Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.210.156
 
Việt Thương (Nguyễn Văn Giai) - Hồn lãng tử trong áo choàng linh mục
Mai Bá Ấn

 

 

                   Việt Thương -Nguyễn Văn Giai(1933-2010)

 

Sinh năm 1933 tại Hành Thịnh, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, ngay từ những ngày còn là học sinh Trường Trung học Lê Khiết, Nguyễn Văn Giai đã nuôi mộng văn chương. Năm 1948, theo yêu cầu của cấp trên, chàng thanh niên Nguyễn Văn Giai đã tạm ngừng học tập, tham gia phong trào cách mạng tại địa phương: vừa dạy học vừa làm thơ. Và ngay trong những tháng năm ấy, với bút danh Hoàng Điệp, tập thơ viết tay “Núi Kỳ Lân” của anh đã ra đời để kịp thời tuyên truyền cho nền giáo dục kháng chiến. 1954, tập kết ra Bắc tiếp tục hoàn thành chương trình phổ thông, đến 1956, anh được chọn đi học ở Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov. Trở thành một chuyên gia Văn học Nga - Xô viết, về nước với tấm bằng đỏ, Nguyễn Văn Giai được phân công giảng dạy ở ĐHSP Vinh (1962), ĐHSP Huế (1976) và ĐHSP Quy Nhơn (1978).

Nếu nghệ sĩ là một người hát rong thì dạy học cũng là một nghệ thuật, nên người giảng dạy văn chương chính là người nghệ sĩ đang cất lên tiếng hát của lòng mình trước những học trò. Và vì vậy, người thơ Việt Thương và người thầy Nguyễn Văn Giai đã hòa quyện làm một để lặng lẽ “hát rong” trong suốt một đời cầm bút và cầm phấn của mình:

Bất cứ ai, kể gì kẻ hát rong

Tình thiên hạ đựng đầy trong hồ mắt

Thuyền đã đắm khi ai cùng đối mặt

Vẳng bên tai hai tiếng “giữ gìn” sao? (Giữ gìn).

          Tất nhiên, đã làm thầy thì cần biết “giữ gìn” tác phong của mình trước học trò. Nhưng giảng dạy văn chương, muốn thu phục được học trò thì cần có một tâm hồn nghệ sĩ. Và vì thế, đã nhiều lúc, người thơ Việt Thương đã lấn át người thầy Nguyễn Văn Giai trong những thoáng tình cờ rung động ấy:

Từ giảng đường nhìn xuống thấy dáng em

Đang chép chép ghi ghi, hé nụ cười bí ẩn

Tim linh mục bỗng rộn ràng, ngơ ngẩn

Tưởng cửa thiên đường mở sẵn đón chờ ai (Thất bại).

          Với sự nghiệp giảng dạy, Nguyễn Văn Giai là một người thầy, người Chủ nhiệm Khoa nghiêm cẩn đến khắc khổ. Thầy đã từng là đại biểu ngành giáo dục dự Đại hội thi đua “Ba sẵn sàng” toàn miền Bắc năm 1973. Vì thế, không lạ gì khi mà đồng nghiệp và sinh viên thường gọi thầy là Paven Cooc-sa-Giai (Nhân vật Paven Coocsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” của Ôxtơrôpxki). Trong sinh hoạt thường ngày ở trường, con người trách nhiệm đã khuất lấp hẳn con người nghệ sĩ. Nhưng khi được giao tiếp cùng thầy ngoài giờ giảng, con người nghệ sĩ rất dễ dàng được bộc lộ. Nhưng cái con người thơ Việt Thương kia trong suốt cả cuộc đời thầy hầu như ít người khám phá kỹ bởi một lẽ giản đơn là ngoài các tác phẩm, công trình in rải rác trên báo chí, do điều kiện kinh tế khó khăn, thầy chưa hề xuất bản một tác phẩm nào. Lại thêm các sáng tác thầy viết từ 1975 trở về trước qua bao lần sơ tán, chuyển trường đã thất lạc hầu hết. Thầy chỉ mang theo và giữ lại gần 100 quyển nhật ký ghi chép trong vòng 50 năm, trong đó có nhiều tập nhật ký được viết bằng thơ. Chỉ đến khi thầy qua đời (10/2010), người thân mới lần giở lại các bản thảo, và vô cùng ngạc nhiên trước gia tài văn học đồ sộ của thầy: hàng trăm bài thơ dịch, gần 2.000 bài thơ và bản thảo tập nhật ký được viết dưới dạng tiểu thuyết. Khi tiểu thuyết “Sóng trắng” được xuất bản, dù đã cố nén chữ nén dòng, cuốn sách vẫn dày đến 790 trang, khổ 16 x 24. Có thể nói “Sóng trắng” là bức tranh sinh động về tinh thần vượt khó đầy khí phách anh hùng và cũng đầy ưu tư trăn trở của thầy trò Trường ĐHSP Vinh những tháng năm đánh Mỹ. Như vậy, sau khi thầy ra đi với hai bàn tay trắng, hai tập thơ dịch (“Xécgây Êxênhin trong một thế giới không trữ tình” và “Xécgây Êxênhin - một thế giới trữ tình”), Tiểu thuyết “Sóng trắng” và tập thơ “Miền sâu thẳm” (chọn 78 trong 2.000 bài thơ còn lại) mới được những người con thân yêu của thầy dành dụm tiền xuất bản. 

