Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
974
123.200.579
 
Phút giây nhìn lại…
Nguyễn Hòa vcv

 

 

Nhân nhà xuất bản Thanh Niên cho tái bản tác phẩm:” Viết kịch bản điện ảnh & truyền hình” của nhà văn, biên kịch và nghiên cứu điện ảnh Sâm Thương, một công trình nghiên cứu đặc biệt cho những ai quan tâm đến vấn đề kịch bản điện ảnh và truyền hình. Văn chương Việt có cuộc trao đổi với tác giả.

                                                                                            

 

 Văn chương Việt: Anh Sâm Thương! Khoan nói đến “Viết kịch bản điện ảnh & truyền hình”,Tôi và …có thể  nhiều người còn thắc mắc.. năm sinh và quê quán của anh?

 

Sâm Thương: (cười) Trên giấy tờ tôi khai sinh năm 1945, nhưng thực ra đầu tháng 9. 1943, Việt Nam đang phải gánh chịu sự đô hộ của thực dân Pháp và cũng  là những năm tháng đang diễn ra Thế chiến thứ hai ( 1939-1945): Nhật Bản điều động đoàn quân tinh nhuệ với những vũ khí hiện đại đánh tan các lộ quân của Thống chế Tưởng Giới Thạch tràn xuống Nam Hoa, chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, chuẩn bị kế hoạch chiếm đóng Đông Dương để hoàn thành các mắt xích chiến lược của kế sách địa lý chính trị “Đại Đông Á”. Trong khi Phát-xít  Đức dẫm nát thủ đô Paris, khống chế nước Pháp bằng một chế độ quân quản sắt máu, chấm dứt uy thế và quyền lực của chính phủ Pháp không những trên lãnh thổ Pháp mà còn làm suy yếu thực lực và tinh thần của các bộ máy chính trị quân sự tại các nước thuộc địa.
Những biến cố đó đã tác động tình hình chính trị tại Việt nam và đẩy bộ Chỉ huy quân sự của Nhật Bản đến quyết định đặt yêu sách đòi chính quyền của Pháp tại Đông Dương phải chấm dứt giao thương với Trung Hoa và giành quyền thiết lập một lực lượng kiểm soát việc thực thi quyết định này tại cảng Hải Phòng. Lúc bấy giờ Jean Decoux đã thay Georges Catroux từ 19.7.1940 trong vị trí toàn quyền Đông Dương và được chính phủ Pháp, trong cơn ngặt nghèo lúng túng của chính nội tình mẫu quốc, uỷ nhiệm toàn quyền chỉ huy quân sự, chính trị để giữ vững bán đảo Đông Dương.


Trong những ngày tháng có thể nói là đen tối đó, mẹ tôi quay trở về bên cạnh bà ngoại tôi ở  Phú Xuân, đợi ngày sinh nở. Theo như lời mẹ tôi kể lại, thì khoảng đầu tháng 9 dương lịch năm đó, trước giờ chuyển bụng, mẹ tôi đang cùng gia đình ngoại quây quần bên đống bánh bột lọc và bánh nậm vừa được gói, chuẩn bị bỏ vào nồi luộc chín như nhà ngoại tôi vẫn thường tổ chức đun nấu mỗi khi có người trong gia đình quay về sum họp. Nồi nước sôi lên sùng sục giữa sân, trước hiên nhà bởi những thanh củi to tướng  đã được vớt lên giữa dòng sông Hương trong mùa bão lũ hằng năm từ nguồn đổ xuôi về.. Nhà ngoại tôi khá đông, có đến sáu anh chị em, tất cả đều đã có gia đình và đùm đề con cháu. Mẹ tôi là con gái út, rất được cả nhà yêu thương vì phải lấy chồng xa… đến tận Bến Ngự, đồng thời  mẹ tôi còn phải chịu đựng một tai ương khác, trước đó hai tháng, đứa con đầu lòng mới lên hai của mẹ tôi, tức là anh trai tôi đã bị bạo bệnh mà chết. Giữa khi mọi người đang trò chuyện rôm rã, bất ngờ mẹ tôi cảm thấy bụng lên cơn đau  dữ dội, phải nhờ người  đỡ dậy và không quên mang theo khăn gói của người sắp vượt cạn đã được soạn sẵn chờ nhập viện bất cứ giây phút nào, bà ngoại tôi thì  hối hả cho người gọi bác xe kéo(2) ở xóm  ngoài đưa mẹ tôi đi, kèm bà ngoại tôi theo để phụ giúp, tính bà ngoại tôi vẫn thế, tất cả con gái, con dâu đến kỳ khi sinh nở, phải một tay bà ngoại tôi quán xuyến bà mới an lòng.

 

Qua khỏi cầu Bạch Hổ, chỉ cần băng qua cầu Dã Viên (cầu Sắt hay còn gọi là cầu Xe Lửa để phân biệt với cầu Dã Viên hiện nay), theo đường Huyền Trân Công chúa, thẳng đường Lê Lợi đến bệnh viện, có thể rút ngắn một đoạn đường khá dài, nhưng đã từ lâu xe kéo không được qua cầu Dã Viên mà phải  thẳng xuống cầu Tràng Tiền, rồi ngược trở lại, nên xe và người vượt cạn chưa tới được cổng bệnh viện, mẹ tôi  đã không nín nhịn được đành đẻ  lọt tôi giữa đường.. Bởi vậy, sau này lớn lên do tính  tôi  thích phiêu bạt, không bao giờ chịu ở yên một chỗ càng làm mọi người, nhất là bà nội tôi, xác quyết  chuyện tôi đẻ lọt giữa đường chính là số phận đã đặt định báo trước cho tôi, không cách nào hoán cải được.

