Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.430
 
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương - bản hòa ca về cái cô đơn của con người đương đại
Trần Thị Ty

 

Tazaki Tsukuru không  màu và những năm tháng hành hương- tựa đề cuốn tiểu thuyết như dự báo về một cuộc đời trống rỗng, cô độc và mang nhiều hoang mang của nhân vật Tazaki. Có thể thấy, những nhân vật của Murakami đều mang một đặc điểm thuộc về bệnh lý tâm thần, mà cụ thể là cái cô đơn bản thể, như Toru Wantanabe trong “ Rừng  Nauy”.  Còn ở Tazaki mang trong mình một nỗi cô đơn huyền bí. Nhiều chi tiết trong truyện đã cho thấy sự lấn át của sự cô độc, của kí ức trong tâm trí Tazaki, và chỉ có cách duy nhất là chung sống hòa hợp với nó mới khiến cuộc sống của anh ta tiếp diễn, để một hình hài Tazaki chỉ là ‘không màu” chứ không hề vô hình. Điều đó cho thấy nỗi buồn sâu sắc vừa có thể nguyên nhân của một trạng thái bệnh lý, vừa có thể là hệ quả của nó.Và chính sự suy diễn của Tazaki về thời kỳ khủng hoảng tình bạn ấy khiến anh đau hơn nỗi đau anh đã từng có.Bệnh tật là thứ dễ chịu hơn cảm xúc, đằng này, Tazaki lại đã và đang bị cảm xúc chế ngự. Trong cái cảm xúc vô thức ấy, luôn luôn có sự hoang hoải về một sự thật đã ẩn khuất và nỗi kinh hãi với cuộc sống thời hiện tại – mấy tháng trời ở tuổi đôi mươi ấy: “Chỉ có bóng tà bí ẩn và màn đêm khôn cùng đổi vai cho nhau sau mỗi cữ thời gian nhất định. Đó là giới hạn cùng cực đối với những loài có tri giác.Song đồng thời, cũng là một nơi màu mỡ. Vào thời khắc của bóng tà, lũ chim với những chiếc mỏ nhọn như mũi dao sẽ tìm đến và róc thịt gã không thương tiếc. Nhưng khi màn đêm bao phủ mặt đất, lũ chim biến đi đâu mất, cũng là lúc nơi chốn ấy sẽ âm thầm trám đầy khoảng trống sinh ra trong thể xác gã bằng những vật chất thay thế.”Để từ đó, suốt phần đời còn lại, Tazaki luôn phải sống trong trạng thái chơi vơi tách biệt, như thể “hồn lìa khỏi xác”, có khi còn không nhận định được sự tồn tại của bản thân...

Cách Murakami gọi tên nhân vật thật lạnhưng đầy dụng ý. Những cái tên thuộc về màu sắc: Xanh, Trắng, Đỏ, Xám và Không màu. Ngay ở tên gọi đã có một sự mê hoặc nhất định đối với độc giả,  sự mập mờ giữa cái đã quá rõ ràng như Đỏ và cái chưa thể biết được – vì sao lại là Đỏ? Sự phân chia và gọi tên các nhân vật bằng màu sắc thật sự phù hợp với những ẩn dụ của câu chuyện tác giả mang đến, màu sắc gắn với tính cách và con người của mỗi nhân vật. Khi Tazaki trở thành trung tâm của truyện kể, với vai trò “không màu”, anh đã gây một xúc cảm trực tiếp đối với người đọc, anh hẳn nhiên là “không màu” với những năm tháng cô đơn, buồn tẻ. Chỉ là cuộc du hành ngược về quá khứ, đi tìm nguồn gốc sâu xa của những nỗi đau trong anh cùng với hành trang là những mối quan hệ xã hội, những khoảng thời gian vắng mặt chỉ chực tìm đến bóng tối và cái chết, những nhân vật vắng mặt chỉ có trong kí ức… chẳng nhiều nhặn gì nhưng cái âm hưởng của nó thì lại vô cùng sâu thẳm, và hơn thế là ám ảnh. Ám ảnh bởi đó là tình trạng chung của con người trong cuộc sống đương đại. Cái cô đơn trong Tazaki Tsukuru cùng con người đương đại  đó chính là một biểu hiện của nỗi sợ, nỗi sợ bị-khước-từ. Khi đọc về những đoạn viết về cái cô đơn của Tazaki, người đọc như có cảm giác trôi dạt vào thế giới của Murakami – “Thực tế trong mấy tháng đó không hiếm khi anh ta nghĩ rằng có lẽ mình thực sự đã tắt thở. Còn cái vật thể đang đi lại hít thở trò chuyện làm việc kia thì tính là gì, bạn sẽ không thể tìm thấy câu trả lời giấy trắng mực đen. Riêng tôi thì cho rằng nó chỉ là một thứ không tên nằm bên ngoài sự sống và ý thức - một ý nghĩ đầy màu sắc tâm linh”.