Đường nghề, đường văn của Việt Thương (Nguyễn Văn Giai) có thể khái quát trong hai cụm từ: Dạy học và Cầm bút. Những năm tuổi trẻ hoạt động cách mạng ở quê, vừa dạy học vừa cầm bút với tập thơ “Núi Kỳ Lân”. Khi sang Liên xô du học, bị tách rời khỏi không khí kháng chiến, chàng sinh viên ấy vẫn đau đáu nỗi nhớ quê hương đang chịu nhiều mất mác:

Hỡi khúc sông nào?... Xác mẹ ta

Chìm sâu đáy nước… (lạnh muôn nhà!)

Trước khi tắt thở còn suy nghĩ:

Chưa thể nơi đây dứt tuổi già (Day dứt-1961).

Đến khi về nước, với mệnh lệnh của Ban Thống nhất Trung ương “Ở đâu, làm gì cũng đều là vì miền Nam cả”, không được trực tiếp về quê tham gia chiến đấu, Việt Thương về giảng dạy tại ĐHSP Vinh, lòng vẫn không nguôi nỗi nhớ miền Nam:  

Hai tâm hồn thơ trẻ

Của nửa nước đau thương

Tám năm nào nguôi nhớ

Trăng bên trời quê hương (Dưới trăng-1962).

Hòa lòng vào phong trào cách mạng, Việt Thương hướng về Nam với tất cả khát khao được hòa nhập và niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến (Người con trai đầu sinh năm 1964 được thầy đặt tên Nguyễn Hướng Nam cũng xuất phát từ tình cảm và niềm tin đó). Nỗi lòng ấy được thể hiện qua lời tâm sự của cây phi lao với cánh chim:

Cảm ơn chim đã chân thành khuyên bảo

Vui hát sao khi bè bạn xa vời

Đang góp sức để tạo thành dông bão

Ở phương Nam đang sấm sét vang trời

Trong ấy bão cho lâu đài giả tạo

Sụp đổ tan khi sức gió cao dần

Ta cần gió, chim ơi ta cần bão

Nếu đem trồng ta trở lại miền Nam! (Tâm giao-1962).

Nhất là nỗi nhớ quê hương Nghĩa Hành đến xót xa:

Ở nơi nao Hành Thịnh

Xa xa ngọn núi Giàng

Tưởng từ trên cao đỉnh

Với tay là chạm trăng (Dưới trăng-1962).

          Có thể nói, con người lãng tử Việt Thương thật sự được bộc lộ mạnh mẽ từ sau khi nhà giáo mô phạm Nguyễn Văn Giai chính thức về hưu (1993). Đây là thời kỳ “hát nốt đoạn sau cùng” nhưng cũng là thời kỳ bùng nổ, “ngát hương” của thơ Việt Thương:

Chuyện sau đó, đâu có gì khó hiểu:

Hoa không nhìn chàng lãng tử cô đơn

Còn người hát rong hát nốt đoạn sau cùng

Đã là lúc hương quỳnh tỏa mùi hương ngan ngát (Người hát rong-1994).

Ta bắt gặp ở giai đoạn này những câu thơ đầy lửa như thể một chàng trai vừa mới biết yêu lần thứ nhất:

Đâu ngờ đốm lửa mong manh

 Làm thiêu rụi hết đô thành mới xây

Thiếu hoa… em tặng chiều nay

Không gian tê lạnh, trời mây xám bầm (Tính sai).

