Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.213.883
 
Thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông: Lung linh qua bè bạn
Nguyễn Anh Nông

    (VH&ĐS) Đọc Nguyễn Anh Nông - Đi từ miền lá cỏ - NXB QĐND, 2013.


 

Đây là tập hợp nhiều bài viết xung quanh 7 tập thơ và 4 trường ca của nhà thơ quân đội Nguyễn Anh Nông - một người con sinh ra từ miền quê Quảng Xương, Thanh Hóa. 

Sách không hề mỏng, lại thuộc loại lý luận phê bình dễ gây cảm giác khô khan, cứng nhắc hoặc giả những lời khen chê dễ dãi, nhàn nhạt nhằm tâng bốc lẫn nhau chăng? 

Nhưng câu trả lời không phải vậy. Người đọc bị cuốn hút theo sự cảm nhận, giọng điệu và những chiều hướng ý tưởng đa dạng nhiều suy tư, nghiền ngẫm. Mỗi bài, mỗi tác giả, ở góc độ, chỗ đứng của mình và cái gu thẩm mỹ của mình mà phát biểu, lên tiếng, bổ sung cho nhau. Tựu trung lại, tất cả đều quý mến, trân trọng công sức lao động nghệ thuật của nhà thơ và đều thống nhất khẳng định những thành công, những hướng tìm tòi bạo dạn, mới lạ. 

 

Bằng cái nhìn bao quát của người tuyển chọn và biên soạn, TS Đỗ Thị Thu Huyền xếp Thơ Nguyễn Anh Nông cũng nằm trong mạch vận động chung của thơ ca đương đại. Nó chấp nhận tất cả từ những điều lớn lao đến những thứ nhỏ bé nhất trong cuộc sống bình dị đời thường. 

Làng quê - nơi sinh ra và tỏa bóng mát xuống tuổi thơ, là môi trường hình thành và nuôi dưỡng những tâm hồn, tình cảm, nhân cách mãi mãi về sau. Xét từ góc độ xuất thân hiền lành đẹp đẽ đó, tác giả Nguyễn Thanh Tâm cho rằng “Chất thơ mang hồn xứ sở là hợp lý”: Tri thức trong thơ Nguyễn Anh Nông gắn với làng quê, đồng bãi, dòng sông, vợ chồng, con cái, cha mẹ, bạn bè, đồng đội, tha hương, phiêu dạt, đất khách... Nguyễn Anh Nông hồn nhiên, thuần phác, cứ vục vào quê mà múc, đổ tràn những không gian Thanh lên ngày tháng tha hương của mình. 

Đọc lên thấy cái vùng quê Thanh, không gian Thanh hiện lên thật trong lành, đáng yêu, đáng mến. Văn lý luận phê bình mà sinh động, tươi mát như văn sáng tác, như câu tản văn giàu hình ảnh và cảm xúc. 

 

Phẩm chất, đức tính ngoài đời các nhà thơ thường được thể hiện trong các sáng tác của họ. Các nhà phê bình hay chú ý đến nó, dùng nó để cắt nghĩa, giải thích, để khẳng định, chứng minh... Với trường hợp Nguyễn Anh Nông, nhà thơ Phùng Văn Khai chỉ ra: Thơ anh phản ánh đầy đủ và chân thực cá tính cũng như nhân cách của anh - một người thâm trầm, độ lượng, nhưng luôn riết róng với văn chương chữ nghĩa. 

Người thế nào, thơ thế ấy. Đọc thơ biết người và cả những giá trị cuộc sống hàm chứa trong đó! 

 

Nếu ở nơi này Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định một lối viết tự động tâm linh, thì ở chỗ khác Nguyễn Tấn Việt lại tinh tế phát hiện ra thơ anh thảng thốt đến hồn nhiên, hồn nhiên đến thảng thốt.  Rồi ngơ ngác, rồi đau đáu, thái quá... Toàn những đặc sản. Nhưng có lẽ, chính đó mới là các yếu tố hình thành nên bút pháp, phong cách, mới có Nguyễn Anh Nông cho chúng ta thưởng thức và phẩm bình chăng? 

 

Các sáng tác được khẳng định là thành công, được nhận những lời khen, chê đúng mực và tâm huyêt đã là quý lắm. Nhưng cũng từ những sáng tác ấy, có khi nó còn gợi ý, hé mở, là cơ hội dẫn dắt người đọc, cho phép người đọc suy ngẫm, bàn rộng ra hay miên man phát triển một ý tưởng, một chiều hướng tư duy nào đấy.

 

 Nhà thơ Nguyễn Anh Nông.

 

 

Tập “Nguyễn Anh Nông - Đi từ miền lá cỏ” làm được cả hai điều quan trọng này. Một mặt, nó khẳng định thành công, chỗ được như đã nói. Mặt nữa, nó bàn rộng ra các vấn đề khác về thơ, về văn chương và học thuật nói chung. 

 

Một người được coi là khó tính, một uy tín thẩm định thơ - nhà thơ Trần Mạnh Hảo, chả phải rào đón úp mở gì: Thơ lấy chất mà đánh bạt lượng, lấy chỉ một cái hay đích thực, hay cỡ Các mét mà đánh bại 99 cái dở. Ông thẳng tuột vậy sau khi đọc tập “Mây bay” 44 bài chỉ chọn khen chừng mươi bài (trong đó hay nhất là bài Cảm tác), còn lại  dễ có đến gần ba phần tư là những bài thơ trung bình, thậm chí có bài kém. 

