Tiếng trống lễ hội vang lên. Làng cá Mân Thái nhộn nhịp. Từng gương mặt của người dân chài rạng rỡ dưới ánh nắng đầu xuân. Có con mắt hấp háy tìm ai đó trong đám con gái xinh làng biển. Có con mắt hiền dưới gọng kính lão nhìn con cháu vui trong ngày hội. Cũng có con mắt trầm ngâm nhìn ra biển như thầm nhủ trong lòng: “Cầu Trời giúp đỡ, chở che cho người dân chài chúng con ra khơi đánh cá. Cầu cho sóng yên biển lặng. Cầu cho ngư trường tận Hoàng Sa nhiều cá để dân được no đủ”.
Rồi tiếng đàn cò, tiếng trống, tiếng chiêng trỗi lên. Âm thanh nghi lễ rộn ràng. Người chủ tế cúi lạy. Giọng văn tế vang lên…
Đây là lần đầu Nhiệm được tham dự lễ Nghinh Ông ở làng cá này. Về dạy ở vùng này gần 30 năm, nhiều lần Nhiệm được mời dự, nhưng vì cớ này cớ nọ, anh không thể đến dự được. Còn lần này thì khác. Nhiệm được Hùng, người bạn học hồi xưa, là phụ huynh lớp anh chủ nhiệm 20 năm trước đây, có chân trong ban tổ chức lễ hội trực tiếp mời. Thế là anh dàn xếp để dự.
Nhiệm tranh thủ dự phần lễ. Còn phần hội thì không. Bởi từ trước đến nay, cái tính của anh không thích những nơi ồn ào, náo nhiệt. Anh tìm cách đến gặp Hùng và xin lỗi không dự tiếp. Bắt tay Hùng thật chặt một hồi lâu, rồi lắc lắc, anh lên tiếng:
- Thôi, có gì không phải, xin bỏ qua cho tôi.
Hùng vẫn nắm chặt tay Nhiệm, nói:
- Khi mô rảnh, ông ghé nhà tôi chơi nghe! Ờ, mà nè!... Thằng Hoàng, con trai tôi, nói có lẽ tháng sau, nó về phép. Nó có hỏi thăm ông đó.
Siết chặt tay, mắt nhìn thẳng vào mắt Hùng, Nhiệm gật đầu, cười tươi:
- Thằng Hoàng chừ đóng quân ở đâu?
Hùng vẫn siết tay Nhiệm, nói:
- Nó đóng quân ở Trường Sa.
- Thế à? Lâu rồi tôi chưa gặp. Cho tôi gửi lời thăm con trai ông nghe. Còn chuyện ghé nhà ông, tôi hứa có dịp tôi sẽ đến.
Những âm thanh nói cười, cỗ vũ trong tiếng trống thúc giục trò chơi kéo co. Nhiệm ra về khi phần hội bắt đầu. Thật tiếc cho anh!
Khoảng tháng sau, học trò cũ tổ chức họp lớp nhân 20 năm ngày rời trường. Hoàng, lớp trưởng của lớp Nhiệm chủ nhiệm ngày xưa đến gặp anh. Anh cảm thấy vui khi học trò cũ còn nhớ đến mình. Có thể đó là phần thưởng vô giá giành cho những người làm nghề dạy học. Hai thầy trò nói chuyện rất vui. Chỉ có tiếng cười, chỉ có những gì vui đã qua được hai người nhắc lại. Nhìn mắt thầy, Hoàng lên tiếng:
- Thưa thầy, thầy còn nhớ cái hồi em đặt câu hỏi trong giờ thấy dạy không? Em thì nhớ mãi thầy ạ.
Nghe Hoàng hỏi, Nhiệm vỗ vai Hoàng cười nói:
- Thầy nhớ chớ làm sao quên được.
Qủa thật, đối với Nhiệm giờ dạy hôm ấy mãi là ấn tượng. Hôm đó, anh dạy bài “Bạch Đẳng hải khẩu” của Nguyễn Trãi. Hoàng đã giơ tay xin phép đặt câu hỏi. Thấy học trò ham hiểu biết, Nhiệm phấn khởi lắm. Anh nhớ như in câu hỏi của Hoàng, dù chẳng đi vào trọng tâm bài học: “Thưa thầy, em nghe nói Hoàng Sa của ta bị Trung Quốc chiếm, phải không thầy?”. Thật sự, Nhiệm giật mình khi học trò hỏi câu hỏi nhạy cảm lúc ấy. Trong lòng anh nghĩ suy lung lắm. Nhưng rồi, anh nghĩ đã là thầy thì phải cho học sinh biết sự thật. Nhớ lại, trong không khí lặng im chưa từng có trong một giờ dạy học, anh nghiêm mặt nói: “Đúng là như thế! Hoàng Sa của ta bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974. Đó là nỗi đau mất đảo của dân tộc ta. Nhưng, trước mắt, các em cần phải lo học là chính. Rồi có ngày các em sẽ hiểu hơn về lịch sử, đất nước mình.”. Được dịp, như bay bổng trong nỗi niềm
của kẻ dạy văn, anh thao thao: “Như các em biết đấy. Rồi thầy sẽ già, sẽ không còn trên cõi đời này. Rồi các em sẽ lớn, sẽ sống, làm việc và tồn tại trên đất nước Việt Nam này. Các em sẽ gánh chịu lấy trách nhiệm của chính mình. Thầy tin ngày nào đó, các em, con cháu các em sẽ về lại Hoàng Sa”. Anh nói như chưa từng được nói. Bởi, thời trẻ, lúc anh học lớp 12, trường Phan Châu Trinh, trận Hải chiến Hoàng Sa đã nổ ra. Tổn thất cho đất nước là thật. Tuổi trẻ học sinh thời đó sục sôi lòng căm giận giặc ngoại xâm. Anh nhớ lại, nhiều thầy cô dạy mình, chẳng có thầy cô nào nói sai sự thật về lịch sử dân tộc.
