Scott Devary
The Diplomat 2 Oct, 2014
Đàn áp thẳng tay hay cải cách, các lãnh đạo Trung Hoa buộc phải hành động sớm nếu họ hi vọng giữ được hòa bình.
“Trung Hoa hành hình 8 người bị kết án Khủng bố” là tiêu đề bài báo. Đó là một tuyên bố súc tích, đập vào mắt khiến tôi dừng lại. Khi tôi đọc xong dòng tên tác giả, tôi nhận ra một kiểu cách quá quen thuộc trong hệ thống tư pháp Trung Hoa. Với những người dân tộc thiểu số Uighur, việc dùng vũ lực quá đáng và tính vô tư bị mờ đục đã thành qui tắc. Các nguồn tin chính thức Trung Hoa để lộ những lời buộc tội những người này liên hệ với bạo lực và những hoạt động li khai nguy hiểm. Cuộc tấn công trên Quảng trường Thiên An Môn từ cuối tháng Mười năm 2013 để lại năm xác chết và hai mươi chín người bị thương được qui kết cho một trong những người đó, một người được coi là đầu não, nhưng các giới chức nhà nước không thấy có phản ứng gì, và lí do thì phức tạp. Vấn đề tinh thần li khai của người Uighur còn lâu mới được giải quyết, và mối đe dọa của khủng bố trong nước đang hiện ra lù lù ở Tân Cương.
Đối với các nhà quan sát phương Tây, chính sách an ninh quốc nội của Trung Hoa chưa bao giờ có bộ mặt công bằng hay tế nhị, phần lớn là do sự hạn chế tự do báo chí trong những vấn đề quan trọng với Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTQ). Luật và sắc lệnh là quan trọng với mọi nhà nước, nhưng hệ thống thực thi công lí phải dựa trên tính minh bạch và các quyền của công dân cũng như sự bảo đảm trừng phạt đối với những kẻ tội phạm tồi tệ nhất của xã hội. Chỉ cần xem lại lịch sử phức tạp và gây nhiều tranh cãi của những tuyên bố gần đây của ĐCSTQ đối với các Vùng Tự trị Tân Cương và Tây Tạng là thấy ngay rằng luật pháp và lợi ích công cộng được áp dụng rất thất thường trong quá khứ gần của ĐCSTQ.
Việc thiếu nhất quán trong sử dụng vũ lực và hành xử với quyền công dân thể hiện một trong những thất bại trung tâm chính sách của Bắc Kinh với sức mãnh liệt của phong trào li khai của người Uighur ở Tân Cương: việc quá hăng hái sử dụng vũ lực từ nhiều cơ quan chính thức và không chính thức khác nhau trong vùng chỉ cản trở mục tiêu bình định của lãnh đạo ĐCSTQ. Mặc dù sự thiếu nhất quán này, những sự kiện đó có thể cho các nhà phân tích nước ngoài thấu hiểu ĐCSTQ quyết tâm duy trì sự thống trị của họ có nghĩa gì, và họ muốn đi xa đến đâu. Ít nhất chúng cũng bộc lộ cho thấy bộ máy trung ương đảng thích ứng và đáp ứng như thế nào trong việc đối phó với một mối đe dọa về an ninh còn mù mờ như thế.
Việc sử dụng vũ lực trong hoạt động quốc nội của cảnh sát Trung Hoa là điều khó tưởng tượng nổi đối với nhà quan sát phương Tây, vì hệ thống chính trị của họ chủ yếu dựa trên ý tưởng về những cái giá phải trả cho chính trị và vốn chính trị hạn chế. Làm sao khẳng định được cái giá chính trị cho một chế độ độc đảng bí hiểm với những cơ quan thông tấn do nhà nước điều khiển và được phê chuẩn chính thức? Không thể nghi ngờ rằng có những cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ: cuộc tranh giành các nguồn lợi và sự ưu tiên ưu đãi chắc chắn phải có bên trong những cánh cửa đóng kín của ĐCSTQ. Tuy nhiên, việc xác định chắc chắn sự thỏa hiệp, mặc cả và ảnh hưởng xã hội được giới chóp bu lập chính sách cân nhắc đến đâu, vẫn còn khó khăn. Đó là lí do tại sao vấn đề chủ nghĩa li khai của Uighur đang trở nên quan trọng và đòi hỏi các giới học giả và làm chính sách ngoại giao nghiên cứu kĩ lưỡng hơn. Đây là phép thử quyết định để xem ĐCSTQ và các lãnh đạo của nó quyết tâm đến đâu trong việc giải quyết một mối đe dọa được coi là sống còn trong nước, theo một trong hai hướng: cải cách quyền công dân hay tăng cường các biện pháp an ninh tàn độc.
