Sách Văn Học V.N. Cho Đến Cuối Thế Kỷ 20, 688 trang (Tác giả Bùi Đức Tịnh)
Liên hệ trong nước-ngoài nước hiện nay đang manh nha có sự phân biệt Văn Học Miền Nam hay Văn Học Đô Thị (đối với nền văn chương trước 1975 tại Miền Nam Việt Nam trước đây); đồng thời nhưng chỉ tại hải ngoại mà thôi cũng đang có sự phân biệt nhà văn nhà thơ nơi tiền tuyến khói lửa và nhà văn nhà thơ may mắn sống nơi đô thị, dĩ nhiên cũng trước 1975. Từ ngữ Văn Học Đô Thị để chỉ những người làm văn chương trong sách báo dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bị gọi là vùng địch tạm chiếm (Miền Nam Việt Nam) để phân biệt với người làm văn chương trong vùng Mật Khu chống chính quyền Miền Nam, được gọi là vùng giải phóng. Người cảm tình chế độ Miền Nam trước đây không chấp nhận danh hiệu Văn Học Đô Thị và khẳng định đó là Văn Học Miền Nam, còn văn học thuộc vùng chống chính quyền Miền Nam trước đây theo họ là Văn Học Chỉ Có Trong Mật Khu hay Trong Rừng. Người không ưa chế độ Miền Nam trước 1975 thì coi như không có Văn Học Miền Nam, dĩ nhiên cũng không có nhà văn nhà thơ nào gọi là thuộc Văn Học Đô Thị trong các Tạp chí văn chương ở Sài Gòn như “Sáng Tạo - Hiện Đại - Văn Học - Văn Nghệ - Thế Kỷ 20 - Văn - Khởi Hành - Thời Tập - Đất Nước - Trình Bày - Giữ Thơm Quê Mẹ - Bách Khoa” (trong Bách Khoa chỉ có tên ông Vũ Hạnh). Khoảng trống này thấy trong cuốn sách biên khảo dầy 688 trang về văn học Việt Nam đến cuối thế kỷ 20 của ông Bùi Đức Tịnh (Đọc được một bài báo nói ông là cựu Hiệu trưởng Trung Học Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn, trước 1975). Nhưng hiện nay, vấn đề phân biệt Văn Học Miền Nam hay Văn Học Đô Thị như đang được đề cập, vì đây thuộc về lãnh vực hai nhãn-quan với phạm vi rộng. Phạm vi giới hạn hơn, đó là sự nhìn lại ai là nhà văn nhà thơ nơi khói lửa tiền tuyến trước 1975, ai là giới văn chương may mắn chỉ sống nơi đô thị an ninh.
Một số người muốn phân biệt như vậy, vì trước đây họ là những quân nhân tác chiến, vào sinh ra tử, nay dù đã bao năm sống nơi hải ngoại nhưng hồi tưởng vẫn làm nhức nhối, nhất là nhớ một số bạn đã gục ngã nơi chiến trường. Cụ thể, họ đã cố gắng làm những số báo tưởng niệm bạn văn, như tưởng niệm các nhà văn tử trận Doãn Dân, Y Uyên; Hoàng Yên Trang, Song Linh… Một người trong số có ý kiến phân biệt ấy là nhà văn Trần Hoài Thư. Nhà văn này trước 1975 đã ba lần bị thương do đụng trận, một lần đào ngũ rồi không chịu