Vắng em là cả không gian tê lạnh, xám bầm; có em, nghe giọng hát em cả vũ trụ chung chiêng, cả hư vô cũng bị cuốn tan vào cơn bão dông tình ái:

Giọng hát ai vừa bất chợt ngân lên

Bảy vách núi cứ ngẩn ngơ chao đảo

Ta bơi giữa hư vô trong những ngày dông bão

Chờ âm thanh quyến rũ ấy lâu rồi (Chia tay Tây Nguyên).

Và cũng đến lúc này, nhà mô phạm Nguyễn Văn Giai mới thật lòng “thú nhận”:

 Trước bàn thờ uy nghi, nhìn tượng Chúa

Anh chẳng hề run sợ đấng Thiêng liêng

Cứ để mặc cho tim mình reo múa

Khi em thành ánh sáng khoảng trời riêng (Thú nhận).

Ai cũng có một “khoảng trời riêng”. Hẵn tất cả sinh viên từng học với Paven Cooc-sa-Giai trước đây chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên bởi những vần thơ bừng lên như lửa cháy, bay bổng đến bất ngờ này:

Những gì của em, xin gửi lại cho em

Anh chỉ giữ nụ cười buổi sáng nao gặp gỡ

Rồi khi nào cảm thấy mình đau khổ

Anh sẽ cười để thiên hạ tưởng anh vui (Xin em).

Rất nhiều bài thơ trong đoạn đời “hưu trí” này, Việt Thương ví mình là “chàng lãng tử cô đơn”, là “người hát rong”, thậm chí là một “chàng điên”:

Anh ấy nghĩ: cho đời vui thêm nữa

Nên múa may hát giữa ngã tư đường

Thiên chúa ơi! Đôi mắt buồn chan chứa

Có sương mờ quá khứ vương vương (Chàng điên).

          Đã là con chiên ngoan của Đức Chúa Trời, hơn ai hết, người linh mục thuộc nằm lòng và gương mẫu thực thi những điều răn của Chúa, nhưng “Linh mục Việt Thương” cũng chính là người, trước hết thấu đáo đến tận cùng một chân-lý-trần-ai khác rằng:

          Đã dám yêu chắc chắn chẳng thanh minh

          Không nói chuyện đúng sai trên dòng xanh tình cảm

          Điều tội lỗi mà Chúa hằng nghiêm cấm

          Lại chính là hạnh phúc chốn trần gian (Nghịch lý 2).

Gọi Việt Thương - “Hồn lãng tử trong áo choàng linh mục” là vì thế.

Là một chuyên gia văn học Nga - Xô viết, chuyên dịch thơ Nga và từng xem Puskin, Êxênhin là thần tượng, đọc thơ Việt Thương, ta dễ nhận ra cái không khí Nga, tính cách Nga, tâm hồn Nga bởi sự ảnh hưởng của những thần tượng này:

Tôi bỗng nghe dừa rì rầm thủ thỉ:

Rằng chiều nay chính dưới gốc cây này

Một chàng trai đến chờ hoài, chờ mãi

Mà người yêu như lẩn trốn tận chân mây

Theo thói quen của mọi lần hò hẹn

Chàng đưa tay vuốt nhẹ tóc bồng bềnh

Nhưng hôm nay chỉ khoảng không tĩnh lặng

Làm lòng chàng trống rỗng đến mông mênh(Cổ tích)...

          Bây giờ thì, nhà thơ Việt Thương, nhà giáo Nguyễn Văn Giai đã rời xa cõi tạm 5 năm rồi. Nhưng hình bóng người thầy, người thơ vẫn còn in đậm trong tâm trí hàng vạn học trò. Họ vẫn đang thay thầy bước tiếp trên con đường giảng dạy khắp mọi miền đất nước. Tôi bỗng nhớ bốn câu thơ đầy “ẩn ý” của thầy được viết từ những năm 1962, rằng:

Nếu mai kia tôi không còn sống nữa

Bước đường đời bỏ dở, biết chừng đâu

Thì bạn hỡi… cần chi mà lần lữa

Bước tiếp theo cho hết một nhịp cầu (Ẩn tình-1962).