            Murakami cũng triệt để khai thác chủ đề một con người cá nhân đơn độc đối diện với thế giới, tìm cách thoát ra khỏi thế giới để quan sát từ bên ngoài. Cái lạ của tiểu thuyết Murakami là một hành trình như vậy lại không bao giờ có màu sắc của chán chường, bi thảm.Cũng như thế, những con người trong câu chuyện này đều cô đơn. Cô đơn, nhưng không khước từ thế giới, sầu thương nhưng vẫn có những mục đích phía trước, không phải đang chống lại hiện thực, mà là chấp nhận nó, sống cùng nó. Giống như Tazaki làm bạn với những nhà ga, Đỏ ngập trong đam mê với gốm, Xanh thì mải miết với những bản diễn thuyết,… cứ như thế ngày này qua ngày khác cho đến khi Tazaki tìm đến và khơi gợi lại trong họ những kí ức, những kí ức tưởng chừng như đã bị lãng quên.

Có những góc khuất không bao giờ sáng tỏ cho dù ta có nhọc công tìm kiếm bao nhiêu đi chăng nữa. Cái cô đơn ấy vốn dĩ ẩn trị trong mỗi người, khi gặp hoàn cảnh cụ thể, một sự kiện nào đó sẽ khơi gợi nó, đánh thức nó, con người lúc này buộc phải đấu tranh để chống lại nó, hoặc chấp nhận sống cùng nó. Không có những giới hạn, mức độ cụ thể nào để đo lấy cái cô đơn. Càng chấp nhận nó bao nhiêu, nó càng lớn hơn trong ta bấy nhiêu.Và thế, chúng ta không thể phủ nhận cái triết lý về đời sống bên trong con người mà tác giả đã đúc kết: “Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương.Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh.Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực”.

Cuối cùng, liệu rằng cô nàng Sara thời hiện tại có đến với Tazaki không, những bí mật của Trắng và Xám là gì, còn điều gì ẩn chứa sau những giấc mơ thấm đẫm nhục dục của Tazaki?... vẫn là dấu chấm hỏi đối với người đọc. Cái kết mở trong cuốn tiểu thuyết này có thể không làm thỏa mãn người đọc, song, những thứ tưởng như huyễn hoặc, siêu thực ấy kéo độc giả trở lại với đời thực vì mọi thứ đều đã và đang tiếp diễn, và điều gì ở cuối con đường vẫn là một ẩn số. Cứ thế, con người ta vẫn còn muốn sống, còn điều gì đó để hy vọng và để chờ đợi. /.

 

·        Tài liệu tham khảo:

 

1.      M. Arnaudov (1994), Tâm lí học sáng tạo văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.

2.      Haruki Murakami  (Uyên Thiểm dịch)(2014), Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

3.      Trần Đức Thảo (Đoàn Văn Chúc dịch) (1997), Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

4.      Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2002), Nghệ thuật như là thủ pháp, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

 

 

 

 

Trần Thị Ty
Số lần đọc: 2263
Ngày đăng: 16.08.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi tìm thú vui - Võ Công Liêm
Lời khuyên của bảy nhà thông thái Hy Lạp - Nguyễn Hồng Nhung
Thêm một bàn-tay-thơ của Nguyễn Đức Tùng - Đỗ Quyên
Hamvas Béla "Bữa ăn nhẹ của Thượng Đế an lành" - Nguyễn Hồng Nhung
Từ "Dấu chân trên cát" đến "Tro bụi trần gian" * - Trần Hoài Anh
Trao đổi về thơ dịch - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyễn Đức Tùng bình thơ Mỹ - Thanh Thảo
Một góc nhìn tiểu thuyết, truyện ngắn thời đổi mới... *** - Yến Nhi
Thách đố của ngu xuẩn - Võ Công Liêm
Cụ Bùi Hạnh Cẩn: Một Nhà Văn Hóa Của Hà Thành - Hoàng Xuân Hoạ