Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.200
123.205.161
 
Đọc: Anton P.Chekhov (1860 - 1904) - Cuộc cá cược lạ kỳ (Hiếu Tân dịch)
Nguyễn Hồng Nhung

 

 

Gặp dịch giả Hiếu Tân trên fb (tất nhiên hiện ngay ra trong đầu hình ảnh một người khỏe mạnh, có đôi mắt cứ như của một đứa trẻ tò mò đang ngắm thế gian) bèn hỏi:

- Anh gửi lại cho em cái tập truyện gì hồi gì anh gửi ấy được không? Dokumentum của em là một kho bừa bãi kinh hoàng...

Thế mà Hiếu Tân hiểu đấy, anh lập tức gửi lại cho tôi ngay.

Mỗi dịch phẩm là một cái áo sơ mi hay một (cái gì đó) tự may, tự đính khuy thùa khuyết của dịch giả, ai cũng nhớ rất rõ chúng màu gì, hình thù ra sao...thậm chí sau này cầm cuốn sách đã in ra đọc lại, còn nhớ(như in) đoạn này mình đang vừa ăn bánh mỳ pho mát vừa uống cafe vừa trong bộ pizsama hỳ hục chữa, sửa lại câu văn cho vừa ý vào một sáng mùa đông lạnh ngắt...hahahahah...

Đầu tiên chỉ định chọn ra một truyện ngắn (hay ho) nào đó để...phán... nhưng không ngờ truyện nào cũng hay. Bèn quyết định: sẽ từ tốn giới thiệu cho mọi người cùng biết những truyện nào để lại ấn tượng nhiều nhất cho mình.

Truyện ngắn đầu tiên chọn dưới đây chả phải vì của Chekhov-bậc thày của phong cách viết truyện ngắn thế giới, mà vì đơn giản: Hiếu Tân đưa lên ngay đầu tập truyện ngắn( các nước) chọn lọc có nhan đề: ÔNG TRỜI CÓ MẮT, NHƯNG PHẢI ĐỢI. Một tập truyện ngắn rất độc đáo, dịch rất tuyệt vời.

Truyện ngắn này của Chekhov trước tiên làm người ta tò mò bởi (một phút) bốc đồng của con người, tuy con người không phải là con người nếu nó không bốc đồng và cá cược nhau một cách quái gở như thế. Có thể không ngoa chút nào khi nhận định: bốc đồng là điều kiện không thể thiếu được cho những đam mê người tiếp diễn.


Cứ như thể các nước cờ (sống) đã được lập trình sẵn, ông GIỜI ném vào thế gian những quân cờ-những thằng người, để...chúng mày giải trí với nhau đi... cho nó zui!...


Nhưng chính mệnh lệnh vô hình này mang cho con người một ân sủng có một không hai mà nếu con người biết và trân trọng, nó sẽ sống hai lần trong một kiếp, nó sẽ không chỉ "ngụp lặn" tắm trong thế gian vật chất mà còn biết: đời sống tinh thần là cái gì?

Chỉ có một điều khiến các thiên thần (nếu có xuất hiện) cũng phải trầm ngâm suy nghĩ và hỏi nhau: Tại sao thằng người A lại lựa chọn khác thằng người B nhỉ? Tiêu chí nào để thằng người này nghiêng nhiều hơn về đời sống tinh thần và thằng người kia không thèm đếm xỉa đến những giá trị vô hình đó?
Bởi có một"nghịch lý" rành rành: một lúc không làm được hai việc (như một đêm không thể cùng ngủ trên hai giường...hehehehe...) thế giới vật chất và tinh thần cũng đòi hỏi sự ưu tiên của con người với chúng: cái này phải xuống để cái kia lên ngôi.


Không tin ư? Ngẫm mà xem!

Quái gở! Giời hiểu!- Như những phút bốc đồng làm nên từng cuộc đời khác hẳn nhau của mỗi cá nhân con người.

