Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.204.628
 
Ghi chép Augusztus - Tháng Tám 2014
Nguyễn Hồng Nhung

                        

 

 

Về VN một tháng trời, đủ để ấn tượng, thói quen cảm xúc của từng ngày sống trên đất châu Âu phai nhạt, quay lại châu Âu,  trong lòng vẫn đọng lại vương vất một cái gì đấy của đời sống quê nhà, chợt được nhắn đi dạy tiếng cho bọn trẻ con, bèn… đảo chân ra chợ. Chợ giời Budapest là nơi mang dấu ấn rõ nhất đời sống của số đông người Việt sinh sống xứ này, cho dù kích thước của chợ đã bị chính quyền nước sở tại thu hẹp lại nhiều, nhưng nội dung và bản sắc đặc thù của cái chợ giời quốc tế này vẫn thế.

Vẫn bẩn thỉu nhem nhuốc từ đường đi ra, từ lối rẽ vào, vẫn tạm bợ và nham nhở  từ mặt hàng đến quầy hàng, vẫn những hiện diện người ( vô ích ngôn ngữ khác nhau) ngơ ngác, phồng lên, sưng tấy cùng lúc bởi sự phóng túng, trắng trợn,  bởi sự tùy tiện và có gì đấy đắc thắng của những hành vi ma quỷ mặc sức phơi bày. Tất nhiên, từ xưa tới nay bộ mặt chợ là thế, không thể khác: một liên minh để sống còn, dính líu đến mọi khía cạnh đời sống vật chất của con người.

Ra chợ, lại:  tránh sang một bên hòng thoát khỏi tràng chửi rủa của mấy tay (tự coi mình) là cặn bã xã hội , kẻ què tay, kẻ cụt chân, kẻ khập khiễng, chúng ra chợ  (làm ra vẻ) hạ mình ăn xin nhưng căm hờn nhìn vẻ lành lặn của người đời, (giả vờ) không nhìn thấy những kẻ bới thùng rác cạnh büfe, hay những bộ mặt vô hồn, hoặc lạnh tanh, hoặc nhăn nhở cười nói khắp chợ, nhận ra lòng mình …không còn xao động như trước nữa.

Vội vã bước đến nơi tổ chức học của bọn trẻ con. Bố mẹ chúng buôn bán quanh đó, một phụ huynh sốt sắng nhất đã biến một tầng gác vốn dành làm kho chứa hàng thành một lớp học có đủ bàn, ghế băng dài, bảng, bàn ghế cho cô giáo. Lũ trẻ lố nhố, chênh lệch tuổi nhau, nhưng vẫn là những khuôn mặt bầu bĩnh, những đôi mắt đen tròn ngước nhìn cô giáo.

Gặp những đôi mắt này, quên hết thảy. Và khi bắt đầu viết lên bảng những chữ cái tiếng Việt đầu tiên, quên luôn mình đang ở đâu, xứ nào, làm gì, tại sao ở đây? Chỉ còn những đôi mắt đen láy đáng yêu và tiếng Việt.

Ta đã thoát khỏi tầm kiểm soát và chi phối của môi trường rồi chăng?

Có thể vì ngước lên vẫn nhìn thấy bầu trời sắp sang thu cao xanh ngắt, ngắm những hàng cây lưa thưa trên đường thấy lá vẫn xanh biếc một màu vô tư và hoa vẫn nở đủ màu sắc, gió thổi dịu dàng bên tai, trên má.

Đời sống tự nó vô tội mà. Nhận ra điều này quá đi chứ!

Bất ngờ nhớ lại những khoảnh khắc từ khung cửa kính xe buýt say mê ngắm những ruộng lúa vụt qua bên đường, những hàng chuối, hàng cọ, những con trâu đen thủng thỉnh gặm cỏ, những mái nhà ngói đỏ xa xa.

Đời sống tự nó rất yêu kiều và nồng ấm, là hơi thở vẫn đang nóng bỏng trong ta đây thôi! (2014.08.04)

….

Giờ đây ta đã được trả về một đời sống khác, nhất là kể từ lúc ở VN quay sang, ta càng nhận rõ. Trong đời sống lần này, không có bóng dáng của những mối „xung đột” cá nhân, không có những xung khắc ý tưởng, hành vi, xử thế, dẫn đến những nỗi buồn triền miên, sự chịu đựng, sự bất bình. Mà đời sống này dản dị, hiền lành, với những nhu cầu tinh thần yên ổn. Dù chỉ là những khoảnh khắc!   (2014. augusztus 9.)

…….

