bao nhiêu con sóng xanh thiên lý, dịu dàng xô tôi ngã vào buổi chiều hoa muống tím để cát cuốn tôi đi.

 

      Tiếng guitar rủ rê tôi nhập bọn cùng mấy cậu trai đang hồn nhiên hát trong tối. Hình  như là một cuộc chia tay. Thật đẹp. Rượu trong túi ni lon, đĩa mực cơm và rau thơm. Một cái ly trên cát. Uống vòng quanh. Mấy que củi cố cháy lên bập bùng vẫn không soi tỏ mặt. Giai điệu của pop và rock giữa khuya nghe chơi vơi. Nghe núi chìm. Nghe biển cạn. Bị ấn cây đàn vào lòng và tôi hát. Niệm thường kêu đau đầu vì những bài hát nhưng tôi không hát thì tôi buồn đến chết. Rằng tôi có thể quên nhiều nhưng không thể quên cái cảm giác bồng bềnh rượu khi hát giữa trời bãi khuya. Cuộc say cứ vòng quanh còn lời ca thì trôi xa mãi. Những bài hát cũ một mình tôi, những bài xưa của thập niên những năm sáu mươi. Mấy cậu bé đã co lại và im lặng tự bao giờ. Tôi thấy ân hận vì đã làm họ buồn. Giữa chúng tôi là một khoảng cách thế hệ. Tôi đã làm họ buồn, biết đâu cả biển. Còn tôi thì đâu chỉ buồn một đêm nay. Cái xóm biển Thanh Khê bỗng rực rỡ lên trước mắt những con phố đẹp đến không ngờ nhưng sao với tôi vẫn không bao giờ là phố được.

 

      Khi tôi về thì cơn bão biển đã đi qua. Nỗi kinh hoàng còn lại. Những cái tên Chanchu, Xanagsane** nghe như từ một cõi lạ mà đầy tai ương. Bao nhiêu là nước mắt. Ngày nhỏ mẹ đọc ca dao: Lấy chồng làm ruộng em theo/ Lấy chồng làm biển hồn treo cột buồm. Bây giờ thì tôi hiểu hồn treo cột buồm là gì rồi. Người có phụ biển không mà sao biển lại phụ người?  Người ta đi biển có đôi còn những người đàn bà biển ở cái xóm chài này được mấy lần ra khơi với chồng mà nay thành goá bụa? Trong cái miên man tím đầy của núi xa tôi nghe rõ mồn một lời tụng ca ngày xưa những cô gái ở bến trăng vút lên giọng terno cao. Lời tụng ca và những bông hoa đỏ thả xuống vực làm tôi tin sẽ chiêu hồn cho người mất. Tóc đen. Da nâu. Mắt nhỏ. Con gái biển thường đi chân trần ra bến. Tôi nghĩ trời sinh con gái ra để đi chân trần vì đôi gót hồng rất đẹp nhưng con đường đêm nay lổn nhổn gạch vỡ làm tôi đau. Gạch vỡ từ những ngôi nhà trong vùng giải toả đổ ra đường. Để ra được đến biển tôi và Niệm phải đi qua những ngôi nhà gạch vỡ. Chỉ còn trơ nền hoặc đập dở dang. Màu gạch tươi roi rói như màu son môi lần đầu e ấp. Niệm ngơ ngác vì những khoảng trống lộ ra từ những ngôi nhà, mặc dù tôi nói cho em hay mai mốt nơi đây sẽ là những con phố đẹp hơn bây giờ. Mà Niệm vẫn cứ buồn. Đôi khi người ta không dễ dàng chấp nhận một đổi thay dù chỉ tạm thời. Tôi biết nỗi buồn Niệm sẽ qua nhanh, dù thảng hoặc có trở về. Bàn chân em bước nghiêng cứ nhón lên như mỗi lần giẫm phải xác những con sứa lửa mỗi mùa đông sóng đánh dạt vào bờ. Còn những ngôi nhà gạch vỡ sẽ xây mới, sẽ nhỏ lại, chen chúc rồi trồi dần lên cao. Trong biến thiên ấy ngôi nhà xưa tôi đâu? Ngôi nhà cô độc, lãng quên và phiêu dạt đêm đêm lại hiện về mát lành như suối tưới. Những ô cửa gỗ sơn xanh phủ bóng dừa cứ trổ ra phía biển làm tôi ngân vang tiếng sóng suốt thời thơ dại. Nửa đêm thức giấc có con cá chuồn bay lênh đênh trên đỉnh sóng. Vẻ cô đơn làm tôi nhớ đến người đàn bà khóc chồng trên biển. Bó hương cháy đỏ. Ơi hời. Những đôi yêu nhau ra biển để hẹn thề hoặc tan vỡ. Nước mắt nhỏ xuống. Nước mắt sáng mai sẽ không chịu tan mà vĩnh viễn kết thành nỗi buồn trên cát, như ngọc. Người ta nói  tình yêu cũng giống như vốc cát trên tay. Mở ra thì còn đầy. Nắm chặt lại sẽ tuột dần đến hết.    

