Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.203.091
 
Một bài văn VĂN MẪU LÀM GƯƠNG XẤU
Trần Mạnh Hảo

Cuốn sách  " 217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN "  là tập bài văn mẫu dành cho học sinh trung học, dày 627 trang, do NXB Đại học quốc gia Hà Nội tái bản lần thứ hai năm 2000 với số lượng lớn.

 

Đó là cuốn sách của bốn vị đồng tác giả : GS. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), TS. Đỗ Ngọc Thống, TS. Hà Bình Trị và Chu Văn Sơn, một tập văn mẫu có quá nhiều sai phạm về nội dung và hình thức. Chưa nói tới vấn đề sư phạm : đưa ra thứ văn mẫu này sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo độc lập thẩm mỹ văn học nơi học sinh, mà chỉ mới bàn sơ về phương cách viết làm sao cho đúng một câu văn tiếng Việt, cũng cần phải có hàng nhiều chục bài phê bình mới đủ.

 

Chúng tôi đã và sẽ lần lượt bàn về những cái sai quá nhỡn tiền trong một số bài của tập văn mẫu trên.

 

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ trưng ra những bằng chứng về sự sai phạm nghệ thuật viết câu văn của bài văn mẫu phân tích "Vẻ đẹp của hình tượng cây Xà Nu " trong truyện "Rừng Xà Nu" của Nguyễn Trung Thành, từ trang 539 đến trang 545.

 

Ở trang 541, tác giả viết :" Người Xô Man sinh ra dưới bóng Xà Nu, lớn lên lam làm, sinh hoạt cùng với Xà Nu, đến lúc hẹn hò cũng ở dưới gốc Xà Nu, và khi yên nghỉ cũng nằm bên dưới những cánh rừng Xà Nu ấy. Nhờ đó mà Nguyễn Trung Thành đã vẽ ra được trước mắt người đọc về một làng Xô Man  cụ thể xác thực, đó là xứ sở Xà Nu, thế giới Xà Nu". Chúng tôi xin bỏ đi 25 chữ, thêm một dấu phảy, một dấu chấm câu để đoạn văn mẫu trên không còn lủng củng, rườm rà, trùng lặp, sửa lại như sau :

 

" Người Xô Man sinh ra, lớn lên, lam làm, sinh hoạt, hẹn hò, yên nghỉ cũng bên dưới những cánh rừng Xà Nu ấy. Nhờ đó, Nguyễn Trung Thành đã vẽ ra được một làng Xô Man cụ thể, xác thực. Đó là xứ sở Xà Nu, thế giới Xà Nu ".

 

Cũng ở trang 541 này, tác giả viết một câu văn rất ngắn mà đã lặp ba lần từ "là"như sau :

 

"Nghĩa là khía cạnh thứ nhất là tả thực còn khía cạnh thứ hai là tượng trưng ".

 

Câu văn này có hai cách viết làm cho thành trong sáng. Cách thứ nhất, chỉ cần bỏ từ đầu "Nghĩa là". Cách thứ hai bỏ đi 5 chữ, thêm  2 dấu hai chấm (:), có thể viết lại như sau :" Khía cạnh thứ nhất : tả thực, khía cạnh thứ hai : tượng trưng".

 

 Ở trang 542, tác giả bài văn mẫu viết :

 

"Rừng Xà Nu hiện ra với ba lứa cây chính : lứa những cây già, lứa những cây trẻ và lứa những cây non. Chúng lại hiện ra với những cảnh ngộ và thân phận rất tương ứng với con người : có những cây bị phạt ngang thân mình, có những cây mình đầy thương tích, nhưng không bom đạn nào làm cho nó gục ngã, lại có những cây non mới mọc ra nhưng đã đâm lên khỏi mặt đất nhọn hoắt như những mũi lê".

 

Tác giả bài văn mẫu trong đoạn văn này chưa viết đúng câu đơn giản.  Chúng tôi xin sửa lại cho đúng với câu văn tiếng Việt, bằng cách bỏ đi 15 chữ (tiếng), thêm 2 dấu chấm câu như sau : " Rừng Xà Nu hiện ra với ba lứa cây chính : cây già, cây trẻ và cây non. Chúng lại hiện ra với những cảnh ngộ và thân phận rất tương ứng với con người : bị phạt ngang thân, mình đầy thương tích. Nhưng không bom đạn nào có thể làm cho nó gục ngã. Có những cây non mới mọc nhưng đã đâm lên khỏi mặt đất nhọn hoắt như mũi lê".

 

Ở trang 543, tác giả viết một câu văn hết sức lủng củng, dây cà ra dây muống, không cần cả dấu chấm câu như sau :" Nếu ở "Rừng Xà Nu", người ta thấy sức sống của Xà Nu là bất diệt, dòng nhựa Xà Nu được truyền lại nguyên vẹn từ những cây cổ thụ đến những cây non, thì ở những con người Xô Man người ta cũng thấy dòng máu Tây Nguyên cũng được truyền lại từ lồng ngực những thế hệ già sang trái tim những thế hệ trẻ". Chúng tôi sửa lại câu văn trên cho trong sáng bằng cách bỏ đi 12 chữ, thêm 2 dấu chấm câu, một dấu phảy để thành câu văn mới sau :

 

" Ta thấy sức sống của Xà Nu là bất diệt. Dòng nhựa Xà Nu được truyền lại nguyên vẹn từ những cây cổ thụ đến những cây non. Ở những con người Xô Man, dòng máu Tây Nguyên cũng được truyền lại trọn vẹn từ lồng ngực thế hệ già sang trái tim thế hệ trẻ".

