Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.503
 
4 Bài thơ thiếu nhi của Nguyễn Anh Nông - Qua lời bình
Nguyễn Anh Nông

 

 

 

 

BÀI 1: NÚI TRẺ (LỜI BÌNH: NGUYỄN HỮU QUÝ)

BÀI 2:KỴ SỸ NGỰA GỖ ( LỜI BÌNH:TẠ XUÂN NGỌC)

BÀI 3: GIÀN VÀ MƯỚP ( LỜI BÌNH:TRẦN ĐỖ QUYÊN)

BÀI 4: TÂM SỰ CỦA CÁI TẨY (  LỜI BÌNH:ĐỖ THỊ THU HUYỀN)

 

 

NÚI TRẺ CỦA NGUYỄN ANH NÔNG

 

                             Nguyễn Hữu Quý

 

NÚI TRẺ

 

Núi bố đứng trầm tư

Núi mẹ thoa mây trắng

Núi con đứng làm thơ

Mặt trời về trải nắng.

 

Xôn xao bầy lít nhít

Gió thì thầm: núi non

Áp tai nghê khúc khích

Toàn tiếng cười trẻ con.

*

Đây là hình ảnh của một “gia đình” núi quay quần bên nhau. Ta quan sát nhé:

Núi bố đứng trầm tư

Núi mẹ thao mây trắng

Núi con đứng làm thơ

Cũng là núi nhưng núi bố, núi mẹ, núi con tính cách không giống nhau cũng như bố, mẹ và con trong một gia đình ta vậy. Bố là vị “thống soái” của nhà mình nên thường nghiêm nghị, suy tư; mẹ là người phụ nữ đương nhiên là thích trang điểm làm đẹp, còn con đang tuổi học trò tập làm thơ cũng không có gì lạ. “Gia đình” núi và gia đình ta xem ra có rất nhiều điểm giống nhau. Đúng ra thì nhà thơ Nguyễn Anh Nông đã “nhân hóa” núi, biến những vật thể vô tri vô giác thành con người. Nhờ thế, núi thật sinh động, gần gũi và đáng mến hơn rất nhiều trong mắt ta.

Bên cạnh “gia đình” núi rất ấm áp và còn có một “bầy” núi trẻ nữa. Xôn xao bầy lít nhít. Những hòn núi bé nhỏ tựa bầy con nít xúm xít bên nhau. Lít nhít là tượng hình rất phù hợp và có sức gợi cảm lớn. Trước mắt ta hiện ra một bầy trẻ con đang nô đùa với nhau. Vui lắm. Nên chị gió khi bay qua phải thầm thì: Núi non. Núi non là từ ghép, kiểu như nhà cửa, xe cộ, đường xá… Nhưng trong trường hợp này nó chỉ tính chất, trạng thái của sự vật. Đây là một cách chơi chữ mà trong ca dao đã gặp:

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già

Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.

Núi non đích thị là núi con nít rồi nên mới vui vẻ, hồn nhiên như thế này:

Áp tai nghê khúc khích

Toàn tiếng cười trẻ con

 

N.H.Q

 (Trong tập Hương rừng thơm đồi vắng,

      Nxb. Kim Đồng, H, 2011)

 

 

KỴ SỸ NGỰA GỖ

  THƠ NGUYỄN ANH NÔNG

 

Nhong nhong nhong nhong
Bé cưỡi ngựa hồng
Ngựa phi nước đại
Ở trong căn phòng.

Nhong nhong nhong nhong
Ngựa phi ra phố
Xe cộ tránh xa
Nhỡ què ngựa gỗ

Ngựa phi hăng quá
Hất bé té nhào
Đã là kỵ sỹ
Chẳng thèm nhè đâu.

Nhưng mà có đau
Chỉ hơi nhăn mặt
Trót rơi nước mắt
Tay áo quệt mau.

Nhong nhong nhong nhong
Ngựa phi nước kiệu
Miệng cười như mếu
Bé thành diễn viên.

