Lời thưa : năm2006 nxb Văn hóa dân tộc có xb cuốn "Các dân tộc ở Việt Nam- cách dùng Họ và đặt tên" ,216 trang, của Nguyễn Khôi, thực chất đây mới là "bản tóm tắt" (toát yếu) công trình sưu tầm - biên khảo của Nguyễn Khôi, nguyên chuyên viên cao cấp (phó vụ trưởng) giúp việc Hội Đồng Dân tộc của Quốc Hội, "bản gốc" dày trên 400 trang, nay sau khi chỉnh lý, bổ sung, có điều kiện :Tác giả ở cái tuổi 77 ta, tự gõ vi tính @ xin lần lượt đăng tải trên Internet để mọi người cùng tham khảo, hiểu biết thêm về các Tộc người ở Việt Nam ta hiện nay.
* Bài 1 : NGƯỜI Ơ ĐU - PHRÔM Ơ ĐU , ( Tày Hạt)
Tên tộc người : Ơ Đu, theo tiếng Thái nghĩa là "thương lắm", "Tày Hạt" có nghĩa là "người đói rách". Điều tra Dân số năm 2009 thì ở Việt Nam có 376 người, hiện có khoảng 600 người cư trú tập trung ở 2 bản Kim Hòa, Xốp Pột, xã Kim Đa và ở lẻ tẻ một số bản thuộc huyện Tương Dương- Nghệ An.
Tiếng Ơ Đu thuộc ngữ hệ Môn- khmer nhưng nay không còn được sử dụng, nói chủ yếu là tiếng Khơ Mú, tiếng Thái.
Nguồn gốc : theo nhiều nhà nghiên cứu thì xa xưa (khoảng thế kỷ 14-17) tộc người Ơ Đu thuộc Tiểu Vương quốc Bồn Man (bao gồm vùng Xiêng Khoảng, Hủa phăn- Lào và các huyện miền núi phía tây Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La ?). Tộc người Ơ Đu xưa có một xã hội khá phát triển, có "nhà nước"- có Vua, có nô lệ, có nhiều bầy Voi. Thủ phủ đoán định là xã Kim Đa. Dân Ơ Đu sống bằng làm ruộng nương rẫy,đào đãi vàng, chài lưới, chăn nuôi, đan lát, biết dệt vải... Năm 1478 thủ lĩnh Bồn Man cấu kết với Lão Qua- Lạn xang- (Lào) làm loạn, quấy nhiễu vào miền tây Nghệ An, vua Lê Thánh Tông cử 2 tướng là Lê Thọ Vực và Trịnh Công Lệ đem quân sang dẹp, giết chết vua Lư Cầm Công, đồng thời sáp nhập Bồn Man vào Đại Việt, đặt tên là xứ Trấn Ninh, rồi cử Lư Cầm Đông (hoàng tộc) cai quản. Sau đó gặp phải thời loạn lạc, tộc người Ơ Đu tan tác do không chống đỡ nổi các cuộc thiên di của người Khơ Mú, người Thái, người H'Mông (Mèo) từ Sơn La & Lào tràn sang, người Ơ Đu quy tụ về ở núi Pú Pẩu thuộc lưu vực 2 con suối Huổi Puông, Huổi San- xã Kim Đa (huyện Tương Dương- Nghệ An). Để tránh bị diệt vong, họ phải bỏ tiếng nói, tên gọi, phong tục tập quán riêng, sống đan xen, lệ thuộc vào người Thái, người Khơ Mú...chịu cuộc sống khổ cực. Cái tên "Tày Hạt" (người đói rách) cũng xuất hiện từ đó ( theo Vi Hợi).Sau CM 8/1945 người Ơ Đu chuyển về ở bản Xốp Pột, Kim Hòa,xã Kim Đa. Năm 2006 do làm Thủy điện Bản Vẽ nên lại chuyển về ở bản Văng Môn, xã Nga My , huyện Tương Dương với dân số hiện nay khoảng 600 người. ( ở bên Xiêng Khoảng - Lào có 48 hộ, 242 người).
Kinh tế : được Nhà nước & các bà con các dân tộc anh em giúp đỡ nên nay đã khá phát triển,không còn đói rách, làm ăn sinh sống, học tập đã có nhiều tiến bộ.
Xa xưa người Ơ Đu không có tên họ, nay lấy theo người Thái, người Lào ( như các họ Lò, Cầm, Quàng, Tòng, Lường, Vi..., trưởng bản :Lò Văn Tình).
Gia đình nhỏ, có tục ở rể, phụ quyền.
Đồng bào tính Lịch riêng theo tiếng Sấm đầu xuân là bắt đầu một năm mới. Quan niệm con người có hồn, khi chết biến thành ma, ma nhà chi phối mọi hoạt động của người trong nhà.
Hiện nay người Ơ Đu chỉ còn giữ được ý thức tự giác về Tộc người, còn ngôn ngữ thì hầu như đã mất, chỉ còn một số ít người biết ít ỏi về tiếng mẹ đẻ. Bà con sử dụng thông thạo tiếng Khơ Mú, tiếng Thái., bản sắc văn hóa Ơ Đu đã mờnhạt./.
( Còn tiếp : bài 2 -Người M' Nông)