Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.222.757
 
Một bài thơ - Dấu ấn của thời đổi mới.
Triệu Xuân

SỐNG MỚI KHÓ LÀM SAO

 

Em có nghe tiếng sấm

Báo một cơn mưa rào

Em có nhìn trời thẳm

Cháy bùng những vì sao

 

Em có nghe thời cuộc

Run trong từng cọng rau

Đói nghèo và dung tục

Nhận chìm bao thanh cao

 

Hoa nở chẳng vì đâu

Khi vàng con mắt đói

Bếp mỗi chiều vẫn khói

Bởi xóm làng thương nhau

 

Đã trở thành giả dối

Những câu thơ ngọt ngào

Đã trở thành tội lỗi

Nếu chỉ ngồi khen nhau

 

Sống mới khó làm sao

Nữa là còn tranh đấu

Nữa là còn sáng tạo

Nữa là còn yêu nhau

 

Vào khoảng cuối năm 1990 , tôi đọc được bài thơ nói trên  tại một góc chìm lẫn dưới nhiều bài thơ khác trên trang thơ của báo Văn Nghệ( Hội Nhà văn Việt Nam). Đọc xong rồi, tôi không ngủ được. Những ngày sau đó, tôi đã đọc lại bài thơ cho nhiều người nghe. Nghề của tôi may mắn được đi nhiều, tiếp xúc nhiều cho nên, chỉ trong một thời gian ngắn, có hàng trăm người được tôi đọc cho nghe bài thơ trên, và ai cũng mê thích. Khi tôi nói tên tác giả là Khuất Quang Thụy thì... có người khăng khăng không tin, cho rằng đó là thơ của... tôi mà tôi làm bộ làm tịch không nói thật! Khi tôi ra Hà Nội công tác, giới sáng tác gặp nhau thường hay nói chuyện văn chương, đọc thơ. Trong một bữa tiệc thân mật, có các bạn làm thơ, biên tập viên của các báo sừng sỏ, tôi liền đọc bài thơ đó. Đọc xong, mọi người lặng đi, rồi yêu cầu tôi đọc lại. Tôi đọc lần thứ hai. Mọi người không tin khi tôi nói rằng đó không phải là thơ tôi! Tôi nói đó là thơ của Khuất Quang Thụy, nhiều người vẫn không tin. Quả thực, nhà văn Khuất Quang Thụy, tác giả của hơn chục cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết, xưa nay ít người nghĩ rằng anh có làm thơ và thơ hay đến thế. Bài thơ mang âm hưởng của cả dân tộc trong giai đoạn chuyển mình vì lẽ tồn tại: Đổi Mới hay là sụp đổ! Bài thơ chất chúa sức nặng của tư duy chính trị nhưng lại thấm đẫm tình người, nhức nhối nỗi đau trần thế và sục sôi khát vọng của nhân dân. Hình ảnh trong thơ hòa quyện giữa vũ trụ với con người, giữa nghệ thuật với từng cọng rau, giữa cơn đói vàng mắt với tình tương thân tương ái bao la vốn là truyền thống bền vững tuyệt vời của người dân Việt. Lời thơ như là lời hịch kêu gọi Đổi Mới, vừa là lời phán xét về những sai lầm, những tội lỗi của một thời ấu trĩ, nông nổi, bất chấp qui luật của tự nhiên, bất chấp tâm nguyện của Dân. Làm được một bài thơ như thế, vào thời điểm mà phe Xã hội chủ nghĩa sụp đổ với hàng loạt nước ở Đông Âu, vào thời đoạn mà Việt Nam mới chập chững bước vào con đường Đổi Mới, thật là dũng cảm. Tôi biết thế nào cũng có người mỉm cười mà nói rằng, bốc thơm làm chi một bài thơ chính trị, thơ tuyên truyền! Xin thưa, nếu như thơ chính trị, thơ tuyên truyền mà được như vậy thì nó vẫn hơn hẳn loại thơ được coi là thơ trữ tình, thơ tình yêu nhan nhản ngoài chợ hiện nay !