 

 

“KỴ SỸ NGỰA GỖ”

- KHÚC ĐỒNG DAO CHO TRẺ THƠ THỜI HIỆN ĐẠI

 

        Tạ Xuân Ngọc

 

Có trăm ngàn cách để người lớn bước vào thế giới trẻ thơ, quay về với tuổi thơ nhưng Nguyễn Anh Nông đã lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh thơ ca làm phương tiện đắc dụng nhất, cho mình. Trong thế giới trẻ thơ, hoạt động vui chơi ca hát là hoạt động không thể thiếu. Các em tạo ra trò chơi cho mình, người lớn tạo trò chơi cho các em. Việc này diễn ra thường xuyên và liên tục từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vì, thông qua trò chơi ấy, các em vừa rèn luyện sức khỏe, tinh thần và quan trọng hơn, người lớn hiểu rằng, từ đây, các em có thể hình thành nhân cách và cá tính, ý chí và tình cảm. Hiểu được điều đó, Nguyễn Anh Nông đã bước vào thế giới trẻ thơ, thể hiện tình yêu thương với trẻ bằng những khúc đồng dao hiện đại. Kỵ sỹ ngựa gỗ chính là một trong những khúc đồng dao hiện đại chứa chan tình yêu thương ấy của anh.

“Nhong nhong, nhong nhong”, những thanh âm đầu tiên cất lên khiến người đọc liên tưởng ngay đến trò chơi dân gian xưa. Trong trò chơi ấy, mỗi em có một cây gậy hoặc một tàu chuối đã tước lá; buộc sợi dây ở đầu làm cương ngựa; đứng xếp hàng ngang, một tay giữ ngựa của mình luồn qua hai chân, một tay giữ dây cương; trưởng trò ra lệnh “chạy” thì tất cả cùng chạy lên phía trước; vừa chạy vừa hát:

Nhong nhong, nhong nhong

Ngựa ông đã về

Cắt cỏ Bồ Đề

Cho ngựa ông ăn.

Đứng trên bình diện nghiên cứu văn học dân gian, về bài đồng dao này, có ý kiến cho rằng, bài đồng dao Nhong nhong, nhong nhong ca ngợi công đức của Khám lý – Cống quận công Trần Đức Hòa; lại có ý kiến cho rằng câu đồng dao ấy gắn với cuộc chiến đấu mưu trí, dũng mãnh của nghĩa quân Lam Sơn… Các ý kiến ấy đều dựa vào địa danh Bồ Đề và các sự kiện lịch sử liên quan để nhận định. Song, như thế có vẻ kiên cưỡng quá. Hát và chơi đồng dao từ lâu đã một thú vui của trẻ con ở nông thôn xưa. Cùng với các trò “Đánh chắt, đánh chuyền”, “Thả đỉa ba ba”… các khúc đồng dao đi kèm, ngoài việc đem lại kiến thức phong phú về cuộc sống, còn nuôi dưỡng ở các em một tâm hồn trong sáng, thuần thiện. Nên chăng hãy trả lại cho đồng dao dân gian mục đích thủa ban đầu của nó. Nhưng đó là vấn đề khác, còn với Kỵ sỹ ngựa gỗ của Nguyễn Anh Nông ta có thể hình dung như thế này: Một chú bé (hay cô bé cũng được) ở độ tuổi 3 – 5, đang chơi trò chơi phi ngựa như trò chơi dân gian xưa, duy chỉ có điều hiện đại hơn, ngựa của bé không phải bằng gậy hay bằng tàu chuối đã tước lá mà bằng mô hình hẳn hoi. Chất liệu có thể bằng nhựa dẻo hay bằng gỗ. Không gian chơi gói gọn trong căn phòng chật hẹp ở thành phố. Bé vừa ngồi lên lưng ngựa gỗ vừa lắc, vừa cười, vừa hát vang nhà:

Nhong nhong, nhong nhong

Bé cưỡi ngựa hồng

Ngựa phi nước đại

Bé vừa chơi, vừa hát trong sự chứng kiến, cổ vũ của khán giả (ông bà, cha mẹ, anh chị…) xung quanh. Bé đã hóa thân thành người kị sỹ trong những câu chuyện cổ tích. Nguyễn Anh Nông đã đưa người đọc lên chuyến tàu về lại tuổi thơ. Người đọc bước những bước lạ mà quen (ý của Belinsky). Người Kỵ sỹ Bé ấy đang đi hành hiệp trượng nghĩa. Trong không gian cổ tích, mọi ranh giới bị xóa nhòa. Ở đó người chết sống lại, nhân vật tài năng có thể vượt qua núi đao, biển lửa, có thể vượt ngàn dặm xa xôi nhờ đôi hài kì diệu chỉ trong một cái chớp mắt. Nghĩa là cái tư duy logic của cổ tích đã vượt qua tư duy logic trật tự đời thường. Bởi thế cũng trong căn phòng ấy thôi, nhưng khi tâm thế Bé đã hòa nhập trọn vẹn với trò chơi, chỉ trong chớp mắt, không gian đã mở rộng:

Nhong nhong, nhong nhong

Ngựa phi ra phố

Xe cộ tránh xa

Nói từ “phòng” ra “phố” bằng ngựa gỗ trong Kỵ sỹ ngựa gỗ của Nguyễn Anh Nông có cái logic tư duy cổ tích là vì thế!

