Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.153
123.225.171
 
Nhà báo Trân Châu như tôi được biết...
Phùng Thành Chủng

 

 

7 giờ sáng ngày 28 tháng 7 năm 1967, nhà báo Trần Châu bị bắt với tội danh là có tư tưởng xét lại chống Đảng! Bằng chứng là trước đó, người ta đã “thuổng” được một tài liệu gì đó tại nhà anh, có liên quan đến Khơ-rút-sốp, đến Liên Xô, đến 5 điểm chung sống hoà bình, trong thời điểm: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, có thể “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”…

 

Năm 1973, sau khi hiệp định Pari được ký kết, anh được ra tù. Ra tù, nhưng vẫn chưa được tự do mà được (bị) đưa về xưởng nông cụ huyện Quốc Oai lao động ở phân xưởng mộc (mặc dù không biết gì về nghề mộc). Với thời hạn quản thúc là 3 năm. Ra ngoài, nếu thuộc xã khác phải báo cáo với xưởng, huyện khác, tỉnh khác phải báo cáo Công an huyện và (sau tháng 4/ 1975) vào Nam phải làm đơn xin phép ông Lê Đức Thọ, nhưng cũng phải mãi đến năm 1979 anh mới được đi.

 

Hẳn anh không ngờ đó cũng là sự sắp xếp của định mệnh khi sau này anh đã quyết định chọn Quốc Oai là nơi dừng chân cuối cùng của mình để  gắn bó cả quãng đời còn lại với mảnh đất Quốc Oai và rồi cũng do cơ duyên mà tôi được biết anh và quen thân với anh. Anh đã coi tôi như một đứa em, một người bạn vong niên mà anh có thể tin tưởng để anh sẻ chia tâm sự. Qua đó được biết, anh tuổi Mậu Thìn (1928, dưới bố tôi có 6 tuổi và trên tôi 22 tuổi). Trước năm 1943, anh theo học ở Hải Phòng; sau vì Mỹ đánh bom Nhật nên chuyển về Hà Nội. Từ năm 1943 đến năm 1945, học trường Bưởi, tức trường Trung học bảo hộ (Ly céc du protectorat) bây giờ là trường Chu Văn An, nhưng được mấy tháng, trường lại bị đánh bom, thầy trò phải sơ tán về một trường dòng ở Phú Nhạc, Ninh Bình. Đến tháng 3/ 1945, thì Nhật đảo chính, trường phải đóng cửa. Cuối năm 1945, học tiếp chuyên khoa đệ nhất. Đến tháng 11/ 1946 trường lại thông báo tạm nghỉ. Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra (19/12/1946) nghỉ học, cùng ông nội, bố, dì và em về quê (Gia Lộc, Hải Dương).

Nhờ có cái bằng thành chung, tháng 1 năm 1947 được lấy làm giao thông viên (thuộc Uỷ ban hành chính kháng chiến huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Sau đó, chuyển sang Phòng Thông tin huyện làm công tác tuyên truyền, giải thích 3 giai đoạn của cuộc kháng chiến. Đến năm 1948, được Ty thông tin tỉnh Hải Dương lấy lên làm ở Ban biên tập với nhiệm vụ là: Dịch các bản tin tiếng Pháp, viết diễn văn cho các vị lãnh đạo và sáng tác ca dao, hò vè phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ chính trị trong những ngày lễ và kỷ niệm lớn.

Sau đó làm tờ “Bản tin Hải Dương” với nhiệm vụ biên tập và tổng hợp các tin chiến thắng từ các mặt trận do Sở thông tin của khu đưa về (Cũng từ tháng 4 năm đó, anh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cuối năm 1949, có những thời gian bị địch càn, phải chạy quanh huyện; rồi lúc Hưng Yên, lúc Thái Bình. Đến tháng 3 năm 1950, cùng với một số cơ quan khác của tỉnh phải chạy đi Đèo Voi, Đông Triều, Quảng Ninh. Tháng 3 năm 1950, từ Quảng Ninh được lấy lên Nha Thông tin (ở căn cứ An toàn khu Việt Bắc) làm biên tập và viết tường thuật những chiến thắng và những gương chiến đấu của bộ đội và dân công ngoài mặt trận. Cuối năm 1951, được lấy lên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam vẫn với nhiệm vụ biên tập và viết bản tin phản ánh tình hình chiến sự trong nước kiêm phát thanh viên. Đến giữa năm 1953, về Việt Nam thông tấn xã (mà tiền thân của nó là Nha thông tin) cho đến hết năm 1960. Từ năm 1961, là phóng viên của Báo Nhân dân (cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam) cho đến ngày bị bắt (28/7/1967) tại 46 Hàng Chuối – Nhà tập thể thông tấn xã Việt Nam.

