Truyện Kim-Các-Tự, bản dịch của Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh, xuất bản năm 1970
Hình chụp Kim-Các-Tự ngày 12 tháng 10 năm 2013
Câu truyện hỏa thiêu Kim Các Tự rực rỡ; nhà văn Nhật tiếng tăm tự sát theo lối võ-sĩ-đạo; những điều ấy khiến ta không thể không đề cập đến Thiền, Nội tâm Đông Phương, khi có đôi điều nghĩ đến hoặc bàn luận đến tác phẩm hỏa thiêu “Kim-Các-Tự” của nhà văn Yukio-Mishima. Đọc trên internet, người viết bài này thấy có hai bài giới thiệu làm cho ta biết rõ cái đẹp về Thiền kiểu các công-án (Tác giả Đào Thị Thu Hằng gợi nhớ và làm rõ lời của D. Suzuki: “Công án Thiền là một luận-đề, môt câu nói hoặc một bài toán các Thiền sư trao cho học trò để giải quyết và giải quyết được là kiến chiếu được nội tâm…”). Bàn về Thiền thì có quá nhiều sách vở, nếu muốn viết cho đầy đủ sẽ dẫn đưa ta vào một cuộc phiêu du kiến thức, đòi hỏi rất nhiều công phu đọc và kể lại: vì vậy người viết tóm tắt những điều về Thiền liên hệ đến tác phẩm hỏa thiêu “Kim Các Tự” mà tác giả Đào Thị Thu Hằng đã nêu ra đầy đủ trong bài “Kim Các Tự-Một Công án Về Cái Đẹp Của Yukio Mishima” (đăng trên mạng điện tử “inas.gov.vn” - Institute for Northeast Asian Studies). Cần biết thêm về các tác phẩm của một số tác giả Nhật khác, cũng lại là một công phu nữa, vì vậy người viết bài cũng nhờ vào vài đối chiếu đã nêu ra trong bài “Mishima Yukio: Phượng Hoàng Bay Lên Từ Kim Các Tự” của tác giả Hoàng Long đăng trong VietNamNet. Nội dung nổi bật thứ hai trong tác phẩm là những phân tích tâm-bệnh-lý của nhân vật. Thông thường, ta có cảm nghĩ đầu tiên về một tác phẩm lớn nhất của một nhà văn: nhân vật chính trong đó phải là hình ảnh hóa thân của tác giả. Nhưng theo thiển nghĩ, tác giả Yukio Mishima hoàn toàn khác hẳn với nhân vật chính là chú tiểu Mizoguchi trong tác phẩm này, cả về hình dạng, thân thế và cá tính. Trong khi chú tiểu xấu xí, mắc tật nói cà-lăm thì Yukio Mishima là môt thanh niên có ngoại diện dễ nhìn, chắc không có khuyết tật nào. Trong lúc chú tiểu xuất thân từ gia đình tuy cha là một nhà sư thuộc một ngôi chùa nhỏ, nhưng mẹ không phải là người tốt; còn tác giả Yukio Mishima thuộc gia đình quyền quý trong triều đình Nhật Hoàng. Trong khi chú tiểu Mizoguchi bỏ ý định chết sau khi phóng hỏa đốt chùa vàng Kim Các Tự; thì tác giả Yukio Mishima tự sát theo lối Võ-sĩ-đạo Samurai sau khi mưu định đảo chánh thất bại. Nhưng tác giả đã bỏ rất nhiều công phu viết tác phẩm này sau khi xảy ra sự kiện có thật tại Nhật năm 1950: một chú tiểu hỏa thiêu Kim Các Tự, di tích rất quý được xây dựng năm 1397 (thế kỷ 14). Chùa vàng mà vòng du-lịch nào đến Nhật đều có ghé qua vì nó nằm trong quần thể đi đến toàn bằng đường bộ: Tokyo - Kim Các Tự ở Kyoto - Đi xe lửa cao-tốc Shinkansen - cổ thành Osaka - Cầu dài bắc qua biển ở Kobe - hồ Ashi dưới thung lũng Phú Sỹ Sơn… Nhưng ngày nay, chùa vàng mà ta trông thấy trước mắt đó chỉ là bản sao, vì nó hoàn toàn đã bị cháy rụi năm 1950. Mẹ của chú tiểu gieo mình vào xe lửa tự sát sau khi biết con mình đốt chùa. Và chính phủ Nhật không còn công nhận Kim Các Tự xây dựng lại đó là quốc bảo, dù cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc Unesco vẫn xếp hạng Chùa Vàng vào di sản văn hóa thế giới. Nhận ra đây là hậu quả của một trường hợp tâm bệnh, nhà văn Yukio Mishima đã nhiều lần đến khám đường tìm hiểu tâm hồn chú tiểu thủ phạm (tên Hayashi Yoken). Qua thú nhận có tính chất tâm sự của thủ phạm, những nhân vật trong truyện cũng là những người có thật liên hệ đến thủ phạm, như Lão Sư Phụ có mặt trái tồi tệ ở ngoài đời tên là Murakami Jikai; và cô gái điếm làm chú tiểu thoát khỏi tình trạng “bất lực do tâm lý” là Heya Teruko. Tác giả đào sâu về tâm-bệnh-lý theo phân tích cặn kẽ kiểu Tây Phương, mặc dù mô tả phức tạp kiểu Đông Phương qua các diễn biến gặp gỡ và tình tiết câu chuyện. Để tránh sự gán ghép về tính phân tích cặn kẽ kiểu Tây Phương ấy, người viết bài này nghĩ có thể trích dẫn minh thị. Thủ phạm được giảm tội do xét thấy bị bệnh tâm thần, ra tù năm 1955 và mất năm 1956.
