NHỮNG BÀI THƠ GẮN BÓ NHƯ KHÔNG THỂ TRÍCH RA CỦA ĐẶNG KIM CÔN
Thời gian gần đây, ta đã thấy thơ văn của tác giả Đặng Kim Côn xuất hiện khá dồi dào trên báo chí hải ngoại cũng như trên các mạng toàn cầu. Tác giả đã có những tập thơ truyện được xuất bản. Nhận định văn chương cho dẫu muốn hạn hẹp cũng đã khó, huống hồ đi vào lãnh vực nghiên cứu phê bình. Vì vậy người viết bài cảm thấy được thoải mái khi nhận lời viết một bài bạt cho tập thơ gồm chín mươi chín bài thơ tình của tác giả. Thoải mái, vì nếu là bài TỰA (theo như tra cứu ý nghĩa) thì có tính chất hướng dẫn người đọc đi vào tập thơ, do đó ta cần nắm bắt sát-sao nội dung và hình thức. Nội dung thì đã rõ là thơ tình, nhưng thơ tình còn cần phải xác định loại tình gì, tình thơ mộng hay tình thất vọng, tình suông sẻ hay tình trắc trở, tình đời thường hay tình nghiêng về cuồng nhiệt… Hình thức văn từ thì càng cần nhiều nhận xét, coi tác giả có theo khuynh hướng văn chương tân kỳ nào không; còn như lời thơ vẫn ở trong quy ước của từ ngữ thì quy ước có lui về mức độ cổ điển lắm không . Đại khái các hướng dẫn trong bài tựa là như vậy. Còn bài BẠT (cũng theo tra cứu ý nghĩa) thì chỉ cần ta viết phụ thêm bài có tính chất góp ý khi nhìn thấy một chi tiết nào đó. Vậy đây là một trong những góp ý: Có những bài thơ gắn bó như không thể trích ra của Đặng Kim Côn. Không thể trích ra vì các bài thơ ấy là một toàn bộ gắn bó, có bài được gắn bó do nội dung, có bài gắn bó do nhạc tính riêng. Có bài ngoài sự gắn bó hai điều trên, còn gợi nhắc ta một cảm quan thưởng thức trong quá khứ. Người viết bài này đã có ý-định viết một tiểu-luận thay vì một bài bạt, nhưng phải bỏ ý-định vì các câu thơ quy vào cho bài tiểu-luận, trong tìm kiếm để tổng hợp, người viết tự thấy chưa đủ chất liệu. Trở lại những bài thơ dường như không thể trích ra, gồm có ba bài, đây là bài đầu:
CHẾT THỬ
Bỏ hết cả cuộc đời, quần áo
Vất linh hồn kiếp trước, kiếp sau
Vắt kiệt tình nhau từng giọt máu
Cho một lần chết thử bên nhau.
Có thể nói chỉ một ít bài của Đặng Kim Côn nghiêng về loại thơ tình cuồng nhiệt, còn đa số thơ tình khác trong thi phẩm không có tính chất này. Nội dung gắn bó, biểu hiện ý tưởng khi đam mê ân ái thì bất chấp tất cả như cấm kỵ tôn giáo, phân biệt hình thức ở đời, không e dè gì nữa để “chết thử” bên nhau. Và đây là bài thơ thứ hai, đặc điểm tạo được nhạc tính do tác giả tận dụng thanh bằng trong các câu thơ thất ngôn. Nổi trội của các thanh bằng làm chìm lấp các thanh trắc ở câu 3 của mỗi đoạn thơ; và nhạc tính cũng do cách lặp lại một số từ:
ĐỪNG TAN, SƯƠNG MÙ ƠI
Đừng tan, đưng tan, sương mù ơi
Bao nhiêu bình minh, hoàng hôn đời
Giấu mình trong đám sương mù bước
Sương tan bỏ mình em chơi vơi
Đừng tan, đừng tan, sương mù anh
Em vin sương dựa chút ân tình
Cuối đường nắng gió vô tình lạnh
(Vô tình sương mù anh mong manh)
Không phải sương mà anh xa xôi
Xa nhau tiền kiếp đợi chân người
Sương theo mỗi bước ta về mộng
Đừng tan, đừng tan sương mù tôi.
Cách tạo nhạc tính làm khác hơn nhạc tính do niêm luật trong thể thất ngôn. Thể cách này cũng đã có nhà thơ Bích Khê sáng tạo trong bài “Tỳ Bà”, nhưng sương mù trong bài thơ Tỳ Bà có nhạc tính dâng lên dâng lên, khác với nhạc tính tan ra tan ra trong bài thơ của Đặng Kim Côn. Ta cảm thức nhạc tính do âm điệu từ ngữ mà cũng do hình ảnh, do tương quan thị giác và thính giác. Và đây là bài thứ ba, toàn bài gắn bó, không những gắn bó nội dung, gắn bó nhạc tính, mà còn gợi về một cảm quan ký ức:
TÀU VỀ RỒI EM CÓ VỀ KHÔNG?
