Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
974
123.200.768
 
Nhân chuyện NGUYỄN PHI THANH phản ứng BÀI GIẢNG " VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC"- NGHĨ VỀ VẤN NẠN CỦA MÔN VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY
Trần Mạnh Hảo

Sau khi báo "Người Lao động" đăng bài "Suy nghĩ về một bài thi văn …lạc đề", giới thiệu bài tập làm văn của em Nguyễn Phi Thanh, lớp 11A18 trường THPT Việt Đức, Hà Nội trong cuộc thi học sinh giỏi văn không chuyên của TP. Hà Nội, bỗng trở thành một hiện tượng không chỉ trong ngành giáo dục mà còn là một hiện tượng xã hội, sau khi các tờ báo viết và các báo điện tử trong cả nước như VietNam.net, VNexpress.net, cũng như các báo viết, báo online khác đăng tải hàng trăm ý kiến bạn đọc ủng hộ ( góp ý) với em Nguyễn Phi Thanh, phê phán lối dạy văn bằng "văn mẫu" giết chết sáng tạo… Chuyện này, không chỉ sôi  sục trong nước mà còn tràn ra các trang web hải ngoại bằng việc nối mạng, làm chấn động người Việt Nam trên khắp thế giới.

 

            Trước hết cần cảm ơn em Nguyễn Phi Thanh, dã dám dũng cảm viết bài tập làm văn trong kỳ thi học sinh giỏi văn, phản ứng lại đề thi và bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" trong cuộc thi học sinh giỏi văn của Hà Nội ngày 18-3-2005; đồng thời cũng cám ơn báo "Người lao động" lần đầu tiên đưa vấn đề này lên báo, mới tạo thành sự bùng nổ của dư luận xã hội, phê phán cách giảng dạy môn văn khô cứng, một chiều, đơn điệu trong trường học hôm nay.

 

            Trước hết, cần phải nói ngay rằng, thầy giáo nào ra đề thi cho cuộc thi học sinh giỏi văn của TP. Hà Nội năm nay là người chưa nắm được bản chất cái hay nơi tác phẩm : " Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu; đề thi ra như sau : "Em hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc".

Xin lỗi, với đề thi này, thử hỏi chính thầy ra đề thi liệu có làm bài được hay không? Ngay cả, với một nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ văn đang được "xóa mù tiến sĩ tới huyện" như bây giờ , chắc cũng đành cắn bút ngồi chơi mà thôi. Bởi vì đề thi văn trên có thể là một đề thi cho luận văn tiến sĩ mỹ học, chứ sao lại biến thành đề thi học sinh giỏi văn lớp 11 ?

Nên nhớ là các em học sinh trung học chưa hề được học môn mỹ học. Các em làm sao mà biết được CÁI BI là một phạm trù của CÁI ĐẸP trong mỹ học.

Nói đến thể văn văn tế nói chung và nói đến bài văn tế này của Nguyễn Đình Chiểu là phải nói đến CÁI BI, CÁI HÙNG , tức chất BI TRÁNG của tác phẩm. Chất bi tráng trong tác phẩm này là sự than khóc, tiếc thương những người chân đất chống Pháp hi sinh, đồng thời qua nỗi thương khóc mà khơi lên tính chất anh hùng của các nghĩa sĩ.

Quan niệm CÁI BI trong mỹ học  chưa được dạy trong nhà trường, nên nó không đồng nghĩa với VẺ ĐẸP văn chương nơi trình độ ban đầu tiếp nhận của học sinh. VẺ ĐẸP văn chương mà một học sinh lớp 11, 12 được dạy trong nhà trường là vẻ đẹp của tính lãng mạn trong tình yêu, trong cảnh thiên nhiên, trong tình cảm bay bổng, êm dịu giữa con người với Tổ Quốc, cha mẹ, đồng bào, đất nước, trong vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ… TS. Lê Ngọc Trà trên Tuổi Trẻ thứ bảy 14-5-2005, thông qua việc chê đề thi này, cũng chê luôn cả lối dạy văn trong nhà trường hiện nay là khô khan, thiếu sáng tạo .

 

            Như vậy, người ra đề thi văn trên đã lạc đề, đã không hiểu được chính tác phẩm văn tế trên, đúng như GS. Trần Thanh Đạm đã nói trên "Người lao động" 13-5-2005 : " Giảng dạy và học tập bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" phần nào đã vượt quá sức thầy trò nhà trường trung học phổ thông".

