Trôi trên dòng văn hóa Việt dài ngót 4000 năm, như một biểu tượng nổi bật và gần gũi, thật ra chiếc áo dài chỉ “dài” có 300 năm thôi.
Còn với bé Gyore Hương Ly thì áo dài đã được 3 tuổi! Lần đầu tiên khi bé mới 1 tuổi được mẹ cho mặc áo dài dự Hội chợ hoa Nguyễn Huệ. Bé lớn nhanh như thổi, xinh như sao. Tết Ất Mùi 2015 bé đã 4 tuổi rồi đó.
Cứ thế, áo dài Việt lớn lên theo dáng vóc khỏe khoắn, theo vẻ xinh tươi tự nhiên và theo sự thông minh dễ thương của bé. Không, nói ngược lại mới đúng: bé lớn mạnh lên, tươi đẹp ra, tinh khôn thêm, điệu đà hơn… theo chiếc áo dài truyền thống Việt được cách điệu phù hợp với tuổi nhí ở thời a còng.
Thế mà, chiếc áo dài Việt Nam đã có vô vàn tính từ làm vệ tinh chạy vòng quanh. Bởi vì, kể từ khi có tiếng Việt cũng từng có vô vàn tính từ ca ngợi vẻ đẹp nội tâm và hình thể của người phụ nữ Việt.
Xin liệt kê thật nhanh: nữ tính; dịu dàng; thanh thoát; hồn nhiên; dễ thương; tinh tế; mượt mà; nhẹ nhàng; dung dị; mảnh mai; duyên dáng; thơ ngây; thướt tha; uyển chuyển; yêu kiều; gợi cảm; đáng yêu; ẩn hiện; lịch sự; thanh nhã; thanh tao; óng ả; dịu mát; thu hút; ấn tượng; sang trọng; kiêu sa; thâm trầm; cá nhân hóa; vừa thực dụng vừa mơ màng; kín đáo mà khêu gợi; cao sang và yểu điệu, nền nã trong bay lượn; chặt chẽ bên trên mềm mại phía dưới; truyền thống lại hiện đại; v.v…
Mời các bạn bổ sung để thành một bộ sưu tập các tính từ về áo dài, về phụ nữ Việt Nam?
*
Sau dịp bé trong áo dài mừng sinh nhật được mẹ đưa lên Facebook, chỉ sau vài giờ, hình ảnh bé đã được hàng chục ngàn lượt xem, hàng trăm lượt chia sẻ… Từ tháng Tám năm ngoái tới nay, giới cư dân mạng đã hào phóng tặng nhiều lời có cánh cho các bức ảnh chụp bé diện áo dài Việt nhí.
Đầu thế kỷ trước, có một thi hào người Anh sinh ở Ấn Độ từng “phán” câu để đời: Phương Đông và phương Tây không bao giờ gặp nhau!
Trong cuộc sống toàn cầu hóa hiện nay, sự giao lưu Đông - Tây đã rõ rệt một cách bất ngờ. Và các em bé mang hai dòng máu, hai nền văn hóa chính là những đóa hoa nhỏ biết nói. Nói rằng, Đông và Tây đang hội ngộ nơi chúng con đây ạ…
Nếu như các bạn thấy bé lai mẹ Việt cha Hungary Gyore Hương Ly hợp với áo dài Việt - dù là áo dài nhí - thì đó đã là một “ví dụ ngược” cho nhận định trên.
Và, nếu như nói văn hóa phương Đông và phương Tây gặp nhau ở trang phục của bé Hương Ly âu cũng nhờ một nguyên cớ sâu xa.
Áo dài Việt như đang có (mà chúng ta hay gọi là truyền thống) từng là giao điểm kỳ diệu nhất của thẩm mỹ trang phục người Việt và người Pháp. Chính trong cao trào Âu hóa thời đầu thế kỷ 20, các kiểu áo dài truyền thống Việt Nam, đặc biệt là áo tứ thân, đã được cách tân theo phong cách châu Âu nhờ hai họa sĩ Le Mur (tức là Cát Tường) và Lê Phổ vào các năm 1930-1934. Để rồi sau nhiều cải cách thăng trầm, áo dài Việt Nam hiện nay đã kết hợp hài hòa, vẹn vẻ giữa phương Đông và phương Tây, giữa điệu cũ và nét mới.
Hình thức chuẩn mực áo dài Việt về cơ bản vẫn giữ nguyên: đó là một loại áo có vạt dài cổ điển, ôm sát thân người, hai vạt dưới được hoàn toàn tự do buông thả.
*
Vẻ tự nhiên, trong lành của bé lộ rõ ở bức ảnh bé nhún chân, mắt nhìn về phía trước. Áo dài xanh hoa văn ngộ nghĩnh nổi lên trên quần và giày đỏ. Mái tóc đuôi gà ngay ngắn. Cái trán vẻ như bương bướng đối diện tương lai.