Ngoài ra, trong Kỵ sỹ ngựa gỗ không khó để người đọc nhận ra sự khéo léo, tinh tế, sự quan sát nhạy bén của Nguyễn Anh Nông. Nghĩa là, anh phải là người rất yêu trẻ, rất am hiểu tâm lí trẻ thơ. Nếu không, làm sao anh có thể miêu tả được những chi tiết như thế này.

Ngựa phi hăng quá

Hất bé té nhào

Đã là kỵ sỹ

Chẳng thèm nhè đâu

 

Nhưng mà có đau

Chỉ hơi nhăn mặt

Trót rơi nước mắt

Tay áo quệt mau

Trò chơi lên đến cao trào, Bé chơi hăng quá, bị té ra nền nhà. Vì đang ở cuộc vui nên Bé không khóc nhè. Thế nhưng, do đau quá nên nước mắt cứ tràn ra, mặc dù không muốn. Và, vì không muốn khóc, cũng không muốn mọi biết mình chảy nước mắt nên Bé đưa tay áo quệt mau. Thú vị chính là chỗ ấy! Nắm bắt một cách tinh tế tâm lí trẻ thơ cũng chính là chỗ ấy!

Nguyễn Anh Nông viết thơ cho trẻ, anh hiểu rằng, trẻ con có cái lí của riêng mình, có sự quan sát của riêng mình. Cái lí, sự quan sát của trẻ nhiều khi tinh tường, chân thật hơn cả người lớn. Cho nên anh đã hóa thân thực sự vào nhân vật, trở thành đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng. Về điều này, nhà văn Thạch Lam cũng từng bộc bạch: “Trẻ con nhìn đời bằng con mắt mới mẻ, trí xét đoán còn trong sạch, chưa bị những tập quán làm mờ. Viết cho trẻ con, trước hết là đứng thay vào chỗ của trẻ và tự làm mình trẻ lại”.

Ở khổ thơ cuối, điệp khúc “nhong nhong nhong nhong” lặp lại. Cứ ngỡ bị đau, Bé sẽ dừng cuộc chơi ở đây. Nhưng không, trò chơi vẫn tiếp tục, tất nhiên trạng thái náo nhiệt, ồn ào ban đầu đã giảm đi:

Ngựa phi nước kiệu

Miệng cười như mếu

Bé thành diễn viên

Nếu như qua đồng dao dân gian, trẻ nhận biết được thế giới xung quanh, vun đắp tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, thì ở Kỵ sỹ ngựa gỗ, ngoài những điều đó, người đọc nhận ra ngầm ý kín đáo của nhà thơ trong việc giáo dục trẻ rèn luyện tính tự lập, tự đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Trong cuộc sống hiện đại, việc giáo dục rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ là vô cùng cần thiết. Điều đó sẽ làm mất đi bản chất của thơ ca, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng vai trò chức năng của thơ ca là giúp con người ta sống tốt hơn, đẹp hơn. Dạy mà như không dạy, qua ngôn ngữ, hình ảnh Nguyễn Anh Nông đã giúp trẻ (và cả người lớn) nhận ra bài học mang tính giáo dục.

     Đại thi hào Nga L. Tolstoy đã từng nói: “Viết cho trẻ là công việc khó nhọc”. Điều đó đúng. Nhưng với Nguyễn Anh Nông, trong Kỵ sỹ ngựa gỗ, có cảm giác anh rất biết cách quan sát và ghi chép lại những gì anh thấy, anh nghĩ về thế giới trẻ thơ. Và ở đó, trong khu vườn cổ tích mà anh tạo ra cho trẻ, người đọc thấy ánh lên niềm tin và nồng nàn tình yêu trẻ. Với Kỵ sỹ ngựa gỗ, lời thơ như khúc đồng dao đã thổi vào văn hóa tâm hồn cho các em, để từ đó các em trưởng thành, vững bước vào đời.

