V chao nghiêng, dưới là biển, hụt chân tất rơi, một hiện tượng thuần vật lý. Đời một người, thời gian sẽ đưa chúng ta tới đầu ghềnh, và vực thẳm đặt cho mọi hiện hữu câu hỏi cái gì cứu rỗi cho mỗi con người khả năng trường tồn ở dạng ngoài vật chất. Thoạt kỳ thủy là Lời. Nếu chẳng biết được cái tận cùng, Lời cứu rỗi linh hồn, sự vĩnh cửu là khả thể ngay từ ban sơ? Lời cứu rỗi không làm sao tách khỏi cái Đẹp. Vậy cái Đẹp cứu rỗi mới là phép mầu? Nhưng Đẹp là gì? Trong thế giới những con người, Đẹp ẩn trong Tình Yêu, ở nghĩa rộng. Tình Yêu cứu rỗi? A, chưa chắc! Vậy, cái gì cứu rỗi thăng hoa sự hữu hạn của đời người ? Tác giả phiêu lưu trên con đường đi tìm giữa hư và thực, bức xúc giữa Đông và Tây, rồi đến một đoạn kết có hai khả năng hiện thực, tùy để bạn đọc chọn lựa. Tiểu thuyết mở...Kết mà là chẳng kết gì, vô ngôn thành bất tận ngôn, phải chăng là phải thế, thế thôi?
Trích Đoạn
nghe đâu đó một tiếng đàn
(...)
Tôi thức dậy, nghe đâu đó một tiếng đàn. Người còn mỏi rã, tôi khép mắt, ép mặt vào chiếc gối mỏng tanh, thầm nhủ, hóa ra sự lạnh lẽo của bà chủ quán là cách che đậy một tâm hồn chưa đến nỗi cằn cỗi. Khuya hôm qua, mở cửa khi tôi dìu người đàn bà trặc chân về, bà chủ quán xuýt xoa, tự tay xoa thuốc rồi bóp cái chân sưng vù:
`` Rõ tội...Thuốc thoa của người dân rộc, tốt lắm. Chỉ mai là hết đau thôi! ``
Bà hỏi chị ngã thế nào, chuyện trò chi với ông thủ am, chăm chú nghe rồi chép miệng bâng quơ:
`` Chân đau mà xuống ghềnh như vậy một mình sức nào xuống nổi``. Bà nhìn tôi, tiếp :
`` May mà gặp ông đây…Nếu không, chắc là ngủ bờ ngủ bụi rồi! ``
Nằm thêm một lát, tôi rón rén ra khỏi phòng. Lắng tai, tiếng đàn đến từ căn phòng mé hiên đông. Bước lại, tôi ghé mắt nhìn qua kẽ liếp. Quay mặt về phía tôi, người đàn bà tối qua tôi dìu về ngồi xếp chân trước cây đàn thập lục, khuôn mặt trầm lắng, khe khẽ bựt những sợi dây đàn.
Nàng chợt cất tiếng, giọng yếu ớt, ngâm nga. Tôi lắng nghe, và giật mình, lùi lại. Tôi nghe tiếng ngâm thơ, thơ của tôi!
Đêm lửa chạm mây
Chi chi chành chành
Một thoáng chân mày
Ù à ù ập
Bốn phía chân mây
Về giăng tóc rối
Mưa dầm nắng gội
Ù à ù ập
Hờ ơ ơ anh ...
Chi chi chành chành
Đêm xanh nổi lửa
Con ngựa giựt cương
Ngựa hồng tung vó lên đường
À ơ ơ em ...
Chi chi chành chành
Suối âm dương vờn quanh
Lửa trong ngoài bùng đỏ
Hờ ơ ơ ...
Trên cơ thể cuộc sống căng đầy
À ơ ơ ...
