Đi sâu vào vấn đề về con người, mà cụ thể là cái cô đơn bản thể, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối của Patrick Modiano đã “kéo tấm màn u sầu” bằng những “vùng trung tính”, “những hố đen”, những con người đều “không nói nhiều lắm”,… đến trước mắt độc giả. Cốt truyện tưởng chừng như đơn giản với những nhân vật đơn điệu, nếu không muốn nói là tất cả họ đều mang dáng vấp buồn tẻ. Nhưng xuyên suốt cuộc hành trình, mỗi một nhân vật lại mang cho độc giả một cái nhìn đặc dị, mà chỉ ở những ai đã từng trải qua nỗi cô đơn, nỗi trống trải và hoang mang đó mới có thể thấy và thấu.
Con người cô đơn ấy được biểu hiện ở hai phương diện cơ bản. Thứ nhất, con người cô đơn với xã hội. Le Condé – quán cà phê có khách khứa kỳ cục nhất, ở đó, mỗi người khách đều mang trong mình những bí mật về quá khứ mà không ai khác không biết, cũng như không hề muốn muốn biết. Ở đó, họ đến với nhau, ngồi cùng bàn với nhau, chơi trò với nhau, chỉ cần biết tên nhau hoặc thảng nhiên không hề biết tên nhau, chỉ có những cái tên kiểu Louki mà học tự đặt, anh chàng mặc áo khoác da hoẵng,.. và không ai muốn người khác biết mình đã là ai trong quá khứ: “tôi cảm thấy khuôn mặt tôi không gợi lên điều gì. Càng tốt. Nhẹ cả người”. Chỉ có riêng họ với hành trình quy hồi vĩnh cữu ngay trong chính bản thân họ, mọi lúc, mọi nơi. Những Louki, Maurice Raphel, Zacharias, Annet, Don Carlos, Fred, Roland, Guy De Vere… chính họ là đám đông cô đơn trong cái hiện thực đời sống ở Paris đương thời. Ở cái xã hội ấy, con người không kịp sáp nhập vào với nó, có khi không kịp sáp nhập với chính bản thân mình, hoặc có nhưng vẫn ngăn cách với thế giới, tuy nhiên họ vẫn luôn hiện hữu ở một thế giới khác, thế giới của những vùng trung tính, những hố đen, những kí ức buồn. Đám đông ấy cô đơn đến mức nghe rõ tiếng vang vọng những bước chân của chính mình, đôi lúc tuyệt vọng và vô phương đến mức phải tìm đến “tuyết” để xua đi những cảm giác hoang mang, trỗng rỗng trong lòng mình. Thứ hai, đó là con người cô đơn với bản thể chính họ. Những đêm Louki ra đi với tâm trạng bất ổn, hoang mang, lạc lõng, và khi trở về cũng với một tâm trạng như thế. Chỉ trong cuộc hành trình với những vùng trung tính ấy cô mới thấy cuộc sống là thú vị: “những buổi tối khác, nỗi hoang mang tan biến và tôi sốt ruột chờ cho đến khi mẹ đi khỏi để ra ngoài. Tôi xuống cầu thang, trống ngực đập thình thịch, như thể đang đi tới một cuộc hẹn”.