Những ngày đầu tháng Tám mang ưu tư của một mối quan tâm. Một người –vẫn được coi là bạn tinh thần gần gũi- bất ngờ „tan tành” trong cơn bão của một vụ scandal. Những lời lăng mạ, tố cáo (hay đặt điều?) phơi bày sự thật (hay vu khống?)  không muốn chỉ nằm yên trong một đám người, mà còn muốn tìm kiếm, gây ảnh hưởng, kêu gọi sự kích động, và sau cùng, đòi hỏi sự xa lánh, tẩy chay từ nhiều người.

Đơn giản lắm nếu chỉ có ta và bạn. Ngắn nhất là gọi nhau hỏi một câu. Bất lợi hơn là viết cho nhau vài chữ (bất lợi bởi khả năng không nhìn được vào mắt nhau, và có thể không có thư trả lời) Dài hơn là chờ đợi. Chờ đợi gì? như người ta thường nói: thời gian sẽ trả lời.

Nhưng đời không chỉ có ta và bạn. Không chỉ có tinh thần thuần túy. Nỗi đau nằm giữa ta và bạn không muốn chấm dứt, vì đấy là bạn ta. Ai gọi ai là bạn đều có nỗi đau này. Chắc chắn. Bởi nhiều lý do lắm, kể mà làm chi?

Chẳng làm gì được cho nhau. Im lặng. Chờ đợi. Vì sao? Lòng tin, ký ức, tri thức, tình cảm…đều không đủ. Nếu bạn nghĩ giống ta, hãy hiện thực hóa tiếp từng ngày sống của bạn đi! kết quả sống sẽ trả lời cho thế gian hộ bạn.

Lòng hoang tưởng (dù vì danh tiếng hay chỉ là trí tưởng tượng thuần túy) bạn ơi hãy xua đuổi nó đi! Lòng hoang tưởng thể hiện rõ nhất trong điều người ta tưởng nó là lý tưởng (cao đẹp), nhưng xa lạ với việc hiện thực nó trong đời sống. Cái gì hiện thực hóa được, không cần trở thành lý tưởng. Nó có thể đơn giản nằm trong đạo đức sống của Người mà thôi. Bạn có nghĩ thế không?

( 2014. augusztus 11.)

…..

Phải dùng từ này: TRỐNG RỖNG.

không có nghĩa là không cảm xúc. Mà là: không tự đánh lừa mình.

Sang bên đường bên kia, sẽ lại dính vào các loại xúc cảm, như dính vào một thứ kẹo BÔNG- một thìa đường nhỏ đưa vào máy ly tâm quay tít, cho ra một cây kẹo khổng lồ trông như một cuộn bông trắng lớn, lè lưỡi chạm vào nó, ngọt lịm, nhưng phải ăn nó đến hết…chà! vừa dính, vừa bẩn tay, bẩn mũi, bẩn mồm, vừa phồng to bụng vì hít nhiều không khí quá cùng lúc khi ăn…

Đấy, sang đường bên kia sẽ nhận được một cây kẹo bông- cảm xúc. Thật dễ dãi  cho con người khi được chơi tung tăng, sống cùng đám đông, không ăn kẹo bông thì đi với đông người để làm gì?

Còn ở lại đây, bên này đường: một mình, không tự đánh lừa mình bằng tự tạo cảm xúc. Nên trống rỗng. Nhưng tỉnh táo cân bằng như thể con người ăn, ngủ, chơi, làm, vừa đủ…

Bèn đọc bác Hamvas Béla. Lập tức hiểu ngay bác định nói gì. Nếu hồi đầu tiên đọc, kinh ngạc vì thấy sao lúc nào bác cũng NHẤT QUÁN thế không biết? chả bao giờ đi lệch tư tưởng chủ đạo tất cả là MỘT,  giờ đây hiểu: tại bác biết trống rỗng. Stop. Dừng lại ở đúng hiện thực, không thêm không bớt.

Đọc một hồi nữa. Thích thú. Nhưng không có hứng dịch. Và cũng chả có hứng đọc tiếp. Mày sao vậy? đang trống rỗng cơ mà? Nhận ra: tháng Tám - Augusztus là tháng chờ đợi. Trong linh hồn. Ta đang chờ đợi. Chẳng nhẽ giống cảnh vật thiên nhiên ngoài kia: cây nào cũng nặng trĩu quả, dù có loại quả đã chín, có loại đang lớn, và có cả loại mới xong phần lượng, chưa nổi phần hình, đừng nói gì đến phần chất…

Chờ đợi để làm gì? để CHẾT! Oh! vậy mà không hiểu. Thảo nào con người lặng thinh. Bởi chuyển hóa cũng có những phút lặng. Trống rỗng. Tưởng vô cảm, nhưng không phải. Chờ đợi câu trả lời lên tiếng. Chỉ khác: không cần giãi bày.

