Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.457
 
Luân Hoán với Giai Nhân ( phần 1 )
Nguyễn Văn Thơ

 

 

1.Phần Đời

 

Luân Hoán tên thật là Lê Ngọc Châu, sinh ngày 10 tháng 01 năm 1941 ( năm Canh Thìn ) tại phố cổ Hội An. Cha anh là ông Lê Hoán và mẹ là bà Nguyễn Thị Luân. Bút hiệu Luân Hoán được ghép từ tên cha và tên mẹ của anh. Ngoài ra, anh còn các bút hiệu khác như: Châu Hải Châu- Cự Hải-Trần Gia Nam- Lý Phước Ninh- Lê Bảo Hoàng  Quê nội Luân Hoán ở làng Liêm Lạc, Hòa Đa, Hòa Vang Quảng Nam, quê ngoại tại Vĩnh Điện, Điện Bàn Quảng Nam. Trong nhiều năm chiến tranh ( 1945 ) gia đình anh di tản về sống ở vùng Tiên Phước Quảng Nam. Vào năm 1951, gia đình anh lại di chuyển về sống tại Huyện Hòa Vang, và sau cùng về định cư tại Thành phố Đà Nẵng. Đến ngày 02 tháng 02 năm 1985, anh được người em trai bảo lãnh để qua sống tại Montreal Canada. Anh là cựu học sinh Trường Trung Học Phan Chu Trinh Đà Nẵng.

Tính tình Luân Hoán rất trầm lặng, ít nói, phong cách xề xòa, lè phè, rất rõ nét là một nhà thơ từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Luân Hoán sống nội tâm nên ít thích nhóm họp, tiệc tùng nơi đám đông. Anh đam mê nhất là Thơ, ngoài ra Luân Hoán cũng thích hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, nhưng Thi Ca vẫn là con đường chính anh chọn và theo đuổi cho đến bây giờ. Luân Hoán biết làm thơ từ nhỏ,

từ lúc lên mười, nhưng là những bài thơ rất ngô nghê của tuổi thiếu niên, như bài Hàm Tiếu v..v…

Luân Hoán bắt đầu viết chính thức từ năm 1960, thường có bài trên các báo: Gió Mới-Tuổi Xanh-Thời Nay- Phổ Thông-Bách Khoa-Văn Học-Mai- Ngàn Khơi- Kỷ Nguyên Mới-Văn-Trình Bày (trước 1975 ). Anh cũng có chân trong Ban Biên Tập các Tạp chí Văn học Sài Gòn ( 1964 – 1975 )

Từ khi chuyển về sống ở Canada, thơ anh cũng góp mặt trên nhiều báo tại hải ngoại.

 

Tác phẩm đã xuất bản: Về Trời ( Văn Học-Sai Gòn, 1964 ) Trôi Sông ( Văn Học-Sai Gòn 1966 ) Chết Trong Lòng Người ( Ngưỡng Cửa, 1967 ) Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu ( Thơ, 1969- tái bản 1995 ) Hòa Bình Ơi Hãy Đến ( Thơ, 1970, cùng Phạm Thế Mỹ và Lê Vĩnh Thọ ) Nén Hương Cho Bàn Chân Trái ( Thơ, 1970, với các bạn văn ) Thơ Tình ( in cùng Khắc Minh, nxb Thơ, 1970 ) Ca Dao Tình Yêu ( nxb Thơ, 1970, cùng Khắc Minh ) Lục Bát Ca ( cùng Lê Vĩnh Thọ và Vĩnh Điện, nxb Thơ, 1970 ) Rượu Hồng Đã Rót ( nxb Thơ, 1974, tái bản 1995 ).

Từ khi qua định cư tại Canada, Luân Hoán cũng đã xuất bản khá nhiều sách, như: Ngơ Ngác Cõi Người, Đưa Nhau Về Đâu, Cám Ơn Đất Đá Trổ Thơ, Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài, Mời Em Lên Ngựa, Nuôi Thơm Chùm Kỷ Niệm Xanh, Cỏ Hoa Gối Đầu, Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ, Tác Gỉa Việt Nam ( Tự Điển dưới tên Lê Bảo Hoàng ) Ổ Tình Lận Lưng, Em Từ Lục Bát Bước Ra, Theo Gót Thơ, Thanh Thi…..