 

 Phú Xuân là làng mà họ tôc bên ngoại tôi nhiều đời sinh cơ lập nghiệp, vì ông cố ngoại tôi  vốn có được một chức quan nhỏ trong đội Thuỷ binh của Triều đình nhà Nguyễn đóng quân dọc theo sông đào  Kẻ Vạn, sau đó định cư và phát triển trên vùng đất này. Nghe nói ông tổ giòng họ Nguyễn của ngoại  tôi xuât phát từ huyện Hà Trung vào thế kỷ XVI  là một trong những người  đầu tiên rời bỏ quê hương Thanh Hoá theo Chúa Nguyễn vào Đàng Trong lập nghiệp.                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

     Khoảng một tháng sau, khi tôi đã có vẻ cứng cáp, mẹ tôi đưa tôi quay về bên bà nội tôi ở Bến Ngự. Nhà bà nội tôi nằm trên con đường song song với đường rầy xe lửa, giữa dốc Nam Giao và dốc Bến Ngự. Ông nội tôi mất sớm, bà nội vẫn ở vậy nuôi con. Bà nội tôi vốn theo nghề truyền thống gia đình, chuyên sản xuất mè xửng, bán buôn theo những chuyến tàu hỏa xuôi ngược Bắc Nam từ thời bà cố tôi truyền lại: Bà Cả Mè, một thương hiệu đã được biết đến trong nghề làm mè xửng ở kinh thành Huế. Bà nội tôi được coi là một phụ nữ lịch duyệt, nói tiếng Pháp thông thạo. Chính bà đã hướng dẫn và tập tành cho mẹ tôi giao dịch, buôn bán. Do vậy, mẹ tôi có quan niệm giáo dục con cái cởi mở hơn, phóng khoáng hơn .

 

Văn chương Việt: Theo như cách nói của anh thì hình như hai bà nội, ngoại của anh đã ảnh hưởng đến tuổi thơ của anh rất nhiều phải không?

 

 Sâm Thương : Có thể tôi đã ảnh hưởng bởi rất nhiều người, nhưng hai bà nội, ngoại tôi đã ảnh hưởng tôi khi tôi bắt đầu biết suy nghĩ.

Có một điều khá đặc biệt là cả bà nội và bà ngoại tôi đều giống nhau ở chỗ sống  theo tập tục  của tổ tiên: Bà nội tôi  thì xây sẵn một huyệt ở nơi cao ráo trong vườn từ nhiều năm trước khi tôi chưa sinh ra, chuẩn bị cho  ngày bà lìa bỏ cõi đời, dù bà chưa hề có  dấu hiệu chi là sắp phải bước sang  thế giới bên kia, bằng chứng là bà đã sống đến 84 tuổi. Bà mất đêm trước khi tôi dự thi Tú tài 2. Khi tôi còn nhỏ dại, bà vẫn thường nói với tôi rằng: “Bà sống là để chuẩn bị chết, dù có rơi vào nghịch cảnh, chỉ cầu mong sống thế nào để trước giờ hấp hối, bà không phải hối tiếc vì đã  làm cho ai đó phải đau khổ và hối hận vì  mình…”. Còn bà ngoại tôi, không có được điều kiện như bà nội tôi xây huyệt mộ cho mình, vì vùng đất Phú Xuân hằng năm đến mùa giông bão thì nước ngập tràn bốn bề, nhưng bà cũng đã cố gắng sắm sửa cho mình một chiếc  hòm gỗ tốt đặt sẵn trên dàn cao trong lẫm chứa lúa. Bà ngoại tôi lại có thói quen rất lạ, những lúc rãnh rổi, hay gặp chuyện không vừa ý thì vào trong hòm nằm tỉnh dưỡng. Hồi còn bé, những tháng ngày ở với bà ngoại, mỗi khi đói bụng  tôi lần mò vào vựa lúa tìm bà. Vào bên trong, vựa lúa phủ đầy bóng tối, nghe tiếng tôi gọi, bà lồm cồm từ trong hòm ngồi dậy, một bóng người nổi rõ trên cái nền ánh sáng mờ ảo chiếu xuyên qua khe cửa, làm tôi giật thót cả người sợ hãi vì cảm giác bà chính là hồn ma thức dậy từ cõi chết. Sau những phút giây hoảng sợ, tôi tò mò hỏi bà: - Tại sao  bà lại nằm trong hòm, hòm là dành cho người chết mà?

Bà xoa đầu tôi và giải thích một cách đơn giản với tôi rằng: “Sống hay chết nào có khác nhau gì đâu cháu. Ngoại không cầu danh không cầu lợi, chỉ xin ơn trên cho ngoại được sống trong yêu thương của mọi người”. Sau này lớn lên tôi bắt đầu hiểu và coi câu nói của bà nội và bà ngoại tôi là bài học dạy tôi cách thế sống thế nào giữa chợ đời đầy những  biến động và phức tạp.

 

Văn chương Việt: Còn  tuổi thơ của anh ...thuở mới đến trường, có khác gì với tuổi thơ hôm nay?

 

   Sâm Thương: Hồi đó chưa có trường Mẫu giáo hay nhà trẻ như bây giờ. Khi đến tuổi đi học, cũng như những đứa trẻ khác, mẹ tôi  dẫn tôi  đến học vỡ lòng với ông giáo làng ở ngay cạnh nhà. Lớp học chính là nơi cư ngụ của gia đình thầy tôi, với mấy bộ bàn ghế đơn giản…nhưng thuận lợi vì được gần nhà và khỏi phải mất công  mẹ tôi đưa đón. Thỉnh thoảng tôi lại chui hàng rào băng qua lớp cho kịp giờ học mỗi khi thức dậy trễ. Thầy giáo vỡ lòng của  tôi bao nhiêu tuổi, hồi ấy tôi còn quá nhỏ nên không phân biệt được, nhưng lúc nào tôi cũng thấy thầy tôi mặc áo dài, quần dài, đội  khăn đóng,.. dáng vẻ uy nghiêm, nhưng cũng rất khoan từ. Thầy tôi chưa từng dùng roi vọt để xử phạt  bất cứ một ai. Chỉ tiếc tôi không còn nhớ được những kỷ niệm về thầy. Sau này, tôi vẫn thường tự hỏi mỗi khi tình cờ đi ngang qua nơi lớp học cũ:  không lẽ thầy tôi đã mất sớm hoặc cùng gia đình di dời  đến một nơi chốn  xa xôi nào đó lập nghiệp.

