Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
973
123.200.633
 
Tản mạn về từ Hán Việt Sinh thì là chết? (phần 11.2)
Nguyễn Cung Thông

 

 

 

Tiếp theo bài viết "Tản mạn về từ Hán Việt - Sinh thì là chết? (phần 11.1)", phần này chú trọng vào các tương quan ngữ âm giữa các phương ngôn miền Nam Trung Quốc và tiếng Việt, Hán Việt/HV - dẫn đến một khả năng sinh thì là cách đọc *sin thì (thăng thì) - vết tích của đợt giao lưu ngôn ngữ vào thời từ điển Việt Bồ La/VBL ra đời (1651, *sin là âm đọc thời VBL). Vấn đề giao lưu ngôn ngữ này đã được ghi nhận nhiều lần trong loạt bài "Lẫn lộn n và l" và "Tản mạn về từ Hán Việt - áp dụng phiên thiết (phần 9)" trước đây. Cách dùng đậu hủ 腐 so với đậu phụ, tía (cha) so với đa 爹 như đã phân tích trong các bài viết trên cho thấy các mối liên hệ giữa giọng Mân Nam và tiếng Việt. Xem lại vài cách dùng vào thế kỷ XVII và XVIII trong tiếng Việt như Hoài Phố (faifo), Hoa Lang (falang ~ Franc), phỉ báng (uỷ, huỷ báng ~ xỉ báng), quái/quẻ, sốc/thốc và miến/mì; các dữ kiện ngôn ngữ này cho thấy tương quan giữa giọng Mân Nam và tiếng Việt hỗ trợ cho khả năng sinh thì là cách đọc *thăng thì (dạng này không có trong VBL nhưng "thăng thiên", "lên trời" thì lại có). Dấu hoa thị * dùng để chỉ âm cổ phục nguyên. Các chữ viết tắt trong bài này là LM (Linh Mục), TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (từ điển Việt Bồ La, Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes/1651). Các so sánh trong bài không có mục đích truy nguyên gốc Hán hay Việt (Cổ), để phân định nguồn gốc ta cần nhiều dữ kiện bổ túc cho thêm chính xác. Ngoài ra, phụ âm xát s/x- vẫn còn hiện diện cùng với phụ âm đầu lưỡi tắc /bật hơi th- cho cùng một số từ Hán Việt (ngữ căn) cho thấy khả năng đọc thăng là *sinh.

 

1. Phỉ trong cách dùng phỉ báng

Chữ phỉ 誹 (thanh mẫu bang 幫 vận mẫu vi 微 bình/khứ/thượng thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

 

敷尾切 phu vĩ thiết (TVGT, ĐV, CV, TVi) - TVi/CTT ghi âm phỉ 音斐

妃尾切,音斐 phi vĩ thiết, âm phỉ (TV thượng thanh, VH, LT)

或省作非 hoặc tỉnh tác phi (TV)

府尾切,非上聲 phủ vĩ thiết, phi thượng thanh (TV, LT)

匪微切 phỉ vi thiết (TV bình thanh, VH, LT)

芳微切。與非通 phương vi thiết, dữ phi thông (CV, TVi)

方味切 phương vị thiết (QV, khứ thanh)

方未切,非去聲 phương vị thiết, phi khứ thanh (TV, VH, CV, LT, TVi)- TVi ghi âm phí 音費

非味反 phi vị phản (LKTG)

甫違反 phủ vi phản (NTLQ 玉篇零卷)

甫尾切 phủ vĩ thiết (NT, TTTH)

甫微切 phủ vi thiết (QV, bình thanh)

妃尾乀 phi vĩ phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音) (A)

音非 âm phi (TVi, CTT)

...v.v...

 

 

(A) tạm thời dùng chữ phật 乀 (chỉ chú âm).