 

Một bài văn tế hay thuộc hàng kiệt tác như trên, vượt quá sức hiểu của thầy trò trường THPT như ý kiến GS. Trần Thanh Đạm, một  thầy từng tham gia soạn sách giáo khoa văn trung học, sao vẫn để bài văn tế trên trong chương trình học văn lớp 11 ? Như vậy, ta cần phải hoan hô học sinh Nguyễn Phi Thanh, về bài làm văn : chê bài văn tế chưa hay và chê đề bài văn trên là kém, vì em đã nói thật ! Vì sao vậy ? Vì dạy như thế, ra đề như thế thì học sinh làm sao mà thấy VẺ ĐẸP của "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" cho được! Không thấy hay, không hiểu được CÁI HAY mà vẫn bắt học trò làm bài tập làm văn ra rả khen hay là là hội chứng DẠY và HỌC văn  giả dối. Mà cái giả dối là cái phản văn học nhất. Nên việc nói thật ra ý nghĩ của mình là không thấy bài văn tế kia hay của em Thanh quả tình cần đưa vào chuyên đề thảo luận của quốc hội : rằng dạy văn mà học trò càng học càng không thấy môn văn HAY và HẤP DẪN, càng học văn càng sợ môn văn như phần lớn học sinh hiện nay, thì quả tình, chính nhà trường đã là nơi đầu tiên tạo mối nguy cho tinh thần NHÂN VĂN của dân tộc, của đất nước vậy ! Xin nhắc lại câu thơ của Chế Lan Viên

: "Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn !"

 

            Muốn biết một đất nước, một dân tộc hưng thịnh hay suy vong, người ta nhìn vào học sinh nước đó YÊU hay GHÉT môn văn ! Thời thuộc Pháp,nước ta mất mà học trò các cấp vẫn yêu nhất môn VIỆT VĂN; đấy là dấu hiệu HƯNG TỊNH của dân tộc, dấu hiệu của lòng dân yêu nước vẫn âm ỉ sục sôi, thế nào cũng dấy lên làm cách mạng lấy lại đất nước. Còn hiện nay, nước ta độc lập rồi, mà sao học trò lại sợ môn văn hơn sợ cọp thế ? Đ ây có phải là dấu hiện suy vong của dân tộc này, đất nước này hay không ? Một học sinh lớp 11 thuộc hàng giỏi văn, được đi thi học sinh giỏi văn toàn Hà Nội như em Nguyễn Phi Thanh, lại nói thẳng ra trong bài thi rằng, em chẳng thấy "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" hay ho ra sao,  thì có phải là dấu hiệu của tinh thần dân tộc đang suy vong trong lớp trẻ ; hay là do môn văn được dạy trong nhà trường đã giết chết chính thẩm mỹ tiếp nhận văn học nơi học sinh? Ăng - ghen, nhà tư tưởng Đ ức, người đồng sáng lập ra chủ nghĩa Mác-Ă ng-ghen, từng nói : " Ngôn ngữ Ai-Len là linh hồn của dân tộc Ai-Len". Như vậy, ngôn ngữ Việt Nam, hay nói rộng ra là văn học Việt Nam, những kiệt tác của thơ  như thơ Lý Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Đ iểm, Nguyễn Đ ình Chiểu…chính là linh hồn của dân tộc Việt Nam vậy ! Mà dạy văn chính là quá trình truyền vào tâm hồn con trẻ cái thẩm mỹ văn chương, cái linh hồn ông cha; để rồi đến lượt mình, chúng  lại truyền sang các thế hệ con cháu chúng toàn bộ HỒN VÍA CHA ÔNG náu mình trong văn chương. Nếu học sinh Việt Nam hiện nay không thấy được CÁI HAY, CÁI ĐẸP trong văn học, trong tâm hồn ông cha thì tác hại của nó sẽ vô cùng to lớn, ảnh hưởng đến ngay cả sự tồn vong của dân tộc và đất nước Việt Nam trong tương lai.