 

Nguyễn Hồng Nhung


( Budapest. 2015.december. 17)

 

ANTON P. CHEKHOV (1860-1904)

CUỘC CÁ CƯỢC LẠ KỲ

 

Một đêm thu tối trời. Người chủ ngân hàng già bước từ đầu này đến đầu kia trong phòng khách của ông, nhớ lại bữa tiệc mà ông đãi vào một mùa thu cách đây mười lăm năm. Trong bữa tiệc có đủ mặt những người thông minh, và câu chuyện hết sức thú vị. Ngoài những đề tài khác, khách bàn về án tử hình. Các vị khách, trong số họ có không ít các học giả và ký giả, nói chung không tán thành án tử hình. Họ cho rằng biện pháp trừng trị này đã qúa lỗi thời, không thích hợp với một nhà nước Cơ đốc giáo, và trái đạo đức. Một số vị cho rằng án tử hình nên được thay thế bằng án tù chung thân.

“Tôi không đồng ý với các vị,” chủ nhân nói. “Bản thân tôi chưa từng bị án tử hình hay chung thân, nhưng cứ theo suy luận, thì theo thiển ý của tôi án tử hình còn đạo đức hơn và nhân đạo hơn án tù chung thân. Hành hình giết tức khắc, tù chung thân giết từ từ. Kẻ đao phủ nào nhân đạo hơn: kẻ giết anh trong vài giây hay kẻ không ngừng rút sự sống ra khỏi anh trong nhiều năm?”

“Cả hai đều vô nhân đạo như nhau” một vị khách nhận xét, “bởi vì mục đích của chúng là một, đều lấy đi cuộc sống của con người. Nhà nước không phải là Thượng đế. Nó không có quyền lấy đi cái gì mà nó không thể mang trả lại, cho dù nó muốn trả.”

Trong số khách có một luật sư, một chàng trai trẻ khoảng độ hai mươi lăm. Khi được hỏi ý kiến, anh ta nói:


“Án tử hình hay chung thân cũng vô đạo đức như nhau, nhưng nếu tôi phải chọn giữa hai cái, chắc chắn tôi sẽ chọn cái thứ hai. Dù có phải sống khốn khổ thế nào thì cũng vẫn hơn là không sống”

Lý lẽ ấy gây ra một cuộc bàn cãi sôi nổi. Ông chủ ngân hàng lúc đó còn trẻ và đầy khí lực, bỗng mất bình tĩnh, đập nắm đấm xuống bàn, và quay về phía chàng luật sư trẻ tuổi, hét lên:
“Dối trá. Tôi cá hai triệu rúp rằng anh sẽ không chịu nổi ở trong xà lim dù chỉ năm năm”
“Nếu ông nói nghiêm túc,” chàng luật sư trả lời, “Thì tôi cá tôi sẽ ở tù không chỉ năm năm mà mười lăm năm” 


“Mười lăm. Xong!” Ông chủ ngân hàng quát to. “Các ngài. Tôi chồng hai triệu”


“Đồng ý. Ông chồng hai triệu, tôi đặt cược tự do của tôi” luật sư nói.


Ấy thế là cuộc cá cược dã man xuẩn ngốc ấy được thông qua.

Ông chủ ngân hàng lúc ấy đã có trong tay nhiều triệu rúp, hăm hở và bốc đồng, ông ta mừng quýnh đến mất cả tự chủ. Trong bữa tối ông ta nói với chàng luật sư, giọng đùa cợt:
“Tỉnh lại đi, anh bạn trẻ, trước khi quá muộn. Hai triệu rúp không là gì đối với tôi, nhưng anh phải chịu mất ba hay bốn năm đẹp nhất của đời mình. Tôi nói ba hay bốn, bởi vì anh không thể nào chịu đựng được lâu hơn. Cũng đừng nên quên rằng, anh bạn khốn khổ ạ, ở tù tình nguyện thì nặng nề hơn là bị cưỡng bức nhiều. Cái ý nghĩ rằng anh có quyền tự giải phóng mình bất cứ lúc nào sẽ đầu độc toàn bộ cuộc sống của anh ở trong tù. Tôi thương hại anh”

