Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.157
123.224.915
 
"Vài nết Đất xưa Kẻ Thầy/Sài Sơn" Những trang viết nặng lòng với quê hương của Phan Bá Ất
Phùng Thành Chủng

 

Quả có như “Lời thưa trước của người viết”, vì duyên và cả vì nghiệp, tôi đang có trên tay cuốn: “Vài nết đất xưa Kẻ Thầy/Sài Sơn” của tác giả Phan Bá Ất, do Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép, in xong và nộp lưu chiểu quý II, năm 2015.

Không chỉ giới hạn ở lĩnh vực văn chương: “Văn chương nết đất, thông minh tính trời” (Kiều – Nguyễn Du) như tiêu đề tác giả đã “duy danh” cho nó mà rộng hơn, cuốn sách (gồm 13 bài viết, không kể phần phụ lục) là những bài viết mang tính khảo cứu về văn hoá, lịch sử, địa – văn hoá và địa  - lịch sử, bao gồm cả giáo dục, ngôn ngữ, tôn giáo, lễ hội, kiến trúc, sản vật, phong tục tập quán … của đất và người Sài Sơn, cũng như có liên quan với Sài Sơn mà tục gọi là “Kẻ Thầy” – Quê hương tác giả.

 

Xuất thân khoa bảng, là nhà giáo ưu tú, nhưng không nệ vào bằng cấp mà chuộng sự thực học, thực tài – là tiêu chí không những được lấy làm thước đo chân giá trị người khác mà cũng là đòi hỏi của tác giả với chính mình bằng vào việc chịu học, chịu đọc, chịu đi sâu tìm hiểu những gì cần quan tâm, rồi nghiền ngẫm, gạn lọc, ghi chép, chỉ với mong muốn là có được nguồn tư liệu chân xác cho những trang viết.

Với: “Vài nết đất xưa Kẻ Thầy/ Sài Sơn”, người đọc có dịp hiểu sâu hơn cảnh quan nơi đây về mặt phong thuỷ, về kiến trúc “tiền phật, hậu thánh”, về tên gọi “Kẻ Thầy” cùng địa giới hành chính của “Kẻ Thầy”/ Sài Sơn xưa và nay.

 

Như một hướng dẫn viên du lịch, hơn nữa lại là người bản địa, tác giả đã cung cấp cho người đọc những thông tin còn ít người biết và từ trước tới nay hầu như chưa có tài liệu nào đề cập tới. Đó là cùng một xã, nhưng trong phát âm, trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, cũng như việc kiêng kị, tế lễ, hiếu, hỉ, giữa các thôn thuộc Kẻ Thầy/ Sài Sơn vẫn có những nét khu biệt. Rồi, với “Tản mạn: “Kẻ Thầy”/ Sài Sơn”, như một ẩn ức tuổi thơ, là hoài niệm về nghề ép và nấu mật mía thủ công của những lò mật mía “Kẻ Thầy” vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, không hiểu sao cứ khiến tôi liên tưởng đến một nhà văn Vũ Bằng với tập tuỳ bút: “Thương nhớ mười hai”. Là những thông tin bổ ích và lý thú về loài dơi ngựa Sài Sơn – một trong “Sơn Tây tứ quý” là món đặc sản được dành để tiến vua và đã được lưu vào sử sách (“Sài Sơn chi biển bức”).

Là dân “Kẻ Thầy” chính gốc, tác giả cũng không thể không tự hào về đá hoa vân núi Hoa Phát mà riêng Sài Sơn được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng. Đây là một loại đá quý, có vân đen , trắng, được dùng trong việc trang trí và chế tác đồ mỹ nghệ: “Hẳn không phải ngẫu nhiên mà vào những năm 1972 – 1973, người ta đã cho khai thác một số lượng lớn đá hoa vân ở đây cho công trình xây dựng lăng của chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nhân tìm hiểu những bản “lăn” những tấm bia đã bị (được) kê làm bậc cầu ao mà đến nay đã không còn nữa, tuy chỉ giới hạn ở phạm vi “Văn chỉ” và cũng giới hạn chỉ trong phạm vi một làng Đa Phúc, song lại là chuyện học thật, học giả, chính danh và hư danh, là những bức xúc về thi cử, về việc dạy và học, là sự nhức nhối xung quanh chuyện bằng giả, học hàm, học vị giả hiện nay mà báo chí đã lên tiếng: “Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sỹ trong khu vực, nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á”

“Nằm trong chăn mới biết chăn có rận”, thiết tưởng những vấn đề mà tác giả đặt ra cũng là điều dễ hiểu, bởi anh là một nhà giáo, nhưng là một nhà giáo có lương tâm nghề nghiệp, có lòng tự trọng, có trách nhiệm và tâm huyết với nghề.