Những cái Đẹp theo công án Thiền thấy trong tác phẩm hỏa thiêu Kim Các Tự, nêu ra trong bài trên của tác giả Đào Thị Thu Hằng, xin làm sáng rõ bằng những đoạn trích dẫn văn của Yukio Mishima trong dịch-phẩm “Kim-Các-Tự” do Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch và do nhà xuất bản An Tiêm ở Sài Gòn ấn hành năm 1970. Nhưng trước hết, ta cần biết qua về cốt truyện. Giản dị: Đây là truyện một chú tiểu xấu xí và có tật nói cà lăm, âm mưu đốt chùa vàng Kim Các Tự. Chú có ý định tự sát trong cuộc hỏa thiêu, nhưng sau lại đổi ý, muốn sống. Tình tiết về cốt truyện để thấy nhiều mặt trái của cái Đẹp làm liên-hệ với Tâm-Bệnh-Lý, và những cảm-thức cái Đẹp khi thế này khi thế khác khiến ta liên-hệ tới Công-Án Thiền; vậy cốt truyện chi tiết đó xin trình bày như sau: Chú tiểu Mizoguchi có cha là một nhà sư đang trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ miền núi. Cha mắc bệnh lao. Mẹ là một người nông phu. Chú có tật nói cà lăm, ngoại diện xấu xí. Thần tượng tình yêu của chú là cô nữ sinh Uiko, nhưng cô không thích chú, lại còn châm chọc tật cà lăm của Mizoguchi khi chú chận xe đạp, lắp bắp nói không ra lời để tỏ tình. Thay vì đau khổ, chú nguyền rủa cho Uiko phải chết. Uiko có người tình nhân là một quân nhân Hải quân đào ngũ, đang trốn tránh trong một ngôi chùa. Uiko đã có thai với người ấy. Một ngày kia, hiến binh Nhật dò manh mối nơi ẩn trốn của người lính đào ngũ. Uiko phản bội, chỉ điểm, và hiến binh dùng Uiko để nhử người lính lộ diện. Biết bị gài bẫy, người lính bắn chết Uiko rồi tự sát. Uiko là cái đẹp thứ nhì bị phơi bày mặt trái trong đời của chú tiểu Mizoguchi. Còn cái đẹp tôn quý thứ nhất bị phơi bày mặt trái là ngay từ thời còn rất nhỏ tuổi, Mizoguchi chứng kiến cảnh mẹ mình có quan hệ bất chính với một người họ hàng khi cha chú bệnh. Rồi cha chú tiểu gởi chú tòng học Phật Giáo với Lão sư phụ trụ trì Kim Các Tự, và cả cha mẹ chú cũng có thâm ý tham vọng thầm kín chú sẽ kế vị trụ trì Kim Các Tự một khi Lão sư phụ mất đi. Lão sư phụ lại là thể hiện thứ ba của mặt trái điều tốt đẹp: lão có một đời sống phè phỡn vật chất và đi lại lén lút với các gái điếm. Cùng học nơi đào tạo tu sĩ ở Kim Các Tự, Mizoguchi có người bạn chú rất thiện cảm. Người bạn này như rất hòa hợp tâm tình với chú, như tấm gương phản chiếu lại ngay tức khắc những suy tưởng còn trong mơ hồ chưa rõ nét của Mizoguchi. Bề ngoài người bạn này rất chừng mực, nhưng sau lại tự sát vì bị thất tình, một mối tình bình thường không đáng gì phải đánh đổi bằng mạng sống. Đây không hẳn là mặt trái của cái gì đẹp, mà là một những bài học ở đời: biết nhận thức thì giải quyết được những khó khăn khi ta chạm trán, không trở thành tuyệt vọng. Bài học “phải có nhận thức” do một người bạn khác của chú tiểu Mizoguchi sống ngoài phạm vi Kim Các Tự truyền cho cái kinh nghiệm ở đời. Người bạn này có tật ở hai chân, đi như đi cà khêu, vậy mà một số cô gái rất đẹp con nhà quý phái phải lòng, ăn nằm với nhau, lại còn có trường hợp hắn tống khứ các cô gái đẹp ấy nữa. Tiếp tục, Mizoguchi lại thấy mặt trái của cái đẹp. Như đây là mặt trái thứ tư: trong thời chiến khi Mỹ oanh tạc Osaka; Mizoguchi bắt gặp qua cảnh đổ nát, một thiếu nữ nặn sữa vào cốc trà cho người chồng chiến sĩ trước khi lâm trận, và người chiến sĩ đó đã tử trận. Vậy mà sau này, người thiếu phụ ấy lại là người đàn bà đang bị gã tật nguyền hai chân tìm cách tống khứ, và muốn “bàn giao” cho Mizoguchi. Còn gì hình ảnh đẹp nặn sữa cho người chiến sĩ sắp lâm trận, mặc dù dường như không có liên hệ đạo đức gì trong hai trường hợp; mà do liên hệ thứ bậc: xưa đẹp như thế mà bây giờ tàn tạ trong hình ảnh thiếu phụ bị tống khứ bởi một kẻ tầm thường. Nói thêm về việc người sinh viên tật nguyền hai chân mưu mẹo tâm lý ra sao, đây là hai trường hợp. Hắn làm bộ tình cờ ngã té trước lối đi của cô gái đẹp. Hai chân tật nguyền giúp hắn lấy cớ rên la đau đớn; cô gái phải đưa vào nhà săn sóc rồi từ từ yêu hắn (có lẽ tác giả cường điệu, ngoài đời ít khi xảy ra chuyện săn sóc người tật nguyền rồi yêu luôn người tật nguyền, mà người này thì không có tài cán gì đặc biệt). Trường hợp thứ hai do mưu mẹo tâm lý: thấy một người đàn bà chăm chăm nhìn vào đôi chân tật nguyền của mình, hắn quyến rũ người đàn bà lỡ thời ấy và người đàn bà cũng làm bộ sùng kính nghe theo lời bịa đặt của hắn (thật ra bà ta cũng ra tay quyến rũ hắn vì biết hắn có số phận không may như mình, cả hai đồng điệu do mặc cảm thua sút thiệt-thòi trong đời sống). Với bốn mặt trái như vậy, hậu quả sẽ ngưng đọng thành tâm bệnh đối với cuộc đời.