 

Ngay dưới câu văn này, tác giả viết tiếp một đoạn khác :" Phải, chỉ có cụ Mết, chỉ có cây Xà Nu cổ thụ ấy mới có toàn quyền để phát ngôn cho sức mạnh của Xà Nu : (trích một đoạn văn của N.T.T.). Và khi người Xô Man đã cầm lấy vũ khí nhất tề đứng lên khỏi nghĩa, thì cũng được Nguyễn Trung Thành mô tả như sự nổi giận của rừng già ..." Đoạn văn trên phải bỏ đi những từ ngữ thừa như  : 2 chữ "có", các chữ "đã", "lấy", "thì cũng" mới thành câu văn trong sáng và đúng về tu từ học.

 

Vì những câu phạm lỗi diễn đạt và tu từ của bài văn mẫu kia khá nhiều, cuối cùng, chúng tôi chỉ xin lấy thêm một đoạn văn khác ở trang 544  để chứng minh :

 

" Để biến hình tượng Xà Nu thành một biểu tượng nghệ thuật trọn vẹn. Nguyễn Trung Thành còn sử dụng một kết cấu rất hợp lý, đó là kết cấu vòng tròn mang tính luân hồi. Câu chuyện mở ra bằng hình ảnh rừng Xà Nu được đặc tả khá kỹ lưỡng và sắc nét. Cuối cùng Nguyễn Trung Thành lại cũng dùng hình ảnh rừng Xà Nu  để khép lại câu chuyện. Đây là lối kết cấu vừa đóng vừa mở, nó khép lại câu chuyện này để mở ra câu chuyện khác. Khiến cho người đọc có cảm tưởng rằng đây chỉ là một chương trong lịch sử ngàn đời của người Xô Man, chỉ là một chương trong bản anh hùng ca vô tận của Tây Nguyên " . Đoạn văn trên mắc nhiều lỗi sơ dẳng. Lỗi thứ nhất là việc dùng từ không chính xác  :" Kết cấu vòng tròn mang tính luân hồi ". Luân hồi ( métempsychose ) là thuyết nhà Phật chỉ kiếp người : sống chết là hoán chuyển từ kiếp này sang kiếp khác, xoay tròn như bánh xe không dứt, sao lại dùng cho kết cấu tác phẩm văn học theo nghệ thuật thủ vĩ tương ứng này ?

 

Cứ cho rằng tác giả bài văn mẫu kia dùng khái niệm "tính luân hồi" là đúng đi, thì ngay câu dưới lại gọi là "Kết cấu vừa đóng vừa mở ". Kết cấu "đóng..mở" thì không thể gọi là "luân hồi" được. Câu văn đầu và câu văn cuối của đoạn văn trên là các câu văn cụt, phải bỏ dấu chấm thay bằng dấu phảy.

 

Câu văn thứ hai và thứ ba phải bỏ đi nhiều chữ thừa để ghép thành một câu duy nhất. Câu văn thứ tư dài dòng, thiếu một dấu chấm câu. Chúng tôi xin sửa lại đoạn văn trên cho đúng với phép tu từ tiếng Việt :" Để biến hình tượng Xà Nu thành một biểu tượng nghệ thuật trọn vẹn, Nguyễn Trung Thành còn sử dụng một kết cấu rất hợp lý  : kết cấu vòng tròn. Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh rừng Xà Nu và khép lại cũng rừng Xà Nu. Đây là lối kết cấu vừa đóng vừa mở . Nó khép lại câu chuyện này để mở ra một câu chuyện khác, khiến người đọc có cảm tưởng đây chỉ là một chương trong lịch sử ngàn đời của người Xô Man, một chương trong bản anh hùng ca vô tận Tây Nguyên".

 

Với tất cả những lỗi rất cơ bản về nghệ thuật hành văn, nghệ thuật tu từ như trên, bài văn mẫu phân tích truyện " Rừng Xà Nu " của các tác giả vừa dẫn, quả tình đã biến thành tấm gương xấu về việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt. Thực cực lòng cho chúng tôi và bạn đọc phải đi chứng kiến, nêu ra, sửa chữa những sai phạm  sơ đẳng của học sinh chính ra chỉ được phép sai phạm ở trung học cơ sở, lại do các vị giáo sư và tiến sĩ nổi tiếng viết ra. Với những bài "văn mẫu" như thế này, không biết người ta còn dẫn con em chúng ta đến chốn mù mờ nào trong công cuộc dạy môn văn là môn học để làm người, môn học quan trọng nhất ?

 

(Một bài văn VĂN MẪU LÀM GƯƠNG XẤU

            cho HỌC SINH VỀ DIỄN ĐẠT, TU TỪ .)

 

Trần Mạnh Hảo
Số lần đọc: 7734
Ngày đăng: 21.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hội chứng “ VĂN MẪU " :SOS (!) - Trần Mạnh Hảo
Có thật :" VĂN CHƯƠNG LÀ VẬT VÔ TRI " ? - Trần Mạnh Hảo
Lang thang cùng - Võ Tấn Cường
Nhân chuyện NGUYỄN PHI THANH phản ứng BÀI GIẢNG " VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC"- NGHĨ VỀ VẤN NẠN CỦA MÔN VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY - Trần Mạnh Hảo
Sau đồi vọng cảnh. - Trần Kiêm Ðoàn
Một bài thơ - Dấu ấn của thời đổi mới. - Triệu Xuân
C. G. Jung và lý thuyết phân tích văn hóa. - C.G.Jung
Nghệ thuật múa cung đình Huế - Võ Quê
Một bài thơ cứu một đời thơ - Triệu Xuân
Bữa tiệc chay ở Huế - Tiểu Kiều
Cùng một tác giả