Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.144
123.226.967
 
Những đứa con rải rác trên đường – Hiện thực không ranh giới
Trần Thị Ty

 

 

 Văn học là hư cấu. Song không phải cái hư cấu đó đưa ta đến những thiên đường đẹp đẽ mà trái lại, chính cái được hư cấu ấy đưa ta trở lại với hiện thực. Cùng với hư cấu và những chất liệu quen thuộc là chất nghịch dị, bằng sự sáng tạo không ranh giới của mình, Hồ Anh Thái đã làm được điều đó trong hầu hết những sáng tác : Dấu về gió xóa, Trong sương hồng hiện ra, Đức Phật, nàng Savitri và tôi... và tác phẩm mới nhất: Những đứa con rải rác trên đường. Có thể nói Những đứa con rải rác trên đường của ông đã xóa nhòa những ranh giới về không gian, thời gian, ranh giới thể loại, cùng những lằn ranh khác để từ đó hiện thực đa chiều được soi chiếu.

 

             Trước hết, về không gian. Có thể phân định ranh giới giữa xứ người, xứ mình trong phần một: Thư đi không thư lại và câu chuyện hai cha con ông Kễnh, giữa cuộc đời cha và cuộc đời con.  Cuộc đời con với hành trình du học và những hiện thực liên quan đến nó của “người xứ mình” khi ở xứ người.  Bên cạnh đó là câu chuyện về cuộc đời của những người di cư, vượt biên,… Và song song đó là cuộc đời cha với hành trình dọc miền đất nước của ông Kễnh. Thời chiến, thời hậu chiến, non cao, biển rộng, đường dài hay lòng người đều được tác giả khái quát một cách đầy đủ…cùng với những chiến tích và tặng phẩm trong cuộc đời ông ta. Những bức tranh về quê hương, con người Việt cũng đã được tác giả tô vẽ bằng  truyền thống, anh hùng, cả những lầm than, nhếch nhác, … với đầy đủ những sắc thái.  Nhưng hiện thực được nói đến thì lại xóa nhòa cái ranh giới đã từng có đó. Rằng nơi nào cũng có những kiếp người lầm than, cũng có những số phận trớ trêu cay đắng, cũng có những góc khuất bị vùi lấp sau những lớp vỏ tưởng như hào nhoáng. Nơi nào đó con người cũng phải lo lắng toan tính, cũng quanh quẩn những cơm, áo, gạo, tiền… Kẻ có tiền thì lại cố gắng bằng cách này hay cách khác để có được những thứ xa hoa, phù phiếm, mua bằng cấp, mua quan mua chức, mua chân dài,… Kẻ có được tất cả rồi thì lại nuối tiếc quá khứ,…  

 

Về thời gian, có thể nói đến những hiện thực  thời chiến  với chuyện tình cảm, chuyện lương thực thực phẩm, chuyện  những nhu cầu về  tâm sinh lý của quân lính, …  Bằng câu chuyện cuộc đời chinh chiến của ông Kễnh, tác giả đã gắn kết số phận con người từ quá khứ đến hiện tại, từ đó đề cập đến vấn đề chính  là nhân cách con người. Có những thứ thuộc về thời chiến nhưng không mấy ai dám nhắc đến, đó là những nỗi đau, những nỗi mất mát, những hệ lụy thuộc về chiến tranh. Nếu như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nói đến cái  hệ lụy chiến tranh về thần kinh con người, với những ám ảnh vô thức, những nỗi đau đớn không thể chữa trị nổi bằng y học hiện đại, mà chỉ bằng cách ngược về quá khứ. Và nếu Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú nói về cái bản năng chếtbản năng sống của con người khi chiến tranh xuất hiện, tồn tại và kết thúc thì hai quá trình ấy tiếp tục đấu tranh trong con người thời hiện tại. Còn với Những đứa con rải rác trên đường, Hồ Anh Thái lại khai thác ở một khía cạnh khác, đó là hành trình chính chiến yêu đương của anh lính lái trong thời chiến. Quá trình này được thể hiện rõ trong phần hành trình xuyên Việt của ông Kễnh. Đó không phải nỗi đau, nỗi mất mát, đó cũng không hẳn đơn thuần chỉ là tình yêu, mà chính nó đã cho chúng ta thấy được cái phần đã bị khuất lấp đằng sau những ánh hào quang. Đằng sau cuộc đời đầy xáo trộn của nhân vật chính – ông Kễnh, là  sự xáo trộn, vô trật tự của cả một đất nước. Đằng sau hành trình tìm lại những đứa con rải rác của ông Kễnh là hành trình tìm lại những mất mát, những trật tự, những giá trị thật “đã từng có” của cả một dân tộc.