nỗi cuộc sống trốn chui trốn nhủi mà phải đi trình diện (nhờ vậy, chỉ bị xuống cấp). Nhà văn Trần Hoài Thư vẫn còn ấm ức những lần hành quân như bị bỏ vào rừng để tự đối phó với hiểm nguy, vì các đơn vị thám-báo là những toán quân nhỏ biệt lập có nhiệm vụ thăm dò tình hình quân địch để báo cáo với trung-đoàn-trưởng hay sư-đoàn-trưởng, nếu có đụng trận là do tao-ngộ-chiến mà thôi: “Nói là lấy tin, báo cáo, dọ thám thì không đúng. Họ ném chúng tôi vào rừng để bảo đảm an ninh cho vòng đai của đơn vị hơn. Họ để chúng tôi tự đối phó lấy. Trên nguyên tắc chiến thuật, nếu đụng trận thì lập tức sẽ có quân tiếp cứu, trực thăng yểm trợ bốc chúng tôi, hay phản lực dội bom. Nhưng cái chiến thuật ấy chỉ áp dụng ở đâu đó trên sách vở, hay lý thuyết… Phương-giác trên địa-bàn là 2300, có nghĩa là người ta bắt chúng tôi phải vượt cả một ngọn đồi thấp để qua phía bên kia rừng già. Những người lính đang nhìn tôi. Vâng, tôi biết rõ từ những ánh mắt ấy. Chắc chắn họ sẽ nói: Đừng ngu dại, thiếu úy. Cứ tìm một chỗ nào an toàn. Làm sao người ta biết mình ở đâu… Tôi cảm thấy tội nghiệp cho chúng và cho ngay cả bản thân tôi. Khôn thì sống và dại thì chết. Tôi có thể đem cả toán ra khỏi rừng, tìm một chỗ an toàn, rồi báo cáo láo. Hay tôi có thể dừng lại ở đây, không tiến xa hơn nữa… (Trích trong truyện “Thám Báo”). Nhan đề này và những đoạn trích như trên làm ta tưởng “Thám Báo” chỉ là hồi ký, nhưng đây là truyện, nhờ tác giả hư cấu ở đoạn cuối: cả đội quân thám báo một ngày đi dò tình hình địch quân, bỗng nghe tiếng hát giọng nữ văng vẳng trong rừng, và họ thấy một cặp nam nữ thuộc Bắc quân đang tình tự bên suối nơi núi rừng sâu thẳm. Tiếng hát thần tiên lãng mạn ấy làm cho ông rung động, hiểu được thế nào là sự tương phản giữa chiến tranh và tuổi trẻ, và cả đội quân rút đi để tiếng hát văng vẳng nói giùm “những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ”. Ta nghĩ đây là hư cấu, vì Bắc quân có khi nào cho quân xé lẻ như vậy, khi mà biệt-kích thám-báo thường được trực thăng Mỹ rải khắp nơi ở núi rừng Trường Sơn. Quyết định đào ngũ của Trần Hoài Thư ở vào thời điểm bị trọng thương (không biết đây là lần thứ hai hay lần thứ ba), tưởng đâu khi lành vết thương sẽ được giải ngũ, nhưng hội đồng giám-định y-khoa xét sức khỏe thấy ông vẫn đủ tiêu chuẩn đi tác chiến. Ông quyết định không đi tác chiến nữa mà đi theo tiếng gọi đến một nơi nào bình yên xa xăm, không còn chiến tranh.