Tác giả cũng giúp người đọc và các nhà nghiên cứu có một cái nhìn toàn cảnh, nhưng cũng rất chi tiết và cụ thể về lễ hội chùa Thầy của những thập niên 30, 40 của thế kỷ trước.

Ngoài việc miêu tả tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị cho đến cỗ bàn và những nghi thức trong tế lễ, rước sách, tác giả còn cung cấp cho người đọc những thông tin bổ ích và lý thú về: Góc đình chạ, đồ phe, chày cần, đẩu trầu, áo cỗ, tổng cờ, xã nhiêu, chấp kích, bát bửu, giá văn, long đình, bát cống, rồi: ruộng cỗ hội, ruộng phường rối, ruộng phướn, ruộng chiếu, ruộng mèo, ruộng lợn …

Tìm hiểu hành trạng vị thành hoàng quán Tam xã, là tướng công Đỗ Cảnh Thạc, tác giả băn khoăn vì những khác biệt giữa các bản thần phả mà mình sưu tầm được. Rồi giữa thần phả với các bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành, rồi giữa thần phả với chính sử: Về quê quán, tên tuổi, ngày sinh, ngày mất cũng như về thời điểm những sự kiện lịch sử có liên quan.

Nhằm đánh giá đúng vai trò và công lao của Đỗ Cảnh Thạc, tác giả đã dẫn ra những cứ liệu mà các tài liệu khác không đề cập tới, hoặc có đề cập tới thì cũng còn rất sơ sài, để đi đến nhận định:

1. Đỗ Cảnh Thạc đã phối hợp với Ngô Quyền làm nên chiến thắng lẫy lừng trong trận Bạch  Hạc tháng 6 năm Ất Mùi (935).

2. Là người giết Kiều Công Tiễn và thu ấn kiếm Tiết độ sứ

3. Chính Đỗ Cảnh Thạc đã hiến kế với Ngô Quyền là dùng cọc nhọn đóng ở lòng sông, rồi lấy cỏ khô chất vào 50 thuyền lớn, vảy thêm dầu mỡ vào, đặt ở phía thượng lưu cách bãi cọc chừng vài dặm, dùng hoả công, thuỷ chiến trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, và trong trận này, chính ông là người đã bắt sống đô đốc Hoàng Thao.

Tiếp đến, căn cứ vào việc cả một vùng rộng lớn gồm xứ Đông và xứ Đoài không có nơi nào thờ Đinh Bộ Lĩnh nhưng rất nhiều nơi thờ Đỗ Cảnh Thạc, tác giả đặt câu hỏi: “Phải chăng trong khi đề cao vai trò dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất đất nước của Đinh Tiên Hoàng, các sử gia đã không khách quan mà cố tình “Ém” đi những sự thật lịch sử về Đỗ Cảnh Thạc?” Thiết tưởng đó cũng là một đề tài bổ ích và lý thú với những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá dân gian cùng những ai quan tâm?

 

Với Lữ Gia một nhân vật lịch sử có quan hệ mật thiết với vùng đất Sài Sơn, trước Đỗ Cảnh Thạc hơn mười thế kỷ, vấn đề được đặt ra không phải là sự khác biệt giữa các văn bản, mặc dù vẫn còn một vài điều tồn nghi, mà là qua các văn bản về Lữ Gia và có liên quan đến Lữ Gia phục dựng lại một giai đoạn lịch sử, nhằm tái khẳng định công lao của ông với dân, với nước. Qua đó, người đọc được biết đến những địa danh lịch sử của đất “Kẻ Thầy”. Đó là “Vườn Trúc” (Nơi sinh của 4 anh em Lữ Gia), “Triệu Vương – Triệu Thành” (Thành nhà Triệu, sau khi Lữ Gia lui về đây), “Đồng Đồn” (Khu vực hội quân của nhà Hán), “Hang Thần” (Nơi Triệu vương, Lữ Gia cùng tàn quân của mình lui vào cố thủ từ ngày mồng 2 tháng 2 năm Giáp Tý (TCN) đến ngày vua tôi cùng hoá một ngày - Ngày 23 tháng 6 năm Ất Sửu (TCN)