Ngoài ra, khi để cho từng nhân vật thực hiện tham vọng chinh phục hành trình quy hồi vĩnh cửu ấy, nhà văn đã để quá khứ lên ngôi, biến những thứ quá vãng thành kho báu của mỗi con người. Và mỗi nhân vật đều bị ám ảnh bởi những vùng trung tính, những vật chất đen. Sau cùng tác giả làm cho người đọc ngầm hiểu rằng chính những vùng trung tính, những hố đen ấy dường như là “khởi thủy của cô độc”. Cô đơn và quá khứ luôn hiện diện trong tâm tưởng của mỗi nhân vật và chi phối hành động của họ. Đó là khi Louki ngược về kí ức để tìm sự “đôi thoại” với mẹ, với những quảng trường, con phố, nơi mà cô đã từng là “trẻ vị thành niên lang thang”. Là khi anh chàng mặc chiếc áo khoác da hoẵng Roland đi tìm lại những kí ức của mình, anh đã hoàn toàn thất bại, thế rồi cái cô đơn bản thể trong anh lại trỗi dậy: “ Kể từ giây phút đó, trong đời tôi đã có một sự vắng mặt, một khoảng trắng, nó không chỉ gây cho tôi một cảm giác trống rỗng, mà tôi không thể chịu đựng được mỗi khi nghĩ đến”. Thế nhưng anh vẫn đi tìm kí ức, dù cho nó có đau buồn đến mấy đi chăng nữa… Kể cả anh chàng học Trường Mỏ, lão già tự xưng là Nhà xuất bản nghệ thuật, ông bác sĩ, và có cả bà chủ quán cà phê Le Condé…
Kết thúc câu chuyện là cái chết không mấy bất ngờ dành cho kẻ cô đơn thứ thiệt - Louki, giống như cái quy luật nghiệt ngã vốn có của cuộc đời rằng những kẻ cô độc bất hạnh luôn tìm về nhà, mà nhà chính là nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Ở đó họ sẽ không còn hoang mang, không còn lạc lõng hay cảm thấy trống rỗng, không còn những vùng không gian trung tính, u tối và ở đó họ tìm được cho mình một niềm hạnh phúc thật sự: “Hạnh phúc sao khi được bồng bềnh trong không trung và rốt cuộc cũng biết được cảm giác phi trọng lực mà tôi vẫn tìm kiếm bấy lâu nay”.
Để tạo nên sự hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, kết cấu không – thời gian được tác giả khéo léo đan cài với từng câu chuyện của mỗi nhân vật. Đặc biêt, lớp không gian cố định với những quảng trường, và đaị lộ được nhà văn tái hiện một cách rõ nét, đó là không gian ám ảnh nhân vật, góp phần đắc lực tạo nên bối cảnh giữa cái cô đơn của nhân vật và cái mênh mông, dài rộng của nó. Bên cạnh đó, với sự linh hoạt trong dịch chuyển điểm nhìn của người kể chuyện, người kể chuyện đầu tiên ở ngôi thứ nhất xưng Tôi - anh chàng Trường Mỏ kể về những con người kỳ cục trong quán cà phê kỳ cục Le Condé, rồi sang những chương khác, anh ta chỉ chỉ là một vai phụ, thế chỗ cho những con người kỳ cục mà anh ta đã kể ấy kể về mình, từ Rolad cho đến Louki hay Guy de Vere… Điều này khiến cho người đọc không hề có cảm giác được kể, mà giống như đang cùng phiêu với cuộc hành trình quy hồi vình cữu ấy, cùng đi trên đại lộ Rachel, Duoai, Fontaine… quảng trường Blanche, Clinchy,… Mọi thứ đều có vẻ như cực kỳ ngổn ngang, rối rắm tưởng chừng như không gỡ ra được, những thực chất đó là sự sắp đặt tinh tế của nhà văn.
Có thể thấy, với tính đơn nhất của thế giới mà Pactrick Modiano đã biểu đạt, đồng thời cùng tính đặc dị được biểu hiện thông qua tính cách nhân vật, sự phân tán các quan điểm của họ trước cuộc đời, cuốn tiểu thuyết này đã thể hiện được phần chính yếu của con người, cái tôi sâu thẳm bên trong, cái cô đơn của con người với cuộc sống đời thực. Nhà văn đã rất thành công khi vận dụng triết học của Guy Debord biến nó từ một thứ triết lý khô cằn thành một bản nhạc trữ tình với những âm điệu du dương, sâu lắng và có sức khơi gợi vô cùng đối với độc giả.