Giai đoạn đào ngũ có thật này và vài yếu tố hư cấu đan quyện vào nhau trong truyện ngắn “Bãi Xương Rồng”. Truyện kể: Toán quân thám báo do Trần Văn Be chỉ huy đụng trận trên một ngọn đồi, tan tác. Ông bị hai vết thương, may nhờ có sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn tiếp cứu, đưa vể quân y viện ở Bình Định. Tưởng được giải ngũ, nhưng lại phải ra trận mạc như trước. Ông quyết định trốn lính. Nghĩ đến một trường cô nhi trên đỉnh đồi ven biển mà thời niên thiếu Trần Văn Be học ở đó, tin tưởng cô hiệu trưởng ngày nào hiền dịu như một thánh nữ sẽ chở che đùm bọc cho người đang trốn tránh. Trường đang thiếu người dạy học, nên ông được làm thầy giáo, đúng như ước nguyện.Tại đây, có một em bé gái tật nguyền hai chân, mà theo lời kể của cô hiệu trưởng thì truy ra chính là do lính của Trần Văn Be bắn lầm, mà ba người lính bắn lầm lại chính là do ông cắt cử phục kích trong đêm xảy ra. Họ bắn vì cha cô bé làm đèn tắt, không để đèn sáng suốt đêm theo quy định giữ an ninh. Tự thẩm định chính mình là thủ phạm gián tiếp, nên thầy giáo Trần Văn Be không thể mỗi ngày phải chứng kiến tật nguyền khổ ải của cô bé, nên ông lại quyết định rời trường học. Sau bốn tháng trốn lánh thì nhận được thư của cha khuyên can nên trình diện để được giảm khinh, nếu để bị bắt sẽ bị đưa đi làm lao công đào binh còn hiểm nguy gấp bội phần đời quân nhân tác chiến. Trình diện kịp thời quy định còn được ân huệ, chỉ bị giáng gần hai cấp từ chuẩn-trung-úy xuống thành chuẩn úy, nhưng phải đi phục vụ đơn vị lao công đào binh chuyên đi gỡ mìn, hoặc khuân vác đạn dược nơi nào đang là bãi chiến trường. Nhà văn Trần Hoài Thư (qua nhân vật Trần Văn Be) cảm nghĩ mình có lý khi quyết định đào ngũ, cái lý này vẫn đeo đuổi ông để có sự phân biệt nhà văn nơi tuyến đầu khói lửa và nhà văn mãi sống nơi đô thị. Cái có lý bênh vực cho sự đào ngũ như sau: … Giã từ để tiếp tục bước vào một chuyến đi tăng phái khác. Nghề của trinh sát là phải vậy. Cứ chỗ nào khó, cần là bốc trinh sát, là bắt trinh sát dẫn đầu (Trích trong: Ban Mê Thuột, Ngày Đầu Ngày Cuối)… Muốn bắn hết cấp số đạn để khỏi nghe mấy cha nội ở hậu cứ mở nhạc nhảy đầm. Muốn bắn vào đoàn xe chở mấy nàng vũ nữ Sài Gòn ra tiền đồn ủy lạo. Ủy lạo gì, chỉ biết mấy tay tướng tay tá, chưa bao giờ ôm một tay lính trơn, còn tao phải dẫn “con cái” đi nằm đường bảo vệ an ninh… (Trích trong: Bãi Xương Rồng)…Điếu thuốc được đốt lên. Đây là điếu thứ bao nhiêu, cho vơi đi bao nỗi sầu muộn lê thê của kiếp làm người Việt Nam. Trường Sơn, đỉnh cao chót vót. Bảy ngày gạo mang theo, bảy ngày gạo tiếp tế. Những bước chân thất thểu, những bộ quần áo trận tơi tả… (Trích trong: Ga Đêm Quạnh Quẽ)… Rồi chiếc xe Dodge chở cả toán ra phi trường trực thăng. Người lính truyền tin kiểm soát lại các đặc lệnh, mật mã một lần cuối. Rồi hoàng hôn, con tàu bốc chúng tôi lên đường. Gió lộng vào khoang. Nghĩ gì. Không. Chỉ có bâng khuâng. Chỉ có sợ hãi. Chỉ có nỗi buồn đến ứa nước mắt. Cũng vẫn là những chuyến đi. Cô đơn. Người yêu thì không. Cơ nghiệp thì không. Cái bằng đại học thì cũng đã trả lại (Trích trong: Thám Báo).Mặc dù nhà văn Trần Hoài Thư muốn thực hiện chủ đề “Nhân Vật Người Lính Tác Chiến Trong Văn Chương chứ không phải Người Lính Văn Phòng trong guồng máy Tâm lý Chiến”, nhưng một số truyện của ông vẫn phảng phất những từ ngữ thuộc chính trị. Điều này dường như sẵn sàng được nhắc đến do hệ quả bao nhiêu năm lảng vảng những điều thuộc về ý-thức-hệ mà hai bên dùng đả-kích nhau. Chỉ có vài truyện trong toàn tập gồm 19 truyện ở tác phẩm “Ban Mê Thuột, Ngày Đầu Ngày Cuối”, kể như thuần túy văn chương không đan chen ý tưởng chính trị thuộc bên này hay bên kia. Ví dụ ở truyện “Ga Đêm Quạnh Quẽ: Truyện một ngày một đêm về thăm cha mẹ nơi căn nhà gần khu máy nước thuộc ga xe lửa Nha Trang, vội về và vội ra đi vì đang thời kỳ đào ngũ. Khu máy nước nhà ga xưa sinh hoạt nhộn nhịp, nay hoang phế với những toa tàu rỉ sét bị bỏ quên, từ ngày tuyến xe lửa Sài Gòn-Nha Trang ngưng chạy vì hoàn toàn thiếu an ninh dọc đường. Mẹ đã bỏ đi từ ngày cha đem bà mới làm sở Mỹ về nhà. Người em gái nhà kế bên vẫn còn đó, vẫn đậm đà mối tình cũ, nhưng biết làm sao nấn ná ở lại thêm một thời gian vì chắc chắc đã có lệnh tầm nã kẻ đào ngũ trong thời chiến.
Xin kể thêm một người lính dạn dày chiến trường, qua sự hiểu biết khá hạn hẹp của người viết bài này về những nhà văn thuộc quân ngũ Miền Nam Việt Nam trước đây: đó là nhà văn Cao Xuân Huy của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Vài hiểu biết không qua cuốn sách thường được nhắc nhở “Tháng Ba Gãy Súng” của Cao Xuân Huy mà chỉ căn cứ một số nét qua tập truyện “Vài Mẩu Chuyện”. Nhà văn Cao Xuân Huy cũng có kinh nghiệm xương máu về trường hợp bị bỏ quên, nhưng không lẻ loi như đội quân thám báo lạc trong rừng, mà là cả lữ-đoàn Thủy Quân Lục Chiến gồm tới bốn ngàn người bị bỏ lại trên bãi biển trong cuộc rút quân, khi lữ-đoàn-trưởng và lữ-đoàn-phó đào nhiệm (Chi tiết này trong bài “Tựa”do Cao xuân Huy viết nơi cuốn “Tháng Ba Gãy Súng”). Như vậy thì nhà văn Cao Xuân Huy không có sự bất mãn của kẻ suốt đời lính rày đây mai đó phải đi tác chiến, và người một đời viết văn về lính về tranh đấu mà cứ ở mãi nơi thành phố an-ninh; hoặc bất mãn giới chỉ huy cứ ra lịnh đánh chiếm mục tiêu từ những nơi rất xa, họ không biết rõ thực địa hiểm nguy đến tính mạng người lính như thế nào. Cả lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị bỏ lại là do có sự tính toán sắp đặt gì đó (có nhiều tin đồn đại ở thời điểm tháng 3 tháng 4 năm 1975); hoặc do sai lầm chiến lược không thể đảo ngược tình hình thuộc trách nhiệm của những cấp cao hơn lữ-đoàn-trưởng rất nhiều bậc. Giống như binh chủng Nhảy Dù thời đó, Thủy Quân Lục Chiến là những đoàn quân trừ bị sẵn sàng di động, nơi nào xảy ra đụng trận lớn thì họ được phái đến tiếp ứng hay