Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.285
 
Một Thủa Yêu Đàn
Phạm Văn Kỳ Thanh

 

 

 

Quãng thời gian September 15 đến September 19, 1975 là thời gian hạnh phúc nhất của tôi vì được tham dự Guitar Master Class với Michael Lorimer, học trò duy nhất của Andres Segovia tại Bay Area – San Francisco, Oakland, Berkeley... Maestro Segovia đi đâu cũng “gieo hạt” tuyển chọn học trò. Theo tôi được biết đến 1975 học trò của Segovia ở miền Bắc California có Michael Lorimer và miền Nam California có Christopher Parkening. Thời gian ấy trên thế giới được học phương pháp của Segovia là coi như được theo “chính phái”. Vì, không phải nói thêm những người chơi guitar cổ điển đều biết công của Segovia đối với sự xây dựng repertoires và mang cây đàn này “len” vào các nhạc viện trên thế giới như thế nào. Sự truyền bá kỹ thuật guitar của Segovia không những được học trò phổ biến khắp trên thế giới, còn được hoạ sĩ cũng là một guitarist có hạng người Ukraine chủ bút tạp chí Guitar Review, Vladimir Bobri viết hẳn cuốn sách “The Segovia Technique” với những hình vẽ tuyệt đẹp về các thế bấm những ngón tay của bàn tay trái trên cần đàn; cách để các ngón bàn tay phải trên dây đàn khi đánh ép dây (rest stroke) hay móc dây (free stroke); cách để móng tay và thế ngồi đánh đàn.  Một phong cách thật là hàn lâm được truyền bá cho đến bây giờ. Sau này xem youtube những master classes của Segovia tôi mới thấy sự “độc tài” của ông về “phong cách chơi đàn trường phái Segovia”. Thật vậy, Fred Benedetti đã nói trên youtube về chuyện các thế bấm (fingering), cách diễn với tinh thần âm nhạc nghiêm chỉnh bài Chacone của Bach ông bắt các học trò phải tuân theo.  Cũng như võ nghệ, các bậc thầy thế giới đều muốn truyền bá tinh hoa nghệ thuật theo trường phái của mình. Có mỗi chuyện để móng tay hay không để đánh đàn mà ông Emilio Pujol (một trong học trò của Fransisco Tarrega, những người kia là Pascuel Roch, Miguel Llobet...) phải viết cả một quyển sách về chuyện này.  Nói như thế về văn học nghệ thuật, âm nhạc phải để “trăm hoa đua nở” thì hơn.  Trường phái Segovia thì chăm chút về cách để móng tay để tạo tiếng đàn tinh tuý. Còn Narcisso Yepes, theo tôi được biết thì hình như dùng phần thịt của đầu móng tay để đánh trên dây đàn.

 

