Nhà văn Triệu Xuân
Nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả của bài thơ nổi tiếng Bên kia sông Đuống, và rất nhiều bài thơ hay khác. Thế mà có một bài thơ tình tuyệt hay, làm năm 1953, đã in trên một tờ báo ở Hà Nội năm 1958 (tờ báo này sau đó… đình bản). Rất ít người được đọc bài thơ này! Một người bạn của tôi kể:” Khi tôi vớ được tờ báo kia, bài thơ đã gây ấn tượng quá mạnh, tôi phải chui vào đọc lén ở trong… nhà tắm! Đọc hai lần là tôi thuộc ngay, thuộc rồi không bao giờ có thể quên được nữa!”.
Bài thơ được viết ra từ năm 1953, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Hoàng Cầm sáng tác bài thơ cách nay 48 năm, nhưng bố cục, ngôn từ rất hiện đại, nó như một cuốn tiểu thuyết cô đặc lại. Trong kho tàng thơ kháng chiến, nếu chọn ra mười bài thơ tình hay nhất thì bài thơ sau đây phải nằm trong số đó:
MỚI
Đôi vợ chồng mới cưới
Sáng dậy giặc bủa vây
Đôi lứa xuống hầm bí mật
Tiếng cuốc bổ miệng hầm bần bật
Như qủy nhập tràng
Nậy nắp áo quan
Dựng người còn sống
Một mũi kim luồn nhanh qua xương sống
Người vợ lao lên
Một tràng đạn tiểu liên
Im lặng
Mười năm sau
Người chồng đi lấy vợ
Anh nói như người say
Trên vai mềm vợ mới:
“ Một suối máu hôm qua
Nở thành em hôm nay
Yêu nhau sao cho vừa
Cho xứng với tình cao cả ngày xưa”
Người sống nói nhiều
Người chết không nói nữa
Từ nơi vô cùng chỉ gật đầu cười nụ
Trên nắm xương gửi lại đã tàn dần…
Đúng chất Hoàng Cầm, tình cảm nén chặt, càng nén càng như chực bùng lên, dữ dội. Ngôn từ thì cô đặc như cao, quá kiệm lời, chỉ có 123 từ kể cả tựa đề! Điệu thơ tưng tửng, tưng tửng nhưng lại cứ như mũi khoan xoáy vào tâm hồn, tấm lòng người ta. Bài thơ Mới đúng là một cuốn tiểu thuyết đã được rút gọn đến tận cùng, không thể nào gọn hơn được nữa: Chồng là bộ đội, vợ là du kích. Giữa hai trận chống càn, họ cưới nhau. Đêm tân hôn chưa trọn thì giặc bất ngờ bủa vây. Họ xuống hầm bí mật. Bọn giặc có kẻ phản bội đã cuốc đúng hầm của họ. Tiếng cuốc bần bật như qủy nhập tràng nậy nắm áo quan để dựng người còn sống. Trong tình thế ấy, con người không khỏi run sợ: Một mũi kim luồn nhanh qua xương sống. Sự sợ hãi tất yếu nhưng chỉ trong khoảnh khắc mà thôi. Ngay sau đó, người vợ tung nắp hầm lao lên quyết tử với giặc. Tại sao lại là vợ chứ không phải chồng? Người phụ nữ Vệt Nam vốn có truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu, cho chồng, cho con, cho Tổ quốc. Người vợ đã thuyết phục chồng để lao lên, hay là đã giành phần hy sinh để cứu chồng? Không ai biết đích xác, tác giả không kể lại đoạn đối thoại ở dưới hầm của đôi vợ chồng mới cưới. Chỉ biết rằng, khi người vợ bật nắp hầm lao lên thì một tràng đạn tiểu liên đã xối xả biến người nữ du kích anh hùng ấy thành suối máu. Suối máu chảy tràn xuống người chồng, dòng máu ấm nóng ngập tràn, cuồn cuộn yêu thương, dòng máu anh hùng… Mười năm sau, những mười năm chứ không phải là ba năm sau khi mãn tang, người chồng đi lấy vợ. Mười năm ấy, anh đã sống trong nỗi đau vô cùng vô tận. Thế nên khi đi lấy vợ, trong đêm tân hôn, Anh nói như người say. Trên vai mềm vợ mới: “Một suối máu hôm qua. Nở thành em hôm nay. Yêu nhau sao cho vừa. Cho xứng với tình cao cả ngày xưa”!Tưởng như không còn lời nói nào chân thành hơn, tha thiết hơn trong giây phút đó. Tình yêu mãnh liệt mười năm trước không bao giờ chết, nó bất tử, nó hóa thân vào tình yêu mới. Hạnh phúc hôm nay đã phải đổi bằng bao nhiêu mất mát đau thương. Những người đang sống phải sống làm sao cho ra sống, cho xứng đáng với sự hy sinh của những người đã khuất. Người sống nói nhiều. Người chết không nói nữa. Từ nơi vô cùng chỉ gật đầu cười nụ. Trên nắm xương gửi lại đã tàn dần… Hai câu đầu của đoạn cuối bài thơ như triết lý về sự tất yếu. Câu cuối cùng của bài thơ vẫn là một nốt nhấn đau thương. Thế nhưng nụ cười của người nữ du kích anh hùng năm xưa thì còn mãi mãi với đất trời sông núi cỏ cây, còn mãi mãi với thời gian, với kiếp người, để nhắc nhở, để nâng đỡ và hy vọng…
Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày tình yêu 14-2-2001