Hiếm thấy thứ tiếng nào có sự trùng hợp trong hai từ trẻ thơ/thơ ngây và thơ ca như ngôn ngữ Việt. Ở đâu có con người thì nơi đó mỗi em bé đã là một bài thơ. Trước tiên là bài thơ của cha mẹ, ông bà, gia đình. Sau là bài thơ của xã hội, đất nước, nhân loại. Như với mọi bé khác, các hình ảnh Hương Ly trong áo dài bắt mắt thiên hạ trước hết là nhờ tính ngây thơ.
Đây, ảnh bé hai tay nâng hai cái bánh chưng. Nét mặt nghiêm trang nhưng vẫn mang vẻ thơ dại. Màu hồng của phần dưới hai vạt áo và phần dưới tay áo đã dự phần tạo ra cái nhi nhiên của một nhóc tì đang “mần đại sự”.
Những khi đó người xem khó phân biệt được áo dài hay bé là nhân vật của tác phẩm nghệ thuật? Bé và các bạn khác đã xinh. Những mẫu áo dài lại đẹp. Và các nhiếp ảnh gia cũng thật tài!
Cũng như một đặc điểm ưu việt của áo dài người lớn, áo dài nhí dù được thiết kế theo mẫu nào, ta cũng cảm thấy không khó khăn, cầu kỳ khi mặc kèm với quần, guốc, giày, dép… Trong nhiều bức ảnh áo dài đi với giày thể thao, bé Ly cũng như các bé trai gái khác, phải nói là vẫn kháu khỉnh mà không kém phần thi vị.
*
Kìa! Bé đang bước nhanh trên nền gạch của công viên. Với áo dài ngắn tay, nền áo xanh nước đầm sen với đàn hồng hạc. Thân trước áo dài uốn theo bước chân. Đặc biệt, hai bàn tay bụ bẫm gập lại như quyết làm điều gì đó. Nhí nhảnh. Năng động. Quậy nghịch.
Mươi năm nữa, bé sẽ không còn như thế đâu. Cô gái rồi sẽ bắt chước bà, mẹ, dì để tạo nên những thao tác vi diệu và tinh tế của người con gái Việt như trong lời thơ từ giữa thế kỷ trước:
… Ðôi thân áo mỏng tơi bời bay lên
Dịu dàng đôi ngón tay tiên
Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường…
Các áo dài nhí cũng không ra ngoài khuôn mẫu cơ bản nhất của nhiều thế hệ áo dài Việt Nam: dù biến cách thế nào vẫn phải giữ lại hai vạt xẻ dài kéo lên quá eo.
Hầu hết các fan đều khen bé ở đôi mắt. Bạn này bảo đôi mắt biết cười. Bạn khác bảo đôi mắt biết nói. Tôi bổ sung: mắt bé còn biết… tư duy nữa. Đông và Tây cũng hội ngộ ở mắt ấy. Mở to, hóm hỉnh, bạo dạn - đích thị mắt phương Tây. “Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi” là của người nữ Việt rồi!
*
Một nữ triết học gia người Việt sống ở Đức hơn 40 năm nay, dân xứ Huế nên cũng là tín đồ của áo dài tím Huế, từng viết rằng, với chiếc áo dài mọi phụ nữ Việt đều bình đẳng trong vẻ đẹp.
Đúng quá! Và càng đúng với cả những bộ áo dài nhí mà bé Gyore Hương Ly từng được ông bà, ba mẹ cho chưng diện mỗi khi đón Tết cổ truyền ở các hội chợ Xuân TP.HCM.
Tôi cứ muốn hình dung mỗi khi “vòi” mẹ cho mặc áo dài bé sẽ lại hát khúc ca Tuổi ngọc:
“Xin cho em một chiếc áo dài, cho em đi mùa xuân tới rồi
Mặc vào đời rồi ra, mừng lạy chào mẹ cha
Hàng lụa là thơm dáng tuổi thơ”.
Làm sao mẹ bé lại có thể cầm lòng khước từ khi biết cục cưng của mình, chỉ trong ít phút, sẽ vụt mang vận lên thân thể nhỏ nhoi biết bao nét đẹp từ người nữ Việt Nam trong một trang phục ôm gọn hồn dân tộc?
Vancouver, giáp Tết Ất Mùi 2015
---------
*) Bài viết tham khảo Tự điển Wikipedia cùng các tác giả: Thái Kim Lan, Trần Quang Đức... Nguồn của các câu thơ, lời nhạc in nghiêng trong bài là sáng tác của các thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Bính, Phạm Duy, Tế Hanh.
-