Nhận thức nhân và quả có liên hệ chặt chẽ trong vụ đốt chùa, điều này đã đưa tác giả vào điều tra tâm bệnh lý, nhiều lần đến tận khám đường tìm hiểu sâu tâm hồn của chú tiểu Hayashi Yoken (tên của thủ phạm trong vụ hỏa thiêu có thật), như vậy tác giả như một điều-tra-viên hoàn toàn không nhập thân vào tác phẩm lớn nhất này của ông. Chỉ một ít khía cạnh mang hình ảnh của ông: có vẻ nhát với gái, có khi quá ngỡ ngàng gây “bất lực tâm lý”, căn cứ vào đời sống khi còn thơ ấu sống với bà nội thuộc giới quý tộc hoàng gia Nhật; bà không cho ông ra ngoài chơi đùa với đám con trai đồng lứa, chỉ quanh quẩn với những thân-nhân nữ giới và búp bê; mãi đến 12 tuổi mới trở về sống với gia-đình mà người cha lại là một sĩ quan cao cấp trong quân đội Nhật Hoàng (lúc ấy ông mới được huấn luyện cách ăn ở nam tính, hơn nữa rất mạnh dạn theo lề lối võ biền). Vậy phần trích dẫn văn sẽ quy định làm thấy tính chất bệnh lý trong ứng phó ở đời của nhân vật chú tiểu Mizoguchi; sẽ tách ra với cảm thức thuộc suy tư của công án Thiền (tức vấn đề hay câu nói được hiểu theo nhiều cách). Vài công án có vẻ cường điệu như “Phùng Phật Sát Phật” hoặc “Hòa Thượng Chém Đầu Con Mèo”, nhưng đó là những cường điệu thuộc suy tư siêu hình; không phải bất thường có vẻ bệnh lý trong cách đối phó hoặc cư xử các trường hợp thực tế của đời sống. Ví dụ ở trong truyện có hoạt cảnh một lính Mỹ ra lệnh cho Mizoguchi đặt chân lên bụng cô gái Nhật vừa mới bị người lính này làm cho té ngửa xuống đất (cố ý làm cho cô gái sẩy thai) trong cuộc cãi vã lúc đi dạo quanh công viên. Mizoguchi thú nhận lúc ấy phải làm theo lệnh vì sợ lính Mỹ (trong đoàn quân chiếm đóng sau khi Nhật đầu hàng năm 1945), nhưng cũng cảm thấy êm ái thích thú khi đặt bàn chân lên bụng nõn nà của cô gái (“êm ái thích thú” phải chăng là tâm lý có vẻ bệnh do dồn nén của chú tiểu tu trong chùa), không biết rằng đó là mưu của lính Mỹ muốn đổ thừa cho chú tiểu làm cô gái hư thai. Khác với công án Thiền là những suy tư mang tính chất tra hỏi hoặc giải đáp những vấn đề siêu hình. Để dễ xếp đặt các công án Thiền hiện diện đó đây trong truyện, người viết bài xin quy vào những “xếp loại” đã sẵn có trong bài của tác giả Đỗ Thị Thu Hằng: -1/ Mizoguchi bị cầm tù trong vẻ đẹp của Kim Các Tự(Thẩm Mỹ chi phối tâm hồn không phải là bệnh tâm lý; xuất phát không từ ẩn ức hay bị cha nhồi sọ ca ngợi hoài Kim Các Tự; chính là do nghe thấy rồi mới tự mình đi sâu vào chiêm ngưỡng”) - 2/ Đẹp phải là trong suốt, cự tuyệt với thế gian (nàng Uiko từ chối làm chỉ điểm khi bị cật vấn thì mới có vẻ đẹp này; rồi khi đổi ý để phản bội mà chỉ dẫn nơi ẩn trốn của tình nhân thì cái đẹp này bị biến dạng trên khuôn mặt; khi ấy Mizoguchi cũng được giải thoát ra khỏi sự mê muội - 3/ Không thể với tới thì mới Đẹp (mỗi khi đến giây phút gần kề xác thịt với phụ nữ thì Mizoguchi bỗng bất lực sinh lý vì tâm lý bị chi phối bởi cái đẹp của Kim Các Tự. Đây có thể do diễn dịch của tác giả, nghĩa là thực sự không do nhân vật cảm nhận. Tác giả ngầm phát biểu chú tiểu Mizoguchi bỗng có sự so sánh giữa tưởng tượng thân xác quá đẹp của giai nhân và thực tế trần truồng không mấy đẹp của gái điếm) - 4/ Cái đẹp không không thể tồn tại lâu dài (Đây chắc là ý riêng có tính chính trị thêm vào của tác giả Đỗ Thị Thu Hằng khi nói rằng chú tiểu hỏa thiêu Kim Các Tự, bảo vật của Nhật, có phần nào ngại chùa vàng bị rơi vào tay quân chiếm đóng Mỹ. Tác giả Yukio Mishima (ký gửi qua ý nghĩ của chú tiểu Mizoguchi) ngại quân chiếm đóng hiện diện trên đất Nhật thì “chẳng bao lâu phong tục dâm đãng của thế giới trần tục bắt đầu tràn lan quanh Kim Các Tự” - 5/Hủy hoại cái đẹp vật chất để lưu giữ cái đẹp hình bóng trong tâm hồn (nghệ thuật phi vật thể hình như dành riêng cho âm nhạc; chùa vàng Kim Các Tự mà vương tới phi vật thể thì đúng là muốn đạt tới nghệ thuật Thiền; vậy ngôi chùa bị hỏa thiêu tương đương với công án “Hòa Thượng chém đầu mèo” hiểu theo nghĩa vương tới cái Đẹp không thể biện biệt bàn bạc đối ứng của thế gian, giống như Phùng Phật Sát Phật - 6/ Đẹp theo Thiền phải được chiêm ngưỡng song trùng hoặc đa trùng (Trong Kim Các Tự, Mizoguchi có khi cảm nhận Kim Các Tự đẹp vĩnh cửu, có khi lại thấy nó chỉ là vật chất tầm thường được linh thiêng hóa do thời gian tồn tại năm trăm năm mươi năm; cái gì bất tử bất hoại bao hàm tính khả diệt; trong khi những sinh vật có sống có chết thì lại khó tuyệt trừ).
Và cũng để dễ xếp đặt đâu là công án Thiền về cái Đẹp, ta có thể kể thêm vài phân loại nữa qua bài “Mishima Yukio: Phượng Hoàng Bay Lên Từ Kim-Các-Tự “của tác giả Hoàng Long (đăng trên mạng “vietbao.vn/Van hoa/ Mishima Yukio/Phương hoang): - 1/Đẹp vĩnh cửu của văn chương trong cõi đời hư ảo phù du (Thật ra đây là rút ra từ khuynh hướng viết văn và đạt hiệu quả của tác giả Yukio Mishima, không phải cảm thức Thiền của chú tiểu Mizoguchi). Trong bài, tác giả Hoàng Long trích ra một câu văn đẹp nhất trong tác phẩm Kim Các Tự viết về con phượng hoàng bằng vàng ròng trên chóp đỉnh của Kim Các Tự, phượng hoàng cũng như văn chương Yukio Mishima sẽ vĩnh viễn bay trong thời gian) - 2/ Đẹp tuyệt vời trở thành cái ác, phải hủy diệt nó để tới được bình yên(Cảm nhận Đẹp có tính chất Thiền như thế này khiến ta liên tưởng đến Tình, tình là giây oan trong tư tưởng Phật Giáo). Ngoài hai dáng vẻ Đẹp theo công án Thiền như trên, bài của tác giả Hoàng Long giúp ta thêm kiến thức về những nhà văn Nhật; có tác giả tương đồng với Kukio Mishima về tìm kiếm cái Đẹp trong nghệ thuật cũng như trong tình yêu (như Kawabata “tìm kiếm và thể nhập”, còn Mishima “tìm kiếm và vượt”); và có tác giả từ bỏ truyền thống văn chương Nhật, không đi tìm kiếm cái đẹp muôn đời mà đi vào lãnh vực hiện thực xã hội, xã hội sau chiến tranh với thảm cảnh những nạn nhân bom nguyên tử thả xuống đất Nhật, như nhà văn Oe Kenzaburo, đối lập khuynh hướng Cực Hữu sùng bái Nhật hoàng của Yukio Mishima (ông đã từng âm mưu đảo chánh để trở về khuynh hướng Bảo Hoàng triệt để, bị thất bại, và đã tự sát theo lối võ sĩ đạo Samurai).
