Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.304
 
Trổ Vang Cả Đất Trời
Nguyễn Hàng Tình

 

 

 

 

         Ở cao nguyên miền thượng, tín hiệu từ đất trời để thiên hạ biết dứt mùa mưa là khi thấy cây  quì dại trổ bông. Lời lẽ hoa mỹ tôi gọi nó “sứ giả” của mùa khô, kiểu như tự dưng mấy chục năm qua tên chân chất của nó là “Quì” bỗng  thành “Dã Quì”. Lúc này đây, tôi nhận ra khi loài hoa này trổ bông nó không chỉ đơn thuần là chuyện cỏ cây với thiên nhiên trời đất mà hình như còn là chuyện quê xứ, tâm hồn con người. Dã Quì, mùa hoa mi  lại về rồi kìa…

     

                                     

 

             Thế là tôi lại “trôi” theo cây quì vàng, như bao mùa đã qua. Dĩ nhiên, muốn chìm đắm trong Dã quì là phải về với vùng đất dưới chân đèo Prenn, nơi có con suối lớn Da Tam là mạch nối vào con thác kia, nơi mà bất cứ ai cũng thừa nhận là cứ địa, không gian của Dã quì. Con suối Da Tam mấy bữa trước duy nhất màu xanh nay hiện ra vàng rực. Lúc này nó làm ta liên tưởng cứ như dòng suối kia chảy ra hoa Dã quì. Cứ thế, nó chảy mãi về tận Finôm cách đấy hai mươi ba cây số.

 

 “GIẤC MỘNG VÀNG” CỦA ĐẤT ĐAI

 

        

             Suối kia hết đường lại đổ xuống sông Đa Nhim. Dã quì lại vàng như một dòng sông sắc màu. Lòng sông Đa Nhim mới xanh ngút đó giờ chợt nhuộm lên màu vàng cam hun hút. Độ rộng của lòng sông xưa, luôn cạn nước, khiến quì có đất sống, nuôi ủ sắc vàng chờ mùa về. Sắc vàng chen đôi bờ, tràn xuống lòng sông, phủ xuống vách đá, lấn át cỏ dại, liếm lên những vườn lơghim của dân nông ở bên trên. Màu vàng cam chế ngự mọi thử thảo mộc có hoa khác. Bên những cây cầu, hai đầu cầu bỗng xuất hiện thứ “cổng chào” thiên nhiên được làm bằng cây hoang Dã quì. Nhìn áp vào từng đóa là cảm giác về sự lung linh, mười ba cánh xòe ra, cười tưng, phơi trần nhan sắc lẫn hình hài. Nhưng nhìn xa ra, nó như một tấm vải vàng kéo đi dọc bờ sông. Tấm vải vàng thiên nhiên kéo đi miên man.  Chỉ thiên nhiên mới có thể tạo ra bức tranh trời đất tuyệt vĩ này. Nhìn hút theo nó tôi sướng tê người, mãn nhãn, mỏi cả mắt. Gần đấy, con thác ngày xưa vua Bảo Đại hay đi săn ở sơn nguyên hạ lưu sông Đa Nhim màu vàng hai bên thân thác tạo một thứ phông nền cho mảnh lụa thác trắng kia, vì mưa của những ngày bão lũ miền Trung trước đó khiến hồ Thủy điện Đa Nhim buộc phải xả trả lại nước cho dòng sô mang tên “Nước mắt”_ Da nhìm, tiếng K’ho bản địa. Một tấm lụa vàng kéo dọc, một tấm lụa trắng kéo ngang. Trò chơi sắc màu của Thượng đế.