giải vây, xong nhiệm vụ lại được trở về hậu cứ nơi một thành phố lớn hay Sài Gòn, vì vậy có lẽ họ không thấm thía cái buồn lẻ loi của lính thám báo. Đời lính thám báo cứ mãi ở nơi heo hút, vì thị trấn sơn cước (trại đóng quân) và núi đồi rừng rậm đầy gian nguy (nơi hành quân) thì cũng chỉ là một, một nơi xa biệt quê hương, xa biệt người thân, xa biệt người yêu, xa biệt thành phố tuổi trẻ thời sinh viên mang nhiều ước vọng tương lai. Cái buồn ray rứt khi so sánh khiến họ dễ có ý tưởng đào ngũ. Cũng trong bài Tựa của cuốn sách “Tháng Ba Gãy Súng”, nhà văn Cao Xuân Huy nói mình tình nguyện gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến chuyên nghiệp tác chiến, chỉ vì “cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ”, vì ham thích “cảm giác mạnh của chiến trường”. Đọc nơi cuốn “Vài Mẩu Chuyện” trong đó có truyện “Chờ Tôi Với”, ta bắt gặp cái gan dạ này của người lính tình nguyện Thủy Quân Lục Chiến, khi bị trúng đạn sắp lìa trần còn biết nói đùa với đồng đội mà họ coi như anh em hay thầy trò đầy thương mến, do họ có nhiều phen vào sinh ra tử cùng ở bên nhau. Ta trực giác nhà văn Cao xuân Huy không đặt điều để giỡn với độc giả mà nhắc lại để chan chứa tình thương đồng đội đã mất ấy. Nhưng ta cũng nhận ra chính trong truyện đó một đoạn kết mang tính hư cấu: Toàn bị trúng đạn, rớt cái nón sắt, cố gắng rướn mình lấy lại vì ý thức mất cái nón sắt kể như khó toàn mạng sống, nhưng khi lấy lên được thì chỉ là cái nón cối gắn nhiều hình kỷ niệm của một lính trẻ phe cộng sản. Lúc ấy,Toàn biết mình đã chết, và nói với hồn ma người lính trẻ Bắc quân cũng làm rớt cái nón “hãy chờ tôi với” để cùng đi về cõi âm, cõi không còn có chiến tranh. Mặc dù nhà văn Cao Xuân Huy nói mình tình nguyện đi thứ lính vào sinh ra tử không vì ý-thức-hệ Cộng Sản hay ý-thức không Cộng Sản, nhưng đọc qua các truyện ngắn trong “Vài Mẩu Chuyện”, ta vẫn thấy đôi lời phân biệt chế độ. Chỉ truyện “Vải Bao Cát” hầu như không hiện hữu những từ ngữ về chủ nghĩa. Truyện này có lẽ xảy ra trong thời gian tác giả bị bắt làm tù binh sau khi Lữ-đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến bị bỏ lại và tan tác vào tháng 3 năm 1975, trong đám tù binh có một bác sĩ. Bác sĩ này thường ngày băm giây lá khoai lang để nấu cháo cho đàn heo nuôi của bộ đội. Một đêm kia, người ta đem đến một thiếu nữ nông dân bị kích ngất do cuốc phải mìn. Cô ngất đi vì khiếp sợ tiếng nổ chứ vết thương chỉ nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Người lính tù binh Cao Xuân Huy có nhiệm vụ cầm đèn (vì đây là nơi vùng hẻo lánh giam giữ tàn quân Thủy Quân Lục Chiến nên không có đèn điện) và nhiệm vụ cởi quần áo thiếu nữ cho bác sĩ coi xét vết thương. Coi như một dịp may gần thân thể cô gái tuy nông dân mà da thịt trắng nõn. Trong lòng chất chứa nhiều ám ảnh trai gái, nhưng khi cởi đến manh quần lót bằng vải bao cát thì tác giả tràn ngập những xúc động (Quần lót có