Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.711
 
Mưa mùa thu trên núi
Vũ Dy

                                                                             

 

 

       1.

     " Hát bài gì đi nhỏ!" Tiếng anh như từ một cõi xa vọng lại. "Bài gì anh Đông?" Đông im lặng. Cây guitar trong tay anh ngân lên điệu slow lao xao như mưa. Đông dạo sol trưởng thay vì fa trưởng . Một tình khúc của TCS mà tuổi hai mươi bây giờ thường không biết. Tôi biết Đông buồn. Và tôi hát. Chơi vơi như mọi khi. Tôi hát cho nỗi buồn của Đông hơn là cho Đông. Tôi thường giận anh vì dưới mắt anh tôi chỉ là con bé ngốc nghếch, đen đúa và "không bao giờ hiểu được chuyện người lớn". Hôm nay là ngoại lệ. Tôi nghe giọng mình tan ra thiếu âm sắc và hơi lạc lõng:" Môi người thôi những âm ba, một lời tình cuối vu vơ, một ngày tình xót xa vừa..." Nghĩ cũng buồn cười. Đông đang nẫu ruột mà tình cũng chỉ xót xa vừa thôi ư! Đôi khi tôi hiểu Đông hơn anh tự hiểu mình. Ít ra trong lúc này. Lạnh lùng, phớt đời, Đông luôn giấu mình trong vẻ ngoài chết người ấy. Và bây giờ khi còn lại hai người, Đông im lặng tưởng như không có tôi bên cạnh. Tôi giống con barbie biết khóc cười khi có bàn tay người điều khiển. Như con barbie tóc nâu Đông mua ở một thương xá nào đó đem về tặng tôi trong chuyến đi chơi xa nơi thành phố phương Nam. Tôi - một cô gái sắp vào đại học mà vẫn còn được tặng thứ đồ chơi bằng nhựa và được gọi là nhỏ. Người đàn bà duy nhất của Đông đã bỏ anh đi trong chiều nay. "Về thôi nhỏ. Cảm ơn bài hát." Đông treo cây đàn lên giá phòng vẽ nói mà không nhìn tôi. Trong nhập nhoạng tối những mảng màu từ các bức vẽ trông hư ảo. Những chân dung thiếu nữ cổ dài, vai gầy guộc, khăn và tóc bay của anh bỗng trở nên tím thẫm, ma quái. Tôi không thích chút nào cái không khí này nên ấn công tắc đèn. Căn phòng bừng sáng. Lần đầu tiên tôi thấy mắt Đông buồn. Chúng tôi bước ra. Lúc leo lên ngồi phía sau xe Đông tôi mới hay vạt cỏ ngoài hiên đã ướt đẫm mưa.

 

     2.

     Buổi sáng trời xám xịt, mưa nhỏ. Ở Cao Nguyên này người ta đã quá ngán ngẩm vì mưa. Mưa gần hết nửa năm. Thối đất, lầy lội và ẩm ướt. Từ ngày Thụy bỏ về nghe đâu ở một thành phố biển miền Trung thì lớp dạy vẽ của Đông cũng mở cửa bữa đực bữa cái. Có tuần không thấy bóng Đông. Học tró có mấy đứa mà nghỉ dần. Chỉ còn tôi. Tôi biết Đông đi uống rượu cùng tụi bạn văn nghệ của anh ở một xó xỉnh nào đó. Lũ bạn lập dị đến độ hồn nhiên luôn rủ rê anh vào những cuộc say nhảm nhí. Và tôi cứ được nghỉ dài dài hết dần những ngày hè tháng bảy. Đông không quên được Thụy, còn tôi thì không thể làm gì cho anh. Ở cái thị trấn này bao cô gái mê Đông vì Đông tài hoa. Đàn và hát hay. Dáng cao tóc dài. Một chút bụi bặm và mắt cười có nắng. Đông dửng dưng với tất cả và chỉ qui hàng trước Thụy. Đông thường chở Thụy trên chiếc xe máy cà tàng chạy qua con đường nhựa duy nhất của phố huyện, áo bay trong chiều trước con mắt hờn ghen của nhiều cô gái. Thụy là nhân viên ngân hàng, tóc dài mộng mị như trong một phụ bản ngày xưa của Đinh Cường. Còn Đông thì mơ mộng và ghét những gì quá thực tế.

