Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.083
123.232.946
 
Một ngày không quên
Ngọc Thủy

Cuối tháng 2/1975, anh đang công tác ở Ban tham mưu, được Ban cán sự tỉnh đội Mỹ Tho điều tăng cường cho Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy) để chỉ huy đánh đồn Cộng Hòa. Đồn nằm ở phía Bắc kênh cũ, đối diện vàm kênh Cộng Hòa, thuộc ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Hạnh Đông. Đây là một vị trí hết sức quan trọng với cả ta và địch. Đóng ở đây, địch đã chiếm giữ trung tâm của 7 xã vùng Ấp Bắc, một vùng giải phóng liên hoàn của ta. Chúng gọi đây là "Mỹ Điền 3"- Mỹ Điền 1 là vàm kênh Sáu Ầu, phía Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp; Mỹ Điền 2 là chùa Phật Đá. Với ta, Mỹ Hạnh Đông là địa bàn đứng chân của Tỉnh đội Mỹ Tho, của Huyện ủy và Huyện đội Cai Lậy, là tuyến đường vận chuyển vũ khí sang Bến Tre… Từ những năm 60, ta và địch đã bắt đầu giành nhau vị trí này. Ta đánh phá, chúng lại xây cất, cứ như bắt cóc bỏ dĩa. Sau hiệp định Pari mấy ngày, chúng đã tráo trở cho một tiểu đoàn chiếm đóng ở đây.

 

Địch có một tiểu đoàn được trang bị mạnh, núp trong các hầm hố, sau những bức tường đất; còn lực lượng đánh đồn của ta là một đại đội du kích xã đầu trần, chân đất. Thế nhưng ta rất vững tin, vì du kích Mỹ Hạnh Đông là lực lượng mạnh, có khả năng tiêu diệt một đại đội, tiêu hao cả tiểu đoàn địch. Cùng với du kích xã Mỹ Phước Tây, Tân Hội, du kích xã Mỹ Hạnh Đông được huyện coi như các đại đội địa phương của huyện.

 

Ban chỉ huy đánh đồn Cộng Hòa được thành lập. Anh Võ Ngọc Phú (quyền Trưởng ban dân quân Tỉnh đội) làm trưởng ban. Hai Cầm, Bí thư Đảng ủy xã làm chính trị viên. Bảy Xuân, chính trị viên xã đội làm phó ban. Chị Bảy Hạnh, Ủy viên thường vụ phụ nữ tỉnh. Anh Tám Kính, cán bộ binh vận huyện là thành viên. Khi giao nhiệm vụ đánh đồn Cộng Hòa, anh Tám Tàu- tỉnh đội trưởng - đã nói rõ: Phương châm của ta là "Vây, lấy, tấn, phá, triệt, diệt". Thực hiện phương châm này, các anh chia Đại đội du kích ra thành ba trung đội, mỗi trung đội từ 28-30 người, thay nhau vây đồn 24/24. Bên cạnh đó, các anh cho xây pháo đài cao điểm gần Giồng Dứa, cách đồn khoảng 300m.

 

Pháo đài thế nào à? Ta dùng cây to làm trụ đứng, xung quanh tấn bao đất theo hình trụ. Đường kính chân pháo đài rộng khoảng 8m, đường kính đỉnh khoảng 2,5m; chiều cao gần 5m, có các lỗ châu mai xung quanh pháo đài từ thấp đến cao. Trên nóc pháo đài đắp dày, bên ngoài ta trồng dứa gai, rau trai, rau nghể để nghi trang; bên trong đóng cây bắt chéo, để vừa giữ cho pháo đài vững chắc, vừa làm thang lên xuống. Xung quanh khu vực pháo đài ta rào xã chiến đấu, cấm bảng tử địa, gài các loại chông, gài lựu đạn, đào công sự chiến đấu… Để có được pháo đài này nhân dân trong xã đã đóng góp rất nhiều công sức. Suốt một tuần lễ, ngày cũng như đêm, quân và dân bí mật đào đất, vô bao, chở từ nơi xa đem đến.

 

Pháo đài xây xong (vào ngày 10/4/1975) thì lúc nào cũng có một trung đội du kích thay nhau vây đồn; cứ 1 tiểu đội ở trong pháo đài canh giữ phía Đông, 1 tiểu đội ở phía Tây, 1 tiểu đội ở phía Nam đồn. Phía bắc là "bãi chết" ta không cần canh giữ.