Tính từ khi bị bắt cho đến khi được thả, đã từng qua các trại giam:

1. Hoả Lò (từ ngày 28/7/1967 đến ngày 26/10 cùng năm)

2. Nam Du, Bất Bạt (đến tháng 4/ 1970)

3. Ba Sao, Hà Nam (đến tháng 2/ 1972)

4. Thái nguyên (từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1972)

Hôm trại bị bỏ bom, may mà đã sơ tán cách đó khoảng bảy, tám km.

5. Trở lại Ba Sao (từ tháng 12 cho đến khi được thả: cuối tháng Giêng năm 1973, cùng với Hồng Sỹ, cũng với tội danh có tư tưởng xét lại chống Đảng như anh).

Ở đây có một chuyện khá hài hước là cho đến khi anh được thả và được đưa về quản thúc ở xưởng Nông cụ huyện Quốc Oai, anh mới bị (hay được?) người ta tuyên bố khai trừ khỏi Đảng. Vậy là hơn 5 năm Đảng bắt đi tù, tuy mất quyền công dân, nhưng anh vẫn có “vinh dự được đứng trong (chung) hàng ngũ với những người đã ra lệnh bắt mình!”.

Em anh, Trần Đĩnh – tác giả “Bất Khuất” cũng bị (được) quy kết vào tội có tư tưởng xét lại chống Đảng, nhưng nhờ cao số, nên không phải ngồi tù mà chỉ phải đi cải tạo lao động một thời gian đã từ Hà Nội lên thăm anh vào dịp giáp tết, cái tết đầu tiên kể từ sau khi anh được ra tù ở xưởng nông cụ huyện Quốc Oai – nơi anh bị quản thúc.

Rồi trong khi “ngẫu lục” về sự “tang thương” đâu chỉ là chuyện hơn 5 năm riêng anh phải chịu ngồi tù mà còn là cảnh gia đình anh phải “tan đàn, xẻ nghé”.

Theo đó, anh xây dựng gia đình với người vợ đầu (chị Vân) vào tháng Giêng năm 1953. Có với nhau 3 mặt con, gồm 2 gái và 1 trai út là: Thuỷ (1955), Hà (1956) và Trung (1959).

Khi anh bị bắt, trong 3 cháu chỉ có cháu Thuỷ và cháu Trung ở nhà (từ Lập Thạch, Vĩnh Phú nơi sơ tán về từ hôm trước, còn cháu Hà ở lại). Ngoài ông trưởng nhà khu tập thể của Thông tấn xã Việt Nam được yêu cầu đi theo làm chứng, trong số 3 người đến đọc lệnh bắt có Lê Thành Tài – Cục Phó cục chấp pháp.

Có một chi tiết phần nào nói lên tính cách con người nhà báo Trần Châu cũng nên nhắc lại ở đây là anh đã yêu cầu những người thi hành lệnh bắt được nán lại vài phút để viết cho cháu Hà mấy chữ đang ở nơi sơ tán và trước khi chào vợ con để ra xe, vì là tổ trưởng công đoàn cơ quan, anh vẫn không quên nhắc chị Vân là anh còn thiếu 5 hào tiền của Công đoàn.

Rồi, thật đau lòng khi hai năm sau, năm 1969, anh đang ở trại Nam Du (Bất Bạt), chị Vân đã mang tờ quyết định ly hôn của Toà án lên tận trại để anh ký vào.