             Và trên những con đường ở vùng Bồng Lai, qua Tu Tra, Phi Vàng… dân cày đi làm trong thăm thẳm sắc vàng hai bên đường. Sự tần tảo cũng được nhuộm vàng, màu thuần khiết của hoang dại. Giữa cuộc mưu sinh, có thể dân cày sẽ không để ý đến vẻ thơ mộng tạo ra từ trời đất. Nhưng những bức hình tôi chụp họ đi như đâm xuyên qua tranh của Levitan. Hình như nỗi nhọc nhằn phải nhạt đi, hoặc buộc phải biến mất. Những người đánh mật ong từ đâu dưới xuôi bỗng xuất hiện, bày  vô số những thùng ong ra, mở cửa cho ong đi hút mật từ những đóa dã quì.  Đây đó  những đứa trẻ con dân cày đi bắt ong bướm bỏ bịch chơi; hái từng bông quì làm chong chóng mà xoay trước gió; làm vương miện đội đầu như những hoa hậu. Những đứa cá tính hơn thì kết những đóa quì vào bánh bánh xe đạp. Cả chiếc xe đạp chuyển động trong vòng xoay vàng óng. Các đạo diễn điện ảnh tinh tế  nhất vẫn khó có thể nghĩ ra hình ảnh đó. Nó là sản vật của “mùa vàng lên” thuận theo tự nhiên. Cứ thế, các thiên thần cõi người đạp đi trong sáng khắp làng quê núi của nó. Có thể Cha mẹ của nó thì nhớ vào cái thời cả đất nước sống trong không gian “Hợp tác xã”, Bao cấp, gọi chung là “Đêm trước đổi mới”, thì quì tự dưng trở thành thứ phân bón chủ lực của vùng cao nguyên. Nó sống mạnh và nhiều, nên mới đủ để trở thành đối tượng con người chặt về tạo phân xanh cho cây trồng vào cái buổi đất nước nghèo túng và yếu kém không đủ sức tạo ra ngành công nghiệp phân bón tử tế như nước người ta. Đốn Dã quì làm phân xanh tội nghiệp đã khép lại từ khi đất nước này “Mở cửa”, khi chơi thân với Tư bản, nhất là sau 1990.  Thế là cây dã quì trở về với cuộc đời của nó, với sứ phận duy nhất là “đón nắng về”, ra hoa, khoe sắc cho trời đất, xới lên rạo rực ở con người, và giữ cái “gen”_ nguồn gốc bình an hoang dã của mọi làng quê, thành phố trên cao nguyên.

                                         

                                                                             *

 

            Nhưng ở xứ Đức Trọng này, vùng  bình nguyên rộng lớn dưới chân cao nguyên Langbian, màu vàng dã quì làm người ta thảng thốt nhất là sườn núi Voi nối với dãy Pnơm Panơ. Màu vàng cứ thế giăng lê thê xen giữa màu xanh đứt quãng của những cánh rừng thông, hoặc những vườn cà phê của người K’ho nương trú trên sườn núi. Từ ấp Quảng Hiệp nhìn lên, chỏm vàng của hoa, chỏm xanh của cây nông nghiệp, chỏm nâu của đá, chỏm đỏ của đất, cứ như quang phổ nơi mặt đất, sắc màu chơi trò trốn tìm. Cảnh vật cứ rải  khắp nơi và mê man thế rõ thách thức thị giác cũng như trái tim của con người rồi. Những trang trại vốn dùng ảnh hưởng chính trị khi còn tại chức mà có của những cựu quan chức hay nhiều tiền của đại gia doanh nghiệp cheo leo trên sườn núi hoa Dã quì vẫn hào sảng nhuộm vàng những hàng rào. Con đường cao tốc nối chân cao nguyên Langbian với phi trường Liên Khương mới xây đã xuống cấp, nhưng tiết mùa này khiến người ta khi chạy trên nó dễ quên mất sự xuống cấp kia. Màu vàng hiệp sĩ của vũ trụ kia đã tha thứ cho mọi thứ tầm thường ở trần gian và sự loay hoay của cõi người. Kìa nữa, cả phi trường Liên Khương phủ xuống một một vàng thanh nhã, ngoại trừ cái đường băng. Chỉ ông Trời mới đủ sức và chịu chơi “trồng” một lúc cả ngàn hécta hoa như thế rồi bỏ giữa trời. Sân bay đang ngồi đấy mà cứ như đang trôi, như không có thật. Vàng mênh mông quá, khiến cái sân bay cũng thành chốn mơ tưởng. Ngọn núi lửa R’Chai xa xưa danh tiếng đội lên giữa bình nguyên mang vóc dáng đôi ngực trần phụ nữ cũng bỗng mặc vào chiếc áo ngực vàng thê thiết. Trời cao đã vẽ ra một bức tranh sự sống. Con người được ngắm miễn phí. Thế này thì cũng cần gì phải tìm nó trong tranh của ngài Vincen van Goth, cho dù là danh họa, bậc thầy sáng tạo sắc vàng mùa màng trên vải.

            Thiên nhiên bỗng vào kỳ có giai điệu, cung bậc, hội họa, tạo hình, ngôn ngữ.

