Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.140
123.227.399
 
Đám tang chú Đức
Chơn An Mãn

 

 

Năm nay tôi 24 tuổi. Độ tuổi không còn trẻ để cứ mãi hoài nhìn phía trước, đủ để ngậm ngùi khi nhìn lại chặng đường đã đi được. Độ tuổi mà khi chứng kiến sự ra đi của lần lượt từng người, từng người thân trong gia đình lại càng thấm hơn dòng chảy vô tình của thời gian.Việc viết, hay ghi lại quãng đời của một ai đó khi họ qua đời, đây không phải là lần đầu tiên tôi có ý định, những lần ra đi của chú Thành bán tạp hóa đối diện nhà năm tôi 16 tuổi, cái chết đột ngột của Anh Chiến năm 15 tuổi, ba tháng sau đó là sự ra đi đột ngột của ông nội, tôi đều muốn viết. Nhưng ở cái độ tuổi ấy, tôi chua đủ trưởng thành để có những sự trải nghiệm xứng đáng. Lúc ấy, sự ra đi của người thân, đối với một con bé 15 16 tuổi, chỉ là những cơn đau day dứt liên hồi, chỉ là những dòng nước mắt nhạt nhòa không tên không tuổi.

 

Khi tôi 24 tuổi, nghĩ về cái chết, không chỉ có nỗi đau, mà còn là cảm nhận của một kiếp người. 24 tuổi mới đủ thấm hết được, vì sao cát bụi lại trở về với cát bụi, vì sao lại cần phải viết lại những kí ức cuối cùng về người đã khuất, cùng với những nhịp đập của dòng cảm xúc.

Để viết về chú, chắc chắn cảm xúc của tôi không có nhiều. Tôi chỉ muốn viết về những gì tôi thấy, và những gì tôi chạm tới.

 

Chú bị gan đã được gần 5 năm. Cái ngày đau đầu tiên và lần đi khám đầu tiên, cả gia đình thở phào khi cầm kết quả xét nghiệm. Chỉ là xơ gan, hay đại loại là một ngôn từ gì đó không dính tới ung thư. Vùng quê này là vậy, hai chữ ung thư, như bản án tử hình sắp đặt sẵn mà không ai muốn đọc đến. Như cái ngày mẹ tôi phát hiện ra có một khối u nhỏ , cả đêm mẹ mất ngủ, đôi lần tôi bắt gặp ánh mắt sợ hãi trong mắt mẹ khi nín thở chờ kết quả xét nghiệm. Miệng thì cười nói , nhưng tận sâu trong tâm là nỗi sợ hãi mơ hồ, mà nghĩ đến cũng run bần bật.

Tôi nhớ năm tôi 15 tuổi, người nổi đầy những vết li ti, mọi người nghi tôi bị gan, đòi đi xét nghiệm. Đêm trước ngày xét nghiệm, tôi không ngủ được, nằm thao thức nghĩ đủ thứ trên đời về kết quả ngày mai, rồi tưởng tượng ra đám tang mình, rồi cảnh mẹ khóc vật vã bên quan tài, tự nhiên khóc thút thít rồi chạy vào ôm mẹ ngủ. Cũng may, nó chỉ là một căn bệnh dị ứng thông thường.

 

Thế mới biết, cái sự sợ hãi của bệnh tật, nó không nói trước được điều gì. Khi còn khỏe mạnh, cứ nghĩ cái chết nhẹ nhàng lắm, chết là hết, là qua bên kia. Nhưng khi thực sự đối mặt với nó, với những cơn đau quặn thặt, với mùi sát trùng thuốc bệnh viện, với dao mổ, với máu...mới thực sự cảm thấy kinh hoàng và sợ hãi tột bậc....

 

Quay trở lại với chú tôi, chú tôi năm nay tầm hơn 50 tuổi, không béo, có thể nói là hơi gầy. Nói nhiều, hay cằn nhằn và sai bảo mấy đứa cháu trong dòng họ. Mỗi lần về quê, mấy đứa cháu, ( bao gồm cả tôi) thấy chú là lủi sạch. Nếu không thì sẽ bị sai làm cái này làm cái kia, và nếu làm không được thì xác định công suất đài sẽ vặn hết cỡ để phê bình.Chú nấu ăn cũng khá ngon, thường là chủ xị mỗi lần nhà có cỗ. 

Chú uống rượu nhiều, không nghiện, không say, nhưng uống như uống trà, uống nước lã. Ăn cơm uống đôi chét, đi ra đi vào uống đôi chén, rồi hút thuốc, thuốc lá thuốc lào, có tất.