Ôm cây đàn mấy chục năm từ lúc 10 tuổi, đến khi dự Master Class của Michael Lorimer tôi thấy vẫn chưa “nắm được vạt áo” của Segovia. Vì theo đuổi “chính phái” cho nên mới “vất vả” như vậy.  Cũng phải nói thêm, tôi được biết Michael Lorimer cũng do Lê Danh Hiển “danh cầm” guitar của sinh viên Việt Nam tại San Francisco vào cuối thập niên 69, đầu 70. Thật sự Hiển học violon tại Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, sau hắn bỏ và tập guitar. Vì thế hắn có bàn tay trái khi chơi guitar khá có lợi thế.  Có một hôm trời mưa lâm râm Hiển rủ tôi sang Berkeley để gặp Michael Lorimer. Sau một tiếng đồng hồ mất toi 20 dollars chỉ được nghe thầy nói chuyện cách để móng tay, các thế bấm của bàn tay trái trên cần đàn, cách đánh ép dây, móc dây, phương pháp tăng khả năng đọc nhạc guitar. Sau cùng thầy kết luận là về học lại bài số 5 của “20 etudes” của Fernando Sor. Sau đó thầy tiễn chúng tôi ra cửa và chắp tay chào lối nhà Phật. Theo thời giá thì 20 dollars thủa đó sinh viên như chúng tôi cũng đi chợ ăn được cả mười ngày. Nhưng cơn “bốc” vì say mê guitar cũng phải “bấm bụng” mà chịu.  Tóm tắt là Michael Lorimer nói về tập lại từ đầu từng nốt một trên dây và áp dụng “rest stroke” và “free stroke”. Đó còn chưa kể phải tập lại bài số 5vừa nói trên để hiểu đâu là bè chính đâu là bè phụ (music interpretation).  Sau đó hẹn thầy để học lớp tiếp.  Phần thì “đường trường” guitar còn quá dài, lại phải học chương trình cao học kinh tế khá nặng nên tôi dù yêu đàn cách mấy cũng phải hẹn “em” ít lâu nữa. Còn Hiển tuổi trẻ say máu mang Chacone của Bach ra tập tháng này qua tháng khác. Thật sự Chacone là repertoire của violon, Andres Segovia viết lại (transcribes) cho guitar. Nên, đã học violon, Hiển có lợi thế về các thế bấm tay trái, hay mổ ngón tay trên dây đàn guitar. Cứ cuối tuần lại gặp nhau để nghe đĩa của Julian Bream chơi nhạc Bach. Hiển cũng “hăng tiết vịt” tập Suite in E minor của Bach. Còn tôi mới ở Việt Nam sang cũng chỉ chơi loanh quanh mấy bài giới guitar Sài Gòn ham chuộng như “La flute enchante” ( “Variations on a theme by Mozart”), “La feste Larianne”, “Recuerdos de la Alambra”, “Valses Venezolanos”, “Asturias”, “Sonate en Do” (của Paganini)...nói chung là repertoires rất là cũ kĩ. Vì thế Bach đối với tôi có một sự quyến rũ lạ lùng nhất là những Luth suites. Quãng thời gian này thật đẹp, hàng tuần gặp nhau chỉ bàn chuyện kỹ thuật Fugue của Bach.  Kết thúc giai đoạn này là một concert nhỏ ở nhà ông một giáo sư âm nhạc trường San Francisco State University, Paul E. Handley, với sự trình diễn của Lê Danh Hiển (guitar), Đặng Xuân Thìn (piano, đang học về composition ở SFSU) và tôi (guitar). Về bài bản thì Hiển chơi hai “Etudes số 4 và 8” của Villa Lobos, “Suite in E minor” của Bach, “Fantasia para un gentil hombre” của J. Rodrigo (Thìn đệm piano), “Etude in E minor của F. Sor”. Tôi chơi “Sonata in C của N. Paganini”, “Variations on a Mozart Theme” của F. Sor, “Two Galliards” của J. Dowland, “Pavana” của Gasper Sanz. Tôi cũng đánh chung với Thìn (piano) “Sonatine in A major” của A. Diabelli. Về phần piano  Thìn không chuyên nghiệp về piano, nhưng vì học composition nên hắn phải tập piano, nghề chính hắn học Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn là viola. Vì thế repertoires piano là những bài dễ như “Arabesque” của C. Debussy, “Three fragments for piano” (do Thìn sáng tác), “Sonata N.2 in C major” (Mozart), “Prelude N.22 in G minor” (F. Chopin). Sau concert này các bạn đàn đều phải lo học và đi làm nên thỉnh thoảng mới gặp nhau hoặc lên cơn nhớ đàn thì đánh vài giờ cho “thoả nỗi nhớ mong”. Thản hoặc tập scales và những bài cũ để duy trì technique. 

 

Như đã nói trên, 5 năm sau (1975) tôi ghi danh và học guitar master class với Michael Lorimer ở San Francisco.  Tôi cũng đã học xong cao học kinh tế nên đi làm lai rai cũng có tiền. Tôi còn nhớ học phí rất đắt nhưng vì “yêu đàn” nên “liều mạng” vét hết savings

đóng cho Michael Lorimer.  Lớp này kéo dài từ September 15 đến September 19, 1975 tại trường Hamlin (trường tiểu học của con nhà giầu San Francisco).

