Y ngả người ra ghế, tay trái buông xuôi, tay phải vẫn kẹp miếng dao lam bẻ đôi còn nham nhở máu và cặn thạch cao. Máu từ cổ tay Y chảy xuống nền gạch. Mắt nhướng lên trần gác gỗ, Y rên rỉ: “Để tao chết còn sướng hơn, mày để tao chết…”. Ả quơ vội chiếc khăn gội đầu cho khách đêm qua còn vắt trên thành ghế rịt vào vết thương, Ả mếu máo: “Mày chết thì chết bên nhà mày đi thằng khốn nạn, chỗ tao làm ăn tao còn nuôi con”. Rồi Ả cũng tìm ra thứ gì đó để cột chặt vết cứa trên tay Y, Ả đổ nước vào chai dầu gội Clear gần cạn, xúc mạnh rồi chế vào chỗ máu đọng, Ả kỳ cọ vết máu của Y như thể sáng sớm mai Y lăn đùng ra chết thì cái tiệm gội đầu, làm móng của Ả không phải là hiện trường án mạng.
Bốn giờ ba mươi phút sáng, Ả gọi điện cho má Y, Ả bảo: “Má đem nó về bển đừng để nó chết chỗ con kiếm tiền”. Năm giờ đúng ba Y có mặt trước cửa tiệm. Ả vỗ về: “Về bển đi không thôi sáng ra chủ nhà biết đuổi đi không có chỗ làm ăn”. Y ngoan ngoãn lên xe về nhà ba má Y. Ả chẳng buồn nhìn theo con người đốn mạt đó. Ả phải nguyền rủa thậm tệ, Ả phải ai ủi vỗ về, Ả phải mếu máo van lơn, cầu khẩn côn người đã từng đầu ấp tay gối từng đêm kể từ ngày Ả để nguyên mặt son phấn, tóc búi cô dâu theo chân Y đến khu Mả Lạng(*)
Ả mạt sát Y bằng những ngôn từ Y chưa bao giờ nghe được từ miệng của một đại ca, đại tỷ giang hồ nào. Mà cũng kệ, Y cần chở Ả theo sau để qua mắt hình sự. Y khiến Ả sợ chết khiếp những gã chạy “xì po” quần sọt, áo thun, dép lào đón lõng xe Y ngoài đầu hẻm khu Trần Đình Xu, Cống Quỳnh mà Y bảo với Ả đó là hình sự. Ả run lẩy bẩy khi hôm nào đó từ trong hẻm chạy ra Y và Ả bị dân phòng bố ráp, bắt xuống xe và đưa về phường X. Y khúm núm lại gần người có thẩm quyền (Ả nghĩ vậy) rồi lí nhí điều gì đó về sếp của Y. Rồi Y và Ả cũng được thả về. Ả bị vài lần như thế với lý do chồng Ả là con nghiện, Lâu ngày quen đến nỗi Ả không còn phân biệt được giữa Y và Ả ai mới là con nghiện?!
Y khóc, Y bảo Y không muốn sống kiểu địa ngục trần gian như thế làm gì. Ả rít: “thì chết đi”. Thế là Y chết. Hễ muốn chết thì quyết tâm mà chết bằng cách này hay cách khác. Đâm đầu vào xe thì nát bét chả ai nhận ra Y mà mang về thiêu. Nhảy sông thì cũng chẳng được vì đội vớt xác của thành phố sẽ nhận ra Y. Chết ở nhà Y thì ba má Y sẽ nhục lắm, cứ như hai nhà hai bên và cả xóm chưa ai biết ba má y có thằng con nghiện vậy. Thì chết một mình, chết cho Ả biết Y đã nói là làm. Y đổ cái ly dao lam mà Ả hay cạo mặt cho khách ra kệ, lựa cái còn dấu thạch cao mới nhất rồi cứa mạnh vào cổ tay…
Y biết máu đang chảy ra khỏi cơ thể, Y ngả người ra ghế, nghiêng đầu nhìn thứ máu bầm bầm đang nhễu theo dòng xuống nền gạch ẩm. Y chờ cho thứ máu không còn trong sạch của mình cạn kiệt, hết máu thì có lẽ y sẽ hết nghiện, sẽ chấm dứt những cơn đói thuốc, chấm dứt những tháng ngày len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm ở thành phố, vừa canh “Chèo” vừa vờ như cặp tình nhân nào đó đi tìm nhà trọ. Chấm dứt những trận lôi đình mà hàng ngày, hàng giờ Ả dành cho Y. Máu cạn, má Y sẽ khóc một lần rồi thôi không khóc nữa. Ba Y và mấy đứa em sẽ nhục một lần rồi thôi không nhục nữa. Còn vợ Y? Y cần phải cho Ả biết Y đã cố gắng chết như thế nào, Ả cần phải được biết Y đã tự rút máu mình ra như thế nào. Thế là Y thều thào để Ả có thể nghe thấy: “ Tao chết…”