Bây giờ, đến phần trích dẫn văn của Mishima Yukio trong tác phẩm Kim Các Tự. Tuy ở trên, người viết bài đã kể ra tám quan niệm Đẹp theo công án Thiền, đẹp như công án nên chỉ cảm nhận khi chiều cạnh này khi chiều cạnh khác, cho nên phần trích dẫn cũng không nhất thiết đóng vào một khung nào trong tám khung trên. Và phần trích dẫn khía cạnh tâm-bệnh-lý thì tương đối có thể đóng khung vào nguyên nhân gây hậu quả như sau: - 1/Ác cảm do đã từng chứng kiến năm mặt trái của cái Đẹp, của Thiêng Liêng - 2/ Đối xử có tính chất trả thù, hoặc bất lực sinh lý do so sánh ngầm làm tự ti mặc cảm, qua nhân vật Kashiwagi tật nguyền hai chân; còn chú tiểu Mizoguchi giai đoạn đầu cũng bất lực do nhớ lại Kim Các Tự quá tuyệt hảo (tâm tình này hơi lạ đối với thế gian). Phần trích dẫn văn hay ngoài công án Thiền và quy kết Tâm Bệnh Lý, trích dẫn trộn lẫn và có phần hạn chế trong một số đoạn mà thôi, vì những câu văn hay đó cũng đượm vẻ triết lý hoặc có chút đả động đến tâm lý bất thường. Tác phẩm được bao trùm qua hình ảnh tôn giáo của chùa vàng Kim Các Tự, qua các cảm nghĩ về cái Đẹp có vẻ phức tạp của nhà văn Nhật thấm nhuần truyền thống Thiền. Bên cạnh đó, một vài giới thiệu khiến ta nghĩ thêm ý-tưởng tác phẩm như một sáng tác về điều tra nhân vật kỳ lạ (sau khi hỏa thiêu chùa vàng quốc bảo Nhật mà cũng không tỏ ra hối hận). Chỉ đứng ngoài đào sâu tâm hồn tội phạm, nên Yukio Mishima không hóa thân vào tác phẩm như thường thấy trong những sáng tác lớn đều có bóng dáng các tác giả qua nhân vật chính. Dưới đây là hai chủ-đề làm kim chỉ nam cho trích dẫn văn trong Kim Các Tự:
I/ Những Mặt Trái Của Cái Cái Đẹp Và Hệ Quả Làm Biểu Hiện Các Chỉ Dấu Tâm Bệnh Lý Của Nhân Vật Hỏa Thiêu Chùa Vàng - Uiko đã giao du thân mật với người đào ngũ trong khi nàng làm việc ở Bênh Viện Hải Quân. Kết cuộc nàng có thai và bị sa thải. Người hiến binh lúc này đang cật vấn nàng về chỗ ẩn nấu của kẻ đào ngũ, nhưng Uiko đã ngồi trơ trơ ra đó không hề nhúc nhích mảy may và nhất định giữ im lặng một cách ngoan cố… Khuôn mặt nàng hoàn toàn bất động dưới ánh trăng. Cho tới lúc đó, chưa bao giờ tôi thấy một khuôn mặt lại tràn đầy dáng vẻ cự tuyệt đến như thế. Tôi nghĩ khuôn mặt tôi là một khuôn mặt đã bị thế giới cự tuyệt, nhưng khuôn mặt Uiko thì đang cự tuyệt thế giới (nhân vật Mizoguchi đã từng chận xe đạp để tỏ tình với Uiko; nhưng Mizoguchi vừa xấu xí vừa cà-lăm thốt không ra lời, đã bị Uiko cự tuyệt tàn nhẫn)… Nhưng cái đó không kéo dài như tôi mong đợi. Vì đột nhiên khuôn mặt đẹp đẽ của nàng bị biến dạng. Uiko vụt đứng dậy. Tôi có cảm tưởng là trong lúc đó tôi thấy nàng mỉm miệng cười… Thực ra đáng tiếc cho tôi không nhìn thấy được sự thay đổi trên khuôn mặt Uiko vào lúc mà nàng quyết địng phản bội… Uiko chỉ tay về phía hốc núi Kahara ở làng bên… Những người hiến binh muốn dùng Uiko như mồi nhử để bắt hắn… Từ điểm này trở đi nàng không còn cự tuyệt thế giới trong cái toàn thể của nó nữa. Mà nàng cũng không hoàn toàn chấp nhận nó… Uiko bước dọc theo độ điện và cất tiếng gọi vào căn ngự đường tối om. Bóng một người đàn ông hiện ra. Uiko nói điều gì với người này. Người đàn ông chĩa khẩu súng lục về phía các thềm đá và nổ súng. Từ một bụi cây gần đó những người hiến binh chĩa súng tay mà bắn trả lại. Người đàn ông đang sửa soạn nổ súng một lần nữa thì Uiko quay mình về phía độ điện và bắt đầu co giò chạy. Người ấy bắn hết phát nọ đến phát kia vào lưng nàng. Uiko ngã lăn ra. Người ấy chĩa họng súng lục vào thái dương và nổ súng một lần nữa. (Đoạn khác) - Trong chùa của Ba, chúng tôi không có đủ màn ngăn muỗi. Thực là một điều lạ lùng khi Má và tôi không bị lây bệnh lao của Ba, bởi cả ba người đều ngủ chung trong một cái màn; và bây giờ lại thêm cái ông Kurai này vào nữa.Tôi nhớ một đêm hè vào lúc rất khuya, một con ve sầu bay dọc