 

      Tôi đi tìm ngôi chùa có cái tên Hải Triều Âm nghe như tiếng biển vọng. Phố đã rộng. Chùa được trùng tu bề thế nhưng tên chùa đã đổi. Tôi muốn hỏi ai đó về hàng mù u nơi tôi đã ngồi hàng giờ trong um tùm lá già, bên dòng sông nước lợ trước chùa chờ đàn bống ra mưa. Đàn bống không nghe lời tôi đã bơi ngược dòng ký ức và chết ở đâu đó trong thơ tôi: Hốc mưa cạn nỗi buồn bầy bống cũ. Tôi nhớ một khoảng trời bóng mát mùa hạ của mấy cây đa trái vàng rơi lộp độp trên mái quán khi lũ chim đội mũ tranh nhau ăn. Không hiểu sao cái quán nhỏ chị Hân ngồi bán bún dưới gốc đa vẫn vẹn nguyên dù đã là một người bán khác. Tự dưng nghe thèm chi lạ tô bún mắm chị ép tôi ăn mỗi lần nghỉ hè tôi về chơi. Có thêm mít luộc xắt nhỏ và đậu phộng, nhiều ớt thật cay. Ngồi chồm hổm trên ghế vừa ăn vừa xuýt xoa, nước mắt vòng quanh. Người biển thường ăn nhiều mắm. Những tô bún làm khát nước cả ngày. Trưa nắng chang chang, tôi đi tìm dòng sông bị lấp. Dòng sông nước lợ xanh biếc rong rêu ấy không kịp chờ tôi ngày về bởi nó đã chết đuối trong cát. Chết khi gần ra đến biển. Bây giờ phố mới ở ngay trên sông nên giấc mơ tôi cứ mãi chìm sâu, chìm sâu về đất. Nỗi đau làm tôi ngẹt thở. Làm tôi không còn bao giờ tìm ra bến sông để ném thia thia những viên sỏi vào buổi chiều mờ khói đến khi tay rã rời tê dại. Tôi nhớ con cá bống đen, bống vàng. Không phải con bống của Tấm biết hoá thân. Vì hoá thân là không biết chết nên chẳng làm người ta thương tiếc. Ngày xưa mẹ sợ tôi chết nước nên cấm ra sông ra biển nhưng bầy bống cứ rủ tôi trốn ra, như những người con gái rủ rê vào trò yêu có cười khúc khích, có tóc bay đêm hư ảo liêu trai, có mắt long lanh những giọt sao buồn. Những con bống của tôi biết buồn ngày mưa cạn, biết theo tôi lên Đăk Lăk trong thơ. Những câu thơ đầy rong trôi và hoa dại. Cái thuở mà tôi thường ra bờ sông chờ vớt cây rù rì trôi về để buồn và mơ vàng những bông xuyến chi mang theo suốt đời trong trí tưởng. Mỗi lần cùng say Vĩnh thường nói câu thơ tôi không chịu lớn. Ừ! Mà lớn sao được khi giữa đời sống hối hả này ai hơi đâu mà nhớ về con bống nhỏ. Tôi cứ đi tìm, đi tìm cho tôi, cho Côn, cho Huy…mà chẳng biết tìm đâu Thuở Bống là người.