 

            Cái lỗi này, còn đổ cho ai được nữa, chính là cái lỗi của NỀN GIÁO DỤC = BỘ GIÁO DỤC, lỗi của sách giáo khoa dạy văn và các thế hệ thầy giáo dạy văn đang đứng lớp. Nghĩa là vấn đề của MÔN VĂN trong nhà trường hiện nay không ổn, đang là một vấn nạn ; thay vì hướng dẫn học sinh tiếp cận với cái hay, cái đẹp của tác phẩm, lại đẩy các em ngày càng xa với tâm hồn cha ông giấu trong trang sách; ví dụ như bài " Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" thuộc hàng kiệt tác văn chương dân tộc, mà em Thanh -một học sinh giỏi văn của Hà Nội, không biết nó hay ở chỗ nào, thì thà ĐỪNG DẠY MÔN VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG còn hơn là dạy kiểu giết chết sáng tạo như hội chứng dạy theo VĂN MẪU hiện nay.

 

            Từ năm 1994 đến nay, chúng tôi ( TMH) đã viết hàng trăm bài báo phê bình lối dạy văn sai lạc của các sách giáo khoa văn trung học. Những bài phê bình sách giáo khoa văn của chúng tôi đã in trên khắp báo chí trong Nam, ngoài Bắc, in trong 4 tập tiểu luận phê bình của chúng tôi : " Thơ phản thơ", "Phê bình phản phê bình", " Hầu chuyện các giáo sư" và " Văn học-phê bình-tranh luận"…Năm 2000, Bộ Giáo Dục &Đ ào Tạo đã cho sửa chữa lại sách giáo khoa văn trung học, gọi là sách "chỉnh lý và hợp nhất", có sửa hàng trăm lỗi theo sự phê bình của chúng tôi đã chỉ ra trước đó. Các vị giáo sư soạn sách giáo khoa đã tiếp thu phê bình, sửa cái sai cũ , nhưng lại  sinh ra hàng trăm cái sai mới ngay trong SGK văn trung học đang được giảng dạy hiện nay.

 

            Ví dụ như bộ sách giáo khoa dành cho miền Bắc do các giáo sư Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội soạn, trong đó có phần giảng dạy về tác giả-tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu do GS. Nhà giáo Nhân Dân Nguyễn Đình Chú soạn, đã mắc những sai lầm hết sức hệ trọng; làm như chính GS. Nguyễn Đình Chú chẳng có sự hiểu biết sơ đẳng nào về Nguyễn Đình Chiểu cả. Đến nỗi, ngay trong sách giáo khoa chính dành cho học sinh lớp 11, GS. Chú đã nhầm câu thơ hay nhất của Nguyễn Đình Chiểu : "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương" thành ra thơ Xuân Diệu, thì thử hỏi việc dạy Nguyễn Đình Chiểu của Bộ Gíáo Dục trong nhà trường còn hơn cả sự đùa cợt, quá sức tầm bậy và vô trách nhiệm. Suốt từ năm 1991-2000 cái nhầm chết người THƠ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU NHẦM THÀNH THƠ XUÂN DIỆU trong chính sách giáo khoa Văn 11 của Bộ GD&ĐT dạy về chính Nguyễn Đình Chiểu, vẫn cứ để nguyên, vẫn không ai phát hiện ra, thì thử hỏi nhà trường có phải là nơi dạy môn văn chân chính hay không ? Xin dẫn chứng, CÁI NHẦM CHẾT NGƯỜI của SGK trích trang 30, sách giáo khoa Văn 11, NXB Giáo Dục 1991, do GS. Nguyễn Đình Chú soạn, viết nguyên văn như sau : […Theo em, hai câu thơ : "Quán rằng ghét việc tầm phào / Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm" có những gì đáng quý ( cả về mặt văn chương). Chú ý, từ hai câu thơ này, Xuân Diệu đã viết : " Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương"]. Chính là nhờ chúng tôi ( TMH ) phê bình, nên các giáo sư và Bộ GD&ĐT mới biết rằng câu thơ hay nhất của Nguyễn Đình Chiểu kia không phải là câu thơ của Xuân Diệu đấy !

