Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.204.800
 
Xã hội không có cha
Nguyễn Hồng Nhung

                                               

 

 

Gần đây Nhà xuất bản Tri Thức cho ra mắt bạn đọc hai cuốn sách gợi nhiều suy nghĩ về thời hiện đại. Đó là cuốn Câu chuyện vô hình & Đảo của triết gia Hungary Hamvas Béla (1897-1968) (Nguyễn Hồng Nhung dịch) và cuốn Giải phẫu sự phụ thuộc của Takeo Doi – một nhà phân tâm học đương đại người Nhật Bản (Hoàng Hưng dịch). Trong bài viết mang tính bình luận điểm sách dưới đây, tác giả đã lưu ý đến những điểm đồng quy của hai tác giả. Sự hòa hợp về quan điểm của hai tác giả vốn thuộc về những thời đại và nền văn hóa rất khác nhau, là chỉ dấu cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề mà họ đặt ra.

 

Hamvas Béla trong tiểu luận Thời kỳ Bảo Bình cho rằng thời đại cũ sau hai nghìn năm đã chấm dứt và nhân loại đang bước vào một thời kỳ mới – Thời kỳ Bảo bình. Ông nêu ra đặc trưng của thời kỳ này: “Đây là thời kỳ mà cách đây năm mươi năm Le Bon đã từng nói, những hoạt động vô thức của đám đông thay thế cho những hoạt động có ý thức của cá nhân.” Ông nhận xét rằng thoạt tiên các lý thuyết gia cách mạng đã hồ hởi tiếp đón thời kỳ lên ngôi của đám đông với hy vọng những thiên thần mới sẽ thức tỉnh từ đó. Thế nhưng “Đám đông thống trị là những hoạt động hỗn loạn mù quáng, mờ mịt vô thức, dìm loài người xuống tăm tối, thay thế cho những hoạt động sáng sủa có ý thức của cá nhân. Đấy chính là điều những người cách mạng đã không nghĩ tới.” Không có thiên thần, chỉ có quái vật thức tỉnh thì đúng hơn. Hamvas Béla cay đắng nhận xét: “Tư duy và hoạt động tỉnh táo của cá nhân bắt đầu phụ thuộc vào vô thức và hỗn loạn của đám đông. Thứ giản dị có nội dung phụ thuộc vào thứ mù quáng và hỗn loạn. Thứ phát triển cao phụ thuộc vào thứ thấp kém. Vị trí lộn ngược tấn công, con người bắt đầu sống bằng cái đầu lộn xuống dưới. Và những hậu quả của nó không thể lường trước.”

 

Ông viết tiếp: “Vô thức nổi lên trong con người, đám đông xuất hiện trong xã hội. Đây là một dạng di dân mới, là sự đột nhập thẳng thừng của tàn bạo. Tình thế không chỉ thay đổi từ bên ngoài, mà trạng thái tâm lý con người cũng bị đảo lộn cùng với việc xua đuổi những cá nhân ưu tú và có vị thế cao hơn…. Người thông thái nhất rơi vào đám đông cũng từ từ trở nên ngu đần. Bộ óc bị thả lỏng, hoạt động trí óc ngừng lại, tri thức tắt dần, thay vào đó họ bước vào một sự tê liệt phân vân, mờ mịt, hỗn loạn – là những đặc tính đặc trưng cho đám đông. Trí tuệ sáng suốt và tỉnh táo ngủ yên, những bản năng không kiểm soát được ngự trị con người bắt đầu dẫn dắt họ. Và con người bị tan vào đám đông không để lại dấu vết. Người ta tan vào thành một linh hồn duy nhất trong đám đông.”

 

Những ý kiến của Hamvas Béla có thể gây choáng cho nhiều người, nhưng tôi thấy nó rất hòa hợp với nhiều ý kiến của Takeo Doi. Trong tác phẩm Giải phẫu sự phụ thuộc ông đã dùng đặc ngữ của Federn P. (đưa ra từ năm 1919) để ám chỉ xã hội đương đại: xã hội không có cha (The Fatherless Society). Takeo Doi nhận xét rằng phong trào Cánh tả Mới ở Nhật Bản với hiện tượng “nổi loạn của thế hệ trẻ” không phải là trường hợp đặc thù của riêng Nhật Bản mà mang ý nghĩa chung của nhân loại. Tuổi trẻ hiện đại đang nổi dậy dữ dội chống lại xã hội hiện tồn và thể hiện sự bất tín nhiệm mạnh mẽ đối với thế hệ cha anh. Những người thuộc thế hệ mới muốn lập sự nghiệp hàng phục yêu quái. Tuy nhiên, “có nguy cơ thực sự là trong khi hàng yêu, bản thân những người trẻ sẽ trở thành yêu quái.” Takeo Doi nhận xét: “Nhưng ai là người cho nó một cơ hội trong xã hội ngày nay? Ai có thể là một người cha và dạy nó một lần nữa thế nào là uy quyền và trật tự? Chắc chắn không phải các giáo sư đại học, cũng không phải các chính khách hay các trí thức, hay các nhà truyền giáo…Trên thực tế ấy, thời hiện đại không cho ta một chút hy vọng nào. Tình trạng vô chính phủ ngày hôm nay sự thực không phải là sự vô chính phủ của một nhúm thanh niên, mà của toàn bộ tinh thần thời đại…”.

