Trong dòng thời sự chiến tranh và bạo lực giữa Israel và Palestine đang diễn ra từng ngày hôm nay, du khách vẫn nhớ có một địa chỉ du lịch tuyệt vời của hành tinh nằm ngay trong lãnh thổ Israel, đó là Biển Chết (Dead Sea). Chỉ cách Địa Trung Hải chừng 100km về hướng đông, Biển Chết từ hàng nghìn năm nay đã không còn “dan díu” gì với bao biển cả khác. Thế nhưng, mỗi năm vẫn có hằng triệu du khách đến thăm Biển Chết…
Mất hơn 10 giờ bay đêm từ Băng cốc (Thái Lan), rạng sáng, chiếc Boeing 747 chở gần 400 hành khách mới hạ cánh xuống sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv (Israel) bên bờ Địa Trung Hải. Anh Chali, hướng dẫn viên du lịch thuộc công ty Sharon Tours nói: “Cả ngày hôm nay chúng ta dành cho Biển Chết. Các bạn sẽ được tắm ở một nơi mặn nhất thế giới và là nơi thấp nhất trên bề mặt trái đất, âm 400m. Không cần phao, mọi người vẫn cứ nổi trên mặt biển”.
Vượt bao đồi núi khô cằn, gần trưa mới đi ngang qua thánh địa Jerusalem để bắt đầu “đổ dốc” vào lòng Biển Chết. Biển nằm lọt thõm giữa vùng sa mạc Zudean ở bờ tây và dãy Moab của Jordan ở bờ đông. Xem bản đồ, Biển Chết có hình hài như con cá nhà táng khổng lồ, đầu quay về hướng bắc, vọng lên Jericho, thành phố cổ nhất thế giới – có từ hơn 3.500 năm trước Công nguyên, đuôi vẫy vùng trong hoang mạc Arabah. Biển dài 47 dặm, chỗ rộng nhất 9 dặm, tổng diện tích 360 dặm vuông (khoảng 230.000 hecta). Chali giải thích: “Gọi là biển chết, vì nay trong lòng biển không có sinh vật nào sống nổi và biển không có lối nào thông ra các đại dương”.
Giở cuốn “The Dead Sea” mua được dọc đường, đọc thấy nhiều thông tin thú vị. Biển Chết đã tồn tại trước thời Kinh Thánh (Biblical). Biển nằm trong vết nứt sâu chạy qua chỗ đứt đoạn địa chất. Vết nứt này kéo dài từ dãy Hermon phía bắc đến vịnh Eilat-Akaba ở phía nam, đi qua Hồng Hải, xuống tận châu Phi. Thời nay, dù có năm bị lũ lớn tràn xuống từ các cao nguyên sa mạc vây quanh nhưng nuớc biển cũng không dâng cao bao nhiêu vì thời tiết khắc nghiệt làm nước bốc hơi nhanh. Mấy thập niên gần đây, thậm chí mực nước biển bắt đầu thấp dần, phần vì hạn hán, phần do việc khai thác quá mức của cả Ixraen và Jordan.
Nước Biển Chết mặn gấp năm lần độ mặïn của các đại dương. Từ xa xưa, người ta đã khai thác nước biển ở đây làm muối. Gần đây, người ta lại phát hiện lượng muối và nhiều quặng mỏ khác ở Biển Chết rất cao, 23-28% so với 4-6% ngoài biển khơi. Càng sâu, độ muối và quặng mỏ càng tăng. Nhiều nhất là clorine, bromine, sulfate, sodium, potassium, calcium và magnesium. Cho nên, mọi người trong đoàn càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, từ lòng Biển Chết, bằng công nghệ cao, Ixraen đã tinh chế và xuất khẩu được nhiều loại mỹ phẩm, phân bón và hóa chất chịu nhiệt cao phục vụ cho công nghiệp luyện thép.
Cuộc hành trình vẫn tiếp tục trong lòng cao nguyên sa mạc. Theo con đường cao tốc dọc dãy Zudean cặp biển, chúng tôi đi dần xuống phương nam, nơi có mực nước thấp nhất hành tinh, âm 400m. Ngồi trong xe buýt máy lạnh, vẫn cảm thấy cái nóng hừng hực bủa vây đầy trời ở bên ngoài. Đôi khi nghe lùng bùng hai lỗ tai như đang “rơi” vào vùng áp suất thấp. Thật khó tin là mình đang “leo đồi vượt núi” nhưng lại ở thấp hơn mặt nước biển hàng trăm mét. Thỉnh thoảng thấy bên vách núi trọc, có dựng tấm bia hoặc tạc những cột mốc ghi rõ “bằng mực nước biển” hoặc “âm 150m”, “âm 300m”… Ở chỗ tấm bia, thường có vài người dân du mục Do Thái với chú lạc đà lang thang chờ du khách ghé chụp hình kỷ niệm để kiếm tiền; mỗi lần chụp, khách biếu người du mục một vài chekal (bốn chekal ăn một đôla Mỹ).