Sau mấy năm ở Bến Ngự, tôi cũng vừa học hết vỡ lòng, kịp  lúc ba tôi được ra khỏi tù vì bị chính quyền Pháp bắt giam, cũng cần nói rõ, ba tôi không phải là cán bộ Cách mạng, mà chỉ là một người dân yêu nước bình thường như những người khác, chỉ biết phản ứng theo hoàn cảnh. Bà nội tôi vui mừng nên muốn giao phó công việc kinh doanh mè xững lại cho người cháu để được nghỉ ngơi. Nhân đó, ba tôi quyết định chuyển gia đình về phường Phú Thạnh, gần Thể Nhân Môn của kinh thành Huế, mà người dân  Huế quen gọi là cửa Ngăn, đối diện với chiếc lư thứ ba kề từ Phu Văn Lâu ngược lên, cạnh bờ sông Hương. Ngôi nhà của chúng tôi được xây dựng  trên một lô đất, mà ba tôi thuê lại từ một người chuyên kinh doanh  hoa quả và cây trồng, nên khu vườn chung quanh nhà tôi đã  biến thành một  thiên đường hạ giới như anh em chúng tôi vẫn thường ví von với nhau. Bởi quanh năm ngôi nhà được vây bọc bởi một khu vườn đầy hoa trái: mỗi sáng, mỗi chiều, ánh mặt trời nhảy nhót đùa vui trên từng những khóm hoa, những kẽ lá cho đến khi ánh hoàng hôn lung linh, rừng cây đổi màu và khiêm tốn nép mình trong bóng đêm hoặc đón chờ trăng lên… Đằng sau là  hồ sen bát ngát, những ngày mùa hạ hoa trắng đua nhau nở thơm ngát, lung linh trước gió…nổi bật trên nền bức tường thành rêu phong, tạo nên một bức tranh phối ngẫu màu sắc đặc biệt. Chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần đắm say giữa rừng hoa trong những ngày ngập nắng, hoà lẫn với tiếng ríu rít rộn ràng của bầy chim sẻ kéo nhau về tụ hội; cũng như đã để tâm hồn chơi vơi theo những cơn  mưa bay trên mặt sông lộng gió, phía sau là cầu Tràng Tiền mờ mờ ảo ảo ẩn hiện.

Ở đây, mẹ tôi xin cho  tôi vào học trường Sainte Marie, một trường tư thục Thiên Chúa  giáo do các soeur dòng Phú Xuân thành lập nằm trên đường đi lên Kim Long. Trường này nằm giữa Chủng viện Xuân Bích  và Đan viện Carmelo, mà người ta quen gọi là Dòng Kín và Viện Dục Anh, một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi cũng do các soeur dòng Saint Paul điều hành. Nhà tôi cách trường Sainte Marie khoảng 2 km, mỗi buổi sáng tôi phải đi bộ đến trường, buổi trưa về, ăn ở tại  nhà bà ngoại tôi, đến chiều, hết giờ học mới về thẳng nhà. Những ngày mưa bão,  phần lớn chúng tôi đều đội nón lá, đi guốc mộc hoặc chân không, không có được cái áo mưa bằng nilon gọn gàng và đẹp đẽ như trẻ con sau này mà phải khoác chiếc áo tơi, đan bằng lá dài tới chân, kín ba phía , hở một phía, mưa phía nào xoay chắn về phía đó, đặc biệt những ngày lạnh giá, mẹ tôi bắt tôi mang theo một cái lồng ấp bên trong là cái trách bằng đất nung, đựng lửa than, có phần phiền toái nhưng rất ấm đủ đề chống lại cái giá lạnh như cắt của  mùa đông xứ Huế.

Có, có thể nói tôi khó thể quên được, dù hồi đó tôi còn rất nhỏ… Trong hai năm từ lớp năm đến hết lớp tư ở trường Sainte Marie, có thể tôi đã được hướng dẫn  bởi nhiều soeur, nhưng trong ký ức  tôi  chỉ còn nhớ Soeur Annette, và Soeur Jane. Soeur Anette lúc đó khoảng 25, 26 tuổi khuôn mặt xinh đẹp như một Thiên thần trong tranh của danh hoạ Raphael. Soeur có làn da trắng mịn, mũi dọc dừa, môi đỏ thắm, đôi  mắt long lanh sâu lắng, dáng người cao  cao, mái tóc chắc chắn đẹp ẩn giấu dưới vành mũ đen rộng vành của dòng tu. Nghe nói soeur là con của một vị Thượng thư dưới triều vua Bảo Đại, do bố mẹ muốn  ép gả cho một hoàng thân tánh khí phóng túng, chơi bời mà soeur không yêu, nên  đã trốn khỏi  nhà xin vào tu viện sống. Thời gian đầu gia đình soeur đã làm khó khăn cho nhà Dòng không ít, vì việc  soeur  cương quyết không trở về, bỏ phăng cuộc cưới hỏi môn đăng hộ đối. Cuối cùng, vấp phải sự cương quyết của soeur, gia đình đành phải để soeur dứt  bỏ  vòng  tục lụy. Mấy năm sau, khi soeur đã được chấp nhận khấn hứa, soeur bề trên giao phó cho soeur đứng lớp  dạy học sau khi đã tốt nghiệp sư phạm do nhà Dòng tổ chức. Tôi đã trở thành  những đứa học trò đầu tiên trong  sự nghiệp giáo dục của soeur.

Nụ cười xinh đẹp và thánh thiện của soeur Anette  đã dẫn dắt tâm hồn mơ mộng của tôi đến những chân trời  xa lạ..đang dần hình thành trong mơ ước của tôi. Còn Soeur Jane. không có được nhan sắc đắm say  như Soeur Arnette, cũng không  gặp sóng gió trong tình trường như Soeur  Arnette. Khi dạy chúng tôi soeur đã khoảng  32 tuổi, con người chuẩn mực  hay đúng hơn có phần nghiêm khắc, không  thích bộc lộ. Tôi không mấy có cảm tình với soeur, nhưng không khỏi cảm phục và mong ước học được  đức tính chuẩn mực và tinh thần khoa học  trong công việc của soeur.

 

Văn chương Việt: Tuổi thơ của anh có kỷ niệm gì đặc biệt ấn tượng đối với anh?

 

Sâm Thương: Không biết có được coi là kỷ niệm không, nhưng đối với tôi nó vẫn luôn là ấn tượng sâu đậm hình như không thể xoá nhoà trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ, có lẽ vì đó là hình ảnh đập vào mắt tôi, khi tôi còn quá nhỏ. Tôi nhớ cuối bức tường thành, bên trong có cây đa cổ thụ cao to, tán lá phủ xum xuê, thân phải đến ba bốn người ôm mới xuể. Lũ quạ không biết từ đâu rũ nhau từng đàn kéo đến làm tổ, những khi trời chạng vạng, bọn chúng có thói quen tụ họp đùa giỡn gào kêu, tạo thành một không khí âm u ma quái, có thể làm cho những người lần đầu tiên đặt chân đến đây có cảm giác lo lắng bất an, nhưng với những người sống ở đây, cây đa đã trở thành là một biểu tượng thân quen đặc biệt.