Giọng BK bây giờ là fěi fēi fèi so với giọng Quảng Đông fei2 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] fui3 [宝安腔] fui1 fui3 [台湾四县腔] fi3 [客英字典] fui3 [梅县腔] fi1 fui1 [客语拼音字汇] fi1 fui1, giọng Mân Nam/Đài Loan hui2, tiếng Nhật hi và tiếng Hàn pi.

Phỉ thời VBL1 từng ghi các cách đọc như huỷ (b/ph > h, vẫn duy trì tính chất bật hơi/aspiration) và uỷ (hầu hoá, mất hẳn phụ âm h). Dạng huỷ tương ứng với âm hui2 của Mân Nam/Đài Loan hiện nay; tuy nhiên tiếng Việt bây giờ không thấy dùng các dạng huỷ hay uỷ báng nữa! Thời VBL, huỷ còn có nghĩa là cười (VBL trang 342 - hoan huỷ), bây giờ là dạng hỉ như trong cách dùng hoan hỉ ...

Xỉ (báng) có các dạng chữ Nôm dùng xỉ 齒 hay chỉ 指 với phụ âm đầu cho ra nhiều hơi (âm xuýt/sibilants).

 

 

VBL/1651 – trang 600

 

 

VBL/1651 – trang 888

 

2. Ngã và qua/VBL

Chữ ngã 我 có các cách đọc theo phiên thiết (thanh mẫu nghi 疑 vận mẫu ca 歌 thượng thanh, khai khẩu nhất đẳng)

 

 

五可切 ngũ khả thiết (TVGT, NT, ĐV, QV, LT, TTTH, TG 字鑑, TVi, CTT)

語可切 ngữ khả thiết (TV)

延知切, 音夷  diên tri thiết, âm di (TVi)(A)

阮古切 - nguyễn cổ thiết - CTT/TViB ghi âm ngũ 音五

...v.v...

(A) có khả năng qua 瓜 ngạc cứng hoá thành *wa > *jua > dưa, cách đọc di của *nga là một vết tích của quá trình ngạc cứng hoá. Qua (tôi) có một dạng chữ Nôm là qua 戈  /wa:/.

 

Các giọng địa phương TQ 粤语:ngo5 客家话:[梅县腔] nga1 ngai2 ngoe.2 ngo1 [海陆丰腔] ngo1 ngo3 (ngai2) [客语拼音字汇] ngai2 ngo1 [客英字典] ngo1 ngo3 [沙头角腔] nga1 ngo1 ngai2 [台湾四县腔] ngo1 ngo3 (ngai2) [东莞腔] ngo1 [宝安腔] ngo1 [陆丰腔] ngo1 潮州话:ua2 so với âm wǒ BK bây giờ, tiếng Nhật là ga, tiếng Hàn là a.

Từ thời VBL (1651) qua là từ được dùng riêng rẻ, hay trong tổ hợp “mớ qua” (Gustav Hue/1947 và Paulus Của/1895 ghi là “mới qua”); Béhaine và Taberd (1772/1838) ghi thêm các cách dùng “qua bậu, chúng qua ...”. Hiện nay chỉ có một số vùng (như đồng bằng SCL) vẫn còn dùng qua (tôi), không thấy miền Trung và Bắc dùng từ này so với thời VBL - xem thêm "Từ điển phương ngữ Nam bộ" (Nguyễn Văn Ái chủ biên, NXB Thành Phố HCM, 1994).

Giọng Mân Nam là goa2 (so với âm qua tiếng Việt) - đây là một vết tích của tiếng Mân Nam2 trong tiếng Việt. Người Tiều (Triều Châu) ở VN còn cách đọc “úa” (như trong gia đình bên ngoại của người viết) cho thấy các dạng biến âm của ngã. Cách dùng va (nó) trong VBL so với qua cũng đáng chú ý, nhưng không thuộc vào bài viết nhỏ này.