 

Bây giờ Segovia master classes được posted đầy trên youtube nên giới chơi guitar thời nay cũng không cho những lớp này là huyền thoại ghê gớm dành cho “quí tộc guitar”. Lúc nào cũng có thể tham dự master class qua màn ảnh nhỏ. Bây giờ, tôi chỉ muốn ghi lại  những kỷ niệm yêu đàn đầy thơ mộng, “dại khờ” (vét hết savings đi học đàn). Nhưng đây cũng không phải lần đầu “dại khờ” về đàn. Tháng 3 năm 1971, vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến San Francisco, Lê Danh Hiển đã dẫn tôi đến một hiệu đàn ở Stone Town gần SFSU “tham quan”. Cả vốn liếng mang đi từ Sài Gòn có 640 dollars để đóng tiền học và chi phí ăn ở, tôi đã lên “cơn sốt guitar” bỏ ra 275 dollars để mua cây đàn Martin rất đẹp, nhỏ gọn. Martin không chủ trương làm đàn tiếng vang ầm ầm theo khuynh hướng Tây Ban Nha như Ramirez nên đánh lên rất là gọn. Mới ở Sài Gòn sang nên thẩm âm của tôi vẫn ảnh hưởng đàn Phúc Lợi ở đường Nguyễn Thiện Thuật, tôi “bất mãn” vì cây đàn mới mua không vang. Tôi bèn đến Agcaoili ở đường Filmore đổi lấy cây đàn Yamaha. Cũng may chủ studio là người Mỹ gốc Philippines cũng tử tế, ông là dân chơi đàn violon nên  thông cảm với tôi đã trả lại cho tôi thêm một ít tiền và còn có nhã ý mời tôi dậy đàn. Thế là tôi đã yên tâm không đói vì có việc kiếm ra tiền rồi.  Sau đó ông còn cho tôi thuê một phòng trong căn nhà của ông ta ở khu “black is beautiful” Steven Points. Tôi nghĩ mình là dân Annam thì có gì mà phải sợ mấy “hắc công tử”. Nhưng bạn bè đến thăm tôi cũng hơi “hãi” khu này. Ông người Phi chủ studio Agcaoili rất là mê violon, nhưng tôi thấy ông “đánh vật” thật là vất vả với bài “Thai’s Meditation” của Massenet hàng đêm, nhưng âm thanh vẫn bị “faux”. Tôi khéo léo khuyên ông nên tập piano cho “đỡ vất vả”. Vì giá chót gõ vào phím là nó kêu liền, còn “faux” hay không là tại đàn (không lên dây đúng) chứ không phải tại mình. Tôi quí ông Agcaoili vì ông là ân nhân giúp cho tôi công việc để kiếm tiền sinh sống những ngày đầu đến Mỹ du học.   Điều tôi quí ông hơn nữa là ông đã cho tôi đổi thoải mái những cây đàn hay nhất của studio với giá vốn.

 

Thôi chết tôi lạc đề rồi, phải trở lại cái vụ học master class với Michael Lorimer.  Tóm tắt trong 5 ngày master class thầy dậy chúng tôi được hai phần. Phần một là cách ngồi, cách bấm, cách đánh trên dây đàn. Phần hai là cách diễn với tinh thần âm nhạc (music interpretation).

 

Phần Một.

 

-Về cách ngồi khi đánh đàn:

 

 Phải ngồi thẳng lưng, thoải mái. Đàn tựa trên đùi trái, chân phải kéo xuống gần chân ghế ngồi. Đàn phải hơi chếch 100 độ so với mặt đất.

 

-Cách chọn cây đàn:

 

Để ý đến tiếng thật của đàn, đừng để ý đến tiếng vang của phụ âm. Không cái dại nào giống cái dại nào, cũng vì cái tai kém cỏi tôi đã đổi cây đàn Martin lấy Yamaha 5 năm trước chỉ vì tiếng đàn này vang hơn. Thế là Michael Lorimer vừa giảng về tiếng đàn vừa “rũa” thậm tệ cây đàn Ramirez chế bởi luthier nổi danh Tây Ban Nha và ca tụng cây đàn Hermann Hauser do luthier người Đức làm. May mà lời giảng của Michael Lorimer không đến tai thầy ông là Segovia. Vì ông là người Tây Ban Nha, con người rất nặng dân tộc tính sôi nổi. Thật vậy, khi ông đánh đàn guitar nhạc Bach bạ chỗ nào cũng rung dây (vibrato). Không có cái lắng đọng như Julian Bream chơi nhạc Bach. Điều dễ hiểu vì Julian Bream ngoài guitar, ông còn là danh cầm chơi nhạc thời Baroque bằng đàn luth.

