Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.232.688
 
Vành đai Bình Đức ngày ấy - bây giờ
Đậu Viết Hương

Nắng tháng tư bừng lên, trải dài. Sóng sông Tiền nhấp nhô như dát bạc. Hoa nắng lung linh đùa vui, nhảy nhót trên những vườn cây trái xum xuê xanh mướt, vờn theo từng bước chân của chúng tôi về thăm lại căn cứ Đồng Tâm, căn cứ quân sự đầu não của quân xâm lược Mỹ tại ĐBSCL.

 

Như một hướng dẫn viên du lịch chánh hiệu, Bí thư Đảng ủy xã Bình Đức - Trần Ngọc Ẩn vừa đi vừa giới thiệu với chúng tôi: - Tháng 5-1965, địch bắt đầu xây dựng căn cứ Đồng Tâm rộng 640 ha và hoàn thành vào cuối năm 1966. Đây là căn cứ của lực lượng sư đoàn 9 Mỹ và sư đoàn 7 ngụy, đồng thời cũng chính là trung tâm chỉ huy, xuất phát hành quân càn quét, đánh phá vùng giải phóng và các căn cứ cách mạng của ta. Căn cứ nằm ngay trên địa bàn xã, chiếm 4 trên 5 ấp và 2/3 diện tích toàn xã. Để bảo vệ căn cứ Đồng Tâm, địch đã dùng bom, pháo chà đi xát lại hàng trăm lần, hòng biến Bình Đức và các xã xung quanh thành một vành đai trắng. Lực lượng của xã chỉ có 1 trung đội du kích, quân số luôn dao động từ 6-20 đồng chí, mỗi ấp có 1 tổ du kích từ 3-5 đồng chí và 1 chi bộ Đảng từ 7 đến 10 đảng viên, vũ khí trang bị thô sơ, chủ yếu là súng cacbin, garăng, chông, mìn và lựu đạn. Thế nhưng, với tinh thần chiến đấu ngoan cường dũng cảm, quyết không khuất phục trước sức mạnh và sự tàn bạo của kẻ thù, trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, quân và dân xã Bình Đức đã tổ chức đánh phối hợp 280 trận lớn nhỏ gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Riêng xã đã tổ chức đánh 144 trận, tiêu diệt 1.737 tên, trong đó có 60 tên Mỹ; thu 719 súng các loại và hàng ngàn viên đạn, 15 máy PRC25, 5 máy PRC10; bắn cháy và hư hỏng 35 xe các loại, bắn chìm 18 tàu chiến, bắn rơi 5 máy bay; bắt làm tù binh 45 tên, trong đó có 1 tên Mỹ. Điển hình trong chiến đấu, Bí thư Đảng ủy xã Tư Đùa, Xã đội phó Đực 3 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1-2-3; Xã đội trưởng Tám Beo đạt 2 lần Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1-2, tính chung 3 đồng chí đã diệt 46 tên Mỹ. Trong công tác binh vận, quân và dân Bình Đức đã vận động được 47 binh sĩ quay súng trở về với nhân dân, vận động làm tan rã 4 tiểu đội và 2 trung đội địch, xây dựng 37 binh sĩ nội tuyến mang về cho cách mạng hơn 300 quả lựu đạn, 2 khẩu súng ngắn. Để bám trụ kiên cường, quân và dân Bình Đức đã vót trên 3 triệu cây chông tre, làm 2 triệu 100 ngàn bàn chông đinh, đào hơn 12 ngàn hầm chông, 500 công sự chống bom pháo, cắm 200 ngàn bảng tử địa. Sau chiến tranh, toàn xã có 134 liệt sĩ, 49 thương binh, 8 mẹ VNAH. Với những thành tích trên, xã Bình Đức đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Nhà nước trao tặng. 

 

Chiến công thật chói ngời, thiệt không hổ danh du kích vành đai với tinh thần "bám thắt lưng địch mà đánh". Ông Huỳnh Ngọc Vũ, người Xã đội trưởng năm xưa, từng làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Đức kể: "Du kích Bình Đức tụi tui hồi đó sống bằng mìn và lựu đạn không hà. Nghĩa là thiếu gì thì thiếu chớ không thể thiếu mìn và lựu đạn được. Bọn địch không ngờ tụi tui lại dám chốt ngay sát chân hàng rào thứ nhứt, cách lô cốt của tụi nó chưa đầy 100m. Thiệt tình cũng chẳng phải mình gan, nhưng đây là nơi an toàn nhứt, tụi địch không ngờ tới và tránh được những tổn thất hy sinh do bom pháo. Sống sát nách địch, tụi tui chỉ đánh bằng mìn và lựu đạn gài, thiếu lựu đạn thì chui vào hàng rào gỡ mìn và lựu đạn của địch gài lại đánh địch. Thiệt bất đắc dĩ tụi tui mới nổ súng, bởi chỉ cần nghe một tiếng súng là pháo, cối nó dập tơi bời và sau đó là hàng tiểu đoàn bộ binh càn đi xát lại. Còn nhớ đầu mùa mưa năm 1973, địch cho xe ủi đường bao quanh căn cứ và chúng phát hiện ra chỗ ở của chúng tôi. Lập tức 3 tiểu đoàn bộ binh được lệnh siết chặt vòng vây và chia thành nhiều mũi ập vào. Lính dày đặc, bít chặt các ngả đường. Lực lượng du kích chỉ có 7 người, không còn hy vọng một con đường thoát. Nhiều toán địch lọt vào bãi mìn và lựu đạn, xen lẫn trong từng tiếng nổ là những tiếng kêu khóc rần trời, tiếng chửi rủa tục tĩu. Sau một tuần truy quét mà không thấy bóng dáng một du kích, lại đụng mìn, lựu đạn chết và bị thương 23 tên, trong đó có 2 tên trung úy, địch buộc phải rút quân cùng với câu hỏi ám ảnh không lời giải đáp: Việt cộng rút đi đằng nào? Không lẽ họ có phép độn thổ, xuất quỷ nhập thần? Một lần nữa, bọn địch không thể ngờ du kích Bình Đức gan cùng mình, vòng vây càng siết chặt, tụi tui càng luồn sâu vào trong căn cứ, ém quân sát nhà đèn ẩn nấp, chờ cho địch rút quân mới luồn trở ra một cách an toàn".