Vậy mà mỗi khi nhắc lại chuyện này, anh không hề có ý gì tỏ ra phiền trách chị Vân mà ngược lại, tôi cảm thấy như trong những điều tâm sự chính anh mới là người có lỗi. Theo đó, khi anh bị bắt, chị Vân cũng là Đảng viên và đang là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Ba đứa con anh, cháu Thuỷ mới 12 tuổi, cháu Hà 11, còn cháu Trung mới lên 8. Vậy mà từ năm 1965, các cháu đã phải đi sơ tán, sống xa bố mẹ, thời gian đầu là Văn Điển, thời gian sau là Lập Thạch, Vĩnh Phú. Nên, để tránh bị sa thải, để được yên ổn làm ăn và nuôi dạy con cái, không bị người ta làm khó dễ trong khi có một người chồng, người cha phải ngồi tù vì tội xét lại chống Đảng thì việc làm của chị Vân là có thể chấp nhận được.

Phải chăng, vì vậy mà sau khi đã ra tù, việc bố con anh gặp nhau vẫn phải lén lút!

Đó là cái tết Giáp Dần (1974), sau hơn 5 năm bị ngồi tù và hơn 1 năm sau khi đã được ra tù, thông qua dì Hà (em gái chị Vân) anh mới gặp được cháu Thuỷ và cháu Hà nhưng không phải tại ngôi nhà mà anh và các con anh đã từng chung sống trước khi bị bắt mà ở nhà người em trai của mình – Trần Đĩnh! Còn với cháu Trung lại phải chờ một dịp khác và cũng vẫn phải thông qua người chị con bà già là Lê Đào bằng cách bố trí để đưa cháu đến trước ngôi nhà số 86 Hàng đào (nhà chị Lê Đào) cho anh từ bên kia đường nhìn mặt! (Lúc này chị Vân đã tục hôn với ông Lê Hà - chánh văn phòng Thành uỷ, sau là giám đốc Sở Ngoại Thương - Đã có vợ và một người con trai, nhưng vợ mất).

Rồi cũng do cơ duyên, tháng 4 năm 1976, anh tục huyền với chị Canh là cấp dưỡng của xưởng nông cụ huyện Quốc Oai, nơi anh bị quản thúc, có với nhau hai cháu trai là cháu Quỳnh và cháu Tường.

Đến chuyện giải quyết lương hưu cho anh lại là một chuyện khôi hài! Theo quy đổi, trước khi bị bắt, anh đã có thời gian 25 năm công tác, nhưng người ta chỉ tính cho anh 12 năm ở Xí nghiệp nông cụ huyện Quốc Oai (sau này, nâng lên thành Xí nghiệp) nên chỉ được hưởng trợ cấp theo chế độ nghỉ mất sức là 3.000đ/ tháng (3 nghìn đồng/ tháng). Về sau, không hiểu sao, do có sự can thiệp của Ban tổ chức Trung ương với Ban tổ chức tỉnh, mới được tính đủ. Nhân chuyện này, tôi đã cười chua chát mà bảo anh:

- Như vậy, ai bảo là không ưu việt! Nhưng nếu không tính thời gian ở tù thì còn hơi cao! Còn tính cả thời gian ở tù thì lại quá thấp!

Năm 1985, sau khi rời xưởng nông cụ, chị Canh mở một hiệu tạp hoá ngay trước cửa nhà bán cho bà con lối xóm để phụ thêm vào đồng lương ít ỏi của cả hai vợ chồng nuôi cho các cháu ăn học. Còn anh Trần Châu với phương tiện là chiếc xe đạp, ngày ngày phải đạp xe ra Hà Nội (cách nhà hơn hai chục cây số) cất lại của người ta những mặt hàng thuộc nhu yếu phẩm như: Dầu hoả, Nước mắm, Xà phòng, Kem đánh răng, kẹo bánh… về cho chị Canh ngồi bán.

Sau này, anh có nhận thêm công việc dịch thuật, dịch cho Nhà xuất bản Phụ nữ mấy cuốn, trong đó có cuốn “Truyện cổ tích của người da đỏ” (2 tập).