 

Những ngày đầu đến San Francisco (1971) tôi thường lai vãng ở hiệu đàn ở đường Union San Francisco và Paragon Music ở Berkeley để chiêm ngưỡng cây đàn Hauser (khoá trong tủ kính). Đôi khi tôi phải năn nỉ chủ hiệu đàn cho tôi reo vài cung đàn cho đỡ ghiền. Gía cây đàn Hermann Hauser hồi đó là 6000 dollars. Số tiền này có thể đặt cọc để mua một căn nhà nhỏ. Tôi cũng không dám “yêu đàn” đến mức “bốc đồng” đi vay nợ để mua cây đàn này. Kỳ thật, Hermann Hauser đúng là một “mỹ nhân thầm kín” (introvert) không ồn ào (extrovert) như anh chàng Ramirez, tuy nói to nhưng không rõ nét. Ngồi xa hay gần tiếng thủ thỉ rõ và trong của Hauser cũng đến tai người nghe. Vì thế các virtuoso không dùng microphone khi trình diễn ở các recital với cây đàn Hermann Hauser. Mở một dấu ngoặc, hồi đó tôi cũng có lòng yêu cây đàn Konoh của Nhật, không hiểu giờ này “nàng” còn có mặt trên thị trường không khi có chàng “trai trẻ” Smallman xuất hiện (người chế đàn Smallman sống ở trong rừng Úc Châu, sún cả răng. Tuy vậy mà danh cầm John Williams cũng phải lặn lội vào rừng thăm chàng luthier “khiếm răng” này. Đàn của chàng không rẻ ít nhất cỡ 30 nghìn dollars và bây giờ backlog đặt đàn phải 10 năm sau mới lấy được.)

 

-Kỹ thuật diễn nhạc:

 

. Nhạc của Villa Lobos có nhiều chromatic chord progressions. Cho nên khi di chuyển tay trái trên cần đàn chỉ để nhẹ ngón út lấy điểm tựa và nhấc những ngón trỏ, giữa và áp út khỏi cấn đàn để tránh tiếng cọ sát trên dây đàn.

 

. Vibrato (rung dây):  Có hai lối vibrato. Một “là” lay ngang theo mặt cần đàn. Hai “là” lay dọc theo cần đàn. Có khi vibrato cả chord.

 

. Cách “strike” (đánh) ngón tay bàn tay phải trên dây:  phải “strike” thật nhanh và dứt khoát trên dây, tiếng đàn mới rõ và thanh.

 

. Phải nắm vững nhịp của bài bản, nhưng cũng phải hiểu rõ cú pháp (syntax) của câu nhạc diễn cho tự nhiên tránh không máy móc như cái metronome. Phải tìm hiểu rõ nguồn gốc của bài nhạc, nỗi lòng của tác giả khi sáng tác (để tránh vui buồn lẫn lộn) và style (phong cách) của ông hay bà ấy.

 

-Xây dựng bài bản (repertoires):

 

. Thích Baroque, thì nên làm quen với nhạc luth của Bach.

. Thích Classique thì làm quen với nhạc clavecin, piano...Mozart.

. Thich Romantic & Nationalistic thì làm quen với Chopin.

. Thích nhạc Spanish thì làm quen với Manuel de Falla, Joaquin Rodrigo, Mario Castelnuevo Tedesco, Federico Mompu, Tarrega...

. Thích Trung Nam Mỹ thì làm quen với Manuel Ponce, Hector Villa Lobos, Augustin Barrios Mangore, Antonio Lauro...

. Thích nhạc mới thì tập William Walton, Brittle...

 

.Điều quan trọng là nên chọn loại nhạc hợp với lòng (hay tim cũng được) mình. Như thế mới có dịp thủ thỉ, thổn thức với cây đàn (đôi khi phẫn nộ cũng được như mấy chàng xính nhạc Flamenco). Như thế, để hợp với nỗi lòng mình, tôi sẽ trở về với Hò, Xàng , Xê, Cống, U, Líu hoặc dân ca Quan Họ (Hãy nghe Maestro Đặng Ngọc Long “thổn thức” với Dân Ca Quan Họ, hoặc guitarists Hoàng Ngọc Tuấn “gõ” “Trống Cơm”, Nguyễn Thế An “vo dây” “Thánh Gióng”...). Tiếc rằng “Hoàng Hạc Lâu” Cung Tiến soạn cho guitar chưa tới mức thử thách kỹ thuật đối với cao đồ guitar, nếu không cũng là một repertoire đáng kể cho guitarist Việt Nam như “Tôi đưa em sang sông” (Hồ Đăng Tín soạn từ ca khúc của Y Vũ và Nhật Ngân). Nói vậy, chứ “quạt chả” trên guitar để đệm cho lời ca, tiếng hát như Trần Tiến mà không vui à (?)

 

 

 

 

-Luyện thêm ngón đàn:

 

. Tay phải:  mua volume III (trang 52, 53) trong bộ sách 4 cuốn của Emilio Pujol mà tập (bộ sách này được dùng trong hầu hết các nhạc viện trên thế giới cho bộ môn guitar cổ điển).Trường phái Segovia không chuộng kỹ thuật tremolo lắm. Vì thế, Segovia nhất định không chịu tremolo khi chơi bài “Recuerdos de la Alambra”. Còn John Williams, “hoàng tử” (Segovia gọi J.W. là “the prince of guitar”, vì lúc ấy ông đi đâu cũng có cây trượng hàm ý cho mình là “king”) chơi bài này kém Ana Vidovich, Karin Schauff nhưng vẫn nhuyễn và đều hơn Kim Chung của Việt Nam một tí.

 

 

Phần hai

 

Từ ngày thứ hai trở đi cho đến cuối khoá, một số guitarists được tuyển chọn “làm người mẫu” chơi những repertoires tiêu biểu để Michael Lorimer nói về phong cách diễn nhạc (musicianship).

 

-Suite Compostalana của Federico Mompu:

 

. Kỹ thuật harmonic (tiếng chuông):  dùng ngón tay bàn tay trái búng thật nhanh khi tay phải đánh vào giây ở phím 5,7,12. Trên phím 12, từ phím 13 thì dùng ngón trỏ bàn tay phải bịt vào nốt muốn đánh và dùng ngón giữa khảy cùng một lúc. Thật ra thì từ phím 13 trở đi thì các nốt nhạc lại giống như phím 1 chỉ có khác cao độ thôi (“mánh” này cũng hay. Chứ không, khi thấy các guitarists cứ đánh từ phím 13 trở đi là là phục “sát đất”).

 

.Lại nói thêm có loại “staccato harmonique”: phải chặn cả ngón (ngón trỏ) của bàn tay trái trên dây giống như bar (chặn) ngón cái đánh vào dây và chặn lại sau khi đánh.

 

. Khi rải chords thì chếch bàn tay phải làm một góc 60% với dây đàn.

 

. Michael Lorimer lại khuyên dùng bài tập của Pujol để tập “free stroke” và “rest stroke”, đánh thật dứt gióng trên giây đàn để tránh tiếng “puzzle”.

 

.Muốn “khống chế” được kỹ thuật bài này, guitarist phải tập cho nhuyễn chromatic scales sách do Segovia soạn. Nhưng phải sử dụng 3 ngón i,m,a (trỏ, giữa, áp út). Cái khó là phải luyện 1. Ngón cái (thumb) dùng móng tay (nail) trong khi đó ngón trỏ (i) lại phải dùng thịt đầu ngón tay (flesh) 2. Rồi ngược lại ngón cái (thịt), ngón trỏ (móng). Thật là nhiêu khê như tập làm xiếc. Vì thế khi thấy các danh cầm thế giới trình diễn bài này trên sân khấu người nghe không trong ngành guitar tưởng dễ như “ăn cơm sườn”. Thật sự ngó vậy mà không phải vậy. Phải khổ luyện mới đạt được những kỹ thuật như thế.