 

 

       3.  Bầy tràu trảu đuôi xanh đã bỏ đi rồi. Gò hoang bây giờ thành khu dân cư. Phố đã trên sông. phố cả trên gò. Không còn ai nhớ đến giọng chim líu lo buồn trên những ngôi mộ ngày mưa. Những con chim đem lại xúi quẩy vì dám sống nơi nghĩa trang. Ai cũng lánh xa. Chỉ có chúng tôi là đợi chờ chúng bên những bụi xương rồng. Chờ bay lên để màu lông lục biếc khoảng trời. Chớp mắt đã tít mù. Nhưng bãi xương rồng sớm mai cứ nở trắng nở hồng ký ức. Tôi cúi xuống, nghe cồn cát trôi dài dưới chân, lưu lạc chùm gai nhọn làm buốt nhức tận bây giờ. Đà Nẵng làm tôi mệt nhoài vì gió. Tôi đi tìm lại những cái tên Phục Đán, Quán Cơm,  Phú Lộc. Tôi nhớ Đà Nẵng đâu chỉ nhớ phố phường mà nhớ một trưa nắng Quán Gò, nhớ sáng mịt mù mưa trên miền rừng Hoà Phú còi cọc toàn cây móc dại chi chít trái chín, ăn vào ngọt chát làm đen lưỡi tím môi. Tôi không kể cho Niệm nghe chuyện về những con kỳ nhông chạy líu ríu trên cát , về con ốc mượn hồn đêm khuya bỏ bầy đi hoang rồi khóc một mình trong tối để lại vệt chân dài trên cát mỗi sớm mai. Tôi cũng không kể ngôi trường Thái Phiên tôi học suốt thời trung học. Con đường Trần Cao Vân mưa ngập nửa bánh xe. Bây giờ ít ai hồi tưởng lại. Tôi sợ Niệm không hiểu hoặc Niệm cho tôi là kẻ đa sầu. Tôi thấy rõ ràng một biển khuya dài theo gió. Mấy chú bé soi cua bằng ngọn đuốc lốp xe đạp. Ngọn đuốc nhỏ xuống hoa lửa. Làm thôi miên những con cua mộng du đêm lạc, chúng đứng yên sát mép nước để bị bắt vừa thương vừa thích. Đôi khi trước biển một mình nhìn ra bãi Bấc thấy cả một miền tím thẫm lạ lùng. Nơi tôi chờ đợi đoàn thuyền chở củi ba tôi đi về theo những người dân chài, cứ nửa tháng một lần. Cái việc mưu sinh nhọc nhằn sau chiến tranh. Đôi khi giữa khuya nghe mênh mang, nghe rỗng lòng như con thuyền mắc cạn. Chị Hân vẫn còn nhớ tôi thích món canh cá tím nấu với thơm nên rất chìu tôi như đã từng. Tôi bỗng nhớ là từ lâu rồi tôi ít được ân cần. Món canh cá tím gợi lại thời bé và không thể cưỡng lại mình. Tôi lại hình dung và thả trôi. Biển trôi dạt còn tôi phiêu bồng. Tưởng tượng một hải đăng xám buồn đã sương mù. Những cánh hải âu trắng. Sóng xô dữ dội. Tôi bơi qua vụng biển dật dờ rong chìm để chị Hân về nhà phải chịu đòn vì để em ra sông ra biển. Tôi bây giờ không sợ chết đuối như ngày xưa nhưng cũng thành trôi sông lạc chợ lâu rồi. Miền mộng tưởng của tôi xanh ngắt. Đã di trú về đâu? Còn chị Hân giờ vẫn chưa hết tảo tần …    