 

Ngày cầm kết quả xét nghiệm cách đây 5 năm, mọi người khuyên nhủ chú kịch liệt, bớt rượu, bớt thuốc đi. Vài tháng đầu uống thuốc, chú kiêng, cũng giữ lắm. Bệnh tật mà, khi người ta co bệnh, người ta tất sẽ phải lo lắng.

 

Nhưng cái trò đời, là cái trò trờn ren, theo ngôn ngữ của quê tôi là vậy. Trờn ren, giống như khi bạn làm cái việc gì đó quá nhiều lần, thì hẳn là bạn sẽ cảm thấy tương đối nhàm chán. CỤ thể hơn, giống như trước một con chó dữ, bạn lượn qua mặt nó lần thứ nhất nó không cắn, thì dĩ nhiên lần thứ hai thứ ba đi qua, bạn cũng giảm dần nỗi sợ hãi.Và thực tế là, khi chú tôi uống thuốc được tương đối thời gian, khi những cơn đau giảm dần thì chú lại bắt đầu theo những cuộc vui uống rượu trở lại. Sau đó vài ba năm, người ta quên luôn việc chú đã từng bị gan, và bản thân chú cũng quên luôn việc đó.

 

Con chó dữ, nếu bạn đi qua đi lại nhiều trước mặt nó, thì hẳn một thời gian nó sẽ quen bạn mà vẫy đuôi khi bạn lại. Hẳn là thế, bệnh tật nó cũng thế. Nó không hầm hè khi thấy chú tôi trêu đùa với nó nữa. Sau năm năm, khi chú tôi cho rượu vào người, nó bắt đầu chạy đến, vẫy cái đuôi gớm ghiếc và liếm cái lưỡi dài lên cơ thể chú tôi một cách vui mừng và hào hứng...

 

Hai năm đi làm, tôi ít gặp chú.Vì thế kí ức trong tôi chỉ có vậy.Khi những cơn đau bắt đầu trở lại, chú tôi cùng với mọi người lại rồng rắn ra Bạch Mai khám. Và khi cầm tờ X quang, với hình ảnh cái gan lỗ chỗ như một tổ ong, thì cái sự ghê rợn của bệnh tật mới bắt đầu ám ảnh. Những cơn đau nhiều và nhanh, dồn dập, không để cho chú tôi kịp làm gì. Lần thứ 2 ra Hà Nội, nó không chỉ là ung thư, cái từ bệnh viện trả về, đập thẳng vào những khuôn mặt ngơ ngác của những người trong dòng họ. Bàng hoàng và đau xót, tất cả đều giấu chú.

Tết tôi về chú gầy hơn, nhưng vẫn còn nói đùa và đi lại tốt.Chú đã dừng uống rượu, không hẳn là vì sợ, mà là vì bệnh nó không cho chú kịp sợ nữa. Hễ uống và là đau không ngủ nổi.

 

Thần chết đi sau cái bóng của chú tôi, nặng nhọc và chậm chạp nở nụ cười viên mãn.Nhiều lần tôi bắt gặp bố tôi ngồi trầm ngâm ngoài phòng khách. Đi làm rồi, nhiều lần mẹ gọi ra bảo gọi cho bố.Những cơn đau tim của bố tôi dày hơn, khi nghĩ về chú. Bố làm tôi mường tượng ra thằng em trai yêu quý và tình cảm của tôi, cái thằng mà ngày nó còn đỏ hỏn trên tay, tôi bế không nổi ngã đập đầu vào tường khóc ré lên. Tự nhiên quẹt nước mắt. Có ai tưởng tượng ra cảm giác đau xót khi đứa em trai từng sẻ với mình nửa củ khoai, lại ra đi trước mình, lại đổ ập xuống trong một cơn bất hạnh khôn lường.

 

Tôi đi làm xa nhà, chỉ nghe ngóng tình hình qua mẹ. Mỗi lần mẹ gọi ra, chú lại yếu hơn.Lần thứ nhất còn đi được, lần thứ hai còn thi thoảng đau, lần cuối cùng mẹ gọi tôi cách đây mấy ngày, thì chú đã không thể ăn được nữa....

Nghỉ lễ, tôi trở về quê với suy nghĩ gặp chú lần cuối.Cũng tưởng tượng ra cảnh chú nằm trên giường bệnh, hơi thở yếu ớt và nặng nhọc như trong phim người ta vẫn hay chiếu khi có người sắp lâm chung. Rằng chú sẽ từ từ nhắm mắt trong tiếng nhạc buồn nhẹ nhàng, xung quanh là mấy đứa con trai chú nắm chặt tay, bình yên và nhẹ nhàng..