Trầm ngâm, trống rỗng, phút lặng, có lẽ đây là những năm của tuổi 60 chăng? Lá chưa vàng hẳn, đã hết xanh ngắt, màu xanh trộn vàng đậm đà, thân lá vẫn khỏe mạnh, tròn trặn, chưa rách mép hoặc nhăn nhúm đợi khô…Oh!

Mỉm cười vì những ngẫm nghĩ này, bèn đọc Phillinszky János. Thích. Dịch luôn.

NHỮNG MUỘN MẰN 

(Tặng Németh László)

Những muộn mằn, hoang tàn hy vọng;

kẻ sau cùng, hết trụ thế gian,

như tươi tỉnh Hè nâng thành giông bão

cuồn cuộn dâng tầng thẳm hoại, vong.

(Pillinszky János)

 Lập tức thấy mình đang ngước lên nhìn cây thánh giá trên đỉnh nhà thờ. Bao giờ cũng vậy, mốc sau cùng của suy tư sẽ là việc ngước nhìn cây thánh giá.

Sao vậy?

…..lời tuyên ngôn (sách cổ) chưa bao giờ nói về việc trả lại vị trí cho thiên đường (cái bắt đầu trong buổi ban mai đầu tiên của nhân loại), nhưng lại nói đến đất nước của Thượng đế, cái sẽ tiếp diễn vào thời kỳ cuối của mọi thời gian. Đây là Jerusalem Mới của thời Khải Huyền (Apokalipsis).

 Có sự khác biệt giữa hai cảm hứng đầu tiên và cuối cùng này, giữa Vườn và Thành Phố, giữa Cá Nhân và Nhân Loại. Cảm hứng thiên đường đã bị đánh mất, không bao giờ lấy lại được nữa trong sự đổ vỡ của sự sống người, và nằm lại sau lưng chúng ta,  không thể trả lại vị trí cho sự đổ vỡ này.

 Nhưng cảm hứng về đất nước của Thượng đế (Phúc âm) là cánh cửa mở rộng trong sự chuyển hóa, đang nằm trước mặt chúng ta, và cảm hứng thiên đường le lói khi thực hiện điều này. Thiên đường và đất nước của Thượng đế có quan hệ với nhau như mối quan hệ của Tạo Hóa và  Chuyển Hóa ….( Hamvas Béla- Magia Szutra)

(2014. augusztus 13)

….

Trống rỗng- có lẽ trạng thái này mới có thể dịch sát những trang sách cuối đời của Hamvas Béla. Những trang sách chắt đúc cả đời tri thức lớn nhất của con người: tri thức mang màu sắc siêu hình (ý nghĩa mang tính tôn giáo). Như thể giờ đây một nếp nghĩ, một lối sống đã quen thuộc hàng ngày không mang lại khả năng hiểu những điều cao hơn, phải KHÁC.

Và nhớ lại những gì có liên quan đến những trang sách dịch nói về Phúc âm, về Thiên Chúa giáo như một truyền thống cổ. Nó không phải một người theo Đạo- bất cứ đạo gì. Tri thức về các tôn giáo hoàn toàn là một tri thức  nó học. Nhưng thật lạ, nó có thể diễn đạt dễ dàng (nhưng chắc không đầy đủ) những điều nó hiểu và cho là đúng về Thiên chúa giáo cổ, về ý nghĩa của truyền thống này.

Vài người quen bảo: mày đang chịu ảnh hưởng của cuốn sách mày đang dịch, bao giờ dịch xong, sau một thời gian mày sẽ quên hết. Nó hơi ngạc nhiên vì ý kiến này. Ngạc nhiên giống như có người chúc mừng nó đã (may mắn) gặp được một ông thày tốt (quái gở! nó chưa bao giờ nghĩ đến việc đi tìm thày!) Nó dừng lại ở Hamvas Béla vì thấy ông nói đúng, đúng như nó nghĩ. Vậy thôi. Cũng như nó không tin mọi tri thức sẽ chỉ là một ảnh hưởng đến rồi đi.

Một người quen khác có vẻ vui mừng khi trò chuyện với nó về đạo Thiên Chúa, về Thượng Đế và về Jezus. Nó mau chóng nhận ra Chúa Jezus, Thượng đế là chốn ẩn nấp an toàn nhất của bác trước mọi quay cuồng đời sống. Bác ta thật hạnh phúc khi đã tìm ra một ý nghĩa đời người cụ thể, khi trốn vào một nơi”xứng đáng” như vậy.

Hay! Tinh thần biến thành lối sống. Điều này được khẳng định khi nó bị bác chê: „ngôn ngữ của mi về Thượng đế vẫn còn cứng lắm”- Tuyệt! không có gì tuyệt hơn, hãy biến tinh thần thành vật chất và ngược lại! vì tất cả là Một, và cụ thể.