 

Ngoài pháo đài, ta còn thành lập đội phóng pháo 320- một loại vũ khí tự tạo bắt nguồn từ Trung Quốc. Mỗi liều phá tới 21 kg TNT, kèm theo liều phóng 5-6 kg. Nhưng quan trọng nhất là kỹ thuật đào bệ phóng, vì độ lài bệ phóng và độ dài dây cháy chậm quyết định tầm bắn. Ta có được 15 trái 320, cứ cách vài ngày ta lại bắn vào đồn 1 trái. Bắn rất chính xác, nhưng sát thương không bao nhiêu, vì địch cố thủ trong các hố cá nhân.

 

Ngày 27/4/1975, anh Châu Thế Bình- Chính trị viên mặt trận Tứ Kiệt - chỉ đạo Đại đội du kích phải giải phóng cho được đồn Cộng Hòa trong vòng 7 ngày tới, để hưởng ứng chiến dịch toàn miền, kiên quyết giải phóng miền Nam.

 

Đến lúc đó các anh chỉ biết một chiến dịch lớn toàn Miền, chứ chưa biết đó là chiến dịch Hồ Chí Minh. Hồi đó, thông tin liên lạc rất hạn chế, đối với lực lượng du kích càng hạn chế hơn. Ta đã ở thế thắng như chẻ tre, Tây Nguyên và nhiều nơi khác được giải phóng mà các anh đâu có biết. Cả đại đội du kích có vài cái rađiô, nhưng vào đợt vây đồn đâu còn thời gian để nghe.

 

Theo chỉ đạo của mặt trận Tứ Kiệt, các anh cho du kích vây siết các đường tiếp tế của địch từ Cai Lậy vào đồn Cộng Hòa. Song song đó, cho lực  lượng đi vận động nhân dân các xã Tân Hội, Nhị Mỹ, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây… đấu tranh, không đi làm "hàng rào thịt" cho bọn tiếp tế. Cùng lúc, ta vận động gia đình binh sĩ gởi thư kêu gọi người thân trong đồn bỏ súng, quay về với nhân dân. Bọn địch bị tác động, hoang mang, nhưng vẫn án binh bất động.

 

Tới tối ngày 29/4/1975, anh nghe đài mới biết mình đang thắng lớn khắp nơi, có khả năng giải phóng cả Sài Gòn. Chớp thời cơ, sáng 30/4 anh tới nhà đồng chí Bé Hải- xã đội phó- lệnh cho lực lượng du kích bên ngoài tập trung lại, rồi cử người mang thư triệu tập của anh đến cho anh Hai Chừng, Bảy Xuân, Hai Cầm và cô Bảy Hạnh. Cuộc hội ý diễn ra chớp nhoáng, tất cả đều thống nhất kế hoạch tấn công.

 

Các anh đặt ba quả 320 vào vị trí chuẩn bị. Cô Bảy Hạnh đưa trên 150 quần chúng từ phía Đông kéo lên, biểu tình thị uy. Anh dùng loa tay gọi hàng… Khi lực lượng quần chúng còn cách đồn khoảng 300m, thì ta cho bắn 3 quả 320 vào đồn. Sau đó, lực lượng du kích ở cánh Nam, cánh Tây- Bắc, cánh Đông, cùng quần chúng kéo cờ vào đồn. Tiếng loa gọi hàng vang dậy: "Hỡi anh em binh sĩ đồn Cộng Hòa, hãy bỏ súng về với nhân dân, anh em sẽ được đối xử tử tế theo chính sách 10 điểm của Mặt trận". Bọn lính trong đồn vẫn im bặt. Anh nói tiếp: "Tôi lấy danh dự người chỉ huy quân giải phóng tại đây, hứa sẽ không bắn giết, đánh đập hàng binh. Ngay bây giờ, nếu anh em đầu hàng, hãy đưa cờ trắng lên, chúng tôi sẽ không tấn công".

 

Lần này thì chúng đã cột khăn lông trắng, áo trắng vào cây, đưa lên. Anh bảo: "Tất cả bỏ súng xuống, đi về cửa Bắc đồn sẽ có ông Hai Chừng tiếp đón". Nói đến Hai Chừng thì bọn lính đã biết đó là xã đội trưởng Mỹ Hạnh Đông rồi. Trước đó anh đã dặn dò Hai Chừng và anh em du kích cánh Bắc phải thực hiện nghiêm chính sách đối với tù hàng binh.