 

   T.X.N

 

 

GIÀN VÀ MƯỚP

THƠ NGUYỄN ANH NÔNG

 

Mướp mới nhú mầm
Giàn ai đã dựng
Giàn cao sừng sững
Mướp bé tẹo teo.

Ngày tháng trôi vèo
Mướp leo, leo mãi
Mướp leo, leo mãi
Phủ xanh mặt giàn.

Mướp liền nhâng nháo
Ăn nói vênh vang
Rằng:- Ta cao lớn
Thấp sao...cái giàn!

Ong bay tìm mật
Bên hoa mướp vàng
Nghiêng đầu, nó hỏi
Những lời ong ong:
- Nếu không có giàn
Mướp dựa vào đâu?
Mướp đứng thế nào?
Mà cao hơn được?

Mướp ta lúng túng
Xoăn tít cả râu
Gật gật cái đầu
Mướp buông chùm quả
Lay lay bóng lá
Như là phân vân.

 

http://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Anh-N%C3%B4ng/Gi%C3%A0n-v%C3%A0-m%C6%B0%E1%BB%9Bp/poem-XTfxsUoLHAYUxGMiAPWCwg

 

“GIÀN VÀ MƯỚP” - TRIẾT LÝ NHÂN SINH

NHÌN TỪ ĐÔI MẮT TRẺ THƠ

 

Trần Đỗ Quyên

 

Nữ sĩ Xuân Quỳnh - người rất thành công với những vần thơ viết cho thiếu nhi - từng viết: “Muốn viết cho các em, điều đầu tiên là sự cảm thông với các em chứ không phải là sự áp đặt. Ðừng bắt các em sống và nghĩ theo cách của mình. Nếu muốn giáo dục các em thì phải nhìn bằng con mắt của các em mà nhận xét đánh giá mọi việc. Cách giải quyết bắt đầu từ đấy”. Đó là kim chỉ nam cho những nhà thơ muốn viết thơ cho thiếu nhi. Trong tập Kỵ sỹ ngựa gỗ, Nguyễn Anh Nông đã thể hiển được chất hồn nhiên trong trẻo của trẻ thơ nhưng vẫn có những vần thơ mang tính triết lý sâu sắc. Bài thơ Giàn và Mướp là một ví dụ điển hình cho nhận định đó. Ở bài thơ này, thi sĩ sử dụng những câu thơ ngắn gọn 4 chữ... để phù hợp với tâm sinh lý và kiểu tư duy của trẻ em. Những quy luật muôn đời của cuộc sống được thi sĩ nhìn nhận qua lăng kính của trẻ thơ làm cho người đọc không cảm thấy nặng nề khi tiếp nhận. Mở đầu bài thơ, Nguyễn Anh Nông đã sử dụng thủ pháp đối lập để làm điểm nhấn tạo nên hình ảnh đối lập giữa Mướp - nhỏ bé và Giàn - cao sừng sững:

Mướp mới nhú mầm

Giàn ai đã dựng

Giàn cao sừng sững

Mướp bé tẹo teo.

Theo quy luật tự nhiên, ngày tháng trôi qua, mướp đã cao lớn hơn và phủ xanh mặt giàn:

Ngày tháng trôi vèo

Mướp leo, leo mãi

Mướp leo, leo mãi

Phủ xanh mặt giàn.

Thi sĩ lựa chọn cách ngắt nhịp quen thuộc của thơ thiếu nhi là 2/2 tạo cho bài thơ mang một âm hưởng khẽ nhẹ, hiền hoà. Như một khúc dạo đầu với nhịp điệu chậm rãi, đoạn thơ đã gợi cho người đọc hình ảnh về cây mướp đang lớn lên từng ngày. Cũng từ đó, mướp trở nên “nhâng nháo” và phủ nhận công lao của giàn:

Mướp liền nhâng nháo

Ăn nói vênh vang

Rằng: - Ta cao lớn

Thấp sao... cái giàn!

Ở đây, nhà thơ đã lồng vào triết lý hết sức sâu sắc về cuộc sống “quên ơn” mà không làm người đọc cảm thấy nặng nề khi tiếp nhận bởi anh dùng con mắt của trẻ thơ để nhận diện cuộc sống. Nói như PGS.TS. Vân Thanh: “Theo tôi nghĩ, phẩm chất cơ bản làm nên đặc trưng của trẻ - đó là sự tò mò, là câu hỏi vì sao, là đòi hỏi cắt nghĩa về thế giới chung quanh. Theo năm tháng, thế giới này càng mở rộng dần biên độ từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa, từ cụ thể đến trừu tượng”.