 

3. Chữ hoài

Chữ hoài 懷 (thanh mẫu hạp 匣 vận mẫu giai 皆 bình thanh, hợp khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

 

戸乖切 hộ quai thiết (TVGT, ĐV, QV)

乎乖切,音槐 hồ quai thiết, âm hoè (TV, VH, LT, TG 字鑑, LTCN 六書正擶, TVi)

胡隈切,音回 hồ ôi thiết, âm hồi (TVi, KH)

呼回切,音揮 hô hồi thiết, âm huy (KH)

苦禾切,音窠 khổ hoà thiết, âm khoả (KH)

胡乖切 hồ quai thiết (NT, TTTH)

乎才切,音槐 hồ tài thiết, âm hoè (CTT)

...v.v...

 

 

Giọng BK bây giờ là huái so với giọng Quảng Đông waai4 và các giọng Mân Nam 客家话:[客语拼音字汇] fai2 [沙头角腔] fai2 [梅县腔] fai2 [东莞腔] fai2 [客英字典] fai2 [陆丰腔] fai3 [台湾四县腔] fai2 [海陆丰腔] fai2 [宝安腔] fai2 潮州话:huai5, tiếng Nhật kai và tiếng Hàn hoy.

Ta thấy giọng Mân Nam là fai2/3 tương ứng với dạng phai tiếng Việt, giải thích tại sao Hoài Phố (Hội An) còn được ghi là faifo (VBL), Thuận Hoá ghi là Sinua (VBL) … Một điểm đáng chú ý là tiếng Tiều hiện đại (Triều Châu, thuộc ngữ hệ Mân Nam) không có phụ âm môi răng/vô thanh/xát f (ph).

 

VBL/1651 – trang 330

 

 

4. Chữ quái (quẻ)

Chữ quái 卦 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu giai 佳 khứ thanh, hợp khẩu nhị đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

 

古賣切 cổ mại thiết (ĐV, QV, TV, NT, LT, TTTH)

古畫切,音挂 cổ hoạ thiết, âm quải (CV, TĐTAT 重訂直音篇)

古壞切 cổ hoại thiết (TVGT)

古賣反 cổ mại phản (NTLQ 玉篇零卷

古話切,瓜去聲 cổ thoại thiết, qua khứ thanh (TVi, CTT)

支義切,音至 chi nghĩa thiết, âm chí (TVi)

 

 

Giọng BK bây giờ là guà so với giọng Quảng Đông gwaa3 và các giọng Mân Nam  客家话:[陆丰腔] kua5 [客语拼音字汇] ga4 gua4 [海陆丰腔] gwa5 [梅县腔] gwa5 [台湾四县腔] gwa5 [客英字典] gwa5 [宝安腔] ga5 [东莞腔] ga5 潮州话:guê3 kuê3 (kùe khùe), tiếng Nhật ka ke và tiếng Hàn kway. Tiếng Việt quẻ tương ứng với giọng Triều Châu kuê3. Thời Béhaine/Taberd, một dạng chữ Nôm dùng chữ quỷ 鬼 hợp với chữ quái cho thấy độ mở của nguyên âm đã nhỏ lại.

 

5. Chữ miến

Chữ miến 麵 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu tiên 先 khứ thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

 

彌箭切 di tiễn thiết (TVGT, QV)

眠見切 miên kiến thiết (TV, VH, TVKC 集韻考正, LT)

莫見切,音眄 mạc kiến thiết, âm miện (CV, TG 字鑑, TVi, TĐTAT 重訂直音篇)

莫見反 mạc kiến phản (LKTG)

亡見切 vong kiến thiết (NT, TTTH)

莫甸切 mạc điện thiết (QV)

莫變切,音面 mạc biến thiết, âm diện (CTT) - phụ âm đầu j- (d) là kết quả của quá trình ngạc cứng hoá trong tiếng Việt (*mjin > mân > dân, *mji > mi > di ...)

...v.v...