Đầu những năm năm 50 của thế kỷ trước, nơi ngã ba, dưới tán cây đa, có những buổi sáng sớm, dân chúng ở đây nhốn nháo, tụ tập quanh đó để tận mắt chứng kiến những xác người chết, Tây có ta có, bị chém treo ngành, đầu quặt ngược, hai mắt mở trợn trường, bên có hàng chữ bằng máu lớn viết trên ngực áo hay trên băng vải: “Đây là hình phạt dành cho những tên Việt gian bán nước” hoặc “Tên xâm lăng, cướp nước phải đền tội”.

 Những hàng chữ và hình ảnh đó vẫn luôn gây sự xôn xao chú ý của dân chúng sống quanh vùng, kể cả tôi và đám nhóc tuổi nhỏ cùng trang lứa  .. Những lần như thế, trước khi đến trường, bọn trẻ chúng tôi lén lút theo dõi cảnh tượng đó, thầm tự hỏi không biết chuyện này là thế nào? Trong khi những người lớn tuổi không che giấu được nỗi câm lặng, sợ hãi..  rồi tất cả lẳng lặn tản đi.

Những hình ảnh đó luôn gây cho tôi cảm giác ớn lạnh, sợ hãi.  Tôi mù mờ hiểu được số mệnh của dân tôi với  máu và nước mắt đang chờ đợi ở phía trước..

Văn chương Việt: Nghe nói thời đi học, cứ một hai năm là anh chuyển trường, điều đó có ảnh hưởng đến việc học hành của anh không? Có phải đó là số mệnh đặt định như bà nội anh nói?

 

Sâm Thương: Tôi cảm thấy điều đó không có gì trở ngại, nếu không nói là làm cho tâm hồn tôi phong phú và nhiều kinh nghiệm thực tế hơn..

Hai năm sau ở Phú Thạnh, gia đình tôi lại chuyển về Phú Xuân, gần nhà bà ngoại tôi. Khu vườn này vốn của bà nội tôi mua lại nhiều năm trước đó và tạm thời giao cho một người cháu họ trông coi. Học hết lớp tư, mẹ tôi chuyển tôi vào học nội trú  trường Saint Denis ở Phường Đúc thuộc các frères dòng Trái Tim( Sarcré coeur). Ở đây, người thầy đầu tiên đã tạo cho tôi ấn tượng sâu sắc ở trường Saint Denis là Frère Thomas, người dong dỏng cao, tuy còn  trè khoảng 35, 40 tuổi nhưng tóc đã bạc trắng, frères phụ trách dạy môn Pháp văn, và đó cũng lần đầu tiên tôi làm quen với môn học Pháp văn. Frère Thomas không chỉ  khơi nguồn môn học Pháp văn cho tôi, mà còn khơi gợi  ý thức  yêu nước trong lòng bọn trẻ chúng tôi, frère luôn lên tiếng bác bỏ câu văn quen thuộc trong bài lectures mà các lớp đàn anh của tôi trước đó đã học nằm lòng: Nos ancêtte, qui sont Gaulois…( Tổ tiên chúng ta là người Gaulois) (8 ), mà còn giúp tôi vượt qua những khó khăn  trên bước đường  tương lai của tôi sau này, nhất là sự chỉ bảo tận tâm của frère trong những giờ étude ở nội trú buổi tối.

Hết mùa hè năm lớp nhì, mẹ tôi quyết định chuyển tôi đến trường tiểu học Lại Ân, thuộc làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Sau khi tốt nghiệp Tiểu học ở Hội đồng thi Thăng Long lên trung học đệ nhất cấp, hai năm đầu tôi học ở trường Pellerin

 Tại trường Pellerin, tôi được sự dìu dắt của Frère Archange. Frère không chỉ khuyến khích tôi viết nhật ký, giúp tôi làm giàu ngữ vựng bằng cách mỗi ngày viết 10 từ trên miếng giấy màu cứng, khổ nhỏ bỏ vừa trên túi áo, thỉnh thoảng mở ra đọc. Đồng thời, frère còn hướng dẫn tôi mỗi khi đọc một cuốn sách hay truyện nào đó  thì phải tập thói quen  ghi chép  vào một cuốn sổ. Ngoài phần xuất xứ gồm tên sách, tác giả, dịch giả nếu có, nhà xuất bản, năm xuất bản, nơi xuất bản, số trang và sau đó gồm chủ đề tư tưởng, tóm lược cốt truyện và cuối cùng là nhận xét phê bình, có thể chép lại  những đoạn văn hay, gây ấn tượng để thỉnh thoảng mang ra đọc lại. Tôi thấy những gì Frère Archange dạy tôi đã giúp tôi rất nhiều trên con đường học vấn. Sau này, khi hướng dẫn sinh viên của các lớp biên kịch Điện ảnh, tôi đã áp dựng phương pháp của Frère Archange bằng cách, buộc các em mỗi người phải sắm một cuốn sổ ghi chép để khi xem sách hay xem phim  đều phải ghi chép: Tên phim, đạo diễn, biên kịch, quay phim, nhạc sĩ, âm thanh. ánh sáng, các diễn viên chính phu.v.v.. đồng thời ghi nhận chủ đề tư tưởng, tóm lược truyện phim và phần cuối cùng là nhận xét phê bình, trong đó, có thể ghi  lại  những phân đoạn hay trường đoạn gây ấn tượng để học hỏi, rút kinh nghiệm.

Hai năm kế tiếp, tôi  tiếp tục học ở trường Providence ( Thiên Hựu) trước khi tôi được nhận vào vào trường Quốc Học, học ở đây 3 năm trước khi bước vào Đại học

 

Văn chương Việt : Anh Sâm Thương, có một người quen của tôi, cũng là bạn hồi nhỏ cùng học ở Quốc Học, hiện đang định cư ỏ Sidney, Australia nói rằng  hồi còn ở Huế anh đã từng yêu thương một cô gái tên Sâm, nhưng mối tình đã không thành, do bất đồng tôn giáo, nên anh đã rời bỏ Huế vào Sàigòn để  quên đi vết thương lòng, điều đó đúng không?