          Vâng, nhịp cầu thầy bắc, các thế hệ học trò thầy đã, đang và sẽ còn bước tiếp. Với gần 2.000 bài thơ còn lại, thơ Việt Thương sẽ còn tiếp tục góp tiếng với cuộc đời. Xin “người hát rong” cứ bình tâm yên nghỉ vì tiếng hát kia sẽ còn tiếp tục được “bắc cầu” vang đến muôn sau… Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhà giáo, nhà thơ Việt Thương - Nguyễn Văn Giai (10/2010 – 10/2015), VanQuynhon78 xin trân trọng giới thiệu trang  thơ Việt Thương trích từ tập thơ “Miền sâu thẳm” (Nxb Văn học, 2015) cùng các thế hệ sinh viên Quy Nhơn và độc giả xa gần như một nén tâm nhang tưởng vọng.

                                                                     

              Quảng Ngãi, chớm Đông 2015.

 

Ẩn tình

 

Nếu mai kia tôi không còn sống nữa

Bưóc đường đời bỏ dở, biết chừng đâu

Thì bạn hỡi… cần chi mà lần lữa

Bước tiếp theo cho hết một nhịp cầu!

 

Bạn hãy nói với mía ngàn Quảng Ngãi

Với núi Giàng, sông Vệ một câu thôi:

“Ở phương Bắc có một người mòn mỏi

Quá buồn đau nên nay đã khuất rồi!”

 

Rồi sau đó bạn mang dùm gói đất

Đến nơi tôi đang yên nghỉ sau cùng

Rắc lên trên ngọn cỏ vàng lẩn khuất

Của nấm mồ lúc sương bạc chiều buông

 

Ở dưới ấy đang âm thầm, lạnh lẽo

Bỗng dưng bừng lửa ấm nắng đầu xuân

Trái tim cũ tưởng chừng như khô héo

Tống đất ra để đâm rễ bén mầm!

 

Trăm nghìn năm về sau ai có biết… Chỉ thấy tàn cây cổ thụ xum xuê

Mỗi buổi sớm là dạt dào câu hát

Vườn bình minh đón ánh sáng xa về

Rồi một buổi có mấy nhà bác học

Đến tìm ra hương rễ của cây này

Giải thích hết những ẩn tình vương mắc

Của “thời xưa” đó chính của thời nay!

                                             Vinh, 10-11-1962

Tâm giao

 

Một buổi sáng trời quang mây gió lặng

Cây phi lao bỗng rũ lá u sầu

Nhìn thân cây chao ôi buồn xa vắng

Vì lẽ gì nào ai có biết đâu!

 

Và cánh chim tự xa về thủ thỉ:

“Phi lao ơi, đang suy nghĩ những gì

Kìa nắng đẹp rập rờn hoan hỉ Hãy cùng ta… cùng vui hát lên nào!”

 

“- Cảm ơn chim đã chân thành khuyên bảo

Vui hát sao khi bè bạn xa vời

Đang góp sức để tạo thành dông bão

Ở phương Nam đang sấm sét vang trời

 

Trong ấy bão cho lâu đài giả tạo

Sụp đổ tan khi sức gió cao dần

Ta cần gió, chim ơi ta cần bão

Nếu đem trồng ta trở lại Miền Nam!

 

Ngọn ta sẽ xoáy tròn trong cơn lốc

Ta cùng ca một điệu hát anh hùng

Sau đêm bão mặt trời kia sẽ mọc

Chim muốn vui, ta cũng sẽ bằng lòng!”

 

Tôi đi qua nghe những lời trao đổi

Vội ôm chầm lấy gốc của phi lao

Cùng tiếng lòng, dây vô hình nào nối

Tâm hồn ngươi với vạn vật xôn xao!

                                                  Vinh, 11-11-1962

Xin em

 

Những gì của em, xin gửi lại cho em

Dù biết rõ con tim mình cương lại.

Làm sao khác khi sự đ?i ngang trái...

Mảnh đất này vẫn cố níu chân anh.

 

Hạnh phúc nào lại chẳng bước qua nhanh

Còn đau khổ cứ trườn bò chậm chạp

Cố tìm chi một lời giải đáp

Trời vô tình mà đất cũng vô tư!

 

Buổi gặp đầu tiên cứ thực thực hư hư Ít hôm nữa chia tay mới đúng là sự thật

Em hiện lên để rồi tan biến mất

Góc trời Tây Nguyên ai biết chỗ đâu tìm?