Người đọc cũng được biết thêm xưa kia mỗi xứ (tổng, xã) được gọi là một “Khảm”, địa danh Thuỵ Khuê trước là Đẩu Khuê, Sài Khê trước là Ngõ Thôn, Thiên Phúc trước là Lật Sài, Khánh Tân trước là Khánh Trang …

 

Tác giả cũng giúp người đọc có một cái nhìn tổng quan về các nhà sư trụ trì chùa Thầy với văn chương và học thuật qua các thế hệ. Đó là thiền sư Từ Đạo Hạnh tác giả của các bài kệ: “ Không Hữu”, ‘Thất Châu”, “ Thị Tịch”, là đại sa môn Huệ Hưng, tác giả của “Thiên phúc tự hồng chung minh văn” và hơn 800 năm sau, vào những năm thuộc thập kỷ 30 của thế kỷ trước là sơn tăng Như Tùng (1900 – 1945) với “Sài Sơn Từ thần tăng thực lục” gọi tắt là “Sài Sơn thực lục” ghi chép về hành trạng của thần tăng Từ Đạo Hạnh và “Sài Sơn thi lục” – tập đại thành các lịch đại danh gia và các nhà khoa bảng có thơ viết về Sài Sơn và chùa Thầy. Ngoài ra, ông còn là tác giả của hai bài thơ chữ nôm trên bức cuốn thư ở chùa Đính Sơn cùng các câu đối ở trước cổng chùa Đính Sơn dưới chân núi và ở cổng Trắng - đường từ Thuỵ Khuê vào chùa Bối Am. Ông cũng là người cung cấp tư liệu cho cử nhân Hoàng Thúc Hội trong bài văn bia: “Truyền đăng bi ký” tóm tắt hành trạng của hai vị tổ sư trụ trì chùa Đính Sơn trước đó là nhà sư Lan Hương từ năm 1897 đến năm 1900 và nhà sư Tâm Minh từ năm 1900 đến năm 1906.

Người đọc cũng biết đến hoà thượng Thích Viên Thành (1950 – 2002) với nhiều trước tác và là dịch giả của “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế, “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư cùng những ý kiến nhận xét với tư cách một phật tử và là một dịch giả về bản dịch của Huyền Quang tam tổ trong bài “Không Hữu” là chưa thoát ý vì hai từ “mơ màng” ở câu cuối và với bản dịch “Thị Tịch” của Ngô Tất Tố là chỉ được câu đầu là dịch đúng ý tác giả, bởi: “Ý tác giả là mùa thu về chim nhạn cũng bay về, cũng như thọ mệnh hết thì con người cũng bay về, tức chết. Báo hay không báo cũng vậy mà thôi”.

Cuối cùng là thượng toạ Thích Trường Xuân với những trước tác đã in trên các báo và tạp chí chuyên ngành trung ương và địa phương, tác giả của bài thơ “Những tiếng chuông hồng” được đọc mở đầu cho ngày thơ Việt Nam  - Nguyên tiêu 2013 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám do chính thượng toạ trình bày và là người đứng ra tổ chức cuộc giao lưu thơ với các nhà thơ quốc tế Châu Á Thái Bình Dương tại chùa Long Đẩu.

 

Sài Sơn cũng là nơi còn lưu lại nhiều dấu ấn của trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Qua “Vài nết đất xưa Kẻ Thầy/ Sài Sơn”, người đọc được biết, ngoài việc hưng công xây cất Nhật, Nguyệt tiên kiều, ông còn đề tựa cho bản thần phả ở quán Tam xã. Là tác giả của bài văn bia: “Phật Tích Sơn Nhật, Nguyệt tiên kiều bi”, một số bài thơ được tập hợp trong “Sài Sơn thi lục” và đôi câu đối tại chùa Thiên Phúc:

“Vi tiên, vi phật, vi quốc vương, sinh hoá tam thân lưu dị tích.

Hữu động, hữu hồ, hữu thiên thị, giang sơn nhất đới biểu kỳ quan.