 

      3.

      Đông hẹn đưa tôi đi mua báo cũ. Ở phố nhỏ này rất thiếu cái để đọc. Mà đặt báo dài hạn thì tôi không thể. với lại tôi là con mọt sách nên cách tốt nhất là mua báo cũ của mấy bà bán tạp hoá trong chợ. Năm nghìn một cân tha hồ đọc. Đông nói đó là cách tiếp cận thông tin hiệu quả nhất tuy hơi chậm. Tôi thích sưu tầm những tranh ảnh đẹp ở các tạp chí và ghiền nhất là các truyện ngắn đăng trên tập san. Mà truyện ngắn thì có bao giờ cũ. Hôm nay trông Đông chỉnh tề hơn. Quần ka ki, áo sơ mi lam đen tém thùng. " Lên xe đi nhóc!". Tôi ngồi sau anh. Xe chạy giữa phố lạnh ban mai xanh mướt bóng cây. Ngang qua những quán cà phê loáng thoáng tiếng ai gọi Đông lẫn trong lời một bài tình ca quen. Cố tìm chút cảm tưởng mình là Thụy mà không thể cũng như không thể tưởng tượng được cái kết cục của chuyện tình đẹp giữa hai người. Bà chủ tạp hoá đưa ra hàng đống giấy, mĩm cười chào hai khách hàng đặc biệt rồi hỏi:" Cô Thụy đâu không đi?". Tôi nhìn Đông chờ đợi dù biết rằng anh sẽ lặng im. Cả hai chọn được một lô lốc tạp chí cũ vừa ý. Hình như chỉ còn tôi là người duy nhất ở đây tìm mua thứ hàng kỳ quặc này. Lúc trước còn có Thụy. Như một ám ảnh, Thụy đi rồi mà vẫn hiện diện đâu đó giữa tôi và Đông.

 

       4.

       Anh đến khi tôi đang cắt dán những bức ảnh đủ loại vào bộ sưu tập khá dày của mình. Tôi thường khoe với Đông rằng tôi cũng có một gallery không thua gì phòng tranh của anh. Tôi vốn yêu những trò chơi sắc màu và đôi khi tự hỏi mình đi học vẽ là vì đam mê hay vì Đông. Có cảm giác ánh nhìn Đông giễu cợt tôi bởi cái trò cắt dán trẻ con. Đông bày tôi cách trang trí cho đẹp mà vẫn theo chủ đề. Cách viết những tiêu mục tươi tắn mà không quá sặc sỡ. Một lần tôi làm sai Đông buột miệng:" Ngốc ạ! y như Thụy". Rồi im bặt. Tôi không dám hỏi anh chơi thân với tôi vì tôi giống Thụy hay không giống Thụy. Thụy dịu dàng và dễ thương hơn tôi nhiều nhưng ít ra tôi sẽ không như Thụy là bỏ Đông đi theo một tình yêu khác như lời Thụy nói với tôi lần gặp nhau sau cùng. Tôi biết anh lỡ nhắc đến Thụy trong lúc sự hiện hữu của Thụy đã nhiều quá rồi trong anh với những ý tưởng buồn như bầu trời mờ đục trên hàng cây muồng rũ rượi vì mưa ngoài xa mờ. Lúc ra về anh dặn tôi ngày mai đến lớp. Đông nói sẵn sàng dạy lại những bài vẽ mà những ngày qua anh không hướng dẫn được vì "bận". "Bận say phải không?". Tôi buột miệng. Đông nhìn tôi rồi cả hai cười phá lên. Một trận cười hiếm hoi trong ngày u ám mưa nghe tan vèo đâu đó tức khắc. Đông khoác áo mưa châm thuốc lặng im thở khói. Anh búng tay. Que diêm hồng chạm mưa tắt ngấm như một sự biến mất. Mùi diêm thơm quen thuộc lẩn quẩn nơi bậc cửa. Qua làn khói tôi cảm tưởng Đông vẫn cách xa tôi khủng khiếp dù biết đưa tay ra là tôi có thể chạm vào chiếc  áo còn sũng nước mưa của anh và cả câu nói "Anh về nghe nhỏ".