 

Những gì của em, xin gửi lại cho em

Anh chỉ giữ nụ cười buổi sáng nao gặp gỡ

Rồi khi nào cảm thấy mình đau khổ Anh sẽ cười để thiên hạ tưởng anh vui.                                            

                                                  11-4-1994

 

Chiều lang thang

                        

      Đi lang thang mãi ven rừng

Thấy cành hoa tím lưng chừng đã khô

      Nhẹ nhàng hương toả về mô

Tương lan tận chốn hư vô xa mờ

 

      Giữa đời lạc bước bơ vơ Gặp nhau mây nước ngẩn ngơ lặng nhìn

      Chân trời màu tím còn in

Trần gian còn một chút tin ấm lòng...

 

      Thế rồi ngã bóng hoàng hôn...

Cành hoa tan biến, linh hồn bơ vơ..

      Còn đâu hồi hộp đợi chờ Còn đâu dấu vết trang thơ cuộc đời

      Ngày từ biệt cũng gần thôi

Không gian vô tận biết rồi gặp nhau?

 

                                        20-10-1994

 

Lời giã từ

               

Thôi giã từ rừng xanh đầy bí ẩn

Hãy âm thầm chôn chặt mối tình sâu

Ai dám bảo đời mình không nhầm lẫn

Đừng dối lòng: chẳng hy vọng gì đâu

 

Thôi giã từ hàng cây đầy ánh nắng

Toả bóng râm, chân in dấu mơ hồ Mỗi lần cảm thấy lòng mình trống vắng

Cây ngẩng đầu tâm sự với hư vô.

 

Thôi từ giã buổi hoàng hôn lãng đãng

Em tan trong sương trắng cuối chân đồi,

Những muốn biến thành cơn gió thoảng

Để tiếng tâm tình đồng vọng cõi xa xôi.

 

Thôi từ giã ánh trăng vàng xao xuyến

Trải mơ hồ trên lối nhỏ em đi,

Kéo gần lại cả một thời xa vắng

Cảm thương nhiều với tiếng sáo Trương Chi.

 

Thôi từ giã chuyện tình đời trong đục

Mất mát nào giống mất mát nào đâu.

Phút lỗi lầm lại tràn trề hạnh phúc

Ai vui gì trong lúc giã từ nhau?

 

Thì từ giã những gì từ giã được

Nhưng giã từ kỷ niệm dễ dàng chăng?

Rừng vẫn xanh, trăng vẫn vàng, chiều vẫn ướt

Em vẫn là thứ ánh sáng sao băng.

           19-10-1994

                          

Giới hạn

                

Biên giới quốc gia có kẻ lén đi qua

Còn ranh giới chúng mình là đường ngăn không thể vượt.

Hàng nghìn năm lặp lại hoài bài ca đạo đức

Cho dù bây giờ chẳng còn mấy ai tin!

 

Đơn giản sao, nụ cười mỉm chân tình

Đã phá vỡ cả trường thành định kiến.

Có mảnh sao băng ngời lên rồi vụt biến,

Trưởng thành mất hút giữa đêm sâu.

 

Quyền lực vô biên của sắc đẹp... sợ sao!

Nhưng sợ nhất vẫn là luật đời không ghi vào sách vở Hạnh phúc từng song hành cùng đau khổ Cái vô tư gây phức tạp vô cùng

 

 

Hé làn môi như một thoáng yêu đương

Chẳng biết đấy thiên đường hay địa ngục

Đôi cánh thiên thần nâng tâm hồn lên chín tầng mây sáng rực?

Quỷ bảy đầu đẩy tới vạc dầu sôi?

 

Bài toán giản đơn mà cũng tính sai rồi:

Cộng cộng, trừ trừ thành số không, nào ai cần chẵn lẻ?

Tất cả hiểu giản đơn là như thế Giới hạn đâu cho những kẻ dại khờ

Bí mật như đáy sâu thẫm Biển Hồ Cái đẹp vốn không tài nào giải thích!

Chỉ một giây, một giây thôi tinh nghịch

Em mỉm cười: tất cả hoá hư vô

Chỉ mình anh vượt giới hạn, hoá điên rồ

                     18-10-1994

                                          

Thú nhận

                   

Mọi người bảo anh là người đứng đắn

Rất nghiêm trang và đạo đức đàng hoàng

Nhiều lần được tuyên dương cái gọi là “gương sáng” Mỉa mai thay! Anh xấu hổ vô vàn

 

Em hiểu cho, anh không là như thế Rất giản đơn như một con ngươi

Với tất cả những yếu hèn, những đam mê tuổi trẻ Những lỗi lầm, đau năm tháng khôn nguôi.

