Núi
Những câu chuyện kể.
Dấu tích
Và ta
…
Lũ chim núi đã bắt đầu đổi giọng, như không còn nghe thấy thứ âm vực trầm buồn trong cách thúc bách những đám mây lẻ loi hãy mau quay về phương bắc nơi sản sinh những âm vang màu xám, thánh thót, là có phần cao trào, gấp rút, nhưng vẫn lắng đọng những kết tập nghìn năm, hót là sự kết tập tinh hoa của một loài giống lấy chốn trời cao làm chỗ nương thân.
Phủ lên những câu chuyện kể là những lời nguyền rủa đã tan ra thành những hạt bụi bám vào chỗ thâm cùng trí nhớ, nhưng ai nguyền rủa và nguyền rủa ai là chẳng thể diễn giải, thứ ký ức trắng ấy tựa một thứ thi ca vô thức luôn trổi dậy vào những lúc cảm nhận được nỗi thống khổ đẹp nhất, mà cũng chẳng cần nói ra tên triều đại ấy, tên vì vua ấy, bởi tất cả những triều đại tội lỗi và những ông vua tội lỗi là cùng chung một danh mục.
Cứ phủi đi rong rêu bám trên mặt đá là sẽ đọc được lời thơ kỳ dị.
Nói lên chùa Nước Nâu thực ra là ta lên núi có ngôi chùa đã đổ nát tự những thế kỷ trước để tìm lại những thứ chỉ có kẻ ngu ngốc như ta mới cất công đi tìm. Thứ ta tìm là một khái niệm mong manh thỉnh thoảng người ta lại lôi ra khỏi dòng chảy lịch sử rồi lại hô hóan rằng chẳng phải.
Núi Nung, tên ngọn núi có ngôi chùa đổ nát, là nằm trong danh mục những sông núi hạng bét của đất nước, có nghĩa, nếu không nói ra, như đang nói ra ở đây, thì chẳng ai biết ngoài những kẻ cày ruộng dưới chân núi ấy.
Thì cứ xem như câu chuyện kể người làng ta ai cũng biết là gần với sự thật nhất. Mà nếu như mỗi thời người ta thay đổi mỗi chút thì cũng chỉ nhằm làm cho câu chuyện thực hơn. Vào một ngày nắng nóng, những người làng Cù làm than củi vào núi Nung sớm nhất đã phát hiện thấy một ngôi chùa mái tranh vách lá đã được dựng lên ở bên bờ con suối đá, vị trù trì là một chàng trai trẻ đẹp bảo người đệ tử duy nhất của mình, một ni cô xinh đẹp, đón những người làm rừng vào chùa để nghe giảng kinh. Chuyện kể bắt đầu như vậy. Và mấy trăm năm qua vẫn bắt đầu như vậy.
Cứ phủi đi rong rêu trên mặt đá thì đọc được lời thơ kỳ dị. Dấu tích nó là thơ viết lên đá núi.
Ta ngồi nơi bờ suối Nước Nâu. Đang đầu mùa hạ. Suối đã cạn hết nước. Gọi là suối Nước Nâu, nhưng chưa ai nhìn thấy nước con suối là nước nâu. Tên chùa cũng là tên suối. Và tên suối hay tên chùa cũng chỉ là khái niệm mơ hồ về một khối u uẩn nào đó.
Hay là núi cũng thuộc về một khối u uẩn nào đó? Cái gì nung cái gì, cái gì khác nung núi, hay là núi tự nung nấu mình? Là núi sông hạng bét, nên chẳng có lời chú hay lời bình trong tư liệu sách vở nào.
Chuyện kể không gọi ni cô xinh đẹp là ni cô, mà gọi là nàng. Đêm đông giá lạnh, nàng trải tóc ủ cho Từ bớt lạnh, trưa hè nắng nung, nàng với Từ cùng xuống nằm nơi lòng suối đá để truyền cho nhau sức vĩnh hằng. Từ trong chuyện kể là tên vị sư trụ trì chùa Nước Nâu. Đến Phật cũng động lòng, huống hồ người làng Cù. Kể từ những ngày đầu có chùa có sư ở trên núi, người làng Cù thay nhau mang gạo, sắn, hoa quả lên tặng cho những người nhà chùa, mà theo bọn họ thì đấy là những vị bồ tát đang thực thi lòng yêu thương chúng sinh.
Cứ phủi hết lớp rong rêu trên mặt đá là thấy những lời ấy. Dấu tích cũng chỉ là một cách thể hiện khác của những khái niệm duy lý.
Nhà viết sử khi viết lịch sử của loài người thường có những mô tả rộng ra về những loài khác, trong đó có loài chim. Cho nên khi ngồi ở bờ suối Nước Nâu ta cũng cố nghe thử lúc lũ chim núi Nung nói về loài giống mình ( hót là một cách chép sử bằng miệng của loài chim) chúng có nói gì về loài người hay không.
Núi ở đây ngoài nghĩa tập họp những yếu tố tự nhiên : đất đá, rừng cây, hùm beo, chim chóc…, còn có một nghĩa khác, như một thứ khái niệm mang tính lịch sử, nơi thể nghiệm cho một cách hiểu khác về sự đối nghịch giữa văn minh và dã man.
Cũng có lúc có người nghĩ đến một lúc nào đó vị sư trụ trì chùa Nước Nâu sẽ cho ra đời một anh sư con. Nhưng không. Thời gian đã trả lời với người làng Cù về chuyện đó. Vào một sáng, khi mặt trời soi rõ núi rừng , những người làm rừng vào núi Nung đã nhìn thấy cảnh hành hình diễn ra ở chùa Nước Nâu. Vị sư trụ trì và ni cô của chùa đều bị trói chặt, đặt nằm sát bên nhau ở sân chùa, lúc người cầm đầu đám binh lính bảo chém, thì đầu của hai người cùng văng ra một lúc.
Dấu tích là thơ viết trên đá : Núi lở mây nghiêng nửa sắc không
Ta đưa mắt nhìn mãi những gọp đá nơi bờ suối nhưng chẳng tìm thấy chút manh mối nào của dấu tích. Thì ra dấu tích cũng chỉ là một cách nói khác của niềm khao khát.