Trong nhu cầu tìm tòi đổi mới lối viết để hội nhập văn chương thế giới, nhiều tác giả tìm gặp được những quan niệm nghệ thuật thích hợp không chỉ ở một lý thuyết nhất định mà ở nhiều lý thuyết thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Có thể là tự giác, các tác giả sáng tác có chủ đích, có nghiên cứu, khi xử dụng một số thủ pháp nghệ thuật nào đấy, nhưng cũng có thể là tự phát do ảnh hưởng gián tiếp qua khí quyển đời sống văn hoá cộng đồng trong thời kỳ hội nhập các thủ pháp nghệ thuật mới đã thẩm thấu tự nhiên vào tác phẩm dưới dạng một vài yếu tố.
1- Sự tiếp nhận các chủ thuyết diễn ra một cách thận trọng bởi những lý do khách quan và cũng có những lý do chủ quan, dẫu vậy các lý thuyết mới cũng tạo một sự đổi thay về cách viết trong nền văn học chúng ta mấy chục năm qua, đúng như nhận xét của Paul Hoover “ Cái mới trong nghệ thuật luôn là cái được nhập từ một nền văn hoá khác”. Sự đổi thay này khác các thời kỳ trước như 30-45, 45-75, diễn ra khá rõ ràng, giai đoạn hiện nay văn xuôi ta tuy có những lúc nhộn nhịp nhưng chưa có nhiều tác phẩm thực sự thành công gây tác động lớn với độc giả nên rất khó gói trọn vào một vài nhận định tổng quát với các tiêu chí rõ ràng đầy thuyết phục. Có người tiếp thu, tạo được vài thành công nhất định, nhưng cũng có tác giả cái mới chỉ hiện lên thấp thoáng...
Trên văn đàn, công chúng hiển nhiên thấy rất nhiều nhà văn, nhiều tác phẩm không còn viết như trước. So với các chủ thuyết mà các tác giả Việt Nam tiếp cận trước đây như Chủ nghĩa hiện thực phê phán, Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì quả thật những vấn đề mới mẻ được đặt ra thâm nhập vào sáng tạo của các tác giả đương đại chỉ như một tâm thức văn hoá, nó chưa định hình thành những quy chuẩn nghệ thuật để có thể từ đó rút ra những định đề khu biệt với lý thuyết sáng tác thời kỳ trước. Dẫu vậy một số cây bút phê bình và độc giả có kinh nghiệm vẫn nhận chân được những điều nổi bật về sự đổi mới ở các tác phẩm cụ thể. Tiểu thuyết, truyện ngắn đương đại vẫn nằm trong quỹ đạo phản ánh hiện thực nhưng có đổi mới so với truyền thống. Đó là sự phản ánh từ hiện thực “cần có” sang hiện thực“ đang có”, từ hiện thực lưỡng cực sang hiện thực đa cực. Văn chương nước nhà bước đầu hoà vào dòng chảy văn chương thế giới.
2- Điều nổi bật trước tiên trong các tác phẩm theo khuynh hướng mới là sự đổi thay đáng kể về cách nhìn thế giới và con người. Hiện thực có nhiều thay đổi đa dạng và cũng phức tạp hơn, con mắt nhìn của nhà văn cũng không giữ nguyên nếp cũ, thay bằng lối cảm nhận biện chứng mới về sự đổi thay của những trật tự, sự đảo lộn các thang bảng giá trị đời sống, cả sự khủng hoảng niềm tin và tình trạng bất an của con người trước những thay đổi lớn của thời đại... Một nhân vật trong tác phẩm của một tác giả trẻ đã thổ lộ: “Vài trăm năm sau, khi con cháu chúng ta nhìn lại cái thời đại này chẳng biết chúng nó sẽ cười hay khóc hay cả hai” ( Phan An- Quẩn quanh trong tổ ). Các tác giả với tư cách chủ thể sáng tạo, thấu triệt một cách nhìn thế giới đầy tính khám phá, thế giới không phải nhất thể về bản chất và hiện tượng, luôn phát triển theo chiều thuận, mà thế giới chứa nhiều nghịch lý, nhiều mâu thuẫn, xung đột, trong đó con người không là một hiện hữu “lập trình sẵn”. Con người đương đại nhận thức thế giới cũng không phải bằng cách sao chụp đơn giản và đồng nhất. Mỗi người có thể chiêm nghiệm thế giới ở nhiều cấp độ khác nhau, có thể bị chi phối cùng lúc bởi nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Với từng hệ quy chiếu con người có một bản thể riêng! Hay nói một cách khác con người đương đại “đa nhân cách” vì bản thể chỉ xác định trong từng hoàn cảnh liên quan.