Thơ hay hiếm thế. Người đọc lại khó tính, khắt khe thế. Âu cũng là tuân theo lời các cụ ta đã dạy: Quý hồ tinh bất quý hồ đa mà! 

 

Ở một phương diện khác, đi xa hơn về phía tư tưởng học thuật, sau khi đọc Trường ca Trường Sơn, TS Chu Văn Sơn thận trọng, nhưng dứt khoát tuyên bố: Trường ca đã làm xong phần việc của mình. Rồi ông đi vào giải thích, trình bày quan điểm hết sức tường tận, hết sức thỏa đáng và thuyết phục: Con người hôm nay có nhu cầu và cần phải nhìn chiến tranh quá khứ bằng một cái nhìn khác. Một cái nhìn không sùng bái một bề, cũng không được phụ bạc. Một cái nhìn thấy được vinh quang nhưng cũng thấy rõ mất mát. Hơn thế nữa, cái nhìn ấy không chỉ là cái nhìn của người yêu nước, mà cao hơn, phải có cái nhìn của người thương nước. 

 

Và đây nữa: Cái nhìn hậu chiến không chỉ là cái nhìn đơn thuần ở độ lùi thời gian, mà quan trọng hơn là ở tầm cao của tư tưởng nhân văn, vượt lên lợi ích nhất thời, lợi ích của một thế hệ, lợi ích của một cộng đồng hẹp. Mà đó phải là  cái nhìn, là cách đánh giá đứng trên lợi ích muôn thuở của kiếp thảo dân. 

 

Phải dẫn cả đoạn dài bởi thấy thiện ý của tác giả là có trách nhiệm, chính xác, chí lý chí tình, bởi dòng tư duy đang phát triển logic, liền mạch và nhất quán. Một bài viết, một ý tưởng có khi làm bừng sáng cả cuốn sách. Ở đây, nó đánh động, lay thức. Nó vượt lên thời gian, nó mở ra không gian bao dung, nhân văn, nhân ái cho tư tưởng văn chương học thuật. Như thế, từ một trường hợp cụ thể, nó nâng lên thành đòi hỏi, yêu cầu chung cấp bách, khách quan đối với sự suy nghĩ, nhìn nhận và trách nhiệm của cả giới cầm bút, và sau đó, của toàn xã hội. 

Cuối cùng phải kể đến loạt ý kiến thiết thực xoay quanh vấn đề thể loại cho trường ca. 

 

Không bó buộc vào quan niệm quen thuộc trước đây, các tác giả Nguyễn Thanh Tâm, Đỗ Quyên, Đặng Văn Toàn đều cùng tán thành ủng hộ việc xác định thể loại cho 4 tập trường ca của nhà thơ Nguyễn Anh Nông. Họ thấy trường ca không nhất thiết cứ phải cảm hứng sử thi, phải có chất men hào hùng, hoành tráng, phải lớn lao, cao cả, kỳ vỹ... 

 

Họ ủng hộ việc mở rộng quan niệm mới cho thể loại trường ca bằng cách cung cấp thêm dung lượng, xúc cảm mới về phía thế sự, những cái được cho là nhỏ nhặt, bình thường nơi đời tư, góc khuất mỗi con người...

 

Đây lại cũng là một đòi hỏi, một thách thức phải đáp ứng để văn chương nói riêng và các lĩnh vực nghệ thuật khác theo kịp được cuộc sống đang không ngừng sôi động, phong phú, đa dạng và phát triển. 

 

Cuốn tiểu luận và phê bình này được thực hiện bởi nhiều tác giả. Mỗi tác giả có một cách, một hướng tiếp cận soi chiếu khác nhau, và qua đó rút ra những nhận định, kết quả khác nhau. Không ai thay thế, che khuất ai. Mà cùng ánh lên những sắc màu lung linh của tình cảm chân thành, của tư duy khoa học và tư duy nghệ thuật nghiêm túc, đầy trách nhiệm. 

 

Viết đến đây, trong đầu tôi chợt bật ra câu hỏi: Có phải đấy là sự vang vọng, phản chiếu của độc giả, của dư luận xã hội? Và cũng không biết nữa, rằng: Đấy là bạn bè văn chương đến với Nguyễn Anh Nông hay là thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông lung linh qua bè bạn?

 

Đặng Văn Toàn

 NGUỒN:  BÁO VĂN HOÁ & ĐỜI SÔNG THANH HOÁ  http://www.vanhoadoisong.vn/news/index.php?&strurl=89715  

Nguyễn Anh Nông
Số lần đọc: 2185
Ngày đăng: 06.10.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bạt - Trần Văn Nam
Giới thiệu sách: “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Sài Gòn - Hồ Đăng Thanh Ngọc
Trích dẫn văn của Yukio-Mishima(Thiền Và Kim-Các-Tự Rực Rỡ Bên Cạnh Phân Tích Tâm-Bệnh-Lý Kiểu Tây Phương) - Trần Văn Nam
Nguyên Minh với Màu Tím Hoa Mua - Võ Quê
Vài chi tiết về Cuốn "Ký ức của một người buôn tranh" (Souvenirs D'un Marchand De Tableaux) của Ambroise Vollard - Vũ Anh Tuấn
Trần Dũng với "Sóng bủa Cồn Ngao" - Hoàng Giao
Đọc thơ Từ Hoài Tấn - Khổng Ðức
Đọc "Bàn tay nhỏ dưới mưa" - Trương Văn Dân
Ngưng Thu ĐI QUA MÙA GIÓ THỔI - Lê Ngọc Trác
Mời bạn đọc Tân Văn số 4 Tháng 12 - 2013 - Trần Nhương