 

Sâm Thương (cười): Theo anh, nếu như có được tình yêu, liệu tôi có vì bất đồng tôn giáo mà tôi có thể dễ dàng lìa bỏ người con gái tôi yêu không?  Chắc chắn là không! Nói thật cho đến giờ phút này tôi vẫn hối tiếc khi rời khỏi Huế tôi không có được một mảnh tình vắt vai, chỉ vì gia đình tôi nghèo khó, nên chỉ lo học và thi đậu, nếu thi hỏng thì không được học tiếp và quân trường đang đợi sẵn. Mỗi khi viết xong, thường tôi mang chia sẻ với  các bạn bè của tôi, cũng như với những người thầy mà tôi nghĩ là họ có thể thông cảm với tôi, đặc biệt là linh mục Trần Thái Đỉnh, người mà sau này trực tiếp dạy tôi ở Đại học Văn Khoa Sàigòn, cũng như linh mục Pierre Gastine, bề trên Đại chủng viện Xuân Bích, một trong những người đầu tiên dạy Triết học bằng tiếng Việt tại Việt Nam, cả hai đang ở Chủng viện, cách nhà tôi không xa, tôi vẫn thường đến đó để mượn sách, để trao đổi, để trò chuyện mỗi khi tôi viết ra được điều gì, tôi cũng biết những gì tôi viết được chưa nói lên điều gì, nhưng linh mục Augustin và Trần Thái Đỉnh luôn động viên khuyến khích tôi, đồng thời chính linh mục Augustin  đã gợi ý lấy  cái tên Sâm Thương làm bút danh cho tôi, vì trước đó tôi đã đưa ông đọc bài cảm nghĩ  của tôi về truyện ngắn Les Étoiles trong tập  Lettres de mon Moulin của nhà văn Alphonse Daudet, một trong những truyện ngắn mà tôi yêu thích.

Truyện là lời thuật của một gã chăn cừu xứ Provence,  gã sống cô độc trên cao nguyên Luberon  đã thầm yêu trộm nhớ cô chủ Stéphanette xinh đẹp nhất vùng.  

  Bình thường cứ nửa tháng, đến hạn kỳ tiếp tế thì chú bé nông trại hay bà quản gia Norade mang thức ăn và vật dụng cần thiết lên đồi cho gã, nhưng gã không mấy quan tâm vào những chuyện ấy, mà nhân đó chỉ dò hỏi xem cô chủ có hay vui chơi lễ lạc, dự tiệc tùng, dạ hội, có nhiều chàng trai tán tỉnh không, và khi bà quản gia ngạc nhiên hỏi:

 - Liệụ những điều cậu hỏi có ích lợi gì cho một kẻ chăn cừu nghèo hèn ở một xó xỉnh rừng núi như cậu?

Gã chăn cừu thản nhiên trả lời:

-Thế tôi không phải là con trai sao?

Vì theo gã, không có sự cách biệt nào hết, trời đất sinh ra gã là một người đàn ông thì gã có quyền yêu cô chủ, vì cô là một phụ nữ dù cô xinh đẹp và giàu có cách mấy.

Chủ nhật hôm ấy, đến kỳ hạn phải tiếp tế, nhưng chú bé nông trang thì bị ốm, bà quản gia Norade lại đang nghỉ hè với các con, họ đã không đến được. Cuối cùng, cô chủ là người đích thân thay họ mang vật phẩm tiếp tế đến.

Sau cơn mưa rào, Stéphanette vừa bước xuống lừa, đã cho gã biết như thế, và nói, sở dĩ nàng đến trễ là vì lạc đường! Nhưng nhìn y phục ngày Chủ Nhật với dây buộc tóc có cài hoa, chiếc váy sặc sỡ, nàng có vẻ đã trễ nãi vì một điệu nhảy hơn là loay hoay  tìm kiếm đường trên đồi núi. Ôi, một nhan sắc mỹ lệ! Mắt gã không hề rời khỏi nàng. Chưa bao giờ gã được nhìn thấy nàng gần đến thế. Nàng sừng sững trước mặt gã, chỉ một mình gã, không có ai khác..

Sau khi trao những món đồ tiếp tế cho gã, Stéphanette tò mò nhìn không gian sống của gã, nàng bước vào chuồng cừu, muốn xem nơi gã ngủ, một cái máng rơm trãi tấm da cừu, cái áo choàng lớn treo trên vách, khẩu súng bắn đá. Nàng thấy những thứ đó lạ mắt.

- Chính đây là nơi anh sống à, hỡi người chăn cừu tội nghiệp của tôi. Thui thủi một mình chắc anh buồn lắm! Thường ngày anh làm gì? Anh nghĩ gì?

Gã muốn trả lời: -“Nghĩ đến cô, cô chủ ạ”. Nhưng gã bối rối đến nỗi không tìm được lời. Và nàng đã ra đi để lại tiếng bước chân nàng nghe như tiếng sỏi đá lăn trong trái tim gã.

Đến chiều tối, gã bỗng nghe tiếng ai gọi tên dưới triền dốc, và gã bỗng thấy cô chủ  xuất hiện, không còn tươi cười như lúc nãy, nhưng run rẫy vì lạnh, vì sợ, và vì ướt. Có thể dưới chân đồi nàng đã gặp phải dòng suối Sorgue dâng cao vì mưa, và trong khi cố gắng vượt qua nàng suýt bị ngã xuống suối. Nàng đã trở lại, với ý nghĩ phải ở lại đêm trên núi làm nàng khổ sở vô cùng, nhất là vì sự lo lắng của gia đình nàng. Gã cố hết sức trấn an nàng:

- Thưa cô, tháng Bảy ngày thì dài, đêm thì ngắn. Chẳng mấy chốc sẽ qua đi.

Gã đốt một đống lửa lớn để nàng hong chân và quần áo ướt sũng nước của dòng suối Sorgue. Kế đến, gã mang sữa và phó mát cho nàng dùng bữa, nhưng cô gái đáng thương chẳng buồn nghĩ đến sưởi ấm và ăn uống, và nhìn những giọt nước mắt trào dâng trong đôi mắt nàng gã cũng muốn khóc theo.

Chưa bao giờ gã thấy bầu trời sâu thẳm và các vì sao rực rỡ đến thế. Thình lình cánh cổng của khu chuồng cừu nơi gã đang nghỉ  xịch mở và Stéphanette hiện ra. Nàng không ngủ được. Súc vật cựa quậy làm rơm kêu xào xạt hay rống lên trong giấc ngủ của chúng. Nàng thích đến ngồi bên đống lửa hơn. Thấy thế, gã choàng tấm da khoác của mình lên đôi vai nàng, khêu ngọn lửa lên, và họ ngồi bên nhau im lặng. Nếu có bao giờ thức ngoài trời một đêm đầy sao, mới biết rằng trong lúc chúng ta ngủ, một thế giới huyền bí thức dậy trong cô đơn và tĩnh mịch. Lúc bấy giờ những dòng suối có tiếng ngân trong trẻo hơn, những hồ nước lấp lánh những đốm lửa nhỏ. Các thần linh của núi rừng đi lại tự do; và trong không gian có những xao xuyến, những âm thanh không thể nghe được, tuồng như người ta nghe cây cối tăng trưởng, cỏ hoa mọc thêm.