lẽ bằng loại vải bao cát mịn, vì với loại thô nhám thì làm sao may thành đồ mặc. Dù là loại gì thì điều đó nói lên những nghèo nàn thiếu thốn do chiến tranh). Cơn xúc động khiến tác giả đi từ những ám ảnh không mấy tốt, tuy cũng bình thường thôi, đến cảm thức thương xót con người Việt Nam qua cuộc chiến tranh quá dài). Điều làm mắt tác giả như dại đi vì vải bao cát làm tác giả nhớ lại những cái chết trên bao cát:“Trong đầu chập chùng những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn… Và bao cát, những bao cát đẫm máu người dân, người thiếu nữ chết banh thây trên nóc một hầm trú ẩn… Và bao cát, phương tiện thô sơ tận cùng, có mặt khắp mọi ngõ ngách của chiến tranh, bảo vệ người sống, chôn vùi người chết, đẫm máu người banh thây, mà lại còn có mặt như thế này hay sao? Phải thôi chứ, phải hết rồi chứ. Bao cát, sao lại bao cát, chiến tranh đã hết rồi mà, đã hết lâu rồi mà… Toàn dụi mắt, quẹt mồ hôi trán, cố trấn tĩnh nhìn thêm một lần nữa miếng vải duy nhất còn lại trên thân thể cô gái. Và bỗng dưng thấy tràn ngập trong lòng một niềm cảm động, xót thương… Yên tâm đi cô bé, vết thương cô sẽ lành. Mọi vết thương đều phải sẽ lành. Ngủ yên đi cô. Thôi nhé, hãy ngủ yên và đừng sợ hãi. Sẽ không có ai làm gì cô đâu… Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm gì nữa. Không dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Và, như những phụ nữ may mắn được sống trong những nước không bị tan nát bởi chiến tranh như đất nước chúng ta, cô sẽ có lụa là mềm mại để mặc lên thân hình con gái, chứ không còn phải dùng bao cát để che thân nữa!”.
Trong Tạp chí Thư Quán Bản Thảo mới đây (số 61, tháng 10 năm 2014), nhà văn Trần Hoài Thư kiểm điểm lại Văn học Miền Nam trước 1975, những nhà văn thơ sau đây được coi như giới văn chương được may mắn viết văn làm thơ ở đô thị, gồm có: Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Tạ Tỵ, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Trần Dạ Từ, Trần Tuấn Kiệt, Lê Tất Điều, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Phan Anh … Những người ngoài tuổi quân dịch nên không không thuộc diện so sánh sống Vùng Đô Thị và Vùng Khói Lửa, gồm có: Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Hoàng Hải Thủy… Cũng trong số báo ấy, nhà văn Phạm Văn Nhàn (vốn là sĩ quan huấn-luyện-viên cho tân binh tại một số Trung Tâm Huấn Luyện, trước 1975) cũng có ý phân biệt như vậy: “ngồi La pagode (một restaurant lịch sự ở Sài Gòn, góc đại-lộ Lê Lợi/Tư Do) mà có những tác phẩm Đô Thị này”. Gọi là tác phẩm sáng tác nơi đô thị, nhưng họ viết nhiều đề tài khác nhau. Chỉ riêng nhà văn Mai Thảo thường viết tiểu thuyết lấy bối cảnh đô thị, như cuốn “Để Tưởng Nhớ Mùi Hương” lấy bối cảnh ở Đà lạt; cuốn “Sau Giờ Giới Nghiêm” lấy bối cảnh ở Sài Gòn. Chỉ những tiểu thuyết tình mới như vậy; còn ở thể truyện ngắn nhà văn Mai Thảo có những đề tài với không gian rộng rãi hơn như “Người Thầy Học