 

. Đây là một loại lullaby “bài ru”, phải chơi cho nó êm ái, em bé mới ngủ được.

 

. Ý nghĩa tựa đề bài nhạc: Compo: city, Stalana:  Star. Movement cuối cùng là dân vũ Tây Ban Nha nhưng âm điệu vui nhộn lại giống Scott Pipe music của Scottish (Tô Cách Lan).

 

-Sonata III của Manuel Ponce:

 

. Trong bài nhạc có nhiều cuộc đối thoại giữa các giai điệu (dialogue between melodies). Như vậy phải biết nhấn (accentuation) ở những notes giống như chấm câu. Chứ không giống như nói “tràn cung mây” thì làm gì có đối thoại. Nếu trình độ âm nhạc kém thì không nhận ra điều này. Đó là lỗi chung của những người tự học đàn lấy không có dịp học nhạc sử, hoà âm (harmony), đối âm (đối âm), tòng (tẩu) âm (fugue), nhạc pháp (solfege)...Tuy nhiên không được đào tạo bởi trường ốc nhưng có tinh thần học hỏi của một “học thật” (không học giả) cũng có thể vuợt qua những chướng ngại này.

 

. Có nhiểu chords trong bài khi pluck thì “búng” tất cả các ngón tay của bàn tay phải cùng một lúc “quyết liệt” nhưng bàn tay phải bất động, đừng “bức xúc”.

 

-Five baguetteles for guitar của William Walton do Julian Bream transcribes.

 

Nhạc mới chắc Michael Lorimer không rành nên “lảng” đi và chỉ nói sơ sơ rồi đánh dạo (“rao” như đàn tranh của thầy Khê và thầy Vĩnh Bảo) vài cung đàn lấy lệ.

 

-Sonata “Omaggio a Bocherini” của Manuel Castelnuevo Tedesco.

 

.Khi chơi nhạc Baroque thì các guitarists(loại có đẳng cấp và kỹ tính) thường dùng strap để giữ cho guitar không đụng vào ngực sẽ gây tiếng vang không cần thiết (trong khi đó Đàn Đáy của Việt Nam lại khoét cái rosace ở đằng sau ôm vào ngực để dùng lồng ngực như bộ phận phát âm “table d’harmonique”). Như vậy không thể “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” được. Mỗi nền văn hoá có cách thẩm âm khác nhau.

 

. Ông thầy cũng khuyên nên tập đàn vào buổi sáng, khi con người còn “tinh khôi” chưa có những toan tính về cuộc sống vào những giờ kế tiếp trong ngày. Thấy học viên không đồng ý ông thầy bèn dung hoà, thôi thì cứ tập vào bất cứ lúc nào thích. Đàn mà, đâu có phải cứ “ép” đánh là được, phải có thích cảm hứng mới lên được chứ.

 

-Fantasia para un gentil hombre của Joaquin Rodrigo

 

. Để ý dấu lặng cũng quan trọng như nốt nhạc. Đó là triết lý “on, off” Nhị Nguyên giống như computer. Hát hay đàn cũng cần có một cái pause còn để thở chứ (trừ khi hát “Đồng Song Thanh” kiểu Mông Cổ như nhà nhạc học lừng danh Trần Quang Hải thì khỏi ngưng để thở. Không hiểu ông lấy hơi ở đâu ra? Hay là hơi hàm, hơi óc...giống mấy trưởng thượng Hát Bội.). Ông thầy nói trong bài này chạy những passages của notes thật nhanh nhưng khi ngừng cũng phải khéo léo, không có “vấp ngã”.

 

 

-Prelude số III của Hector Villa Lobos.

 

.Ông thầy chỉ nhắn nhủ khi chạy một chuỗi chords trên cần đàn nên vibrato cho có phong cách “đa tình” kiểu Brasil. 

 

. Giở trang 67 cho đến 69 cuốn số II của Emilion Pujol tập “rest stroke” (ép dây) thì mới đánh bài này hay được.

 

-Vài điều “Ngư Tiều Vấn Đáp” trước khi Thầy Trò chia tay.