Biết tôi là một thành viên của Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ Xứ Đoài do hoạ sĩ Phan Kế An làm Chủ nhiệm, thỉnh thoảng lại được nghe anh nhắc lại một kỉ niệm cũ với giọng bùi ngùi như giọng của người chịu ơn mà chưa trả được:

- Hồi mình còn ở trong tù, biết mình nghiện thuốc lá, Phan Kế An có gửi cho mình một “tút” thuốc Tam Đảo…

Tôi vẫn định khi nào có dịp gặp hoạ sĩ Phan Kế An sẽ nói lại chuyện này. Thì, trong một lần gặp mặt Văn nghệ sĩ Xứ Đoài tại Phủ Đường Quốc Oai, sau khi hội nghị kết thúc, tôi còn chưa kịp nói gì, hoạ sĩ Phan Kế An đã chủ động tìm tôi:

- Chủng đưa mình đến thăm Trần Châu, chẳng đã nhiều tuổi với nhau cả rồi, sợ không còn dịp…

Rồi Kiến Giang – nhà lý luận cách mạng nòi và cũng là người tiên phong, kiên trì trong công cuộc đổi mới – cũng nhờ bạn bè tháp tùng đã từ Hà Nội về thăm anh. Còn nhớ, khi được hỏi thực hư về lý do mà anh Trần Châu phải ngồi tù(?), anh Kiến Giang cười rất hồn nhiên:

- Chính chị, chính em gì Trần Châu!

Chừng như nhận thấy mặt tôi nghệt ra, trước sự nhận xét của anh, anh không cười nữa mà tiếp, giọng nghiêm chỉnh:

- Vì Trần Châu nó tốt và thật thà quá!

Quả có như vậy! Trên dưới hai chục năm quen biết và sau này có dịp tiếp xúc, gần gũi với anh (gần như hàng ngày) tôi thấy anh đúng là người tốt và thật thà quá, nhưng nhẹ dạ, cả tin và có phần hơi cực đoan nữa, nên trong quan hệ, có những trường hợp anh đã gửi gắm niềm tin không đúng chỗ! Về điểm này, lúc sinh thời, chị Canh – vợ anh không những đồng ý với tôi mà còn tái khẳng định bằng cách dẫn ra một đối tượng (cũng trùng với nhận xét của tôi) để minh chứng. Chủ quan, tôi nghĩ hẳn những nwgười thân của anh, nếu hiểu anh cũng sẽ nhận ra điều này.

Nhân dịp tưởng niệm 3 năm sau ngày anh về với thế giới người hiền, xin được dẫn ra đây bài thơ tôi viết tặng anh, coi như đốt một bình trầm trước vong linh anh thay cho lời kết:

Cây anh thương tích

Cho đời trầm hương

Hoá thân vào Dó

Về cõi vô thường…

 

Phùng Thành Chủng
Số lần đọc: 2196
Ngày đăng: 29.05.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Sài Gòn xưa - Huyền Chiêu
Hạnh phúc gia đình (Bài nói tại các lớp giáo viên PTTH ) - Tuấn Giang
Hội luận của Plato với giới tính con người - Võ Công Liêm
Elena Pucillo Truong và những tuỳ bút về văn hoá, con người Việt Nam - Lê Nhật Ký
Mắt biếc trong thơ Tuệ Sỹ - Tâm Thường Định
Biến điệu Lục Bát - Yến Nhi
Thanh lương trên đường về cố quận - Tâm Nhiên
Tinh thần dân chủ, một phẩm tính trong phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn - Cao Thị Hồng
MỘT PHÚT TỰ DO, tập truyện ngắn và tuỳ bút. Tác giả: Elena Pucillo Truong - Đào Hiếu
Tiếng cười của Tú Xương qua mảng thơ Xuân - Lê Thành Văn
Cùng một tác giả
Nhà thiện xạ! (truyện ngắn)
Bán Khoán. (truyện ngắn)
Bà Tôi (truyện ngắn)
Lan Man Chuyện (tạp văn)
Đi Tìm Vua Lê (truyện ngắn)
Người Khôn Ngoan (truyện ngắn)