theo hàng cây trong vườn và buông những tiếng kêu cộc lốc. Có lẽ chính những tiếng kêu ấy đã làm tôi thức dậy. Tiếng sóng biển vọng lại ầm ầm và cái màn xanh nhợt che muỗi rập rờn theo gió biển. Tuy nhiên, có cái gì khác thường trong cách lay động rập rờn của cái màn. Tấm màn căn phồng khi gió thổi tới, rồi miễn cưỡng lay động để gạn lọc gió biển. Như thế, hình dạng cái màn rung rinh gợn nếp không phản ánh trung thực làn gió… Điều làm cho tôi nhận ra Ba đã thực sự thức giấc ấy là nhịp thở không đều, tắc nghẹn của Ba sau gáy tôi, vì tôi nhận thấy rằng Ba đang ngăn chặn cho khỏi ho. Bất thình lình đôi mắt mở to của tôi bị một cái gì to lớn, ấm áp che kín, và tôi chẳng thấy gì. Tôi hiểu ngay tức khắc. Từ đằng sau, Ba đã đưa hai bàn tay để che cho tôi khỏi thấy. Truyện này xảy ra nhiều năm về trước lúc tôi mười ba tuổi… (Hình ảnh mẹ xưa nay và khắp Đông Tây thường rất được tôn trọng, Yukio Mishima có lẽ là tác giả duy nhất làm trái lại, mặc dù tác giả chỉ viết cái gì chú tiểu nhân vật Mizoguchi kể ra; trong khi chú tiểu thật ngoài đời Hayashi Yoken thì có bà mẹ gieo mình trước xe lửa để tự sát khi hay tin con của bà đốt chùa Kim Các Tự ở Nhật năm 1950) - Cô thiếu nữ nhà trọ kể: Gần chỗ của bọn này ở có một bà đẹp lắm dậy cách cắm hoa. Hôm nọ bà kể cho tôi nghe một thiên tình sử thật buồn. Trong thời chiến, bà có quen và yêu một sĩ quan lục quân, thế rồi chàng phải lên đường ra chiến địa. Hai người chỉ có đủ thì giờ tiễn đưa ngắn ngủi ở chùa Nam Thiên. Cha mẹ đôi bên tuy không chịu nhưng vẫn không ngăn cản nỗi họ vì trước khi chia cách ít lâu, người thiếu nữ đã có mang.Tội nghiệp cho đứa bé, nó qua đời ngay khi lọt lòng. Khi hay tin người sĩ quan than thở không cùng, và rồi đến lúc chia tay với người yêu, chàng bảo rằng nếu không được đứa con thì ít nhất chàng cũng muốn chất sữa vắt ra từ vú người mẹ. Hai người không có đủ thời giờ để đi ngay chỗ nào khác, bởi thế lúc đó và ngay đấy nàng đã vắt sữa từ vú mình vào cốc trà và đưa chàng uống. Chừng một tháng sau, người yêu của nàng chết trận… (Đoạn khác) - Kashiwagi, kẻ tật nguyền hai chân kể: Gần đây có một cô dạy cắm hoa tươi… cô giáo này còn trẻ và đẹp lắm. Tớ được biết trong thời chiến tranh, cô ta đã đem lòng yêu môt quân nhân và đã có mang với anh ta. Đứa hài nhi chết lúc lọt lòng và chàng quân nhân chết ngoài chiến trận, từ đó đến nay cô ả luôn luôn chạy theo đàn ông. Cô ta dư dả tiền tiêu và hiển nhiên chỉ dạy cắm hoa cho vui mà thôi. Tuy nhiên nếu cậu thích, đêm nay cậu có thể dẫn cô ả đi chơi chỗ nào đó cũng được. Cô ả sẵn lòng đi bất cứ nơi nào… Cho đến bây giờ tôi đã nhìn thấy cái bi kịch của người đàn bà này với cái nhìn rực sáng vẻ thần bí; nhưng từ đây trở đi tôi sẽ nhìn bi kịch ấy với cái nhìn đen tối… bầu vú cô ta mà tôi nhìn thấy từ xa trông giống như một mặt trăng trắng bạch hiện ra giữa ban ngày, từ đó đến nay đã bị tay Kashiwagi sờ mó, nắn bóp; và chân nàng lúc đó cuộn tròn trong bộ kimono óng mượt, hoa mỹ ấy, đã cọ sát cặp chân què của Kashiwagi. Rõ ràng cô ta đã bị Kashiwagi làm ô uế. (Đoạn khác) - Một ngày thứ bảy tháng giêng năm Chiêu Hòa thứ 24 (1948), lợi dụng một buổi chiều nhàn rỗi, tôi đến rạp chiếu bóng hạng ba… Giữa đám người đông đúc, bất chợt tôi thấy mình đang đi cạnh một khuôn mặt rất quen thuộc… người ấy đang đi với một người con gái mặc chiếc áo ngoài đỏ ửng, rõ ràng là một cô gái geisha. Khuôn mặt hồng hào mụ mẫm… đúng rồi, tất cả là những nét đặc biệt của Lão sư phụ… (Tiếp theo, đây là đoạn đối thoại giữa chú tiểu và Lão sư phụ: “Bạch thầy, thầy biết rõ con từng chân tơ kẻ tóc. Con nghĩ con không biết rõ thầy từ kẻ tóc chân tơ”; “Và giá như thực sự con biết hết thì đã sao đâu”. Hòa Thượng nói, trong mắt ông hiện ra một ánh u ám. “Con có biết hết rồi cũng chẳng đi đến đâu. Thật hoàn toàn vô ích mà”.
