Tuổi học trò, đẹp như bốn mùa: Xuân-Hạ-Thu-Đông. Dòng thời gian ấy, cứ lặp đi, lặp lại đều đều, sao không nhàm chán? Bởi mỗi mùa nhiều màu hoa khoe sắc như tuổi hoa, từng ngày tưng bừng đến lớp.
Các bạn ơi! Ta nhận biết bốn mùa qua màu hoa, sắc nắng, cảm xúc buồn vui bao kỷ niệm ghi dấu trên dòng thời gian. Nhớ mùa hoa phượng đỏ, nắng vàng tươi, tiếng chim gù rộn rã sân trường bỏ ngỏ. Tiếng hát Ầu ơ…bà ru em ngủ, lòng bâng khuâng nhớ bạn phương nào. Khúc dân ca càng tha thiết làm sao? Tôi bỗng nhận ra bao nhiêu bài hát ru em, đã ru mình lớn nổi thành người. Mỗi bài hát hòa đồng tuổi hoa, ai biết thủơ còn nằm nôi mẹ dạy:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồi chảy ra”…
Lớn khôn hòa nhập cộng đồng, bài học đầu đời tiếng hát đồng dao nhiều vô kể, dạy ta biết các trò chơi dân gian. Ngày chưa ra thành phố, những đêm trăng chúng tôi chơi trốn tìm. Bài đồng dao có câu hát:
“Chu chi chu chít
Bán mít chợ Tây
Bán mây chợ Viện
Bán kiến chợ Đào”…
Ngày xưa tôi chỉ hát chơi đùa, bây giờ mới hiểu từng câu ca ấy đã dạy tôi biết quê hương mình nhiều quả ngon trái lạ. Những sản vật ấy, có công cha nghĩa mẹ, đâu chỉ lam lũ nuôi con khôn lớn. Người dân quê còn tạo dựng nên cuộc sống: “Đất lề quê thói” . Sống hòa nhập cộng đồng phải biết tôn ty trật tự, điều ấy đẹp như quy luật bốn mùa hoa nở. Bà thường hát đố bài: Con voi-Là gì? Câu trả lời cứ treo mãi trong tôi. Từng câu ca ngân vang theo bước tuổi đồng dao:
“Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Còn cái đuôi đi sau nốt”!
Tiếng hát bà ngân vang mãi tuổi thơ, đến bây tôi mới hiểu muốn sống hòa nhập cộng đồng, cần biết tôn trọng quy luật sắp xếp tự nhiên. Đó là câu thành ngữ: “Kính trên nhường dưới”! Các bạn ơi! Sống giàu lòng vị tha, cái nào ra trước, có trước phải công nhận. Người bé biết tôn trọng anh lớn, như bài hát Con voi, sự sống đã sắp đặt sinh ra không thể khác.
Ngày xưa tôi nhớ nhiều thành ngữ, lắm câu đọc thoảng qua:
“Ăn trông nồi ngồi trông hướng”, chẳng hiểu để làm gì? Nhưng tôi nhớ mãi mùa cúng cơm mới quê hương, xưa thường vào ngày 10 tháng 10 hằng năm. Tôi bé ngôi trong, hai bố mẹ ngồi đầu nồi ở bai bên. Tục cơm mới cúng xong, cả nhà ngồi ăn vui vẻ, quanh bữa cơm ngày mùa đầu tiên ấy ngon lắm. Ăn không biết no, nhìn nồi cơm bốc hơi nghi ngút, tôi đưa bát xin thêm. Bố nói:
Hết rồi, con ạ!
Tôi ngượng quá! Lúc ấy mới biết, thế nào là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Hóa ra những bài hát dân ca, ca dao, thành ngữ xưa thiết chế lên một nền tảng giáo dục hoàn thiện nhân cách tuổi chúng ta đấy. Chưa hết đâu? Những bài dân ca, dân nhạc còn tạo ra một vòng tròn âm nhạc khép kín cuộc đời mỗi con người. Khi sinh ra nghe khúc hát ru, lớn lên hòa nhập cộng đồng, học tiếng hát đồng dao. Đến tuổi trưởng thành nghe tiếng hát dao duyên ý nhị lắm:
“ Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”…
Lớn lên chúng ta phải lao động để tồn tại, như cha mẹ xưa từng hát những bài ca lao động sản xuất: Xe chỉ vá may, Hò kéo chài, Lý phường vải, Hò đò dọc…Sau những phút lao động gian nan vất vả, qua trải nghiệm thiên nhiên, cha ông ta còn luận về thiên nhiên, vũ trụ như các bài hát dân ca, ca dao: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”…Khi kết thúc một vòng đời, tiếng nhạc Lâm khốc đưa con người về cùng thế giới tổ tiên, dòng giống Lạc hồng, lại hồi sinh cùng quy luật đất trời. Phải chăng? Âm nhạc luôn gắn kết hòa đồng tuổi hoa, mang sức sống nhịp điệu tâm hồn con người, đúng không các bạn?
Hà Nội: 4-2015.