Em với anh đây
Đây là lần đầu tôi nghe có người ngâm thơ tôi. Cảm giác, ôi chao, thật khó tả. Hình như mới bắt được cái gì rơi ngoài đường. Lại, quái thật, hình như vừa mất cái gì đã cẩn thận bỏ vào trong túi. Chẳng cần biết trời trăng nào, tôi đẩy cửa. Ngưởi đàn bà ngước nhìn tôi, ngạc nhiên, lúng túng. Cô ta nhấc người như muốn đứng lên, nhưng tôi ra dấu xin đừng, và lúc ấy mới nhận ra mình lố bịch. Tôi khẩn khoản:
`` Tha lỗi đường đột, tôi quả thật sỗ sàng...Nhưng vừa rồi em ngâm thơ của ai thế?``
Cô ta đáp. Ôi, trời ạ, đúng cái tên thi sĩ hạng ba tôi đặt cho tôi và giấu tiệt đám bạn. Nhất là giấu vợ tôi, con người thực dụng cười nhạo khi tôi cao giọng nhắc Kinh Thánh ‘’ khởi thủy là Lời’’, đáp tỉnh bơ ‘’… anh cứ thử hỏi mấy chú đười ươi trên rừng đi, chúng nó chắc bảo khởi thủy là chuối, ăn cái đã rồi mới đến nói…’’
Tôi nhắc cái tên nàng mới đáp, chỉ tay vào ngực, hân hoan và hẳn rất kệch cỡm :
`` Nhà thơ đó là tôi đấy!``
`` A, thật hân hạnh!``, nàng reo, giọng có chút nghịch ngợm. Như giễu cợt, nàng giả giọng trịnh trọng, tiếp :
`` Thật quí hóa được gặp một nhà thơ, thưa ông!``
Tôi ngắt ngang :
`` Mai đừng thưa gửi khách sáo…``
Nàng bật miệng, giọng thản nhiên:
`` Ơ, sao ông biết tên em là Mai?``
Không đợi tôi trả lời, nàng nhíu mày, tiếp :
`` Thì ra ông biết hết chuyện đời em rồi! Thôi, có thế ông mới cõng em về quán, bù trừ vậy là xong! Cái tên Mai, má em kêu là ám vô vận người xui lắm. Tết đến, người ta chặt cành, đốt gốc mang về cắm làm kiểng, được dăm bữa là tàn…``
Tôi chặn lời nàng :
`` Mai đâu chỉ là hoa. Mai còn là bình minh, là hy vọng, là tương lai!``
`` Em thì chẳng có gì gọi là tương lai cả!``, nàng thẫn thờ, giọng ai oán.
Thình lình, nàng hỏi :
`` Ông lên đây, chắc cũng như em, tìm cứu rỗi? ``
Tôi gật, xong lại lắc.
Nàng nhướng mắt nhìn tôi, không hiểu.
Tôi kể. Khi lên ghềnh V, tôi hoang mang không biết phải làm gì để giải thoát khỏi sự bất lực của mình trong cuộc truy tìm kết hợp cái Đẹp và Lời thành một, mơ hồ ý thức nếu cái Đẹp cứu rỗi thì Lời cũng cứu rỗi. Nhưng cứu rỗi là sao? Cứu rỗi cái gì? Cứu rỗi ai? Thật tình tôi cũng chẳng hiểu, và câu chuyện với ông Thày ở cái am trên ghềnh phần nào soi sáng cõi vô minh vây bủa tôi, nhưng chưa hẳn mấy thuyết phục. Nhìn vào mắt Mai, tôi quả quyết :
`` Cho đến sáng nay, khi nghe Mai ngâm thơ tôi, tôi ngộ, chỉ cần một người cảm thấy, Lời đã làm chức năng cứu rỗi rồi. Ở đây, Lời chính là cái Đẹp, đồng thể đồng chất, như từ phép lạ…``
Mai ngước mắt, buông thõng :
`` Em chẳng hiểu ông nói chi…``
Tôi thở dài :
`` Thì tôi cũng thế…``
Ngừng nói, tôi ngửng mặt nhìn đám mây vắt vẻo lưng trời, thì thào chỉ cho mình nghe:
`` Ờ! Có lẽ nào…toàn là vọng niệm, sáo rỗng, thứ Lời đầy con người vào hỗn mang của tâm ý! ``
Chuệnh choạng, Mai vớ cây gậy, đứng lên. Nàng nhìn tôi, ánh mắt thương hại, khẳng định :
`` Nhưng Thơ ông thì em biết, không thế !’’
(…)