Cũ” hoặc “Chuyến Tàu Trên Sông Hồng” hoặc “Căn Nhà Vùng Nước Mặn” với chất liệu ký ức sống ở vùng quê hương của tác giả khi chưa di cư vào Nam năm 1954. Chính vì có sự tiết lộ ông được tài trợ từ Phòng Thông Tin Hoa Kỳ để đứng ra làm tờ Tạp chí Sáng Tạo năm 1956, tờ Tạp chí vừa có khuynh hướng ý-thức-hệ chống cộng sản, nhưng đồng thời có công mở đầu một nền văn nghệ mới muốn vượt hơn Tự Lực Văn Đoàn, vì vậy có dư luận ám chỉ đến ông và tờ Sáng Tạo: “Nền Văn Chương Ngoại Lai Viễn Mơ Của Các Thế Lực Đế quốc Trá Hình” (một trích dẫn nằm trong bài “Hướng Về Miền Nam Việt Nam” của giáo sư Nguyễn Văn Trung). Những người từ buổi khởi đầu đã làm được cái mới trong văn chương: Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên… Những Tạp chí tiếp nối sau đó như “Hiện Đại”, “Văn Nghệ”, “Thế Kỷ 20”, “Văn”. “Bách Khoa”… đã làm xuất hiện thêm những văn tài mới nữa. Riêng Tạp chí “Khởi Hành”: bây giờ Tạp chí Thư Quán Bản Thảo dự định thực hiện một số báo đặc biệt (số 62, chủ đề“Khởi Hành Và Tôi”, tháng 12 năm 2014)); không biết nhà văn Trần Hoài Thư có tiếp tục đào sâu sự phân biệt người làm văn chương chốn đô thị và chốn khói lửa? Tạp chí này của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội với chủ nhiệm là nhạc sĩ Anh Việt (đại tá Trần Văn Trọng” và Thư ký Tòa Soạn là nhà văn Viên Linh), số khởi đầu xuất hiện vào tháng 5 năm 1969. Có một điều, nhiều người đã ghi nhận: chính trên Tạp chí Khởi Hành, các bài thơ mang tính chất ngao ngán chiến tranh của Nguyễn Bắc Sơn đầu tiên xuất hiện, có vẻ như những bài thơ ấy “đi lạc” vào một cơ quan quân đội trong thời chiến. Ngao ngán mang tính cá nhân, không phải chủ trương phản chiến mang tính chính trị chống chính quyền Miền Nam lúc ấy, cho nên Thư Ký Tòa Soạn cho đăng. Cũng như ông đã cho đăng một bài viết làm ra vẻ cường điệu vị-nghệ-thuật đứng ngoài thời thế, và đứng ngoài Triết lý Hiện Sinh lúc ấy còn đang lai vãng tâm thức thế hệ. Đôi lời trong bài viết ấy như sau:“… Mai Thảo thuộc nhóm các nhà văn đăm chiêu về việc viết văn… đăm chiêu với văn chương để làm gì, chẳng phải là đi tìm một tương quan đẹp của từ ngữ phối hợp hay sao?... Những đề tài như “Đêm Xuân Trăng Sáng”, “Kể Chuyện Trong Đêm” (của Võ Phiến) đã biểu lộ tính chất và nguồn rung cảm mỹ thuật của nhà văn sau những băn khoăn thời cuộc, những lo toan chính trị… Khi mà nhà văn Thế Nguyên của Tạp chí “Đất Nước” ca tụng giá trị thực tế của sự truyền thông bằng vệ tinh nhân tạo, nhà thơ Viên Linh của tuần báo Khởi Hành (trong số đặc biệt: Một Vừng Trăng Khác) tuyên bố từ nay thi ca xin rút chân ra khỏi thiên thể này khi khoa học đã đặt chân xuống nguyệt cầu, làm lộ liễu hành tinh ước mơ của nhân loại. Trong ngày nguyệt tận của vũ trụ, nhà thơ đi tìm một vừng trăng khác… Trong khi những nhà văn lớn đã lần lượt vượt qua thời kỳ (thời kỳ màu xám của Thanh Tâm Tuyền; màu đỏ của Võ Phiến, màu đen của Nguyễn Thị Hoàng) thì các nhà văn