 

2. Thơ và Giai nhân

 

Nói đến thơ của Luân Hoán thì bao la lắm, nói cả ngày  cũng không hết, bao la như tình của anh đối với Giai Nhân vậy. Thơ Luân Hoán mang hơi thở rất riêng, không giống nhà thơ nào cả. Chính cái riêng đó làm cho tôi và các bạn cùng trang lứa, cùng Lớp cùng Trường mê mệt và luôn nhớ đến anh, như luôn nhớ đến thời hoa niên của mình  – anh đúng nghĩa là một nhà thơ lớn của tuổi học trò. Anh làm thơ như đùa giỡn với thơ, trêu ghẹo ngôn ngữ. Những ngôn từ anh dùng trong thơ thật bình dị, chơn chất, y như đi đứng, ăn uống và tắm rửa hàng ngày. Thơ anh không trau chuốt, gọt giũa nhưng lại đầy sức sống, truyền cho người xem nhiều rung cảm . Chất ngọt ngào trong thơ Luân Hoán không phải vị ngọt của thứ đường đã được tinh luyện, mà là vị ngọt của cây mía lau mía đường nơi ruộng đồng thôn dã. Sự bình dị chân phương mà Luân Hoán có được trong thơ là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng có thể viết được như thế. Nhờ tính chất chân phương này nên thơ Luân Hoán mang rất nhiều nhạc tính ( musicalite ). Tôi đã phổ nhạc thơ Luân Hoán rất nhiều, nhưng tiếc là điều kiện tài chánh chưa cho phép nên mới chỉ thu âm được ba bài ( Em và Thơ, Hỏi Thật và Bệnh Rình Hương Sắc ). Hy vọng một ngày gần đây, tôi sẽ trình làng tiếp những nhạc phẩm tôi đã phổ từ thơ Luân Hoán.

Với Luân Hoán, thơ chính là hơi thở, luôn hít vào thở ra từng giây…từng phút…từng giờ…và cứ thế nối đuôi nhau không bao giờ dứt được. Bởi thế, thơ luôn theo anh cả lúc ăn, lúc thức giấc, lúc đi đường, lúc đứng đợi xe, lúc làm việc, và ngay cả lúc đang dạy học:

 

 

tôi đứng lặng vài giây trên bục giảng

giáo án thuộc lòng bỗng chốc lãng quên

nét phấn lạc dòng chữ run mặt bảng

trở lại bàn hồn nghe đã lênh đênh

 

thôi tôi hiểu ra rồi em bé bỏng

chẳng có gì mới lạ phải không em

trái tim đựng bao nhiêu điều bí mật

cũng chỉ là tôi đã chớm yêu em

( Điều Bí Ân Bình Thường )

 

Như tôi đã nói ở trên, thơ luôn theo anh, và anh luôn theo thơ, cũng như anh luôn theo gái vậy. Nếu suy nghĩ của tôi không quá chủ quan thì  trên đời này không có giai nhân, Luân Hoán chẳng bao giờ có được thơ hay (?) Anh yêu mỹ nhân như yêu chính bản thân mình, có nhiều khi còn hơn thế, phải không Luân Hoán ? Vậy thì Luân Hoán biết đến mỹ nhân từ lúc naò ? Chúng ta cùng nghe anh thổ lộ:

 

Khi gặp em độ chừng lên 8

Tôi chớm 10 rất đỗi ngô nghê

Em quá đẹp bởi vì em lai Pháp

Tôi lên rừng rồi trở xuống nhà quê

…………………………………..