            Ngang qua vùng người K’ho bản địa ở buôn Srê Đăng, N’Thôl Hạ, tôi hỏi họ về Dã quì_Pơtăng, họ gọi. Họ bảo khi còn xanh nó cũng chỉ như bao cây khác thôi, thường. Ấy thế mà khi trào hoa dậy, nó khác hẳn, thành một thực thể khác. Từ vô chủ, vô hồn, sang có hồn và đa chủ. Từ chỗ hàng ngày đi về không để ý, chuyển sang phải để ý, ngắm nhìn, bình luận hoa mùa này xấu hay xinh hơn.

 

                                                                  GIỌT TƯ TƯỞNG

      

            Chả có loài hoa nào trên đời mà tác động sâu rộng vào quần chúng như Dã quì. Hoa gì mà chi phối nhịp sống buôn này nối làng kia, cả ấp, cả xã, cả huyện, cả tỉnh, cả cao nguyên, núi đồi, thung lũng, và mùa trong trời đất. Khách đồng bằng chẳng sống đời ở kiếp cao nguyên, chỉ tạt  qua, nhưng cũng khó mà thoát khỏi niềm rạo rực. Hoa chậu, hoặc cắt cành thương mại, người ta cảm xúc chút rồi thôi. Thứ hoa hoang dại này thì vừa quen vừa lạ, gần đấy mà thấy xa, hoang vắng, cảm xúc cứ lê thê, cắt nghĩa không nổi. Hoa gì mà khi đứng trước nó, tôi phải vừa dùng mắt lẫn miệng. Ngắm và xúc cảm chưa đủ, mà nhiều lúc phải la lên. Nó thuộc về hoa dân gian. Vì mang tính dân gian nên nó có chiều sâu. Vì có hồn, có vía nên vĩnh cửu. Nó chi phối xứ sở này nhất, nhưng là loài không tham gia “Festival Hoa quốc gia” hai năm một lần ở “Vương quốc hoa” Đà Lạt trên kia. Chính nó đã thành lễ hội, cứ mùa vàng lên. Nó ngang tàng và ngạo nghễ, nở vang cả bầu trời. Ngạo nghễ như chính nó thách đố Phòng công nghệ sinh học của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong việc cố dùng kỹ thuật hạt nhân để làm “lùn” nó lại theo ý tưởng đặt hàng của ngành thương mại & du lịch sở tại, từ ba thước còn độ hai chục centimet để đưa ra đất thành công, biến thành loài hoa thương mại hoặc trang trí. Người ta thất bại. Trong thiên nhiên huyền bí không phải cái gì loài người kia cũng đe dọa, thuần dưỡng, tóm tóc để biến thành nô lệ được; thay đổi cấu trúc gen, biến đổi cho bằng hết những điều vốn thiện lành căn bản của trời đất.

 

            Sắc dân  bản địa K’ho bảo với cây Bơtăng, cái chu kỳ xanh và vàng kia thân quen nhưng khiến họ mơ tưởng.  Họ khuyên tôi hãy “chết chìm” trong nó, trong Bơkào Bơtăng(hoa dã quì), vào mùa vàng dậy, sẽ thấy thiên nhiên đẹp huyền bí, sẽ hiểu và yêu trời đất hơn, vạn vật hơn. Thế mới được như cây Bơtăng, “chết” rồi lại tái sinh; ẩn mình như thiền sư, nỗ lực, bền bỉ, thâm hậu, quyết liệt đổi thay để có sức sống, được hiện hữu, “mới”. Một dòng dõi thực vật nhạy cảm, luân hồi. Mi luân hồn theo kiểu của mi, vòng quay mưa-nắng. Tất nhiên người K’ho cũng như dân cày nhập cư mới dưới bình nguyên kia không cần biết Dã quì là loài cây theo phân loại thực vật thuộc họ cúc, loài Tithonia diversifolia. Và tất nhiên họ cũng không cần biết thứ cây đắng ngắt, Bơtăng, gọi đặc tính thành tên, “sứ giả của mùa khô” này bỗng một ngày ai nấy đều quan tâm. Lại càng chả hơi đâu để ý từ cái tên Sơn Quì, Cúc Quì, Hướng dương dại, một loại “phân xanh”… bỗng thành danh mỹ miều “ Dã Quì” và tự nhiên đi vào Văn chương ở miền Nam kể từ thập niên 1970. Cũng không bận tâm với việc vùng Mae Hong Son của Thái Lan lấy bông cây hoang dại này làm biểu tượng của tỉnh. Chuyện nước Nhật  ngoài đại dương kia vào cuối thời Minh Trị đã từng “nhập khẩu” Bơtăng về xứ sở mặt Trời Amaterasu với tư cách cây hoa cảnh lại càng không biết. Không độc quyền riêng của xứ sở nào, cây Dã quì là “nhân vật” của mùa khô, sản vật chung của thế gian, mọi rừng rú nhiệt đới. Chỉ cần khi nó ở quê tôi, tôi biết hơi thở của nó, buồn vui của nó, là cây thân, người thân.