Ẩn chứa một quan niệm triết- mỹ như vậy, chúng ta có thể tìm ra nhiều dẫn chứng về các mẫu nhân vật tương quan ở các tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Quang Thân, Trần Thuỳ Mai, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Sương Nguyệt Minh...Cuộc sống luôn chứa đựng những mầm mống của sự phân hoá, các tác giả không loại trừ những nhân vật tội lỗi, tha hoá, những “cái ác”, bên cạnh, những nhân vật chính diện tích cực thời kỳ này cũng không phải vắng bóng nhưng ít thành công như thời kỳ trước, đa phần thành công là những nhân vật tuy sống trong một bối cảnh khắc nghiệt, cam go, những số phận có thể là nạn nhân nhưng không đánh mất bản ngã. Một nhân vật trong tiểu thuyết Trăng vỡ ( Đức Ban) đã thốt lên : Bom đạn thằng Mỹ nó khủng khiếp nó làm cho con người thương tật đui què, thấy rõ ràng. Đằng này người ta làm cho anh bị thương nhưng không thấy người ta đâu...Những vết thương tinh thần không thấy rõ đối phương, con người trăn trở vật vã để vượt qua, trước hết để vượt qua mình. Con người không thuần nhất, đầy tâm trạng trong cuộc vận động mưu sinh để sống chứ không chỉ tồn tại, hoàn cảnh sống khắc nghiệt, cạm bẫy rình rập, đời sống của họ – một đồ thị hình sin cách quãng, vấp ngã, chao đảo, phân ly, nhưng ánh sáng thiên lương vẫn không hề bị dập tắt, dẫu “trầy trật” trên mỗi bước đi, luôn “ tự vấn” hướng về chân lý và điều thiện! Về phía ngược sáng, xuất hiện các nhân vật phản diện trong quá khứ, những kẻ ở thế giới đối lập, được thể hiện trong một cảm quan đầy tính nhân văn: là kẻ địch, kẻ xấu nhưng xấu trong cái bản thể “người” chứ không hoàn toàn thuộc thế giới “vô nhân tính”, với cộng đồng không đứt hẳn có thể hoàn lương trong một hoàn cảnh sống mới.
Trên bình diện xã hội, phải chăng đó là kiểu nhân vật sản phẩm cuộc sống đương đại trong cơ chế thị trường, khác kiểu nhân vật tích cực một chiều khá phổ biến của văn xuôi thời kỳ trước! Ngay các tác giả đã “chín” với cách viết cũ trong việc thể hiện các nhân vật ở các tác phẩm sau này cũng có nhiều thay đổi( Nguyễn Khắc Trường- Mảnh đất lắm người nhiều ma, Dương Hướng- Bến không chồng, Nguyễn Xuân Khánh- Hồ Quí Ly, Ma Văn Kháng- Một mình một ngựa, Lê Văn Thảo- Lên núi thả mây...). Đâu đây đều có sự băn khoăn đổi thay một lối viết nặng về thế giới quan mà nhẹ cảm xúc thẩm mỹ, quá chú trọng vào việc thể hiện “bản chất” xã hội theo lối cũ, trong khi cuộc sống đương đại cái tốt nhiều nơi bị lu mờ mà cái xấu với mọi hình, mọi dạng tồn tại khá đậm, tác phẩm kiểu đó thực chât sơ lược hóa cuộc sống, nhạt nhẽo hoá nghệ thuật. Bỏ quên hoặc nương tay với cái ác , cái xấu bất cứ hình thức nào cũng tạo điều kiện cho nó phát triển. Nhưng, văn chương thể hiện cái xấu, cái ác không phải là thêm vào cái đuôi báo chí những sự kiện, những “con người xấu” đang đầy rẫy , mà cần khái quát thể hiện “cái xấu” của con người , “cái xấu” của cuộc đời trong quá trình phát triển, tồn tại, tha hóa để cảnh tỉnh mọi người, giúp mọi người tự kỷ ám thị trước cái xầu, dù anh là ai! Đó là con đường đi của các tác phẩm lớn từng gây ấn tượng sâu sắc cho độc giả. Cái xấu vượt qua biên giới báo chí, tiểu thuyết hình sự để đến với tiểu thuyết tâm lý xã hội- một phấn đấu thể hiện tài năng nhà văn. Điều này tiểu thuyểt, truyện ngắn còn có một khoảng cách với đời sống!