 

Nhưng cuộc đời nó không giống phim. Khi tôi trở về gặp chú, nước mắt tôi trào ra ầng ậc đầy đau khổ và bất lực. cái hình ảnh tôi thấy nó khủng khiếp hơn gấp trăm gấp ngàn lần cái hình ảnh tôi tưởng tượng.Chú gầy, gầy đến độ tôi cứ nghĩ nằm trên giường là một bộ xương chứ không phải chú tôi.Và lần đầu tiên tôi biết, thế nào là vàng da vì bệnh gan. Bấy lâu thi thoảng vẫn nghe người ta nói, sao da mày dạo này vàng thế, coi uống thuốc mát gan vào đi, thì bây giờ tôi mới biết, cái vàng da thật sự nó như thế nào. Khi gan đã không thể làm nhiệm vụ của mình, mọi chất độc nơi cơ thể bắt đầu phát ra ngoài, bất cứ đâu. Bao phủ khắp người chú tôi là một màu vàng tang thương, tay vàng, chân vàng, gương mặt vàng như nghệ, và sâu trong mắt, lòng trắng cũng vàng một cách khủng khiếp. Cái thân người nằm trên giường bệnh, thở những hơi thở nặng nhọc, bụng phình to, hai mắt dãn rộng và mở trừng trừng nhìn lên trần nhà. Thậm chí tôi còn chẳng thể nào nhận ra chú tôi cách đây ba bốn tháng, khi chú vẫn còn đ lại được và hay bảo tôi: trong nhà có cà đấy, con vào lấy mà ăn.

 

Tình trạng của chú tôi xấu từng ngày. Mọi người túc trực xung quanh chú từng giờ từng phút,đấm bóp chân tay và xoa những cục u di căn chèn lên dây thần kinh trên đầu của chú. Ai nói chết nhẹ nhàng, người đấy hẳn là chưa từng được chứng kiến người ta hấp hối. Chẳng có cái chết nào miễn cưỡng mà nhẹ nhàng cả. Cái chết nhẹ nhàng nhất là cái chết khi người ta già yếu, và trút cái hơi thở cuối cùng của đời người, cũng chẳng hề dễ dàng như chúng ta vẫn tưởng. Cái chết, là vô cùng đau đớn và đầy ám ảnh. 

 

Khi thấy chú tôi đau, tôi mở to mắt nhìn chú, tay không ngừng lăn tràng hạt và nghĩ: chú đang đi đầu thai, chú đang đi đầu thai. Chú sẽ được sinh ra, với một hình hài đẹp đẽ và khỏe mạnh hơn, sống một cuộc đời hạnh phúc và viên mãn hơn. Chỉ có nghĩ như thế, tôi mới không ngăn cho mình òa lên khóc nức nở.

 

Nhìn bác sĩ rút dịch trong bụng chú ra, cứ từng chai từng chai 1,5 lít, tôi vẫn cứ mở to mắt ra nhìn. Bởi vì thực sự tôi quá kinh hoàng khi lần đầu tiên chứng kiến một con người đã từng khỏe mạnh trong cơn hấp hối. 3h sáng ngày 3/5 chú tôi mê sảng không còn biết gì, nhưng vẫn nghe rõ những lời chú kêu lên đau đớn: chết mất! chết mất! trời ơi! chết mất!.

 

Lưỡi chú bắt đầu rụt lại trước giờ tôi đi vào Vinh để ra Hà Nội, người bắt đầu co rút và những cơn đau nhanh và dồn dập hơn.mấy đứa em con trai chú lần lượt nắm lấy tay chú và nói những lời cuối cùng trong nước mắt. Mắt tôi cũng nhạt nhòa nước. Thế mà tôi cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ khóc, vì mình đã biết cái gì là tốt nhất cho chú, thế mà mắt tôi vẫn ầng ậc nước mắt.

 

Bố tôi cứ bảo tôi cố đợi thêm một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng, cuối cùng tôi vẫn phải ra đi trong cảnh tang thương tột độ.tôi đi được 5 tiếng thì chú mất.

Vậy là kết thúc một cuộc đời.

 

Hà Nội ngày 14 tháng 5 năm 2015.

Chơn An Mãn
Số lần đọc: 1967
Ngày đăng: 16.05.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chữ - Trần Băng Khuê
Cây táo vàng - Nguyễn Hồng Nhung
Có hậu - Phan Trang Hy
Con ngựa trắng của một người nghèo khổ - Nguyễn Hồng Nhung
Bảy năm - Nguyễn Hồng Nhung
Viết nháp về cây cầu - Vũ Dy
Một ngày trời ấm - Mặc Phương Tử
Chàng chăn cừu của Vua Machas - Nguyễn Hồng Nhung
Bản kế hoạch mùa đông - Nguyễn Hồng Nhung
Đóa hồng vàng cho khảo mai - Bùi Thanh Xuân
Cùng một tác giả
Đám tang chú Đức (truyện ngắn)