    Tôi thường dội lại nước lạnh bên giếng nơi góc sân nhà chị Hân sau mỗi lần tắm biển. Giếng trong tận cát. Nước ngọt lành vẫn không làm hết cảm giác mặn trên da. Mái hiên nhà đã bị cơn bão tốc bay làm tôi bây giờ đứng giữa ngập nắng. Quần áo trên dây phơi bay phơ phất, màu tươi vui như thủa chị Hân chưa có chồng thường hay phơi áo và hát một mình. Tóc bay trong sắc màu thật đẹp. Bây giờ vạt tóc chị đã bới cao theo những gánh hàng ra chợ từ ba giờ sáng. Nỗi niềm chị gánh một vai. Một cho chồng cho con. Tôi không biết làm gì cho chị. Hình như những người con gái chỉ phơi áo và hát có một thời. Tự dưng nhớ câu thơ cũ: Em mười sáu tuổi trăng mười sáu / Áo lụa phơi buồn sân gió xưa. Trăng xưa sân gió tôi còn. Áo lụa đã mù phương.

 

 

      4.  Hàng cây nhạc nhựa choàng tay nhau khóc trong mưa buổi sáng, buổi chiều đã hồn nhiên reo gió. Tôi tự hỏi bao nhiêu đời chim đã dạt gió bạt mưa về trú dưới tàn cây đêm. Lá ấp ủ chở che làm nguôi đi muộn phiền, ru ngủ để sáng mai bắt đầu cho một cuộc đi mới. Náo nức và tả tơi hơn. Hàng cây theo con đường dừng lại ở khúc ngoặt nào đó còn những chú chim không già, đi mãi. Tôi sợ nhạc ngựa một ngày sẽ không reo. Lúc đó chắc tôi mang nỗi âm thầm của loài ngựa khuya qua phố. Lê thê bờm rũ vó buồn. Tôi muốn đi một mình. Ghé Cổ viện Chàm  uống ly cà phê đen một mình dưới bóng sứ. Cà phê nhạt nhưng miền hoa sứ đẹp dỗ dành. Một chút biển tan trong đá lạnh làm nhớ những lần trên phố núi, cà phê cùng Vĩnh. Im lặng, kiên nhẫn ngồi nghe Vĩnh thao thao bất tuyệt hoặc từng người đọc thơ sau khi đã uống say đâu đó. Bây giờ cũng đang im lặng. Một mình. Nghe mình cổ thụ. Nghe như bỏ phố. Phù điêu. Sông rộng. Chiều hôm. Một tôi hoá phù điêu ngồi / Một đau nỗi đá một thôi yêu người.