Và bây giờ, chủ ngân hàng, bước từ góc này sang góc kia, nhớ lại tất cả chuyện đó và tự hỏi:
“Tại sao mình lại cá cược như vậy? Cái ấy có gì là tốt? Tay luật sư mất mười lăm năm của đời mình, còn ta quẳng đi hai triệu. Liệu nó có thuyết phục được mọi người rằng án tử hình thì tệ hơn hay tốt hơn chung thân không? Không, không! Toàn chuyện tầm bậy ngu ngốc. Mình thì hiện rõ một thằng lắm tiền rửng mỡ, còn gã luật sư thì rặt là một kẻ tham vàng”


Ông ta tiếp tục nhớ lại những điều xảy ra sau bữa tiệc đêm ấy. Họ quyết định rằng người luật sư phải ngồi tù dưới sự giám sát nghiêm ngặt, trong một chái nhà bên cạnh vườn của ông chủ ngân hàng.

Hai bên nhất trí rằng anh ta không có quyền bước qua ngưỡng cửa, không có quyền trông thấy một người sống, không được nghe giọng người, không được nhận thư từ báo chí. Anh ta được phép có một cây đàn, được đọc sách, được viết thư, được uống rượu vang và hút thuốc lá. Theo thỏa thuận anh ta có thể giao tiếp, trong im lặng, với thế giới bên ngoài qua ô cửa sổ nhỏ được trổ riêng cho mục đích này. Mọi thứ cần thiết, sách, nhạc, rượu, thuốc, anh có thể nhận bao nhiêu cũng được bằng cách gửi một tin nhắn qua cửa sổ. Bản hợp đồng tính đến những chi tiết vụn vặt nhất, để đảm bảo một sự giam cầm cô đơn nghiệt ngã, và nó buộc người luật sư phải ở chính xác mười lăm năm từ mười hai giờ ngày 14 tháng 11 năm 1870 đến mười hai giờ ngày 14 tháng 11 năm 1885. Một mưu toan nhỏ nhất từ phía anh vi phạm các điều kiện này, hoặc trốn ra chỉ hai phút trước giờ quy định, sẽ giải phóng cho chủ ngân hàng khỏi nghĩa vụ trả cho anh ta hai triệu rúp.

Trong những năm cầm tù đầu tiên, người luật sư, như có thể thấy từ những lời nhắn của anh, chịu nỗi cô đơn buồn chán khủng khiếp. Từ chái nhà nơi giam anh, ngày đêm vọng ra tiếng đàn piano. Anh bỏ rượu và thuốc lá. “Rượu kích thích các ham muốn,” anh ta viết, “mà các ham muốn là kẻ thù chính của người tù, ngoài ra, không gì chán hơn uống rượu ngon một mình,” và thuốc lá làm ô nhiễm bầu không khí trong phòng. Trong năm đầu tiên người luật sư được gửi vào những quyển sách nhẹ nhàng, những tiểu thuyết với mối tình lắt léo, những chuyện tội phạm và tưởng tượng, những hài kịch, vân vân.

Đến năm thứ hai tiếng dương cầm không nghe thấy nữa, và luật sư chỉ yêu cầu nhạc cổ điển. Trong năm thứ năm, lại nghe tiếng nhạc, và người tù yêu cầu rượu vang. Những người canh giữ nói rằng trong tất cả những năm ấy, anh ta chỉ ăn, uống và nằm trên giường. Anh ta thường xuyên rên rỉ và tự nói với mình bằng giọng giận dữ. Sách anh ta không đọc nữa. Đôi khi giữa đêm khuya anh ta ngồi dậy và viết. Anh ta viết rất lâu rồi sáng ra lại xé đi hết. Hơn một lần người ta nghe thấy anh khóc.

Nửa sau năm thứ sáu, người tù bắt đầu hăng hái học ngôn ngữ, triết học, và lịch sử. Anh lao vào những môn này một cách cuồng nhiệt và người chủ ngân hàng ít khi kiếm được đủ sách cho anh. Trong khoảng bốn năm gần sáu trăm tập sách đã phải mua theo yêu cầu của anh.