 

 

Giọng BK bây giờ là miàn so với giọng Quảng Đông min6 và các giọng Mân Nam  [Kwangtung] mien5 [Siyan] mien5 [Hong Kong] mien5 [Meixian] mien5 [Hailu] mien6 [Bao'an] men3, tiếng Nhật ben men và tiếng Hàn myen, giọng Mân Nam/Đài Loan mi7. Ta thấy giọng Mân Nam tương ứng với dạng mì tiếng Việt (bánh mì, bột mì ...).

Chữ miến 麵 (Unicode 9EB5)  thường gặp hơn với tần số dùng là 11319 trên 369369126 so với chữ miến 麪 (Unicode 9EAA)  với tần số dùng là 1 trên 65348624. Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) dùng chữ Nôm mì trong Dương Từ Hà Mậu: bộ thực hợp với chữ mi 眉. Trong Petit Dictionnaire annamite (1884) Trương Vĩnh Ký ghi

 

blé s. m. lúa mì (lúa miến T.) - T. viết tắt của Tonkin (ngoài Bắc)

 

Béhaine/Taberd (1772/1838)

Taberd (1838) chép y lại từ từ điển của Béhaine/1772 (cũng gồm ba mục như trang chụp bên trên) - mì ghi bằng chữ Hán miến (bộ mạch hợp với chữ diện). Tiếng Khme cũng có dạng mì so với tiếng Thái หมี่ mèe (rice noodle). Một điểm đáng chú ý làhơn một nửa người Thái gốc Hán là người Triều Châu , đã sống đồng hoá rất thành công vào xã hội Thái Lan trong vòng 400 năm nay.

 

Cách đọc sinh thì thay vì thăng thì có thể còn là vết tích của thời kỳ phụ âm đầu xát x/s và tắc/bật hơi th- vẫn còn dùng lẫn lộn. Như đã viết trong phần 11.1 về hai từ vị sang và vị thang dùng tương đương trong thời VBL, ta còn thấy tham 參 và sâm (nhân sâm, nhin sâm trong VBL) cùng hiện diện - đến thời Béhaine/Taberd (1772/1838) ta vẫn thấy dùng "nói xam" (nói xen vào) và “ông tham” (ông xã trưởng). Xem lại cách đọc chữ thốc 禿

 

6. Chữ thốc 禿  (thanh mẫu thấu 透 vận mẫu ốc 屋 nhập thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

他谷切 tha cốc thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, VH, CV, LT, TG 字鑑, TVi, TĐTAT ) - theo TVGT là 無髮也 vô phát dã (không có tóc). TVi ghi âm 通入聲 thông nhập thanh

吐木切 thổ mộc thiết (NT, TTTH)

它谷切 tha cốc thiết (LTCN 六書正擶)

吐谷切, 音突 thổ cốc thiết, âm đột (CTT) - thời TVi (1615), CTT (1670) phụ âm cuối tắc đã mất dần đi nên các âm HV thốc và đột đều đọc giống nhau - so với âm tū giọng Bắc Kinh bây giờ

...v.v...

 

Giọng Bắc Kinh bây giờ theo pinyin là tū so với giọng Quảng Đông tuk1 và các giọng Mân Nam 客家话:[陆丰腔] tut7 [梅县腔] tut7 [宝安腔] tut7 [东莞腔] tuk7 [客语拼音字汇] tug5. Tiếng Tày Nùng còn dùng dạng xoọc nghĩa là hói. Trong VBL còn ghi "sóc tlán" (sói trán) cho thấy phụ âm xát s (sóc so với thốc) đã từng hiện diện. Tiếng Việt còn dùng một dạng là trọc (trọc đầu) so với dạng chhok (tiếng Khme nghĩa là hói/sói), và trốc (đầu): các liên hệ đáng tìm hiểu thêm nhưng không nằm trong phạm vi bài này. Một âm HV của thốc là ngốc và một dạng chữ Nôm thóc ghi bằng chữ thốc.