    Tôi đã chạm tay vào Đà nẵng một ngày mưa oi nồng và biết không bao giờ thoát ra được. Mưa như chưa từng. Nước đục ngầu xuôi. Cuốn trôi đi hết bụi bặm và dấu giày, mọi di chuyển dẫm đạp. Những nhành thiên lý pháo lả lay níu lại chút hồng trong mưa, những hoa vàng bờ phố run rẩy thả rơi về đất một tàn úa. Có bàn tay ai vẫy sau lá sũng nước làm đầy ứ nỗi buồn. Loáng thoáng áo và tóc vừa qua khuất. Những người con gái ngày xưa chiều nay rủ về che dù đi mưa nghịch nước. Hoa nước tung toé vỡ vào ngày xưa, làm tôi ướt mèm. Thôi đừng nữa môi đỏ rực, má hồng đào, thôi đừng nữa áo pun quần jean. Đà nẵng hiện đại và đẹp lên từng ngày nhưng vẫn dễ gần bởi tôi chưa bao giờ chia cách. Tôi mới đi đâu vài hôm về chứ đâu phải biền biệt quê xứ hằng bao năm. Bàn chân tôi phồng rộp vì đi bộ suốt buổi chiều. Vỡ ra rát buốt. Một buổi chiều cà phê bánh mì và nước đóng chai. Và không một tin nhắn. Ghé vội một mái hiên nhìn mưa, trăm nghìn giọt giọt châu báu. Mưa như roi quất. Tôi yêu phố vì yêu những mái hiên mưa. Nơi tôi thường nghỉ ngợi và an ủi một mình. Nơi người ta thường tình cờ trú lại, lơ đãng nhìn mưa, lơ đãng nhớ một ai đó, và thường tự hỏi về người đang co ro bên cạnh. Bây giờ hiên vắng. Chung quanh tôi vô số khoảng trống không người. Một mình tôi chiếm hữu buổi chiều. Nghe mưa và thèm một ấm nồng thời trẻ dại. Thèm ly rượu cay, một chút bạn bè. Đoá mơ hồ nào bên chân tường rêu mốc loé lên như một gợi ý mùa thu. Hoa vàng. Niệm khúc. Hoa trong mưa đã tàn. Mùa hoa ký ức tôi thì mới bắt đầu. Rất mong manh nhưng chưa một lần thoát lìa sắc cũ. Đã tàn phai. Đã lại tái sinh, xanh ngời như ngọc. Giọt mưa nào vỡ trên tóc tôi lạnh buốt, chảy trên môi tái ngắt. Giọt nào vỡ trên mùa dã quỳ Cao nguyên, vỡ tan trong tầng đêm lá đen những con đường trên núi. Những con đường quá nhiều mưa gió, sình lầy cỏ dại và hằn sâu vết xe trâu, nếu một ngày vắng bóng người là sẵn sàng hoang vu trở lại. Tôi bước xuống từ mái hiên buổi chiều. Thành phố biển bắt đầu sôi động người xe.

 

 

       5. Lâu lắm rồi tôi chưa đi một chuyến xe lửa. Thỉnh thoảng vẫn còn nghe tiếng còi đêm vào ga hụ trong ký ức. Bây giờ cái ga xếp Thanh khê đã được xây mới lại. Chuyến tàu bắc nam mỗi ngày đi qua đều dừng lại mấy phút. Mấy phút cho một tiễn đưa và sum họp. Làm sao tôi hiểu được những người xa lạ trên dãy toa đầy kín sau cái barrière vừa hạ xuống. Tôi thích cái cảm giác tiễn đưa. Con người ta có lúc cần phải buồn, phải vắng, đôi khi mất nhau để còn biết nhung nhớ. Tôi đã vài lần ra Huế bằng cách trốn lên tàu chợ sáng đi chiều về vì thích được lênh đênh gập gềnh mà nhìn đèo cao vực sâu, được nhìn biển từ trên cao để thấy mình nhỏ nhoi giữa muôn trùng. Như viên sõi im trên sườn dốc một ngày bật khóc. Để được ngắm đàn bò gầy trên đồi vàng khô mà nghe chút buồn du mục. Những ý nghĩ đó đã biến tôi thành gã sớm mơ mộng thuở còn rất nhỏ và đa đoan khi nửa đời vì vẫn mãi yêu sự dịch chuyển và cô đơn. Con tàu vào ga Thanh Khê đêm nay đang dừng lại. Một người bước lên. Những ai đó trở về. Đèn vàng trên áo và tóc. Ngày xưa tiễn tôi nỗi buồn chìm sâu trong mắt chị Hân. Bây giờ tôi cưỡng lại mình trước cám dỗ những toa mời gọi. Chân thì không nhưng lòng hát: Ví dụ bây giờ tôi phải đi. Một phút nữa thôi con tàu sẽ dần trôi vào tối. Tôi quay về, đầu váng vất u u tiếng tàu, nhớ những đêm uống cùng Côn và Huy ngoài bãi. Võ chai lagrue lăn lóc dưới chân theo lời Côn kể về quãng đời chìm nổi của mình.  Đi đào phế liệu. Phiêu dạt vào Sài Gòn. Có lúc lên tận bãi vàng Khâm Đức. Đi mãi rồi quay về. Những phù phiếm, ảo tưởng, kiếm tìm…đã tan theo như thành quách cát.