 

       5.

       Nơi Thụy ở là căn nhà gỗ màu trắng quen thuộc trên đồi. Mùa mưa trở nên xám buồn. Khuất lấp trong vườn cây như một ảo ảnh mù mờ. Cỏ mọc hoang dại. Phía trước là một đoạn rào gỗ cố ngoi lên giữa đám cỏ gai rậm rịt. Mới hơn tháng vắng hơi người đã lên vẻ hoang vu. Đông mở cửa. Tôi lách vào trong khi Đông đứng im nơi hiên ngoài nheo mắt  nhìn đăm đăm khu vườn đang vàng rực lên dưới nắng của buổi chiều hiếm hoi trong suốt những ngày mưa trên núi. Hồi lâu anh bỏ ra ngồi chỗ mấy chiếc ghế làm bằng thân gỗ to cắt ngang đặt dưới bóng cây ngọc lan xanh già. Hơi nước những ngày qua bốc lên từ mặt đất rụng chi chít trắng vô số búp hoa thon màu sữa thoang thoảng làm gợi mùi thơm thơ bé, đôi khi nồng nàn quá trở nên hăng hắc buồn. Căn phòng vẫn y nguyên như buổi còn tôi và Thụy lần cuối. Nhiều chỗ mốc trắng vì hơi mưa lạnh lẽo như từ lâu lắm Thụy chưa từng ở đây. Vật trang trí duy nhất trên vách là bức tranh của Đông vẽ người con gái với đôi tay dài quá khổ, có khuôn mặt trẻ thơ dịu dàng phảng phất chút u sầu đang nhìn nghiêng về một miền chấp chới tựa hoa vàng. Tôi tự hỏi có phải Thụy không ? Hay chí ít cũng là những hình dung của tôi về Thụy trong những liên tưởng mơ hồ về một nỗi bất an không định hình. Một bông vàng khô quắt trong ly. Cả bọn đều yêu hoa vàng bởi cùng một tiên cảm không lời nào đó đối với màu hoa rực rỡ của tuổi mười lăm dại khờ cứ thả trôi cơn mơ của mình vào những chiều đông mà chưa bao giờ muốn quay lại. Tôi cố nhớ lại những lần trong căn phòng này. Ba người khi Đông và Thuỵ có niềm vui quá lớn muốn san sẻ. Có lúc chỉ hai chúng tôi khi Thụy muốn tỏ bày một thầm kín với tôi về Đông rồi cùng cười ngặt nghẽo.

 