nhỏ hơn lại tiếp tục làm văn chương nổi loạn siêu hình của hư vô chủ nghĩa. Họ tiếp tục làm dáng văn nghệ hiện sinh với vấn đề dục tính. (Trích trong bài “Văn Chương Tươi Mát Đã Đi Vào Thời Đại”của Trần Văn Nam, đăng trong Tạp chí “Khởi Hành” số 42, số ra ngày 26 tháng 2 năm 1970). Chỉ làm thơ tình trong thời khói lửa đâu có phải không bị chỉ trích, có khi bị chỉ trích từ hai bên chiến tuyến. Nhưng khi một bên ca ngợi thơ tình thì lại hàm chứa tính chính trị đối chọi với “tính chiến đấu” không chấp nhận lãng mạn trong thời chiến của phe bên kia. Nhà thơ Nguyên Sa nghĩ rằng những lý luận quy định đóng khung sẽ không nói đúng thực chất của bất cứ lãnh vực nào; nhất là không đúng với khuynh hướng của một nhà văn nhà thơ nào: họ có đủ những chiều cạnh trong tác phẩm (Ví dụ Mai Thảo, thật phiến diện khi nói ông là nhà văn của văn chương Vị-Nghê-Thuật; khi cố ý chỉ mãi bàn về bút pháp muốn làm mới trong văn xuôi. Cách chấm câu ngắt đoạn của Mai Thảo thật ra không thấm vào đâu đối với những câu văn dài lê thê không chấm không phết, có khi bỏ lửng, của William Faulkner trong tác-phẩm “Âm Thanh và Cuồng Nộ”). Nhà thơ Nguyên Sa đã xác nhận “Văn Chương Viễn Mơ” là từ ngữ mới của khuynh hướng “Vị-nghệ-Thuật” thuở trước (Chủ-trương Vị-Nghệ-Thuật thuở xa xưa ấy không nằm vào bối-cảnh chiến-tranh ác-liệt như ở thời-gian trước 1975). Ông viết như sau về những “cường điệu đóng khung” không đúng với thực chất phức tạp, không có văn chương thuần túy nào xa lìa thời thế, không có khuynh hướng làm thơ tình rồi lãng quên những khổ đau trong khói lửa của đất nước. Ông viết như sau trong “Hồi Ký Nguyên Sa” ở trang 258-259: “Tôi cũng nhớ ngay lúc đó, khi đọc bài văn nói về văn chương viễn mơ của Mai Thảo, một năm trước, tôi thấy văn chương viễn mơ không phải là mục tiêu mà tôi nhắm tới, văn chương viễn mơ không phải là tôi… Tôi mơ hồ cảm thấy làm thơ mà cứ phải dấn thân triền miên thì mệt quá… Tôi mơ hồ cảm thấy tôi không muốn trở thành một nhà thơ dấn thân. Tôi cũng mơ hồ cảm thấy tôi không phải là một đệ tử trung thành của nghệ thuật vị nghệ thuật. Tôi là một người làm thơ tình mà vẫn xúc động trước những khổ đau của quê hương, dân tộc tôi”.
Các phạm trù Văn Học Miền Nam hay Văn Học Đô Thị; Nhà Văn Nơi Tiền Tuyến hay Nhà Văn Ở Hậu Phương, tùy theo vị-thế đứng nhìn ngắm mà thấy những khía cạnh; không làm sao xóa bỏ được sự quy định. Đều căn cứ trên sự kiện quá khứ chiếu rọi trong nhãn quan, đã là ấn dấu thì làm sao không có như chưa từng xảy ra. Phân biệt Văn Học Miền Nam hay Văn Học Đô Thị còn đang tiếp diễn, phản bác hay bổ sung? Phân biệt do tình cảm nhức nhối dù đã lắng cặn về Hậu Phương-Tiền Tuyến chắc rồi sẽ qua đi, vì thời thế ấy thực sự không còn tồn tại sau năm 1975.
(City of Walnut, California, tháng 10 năm 2014)
(Trích trong Tạp-chí “Thư Quán Bản Thảo” số 62 Chủ-đề “Khởi Hành và Tôi”, tháng 12 năm 2014 - Có vài bổ túc. Bản gửi từ tác giả)