Rất nhiều ngày, nhiều đêm Ả muốn Y chết, chết theo kiểu Y tự mình làm tình làm tội mà chết đi. Không phải kiểu chết bất hợp lý nào đó mà Ả phải mất công giải trình với bên nội của con trai Ả, càng không phải kỳ công biện minh với bên gia đình Ả về cái chết bất thường của thằng chồng ốm trơ xương vì hen suyễn. Ả quen với việc lấp liếm mọi động thái khác thường của Y bằng một lý do nào đó hợp lý hơn. Như chuyện Y bỏ việc để về tìm việc khác lương cao hơn thay cho chuyện Y tự ý đào ngũ. Ả giận mình hơn cả giận Y về chuyện đồng ý làm đám cưới với Y chỉ vì người yêu Ả đi nước ngoài không tăm hơi bóng cá. Ả phải thu dọn từ ống nước cất đến cái kim tiêm sau mỗi lần Y bước châǹ nhà vệ sinh chung của dãy phòng trọ bẩn thỉu. Ả nơp nớp sống như chính bản thân Ả là con nghiện chứ không phải Y.
Sau trận chết mà Y cho là “trời cứu” đó. Y đi đi về về căn tiệm tồi tàn của Ả chỉ để ngồi đợi Ả làm móng xong, lấy tiền là Y phóng đi, có hôm Y đi biệt cả tuần, nửa tháng. Má Y bảo :”Nó dưỡng bệnh bên này…” Mà nghe đâu hôm Y đi lấy “hàng” bên Da Sà (*) có một trận bắt bớ. Ả kệ, bắt đi hết cho người nhà họ sống khỏe. Ả không phải là người rứt ruột sinh ra Y nên ả không nợ nần gì mà phải lo lắng. Ả chửi thề, Ả chửi đổng, Ả cầm dao nhọn kề vào cổ Y: “Đ…mẹ mày để tao thấy mặt lần nữa tao đâm chết mẹ”. Rồi Ả gọi cho má chồng: “Má sanh ra nó má đem nó về lo đi, ở bên này có ngày con giết nó chết.”
***
Tuyệt nhiên Ả không kể về đứa con. Đứa nhỏ mà lúc Y cứa tay đòi chết, nó đạp mạnh trong bụng. Ả lo sợ nếu đứa bé hiện diện trong cuộc sống rách bươm này thì ngày nào đó Ả sẽ giết chết Y. Ả không bao giờ muốn thằng bé đón nhận cuộc sống bằng sự kinh hãi khi chứng kiến ba mẹ mắng nhiết nhau thường nhật. Ả lại sợ khi sinh con ra, Ả không thể làm người mẹ hiền hậu như các bà mẹ khác, Ả sợ ngày nào đó thằng bé lớn lên phải chịu cảnh sống tồi tàn của một đứa có cha nghiện ngập và bà mẹ đá cá lăng dưa.
Điều Ả lo sợ nhất vẫn xảy ra với thằng bé đúng bốn tháng hai mươi ngày. Ả nhỏ nhẹ khuyên Y lên trường cai nghiện vì con. Y gật, rõ ràng lúc ấy Y đủ thuốc, tỉnh táo, Y lan man biết mình đã làm cha của một con người. Hai giờ sáng ngày thứ hai mươi mốt của tháng thứ tư. Ả thở phào nhẹ nhõm như lúc vừa sinh con. Y được công an phường áp giải lên trường cai tận Đaklak.
Sáng hôm đó tiệm tóc trong xóm lao động nghèo đóng cửa. Ả bồng con bắt xe ôm ra tòa án quận sau khi nhờ người soạn cho mình một tờ đơn xin được đơn thân ly hôn. Kể từ đó về sau không ai biết Ả dọn đi đâu nữa. Chỉ nghe các mợ trong xóm kháo nhau: “Con nhỏ đó làm móng kỹ, cắt tóc khéo mà dọn đi uổng thiệt.”
(*)Chèo: tiếng lóng chỉ Công An của dân anh chị giang hồ.
(*) Mả Lạng: khu ma túy nổi tiếng Trên đường Nguyễn Cư Trinh, Q1.
(*)Da Sà: khu ma túy trên địa bàn Q6.
*********