       Tôi với tay lấy một cuốn sách trên giá. "Hoàng tử bé" của Sanint Exupéry. Ngày xưa hai đứa gần như thuộc làu. Sách ẩm bốc lên mùi mốc. Tôi thích nhất là Sanint Exupéry và Antol Frăngx. Cả hai đã từng yêu cậu bé tay đút túi, cặp sách trên lưng ngang qua khu vườn luycxăngbua trong vẻ đẹp đìu hiu đầy lá rụng trên vai các pho tượng trắng mà ngùi nhớ tuổi thơ. Tôi kéo ngăn bàn khép hờ. Một vài vật linh tinh và hai đĩa nhạc. Trong cùng một quyển vở ghi bìa da còn mới, một tờ giấy rơi ra hờ hững. Mấy dòng không thể tin đập vào mắt. Cancer. Trần Mai Thụy. Tôi bàng hoàng đọc lại những con chữ tàn nhẫn trên tờ phiếu ghi một kết quả sinh thiết. Mắt tôi mờ đi... Tôi xô tung cửa sổ. Tiếng lề khô khốc rít lên nghe ghê rợn. Sao lại là Thụy mà không phải một ai đó xa lạ với tôi và Đông. Mảng nắng vàng rơi vào căn phòng cô đơn như vệt màu lạc lõng trên bức tranh tối buồn. Có một khoảng tôi không điều khiển được ý nghĩ của mình. Tôi chợt nhớ lại dáng vẻ gầy xanh và những lần đi thành phố gần đây của Thụy mà đơn giản cho rằng đó là hệ quả của công việc quá mệt mõi. Giờ thì Thuỵ đã chạy trốn như con thú cùng đường chạy khỏi khu rừng khi nỗi chết đã làm tổ ngay trong cơ thể. Tôi nhắm mắt. Cố không khóc. Rồi tôi nhớ lại những lần Đông chở Thuỵ xuyên qua những chuyến mưa và tiếng Thụy cười giòn tan như pha lê vỡ rơi theo suốt con đường ngược chiều tôi đi học về mà không biết mình vui hay buồn. Những sáng cả bọn nghêu ngao ở phòng vẽ của Đông với cây đàn guitar cũ. Những buổi tối ngồi nhai ngô nướng quanh bếp lửa nhà Thụy nói chuyện tào lao nghe mưa reo trên những tàu lá chuối sau vườn. Rồi những lần đi mua báo cũ. Tất cả trở nên lờ mờ, nhoè nhoẹt và không có thật nhưng dai dẳng như kỷ niệm. Tôi không thể hình dung về sự biến mất của một con người từng là thân thiết nhưng tôi hiểu những ngày vui đã qua nhanh. Phía dưới kia là một vùng nắng đẹp nao lòng với những mái nhà lô xô. Xa hơn nữa là đỉnh trời hoang trắng mờ. Tất cả không hề ăn nhập gì đến tôi. Ngoài kia tôi vẫn để Đông ngồi một mình. Trong bụi hồng khẳng khiu bên hè một nụ vừa nhú lên, lờ mờ đỏ trong lá xanh, đơn côi nhưng tràn trề sức sống. Đời sống thật lạ lùng. Cứ âm thầm bền bĩ như mạch nước trong khe đá sau đồi nhà Thụy. Trong vắt, ẻo lả, mỏng manh tưởng sẽ cạn nhưng không bao giờ kiệt để cạn đi cho được dù có khi mùa khô kéo dài hàng mấy tháng liền.

       6.

       Tôi thường ghé phòng vẽ của Đông bất cứ lúc nào tuỳ thích. Kể cả những thời điểm mà chủ nhân có thể khó chịu nhất. Đó là một ưu tiên. Nói là phòng vẽ cho oai chứ thực ra là nơi vừa làm việc vừa dạy vẽ và ở lai buổi trưa của Đông, có khi qua đêm. Những bức tranh thiếu nữ không nhiều lắm treo lộn xộn trên tường. Rồi giá vẽ, màu bột, màu nước để lẫn lộn với những lon sơn to nhỏ. Cơ man là cọ ngắn, cọ dài, panh xô. Nhứng biển quảng cáo dài suốt căn phòng. Những tấm biển singal hai mặt được kẻ đầy tên các món nhậu từ bình dân đến những món ăn sang trọng. Ghế và các thứ khác tôi không biết dùng để làm gì? Thụy gọi đây là siêu thị mi ni còn tôi kêu là"tạp pí lù". Đông rất thích cái tên này cũng như tôi thích cái kiểu dạy vẽ tài tử không chút sư phạm của anh. Nó rất khác với mấy cuốn sách học vẽ mà anh bắt tôi đem về đọc.