Một lần, một tiếng kêu dài sầu thảm phát ra từ hồ nước lóng lánh phía dưới kia và vọng về phía họ ngân vang như dợn sóng. Cùng lúc đó một vì sao băng rất sáng xẹt ngang đầu hai người về cùng một hướng, y hệt như tiếng than vãn họ vừa nghe có mang theo luồng ánh sáng với nó. Stéphanette khẻ hỏi:

- Cái gì thế?

- Một linh hồn lên thiên đường, cô ạ.

Vừa trả lời gã vừa làm dấu thánh giá. Nàng cũng làm theo và ngẩng nhìn lên trời một lúc, nét mặt rất bình an. Ðoạn nàng nói:

-Có thật mục đồng các anh là những tay phù thủy không?

-Thưa cô làm gì có chuyện đó. Nhưng ở đây chúng tôi sống gần các vì tinh tú hơn, nên chúng tôi am hiểu những gì xảy ra trên ấy hơn những người dưới đồng bằng.

Nàng luôn luôn nhìn lên cao, một tay chống dưới cằm, toàn thân trong tấm da cừu như một đồng tử trên trời:

- Ðẹp quá. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều như thế. Anh có biết tên tất cả các ngôi sao kia không?

-Thưa cô, biết chứ. Cô hãy nhìn kia! Ngay trên đầu chúng ta là con đường thánh Jacques (dãi Ngân Hà). Ông ta đi thẳng từ Pháp sang Tây Ban Nha. Chính thánh Jacques đã vạch con đường này cho hoàng đế Charlemagne tiến đánh bọn Sarrasins. Xa hơn, là cổ xe chở linh hồn (Ðại Hùng tinh) với bốn trục bánh xe sáng rực. Ba ngôi sao đi đầu là ba con vật kéo xe, và ngôi sao bé tí gần ngôi sao thứ ba là người xà ích điều khiển xe. Cô có nhìn thấy một trận mưa sao chung quanh không? Ðó là những linh hồn mà Thượng Ðế bỏ rơi. Thấp một chút là sao Ba Vua. Ðó là chiếc đồng hồ của bọn chăn cừu chúng tôi. Chỉ nhìn những ngôi sao đó tôi cũng biết bây giờ đã quá nửa đêm.Thấp hơn một chút, vẫn về phía nam, là ngôi sao Jean de Milan, ngọn đuốc của các vì sao. Về ngôi sao này, các mục đồng có truyền tụng một câu chuyện như sau. Vào một đêm nào đó, Jean de Milan cùng với sao Ba Vua và sao Poussinière được mời dự tiệc cưới của một sao bạn gái. Sao Poussinière vội vả hơn nên đi trước và chọn lộ trình cao. Cô hãy nhìn kìa, trên cao, tận cuối trời. Sao Ba Vua đi đường thấp hơn và đuổi kịp; nhưng anh chàng Jean de Milan lười biếng này, vì ngủ dậy trễ, đi lẹt đẹt sau chót, giận dữ đưa cây gậy ra để chận các sao kia lại. Vì thế, sao Ba Vua còn được gọi là cây gậy của Jean de Milan. Nhưng ngôi sao đẹp nhất trong tất cả các vì sao, là ngôi sao của chúng tôi, ngôi sao của Người chăn cừu. Nó soi sáng cho chúng tôi lúc bình minh khi lùa súc vật ra đồng cỏ, và lúc hoàng hôn khi dẫn súc vật về chuồng. Chúng tội còn gọi sao đó là Maguelonne, nàng Maguelonne kiều diễm chạy theo chàng Pierre của xứ Provence (Thổ Tinh) và kết hôn với chàng ta cứ bảy năm một lần.

- Anh nói sao! Cũng có đám cưới của các vì sao nữa à?

- Thưa cô, có chứ.

Và khi gã chăn cừu đang cố diễn giải về những đám cưới đó thì gã cảm nhận một cái gì vừa tươi mát, vừa mịn màn áp nhẹ lên vai gã. Ðó là đầu của nàng đang tựa vào gã với sự va chạm dễ chịu của những dây buộc tóc, của những đường đăng ten và của mái tóc dợn sóng. Nàng ngủ yên như thế cho đến khi những ngôi sao mờ đi và trời sáng dần lên.. Gã nhìn nàng ngủ, lòng hơi xao xuyến, nhưng nhờ sự che chở thánh thiện của bóng đêm trong sáng đó, cái đêm chỉ cho gã những ý tưởng tốt đẹp. Chung quanh những tinh tú vẫn im lặng và ngoan ngoãn di chuyển như một đàn súc vật lớn; và có lúc gã ngỡ rằng một trong những vì sao đó, vì sao đẹp nhất, sáng chói nhất, lạc đường tựa trên vai gã mà ngủ...

 

Chính ngôi sao trong truyện Les Étoiles đã được limh mục Pierre Gastine gợi ý đặt bút hiệu cho tôi. Ông giải thích étoile du berger, ngôi sao của người chăn cừu hay một tên gọi khác của một ngôi sao mà vào buổi chiều tà khi chạng vạng nhìn về phía Tây, ngôi sao đó mọc rất sớm, rất sáng gọi là sao Hôm. Còn vào  tảng sáng khi gần như tất cả các vì sao khác đã tắt, thì  thấy một ngôi sao rất sáng ở phía Đông vẫn còn ở trên trời gọi là sao Mai. Sao Hôm sao Mai mà Hán Việt gọi  là Sâm Thương. Trong suy nghĩ của người xưa, hai ngôi sao này là hai ngôi sao khác nhau và có sự cách trở lớn về không gian và thời gian: kẻ bên đông, người bên tây. “Sao hôm sao mai” với ý nghĩa này đã được sử dụng để so sánh với hai con người mà trong hoàn cảnh nào đó phải cách biệt nhau, không bao giờ xuất hiện cùng với nhau trong điều kiện bình thường. Nhưng thật ra sao Hôm và sao Mai chỉ là một ngôi sao duy nhất được gọi là sao Kim ( hay Venus – thần sắc đẹp và tình yêu). Sao Kim có khối lượng và kích thước gần tương đương với Trái Đất nên vẫn thường được gọi là anh em sinh đôi với Trái Đất nhưng gần Mặt Trời hơn, khí hậu khắc nghiệt hơn rất nhiều nên không có bất cứ sinh vật nào có thể tồn tại được trong môi trường như vậy. Sao Kim và Trái Đất đều quanh xung quanh Mặt Trời nhưng do vòng quay của sao Kim nhỏ hơn Trái Đất (gần Mặt Trời hơn) dẫn tới khi Mặt Trời chưa mọc, ta thấy nó ở bên Đông, chiều đến Mặt Trời chưa lặn thì chúng ta đã thấy nó đằng Tây. Vì vậy mà dân gian xưa đã nhầm lẫn và coi đó là hai ngôi sao khác hẳn nhau.

