Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.145
123.226.941
 
Thầy Tôi Ông Trần Quý Tuệ
Trần Vấn Lệ

 

Thầy tôi, trong đời tôi có nhiều người là Thầy của tôi lắm...

 

Từ lớp Đồng Ấu ở Phường Phú Trinh, Phan Thiết, tức lớp vỡ lòng, lớp Năm (sau này gọi là Lớp Một) đến những năm học Trung Học ở Đà Lạt rồi Sư Phạm ở Nha Trang, rồi Đại Học Luật Khoa ở Đại Học Sài Gòn, tôi học với nhiều Thầy, chỉ với hai Cô,  một Cô hồi lớp Vỡ Lòng và một Cô hồi học Sư Phạm.  Năm tôi bắt đầu đi học là năm 1948 và năm cuối cùng tôi không còn dính liu với bất cứ ngôi trường nào nữa là năm 1975. Người dạy tôi đầu tiên là Cô Trần Thị Sen, người cho tôi những lời chúc đẹp cuối cùng trên Quê Hương là Cụ Giản Chi Nguyễn Hữu Văn.  Tôi nhớ như in trong lòng từng Thầy, Cô (tiếc đời tôi chỉ học với hai Cô, Cô Trần Thị Sen và Bà Ung Sâm - Cô lấy tên chồng làm tên mình).  Thầy mà tôi thương nhất là Thầy Trần Quý Tuệ, Hiệu Trưởng trường Sư Phạm Nha Trang, Hiệu Trưởng liên tục (thì phải) suốt mười niên khóa trước khi trường chuyển ra trường Sư Phạm Quy Nhơn.  Thầy Trần Quý Tuệ giúp tôi giữ lòng đằm thắm khi tôi trở thành một Giáo Viên Tiểu Học rồi lên thành Giáo Sư Trung Học nhờ chỉ với một lần Thầy đưa tay lên trán tôi coi tôi có ấm đầu thật sự không mà tôi xin nghỉ học tới ba ngày; Thầy khuyên tôi cố gắng học đừng vắng mặt nhiều quá, Thầy muốn tôi ra trường nếu có phải đi Lính thì cũng đỡ vất vả (Thầy nghĩ quân đội thường giữ những quân nhân có chữ nghĩa làm việc văn phòng, ở hậu cứ, không phải tác chiến).  Ở Nha Trang, tôi trọ học gần nhà Thầy, nhà Thầy số 9 đường Phương Sài, nhà tôi trọ số 15 đường Phương Sài.  Tôi chưa một lần dám bước lên nhà Thầy để thăm Thầy (mà thời gian đi học, ngày nào cũng thấy Thầy thì có chuyện gì đâu thăm?) trong khi Thầy có một lần đến nơi tôi trọ xem tình hình tôi bệnh...cảm, ra sao (lúc đó, Thầy chắc nghe tôi có nhận được giấy gọi nhập học của trường Quốc Gia Bưu Điện ở Sài Gòn, rớt Tú Tài Một tôi nộp đơn thi nhiều trường dạy nghề...làm công chức:  trường Bưu Điện, trường Cán Sự Pasteur và trường Sư Phạm, trường nào tôi cũng đậu nhưng Sư Phạm thì có giấy gọi sớm nhất).  Thầy thường khuyên chung trước tất cả giáo sinh:  Học Sư Phạm ra trường làm Thầy Cô có hai cái sướng, một là lương cao hai là hàng năm có ba tháng không dạy vì nghỉ Hè.  Thầy, nguời Huế, giọng Thầy nhỏ nhẹ và thiết tha, có lẽ tôi yêu Huế từ năm 1960 là...nhờ Thầy truyền bệnh tương tư chăng?

 

Thi tốt nghiệp Sư Phạm, tôi đậu khá cao, thứ mười trên một trăm và tôi được bổ nhiệm tại ngay thành phố Đà Lạt. Đà Lạt là một thành phố từ thời Pháp Thuộc, Ville de Dalat, bao bọc quanh nó là Tỉnh Tuyên Đức.  Ở Đà Lạt thì an toàn mọi mặt...vì nó là thành phố ưu ái nhất của miền Nam Việt Nam.  Tôi đi dạy học áp dụng đầy đủ những những bài học ở trường Sư Phạm nhất là những bài Tâm Lý Giáo Dục của Thầy Trần Quý Tuệ, tôi là giáo viên xuất sắc hai niên khóa liền, sau đó còn được đề nghị thêm, tôi không chịu, tôi muốn dành cho anh chị em khác.  Cũng may, tôi được lệnh nhập ngũ khi vào năm học thứ ba đời dạy học của tôi.  Tôi bị gọi đi học khóa Hạ Sĩ Quan, khi đưa bằng Tú Tài ra thì được hoãn để sẽ được gọi đi học khóa Sĩ Quan Trừ Bị.  Sau đó, tôi có lệnh nhập ngũ chính thức khóa 24 Thủ Đức...