Sài Sơn cũng được biết tới với dòng họ nổi tiếng Phan Huy mà tiêu biểu là tú tài – nhà bác học Phan Huy Chú với bộ bách khoa toàn thư: “Lịch triều hiến chương loại chí”; song, để tránh dẫm lên vết chân những người đi trước khi viết về dòng họ này, tác giả chỉ giới hạn trong phạm vi: “Thực học, thực tài của các danh sĩ dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn” hầu cung cấp cho người đọc những thông tin không phải nhiều người đã biết.

Theo đó: “Tổ tiên dòng họ Phan Huy Sài Sơn ở thôn Chi Bồng (sau đổi là Hữu Phương) xã Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc (sau đổi là Can Lộc) phủ Đức Quang (sau đổi thành phủ Đức Thọ), tỉnh Nghệ An; nay là thôn Thanh Tân xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ tổ của chi nhánh Phan Huy ở Sài Sơn là Phan Huy Cẩn thuộc đời thứ 7 …”

 

Nói dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn nổi tiếng là nói đến sự thực học, thực tài của nhiều người trong dòng họ này. Không nệ vào các chương trình trong phạm vi thi cử và không quá coi trọng bằng vào con đường khoa hoạn để tiến thân, có người đỗ cao, có người đỗ thấp, hoặc không đỗ đạt gì nhưng nhờ thực học thực tài họ đều được triều đình trọng dụng, có khi ở những vị trí cao nhất cùng những cống hiến cho dân, cho nước, trong đó có nhiều tên tuổi đã được ghi vào sử sách. Đó là Phan Huy Thực, mặc dù không đỗ đạt gì nhưng là giám khảo 2 khoa thi hương, 1 khoa thi hội và sung độc quyển 1 khoa thi Điện. Ngoài ra, còn là Tổng tài biên soạn bộ “Thực lục” và là tác giả của nhiều trước tác, trong đó có bản dịch “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị. Làm quan đến Lễ bộ thượng thư. Được vua Minh Mệnh đánh giá: “… Quốc gia điển lễ tắc phi Phan Huy Thực bất khả” (Điển lễ quốc gia nếu không có Phan Huy Thực không xong). Trên tấm bia đá ở làng và bia ma nhai ở sườn núi, ông đã được Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát ca ngợi là “Khuê Nhạc danh công, văn chương thế mĩ …” Rồi Phan Huy Chú, Phan Huy Sán, Phan Huy Dũng, đều chỉ đỗ tú tài, nhưng là chánh chủ khảo một số khoa thi hương (Phan Huy Dũng), Hàn lâm viện điển bộ, sung kiêm giáo cục ấn thư (Phan Huy Sán), hàn lâm biên tu, sau thăng phủ thừa phủ Thừa Thiên, rồi hiệp trấn Quảng Nam, Tư vụ bộ công (Phan Huy Chú). Đặc biệt, Phan Huy Chú còn là tác giả của nhiều trước tác trong đó có bộ bách khoa toàn thư “Lịch Triều hiến chương loại chí” mà nhiều người đã biết.

 

Tiếp đến là Phan Huy Quýnh, tuy không đỗ đạt gì, tác giả của “Kinh sử toát yếu” và “Lịch đại điển yếu” (gồm 3 quyển) và Phan Huy Sảng (chỉ đỗ hương cống) với “Tu bổ liệt huyện đăng khoa khảo” được sĩ tử đương thời coi là những bộ sách quý và có giá trị.

Đó là chưa kể, dòng họ này (trong các đời từ thứ 7 đến thứ 10) đã sản sinh được 3 tiến sỹ (Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ôn, Phan Huy Ích), 4 thượng thư (Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, trong đó Phan Huy Thực không đỗ đạt gì và Phan Huy Vịnh chỉ đỗ cử nhân), 2 cử nhân (Phan Huy Vịnh, Phan Huy Trăn) cùng nhiều trước tác có giá trị như: “Hoa Thiều tạp vịnh”, “Khuê Nhạc thi văn tập”, “Nhân ảnh vấn đáp”, “Nhân nguyệt vấn đáp”, “ Bần nữ thán” (Phan Huy Thực), “Khoa bảng tiêu kỳ”, “ Liệt huyện đăng khoa khảo” , “Chỉ Am thi tập”, “Nghệ An tạp ký”, “ Thần Quật Ký” và đặc biệt là với tác phẩm “Chỉ minh lập thành toán pháp” (Phan Huy Ôn), “ Dụ Am Văn tập”, “Dụ Am ngâm lục”, “ Lịch Triều điển cố” cùng bản dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn (Phan Huy Ích).