Tàu về rồi em có về không?
Áo em xanh hay áo em hồng
Ta lơ ngơ đứng trong phòng đợi
Nghe còi tàu đuổi mắt ra sân.
Tàu về rồi em có về không?
Tiếng bước trên ga rộn rã lòng
Từng người khách cuối rời ga vắng
Tàu chạy rồi sao ta còn mong.
Em có về trên chuyến tàu sau?
Ta đã chờ em mấy chuyến tàu
Còn bao nhiêu chuyến hôm nay nữa
Ta còn chờ em đến bao lâu?
Nhà thơ Nguyên Sa có một bài thơ hơi nghiêng về thể thơ tự do, bài “Tiễn Biệt”, với ý thơ cũng tự hỏi bâng khuâng những điều không chắc chắn về người yêu đến hay chưa đến, về đêm nay hay đêm mai, đang đi trên dòng sông hay hay trên một chuyến tàu. Đó là do cảm quan từ ký ức, còn như người chưa đọc bài thơ “Tiễn Biệt” thì bài thơ này cũng đủ các yếu tố gây bâng khuâng. Thơ Nguyên Sa khiến ta bâng khuâng trừu tượng, vì nó gợi đến không gian mênh mông gồm đủ cả những cảnh quang ly biệt. Còn bài thơ này cụ thể hơn, vì chỉ giới hạn bâng khuâng ly biệt tại nhà ga xe lửa. Tóm lại về 3 bài thơ trích dẫn kể trên: Xin tạm gọi là những bài thơ thơ hay là do toàn bộ liên kết các yếu tố về nội dung, về nhạc tính, về tận dụng gây hiệu ứng bâng khuâng. Nhưng đọc thơ là do chủ quan của từng người, cảm thức biểu hiện từ nắm bắt cá nhân. Theo người khác thì có thể trích rời ra các câu thơ từ bài thơ, câu nào đạt thì vẫn được nhận định riêng lẻ. Cảm thưc mong là cảm thức chung, đó chỉ là ước vọng.
Cuối bài, xin nhắc lại dự định viết một bài tiểu luận với nhan đề “Cảnh quang quê quán thể hiện trong thơ Đặng Kim Côn”. Ý tưởng này thì cũng không có gì lạ, nhiều người cũng có ý kiến tương tự khi đọc thơ gần như của bất cứ thi sĩ nào, ai cũng có ít nhiều lưu lại dấu vết quê quán của mình ở trong thơ. Đặng Kim Côn lưu lại hai câu thơ đẹp từ hình ảnh Thạch Bi Sơn nơi quê quán Tuy Hòa tỉnh Phú Yên: “Đỉnh dốc ấy một thời đá dựng. Em tạc mình thành đá trông mây” (Trích bài: Lòng Đá). Dù là những câu thơ tình, nhưng vẫn tiềm ẩn Tảng Đá Vọng Phu (còn gọi là Núi Đá Bia) chơ vơ trên Đèo Cả. Ngoài ra trong thơ Đặng Kim Côn có nhắc nhiều về biển, và có lẽ hai câu thơ này trội nhất khi nói về biển của Đặng Kim Côn: “Nếu biển biết nơi nào không có sóng/ Thì mặt trời cũng biết nắng từ đâu” (Trích bài: Mặt Trời Trên Sóng). Và nhà ga đường tàu xe lửa cũng thường có trong thơ Đặng Kim Côn, dĩ nhiên nhà ga xe lửa thì bao giờ cũng là bối cảnh cho ly biệt buồn thương: “Từ đó em cho ta nổi nhớ/ Đi miên man không kịp đoàn tàu/ Em bỏ lại cho ta chiếc bóng/ Ta thành một nửa của hôm qua” (Trích bài: Sân Ga Ta Đến Lại Về). Nhưng quê hương vùng biển, quê hương có nhà ga đường tàu xe lửa, cũng đã là bối cảnh thân thương hiện diện trong thơ của nhiều thi sĩ; và Thạch Bi Sơn Đèo Cả thì chỉ có vài câu trong thơ Đặng Kim Côn; cho nên người viết bài đành bỏ dở ý định thực hiện bài tiểu luận kể trên. Vả lại ý tưởng cho tiểu luận này cũng không mới lạ.
City of Walnut, California, tháng 8 năm 2012