Ong bay tìm mật

Bên hoa mướp vàng

Nghiêng đầu, nó hỏi

Những lời ong ong:

- Nếu không có giàn

Mướp dựa vào đâu?

Mướp đứng thế nào?

Mà cao hơn được?

Những câu hỏi tu từ thông qua giọng điệu nhẹ nhàng như thì thầm làm cho Mướp phải tự nhìn nhận lại chính mình:

Mướp ta lúng túng

Xoăn tít cả râu

Gật gật cái đầu

Mướp buông chùm quả

Lay lay bóng lá

Như là phân vân…

Giải thích tự nhiên, qua cách nhìn trẻ thơ, rồi từ thế giới tự nhiên mà chuyển sang thế giới con người rõ ràng đây là điểm thành công của Nguyễn Anh Nông trong bài thơ Giàn và Mướp. Bằng sự quan sát thông minh và trí tượng tượng phong phú, nhà thơ làm vui cho con trẻ và làm kinh ngạc mỗi chúng ta.

 

  T.Đ.Q

 

 

 

 

TÂM SỰ CÁI TẨY- QUA LỜI BÌNH CỦA TS. ĐỖ THỊ THU HUYỀN

(…)Thơ thiếu nhi cả Nguyễn Anh Nông mạnh về những hình tượng biểu đạt. Đó là thế giới của các con vật, cây cối tự nhiên nhưng mang đến cho các em thiếu nhi những bài học bổ ích. Khi anh biết về một vật dụng nhỏ bé quen thuộc với tuổi thơ như cái tẩy, những suy ngẫm được gửi gắm:

TÂM SỰ CỦA CÁI TẨY(NGUYỄN ANH NÔNG)

 

Sách vở nào rây mực

Hay chữ xấu chữ thừa

Tôi bào trơn, đánh bóng

Lại hình hài như xưa.

 

Đừng kiện tôi, anh giấy

Tôi chẳng hề tội chi

Mà đang giúp anh đấy

Kẻo anh mang tiếng "hề"...

 

Có kiện, thì hãy kiện

Cậu học trò của anh!

Nhưng mà thôi, sao nỡ

Họ đâu đã ...trưởng thành?

(Tâm sự của cái tẩy)

Cái nhìn của một tấm lòng bao dung mà vẫn không mất đi chất thơ trẻ của sự việc được miêu tả, đấy là cái tài tình ta thường xuyên bắt gặp trong Kỵ sĩ ngựa gỗ của anh(…)

NGUỒN: NHỮNG GIỌT THƠ TÍCH TỤ THƯỢNG NGUỒN THI CẢM- TS ĐỖ THỊ THU HUYỀN( BAÌ IN TRONG TẬP “ NGUYỄN ANH NÔNG – ĐI TỪ MIỀN LÁ CỎ, NXB QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, NĂM 2013)

http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/nhung-giot-tho-tich-tu-thuong-nguon-thi-cam.html

------------------ 

Nguyễn Anh Nông
Số lần đọc: 3406
Ngày đăng: 20.10.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thanh Thảo và Trường Ca "Đám mây hình người thợ săn và con chó" - Mai Bá Ấn
"Gấm" trong Bàn tay nhỏ dưới mưa - Trần Kim Đức
Bài thơ "Em" của Hồ Minh Tâm từ góc nhìn Tâm lý học - Nguyễn Thị Minh
Lãng mạn như tác giả 'Thơ tình viết trên bao thuốc lá' - Trần Dzạ Lữ
Đặng Phú Phong đọc “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Đặng Phú Phong
Nghệ thuật xây dựng nhân vật tha hóa trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975 - Cao Thị Hồng
Nguyễn Nguy Anh, vọng gọi chiều bằng cả hồn thơ... - Nguyễn Nguyên Phượng
Dấu ấn tư tưởng Nho giáo và Lão giáo trong Nghiên Cứu – Phê Bình Văn học ở Đô thị miền Nam 1954 - 1975 - Trần Hoài Anh
Ngẫu hứng đọc “Thơ tình viết trên bao thuốc lá” của Nhà Thơ Trần Dzạ Lữ - Võ Quê
Cao Thị Hồng: Người cần mẫn, sáng tạo trên cánh đồng văn chương... - Trần Hoài Anh