              Nhưng cái gì trong trời đất cũng có qui luật từ thiên nhiên. Thiên hạ cứ rạo rực với “Mùa vàng lên” cũng bởi nó là màu của sự tinh khôi, “tin vui”, phúc lạc, của Minh triết từ trời đất. Cái màu đứng trên mọi sắc màu tầm thường, là đại diện của sự phổ quát, chân lý_màu của vũ trụ. Màu vàng này là màu của tự do tuyệt đối, của năng lượng, sự thông thái. Con người là giống loài ý thức và khao khát nhất về tự do. Kể cả những người làm cái nghề giam cầm người khác họ cũng yêu tự do. Trong Phật giáo màu vàng là màu dẫn đạo, chuyển hóa, thoát tục, biểu thị cho tinh thần giải thoát. Làm sao tôi quên bộ y của những nhà sư và hình ảnh Đức Phật ngồi trong Ánh Đạo Vàng. Cũng làm sao tôi quên các bậc Vua chúa thường chơi trò ăn gian, cũng muốn tinh khôi như tinh thần Phật pháp, cũng “vàng hóa” và “minh triết hóa”  chỗ ngồi cùng quyền lực cai trị thế gian của mình. Từ  màu minh triết của vũ trụ, tồn tại ở trạng thái phân tử, “bụi”, ánh sáng, khi loài người chưa hình thành, Nhà nước chưa xuất hiện, màu vàng đã được “thế tục hóa”, nên cái từ “Ngai Vàng” nó ra đời chễm chệ.

           Song màu vàng hoa Dã quì, với dân gian, nó thánh thiện hơn vì chỉ tồn tại ở trạng thái tâm hồn, lung linh, trao đổi chất tự nhiên, nên không xuất hiện trò ăn gian hay nhân danh bất cứ gì từ Mẹ vũ trụ. Tôi là một bộ phận của dân gian ấy. Tôi cứ cầm máy ảnh và mang cái chân máy đi mãi như thế này giữa mùa vàng mênh mông tinh khiết. Tôi bấm mỏi tay, đẫm mồ hôi, thì cũng như những hiền nhân đang cày trên những vườn lơghim kia. Nên nhớ vàng Dã quì đã lên là không chỉ “đón nắng”, nó còn chở gió về. Đó là mùa gió bàng bạc, lang thang; thổi mà như hát. Cả cái cao nguyên này như thế. Nó đẩy lùi mọi chộn rộn trong đầu và xáo trộn trong tâm. Tôi mặc cả mùa vàng của Dã quì chứ không phải một tấm y tu sĩ để lướt đi qua những rặng quì ở Tru Tra, Bồng Lai, Định An, Đại Ninh. Nhưng những cái nghĩa địa phủ đầy hoa Dã quì kia thì nó nhắc nhớ tôi về sự phù du của kiếp người, về sự chuyển hóa.

                                                           

                                                                            *

         

            Đang đi giữa mùa quì, nhưng tôi cứ sợ “hết” mùa. Một tháng hơn thôi, độ dài mùa quì, kể từ ngày bông đầu tiên trổ đến khi như cố vàng thêm chút nữa bởi những bông cuối cùng cũng đủ kiến lòng người nhảy múa, thung lũng đến núi đồi xôn xao. Dù biết hoa đang nở là hoa đang tàn, mùa đã đến là mùa đang qua, và mùa vàng sẽ khép lại khi cây Bơtăng trơ ra như rặng san hô trên cạn. Tôi nhủ mình yên tâm đi, ngay đấy rồi nó trỗi dậy những mầm xanh, rồi hứng gió, hứng mưa, chống chọi thiên tai lẫn nhân tai để tìm trần ai mà lên, hẹn mùa hoa sau. Chỗ nào đất trống, dù còn một thẻo chút hoang sơ, nó vẫn tìm cách tồn tại và trổ hoa theo kỳ hẹn. Bơtăng là loài cây kiên cường mà. Đào luyện cỡ đó nó mới thành sứ giả của mùa, thành “nghệ thuật” từ trời đất, làm nên hồn vía của quê xứ cho giống loài khác tham tàn, khôn ranh, nông nổi và yếu đuối là con Người.