Từng làm Trưởng công an xã trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, thương binh Nguyễn Tiến Châu không ngớt lời ca ngợi tấm lòng của những người dân Bình Đức. Câu chuyện ông kể đã làm cảm động biết bao người: "Tụi tui nhiều lúc cũng bị địch đánh dạt ra phải về nương náu bên Thạnh Phú, Trung An, thấy tình hình êm êm mới tìm cách quay về móc nối. Đó là những thời kỳ gian nan, ác liệt nhứt. Thiếu sự che chở, đùm bọc của nhân dân, tụi tui thiếu thốn, cực khổ trăm bề. Có lần đói quá, tụi tui phải đào trộm khoai của dân. Vợ chồng ông Hai Giác ở ấp Lộ Ngang bắt gặp, miệng thì trách cứ mà nước mắt cứ lăn dài. Ông la: -Tụi bây sợ tao cái gì mà không chịu nói một tiếng. Bộ bà con không giúp đỡ được tụi bây sao. Thế rồi từ đó, hai vợ chồng ông Hai Giác thay phiên nhau tiếp tế cho tụi tui. Không chỉ tiếp tế mà còn nắm tình hình địch thông báo cho du kích, nhận giấy tờ đi thâu thuế đảm phụ nuôi quân. Từ vợ chồng ông Hai Giác, nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng, móc nối, phối hợp với du kích đánh địch trên cả ba mặt quân sự, chính trị, binh vận".

 

Là lớp người trưởng thành sau 30-4-1975, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Việt tự hào: - Nối tiếp truyền thống của cha anh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Đức ngày nay luôn tâm niệm một điều là không ngừng hoàn thiện, đổi mới quyết tâm vượt mọi khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng Bình Đức thành một xã có tiềm lực kinh tế dồi dào, an ninh chính trị vững chắc, đem lại cho nhân dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều tâm niệm đó giờ đây đang dần dần trở thành hiện thực, mức độ tăng trưởng kinh tế năm sau bao giờ cũng tăng hơn năm trước, số hộ nghèo giảm dần từng năm, đến nay chỉ còn 3,05% (88/2889 hộ). Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 4 tuyến đường đá đỏ liên ấp đã tráng nhựa được 2 đường với tổng kinh phí hơn 1 tỉ 150 triệu đồng và 1 đường đã bê tông hóa. Toàn xã đã xây dựng được 4 giếng nước tầng sâu và 235 giếng tầng nông, đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân. Đường điện hạ thế vươn dài khắp 5 ấp phục vụ cho 99,30% số hộ dân có điện sinh hoạt và sản xuất. Hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của trên và sự đóng góp của nhân dân, toàn xã đã xây dựng được 47 căn nhà tình nghĩa, 19 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo và các gia đình chính sách. Sức khỏe người dân luôn được chú trọng, giáo dục được nâng cao, đời sống tinh thần luôn được đẩy mạnh, 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn và trung bình 2,5 hộ có 1 máy điện thoại, 5/5 ấp đã ra mắt ấp văn hóa, xã đang hoàn thiện các tiêu chí để trở thành xã văn hóa.

Đứng trên cầu Kinh Xáng nhìn một cách tổng quát toàn bộ khu vực căn cứ Đồng Tâm, vành đai trắng ngày xưa giờ đây trở thành một vành đai xanh, xanh bạt ngàn một màu xanh cây trái. Đại tá-Anh hùng LLVT Hồ Bé, người từng đặt bước chân đầu tiên vào căn cứ Đồng Tâm trong ngày 30-4 lịch sử, khi biết Đảng bộ Bình Đức liên tục nhiều năm liền luôn đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh đã xúc động nói: - Mới đó mà đã 30 năm trôi qua! 30 năm bền lòng vượt khó, phấn đấu vươn lên, không ngừng tiếp tục đổi mới và phát triển. Tự hào thay quân và dân vành đai! Vừa dũng cảm kiên cường trong chiến đấu, vừa cần cù, sáng tạo trong xây dựng tương lai, Đảng bộ và nhân dân Bình Đức không hổ danh là một xã anh hùng.

Đậu Viết Hương
Số lần đọc: 3491
Ngày đăng: 20.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi thăm biển chết - Huỳnh Kim
Đảo ngọc kết chuổi cờm trên biển - Hồ Tĩnh Tâm
Lương Hòa - MônCaĐa - Thanh Giang
CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 1975 - Võ Quê
Vùng đất đổi màu xanh - Nguyễn An Cư
Huyền thoại trên sông Tiền - Đậu Viết Hương
Ngọn sóng Rạch Gầm - Hoài Giang
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến với bạn đọc 120 nước như thế nào? - Huỳnh Hùng Lý
Bò Ba Tri - đủng đỉnh nên giàu - Từ Phạm Hồng Hiên
Sống lại những làng dừa - Phan Lữ Hoàng Hà