     Ngôi sao của người chăn cừu mà linh mục Pierre Gastine  muốn gán lên cho một đứa trẻ  tập tễnh viết như tôi làm bút hiệu, không chỉ với tâm tình hào phóng và khích lệ, mong muốn gửi gắm sau này  tôi sẽ trở thành một con người chân thật sống giữa thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên trong hoài bão nghệ thuật, cũng là điều tôi khát khao mơ ước, nhưng để có thể đạt được điều đó  chắc hẳn không chỉ  tuỳ thuộc vào sự đam mê và nỗ lực của bản thân tôi, mà còn do số phận có giao phó sứ mệnh đó cho tôi không nữa.

Văn chương Việt : Anh Sâm Thương, trong một tác phẩm nghệ thuật, cấu trúc, văn phong hay cốt truyện…đâu là yếu tố anh quan tâm nhất ?

 

Sâm Thương : Tôi rất yêu thích một một bông hoa hay một nhánh hoa đẹp, nhưng không biết cách nào để vẽ được một bông hoa hay nhánh hoa đẹp đó; cũng như không có khả năng vẽ lại một phong cảnh đẹp. Với tôi, trong một tác phẩm nghệ thuật, cái tôi quan tâm nhất chính là tư tưởng, nếu trong một tác phẩm có hai phần gồm : Nội dung & hình thức, thì theo tôi, chỉ có tư tưởng mới là nội dung, còn cấu trúc, văn phong, cốt truyện …đều là hình thức. Tất nhiên tôi không phủ nhận để có một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thật sự, không thể tách rời tất cả các yếu tố ấy trong một tổng thể thống nhất. Nếu một tác phẩm không có tư tưởng hay thông điệp không có tư tưởng thì không thể coi đó là một tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ là một thứ mô phỏng được làm bởi một người thợ không có trái tim lẫn trí óc.

 

Văn chương Việt: Tại sao anh viết cuốn:Viết kịch bản điện ảnh & truyền hình , động cơ nào thúc đẩy anh ?     

Khoảng đầu năm 1977 tôi đang dạy ở trường Mỹ thuật, nhưng do có một vài lý do cá nhân nên tôi xin nghỉ. Sau đó, tôi làm đơn xin làm việc ở Hãng phim Giải phóng, và được chấp .nhận vào làm biên tập biên kịch tại đây.

Dù rất yêu thích điện ảnh, say mê xem phim, tìm hiểu nghiên cứu những quan điểm sáng tác, những hoạt động điện ảnh, đồng thời theo dõi cuộc đời nghệ thuật của các đạo diễn, diễn viên điện ảnh thế giới. Nhưng công việt viết kịch bản đối với tôi trong thời điểm đó còn rất mơ hồ, hay nói đúng hơn là chưa biết làm thế nào để viết một kịch bản phim truyện, hoặc kịch bản phim truyền nhiều tập theo đúng tinh thần của một biên kịch chuyên nghiệp.

Chuyện viết một kịch bản phim truyện chưa đúngchuẩn mực không chỉ là vấn đề đối với riêng tôi, bây giờ sau bao nhiêu năm nhìn lại, ngay trong phòng Biên tập của Hãng pgim Giải Phóng, nơi sản xuất hằng năm hồi đó từ 8 đến 10 phim truyện nhựa ( 35mm), khoảng 10 phim Tài liệu và cũng khoảng chừng ấy phim Hoạt hình…gần như không mấy ai biết viết thế nào là đúng chuẩn mực như đòi hỏi thật sự của nó.

Những tài liệu mà chúng tôi  nghiên cứu hoặc tham khảo là của Liên Xô và của các nước xã hội chủ nghĩa..được chuyển ngữ qua tiếng Việt, Hồi đó, tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp hầu như không được phổ biến, hoạ hoằn lắm mới có một vài tạp chí như Cahiers du Cinéma, Studio Magazine, Première, Revue Internationale du Cinéma …do ai đó đi nước ngoài về tặng. Đến khoảng năm 1985, chúng tôi mới được đọc ở Viện Trao đổi Văn hoá với Pháp những kịch bản của Cinéma  do L’Avant-Scène xuất bản. Thời gian trước đó như chúng tôi đã nói, chỉ là một số kịch bản mẩu mà chúng tôi được đọc trong các tài liệu dịch về điện ảnh. Đại khái muốn viết một kịch bản phim truyện nhựa (35mm) với độ dài 90 phút thì chúng tôi phải như một truyện vừa (văn xuôi) có độ dài khoảng 70 đến 80 trang, gọi là kịch bản văn học với tham vọng được xây dựng như một thể loại  văn học hoàn chỉnh, có vị trí riêng trong văn đàn; nhưng thực tế đã không có một truyện phim (hay kịch bản văn học) nào được nhìn nhận như vậy.Với cái gọi là kịch bản văn học một điều đơn giản là người viết  không biết chắc chắn khi thành phim sẽ là bao nhiêu phút, có thể là 90 phút,100 phút hay ít hơn, tuỳ thuộc vào đạo diễn. Chúng tôi hoàn toàn không nắm vững, Và cái gọi là kịch bản văn học muốn quay thành phim được, đòi hỏi đạo diễn phải viết lại thành phân cảnh kỹ thuật (technical scène).  Nói như thế không có nghĩa kịch bản hiện nay không được đạo diễn viết thành phân cảnh kỹ thuật trước khi ra hiện trường .Trong tình trạng đó, vai trò biên kịch của chúng tôi hồi đó không đúng nghĩa là một biên kịch điện ảnh mà chỉ là người đưa ra ý tưởng, cung cấp chất liệu cho bộ phim, công việc còn lại hoàn toàn giao phó cho đạo diễn. Nhà biên kịch theo nghĩa đó chỉ là một nhân vật thứ yếu, và kịch bản, con đẻ của anh hay chị ta đáng lẽ là nền tảng hay “đường bay của một bộ phim"  theo như cách nói của Nathlie Baye, nữ diễn viên nổi tiếng của Pháp thì chỉ là một thứ phẩm (Cahiers du Cinéma)

Đó là lý do thúc đẩy tôi nghiên cứu và viết cuốn sách này, cách thể hiện đóng góp phần trách nhiệm đối với bản thân tôi, cũng như với nghề nghiệp mà tôi trân trọng 

 

Văn chương Việt :  Ngoài ra, anh còn muốn chia sẻ điều gì nữa?  