Tiểu thuyết , truyện ngắn thời đổi mới thể hiện một lối tư duy đa nghiệm về con người, về số phận cá nhân. Con người trong trạng thái động, tính cách phong phú, được miêu tả trên nhiều phương diện, nhiều cung bậc, không phải là một hằng số! Trong quan niệm mới về thể loại, những số phận, những tâm lý cá nhân được đi sâu khai thác triệt để cả đến những mảng tâm tư thường lấp kín bao nhiêu năm hoặc bởi lớp bụi thành kiến hoặc bởi sự hời hợt về thi pháp. Lối viết mới vượt qua lối trần thuật sự việc đơn giản cốt sao cho thật, cho đúng, mà đề cao yếu tố cảm nhận, sáng tạo cá nhân tạo dựng những tính cách đa dạng theo chiều sâu. Một thế hệ nhân vật mới trong tiểu thuyết và truyện ngắn đương đại tính cách đa dạng hơn trước, bản thể tâm linh và tính dục được miêu tả đầy đặn không còn rụt rè hoặc khô cứng. Trong các tác phẩm (Quyên, Đức Phật, nàng Sivitri và tôi, Thiên thần sám hối, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Cơ hội của Chúa, Mẫu thượng ngàn, Bóng đè, Con gái nữ thuỷ thần, Trăng soi đáy giếng, Khói trời lộng lẫy, ... ) các nhân vật có khi sống trong một không khí huyền hoặc, tâm trạng chìm đắm trong ảo giác, vô thức. Trong các chiều kích của sự thành công, quá khứ, hiện tại, thực, mộng trộn lẫn, những triết lý nhân sinh xâu chuổi chiết toả trong các thân phận, kiếp người...Trừ một số ít lạc lõng, đa phần những trang viết về nhục cảm, về cái “bản năng gốc” dục tính của con người khá đầy đặn, mềm mại khơi gợi sự đồng cảm thẩm mỹ, không thô thiển thuần tuý bản năng ( Cõi người rung chuông tận thế, Một mình một ngựa, Quyên, Dị hương, Cánh đồng bất tận, Lưu lạc thân xác, Đàn chim sẻ-ri bay qua rừng, I am đàn bà...) Truyện ngắn Đàn chim sẻ-ri bay qua rừng ( Võ Thị Xuân Hà), hội tụ được khá nhuần nhị các yếu tố tâm linh, sex và hiện thực thông qua nhân vật mà nhiều người nhắc đến (Diễm). Chúng tôi muốn lưu ý đến một kiểu nhân vật “khác”, một nhân vật giao thời, Thản đã sống qua những ngày bom đạn, từng có người thân hy sinh trong chiến tranh, vẫn có thể vui thú săn, tàn sát từng lũ chim, thản nhiên nhìn những vệt máu đỏ lòm lom rỏ trên cỏ, ngước lên trời bình thản nói với người tình “vì chúng bạt ngàn”. Nhân vật như tiên báo một lớp người hãnh tiến, vô cảm, gặt hái những hy sinh của cha anh rồi sống trơ lỳ bởi những dục vọng cá nhân sau này.
3- Với cách nhìn đổi khác về xã hội, về con người đã kéo theo những đổi mới về các biện pháp nghệ thuật từ kết cấu, xây dựng hình tượng, ngôn ngữ...Khảo sát kỹ, chúng ta thấy không ít các tác giả thể hiện lối viết mới trước hết ở sự tô đậm một số thủ pháp nghệ thuật quen thuộc đã có từ truyền thống như: chú ý sự pha tạp đời thường dân dã, tăng cường yếu tố nhục cảm, mở rộng tính kỳ ảo sang địa hạt tâm linh vô thức, sau nữa biết kết hợp xử dụng các yếu tố mới ở các hình thái tổng hợp thẩm mỹ hiện đại xoay quanh một lối tư duy nghệ thuật mới xem cuộc sống nhà văn miêu tả như đang diễn tiến, chưa hoàn thành: 1- kiểu kết cấu mở, đa tuyến, phân mảnh hoặc lối lắp ghép điện ảnh, 2- đổi ngôi trần thuật theo các điểm nhìn không cố định, 3- các mô thức giễu nhại, 4- giọng điệu đa thanh theo hoàn cảnh hoặc tâm trạng...5- tổ hợp ngôn ngữ đời thường giàu sắc thái cá nhân v.v...Trong mấy năm gần đây, một số tác phẩm được giới phê bình lưu ý và nhắc đến ( như một sự thể nghiệm) là những tác phẩm ít nhiều có sự tìm tòi đổi thay về hình thức phù hợp với lối tư duy tiểu thuyết “hậu hiện đại”: Thiên thần sám hối - Tạ Duy Anh, Thoạt kỳ thuỷ, Ngồi - Nguyễn Bình Phương, Phố Tàu - Thuận, Thời cơ của chúa - Nguyễn Việt Hà, Và khi tro bụi- Đoàn Minh Phượng, Quyên - Nguyễn Văn Thọ ...