Tôi mỏi đớ nắm chân em lưỡng lự

Tay vụng về tinh nghịch úp lung tung

Em ú ớ nói gì như đang mớ

Tôi khi không nghe nhịp máu lạ lùng

 

Từ phút đó nằm thức hoài đến sáng

Tưởng tượng ra nhiều chuyện chẳng đầu đuôi

Da em ấm tôi hít hà ngột thở

Nghe nhiều nơi rất khác lạ trên người

( Hàm Tiếu )

 

Đọc xong những câu thơ trên của Luân Hoán, tôi biết nhiều đọc giả sẽ thắc mắc và muốn đánh đòn Luân Hoán. Tại sao biết yêu sớm vậy ? Xin thưa, đây không phải là một tình yêu đúng nghĩa giữa đôi trai gái. Đây là một hiện tượng tâm sinh lý ở tuổi vị thành niên. Luân Hoán cũng như bao thiếu niên khác, do trong thời kỳ phát triển cơ thể mất cân bằng nên đã dẫn đến những thay đổi tâm sinh lý, làm xuất hiện cảm giác, cảm xúc mới lạ đối với người khác phái. Vì Luân Hoán có tài biết làm thơ quá sớm nên Luân Hoán bộc bạch ra được, thế thôi, còn những em thiếu niên khác thì luôn giữ kín trong lòng. Dẫu sao, cũng cám ơn Luân Hoán, anh đã cho mọi người thưởng thức những câu thơ rất ngô nghê, rất thật và không kém phần dễ thương ( da em ấm tôi hít hà ngột thở- tay vụng về tinh nghịch úp lung tung ). Rất dễ thương !

 

Thơ của Luân Hoán luôn cuốn hút người đọc, thi phong thật đằm thắm, nhẹ nhàng, và rất diễm tình:

 

mười sáu tuổi em tập làm thiếu nữ

vai tóc thề áo lụa trắng bay bay

quai nón đỏ ngậm hờ vành môi ướt

vuông khăn thêu kín đáo xếp trong tay

 

em đến lớp nắng theo đùa trên áo

cặp che ngang ngực thơm ngát ngọc lan

tay giở vở tưởng chừng như đệm nhạc

hồn thanh xuân em lót xuống từng trang

( Điều Bí Ân Bình Thường )

 

Thơ anh không thể nói là không hay được, Luân Hoán dùng những từ ngữ rất mộc mạc, dung dị, nhưng cách dùng từ ngữ của anh rất uyển chuyển khiến thơ Luân Hoán luôn uốn lượn, bay bổng. Tiếng thơ anh chính là những cung bậc bổng trầm trong âm nhạc :

 

Em từ bụi chuối bước ra

Ánh trăng làm nũng chao qua ống quần

Niềm vui giấu dưới bàn chân

Vỡ theo sợi gió lâng lâng ngậm ngùi

( Trăng Đêm Nở Hoa )

 

 

Mỗi lần sắp sửa yêu ai

Tự nhiên mặt mũi tóc tai lạ lùng

Hình như có triệu vi trùng

Ngo ngoe đòi được nhớ nhung với mình

( Triệu Chứng )

 

Hình như Luân Hoán thật sự đi vào con đường tình ái năm mười sáu tuổi, cái tuổi đầy mộng mơ, thêu hoa dệt gấm. Tuy nhiên, tình yêu thời bấy giờ của chúng tôi không thực tiễn như thời a còng (@) này, hễ yêu nhau là tự nhiên, tự do đủ mọi mặt, thậm chí có thể sống thử với nhau. Ở thế hệ chúng tôi, giữa đôi trai gái yêu nhau, chỉ biết nhìn mặt nhau, trao gởi những tình thư rất kín đáo, người nào bạo dạn lắm thì cũng chỉ biết nắm tay nhau là cùng. Tất cả nỗi lòng của mình đều được giấu kín, chẳng ai biết, ai hay. Cũng vì thế đã có những mối tình đơn phương rất tội nghiệp, chẳng hạn như tôi đây. Tôi thầm yêu trộm nhớ một cô nữ sinh học dưới tôi hai lớp, tôi học Đệ Ngũ, cô ta học Đệ Thất, chúng tôi cùng học tại Trường Trung Học Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Tôi và cô ta cùng cư trú trong Làng Nại Hiên, cùng chung đường về nhà sau khi tan trường, nhưng suốt mấy năm trời tôi không dám hé một lời. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy. Để cuối cùng, buồn tình, tôi viết một bài thơ gởi đăng trên báo Bán Nguyệt San Phong Lan và bỏ đi biệt xứ. Tôi còn nhớ, năm đó là cuối năm Đệ Nhị. Mối tình đầu đời của tôi gói gọn trong bài thơ sau:

 

 

Áo tím em mang tự thuở nào ?