 

Và những lằn ranh khácSự  lựa chọn đặt ra cho con người ngày nay là thế này: tiếp cận mối lo sợ hay xa lánh nó, vĩnh viễn hoá nó hay khắc phục nó, chỉ coi nó là một xúc cảm như mọi xúc cảm khác, trong hàng loạt xúc cảm vô cùng đa dạng tạo nên đời sống bên trong, hay thừa nhận cho nó là cái cơ bản quyết định của thân phận con người…  Ranh giới bi – hài kịch trong cốt truyện. Điều đặc biệt tạo nên hiện thực trong Những đứa con rải rác trên đường cũng như những tác phẩm khác của Hồ Anh Thái không gì khác là chất nghịch dị. Chính trong những tình huống đậm chất nghịch dị ấy hẳn nhiên người đọc đã thấy nó vừa có hài, vừa có bi trong tình huống truyện. Ẩn sau cái hài ấy chính là bi kịch cá nhân hòa với bi kịch xã hội.Cái hài ấy hòa quyện vào cái bi làm cho người đọc như thấm thía hơn cõi đời. Đó là tiếng cười sâu cay. Từ bi kịch của một cá nhân, tác giả hướng người đọc đến bi kịch của một thế hệ, một thời đại. Từ một tình huống trong một số phận con người hướng đến một hiện tượng của xã hội. Giống như chuyện “hôn nhân cũng phải được quy hoạch”, thì cớ gì những vấn đề thuộc về hình thái ý thức chính trị, xã hội lại không thể nằm trong diện “quy hoạch”, mà lại là quy hoạch  một cách công khai như chúng ta đã thấy. Nói cho cùng giữa các lĩnh vực hình thái ý thức triết học, chính trị với đạo đức, và giữa tất cả chúng với văn học nghệ thuật bao giờ cũng có sự gắn bó và chuyển hoá lẫn nhau. Có thể nói, bên cạnh cái nhìn sâu sắc về quá khứ là cái nhìn vô cùng sắc sảo về hiện tại. Tác phẩm đã đưa người đọc đứng trên bậc cao nhất của những bậc thang để có cái nhìn khái quát nhất đối với hiện thực.

 

Về ngôn từ nghệ thuật. Nếu như ngôn ngữ trong Dấu về gió xóa đậm tính triết lý, trong Người đàn bà trên đảo đậm chất lịch sử, trong Đức phật, nàng Savitri và tôi đậm tính Phật học,… thì ở trong Nhứng đứa con rải rác trên đường lại trần ngập ngôn ngữ đời thường  (bao gồm cả ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ vùng miền, ngôn ngữ theo từng thời kỳ lịch sử của dân tộc,…) như trong phần lớn những truyện ngắn của ông. Phải chăng Hồ Anh Thái đang thực hiện một cuộc đối thoại với độc giả khi sử dụng ngôn ngữ đời thường để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật? Kiểu như: “Âm nhạc là một nồi lẩu thập cẩm. Nhạc sĩ là…, ca sĩ là…” Qua đó, có thể khẳng định rằng cái hiện thực mà người đọc đã hình dung ra ấy không thể nào viết nên bởi những hình thức trực giác cá nhân. Mà đó chính là khả năng đào sâu vào bản chất hiện thực dù hiện thực có khi chỉ là một mẩu vụn: “luận văn, luận án là những công trình cắt dán đầy nghệ thuật... bằng tiến sĩ có giá ba mươi lăm triệu.  Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Cái gối con đè nát cái đầu con”

 

Hiện thực đời sống trong truyện còn đồng thời vạch rõ được mối liên hệ giữa những kinh nghiệm cá nhân với cuộc sống xã hội đó. Điều này làm nên ý nghĩa đích thực cho tác phẩm, hướng người đọc đến những chuẩn giá trị về văn hóa - nghệ thuật, giáo dục, lịch sử…  cùng với đó là những vấn đề thuộc về hiện tượng xã hội. Và sự lựa chọn duy nhất là “phải viết về con người”. Con người với “tất cả những mặt tính cách đa dạng phải phơi bày trong đời sống thực” mà đã nhiều thập kỉ qua “tạm thời giấu mình trên trang sách”. Nhưng cuối cùng, không một ranh giới nào hiển hiện, chỉ có hiện thực là rõ ràng nét một cách sắc nét. Có thể nói nội hàm và ngoại diên câu chuyện trong Những đứa con rải rác trên đường đã tạo nên một bộ phim cuốn hút… sẽ là một tiền đề không thể bỏ qua để chuyển thể thành kịch bản  điện ảnh.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1.      M.B. Khravchenko (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.

2.      Lotman, IU. (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

3.      Hồ Anh Thái (2014), Những đứa con rải rác trên đường, Nxb Trẻ, Tp HCM.

Trần Thị Ty
Số lần đọc: 2365
Ngày đăng: 28.04.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Thánh Ngã, người đắm chìm trong thơ Haiku của riêng mình. - Trần Hòang Vy
NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH "Hành hương về phía nhớ" - Lê Ngọc Trác
Hình tượng Hoa Mai trong thơ ca - Lê Thành Văn
Thơ chữ Hán Nguyễn Du: Cảm hứng từ một dòng sông - Yến Nhi
Vết bùn trong kẽ móng chân Mẹ tôi - Lê Thành Văn
Tình sử Ao Thu & Chim Bói Cá - Nguyễn Khôi
Cảm nhận về một bài thơ lạ: "Noel không có Chúa" - La Thụy
Một bài thơ kỳ vĩ bất khả tư nghì - Tâm Nhiên
Đọc truyện ngắn,,Hiếp" của Đặng Thân - Nguyễn Hồng Nhung
Cảm mấy câu thơ của Trần Tư Ngoan - Nguyễn Khôi