 

Takeo Doi thừa nhận rằng hiện nay là thời đại của khủng hoảng và biến động. Có thể là thế giới đang thống nhất lại theo một hướng đi đặc biệt để cuối cùng dẫn đến một thời đại mới, nhưng nhiều người lại nhìn cái thời đại mới ấy với sự lo ngại sâu xa, không biết những thay đổi ấy có thực sự đáng mong muốn cho lợi ích của nhân loại hay không.

 

Thời kỳ Phục hưng con người đã vui sướng phục hồi được cái tự ngã nhờ vào cuộc chiến đấu cho lý trí tự do chống lại uy quyền của niềm tin thiên khải. Thế nhưng cảm nhận về sự tha hóa của con người đương đại có thể bắt nguồn từ khám phá: con người đã lầm lẫn từ buổi đầu thời hiện đại, khi nó tin rằng có thể đứng trên đôi chân của chính mình và tự đầy đủ với chỉ riêng lý trí của mình mà thôi. Takeo Doi cho rằng Goethe đã sớm dự cảm về điều này ngay từ thế kỷ 19. Nhân vật Faust của ông có vẻ là con người của thời Phục hưng, nhưng hắn không toát ra sự tự tin và niềm vui mà hình như mệt mỏi vì suy nghĩ. Hắn vứt bỏ sự cẩn trọng và phó mặc cho những cám dỗ của Quỷ Mephistopheles. Hắn vẫn chết mà không có sự thỏa mãn. Con người đương đại cũng vậy: tìm mọi cách dựa vào lý trí và đang bắt đầu thất vọng về cái tự ngã.

Takeo Doi ngờ rằng thế hệ mới nhìn thấy văn minh hiện đại là sản phẩm của cùng thứ trí tuệ mà mình dự phần, nhưng không thể đồng nhất mình với nó. Những kẻ cầm quyền đương thời có chiều hướng giả định rằng những vận hành của lý trí làm trụ cột cho sự phát triển văn minh là hiển nhiên tự thân, nhưng những giả định ấy không nhất thiết là đúng; thế hệ trẻ cảm thấy nền văn minh hiện đại chứa đựng mối đe dọa. Thế hệ già bị thế hệ trẻ buộc phải chịu trách nhiệm về vô số thực tế khác nhau, hai bên dường như mất đi tiếng nói chung để hiểu nhau. Không nhất thiết tất cả thế hệ già đều gắn bó với các giá trị cũ, đa số cũng ngờ vực những giá trị ấy. Nhưng thế hệ mới cũng chẳng đem đến một giá trị mới nào.

 

Takeo Doi cho rằng có cơ sở để tin rằng hố ngăn cách thế hệ ngày nay bắt nguồn từ sự thiếu tự tin của thế hệ già. Ở cấp độ gia đình điều này bộc lộ trong việc ảnh hưởng của người cha đã suy yếu đến mức không còn tồn tại. Nước Nhật ngay từ thời Minh trị theo nghĩa nào đấy dường như đã trở thành một “xã hội không có cha”. Nhưng bản thân phương Tây xưa nay được ngưỡng mộ như “tiên tiến” cũng đã rơi vào sự hỗn loạn hậu chiến và về mặt ý thức hệ cả thế giới ngày càng bị đưa đẩy về phía khước từ quyền lực của người cha. Freud theo một nghĩa nào đó hình như đã chạm đến vấn đề này trong việc luôn trở đi trở lại đề tài giết cha.