 

VBL/1651 – trang 693

 

VBL/1651 – trang 692

 

Tóm lại, các dữ kiện ngữ âm vào thế kỷ XVII và XVIII cho ta cơ sở để liên hệ cách đọc sinh thì3 và âm Hán Việt *thăng thì dựa vào chính lời giải thích của VBL (sinh=lên trong mục sinh thì - trang 688, đức Chúa trời rước=sinh thì - trang 661) như đã ghi nhận trong bài 11.1. Phần trên cho thấy thêm các tương quan với và phương ngôn Mân Việt ở miền Nam Trung Quốc. Ngoài ra, các tài liệu chữ Nôm trong cùng khoảng thời gian hay trước thời VBL, như của giáo sĩ Maiorica, cũng cần được xem lại để so sánh các âm đọc và cách dùng của sinh thì cho thêm chính xác.

 

7. Phụ chú và phê bình thêm

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết "Tản mạn về từ Hán Việt - Sinh thì là chết? (phần 11.1)" (Nguyễn Cung Thông, kết hợp vài trao đổi với TS Lã Minh Hằng và các bạn quan tâm từ cuối năm 2013) trang http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=20780  hay http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4642%3Atn-mn-v-t-han-vit-sinh-thi-la-cht-phn-111&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi …v.v…

Ba bài viết khác liên hệ trực tiếp đến đề tài này và cần đọc để cho thấy các cách nhìn khác nhau là  (1) "Về hai chữ SINH THÌ" của cố GS Nguyễn Tài Cẩn (2001) có thể đọc toàn bài trang này http://ttvnol.com/threads/ve-hai-chu-sinh-thi.66261/  hay  file:///C:/Documents%20and%20Settings/Administrator/My%20Documents/Downloads/VeHaiChuSinhThi%20(1).pdf  (2) "Góp phần giải thích từ Sinh Thì trong kinh sách Công Giáo" của TG Nguyễn Long Thao (2008), có thể đọc toàn bài trang này http://www.vietcatholic.net/News/Html/60716.htm  (3) "Góp ý với GS Nguyễn Tài Cẩn về hai chữ SINH THÌ" của GS Nguyễn Văn Trung (đăng trên Diễn Đàn số 114, 2002).

Các dữ kiện về tiếng Triều Châu có thể đọc từ trang này http://www.teochewdialect.net/dict.php?char_tc=%E5%8D%A6 . Vết tích gần đây hơn ở Nam Bộ của người Triều Châu: xem bài "Tín ngưỡng thiên hậu tại Nam bộ Việt Nam" của TS Nguyễn Ngọc Thơ trang này  http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-ung-xu-voi-moi-truong-xa-hoi/2322-nguyen-ngoc-tho-tin-nguong-thien-hau-tai-nam-bo-viet-nam.html

…v.v…

 

Tiếp theo các trao đổi từ 2013 trên diễn đàn (1/3/2014) - bác ND: http://xuandienhannom.blogspot.com.au/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-qua-khao.html

 

“Cụ Nguyễn Tài Cẩn có lẽ không biết rằng Đắc Lộ đã dịch sát 生時 là giờ lên, đúng nghĩa Hán đấy chứ (xin xem lại nghĩa của trong Thuyết văn...) . Không có chuyện dùng sai, trại chữ, âm đọc từ ra … Majorica dùng SINH THÌ lần đầu tiên, làm sao có chuyện do Đắc Lộ dùng sai sau đó mù quáng tin theo.

Cần phải tìm ra bằng chứng từ người ngoài Công Giáo (Việt hay các dân ngụ cư) đã từng sử dụng đại khái "sinh thì" hay một âm nào đó tương tự.” (hết trích).