Quá trưa, điểm dừng đầu tiên của du khách là công ty mỹ phẩm Dead Sea nằm bên bờ biển. Dù đã xem quảng cáo trên máy bay, mọi người vẫn bị bất ngờ trước hàng chục loại xà bông, kem dưỡng da hiệu Ahava sang trọng được chiết xuất từ các khoáng chất của Biển Chết. Người tiếp thị của công ty chiếu phim giới thiệu công nghệ khai thác khoáng chất và sản xuất mỹ phẩm Ahava rồi hướng dẫn khách sử dụng từng loại sản phẩm. Lạ nhất là cảnh các nữ du khách trong khi tắm biển, đã lấy “đất bùn” của biển bôi khắp người chỉ chừa hai con mắt, trông như các bức tượng đồng đen phơi trần giữa nắng. “Chất bùn đó dưỡng da trực tiếp rất tốt, nhất là với những ai hay bị khô da và vẩy nến”, chị tiếp thị viên duyên dáng nói. Lập tức, không ai bảo ai, hằng trăm đôla đã được móc ra để đổi lấy những túi mỹ phẩm Ahava với lòng tin đây sẽ là món quà ý nghĩa cho người thân ở quê nhà.
Nửa giờ sau, cái cảnh “tắm bùn” đó đã rần rần trước mặt khi chúng tôi tới bãi tắm Biển Chết. Hằng trăm du khách, đông nhất là dân phương Tây, lớp thì làm “tượng đồng đen” đứng như trời trồng dưới nắng, lớp khác lại trốn nóng ngồi ghế bố che dù ngắm người khác “thả mình” trên mặt biển.
Trời nóng như đổ lửa, nhiệt độ lên gần 40 độ C. Do chủ quan không mang dép, từ bãi xe buýt xuống tới bờ biển chưa đầy 100m, tôi đã phải chạy như bay vì sỏi cát nóng như nung dưới bàn chân. Tới chừng chạm chân xuống nước, từ từ lội ra xa, lại nghe một cảm giác lạ lùng lan tỏa khắp người, như là nước biển đang massage ta, vừa ấm áp mặn nồng, vừa rờn rợn tái tê. Lội ra xa gần ngập cổ, chợt nghe toàn thân mình nhẹ hẫng như có ai nâng lên. Thế là chỉ cần dang thẳng tay chân, ngẩng cổ lên để tránh nước mặn vào mắt, tôi đã như cái bong bóng nổi phình trên mặt biển. Thích quá, cứ nằm ngửa như vậy, tôi vẫy nhẹ chân đẩy mình ra xa mãi, càng sâu lại nghe mình càng nhẹ hơn.
Lúc này tôi như quên mất mọi người chung quanh cũng đang bập bềnh trôi. Nhắm mắt lại, tôi mơ hồ tưởng tượng ra bao thành quách cổ xưa chôn vùi trong hoang mạc vây quanh mà nay người ta đang khai quật rải từ Jericho, Qumran, En Gedi xuống Masada, Sodom… Mở mắt ra nhìn trời, thấy trời lồng lộng một màu xanh nước biển. Nghiêng đầu nhìn biển, lạ thay, mặt biển nơi đây rặt một màu xanh lá cây. Tôi vội bơi vào bờ, rủ các bạn cùng đoàn chụp ảnh, quay phim, cố ghi lại càng nhiều càng tốt những điều tai nghe mắt thấy.
Anh Chali, hướng dẫn viên du lịch lúc này cũng tỏ ra trầm tư. Anh tiếc không có đủ thời giờ để đoàn ghé lại Qumran, Masada… thăm những đền đài, thành quách toàn bằng đất đá mang đầy chiến tích các vua chúa trước thời Chúa Giêsu giáng sinh. “Leo trèo luồn lách trên những đỉnh non cao ấy, Chali nói, mình dễ hiểu thêm Biển Chết ở dưới này”.
Tối hôm đó trở lại thành phố du lịch Netanya bên bờ Địa Trung Hải, tôi cứ thao thức không tài nào ngủ đuợc. Biển Chết như sống dậy trong tôi, từ thuở hồng hoang của những người dân du mục… Tôi chợt hiểu, dân tộc nào cũng vậy, thời gian và lịch sử sẽ chẳng bao giờ mất đi nếu ta dấn bước tới ngày mai mà buổi hoàng hôn của ngày hôm trước đã hóa thành tâm hồn máu thịt ở trong ta...