 

     Niệm thường trêu tôi là dân xứ mắm bởi tôi thích món bánh tráng cuốn thịt heo luộc, rau sống chấm mắm nêm. Nhậu với rượu gạo. Người miền Trung chân chất đậm đà trong cả cái ăn. Hôm vào lại Cao nguyên chị Hân nhét vào túi xách mấy lọ mắm làm Niệm giẫy nẩy. Trong trí nhớ chị Hân, vùng Krông bông của tôi chỉ toàn đồi núi hoang vu quanh năm mưa thối đất, ngoằn ngoèo con đường đất đỏ ra chợ xa ngái nên mắm dùng để ăn dài dài. Thương yêu chỉ gởi cả vào những lọ những chai. Hoá ra tôi nhớ biển một phần là nhớ những bửa ăn có mắm mặn mòi, nhớ món cá khô cá thính ăn với cơm nóng mùa biển động gió bấc lạnh cắt da. Nền văn minh siêu thị với băng chuyền và hàng hoá đóng gói có in mã vạch, vẫn dành hẳn những gian bày bán các loại mắm. Cái thức mà thiếu nó mọi thứ đều nhạt nhẽo. Ăn cũng mắm. Nói cũng thêm mắm thêm muối. Cái miệng  ăn mắm ăn muối nên nói ra những điều ý vị làm thương làm nhớ. Ôi! mắm mặn, ớt cay. Đã ngấm sâu, đã nỗi niềm. Cứ buộc người ta tìm cách quay về. Dẫu để chết.

 

     Cuối cùng rồi tôi cũng dừng lại bởi một cây cầu. Không phải cây cầu gãy trong hoài niệm mà là chiếc cầu hiện đại. Cầu Quay trên sông Hàn. Phố hai bên bờ đẹp như mơ nhưng làm sông chật lại. Không còn đàn chim về chở nắng những hoàng hôn. Ánh cao áp thuỷ ngân bắt đầu tím dần trên vai cầu. Tôi yêu những vai cầu thương nhớ. Niệm rất sợ độ cao và sợ nước nên bây giờ tôi một mình đứng ngắm sông đi. Không có Niệm nhưng có quá đông người và xe máy. Quá đông trên một chiếc cầu. Nước vẫn trôi thảnh thơi. Vô tình. Cầu quay nên tôi thấy dòng sông nghiêng mãi, tôi như cũng nghiêng theo, rơi xuống cùng những câu thơ rơi, bay phơi phới trong hoàng hôn tím dập dờn từ độ cao trên hai mươi mét và hỏi bao giờ thì mình ra đến biển?

 

 

 

·        Một loài rắn biển

 **     Tên hai cơn bão tàn phá vùng duyên hải miền Trung tháng 6 / 2006

 

 

            11/2006

     

Vũ Dy
Số lần đọc: 2709
Ngày đăng: 22.05.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa xuân mơ những dòng sông - Huỳnh Minh Tâm
Vội vàng thế sao, Chu Trầm Nguyên Minh ! - Phan Chính
Lời cảm ơn muộn màng - Ban Mai
Đầu Xuân - Biết Thở để sống Thọ - Nguyễn Nguyên Phượng
Mùa xuân trên đỉnh bình yên - Huỳnh Minh Tâm
Xuân Ngọ về, Mã Đáo Thành Công! - Nguyễn Nguyên Phượng
Chuyện về Ngựa và chuyện đời Thúy Kiều - Nguyễn Nguyên Phượng
Mạn Đàm chuyện Đổi Tết Dời Xuân - Trần Kiêm Ðoàn
Hồn biển Đông - Phan Trang Hy
Và mỗi lần noel đến - Phan Trang Hy
Cùng một tác giả
Miền hoa dại (truyện ngắn)
Nợ (thơ)
Mưa mùa thu trên núi (truyện ngắn)
Rừng ? (thơ)
Cát đợi (truyện ngắn)
Lấp lánh trăng thu (truyện ngắn)
Xâm thực anh (truyện ngắn)
Mất tích (truyện ngắn)
Chảy (thơ)