      Lúc tôi đến Đông đang kẻ những nét cuối cùng của tấm biển quảng cáo. Công việc mà anh coi thường nhưng không thể bỏ vì cần có tiền. "Phải làm xong hôm nay. Mà sao đến sớm vậy. Bộ sưu tập đến đâu rồi ?". Đông vuốt ngược mái tóc loà xoà trước trán, cử chỉ duyên dáng tự nhiên. Kể từ khi Thụy ra đi, Đông trông già thêm. Râu ria lởm chởm  nhưng không còn vẻ tuyệt vọng. Tôi pha cà phê cho Đông. Ít đường như thường lệ. Tiếng thìa va lanh canh vào cốc nghe vui vui giữa một buổi chiều. Đông hít hà " Thơm quá!",

 

 

chúng tôi uống chung như hồi còn Thụy. "Ngày mai anh đi Đà Nẵng. Thụy một mình và đang rất cần đến anh". "Xe chạy lúc 7 giờ ", không cần tiễn đâu". Đông nói tiếp sau một quảng im lặng dài. Tôi đã đợi câu nói này hay một điều gì tương tự nơi Đông từ hôm chúng tôi ở nhà Thụy về. Tôi đã không công bằng khi giận Thụy và cứ thấy lòng không thanh thản dù không nói ra điếu đó với Đông. Chơi với Thụy từ bé đến giờ mà tôi vẫn không hiểu hết người chị họ của mình. Với Đông, tôi mãi chỉ là một cô bé bướng bỉnh, ngông cuồng, thỉnh thoảng trốn học đến thăm anh và chỉ biết chơi trò cắt dán trẻ con của học sinh tiểu học. Đông đến bên chiếc ghế xếp ngồi nhìn ra đường nắng. Dáng buồn và cô đơn. Buổi chiều đông người qua lại. Trông anh như đang chờ đợi. Anh đốt thuốc. Gió lùa từng vạt khói loang thơm căn phòng ấm cúng như lúc còn ba người với nhau. Tôi bước ra theo, khẽ chạm vào bàn tay còn dính những vệt màu sơn của Đông. Im lặng. Khi tôi chào Đông về anh đưa tôi chiếc chìa khoá phòng vẽ và bảo tôi thỉnh thoảng ghé qua. Nấn ná một giây. "Anh có về lại không ?". Cuối cùng rồi câu hỏi cũng thốt ra, rơi thảng thốt như một niềm hối tiếc. Đông nhìn vào mắt tôi. Trong mắt anh, tôi thấy nắng buổi chiều vẫn chưa tắt hết. Thật lâu rồi Đông khẽ nói: "Em còn trẻ con lắm Nghi ạ. Đây là nhà của anh mà." Tôi nghe một sự oà vỡ và nguôi đi rất nhanh. Lần đầu tiên sau bao năm là bạn, Đông kêu tôi bằng em. Cũng có thể là tiếng kêu em duy nhất sau cùng. Tôi không biết Đông có quay về hay không nhưng tôi biết mình sẽ chờ đợi. Và trong tâm tưởng tôi, một điều gì đó vừa mất đi để sinh hạ một điều khác mới mẻ hơn, mơ hồ nhưng chắc chắn. Như những ngày mưa mùa thu lê thê rồi sẽ hết.

 

         Krông Bông, 02/2003

                                                                              

                                                                                    

                                                                                                                            

                                                                            

 

 

Vũ Dy
Số lần đọc: 2686
Ngày đăng: 01.07.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện tổ quốc moving bất thành - Đỗ Quyên
Lớp học Tiếng - Nguyễn Hồng Nhung
Án văn - Trần Văn Bạn
Kịch - Trần Thái Hưng
VIP - Minh Thuỳ
Xóm Cô Hồn - Kha Tiệm Ly
Chị của Bố - Nguyễn Hồng Nhung
Sa ngã . - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Cô Ba - Bùi Thanh Xuân
Hay mình khóc một lần cho quên hết - Thiện Phạm
Cùng một tác giả
Miền hoa dại (truyện ngắn)
Nợ (thơ)
Mưa mùa thu trên núi (truyện ngắn)
Rừng ? (thơ)
Cát đợi (truyện ngắn)
Lấp lánh trăng thu (truyện ngắn)
Xâm thực anh (truyện ngắn)
Mất tích (truyện ngắn)
Chảy (thơ)