Gặp một người quen khác, cũng mang đức tin Thiên Chúa. Ở chàng, đây là ánh hào quang lấp lánh, là cái đẹp thiêng liêng và duy nhất vượt lên mọi đau khổ bắt buộc phải chịu đựng trong kiếp làm người. Bởi vậy khoảng thời gian êm ả, bình yên và sung sướng là cùng nhau vào nhà thờ, nghe chàng giảng giải cặn kẽ về từng bức tranh khắc chạm kể  sự tích Chúa Jezus, hoặc ngồi lặng im trên hàng ghế gỗ cùng các con chiên khác đợi buổi lễ Mise bắt đầu.

Nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất với nó là kỷ niệm ở Đà Nẵng. Đà nẵng mới sáng đã nắng chang chang. Trong lúc mọi người đi chợ, chuẩn bị cho một bữa trưa cầu kỳ, nó cầm ô chậm rãi bước ra đường, đi rất chậm, vừa đi vừa ngắm nghía ngược xuôi. Bỗng nó nhận ra một nhà thờ nhỏ, lùi sâu sau cánh cổng mở he hé. Nó gập ô, bước vào. Trước mắt nó là một khu vườn nhân tạo, dựng lại cảnh Chúa Jezus ra đời, thật quen thuộc với những cây, hang đá, máng cỏ, dòng suối nhỏ…trông như một giáo cụ trực quan sinh động. Nhưng cũng thật bất ngờ, trước khu vườn nhỏ là một lư đồng khá lớn dùng để thắp hương, trong đó cắm nhiều chân hương đã cháy lẹm.

Nó nhìn quanh, không một bóng người. Nó quay lưng, bước vào căn giữa của khu nhà thờ, cửa mở, nhưng cũng không một bóng người. Nó xem, ngắm nghía, đọc, hồi lâu cũng chẳng thấy ai, nó bèn quay ra. Một giọng nói vang lên phía sau, nó quay lại, một người đàn ông trung niên từ đâu bước ra. Nó hỏi, người đàn ông trả lời, rồi câu chuyện có vẻ không muốn dứt, nó được mời ngồi xuống một chiếc ghế băng dài, vị linh mục (lúc này nó đã biết chắc chắn đấy là linh mục của nhà thờ) rót nước mời nó uống.

Ôi, giờ đây làm sao nhớ lại đầy đủ đôi bên đã nói những chuyện gì nhỉ? Không thể nhớ! chỉ nhớ rằng một câu chuyện tình cờ nhưng đột nhiên trở nên vô cùng sôi nổi. Nó bối rối khi định xin một tờ giấy ghi lại điều gì đó, đã thấy vị linh mục mang giấy bút đến từ lúc nào, và ông bắt đầu vẽ, giảng giải.

Tờ giấy này nó đã mang theo bên người, mang sang châu Âu. Giở ra, thấy hai chữ cái đầu tiên đập vào mắt: A + Ω và một sơ đồ cụ thể viết bằng chữ nắn nót. Vị linh mục đã đơn giản hóa lịch sử đời sống tinh thần của loài người, trong đó có Thiên Chúa giáo và các tôn giáo liên quan vào một tờ giấy lớn gấp đôi, đưa cho nó. Nó đã bần thần nhìn lại tờ giấy này.

"Ta là An- pha và Ô-mê-ga, đầu tiên và sau chót, ban đầu và cuối cùng. " (Khải huyền 22:13).

Ban đầu nó định vẽ lại sơ đồ này như một tri ân buổi gặp gỡ ở Đà Nẵng. Nhưng rồi nó ngẫm nghĩ và để nguyên tất cả trong tờ giấy, nét chữ, màu mực, cùng nội dung của các khái niệm viết tắt.

Hãy học cách nhớ lấy các ký hiệu đời sống. Như học cách  chắt lọc niềm vui trong các mối quan hệ người.

 

 

( Budapest. 2014. augusztus 15.)

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2593
Ngày đăng: 09.09.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đường về hoang dã - Nguyễn Hàng Tình
Cảm nhận sau một lễ hội Vu Lan - Mặc Phương Tử
Ghi chép Julius 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Cuốn Đại chiến Thế giới 1914 - 1918 - Vũ Anh Tuấn
Ghi chép MÁJUS - 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Bên dòng cổ chiên tụng bài Kinh Phật - Mặc Phương Tử
Ghi chép ÁPRILIS - Tháng Tư 2104 - Nguyễn Hồng Nhung
Động lực nào khiến Tôi ham tìm và giới thiệu những Cổ thư cả trăm năm tuổi của các tác giả Đông Dương viết về Việt Nam? - Vũ Anh Tuấn
Theo mây đi Cùng mây về. - Mặc Phương Tử
Ghi chép MÁRCIUS –Tháng Ba 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)