Giờ dạy hôm ấy, Nhiệm giảng với tất cả lòng nhiệt huyết của người thầy thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Nhiệm cũng như thấy sóng Bạch Đằng cuồn cuộn dâng trào…
Chuyện trò hàn huyên một lát, Hoàng nhìn đồng hồ, nói:
- Thưa thầy, em xin phép tranh thủ đến nhà một số bạn nữa.
Một tay nắm chặt tay Hoàng, còn tay kia vỗ vai Hoàng, lòng tràn ngập niềm vui, Nhiệm nói:
- Chúc em mạnh khỏe. Thầy sẽ đến dự.
Rồi ngày họp mặt lớp đến. Hôm đó, Hoàng thay mặt lớp chúc mừng các thầy cô giáo cũ từng dạy lớp của mình về dự. Trong lời phát biểu chào mừng, Hoàng có nhắc và đọc bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” như là lời biết ơn đến các thầy cô giáo, trong đó có cả Nhiệm.
Qua buổi họp mặt, Nhiệm rất vui khi biết lớp học trò ngày ấy ai cũng có công ăn việc làm, ai cũng thành lập gia đình. Đứa thì làm nghề sửa xe gắn máy; đứa uốn tóc; đứa làm công nhân; đứa dạy học; đứa là bác sĩ; đứa đi lính… Mỗi đứa có hoàn cảnh riêng, nhưng cái chung nhất là chúng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Chúng vui vẻ bên nhau như cái thời tuổi chúng 15, 16. Nhìn học trò hát bên nhau, Nhiệm vui ra mặt. Anh rất mừng vì lứa học trò anh chủ nhiệm, chẳng có ai là người xấu. Mừng nhất là Hoàng. Giờ là Trung đội trưởng một đơn vị hải quân đóng ở Trường Sa.
Ngồi nghe học trò hát, các thầy cô, kể cả Nhiệm, như trẻ lại. Tiếng nhạc, tiếng hát cây nhà lá vườn cứ thế lôi kéo tình thân của mọi người.
Rồi, cuộc tiệc cũng tàn.
Hoàng tiễn Nhiệm ra tận xe. Đưa tận tay Nhiệm giỏ hoa mà lớp tặng khi nãy, Hoàng nói:
- Thưa thầy, khoảng tuần nữa là em ra lại đảo. Em sẽ đến thăm thầy rồi mới đi!
Nhiệm đỡ giỏ hoa trên tay Hoàng:
- Thầy đợi em đến chơi. Thôi, thầy về. Hẹn gặp lại.
*
* *
Hoàng đến thăm Nhiệm như đã hẹn. Nhiệm mở cổng, cầm tay Hoàng, cùng vào nhà. Nhiệm mừng, cười tươi, giọng bông đùa:
- Lính hứa có khác! Chẳng sai một tí nào.
Hoàng cũng cười:
- Kỷ luật là sức mạnh của quân đội mà thầy.
Họ trò chuyện bên nhau. Vừa là tình thầy trò, vừa là tình của người ở đất liền với người ở hải đảo, cả hai tâm sự hết lòng mình. Hoàng kể cho Nhiệm nghe nhiều chuyện ở Trường Sa. Tất cả những gì Hoàng kể, Nhiệm cũng đã biết qua báo, đài, qua mạng. Nhưng lời Hoàng làm Nhiệm có cái gì khó tả. Nhiệm buồn buồn khi nghe kể có lần đơn vị Hoàng làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Theo Hoàng kể, khi làm lễ, lúc thắp hương, mọi người im lặng, chỉ có tiếng gió hòa trong từng con sóng, nhưng Hoàng như nghe được tiếng thì thầm của những người đã hy sinh vì Tổ quốc, biển đảo. Hoàng như thấy họ hóa thành những cột mốc chủ quyền ở Biển Đông. Trên tay họ, quốc kỳ vẫn ngạo nghễ tung bay. Hoàng như thấy Các Anh cười động viên Hoàng và đồng đội vững tay súng canh giữ biển đảo quê hương. Hoàng cũng tâm sự với Nhiệm về vòng tròn bất tử có lần Hoàng đã xem trên mạng. Vòng tròn ấy, theo Hoàng, vẫn cứ ám ảnh với bao chiến sĩ hải quân. Nghe Hoàng nói thế, Nhiệm lên tiếng:
- Đâu phải chỉ có lính hải quân ám ảnh. Theo thầy nghĩ vòng tròn ấy mãi ám ảnh bao thế hệ người Việt có lòng yêu nước.
- Dạ! Em nghe thầy nói em lấy làm mừng. Em mừng vì cả dân tộc cùng ở bên lính tụi em.
- Đúng! Cả dân tộc luôn bên những người lính, bảo vệ biển đảo quê hương.
Hoàng tiếp lời:
- Thưa thầy, mốt em ra lại đảo. Đảo đang gọi em đó thầy.
Nhiệm ngồi mà siết chặt tay Hoàng, nói:
- Thầy sẽ đến tiễn em.
Cả hai thầy trò ngồi bên nhau trong một niềm tin vô bờ bến!
Rồi ngày Hoàng lên đường ra đảo cũng đến. Nhiệm đến tiễn Hoàng như đã hứa. Anh thấy Hoàng đang ôm vợ và con. Mắt họ rơm rớm...
*
* *
Còi tàu hụ.
Tàu từ từ rời cảng Tiên Sa.
Những cánh tay vẫy vẫy tạm biệt.
Đảo gọi. Tàu rẽ sóng lên đường.
Năm 2014