 

Là người nặng lòng với quê hương, tác giả cũng bày tỏ sự bức xúc cùng những quan tâm chính đáng trong việc đặt vấn đề: Có hay không có tam quan chùa thầy? Bởi trong khi nhiều người dân nơi đây mà đa phần là những người cao tuổi đều khẳng định là có tam quan với những mô tả chi tiết và cụ thể và cho biết mới chỉ bị giặc pháp đốt năm 1947 (mà cụ thể là ngày 14/2/1947).

Hơn nữa, hiên tam quan là một khối đá xanh hiện nay vẫn còn, nhưng bất chấp sự thật, không hiểu vì lý do gì, một số nhà nghiên cưú vẫn khẳng định chùa Thầy không có tam quan (?!). Lại nữa, sinh thời hoà thượng Thích Viên Thành vào những năm thuộc thập niên 80 của thế kỷ trước đã chuẩn bị bản vẽ và nguyên vật liệu để phục hồi tam quan nhưng không thành và đã từng có hẳn một cuộc hội thảo giữa lãnh đạo và đại biểu nhân dân Sài Sơn với các nhà khoa học được đặt ở chùa Thầy để bàn về vấn đề này. Trong số các nhà khoa học có mặt trong hội thảo, có giáo sư Trần Lâm Biền. Mặc dù các cụ được mời đến đại diện cho người dân địa phương ở đây đều khẳng định là đã chứng kiến chùa Thầy có tam quan, nhưng các nhà khoa học vẫn đưa ra những “luận cứ chuyên môn” để bác bỏ, trong đó có lập luận “Vì sao đất trong tam quan là đất nhà chùa mà vẫn có dân định cư ở đó”. Đến đây cũng xin được lưu ý là từ khi tam quan bị đốt cho đến khi tổ chức hội thảo mới hơn 30 năm, chưa xa.

Trước thực trạng đó cùng những cái được gọi là công trình viết về chùa thầy, tác giả bức xúc đặt câu hỏi: “…Do tiền phật hậu thánh” nên không có tam quan hay do không có tam quan nên là “Tiền phật hậu thánh”, nhưng sau đó, tác giả lại tỏ ra dè dặt: “Mọi chứng kiến và sự tồn tại của cái mà nhân dân địa phương gọi đó là “tam quan” là có thật. Có điều là: Gọi nó là “tam quan” thì đã đúng với khái niệm “tam quan” theo ý nghĩa của nó hay chưa? Lại nữa: cái mà người dân địa phương gọi là tam quan được xây dựng từ bao giờ? Ngay từ khi xây dựng chùa Thầy và được khánh thành vào năm 1109 hay mãi sau này? và căn cứ nào nói chùa Thầy không có tam quan?”.

Rồi tác giả đã cố gắng và cất công tìm hiểu nội hàm của cái gọi là tam quan và nghi môn cùng liên quan về kiến trúc của nó với chùa, với đình, đền, quán, miếu, hầu tìm ra chân lý khoa học, nhưng câu trả lời cho “chùa Thầy có hay không có tam quan” vẫn còn bỏ ngỏ!

Song, tác giả hẳn không ngờ chìa khoá của vấn đề chính mình đang nắm trong tay khi nêu ra những câu hỏi và những kiến giải về quê hương chùa Thầy, trong đó  có đoạn:

“Người địa phương cho rằng chùa Thầy hầu hết từ trước tới nay không có sư trụ trì mà chỉ có các thầy thống trông nom, gần đây mới có sư. Sự thực có như vậy không? Lý giải thế nào?”