Trên đây là bốn Mặt Trái, nhưng Mặt Trái thứ năm được nói đến trong Kim Các Tự về một người bạn từ tốn đàng hoàng mà rốt cuộc chết vì thất tình, xét ra không là nguyên nhân tâm bệnh khiến Mizoguchi (xấu xí còn mắc chứng nói cà lăm) hỏa thiêu Kim Các Tự. Còn nhân vật tật nguyền hai chân trả thù đời bằng cách hất hủi phụ nữ đẹp. Các chỉ dấu tâm-bệnh-lý ấy, xin trích dẫn vài biểu hiện lạ lùng sau đây: - một điều hết sức khó tin đã xảy ra cho tớ… tớ đoán nguyên nhân khiến nàng yêu tớ chỉ là do tấm lòng tự tôn khác thường của nàng… Thiếu nữ này ý thức rõ rệt, sắc đẹp và giá trị của mình, song nàng không thể chấp nhận bất kỳ một kẻ nào mong được thương yêu mà tỏ ra có lòng tự tin… điều trọng yếu là không bao giờ tớ tỏ ra là một người tàn phế đáng thương hết. Đó là lý do tại sao tớ dứt khoát cự tuyệt: “Tôi không yêu cô”. Cô bé chẳng hề lùi bước vì câu trả lời của tớ. Bây giờ, theo chỗ suy nghĩ riêng tư của tớ, điều này thật hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu đặc điểm cá biệt của tớ không thực sự ở đôi chân què thì có lẽ tình yêu này có thể chấp nhận được… Vậy thì không thể có tình yêu được. Điều nàng nghĩ là nàng yêu tớ chẳng qua chỉ là một cảm giác sai lầm…. Do đó, tớ cứ tiếp tục lặp lại: “Tôi không yêu cô”.. Kể cũng lạ, tớ càng bảo tớ không yêu nàng thì nàng lại càng đắm chìm trong cảm giác sai lầm là nàng yêu tớ. Và rút cuộc, một tối, chẳng lý luận gì nữa, nàng đem thân tới trước mặt tớ. Nàng hiến dâng thân mình cho tớ, tớ có thể nói đó là một thân mình cực kỳ đẹp đẽ. Thế nhưng khi cần hành sự thì tớ lại cóc làm gì được… Tớ hiểu lý do đã làm tớ bất lực. Đó là ý nghĩ đôi chân tật nguyền của tớ áp vào đôi chân trần trụi xinh đẹp của nàng trong lúc hành sự. Và bây giờ sự phát giác này tiêu hủy sự bình yên trong tâm tớ. (Đoạn khác) - …. Tôi kể cho nàng nghe câu chuyện (chuyện thấy nàng vắt sữa vào cốc trà cho người chiến sĩ)… “Thế vậy ư?”, nàng nói. “Trời ơi? Có thực đã như vậy không? Thật là một mối kỳ duyên! Phải, chính là mối kỳ duyên!” Lúc nàng nói, mắt nàng ràn rụa những giọt lệ vui mừng. “Bây giờ em chẳng còn tí sữa nào nữa”, nàng nói. “Ôi đứa con bé nhỏ đáng thương của em?” Không, em chẳng còn tí sữa nào, nhưng bây giờ em cũng làm cho anh điều em đã làm từ trước… Tôi cho rằng chính nỗi vui mừng điên cuồng đã đưa nàng tới hành vi mê dại ấy, nhưng sức mạnh gò ép thực sự vẫn là nỗi tuyệt vọng mà Kashiwagi đã đem lại cho nàng (bị Kashiwagi hất hủi, muốn tống khứ cho Mizoguchi, đã nói ở đoạn trên)… Thế rồi, ngay trước mặt tôi, nàng tháo tung giải lụa thắt ngang thân mình và gỡ bỏ những dây chằng chịt… Đưa tay vén áo nàng lên, nàng nâng bầu vú bên trái chìa ra ngay trước mặt tôi. Nếu bảo rằng tôi không hề thấy choáng váng, ngất ngay thì không đúng… Cái điểm trăng trắng thần bí mà tôi đã nhìn thấy từ xa mãi tít trên nóc sơn môn không phải là cái chất lượng nhất định của một khối thịt như thế này. Ấn tượng ấy đã ấp ủ đến lên men trong lòng tôi đã quá lâu nên bầu vú mà tôi nhìn thấy lúc này hình như chỉ là một khối thịt, môt thứ vật chất không hơn không kém…. Tuy vậy, tôi không muốn nói điều gì dối trá; và rõ ràng là khi nhìn thấy bộ ngực nõn nà của nàng tôi liền bị choáng váng, ngây ngất ngay tức thì. Chỉ phiền một nỗi là tôi nhìn quá kỹ lưỡng, tường tận, cho nên cái bầu vú mà tôi nhìn thấy đã vượt qua khỏi tình trạng bầu vú đàn bà để dần dần biến dạng trở nên một mảnh vụn vô ý vị. Chính lúc này đã xảy ra một sự lạ. Sau khi trải qua sự thích thú đau đớn như thế, cuối cùng bầu vú nàng làm tôi ngây ngất vì vẻ đẹp… Bây giờ, trong khoảnh khắc bầu vú thiếu phụ nối lại những liên quan với toàn thể, nó vượt lên khỏi tình trạng chỉ là một khối thịt để trở thành vật chất bất cảm bất hủ, gần với vĩnh cửu… Một lần nữa Kim Các Tự lại hiện ra trước mắt tôi. Hoặc hơn thế, tôi cần nói rằng bầu vú ấy đã biến dạng trở thành Kim Các Tự (Đây là chỉ dấu của biểu hiện Tâm Bệnh Lý hay đây là Trực Giác Siêu Hình, xin nêu ra vì thấy tác giả viết khi thế này khi thế khác). (Đoạn khác) - Tôi cố gắng trốn chạy bằng cách nghĩ rằng thiếu nữ trước mặt tôi chính là đối tượng cho dục vọng của tôi… Bởi vì nếu tôi bỏ lỡ dịp may này thì nhân sinh sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ đến thăm tôi nữa. Tôi nhớ lại biết bao nhiêu lần chỉ vì tật nói lắp mà lời nói của tôi bị chặn lại và không làm sao thoát ra khỏi miệng… cái lời hối thúc đầy tàn ác của Kashiwagi, cái lời hối thúc thô lậu của nó: “Nói lắp, cứ nói lắp bừa phứa đi” vang vang bên tai cổ vũ cho tôi. Sau cùng, tôi lùa tay dần dà vén váy nàng lên. Vào lúc đó Kim Các Tự hiển hiện trước mắt tôi… Chính tòa kiến trúc lúc này đã tới đứng giữa tôi và cuộc đời tôi đang định tiến tới… Cô gái trong nhà trọ vụt bay xa giống như một hạt bụi nhỏ xíu. Nàng đã bị Kim Các Tự gạt bỏ ra sao thì những cố gắng tìm kiếm cuộc đời của tôi cũng bị gạt bỏ như vậy… Thực ra, tôi chỉ bị cái ảo tưởng này của Kim Các Tự bao trùm kín mít trong một chốc lát mà thôi. Khi tôi quay lại với mình, ngôi chùa đã nấp kín rồi… Giây phút ảo ảnh trong đó tôi tưởng tượng thấy chính mình đang được Kim Các Tự chấp nhận và ôm ấp đã trôi qua… Trước vẻ rụt rè bất chợt của tôi, thiếu nữ đứng dậy và nhìn tôi chăm chăm. Tôi nom thấy cặp mông nàng chuyển động trong lúc nàng quay lưng về phía tôi rồi lấy trong sắc ra cái gương soi bỏ túi. Nàng không nói gì, nhưng sự khinh miệt của nàng xuyên thủng da thịt tôi như cỏ may cắm vào quần áo mình về mùa thu vậy… Chuyến chơi núi chấm dứt một cách tệ hại nên ngày hôm đó để lại một ấn tượng hết sức u ám trong lòng tôi. (Đoạn khác) - Thật rõ ràng chỉ vì muốn sống nên tôi đang dự định thiêu hủy Kim Các Tự, nhưng việc tôi đang làm lúc này thì lại đúng là sự chuẩn bị để chết. Cũng như một thằng trai tân đã quyết ý tự sát phải mò đến nhà thổ cho nên bây giờ tôi hớn hở đến xóm lầu xanh… Sau khi tôi đã cởi hết quần áo, trút bỏ nhiều thứ phụ thuộc khác nữa; cả cái tật nói lắp, vẻ xấu xí cùng sự nghèo nàn nữa; tối hôm đó, tôi đã thực sự đạt được khoái cảm thể xác, tuy nhiên tôi vẫn không tin chính tôi là người đã hưởng niềm khoái cảm ấy. Xa xa một cảm giác từ lâu từng tránh né tôi bây giờ dâng lên tràn trề và sụp đổ ngay sau đó. Tôi vội tách mình ra khỏi thân thể cô gái rồi tựa cằm lên gối… Thế rồi tôi hoàn toàn có cảm giác rằng tất cả đều bỏ rơi tôi trong tình trạng vật vờ… Sau khi hai đứa đã hành sự xong xuôi, chúng tôi nằm bên nhau trò chuyện… Nhưng tất cả ý nghĩ của tôi đều hướng về Kim Các Tự. Thực ra đấy chỉ là những ý nghĩ trừu tượng về ngôi chùa hoàn toàn khác hẳn những ý nghĩ quen thuộc, tù đọng, cặn bã, đầy nhục cảm của tôi.