 

Takeo Doi nhận xét rằng có những người nhìn xã hội không có cha như việc đã rồi, nhưng ông không nghĩ rằng phụ quyền là thứ có thể đơn giản biến đi khỏi mặt đất. Mô tip cha – con bắt rễ rất sâu trong bản chất con người khiến ông ngờ rằng “xã hội không có cha” là chuyện bất khả dĩ. Ông nhận xét rằng cách mạng nói chung thể hiện việc tàn sát người cha về mặt tâm lý, nhưng thường kết thúc bằng việc tạo nên một hình ảnh người cha mới mạnh hơn. Lý thuyết của Freud ngụ ý rằng những nỗ lực giết cha nảy sinh từ ham muốn xóa đi ký ức về chuyện giết cha. Takeo Doi cho rằng dường như con đường duy nhất vượt qua trạng thái tinh thần không có cha đương đại sẽ là: thừa nhận tội giết cha và coi nó là cơ sở của một luân lý mới.

 

Ngay từ khi Nietzsche đưa ra lời tuyên bố tiên tri của mình “Thượng đế đã chết”, thời đại đã ngày càng coi sự vắng mặt của Thượng đế như chuyện hiển nhiên. Tuy nhiên, Takeo Doi muốn chỉ ra rằng Nietzsche không chỉ nói Thượng đế đã chết, mà còn nói rằng Thượng đế bị giết. Ông trích dẫn Nietzsche:

 

” Người điên nhảy vào giữa đám đông và làm họ khiếp hãi vì cái nhìn trừng trừng của mình. “Thượng đế đâu mất rồi?“- hắn kêu to. “Ta nói với các người đấy! Chúng ta đã giết ông ta – các người và ta! Tất cả chúng ta là lũ sát nhân đã giết ông ấy! Nhưng chúng ta đã làm việc ấy thế nào nhỉ? Làm sao chúng ta có thể đem biển tới?…Chúng ta chuyển đến đâu đây?…Chúng ta chẳng không ngừng lao tới đó sao? Lui lại, sang bên, tiến lên, theo mọi hướng? Vẫn còn phía trên với phía dưới chứ? Chúng ta không lạc lối như thể đi qua một hư vô bất tận đó sao? Trời đã chẳng lạnh đi đó sao? Đêm chẳng tới liên tục mỗi lúc mỗi tối hơn đó sao? Chúng ta sẽ không phải đốt đèn giữa ban ngày đấy chứ? Chúng ta không nghe tiếng động của những phu đào huyệt đang chôn Thượng đế đó sao?…Thượng đế đã chết! Thượng đế vẫn chết! Và chúng ta đã giết ông ta!…Đấng thiêng liêng và hùng mạnh nhất mà thế giới từng có được cho đến lúc này đã chảy máu đến chết dưới lưỡi dao của chúng ta – ai sẽ lau sạch máu trên người chúng ta đây?…Chúng ta sẽ không phải tự mình biến thành Thượng đế chứ, dù chỉ để có vẻ xứng đáng như thế? Chẳng bao giờ có một sự kiện nào lớn lao hơn, và vì nó, tất cả những người sinh ra sau chúng ta sẽ thuộc về một lịch sử cao quý hơn bất kỳ một lịch sử nào từ trước đến nay!” Đến đây người điên im bặt và lại nhìn vào những người nghe hắn nói; họ cũng im lặng và nhìn hắn một cách kinh ngạc.”

 

Con người hiện đại vui vẻ và vô ưu, nhưng mặt khác lại dường như khổ sở vì một ý thức tội lỗi mơ hồ nào đó. Tình cảm này biểu hiện rõ nhất trong các nhà hoạt động Cánh tả Mới. Họ nhấn mạnh rằng đứng im nhìn sự đau khổ của người khác, dù sự đau khổ xảy ra ở đâu, đều là tội ác. Hoạt động của họ đã lay động lương tâm của những người đương thời. Nhưng họ nhấn mạnh “tình đoàn kết” đến mức coi những ai không gia nhập đấu tranh cùng với họ đều là kẻ thù của họ. Takeo Doi ngờ rằng ý thức tội lỗi ở những nhà hoạt động Cánh tả Mới có phần thiếu chiều sâu. Ý tưởng của họ khẳng định người ta phải nhận thức được tội lỗi của mình và “vứt bỏ các đặc quyền của mình”. Khi cá nhân thành công trong việc đạt được một tình cảm đồng chí nào đó với người được coi là nạn nhân của mình, cá nhân ấy thường đâm ra tin rằng “sự vứt bỏ ấy” đã đạt được rồi. Họ cảm thấy chính họ đã trở thành nạn nhân và cho phép mình lạm dụng những người không quan tâm và tấn công những kẻ có trách nhiệm. Hành động nảy sinh từ đó càng hiếu chiến và nhiều khuynh hướng bạo lực.