 

.Không nên dùng trí nhớ và đánh tủ . Như các guitarists thời của tôi ở Sài Gòn ngày xưa, có nhiều người thuộc nhiều bài nhưng bảo nhìn vào nhạc thì chịu thua, là vì học “tủ”. Vì thế khi trình diễn hay bị vấp, nếu quên một đoạn là coi như “tiêu tùng”. Vì đánh đàn cái tay nó chạy nhưng nó bị cái óc nó điều khiển chứ. Trong óc không có dòng nhạc nào đang chạy thì tay quên làm sao nó nhắc? Thành ra phải mua nhiều loại nhạc khác nhau mà tập “sight reading”.

 

. Nên tiếp xúc với nhiều loại nhạc khác nhau. Vì, mỗi một loại nhạc lại phải xử lý theo phong cách riêng. Đánh nhạc Hector Villa Lobos nhiều sẽ thấy ông hay cho chạy chromatic scales để gây tiếng ồn rộn rã như nhạc punky bây giờ. Sang đến ngài Bach thì bao nhiêu bè chạy loạn xạ, bè nọ đệm cho bè kia “em ngã, chị nâng”, “đào luồn kép với” theo phong cách fugue. Nếu không quen thì sẽ bị “hoang mang, bồi rối”. Sang đến mấy ông đầu thế kỷ 20 như Debussy, Ravel, Faure...nhạc lung linh mang hồn “Ngũ cung Á Châu, lơ lớ pelog Indonesia...) thi chords bắt đầu xa lạ. Ráng tập làm quen thôi. Đã định làm nghề thì phải chịu khó tổ mới “đãi”. Nếu không lên sân khấu thì “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Như vậy chơi Tuba cho khoẻ, ngủ say thỉnh thoảng tỉnh dậy làm vài nốt rồi ngủ tiếp.

 

. Khoá học cũng không thể chấm dứt dễ dàng như vậy là vì  có học viên vẫn thắc mắc là “ông ngoại” Segovia tại sao chơi “Recuerdos de la Alambra” không chịu tremolo mà cứ rải chords từ đầu đến cuối? Trong khi toàn thế giới chơi theo phong cách tremolo. Ngay ở xứ Việt phát triển “không được nhanh” mà ngày xưa có Trần Văn Phú (nay bạn tôi đã ra người thiên cổ. Tôi đã nhường job dạy guitar ở trường âm nhạc Bach của cha Định ở đường Nguyễn Thông cho Phú trước khi đi du học ở Mỹ năm 1971) nay có Kim Chung reo giây p,i,m,a rất là rộn rã trước ngài Đại Sứ Tây Ban Nha trong một nhạc hội ở nhạc viện thành phố.

 

Không biết Michael Lorimer có biết tremolo hay không nhưng ông ta cũng đề nghị một số phương pháp tremolo như sau:

 

. Freely & evenly touch different string. (Thoải mái đánh âm thanh đều trên mỗi dây đàn)

. Play slowly staccato on each string. (Chơi chậm “nhả hột” trên mỗi dây đàn)

. Play at a regular speed staccato on each string. (Chơi ở tốc độ bình thường “nhả hột” trên mỗi dây đàn)

. Play fast staccato on each string. (Chơi nhanh “nhả hột” trên mỗi dây đàn)

 

 Sự nghi ngờ của tôi có khi thật vì không thấy Michael Lorimer đánh một bài nào tremolo (gieo dây) bao giờ. Nghe nói khi còn sống Segovia rất đố kị với Augustin Barrios Mangore, người viết một số nhạc phẩm rất hay sử dụng kỹ thuật tremolo. Không biết Segovia có chơi nhạc Mangore bao giờ không nhỉ? Nếu ai tìm được đĩa nào về vụ này xin cho nghe ké.  Nhưng “hoàng tử guitar” John Williams chơi nhạc Barrios Mangore khá hay. Nhưng tôi lại nghĩ Berta Rojas chơi có hồn hơn.