 

Gặp lại em anh đâu cần gìn giữ

Ánh mắt hoà trong ánh mắt mông lung

Cứ chiêm ngưỡng nụ cười em tư lự..

Thế tốt hơn làm một vị “anh hùng”

Vẫn vậy thôi, vẫn như thời nao ấy

Muốn tìm điều chưa rõ ở nơi em

Chiếc áo khoác mà người đời trông thấy

Phủ vai gầy, điên đảo, trắng trời đêm!

 

Trước bàn thờ uy nghi, nhìn tượng Chúa

Anh chẳng hề run sợ đấng Thiêng liêng,

Cứ để mặc cho tim mình reo múa

Khi em thành ánh sáng khoảng trời riêng!

15-10-1994

                                          

Đối mặt

 

Gặp nhau đây kể cũng thật lạ lùng

Cuộc sống giản đơn bỗng trở thành phức tạp.

Say ngắm em mà sợ lời vồ vập,

Lại ngỡ ngàng trước một thoáng hương xưa.

 

Em đang nhìn, đang cười nói say sưa

Làm tỉnh thức một tâm hồn mơ ngủ

Hãy lặng im! Hỡi hươu sao hiền dịu

Chớ động màn sương bạc trắng đồi xa.

 

Nghe đâu đây tiếng suối chảy hiền hoà

Ly rượu nhạt cũng say lòng khách đến.

Hình như cửa thiên đường đang ẩn hiện,

Dù nhân từ Chúa cũng cản ngăn thôi!

 

Dáng hươu sao gần lắm - Lại xa xôi...

Xa chút nữa, lại gần thêm một ít

Rồi biến mất vào tận nơi mờ mịt

Rùng mình. Lạnh cả cánh rừng sâu!

 

Ước ao nhìn mặt, đối mặt từ lâu

Chẳng phải để em tan vào vô tận.

Khoảng không gian bao nhiêu để lòng người thanh thản

Nhìn nhau mà không cảm thấy cô đơn?

                                        12-10-1994

Nghịch lý 2

                

Mong gặp nhau song chẳng biết nói gì

Để em hiểu có một điều rất thật:

Tình yêu chết khi mãi là bí mật

Và cũng tan tành lúc đã được công khai.

 

Băn khoăn tìm, dáng nét đó của ai?

Ánh mắt, nụ cười thấy lần đầu mà sao thân thuộc

Những tưởng đã dò tìm ra hạnh phúc

Nào ai ngờ bi kịch giữa ngày vui.

 

Dù tấc gang vẫn vời vợi xa xôi,

Có một bức tường thành vô hình nhưng chắc chắn

Đ?i thanh thản như hai tà áo trắng

Sao xót xa tiếc nuối đoá hoa quỳnh?

 

Đã dám yêu, chắc chắn chẳng thanh minh

Không nói chuyện đúng sai trên dòng xanh tình cảm

Điều tội lỗi mà Chúa hằng nghiêm cấm

Lại chính là hạnh phúc chốn trần gian.

 

      16-10-1994

 

 

_

 

Mai Bá Ấn
Số lần đọc: 2874
Ngày đăng: 01.12.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Huyền Thạch và thơ màu xanh phai - Mai Bá Ấn
Lê Văn Ngăn "Cuộc đời và thơ ca" - Vương Kiều
Kiệt Tấn , đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời - Trương Văn Dân
Tôn Phong* - ngọn nến tự cháy - Từ Sâm
Phạm Phú Hải 'Thi sĩ dị thường' - Tâm Nhiên
Paul Eluard ”Nhà thơ khát vọng” - Võ Công Liêm
Nguyễn Trung Hiếu - Hãy xanh cho thấy hết lòng nông sâu! - Mai Bá Ấn
Mùa thu nhớ thi sĩ Bích Khê (1916 -1946) - Đinh Cường
Vài điều nên biết về một người bạn Pháp G.Dumoutier (1850 - 1904) Cựu giám đốc Nha học chính ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ - Vũ Anh Tuấn
Bửu Chỉ "Con người và cuộc đời trong tranh vẽ" - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Hoa mai chùa cổ (truyện ngắn)