Kinh kỳ ngập nắng rộn xôn xao

Áo em lã lướt trong gió thoảng

Hứng lại giùm ta chút máu trào

 

Ta đến nơi đây nén dặm đường

Mập mờ áo tím lướt trong sương

Mắt em xanh quá là xanh quá !

Ta biết rồi ta sẽ đoạn trường

 

Dáng liễu đong đưa tắm ánh hồng

Mây buông lõa xõa cợt thu phong

Trân Châu chừng tưởng là sương nhạt

Em nỡ không mang chiếc áo hồng ?

 

Lê gót tìm hoa thỏa ước mong

Những tưởng em mang chiếc áo hồng

Ngờ đâu em đắp lên màu tím

Tím cả lòng ta mấy độ trông

 

Mây xám chiều nay đổ xuống rồi

Rớm sầu nguyệt lệ ánh sao rơi

Đường về lối nhỏ hoa tim tím

Cánh bướm bay qua tủi phận đời

( Aó Tím – Tuyền Linh )

 

Luân Hoán thì khác tôi, anh ấy bản lĩnh hơn tôi trong việc giao tiếp với phái nữ, chỉ hơn tôi thôi vì tôi quá nhát gái, chứ thật ra theo  nhận xét của bạn bè thì Luân Hoán bạo thơ hơn bạo gái.  Mối tình đầu đời của Luân Hoán chớm nở vào năm mười sáu tuổi, cũng mặn nồng trong cốt cách khù khờ của tuổi mới lớn :

 

Thuở mới yêu em độ chừng mười bảy

Sắc hương thơm đằm thắm nở nụ hoa

Ta lụt lịt chỉ thua em một tuổi

Sao khù khờ nhút nhát – nghĩ không ra

………………………………………..

Môi với lưỡi chưa một lần dám chạm

Nước bọt nhau mặn nhạt ngọt ra sao

Vào xi nê chỉ dính chùm mái tóc

Và mười ngón tay siết thật khít khao

( Nụ Trăng Đầu Đời )

 

Hình như đường tình của bất cứ ai trong thế gian này cũng đều như nhau, mối tình đầu chẳng bao giờ bền vững cả, như một quy luật. Luân Hoán cũng không ngoại lệ. Anh đã chia tay mối tình đầu một cách bất ngờ, không rõ nguyên do, để lại trong ký ức bao nỗi nhớ ngu ngơ…dễ thương…khó tả :

 

Yêu chẳng biết làm gì hơn ngoài nhớ

Nhớ lạ kỳ, nhớ tưởng phát cuồng điên

Mới chia tay vừa đến nhà đã viết

Trao gởi cho nhau liên tiếp nỗi niềm

 

Chữ chẳng nói thay lòng hay đều vụng

Để bất ngờ chia biệt chẳng nguyên do

Vết thương tình của nhau không hiện rõ

Vì hình như hai đứa giỏi giả đò

 

Giờ em đã là chim lồng quí phái

Ngậm nụ trăng đầu hay nhả từ lâu ?

Ta nhờ nuốt đã như là thi sĩ

Nụ tình xưa thành nụ thơ nhạt màu

( Nụ Trăng Đầu Đời )

 

Còn tiếp…

 

 

 

Nguyễn Văn Thơ
Số lần đọc: 2310
Ngày đăng: 25.08.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Giật mình” với đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia - Phạm Quang Ái
Thế giới thơ lục bát biến thể của Bùi Giáng - Mai Bá Ấn
Bình thơ "Thời gian" của Văn Cao - Cao Thị Hồng
“Người đàn bà qua hai mùa tóc” * và tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng - Trần Hoài Anh
Đọc "Có một con mọt sách" của Đỗ Hồng Ngọc - Huyền Chiêu
Bàn tay nhỏ dưới mưa, Một Tấm Lòng - Kiệt Tấn
Những đứa con rải rác trên đường – Hiện thực không ranh giới - Trần Thị Ty
Nguyễn Thánh Ngã, người đắm chìm trong thơ Haiku của riêng mình. - Trần Hòang Vy
NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH "Hành hương về phía nhớ" - Lê Ngọc Trác
Hình tượng Hoa Mai trong thơ ca - Lê Thành Văn