 

11 giờ ngày 30/4. Địch đưa hai tay lên cao, chen nhau đi về phía cánh đồng ở cửa Bắc. Bên này, anh cho lực lượng du kích cánh Nam lội qua kênh cũ, vào đồn. Phân công Bảy Xuân và Hai Cầm ở lại thu chiến lợi phẩm, giao nhân dân chở về vùng giải phóng. Ta thu được 2 đại liên, 1 cối 60, 7 máy BRC 25 toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng. Sau đó, nhân dân ta còn ban đồn, đề phòng địch tái chiếm… Anh tới đám ruộng khô, chỗ bọn lính đang ngồi, nói chuyện với họ. Bọn địch lo sợ, ngồi im phăng phắc. Anh nói cho chúng hiểu về chính sách khoan hồng của cách mạng, báo cho chúng biết chúng sẽ được đối xử tử tế, được cho ăn uống và sẽ được đoàn tụ với gia đình. Sau đó, anh đưa chúng về phía Nam kênh giao cho cô Bảy Hạnh, anh Tám Kính, Hai Cầm lo nơi ăn ở; còn anh đi báo cáo tình hình với đồng chí Chín Hải, Ủy viên Khu ủy Khu 8 và đồng chí Sáu Danh, chính trị viên Tỉnh đội. Lúc này, anh Chín Hải, Sáu Danh và Tư Việt Thắng đã rời căn  cứ ở chùa Thầy Thắng; ra chốt Cà Mau Bù Lu của xã Tân Bình để chỉ huy trực tiếp lực lượng ở lộ 4.

 

Được đồng chí Chín Hải ký lệnh, anh tới ty Ngân khố lãnh 500.000đ, rồi về Mỹ Hạnh Đông giao cho cô Bảy Hạnh và anh Tám Kính lo ăn cho hàng binh. Giao tiền xong, anh ra Bù Lu tìm Ban chỉ huy tiền phương. Các ông ấy đã đi rồi, anh ra gần tới thị trấn Cai Lậy vẫn không gặp. Tới 5 giờ chiều anh mới gặp được chị Tám Đỉnh (Tỉnh đội phó) và anh Bảy Vĩnh Bình. Lúc đó, anh mới biết Sài Gòn, Gò Công đã được giải phóng; các cánh quân của ta đang tiến vào thành phố Mỹ Tho và căn cứ Đồng Tâm.

 

Đêm ấy, đêm 30/4 tất cả quân dân cùng thức, cùng xuống đường mừng chiến thắng. Cờ mặt trận bay khắp nơi, kể cả trong những thị trấn mà bọn địch còn cố thủ. Nỗi vui sướng, hạnh phúc chưa từng có tràn ngập, căng đầy trong lồng ngực của mỗi con người và cứ dâng lên, dâng lên theo từng tin chiến thắng. Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho, rồi Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè được giải phóng; bọn ngoan cố cuối cùng đã bị quét sạch. Toàn miền Nam đã được giải phóng… Nỗi khao khát mong chờ mấy mươi năm nay thành sự thật. Anh la hét mà không biết mình đang la hét, la đến khàn hơi, vỡ giọng vẫn còn muốn gào to lên cho mọi người biết: "Ta chiến thắng rồi! Miền Nam được giải phóng rồi! Hòa bình rồi!…" Ở đâu anh cũng thấy những khuôn mặt, ánh mắt rạng ngời. Người ta đi, người ta nói mà như đang mơ, đang say… Cái ngày 30/4 ngày cả đời không quên được.

 

Ngọc Thủy
Số lần đọc: 2489
Ngày đăng: 20.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi thăm biển chết - Huỳnh Kim
Đảo ngọc kết chuổi cờm trên biển - Hồ Tĩnh Tâm
Lương Hòa - MônCaĐa - Thanh Giang
CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 1975 - Võ Quê
Vùng đất đổi màu xanh - Nguyễn An Cư
Huyền thoại trên sông Tiền - Đậu Viết Hương
Ngọn sóng Rạch Gầm - Hoài Giang
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến với bạn đọc 120 nước như thế nào? - Huỳnh Hùng Lý
Bò Ba Tri - đủng đỉnh nên giàu - Từ Phạm Hồng Hiên
Sống lại những làng dừa - Phan Lữ Hoàng Hà