 

Bác ND trên diễn đàn nói cũng có phần chính xác nếu xem lại cấu trúc của chữ Hán sinh/sanh, trích TVGT, biên hiệu 3856

 

 

進也。象艸木生出土上。凡生之屬皆从生

Tiến dã。 tượng thảo mộc sanh xuất thổ thượng。 phàm sanh chi thuộc giai tòng sanh

生,出也。——《廣雅》

Sinh, xuất dã  (Quảng Nhã)

王瓜生,苦菜秀

Vương qua sinh, khổ thái tú (Lễ Kí 禮記)

…v.v…

 

Sinh/sanh có hàm nghĩa lên (cây cỏ mọc lên) như giải thích theo TVGT. Tra các hình khắc/vẽ trên Giáp Cốt Văn, Kim Văn và Tiểu Triện ta cũng thấy phần nào ý nghĩa nguyên thuỷ. Nghĩa cổ nhất của sinh là sinh trưởng 生長 (theo Từ Nguyên - Thương Vụ Ấn Thư Quán - Bắc Kinh/2004)

 

 

 

Tuy nhiên, sinh có 6 nét nghĩa (riêng biệt) theo VBL (1) sinh/sống (2) sinh/đẻ  (3) sinh/lên - sinh thì (4) sinh/sênh (thanh gỗ để gõ nhịp) (5) sinh (lửa sinh) (6) sinh đồ (học trò). Ba nghĩa 1, 2 và 6 đều có gốc là sinh 生, nét nghĩa 3 cũng có thể cùng gốc nhưng cũng có thể khác hơn, như từ chữ hiếm thăng/chưng 脀.

Chữ chưng/thăng 脀 (Unicode 8100, thanh mẫu chương 章 vận mẫu chưng 蒸 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

 

 

署陵切 thự lăng thiết (TVGT, ĐV)

辰陵切,音承 thần lăng thiết, âm thừa (TV, LT)

諸應切,音證 chư ứng thiết, âm chứng (TV, LT)

煮仍切 chử nhưng thiết (QV)

諸仍切 chư nhưng thiết (TV, VH, LT)

諸丞切,音蒸 chư thừa thiết, âm chưng (CV)

升也 thăng dã (QV)

之承反 chi thừa phản (ThVn 釋文)

之仍反 chi nhưng phản (LKTG, NKVT 五經文字)

之仍切 chi nhưng thiết (NT, TTTH)

諸成切,音征  chi thành thiết, âm chinh (TVi)

…v.v…

 

 

Thăng/chưng là chữ hiếm với tần số dùng 28 trên 237243358. Giọng BK bây giờ là zhēng so với giọng Quảng Đông cing1 zing1 và các giọng Mân Nam 客家话:[客英字典] zhin1 [海陆丰腔] zhin1 shin2 [梅县腔] zhin1 [台湾四县腔] tsiin1 siin2. Một dạng âm cổ phục nguyên của thăng/chưng là *tɕĭəŋ. Vào thời VBL, có khả năng thăng/chưng đọc gần như *sinh (dựa vào giọng Mân Việt). Điểm đáng chú ý là *sinh 脀 có nghĩa là lên, hay sưng lên so với dạng sình (lên) tiếng Việt, và dạng thình (lên) cùng nghĩa - Béhaine/Taberd (1772/1838). Dạng thình (thình lên) còn hiện diện đến thời Huỳnh Tịnh Của (1895/ĐNQATV), bây giờ thì không thấy dùng thình chỉ sinh nên, sình lên mà  chỉ còn vết tích trong từ láy thình lình (tự nhiên sinh ra). Một dạng liên hệ là sỉnh tiếng Việt có nghĩa là lớn lên, như "Thằng bé nuôi mãi không thấy sỉnh tí nào" (Việt Nam Tự Điển/1931/1956).

Phạm trù nghĩa của "lên thiên đàng, gặp (mặt) Chúa, lên nước Chúa" hay được "đức Chúa trời rước" (VBL - trang 661) đều rất phù hợp với nghĩa của sinh thì, một mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời một người theo CG: được lên thiên đàng hay xuống địa ngục.