 

            Bài giảng về Nguyễn Đình Chiểu trong SGK chỉnh lý hợp nhất đang dạy hiện nay cũng lại do GS. Nguyễn Đình Chú soạn, nên nó còn vô vàn những cái sai không sao hiểu nổi. Xin bạn đọc tìm đọc bài phê bình của chúng tôi : "Bài về Nguyễn Đình Chiểu trong sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất hay chuyện thật như đùa" in trong cuốn " VĂN HỌC-PHÊ BÌNH-TRANH LUẬN" của Trần Mạnh Hảo, NXB Lao Động -2004. GS. Nguyễn Đ ình Chú gần như hiểu sai rất nhiều từ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu nơi SGK. Ví dụ từ " tà" trong câu " Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" giáo sư cũng giảng sai " tà" cần hiểu như CHÍNH -TÀ, như sau : "TÀ : xiên xẹo, không ngang thẳng"… " Viết văn là đâm kẻ gian tà, đâm mấy cũng không xiên xẹo". Sách giáo khoa VĂN 11 đang dạy cho cả nước hiện nay còn giảng sai hàng chục từ ngữ trong các bài văn thơ Nguyễn Đình Chiểu.

 

             Xin trích ra đây một đoạn giảng văn mẫu của sách giáo khoa văn 11 ( trích trong sách hướng dẫn giáo viên-Văn học 11- NXB Giáo Dục 6-2000) do GS. Nguyễn Đình Chú viết, trích lại từ bài phê bình của chúng tôi trong sách đã dẫn, như sau : ["Trong việc giảng giải văn bản nghệ thuật, trước hết cần tránh thái độ dung tục hoá, thô thiển hoá, tán nhảm hoá tác phẩm khi phân tích. Rất tiếc, trong phần giảng dạy về Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Nguyễn Đình Chú đã nhiều lần mắc phải nhược điểm này. Ví dụ đoạn văn dưới đây trong bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" : " Đau đớn bấy ! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay ! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ"; được tác giả phân tích, giảng giải dung tục, thô thiển trong "Sách Văn 11-giáo viên" trang 28, một lối giảng văn khó tin, cũng là chuyện thật mà như đùa, như sau : "…Mẹ đã mất con thì dù trẻ mấy cũng thành già hết ( mẹ già ). Con dù lớn đến mấy, khỏe đến mấy trong tình thương của mẹ vẫn là trẻ cả ( khóc trẻ). Vợ đã mất chồng thì dù có khỏe bao nhiêu cũng là vợ yếu. Cách tạo hình, tạo cảnh để gợi cảm tối đa : mẹ khóc con không phải lúc nào mà lúc đêm khuya, không phải ở nơi nào khác mà ở trong lều. Vợ tìm chồng không phải lúc nào khác mà là lúc bóng xế…". Đoạn văn trên nên xếp vào loại văn hài thì đúng hơn là văn của sách giáo khoa…"]

 

            Chính là vị giáo sư đầu ngành Nguyễn Đình Chú, người tham gia SOẠN SÁCH GIÁO KHOA VĂN CHO HỌC SINH CẢ NƯỚC học còn không có khả năng hiểu nổi VẺ ĐẸP của "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" như thế, thì  một học sinh lớp 11 như em Nguyễn Phi Thanh ( học sinh giỏi văn) làm sao có thể thấy tác phẩm này hay được? Với cơ chế dùng người dốt, lại vô trách nhiệm để soạn sách giáo khoa văn như thế này, thử hỏi, BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO có phải là nguyên nhân chính phá huỷ thẩm mỹ văn chương của học sinh cả nước, đang tạo ra vấn nạn và nguy cơ cho toàn dân tộc từ cái lối DẠY VĂN PHÁ VĂN này hay không ? .,.

 

Thành phố Hồ Chí Minh 15-5-2005

Trần Mạnh Hảo
Số lần đọc: 7900
Ngày đăng: 15.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sau đồi vọng cảnh. - Trần Kiêm Ðoàn
Một bài thơ - Dấu ấn của thời đổi mới. - Triệu Xuân
C. G. Jung và lý thuyết phân tích văn hóa. - C.G.Jung
Nghệ thuật múa cung đình Huế - Võ Quê
Một bài thơ cứu một đời thơ - Triệu Xuân
Bữa tiệc chay ở Huế - Tiểu Kiều
Dạy và học muôn đời - Phạm Lưu Vũ
Tín ngưỡng thờ ông Bảo & Nguyên Tiêu Thăng Hội - Trần Dũng
Hướng tới đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII - Nguyễn Trọng Tín
VÕ PHI HÙNG VÀ 10.000 QUÀ TẶNG BẠN ĐỌC - Viễn Giao
Cùng một tác giả