 

Mãi cho đến Đại hôi Hội nhà văn Việt Nam khoá 5, tôi mới biết mặt mũi anh Khuất Quang Thụy. Trước đó tôi chỉ biết tiểu thuyết của anh. Trong giờ giải lao, tại Hội trường Ba Đình, bạn thân của tôi là nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình dẫn một người mặc quân phục đến và giới thiệu:" Ông Triệu Xuân ơi, đây là tác giả Sống mới khó làm sao!" Tôi và Thụy ôm nhau, kéo nhau ra hành lang uống bia. Anh Thụy ngỏ lời cám ơn tôi đã - theo lời anh- phát hiện ra bài thơ của anh và truyền bá nó. Tôi chọc: Vậy thì phải thết tôi một chầu đi chứ. Ngô Vĩnh Bình nói: Phải đó, thế nào cũng có mặt Bình  đấy. Thụy tâm sự với tôi:" Mình viết bài thơ đó như có...ma lực. Ngọn bút cứ trào ra, chẳng phải sửa chữa gì. Có lẽ bấy lâu cảm xúc, tư duy dồn nén, giờ bật ra". Tôi hiểu, bài thơ hay là phải rồi. Thơ là tiếng nói thốt ra từ đáy lòng kia mà!

 

Khuất Quang Thụy  quê Phúc Hoà, Phúc Thọ, Hà Tây, sinh  ngày 12-1-1950. Anh đi bộ dội, làm lính trinh sát thời chống Mỹ, sau về công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội- một tờ báo có nhiều nhà văn tài ba, đáng kính, từng lăn lộn trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến. Bạn đọc biết nhiều đến Thụy với tư cách nhà viết văn xuôi. Tác phẩm đầu tiên của anh khiến người ta chú ý là tiểu thuyết Trong cơn gió lốc, xuất bản năm 1980. Kế đó là Trước ngưỡng cửa bình minh (1985), Người ở bến Phù Vân (truyện ngắn-1985), Thềm nắng (truyện ngắn 1988), Giữa ba ngôi chúa (tiểu thuyết 1989), Không phải trò đùa (tiểu thuyết  1988), Góc tăm tối cuối cùng ( tiểu thuyết 1990), Người đẹp xứ Đoài (tiểu thuyết 1991), Những trái tim không tàn tật (truyện 1988), Nước mắt gỗ ( truyện ngắn 1996)... Tôi biết anh Thụy được bạn bè đồng nghiệp quý yêu, trong ĩoi đời, anh là một trang nam nhi thực thụ! Thụy còn làm nhiều thơ, có thể có những bài khác được nhiều người yêu thích. Thế nhưng với bài Sống mới khó làm sao, Khuất Quang Thụy đã để lại một dấu ấn khó phai mờ của thời kỳ đầu Đổi Mới của đất nước.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, 4-5-1997.

 

Triệu Xuân
Số lần đọc: 4220
Ngày đăng: 14.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
C. G. Jung và lý thuyết phân tích văn hóa. - C.G.Jung
Nghệ thuật múa cung đình Huế - Võ Quê
Một bài thơ cứu một đời thơ - Triệu Xuân
Bữa tiệc chay ở Huế - Tiểu Kiều
Dạy và học muôn đời - Phạm Lưu Vũ
Tín ngưỡng thờ ông Bảo & Nguyên Tiêu Thăng Hội - Trần Dũng
Hướng tới đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII - Nguyễn Trọng Tín
VÕ PHI HÙNG VÀ 10.000 QUÀ TẶNG BẠN ĐỌC - Viễn Giao
Văn chương, hay là một cách ứng xử văn hóa - Trần Mạnh Hảo
Từ phương ngữ Nam bộ đến sáng tạo văn bản thành văn - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)