 

Ở điểm này ta cũng lại thấy có sự hòa hợp ý kiến của Takeo Doi với Hamvas Béla. Trong tiểu luận Ngày lễ và cộng đồng Hamvas Béla viết “Một số thời gian nhất định bắt buộc phải lao động một cách lạnh lùng, bởi vì cần thiết, vì sự tôn trọng, vì không thể nhận không bất kỳ cái gì. Đây là khoảng thời gian bị mất, bởi vì chỉ sau đó cuộc sống mới thật sự bắt đầu. Hạnh phúc là việc riêng. Hãy đi ra bờ biển, hãy dạo chơi, ngồi xuống những tảng đá và ngắm những con hải âu!

 

Ở đây có sự tương phản: số phận có vẻ như có hai cực khả năng, một là cho bản thân kẻ cô đơn, kẻ ngoài mình ra chẳng muốn gì khác, chỉ sống cho mình, nấu cho mình ăn. Còn kẻ kia vì cộng đồng, kẻ vác cây thánh giá của tập thể lên vai, chỉ sống vì người khác. Kẻ cô đơn coi thường kẻ sống cho cộng đồng, kẻ vì cộng đồng kết tội kẻ cô đơn.
………

Kẻ nào nhận thức được rằng chẳng ma nào cần đến sự phủ nhận bản thân, [chẳng ma nào] cần đến hành động của nó tự vác thập tự lên vai vì nhân loại, [kẻ nào nhận thức được điều này] kẻ đó tự quẳng đi biết bao nhiêu sự phiền nhiễu vô ích cho chính nó.

Đừng ai tin rằng tự mình có thể hiến dâng bản thân mình thay cho những người khác! Số phận kiểu này dành cho các thần linh.

Nhưng trái lại, tất cả mọi người cần nhớ rằng, nếu Thượng đế không cần họ từ bỏ bản thân họ, thì họ phải có trách nhiệm với tất cả những ai sống cùng thời đại với họ, họ cần phải coi trọng số phận những người khác như với số phận riêng của họ!

Sự tỉnh táo thánh thần của ngày Thường nhật hé mở cho con người chút sự thật bé nhỏ xám xịt rằng chỉ hưởng thụ sự sống một mình là có tội, nhưng nếu tin rằng cần phải từ bỏ toàn bộ thì hơi quá đáng.” (Ngày lễ và cộng đồng).

 

Takeo Doi nhận xét: “Những học giả nhìn lịch sử thế giới như lịch sử của tiến bộ, thường tuyên bố rằng đến bây giờ con người đã đi qua hết “tuổi thơ” của mình, trong đó mọi kiểu hệ thống tôn giáo được áp đặt lên nó, nhưng bây giờ những sự kiềm chế ấy đã bị tháo bỏ và lần đầu tiên con người đã bước vào thời kỳ trưởng thành thực sự. Nói như thế là lừa dối. Hiện tại dường như đúng là sự đảo ngược của thời kỳ trưởng thành….chẳng hay gì việc người lớn cũng như trẻ con hành xử một cách bộc phát theo ngông tưởng của mình.”

Takeo Doi đặt vấn đề: hiện tượng đương thời này có ý nghĩa gì? Ông kết luận: “Không ai có thể nói liệu hiện tượng thoái bộ ấy của nhân loại có là cơn bệnh chết người hay là khúc dạo đầu cho một sự phát triển đột biến mới của sức khỏe. Chính sự nghiêm trọng trong tình thế của chúng ta ngày hôm nay nằm ở tính không thể tiên liệu ấy.”

 

Nguyễn Văn Trọng (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2663
Ngày đăng: 10.07.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái đẹp độc đáo của mọi thời - Nguyễn Nhã Tiên
Một Võ Thị Hảo - Chỉ một - Tru Sa
Đọc bốn dấu ấn của hiện hữu - Nguyễn Hồng Nhung
Wolfgang Amadeus Mozart "Huyền thoại của một thiên tài" - Võ Công Liêm
Nhà nhạc học Trần Văn Khê - Phạm Văn Kỳ Thanh
"Vài nết Đất xưa Kẻ Thầy/Sài Sơn" Những trang viết nặng lòng với quê hương của Phan Bá Ất - Phùng Thành Chủng
Một giáo trình ở trường Đại học sư phạm Huế viết sai lệch về quan điểm nghệ thuật của Hồ Chủ Tịch - Võ Văn Kha
Những xuống cấp ở bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô - Tuấn Giang
"Bốn mươi năm thơ hải ngoại Chương 5" - Nguyễn Đức Tùng
"Bốn mươi năm thơ hải ngoại Chương 4" - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)