 

Khi vớ được bài luyện tập của Vladimi Bobri về tremolo (chắc ông lén Segovia xuất bản tập sách này, vì ông là “phó vương” theo phò Segovia) tôi tập ít lâu thì thấy có tiến bộ nhưng không nhiều. Sau này tôi khám phá rằng “Người Hà Nội không vội” (tôi sinh ra ở Thanh Trì Hà Nội nơi nổi tiếng về bánh cuốn ?) khi tôi cảm thấy ngón cái “làm bạn” với ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út bàn tay phải. Mới đầu mấy ngón giắt tay nhau đi bộ từ từ, sau thì chạy nhanh lên mà không “rã đám”. Từ đó ngoài “người tình muôn thuở” “Recuerdos de la Alambra”, tôi còn bị những tác phẩm tremolo của Augustin Barrios Mangore quyến rũ dứt không ra.

 

Bây giờ trên thế giới có nhiều danh cầm không nằm trong khuynh hướng Segovia nhưng rất nổi tiếng. Nói về đàn thì mỗi người có một cái tai khác nhau nên cũng có cái gu khác nhau. Riêng tôi qua “đại học” Youtube tôi có cảm tình với những guitarists sau đây:

 

1. “Vua” Andres Segovia

2. “Hoàng tử” John Willams

3. “Trưởng Thượng” Julian Bream

4. Ernesto Bitetti

5. Oscar Ghiglia

6. Aniello Desidero

7. Karin Schaupp

8. Ana Vidovic

9. Berta Rojas

10. Ana Likhacheva

11. Christophe Parkening

12. David Russell

13. Romeros family

14. Ida Presti & Alexandre Goya

15. Sharon Isbin

16. Narciso Yepes

17. Marcin Dilla Tychy

18. Dimitri Illarionov

19. Goran Kriv

20. Vladimir Gorbach

21. Paola Requena

22. Manuel Barruco

 

Còn ông thầy Michael Lorimer của tôi“lặn” bao năm chẳng thấy có cái đĩa nào cả. tìm trên Youtube chỉ thấy có mấy cái clips chàng học master class với Andres Segovia vào thập niên 60.

 

Nhưng, tôi tập đàn cả đời, đã “kết tình” với các nhà soạn nhạc nước ngoài nhiều rồi có lúc cũng phải “hồi hương” về với ao nhà, nhất là lúc đến tuổi về quê “đuổi gà đuổi vịt” trước khi hai tay lơ mơ quơ “bắt chuồn chuồn”. Hiện tại tôi dồn hết công trình tập guitar để đánh những bài nhạc của mình như “Mây”, “Quê Hương Tuổi Nhỏ”, “ Sài Gòn Đêm Xanh”, “Giọt Nước Mắt Vườn Lệ Chi”... Học nhạc ngoại nhiều rồi bây giờ tôi đang ôn bài Thầy Trần Văn Khê đã dậy tôi cách đây gần 30 năm trước về nhạc dân tộc để gây dựng làm vốn riêng khảy đàn khi “sớm trông hoa nở, tối chờ trăng lên.”

 

Tôi xin ngưng ở đây và có dịp sẽ viết tiếp “mối tình” với Hò, Xàng, Xê, Cống, U, Líu.

 

Cám ơn những độc giả đã dành chút thì giờ đọc bài này.

 

Chiều chủ nhật tại Sài Gòn August 02, 2015

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Văn Kỳ Thanh
Số lần đọc: 3715
Ngày đăng: 11.08.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặc điểm ca nhạc chèo. - Tuấn Giang
Xây dựng nền âm nhạc thời đaị mới. - Tuấn Giang
Đặc điểm các trào lưu ca nhạc Mỹ - Tuấn Giang
Ngày xuân tìm hiểu phong cách nhạc pop Qua bài hát: Happy New Year! - Tuấn Giang
Xuân sang Nói chuyện nhạc Rock - Tuấn Giang
Sự tác động các trào lưu lối sống ca nhạc toàn cầu hóa - Tuấn Giang
Giải pháp ngăn chặn nguồn Thông tin ca nhạc ngoài vùng kiểm soát. - Tuấn Giang
Trào lưu nhạc sến. - Tuấn Giang
Phát triển ngôn ngữ tiếng Việt qua góc nhìn âm nhạc. - Tuấn Giang
Chương trình ca nhạc Giai điệu tự hào nên bỏ… - Tuấn Giang