Tiếp đến, tác giả cho biết: “… Hiện tựơng đó là có thật” và “theo các cụ cao tuổi và nhiều người khác: ở chùa Thầy, từ xưa tới nay chỉ có Bối Am tự (Chùa Một Mái”, Đính  Sơn tự (chùa Cao), Long Đẩu tự (chùa Long) là có sư trụ trì. Riêng Thiên Phúc Tự (Chùa Cả) giao cho hai làng Đa Phúc và Thuỵ Khuê cử các thầy thống lên cùng trông nom. Mỗi thôn chịu trách nhiệm một khu (tả, hữu) của chùa” và nữa: “ … mãi đến gần đây (1971) mới có sự trụ trì” rồi sau khi tìm hiểu về nguồn gốc xuất thế của thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền (Phật) phái mật tông, tác giả đưa ra lời “kiến giải”:

“Lối tu hành mang sắc thái “phù thuỷ – mật giáo” khiến cho tính chất độc tôn của nó không có tính truyền thừa. Điều này giải thích vì sao suốt thời gian dài chùa Thiên Phúc chỉ có các thầy thống mà không có sư …”

Ở đây, tác giả đã lầm lẫn giữa phật giáo với cái mà tác giả gọi là “mật giáo” và giữa “mật giáo” với đạo phù thuỷ dẫn đến việc đồng nhất “phù thuỷ – mật giáo” với phật giáo, coi “Phù thuỷ – mật giáo” như là một nhánh trong nhiều nhánh của phật giáo! Thực ra, đạo phù thuỷ mới có mối quan hệ gần gũi với “mật giáo” nên mới có chuyện trước đây “hầu hết do các thầy thống (những người theo đạo phù thuỷ chứ không phải là các sư, đệ tử của đạo phật) trông nom. Song vì tính độc tôn của nó nên việc truyền thừa bị hạn chế chỉ trong phạm vi hẹp (Chứ không phải không có tính truyền thừa) dẫn đến thất truyền và suy yếu dần, nên việc thay vì các thầy thống là các sư  sau này như là sự  xâm thực, sự “lấn sân” của phật giáo với “phù thuỷ – mật giáo” là một tất yếu. Phải chăng ở đây có sự liên quan đến chuyện “Chùa Thầy có hay không có tam quan”, đến kiến trúc “tiền phật, hậu thánh?” nhưng đó không phải là mục đích của bài viết này, nếu có thể, xin được trở  lại trong một dịp khác và ở một bài viết khác.

 

Đã định dừng bút ở đây, nhưng không hiểu sao tôi cứ vẩn vơ với ý nghĩ giống như một sự tiếc nuối, bởi sở hữu một nguồn tư liệu bề bộn và phong phú với những thông tin quý hiếm như “Vài nết đất xưa Kẻ Thầy/Sài Sơn”, (mà không phải ai cũng dễ dàng có được), giá như tác giả dám đi đến tận cùng của vấn đề, không nửa vời, né tránh, giá như tác giả bớt đi những đoạn mang tính thông tấn báo chí, “Gọt chân cho vừa giày” cùng những con số thống kê dông dài không cần thiết, thì …!Ô, sao tôi lại đòi hỏi ở tác giả nhiều đến thế, chưa kể còn vô lý nữa, bởi ở đời có cái gì là toàn bích đâu và bởi … nếu vậy thì … thì đã không còn là Phan Bá Ất.

Phùng Thành Chủng
Số lần đọc: 2610
Ngày đăng: 20.06.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những xuống cấp ở bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô - Tuấn Giang
"Bốn mươi năm thơ hải ngoại Chương 5" - Nguyễn Đức Tùng
"Bốn mươi năm thơ hải ngoại Chương 4" - Nguyễn Đức Tùng
Tuần - Triệt và những dấu hỏi (trích trong cuốn TỬ VI KIẾN GIẢI / Đặng Xuân Xuyến ; Thanh Hóa ; 2009) - Đặng Xuân Xuyến
Nhà báo Trân Châu như tôi được biết... - Phùng Thành Chủng
Đêm Sài Gòn xưa - Huyền Chiêu
Hạnh phúc gia đình (Bài nói tại các lớp giáo viên PTTH ) - Tuấn Giang
Hội luận của Plato với giới tính con người - Võ Công Liêm
Elena Pucillo Truong và những tuỳ bút về văn hoá, con người Việt Nam - Lê Nhật Ký
Mắt biếc trong thơ Tuệ Sỹ - Tâm Thường Định
Cùng một tác giả
Nhà thiện xạ! (truyện ngắn)
Bán Khoán. (truyện ngắn)
Bà Tôi (truyện ngắn)
Lan Man Chuyện (tạp văn)
Đi Tìm Vua Lê (truyện ngắn)
Người Khôn Ngoan (truyện ngắn)