II/ Chùa Vàng Rực Rỡ Và Văn Chương Đẹp Về Thiền Hiểu Nhiều Lối Như Công Án - Tôi cũng thường nghĩ đến con phượng hoàng bằng đồng thau ngự trị trên mái Kim Các Tự và đã đứng đó mãi mãi phơi mình trong mưa nắng gió sương với năm tháng. Con chim vàng óng thần bí này chẳng bao giờ cất tiếng gáy sáng, chẳng bao giờ vỗ cánh - thực vậy, hiển nhiên tự nó đã quên phứt mình là một con chim. Tuy nhiên, nếu bảo rằng trông nó không có vẻ như đang bay thì thật là không đúng sự thực. Những con chim khác bay trong không gian, nhưng phượng hoàng vàng óng này vĩnh viễn bay qua thời gian trên đôi cánh chói rạng. Thời gian đập vào đôi cánh ấy và bềnh bồng trôi lại đằng sau (Đoạn khác) - Leo lên đỉnh núi, người ta có thể thấy miền Thượng Kyoto và Trung Kyoto cùng ngọn Duệ Sơn và Đại VănTự Sơn ở phía xa hơn… Những ngọn đèn điện tạo thành một tập thể. Những ngọn đèn ấy rải rác khắp một bình diện rộng rãi làm người ta mất hết cảm giác ở gần hoặc ở xa; trước mặt tôi như đang có một tòa đại kiến trúc trong suốt… Chỉ có khu rừng quanh hoàng cung là không có ánh đèn và trông giống như một động lớn đen ngòm… Quang cảnh trước mắt làm tôi ngạc nhiên nghi ngờ cả chính mắt mình. Từ lâu người ta đã bãi bỏ hạn chế đèn lửa trong thị xã Kyoto và bây giờ ánh đèn trải dài đến tít phía xa như một biển ánh sáng… Tôi nghĩ: “Đây là cuộc đời trần tục”. Bây giờ chiến tranh đã chấm dứt, người đang bị những tư tưởng tà ác thôi thúc lăng quăng chen chúc dưới những ngọn đèn này… Xin để cho sự đen tối đang bao phủ tim tôi được ngang hàng với sự đen tối của đêm hôm đang bao phủ những ngọn đèn nhiều vô số kể kia.(Đoạn khác) - Và đâu phải hoàn toàn sai sự thật khi nói rằng tôi, một thằng chưa tới mười tám tuổi tròn, hiện đang cảm thấy dấy lên trong mình một vài rung động tuổi trẻ. Kim Các Tự đẹp không gì sánh kịp khi bốn bề tuyết trắng bao quanh. Với những bông tuyết thổi hắt vào bên trong, với những hàng cột mảnh mai đứng san sát bên nhau, tòa kiến trúc đứng phơi da thịt trắng nõn mát tươi trong lớp tuyết. “Tại sao tuyết lại không nói lắp?” Tôi tự hỏi. (Đoạn khác) - Ngôi chùa không hề gạt bỏ tiếng nói cười vui vẻ của khách vãn cảnh, nhưng thay vào đó nó gạn lọc những âm thanh ấy để cho chúng tan biến vào giữa những hàng cột thẩm thấu âm thanh và để trở nên thành phần của sự êm lặng và trong sáng. Như thế ngôi chùa đã thành tựu trên mặt đất đúng cái mà những bóng rọi trên mặt ao phẳng lặng đã thành tựu dưới nước vậy. (Đoạn khác) - Vào ngày mồng mười tháng chín, người ta dự báo có thể sắp có bão lớn. Cần phải có người túc trực ở Kim Các Tự và tôi đã xung phong nhận công tác này… Tôi ở đó một mình và Kim Các Tự, cái Kim Các Tự tuyệt đối, đã bao trùm lấy tôi. Tôi đã cho phép tôi là Kim Các Tự và Kim Các Tự chính là tôi? … Lúc này hình như có một thứ điềm báo là tôi sắp sửa sẽ bị tiêu hủy cùng với Kim Các Tự. Lòng tôi đã ở trong Kim Các Tự và đồng thời cũng ở trên cánh gió… hiển nhiên là làn gió ấy, cái ý chí hung ác của tôi ấy sẽ thực sự lay chuyển ngôi chùa, đánh thức nó dậy và vào giờ phút sụp đổ cướp đoạt tính kiêu ngạo của nó đi… Đúng như Kashiwagi đã bảo tôi: “Nói lắp, cứ nói lắp phứa đi”, nên bây giờ tôi đem hết sức mà thử sức mạnh trận gió bằng cách kêu lớn những tiếng người ta thường dùng để thúc dục con tuấn mã đang phi: “Nhanh lên! Nhanh nữa lên nào!”. Tôi kêu lớn: “Mạnh lên! Cố sức thêm nữa nào!”… Hết đám mây này đến đám mây khác từ phía sau dẫy núi ở hướng Nam lần lượt nhô ra giống như những đoàn quân lớn. Có những đám mậy dầy. Có những đám mây mỏng. Có những đám mây lớn lao trải rộng. Có không biết bao nhiêu những cụm mây nhỏ bé rạc rời. Chúng đều xuất hiện từ phương Nam, rồi băng ngang mặt trăng, băng qua nóc Kim Các Tự, và chạy ùa về phương Bắc như thể đang chạy đi làm một đại sự nào đó. Tôi tưởng như mình có nghe thấy cả tiếng con chim phượng hoàng bằng vàng kêu rít ở trên đầu.