Nghĩa của sinh thì, có lẽ cho ta thấy rõ hơn trong VBL mà ít người biết đến, là về với Chúa. Đây là một trong những khái niệm cốt lõi của CG, tương phản với niềm tin "sinh kí tử qui" của lương dân thời VBL, LM de Rhodes nhắc đến nhiều lần về lòng tin này

 

"... Cho biết sự ấy tỏ tường, thì phải nhớ lời đất Annam này nói liên: "Sống thì gửi, chết thì về" (nói chữ: sinh là kí dã, tử là quy dã). Song le thì phải hay đời sau có hai quê: một là quê lành, hai là quê dữ; quê trên, quê dưới, thiên đàng, địa ngục. Vì chưng trên trời thì có thiên đàng: ai đến được trên ấy thì chịu  hằng hằng vui vẻ vậy...." (Phép Giảng Tám Ngày - Ngày Thứ Nhất)

 

 

 

VBL/1651 – trang 661

 

1) Alexandro (Alexandre) de Rhodes. 1651 Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (thường gọi là từ điển Việt Bồ La) - NXB Khoa Học Xã Hội (Thành Phố HCM - 1991). Không phải ngẫu nhiên mà VBL ghi lại địa danh Phổ Kiến (Phúc Kiến, khu vực của Mân Việt thiên di sau năm 306 TCN) cùng với các địa danh khác như Kẻ Chợ, Đàng Ngoài, Rum, Bắc Kinh ...

 

2) Thiên Nam Ngữ Lục, cũng vào khoảng thời kỳ VBL ra đời, ghi rõ nguồn gốc nhà Trần (1226-1400) từ Mân Nam:

 

 

Các đợt giao lưu thiên di /văn hoá/ngôn ngữ với Mân Nam (Mân Việt) đã để lại nhiều vết tích trong tiếng Việt từ thời lập quốc cho đến cận đại. Có khả năng nguồn gốc nhà Trần (1226-1400) thuộc Mân Việt (Bách Việt), dù có lập nghiệp ở miền Bắc VN từ thời Triệu Đà hay thời nhà Lý, cho thấy nhiều đợt giao lưu đã từng xẩy ra trong lịch sử VN.

 

3) Tổ hợp "sinh thì" phản ánh phần nào hai giai đoạn nhập vào tiếng Việt: thì đã hiện diện trước qua các dạng giờ (âm cổ hơn), giây, thì (âm HV) và thời (hậu bán thế kỷ XIX), so với sinh/sanh (đẻ) hay *sinh (thăng/thưng/thâng) đã có các từ tương đương trong tiếng Việt. "Sông giang hà" (sông ngân hà, Huỳnh Tịnh Của - Đại Nam Quấc Âm Tự Vị/1895) cũng cho thấy các lớp từ cùng nghĩa trong tiếng ở các giai đoạn khác nhau. Xem thêm bài viết "Tản mạn về từ Hán Việt thời - thì (phần 6.2)" trang này chẳng hạn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4101%3Atn-mn-v-t-han-vit-thi-thi-phn-62&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi …v.v…

 

Nguyễn Cung Thông
Số lần đọc: 4026
Ngày đăng: 22.08.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 11.1) - Nguyễn Cung Thông
"Ngôn Hoài": Một bài Kệ Thiền rất khó dịch. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp - Ngọ- Ngũ -ngựa (phần 13) - Nguyễn Cung Thông
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp - Ngọ ngựa (13A) - Nguyễn Cung Thông
Chữ Sanskrit, chữ Hán liên quan đến Vu Lan Bồn - Vương Trung Hiếu
Lẫn lộn n và l? (phần 2) - Nguyễn Cung Thông
Đôi điều về chữ Nôm và giọng Quảng Nam (phần 1) - Nguyễn Cung Thông
Tản mạn về từ Hán Việt (phần 5) - Nguyễn Cung Thông
Chứng tích hình thành và phát triển chữ quốc ngữ từ năm 1632 đến nay : tiến trình của Kinh Lạy Cha - Nguyễn Đăng Trúc
Cái Thú Dịch Thuật - Chân Phương
Cùng một tác giả