             Có những loài thực vật không thể thiếu với người, cho dù không “ăn” được.

             Những tiểu thư nhà giàu mong manh và những đứa trẻ cũng như bố mẹ của nó cứ thích ngắm Dã quì, rồi lại “đổ thừa” vì cái phấn hoa của nó mà ho sù sụ. Giao mùa mà, “Mùa vàng lên” thì nắng lạnh cũng tràn về. Nắng lạnh, nóng mà lại thấu xương, dễ đổ bệnh, thì cũng không phải lỗi của Dã quì rồi. Như  ca sĩ Thanh Lam vậy, tôi đố nàng quên bó Dã quì đặc sệt cao nguyên mà 21 năm trước ở sân khấu ngoài trời ở Đại học Đà Lạt anh chàng sinh bụi đời kiêm chụp hình dạo là tôi mang bước lên sân khấu để nâng lên tặng nàng trong sự ngỡ ngàng rồi bỗng vỗ tay dậy sóng rừng thông của mấy ngàn sinh viên khi nàng hát vừa kết thúc bản nhạc “Khát Vọng”  ở Đà Lạt vào mùa vàng năm ấy. Tôi yêu vô cùng cái khoảnh khắc nàng ngơ ngác nhìn hoa, ngó nó mãi, ôm chặt, giữa biển người, hẳn vì mê đắm trước loài hoa “lạ”. Tôi tặng nàng Bơkào Bơtăng vì ngày đó nàng hát rất hoang dại, liêu trai, siêu thoát,  không chơi lý trí, kỹ thuật hay kỹ xảo như bây giờ; chan hòa vào trời đất, như thiên nhiên nở ra hơi thở mang nhạc đó, mà Dã quì là biểu tượng của giống loài kết tụ được sự mênh mông vũ trụ. Thì nàng ca sĩ cũng như những nàng nông phu, bán buôn, thợ thuyền quanh bình nguyên Đức Trọng_Da Lat-Lâm Đồng này đây thôi, gặp mùa về, trai tráng nghĩa hiệp nào chẳng muốn tặng ngay loài hoa thanh khiết đó.

              Dã quì, mi vàng chi mà rót ruột rót gan, xả hết nhựa để vàng hết mình đến thế. Hết hoa là mi gục rã xác thân, hết một chu kỳ. Lên mạng mà coi, có phải mi là loài hoa “bình dân ồn ào” nhất, của chung nhưng được sử dụng rất riêng; được chụp nhiều nhất, bình luận và bày tỏ rôm rả nhất, và được chờ đợi nhiều nhất không. Tất nhiên mi có để ý tới con người bao giờ. Sáu tháng nung nấu, mùa mưa, để trỗi dậy vàng lên mênh mông. Mi càng vàng da diết thì càng làm con người tê dại, giống loài còn nhạy cảm nhiều chiều hơn mi.                                                                  

 

                                                                            *

         

            Dã quì, nó là thực thể vật chất gì vậy chứ !?

           Thế mới biết, vì sao người bản địa Tây Nguyên hay dị ứng với việc “phân lô” núi đồi, sông suối, cạo nhẵn nguyên sinh, triệt tiêu cho hết những tế bào hoang dã. Chí ít, họ cần chỗ cho cây Bơtơng mọc, như cần hồn cốt quê xứ, tín hiệu của sự an lành vẫn hiện hữu. Không biết nếu có một năm vắng hoa quì, nó không ra bông chẳng hạn, cao nguyên này sẽ ra sao nhỉ, và với tôi nữa.

       

 * Ảnh:

                    A: Mùa vàng về bên sông bên suối cao nguyên (ảnh: Nguyễn Hàng Tình).

                    B:  Ở một sườn núi vùng  Định An (ảnh: Nguyễn Hàng Tình)

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 3069
Ngày đăng: 15.11.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi chép Oktober - 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Ta về với núi - Vĩnh Thông
Trôi Trong Đường Tàu Hư Ảo - Nguyễn Hàng Tình
Gửi Nguyễn Hòa cùng Văn Chương Việt - Nguyễn Hồng Nhung
Szeptember - Tháng Chín 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Trong Thế Giới "Trầm tư" của Đà Lạt - Nguyễn Hàng Tình
Thương xá TAX–rồi ra chỉ còn là tiếng vọng xưa … - Phan Văn Thạnh
Ghi chép Augusztus - Tháng Tám 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Đường về hoang dã - Nguyễn Hàng Tình
Cảm nhận sau một lễ hội Vu Lan - Mặc Phương Tử
Cùng một tác giả