Lịch sử phức tạp
Uighurs là tộc người đa số trong tỉnh miền tây Tân Cương, bao gồm một phần sáu lãn thổ và 47 phần trăm dân số, với người Hán chiếm 38 phần trăm. Đây là điều có ý nghĩa khi xem xét Tân Cương quan trọng thế nào đối với Trung Hoa. Là địa phương lớn nhất ở Trung Quốc, có những nguồn năng lượng đáng kể (Tân Cương thuộc khu lòng chảo Tarim, một trong những địa điểm có tiềm năng lớn nhất trong nước về phát triển năng lượng, theo ước tình của Sinopec và PetroChina). Thông tin này có thể dễ dàng tìm thấy ở đoạn đầu của hầu hết mọi mẩu tin trong truyền thông phương Tây bàn về sự bùng phát gần đây của bạo lực và xung đột sắc tộc trong vùng này. Những mẩu tin này không bàn sâu hơn đến những thay đổi trong bộ máy an ninh nội địa Trung Hoa khi xác nhận khoảng 300 người Hán và người Uighur đã chết. Chúng bỏ qua lịch sử phức tạp của việc sáp nhập Tân Cương năm 1949, những chính sách của Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (một tổ hợp bán quân sự có nhiệm vụ vừa giữ hòa bình vừa phát triển cơ sở hạ tầng được trao quyền cho Quân Giải phóng Nhân dân) và sự chênh lệch tương đối trong sự thu hút các nguồn lực và trong thu nhập của người Urghur so với người Hán cùng sinh sống ở đó.
Việc Trung Hoa nắm giữ Tân Cương trước đây không phải luôn luôn nhất quán như sáu thập kỉ qua. Cư dân Tân Cương chưa bao giờ tuân phục sự thống trị của người Hán, với nhiều cuộc nổi dậy khác nhau và những sự cố bạo lực kể từ khi thôn tính Tân Cương trong thế kỉ 18. Hơn nữa, trong thế kỉ 19, tù trưởng Uighur Yakub Beg đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy mãnh liệt chống các thống trị nhà Thanh trong hai mươi hai năm, thậm chí đã được sự giúp đỡ và giao thương của Sa hoàng nước Nga và của Đế quốc Anh thời đó. Hơn nữa, người Uighur đã thành lập một nhà nước độc lập Cộng hòa Đông Turkistan vào những năm 1930, kéo dài đến khi các lực lượng cộng sản tái chiếm tỉnh miền Tây này vào cuối cuộc nội chiến, năm 1949.
Trong những năm đầu thống trị của cộng sản, việc thành lập Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) đã dẫn tới việc một tổ chức bán quân sự chịu trách nhiệm về an ninh và phát triển kinh tế trong vùng. Thực hiện một vai trò lai ghép là kế hoạch hóa nền kinh tế, xây dựng, quản lí cơ sở hạ tầng, và dân quân, mặc dầu về mặt kỹ thuật là bộ máy quan liêu dân sự, XPCC đã được đào tạo để vũ trang vào thời gian Trung Hoa sợ những cuộc xâm nhập biên giới và leo thang căng thẳng với Liên Xô. Mặc dầu chỉ là giải pháp tạm thời của Mao Trạchđông năm 1975, nó đã được Đặng Tiểubình thiết lập lại vào năm 1981 và tiếp tục là một tổ chức kinh tế và an ninh mạnh và năng động trong vùng. Đáng chú ý là người Hán vào đầy XPCC và loại người Uighur địa phương ra khỏi chính sách phát triển kinh tế và an ninh. Làm phức tạp thêm sự thống trị tai tiếng của cộng sản ở Tân Cương là những chính sách gây tranh cãi, như lao động thật sự có tính cách nô lệ (quân lính dân tộc chủ nghĩa Quốc Dân Đảng bị bắt trong nội chiến được đưa đến miền tây để khai hóa và cải tạo vùng sa mạc này thành đất trồng trọt) và những cô “gái Thượng Hải” trong Cách mạng Văn hóa dược đưa đến đây, dưới danh nghĩa đưa người thành thị về tái định cư ở nông thôn, được nhiều nhà sử học coi như một biện pháp làm yên lòng bọn thực dân người Hán bằng cách cung cấp cho họ những cô dâu.
Nguồn: http://thediplomat.com/2014/10/the-approaching-xinjiang-crisis-point/