Không phải không có tác giả tuy rất nhạy bén với các thủ pháp mới, làm theo rất nhanh, tuy nhiên đó chỉ là những tùy biến đầu ngọn mang nhiều màu sắc hình thức. Kỹ thuật tân kỳ ở một vài tác phẩm có thể nhận được vài lời khen đâu đó nhưng không đậu lại lâu trong lòng bạn đọc, vì rằng sự đổi mới chân chính mà người đọc chờ đợi là sự suy tư giàu màu sắc triết học cũng như tinh thần nhân bản trong tư duy thẩm mỹ mà các tác giả cần trừu xuất ra khi tiếp cận nền văn học thế giới, tiếp thêm năng lượng để sáng tạo có những tác phẩm đỉnh cao, chứ không phải thói ham thanh chuộng lạ. Cũng không thể quên sự ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn học, đặc biệt là những chủ thuyết lớn đã có tác động sâu xa ở nhiều nước là chuyện đương nhiên, nhưng khi tiếp thu các chủ thuyết nước ngoài, không thể không tính đến những điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của từng nước, không tính đến thị hiếu của dân tộc mình.
4- Trên cơ sở nền kinh tế trẻ đang phát triển, một nền văn hoá hiện đại giàu bản sắc dân tộc, những yếu tố tích cực mới mẻ thích hợp đời sống văn học dân tộc đương đại đang dần định hình bổ sung cho lý thuyết cũ đủ sức soi chiếu cho các trào lưu văn chương, thu hút các tác giả và các sáng tác vào quỹ đạo của nó. Tuy dòng văn xuôi của ta, đặc biệt là tiểu thuyết, chưa có nhiều tác phẩm “đỉnh” gây ấn tượng mạnh, nhưng từ đó nhận định rằng ở ta hiện nay chưa có “sự đổi mới về tư duy tiểu thuyết”, hoặc khẳng định “tư duy tiểu thuyết, trong nền văn học Việt Nam đương đại là một trò chơi thông tin, một câu chuyện ảo tưởng và lãng mạn” thì quả chưa thật khách quan. Ngược lại, nếu chỉ điểm qua bốn năm tác giả với mươi đầu sách mà sự khen chê của độc giả chưa rõ ràng, rồi cho rằng CN Hậu hiện đại được khởi điểm và chắc chắn không lâu sẽ trở thành dòng lớn trong văn học Việt thì e hơi vội !
Chúng tôi, như đã phân tích ở trên, nhằm lưu ý: Sự cách tân cốt yếu là ở cách nhìn cuộc sống và con người chứ không cốt thể hiện ở sự thay đổi liên tục các thủ pháp nghệ thuật. Quả thật từng thời kỳ, văn xuôi chúng ta có những đổi mới phát triển trong một dòng chảy liên tục. Dẫu khó tính đến đâu cũng nhận thấy là sự tiếp thu cái mới đã làm cho diện mạo văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn) thời kỳ sau này khác xa các thời kỳ trước. Vấn đề là sự đổi mới chưa đồng đều thành một trào lưu rộng rãi và chưa có nhiều đỉnh cao để minh chứng mạnh mẽ.
Chúng tôi cũng cho rằng, yêu cầu một sự đổi thay mạnh mẽ toàn diện dòng văn xuôi đương đại như kiểu văn học 30- 45 thay cho văn học trung - cận đại, hay như văn học sau 1945 thay cho văn học tiền chiến, thì vấn đề còn quá vội. Vì bên dưới những đổi thay thủ pháp nghệ thuật (hay rộng hơn là một phương pháp sáng tác) phải có cơ sở một hệ tư tưởng triết - mỹ tương ứng. Nền nghệ thuật Việt đương đại là sự tiếp diễn hệ hình triết - mỹ từ sau CM Tháng Tám, một “hệ thống mở ” có đổi mới nhưng không đổi thay về nguyên lý, cho nên thi pháp có đổi mới cũng chỉ đổi mới các thành tố, các yếu tố, hữu dụng phục vụ cho nền nghệ thuật hiện thực gắn bó đời sống cộng đồng, không thể miên man trong trạng thái phi lý của một hệ tư tưởng triết - mỹ xa lạ mà có nhà lý luận cho rằng “văn học lâm nguy” (T.Todorov)./.