(Đoạn khác) - Sự quân xứng u uất thường lệ vẫn tràn ngập ngôi chùa nhô cao dưới bầu trời đêm sáng trăng lộng gió. Hàng cột mảnh mai đứng xích lại gần nhau; dưới ánh trăng rọi thẳng xuống những hàng cột trông tựa các sợi dây đàn, còn chính ngôi chùa lại giống như một nhạc khí khổng lồ dị dạng. Mặt trăng lúc thấp lúc cao đã gây nên ấn tượng khác thường này. Đêm nay thấy thực là rõ. Tuy vậy, gió lùa qua khoảng trống giữa các sợi giây đàn câm nín ấy lại chẳng tạo nên một tiếng đàn nào cả. (Đoạn khác) - Một mặt, có một ảo tưởng về sự bất tử thoát ra từ dáng vẻ khả diệt của nhân gian; mặt khác, vẻ đẹp dường như bất hoại của Kim Các Tự lại làm cho nhân gian thấy được khả năng tiêu diệt chính ngôi chùa ấy. Chẳng thể làm sao mà tuyệt trừ tận gốc những sinh vật có sống có chết như con người, nhưng những sinh vật bất diệt như Kim Các Tự thì lại có thể bị tiêu diệt. Tại sao chưa ai nhận ra điều này nhỉ?... Tôi tự nhủ nếu thiêu hủy Kim Các Tự thì tức là tôi đang làm một việc có hiệu quả giáo dục lớn lao. Bởi lẽ việc làm này của tôi sẽ dậy cho người đời biết suy loại mà thấy rằng nói đến bất diệt thật là vô nghĩa. Người đời sẽ hiểu rằng Kim Các Tự vẫn tiếp tục tồn tại, vẫn tiếp tục đứng sừng sững gần Kinh Triệu Trì trong suốt năm trăm năm mươi năm qua thật chẳng phải là một sự bảo chứng nào cho nó hết… Quả thực như vậy, cuộc đời chúng ta được bảo tồn là nhờ đã được bao quanh bằng chất ngưng đọng của thời gian kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy lấy ví dụ một cái ngăn kéo nhỏ mà người thợ mộc đã đóng để làm đồ gia dụng. Với thời gian trôi qua, hình thái thực sự của cái ngăn kéo này đã bị chính thời gian vượt qua, và sau vài chục năm vài trăm năm thì dường như thời gian đã trở nên ngưng đọng và mang lấy hình thái ấy. Một khoảng không gian nhỏ bé nhất định mà vật thể chiếm cứ lúc ban đầu bây giờ bị thời gian kết đặc thay thế. Thật ra nó đã trở thành hóa thân của một thứ linh thần nào đó… Am Dương Tạp Ký có viết rằng qua một trăm năm thì khí vật hóa thành tính linh, lòng người đã bị lừa dối, và cái đó được gọi tên là Phó Tang Thần Ký. (Đoạn khác) - Cũng như một người dự cảm là mình sắp chết… Tôi thấy mình được tự do, tự do đối với mẹ tôi, đối với bạn bè, tự do đối với tất cả mọi thứ… Khi khiến cho mình nhìn sự vật từ điểm chung cuộc, khi khiến cho chính mình cảm thấy rằng cái quyết định thực hiện chung cuộc này nằm vào tay mình; ý thức tự do của tôi căn cứ ở điểm đó… Thật như thể đã ôm ấp cái chí ấy ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Ít nhất thì ý nghĩ này dường như vẫn đang nẩy nở trong con người tôi chờ đợi ngày khai hoa ngay từ lúc tôi còn nhỏ theo Ba đến vãn cảnh Kim Các Tự lần đầu. Việc Kim Các Tự làm cho một thằng bé như tôi phải lóe mắt vì vẻ đẹp tuyệt vời tự nó cũng đã chứa đựng mọi thứ lý do để đưa tôi đến việc phóng hỏa đốt chùa. (Đoạn khác) - Hòa Thượng Zenkai có vẻ chất phác thật thà khác với Lão Sư Phụ… Trông Hòa Thượng Zenkai có thừa quá nhiều sức lực. Sức mạnh này mặc tình phát lộ và phá hoại hết bất kỳ sự đều đặn nào có thể có. Hai gò má ông nhô cao giống như tranh vẽ vách núi dốc thẳng của những nghệ sĩ Trung Hoa trường phái Nam Hoa. Tuy nhiên trong tiếng nói oang oang như sấm, vị Hòa Thượng này vẫn có giọng dịu dàng vang âm mãi mãi trong lòng tôi. Đó không phải là thứ dịu dàng thông thường, nhưng là vẻ dịu dàng của những chiếc rễ cứng cáp, gân guốc của một thân cây to lớn mọc bên ngoài thôi và là chỗ trú mưa nắng cho khách lữ hành. (Đoạn khác) - Thật như thể tôi đã vớ một thị lực của một người mù. Ánh sáng từ chính ngôi chùa phát ra làm cho tòa nhà trở thành trong suốt… Nếu mình quan sát vẻ đẹp của từng bộ phận nhỏ: những cây cột gỗ, những hàng song sắt, những cửa chớp… cái đẹp chưa bao giờ có đủ trong bất kỳ một bộ phận nhỏ bé nào, vì mỗi bộ phận nhỏ bé lại gợi ra vẻ đẹp của mỗi bộ phận nhỏ bé kế tiếp. Chính vẻ đẹp của mỗi bộ phận nhỏ bé tự nó đã luôn luôn chứa đầy sự bất an. Nó mơ đến sự toàn bích nhưng nó không hề biết đến thế nào là toàn bích… Điểm báo này gắn liền với điểm báo khác, và chính như thế những điểm báo khác nhau của một vẻ đẹp không có thực đã làm chủ đề sâu kín cho Kim Các Tự. Những dự triệu như thế là điểm báo của hư vô. Hư vô là cấu tạo thực sự của vẻ đẹp này… Khi Kim Các Tự phản ánh mặt trời chiều và rạng rỡ dưới ánh trăng thì chính ánh sáng của mặt nước đã làm cho toàn thể tòa kiến trúc này trông như đang bềnh bồng trôi xa và đang vỗ cánh bay. Do phản ánh của mặt nước rập rờn, những sợi dây kiên cố buộc giàng hình thái Kim Các đã bị nới lỏng ra, và vào những lúc đó Kim Các hình như đã được kiến tạo bằng những vật liệu giống như gió, nước và lửa vĩnh viễn giao động. (Xin chấm dứt phần trích dẫn văn văn của Yukio Mishima qua bản dịch Kim Các Tự của Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh).
(City of Walnut, California, tháng 7 năm 2014)