 

Như tôi đã nói khi nhập đề bài viết này, vị Thầy mà tôi nhớ nhất là Thầy Trần Quý Tuệ.  Từ năm 1962 trở đi tôi không có lần nào gặp lại Thầy dù tôi có về Nha Trang nhiều lần về việc nhập ngũ để khám sức khỏe vào lính vì Nha Trang thuộc vùng II, thành phố Đà Lạt nơi tôi cư ngụ thuộc Vùng này, vùng có Trại Nhập Ngũ số 2 (trước ở Phan Rang, sau dời ra Nha Trang; ở trại Phan Rang rệp nhiều quá và chật quá, trại Nha Trang thì rộng rãi và sạch sẽ.  Tôi có đi ngang nhà Thầy khi được "xả trại"ra phố dạo chơi  để chờ ngày xuống tàu Hải Quân đưa vào Sài Gòn, tôi ghé thăm lại nhà trọ cũ của tôi, hỏi thăm Thầy thì được cho biết Thầy không có mặt ở nhà giờ hành chánh.  Người ở nhà trọ cũ của tôi đinh ninh tôi hỏi thăm Thầy Trần Quý Tuệ là có ý muốn được nhìn thấy cô con gái của Thầy, Trần Thị Trang...Một hình bóng...   

 

Nha Trang là một thị trấn dễ thương, to lớn và phát triển nhiều mặt, nhưng mãi sau thập niên 1960 nó mới được công nhận là Thị Xã, ngang tầm Thành Phố.  Tôi ở đây không lâu, tôi nhớ bãi biển, đại lộ Duy Tân.  Tôi nhớ những con đường thăm thẳm mát rượi bóng cây muồng vàng.  Tôi nhớ Xóm Mới, vốn là nghĩa địa bị chính quyền ra lệnh di dời để thành lập Bến Xe và khu dân cư mới.  Tôi nhớ nhà ông Quách Tấn sau chợ Đầm, số 12 đường Bến Chợ bên cạnh bờ sông.  Tôi nhớ nhà ga, tôi nhớ hệ thống đường rày uốn cong đến phát chóng mặt tại ga này.  Tôi nhớ Chợ Mới những vườn dừa, tôi nhớ Thành Diên Khánh, nhớ những ruộng lúa xanh rì...Tôi nhớ (thưa Thầy, con nhớ Thầy).  Ở quân trường Thủ Đức, tôi chung phòng với anh Dương Trọng Khương, anh Trần Xuân Hiền, cũng là Thầy Giáo ở Nha Trang, các anh dạy trường Trung Học Võ Tánh.  Chuyện Nha Trang thường xuyên nhắc nhớ.  Anh Dương Trọng Khương là phu quân của Trần Thị Trang, ái nữ của Thầy tôi...

 

*

Tôi viết bài này để làm chi?  Tôi viết bài này...vì tôi đang thở.  Xin ai đọc cũng hỏi giùm như tôi vừa hỏi tôi:  Viết bài này để làm chi?  Là một Thầy Giáo, chính danh là Giáo Sư Việt Văn, mà viết như thế sao?  Không mạch lạc, không gọn gàng, không...có nội dung gì cả.  Bông lông, bảng lảng như một...bài thơ.  Tôi biết không tự nhiên cũng không tự dưng tôi nhớ Thầy tôi, ai đó mới là...vang bóng một thời.  Và nhạt nhòa.  Ơ hay, tôi làm sao vậy, hỡi Nha Trang?

 

 

 

Trần Vấn Lệ
Số lần đọc: 2208
Ngày đăng: 19.11.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông sư… - Trọng Huân
Bán lý tưởng vì yêu - Trọng Huân
Sân ga u buồn - Trần Băng Khuê
Bão ngoài trời bão trong lòng - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Có một mùa tựu trường - Nguyễn Đức Tùng
Vượt Đại Tây Dương - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hạnh phúc và bất hạnh - Chu Tất Tiến
Thiên đường sụp đổ - Tru Sa
Hoa mai chùa cổ - Mai Bá Ấn
Tiếng hát cô bé bán rong - Thiên Thanh Xanh
Cùng một tác giả
Mây Thu (thơ)
Những Giọt Mưa Khô (truyện ngắn)
Je Pense (thơ)
Nắng (thơ)
Nhớ (thơ)
Mùa Thu (thơ)