 

Sâm Thương  : Theo tôi, xã hội càng tiến bộ thì nhu cầu xem phim trên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ của quần chúng ngày càng nhiều và đa dạng hơn trên mọi lãnh vực.

Từ những đòi hỏi bức thiết đó, chúng tôi không thể không quan tâm đến việc đào tạo một lực lượng đông đảo những người sáng tác kịch bản chuyên nghiệp, nếu được, ngay từ trong chương trình giáo dục phổ thông, đến Đại học và trên Đại học. Tôi quan niệm từ “chuyên nghiệp” ở đây là muốn nói đến bất cứ những ai thật sự có một nhãn quan rộng rãi về cuộc sống, có niềm say mê sáng tạo và nắm vững kỹ thuật viết kịch bản. Họ không nhất thiết phải là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật, cũng không nhất thiết phải nằm trong biên chế của một hãng phim điện ảnh  hay truyền hình nào.Tôi muốn nói đến những người viết sống giữa mọi người, chung lẫn trong mọi ngành nghề của xã hội, mà theo mơ ước của tôi, bất ngờ một ngày đẹp trời nào đó, ngọn lửa sáng tạo trong trái tim họ bất chợt bùng cháy và với sự hiểu biết căn bản từ những khoá học, từ những tài liệu nhỏ bé và khiêm tốn như những cuốn sách loại này và cứ thế họ miệt mài vật lộn với những trang bản thảo, đêm này qua đêm khác như trường hợp Callie Khouri, tác giả kịch bản Thelma and Louise do đạo diễn Ridley Scott thực hiện thành phim năm 1991.

Tôi nhớ, trong một bài trả lời phỏng vấn dành cho tạp chí Film American, Callie Khouri đã thú nhận, trước đó bà chưa từng sáng tác. Vào một tối,sau giờ làm việc, bà lái chiếc xe hơi của mình vào hầm gửi xe, bất chợt một ý tưởng bộc phát từ trong vô thức về phim Thelma and Louise. Callie Khouri suy nghĩ mãi về ý tưởng  đã ám ảnh trong suốt thời gian khoảng một năm, trước khi chính thức ngồi vào bàn, khởi đầu công việc đầy tham vọng,viết thành kịch bản. Với kiến thức chuyên môn về kịch bản bà đã học hỏi từ những tác giả Syd Field, Linda Seger, John Block, Raymond M.Frensham, William Goldman, John Carpenter, Larry Cohen, Paul Schrader, vv…cũng như coi đi coi lại rất nhiều phim để học hỏi và rút kinh nghiệm. Callie Khouri đã vật lộn với công việc viết kịch bản trong hơn sáu tháng trời và chỉ vài tuần sau, cái thành phẩm của nghề tay trái đó đã mang lại cho bà số tiền bán kịch bản là một triệu đô la, và một thời gian sau, cái thành phẩm đó đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ trao tặng giải thưởng Oscar dành cho kịch bản xuất sắc nhất năm 1991.

Nhắc đến kịch bản Thelma and Louise và tác giả Callie Khouri, tôi muốn nói đến sự đóng góp để làm cho nghệ thuật điện ảnh ngày càng phong phú, đa dạng hơn không chỉ do những nhà biên kịch chuyên nghiệp đang làm việc trong các hãng phim hay các Trung tâm Truyền hình mà bao gồm cả sự tham gia của đông đảo quần chúng trong bất cứ ngành nghề nào, bất cứ lĩnh vực nào của xã hội, miễn những người đó có lòng yêu thích đối với bộ môn nghệ thuật điện ảnh và truyền hình, có năng lực sáng tạo và có sự am hiểu kỹ thuật viết kịch bản, nhất là trong trái tim họ  luôn luôn sôi sục ngọn lửa sáng tạo…Đó là niềm mong ước của tôi.

 

Văn chương Việt:  Một câu hỏi cuối cùng, anh cho biết kế hoạch sắp tới của anh.

 

Sâm Thương : Ở hãng phim của chúng tôi vẫn đang tiến hành sản xuất một số phim truyền hình. Ngoài ra, tôi đang cố gắng hoàn tất hai tập sách mà tôi dự định xuất bản từ lâu: 50 huyền thoại điện ảnh thế giới và Những bộ phim trong đời tôi…

 

Văn chương Việt : Còn gì nữa..

Sâm Thương (cười): Tiếp tục viết, chứ biết làm gì nữa.

Văn chương Việt:   Chân thành cám ơn anh Sâm Thương!

 

   Tháng 8.2012                                              

Nguyễn Hòa vcv
Số lần đọc: 3097
Ngày đăng: 02.02.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
TRÒ CHUYỆN VỚI "Người gác đền Bùi Xuân Phái tại Marseille" - Trần Trung Sáng
NHÃ THUYÊN : Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…? - Đặng Phú Phong
Nói chuyện với suối hoa và khoảnh khắc trong thiên nhiên(*) - Đinh Cường
Nhà văn Nhật Chiêu: Tổ tiên ta - cột mốc về dịch thuật - Nhật Chiêu
Sự Đau Khổ Của Những Người Vô Tội - Nguyễn Hồng Nhung
ÁNH SÁNG TRÁI TIM VÀ NHAN SẮC CỦA GIỌT LỆ TRÊN MI NGƯỜI THIẾU NỮ - Nguyễn Hàng Tình
Những giai thoại lý thú về Hemingway - Nguyễn Thị Hải Hà
Nam Dao trò chuyện cùng Đặng Thân - Nam Dao
Nhà văn Murakami Haruki nói về tiểu thuyết “1Q84”. - Nguyễn Quốc Vương
Tinh Thần Nguyễn Trường Tộ - Lê Trân