Chính trong thời gian đam mê này, người chủ ngân hàng nhận được bức thư của người tù: “Ngài cai ngục thân mến của tôi, tôi viết những dòng này bằng sáu thứ tiếng. Hãy đưa chúng cho các chuyên gia. Để họ đọc chúng. Nếu họ không tìm thấy một lỗi nào, tôi xin ông ra lệnh bắn một phát súng trong vườn. Nghe tiếng súng tôi có thể biết rằng những cố gắng của tôi đã không uổng phí. Các thiên tài của tất cả các thời đại và các nước nói bằng các thứ tiếng khác nhau, nhưng trong các thứ tiếng ấy có cùng một ngọn lửa cháy. Ôi nếu ông hiểu được sự sung sướng tuyệt đỉnh của tôi vì lúc này tôi đã có thể hiểu các thứ tiếng ấy!”

Mong muốn của người tù được thực hiện, Hai phát súng được bắn trong vườn theo lệnh ông chủ nhà băng.
Thế rồi, sau năm thứ mười, người luật sư ngồi bất động trước bàn và chỉ đọc Tân Ước. Người chủ nhà băng thấy lạ là một người trong bốn năm đã nắm vững sáu trăm tập sách uyên thâm, lại dành gần một năm chỉ để đọc một quyển sách, dễ hiểu và chẳng dày dặn gì. Cuốn Tân Ước sau đó được thay thế bằng lịch sử tôn giáo và thần học.

Trong hai năm cuối giam hãm, người tù đọc một khối lượng khổng lồ, hết sức lung tung. Lúc thì anh ta lăn vào khoa học tự nhiên, lúc lại đọc Byron hay Shakespeare. Các mảnh giấy anh gửi ra ghi những yêu cầu gửi vào cho anh cùng một lúc sách hóa học, sách giáo khoa y học, một cuốn tiểu thuyết, một số chuyên luận triết học và thần học. Anh đọc như bơi trong biển giữa những mảnh vụn của một đống đổ nát, và trong cái mong ước của anh để cứu vãn cuộc sống của mình là cái khao khát ngốn ngấu hết mảnh này đến mảnh khác.

II

Ông chủ nhà băng nhớ lại tất cả những chuyện đó và nghĩ:


Ngày mai lúc mười hai giờ anh ta lấy lại tự do của mình. Theo hợp đồng, mình sẽ trả cho anh ấy hai triệu. Nếu mình trả, đối với mình thế là hết. Mình sẽ vĩnh viễn phá sản.

Mười lăm năm trước ông ta có nhiều triệu bạc, nhưng giờ đây ông ta sợ phải tự hỏi mình xem có nhiều tiền hơn hay nợ nhiều hơn. Đánh bạc trong thị trường chứng khoán, liều lĩnh đoán mò, và tính vô lo ông không bỏ được ngay cả khi tuổi đã già, dần dần đưa công việc kinh doanh của ông đến chỗ tàn lụi, và một doanh nhân không hề biết sợ, đầy tự tin, kiêu hãnh đã trở thành một chủ nhà băng tầm thường, run sợ trước mỗi thăng trầm của thị trường.

“Cuộc cá cược đáng nguyền rủa” ông già ôm đầu lẩm bẩm trong tuyệt vọng. “Sao thằng cha không chết đi cho rồi. Nó bây giờ mới bốn mươi, nó sẽ lấy đi đồng xu cuối cùng của ta, sẽ cưới vợ, sẽ tận hưởng cuộc sống, sẽ đánh bạc ở thị trường hồi đoái, còn mình thì đứng nhìn như một thằng ăn mày thèm khát và nghe nó nói hàng ngày: ‘Tôi biết ơn ông về hạnh phúc của đời tôi. Để tôi giúp ông’.

Không, thế là quá nhiều. Lối thoát duy nhất khỏi phá sản và nhục nhã là thằng kia phải chết”

Đồng hồ đã điểm ba giờ. Lão nhà băng vẫn đang nghe ngóng. Trong nhà mọi người đang ngủ say, và chỉ thấy tiếng các cành cây trĩu nặng giá băng than vãn ngoài cửa sổ. Cố không gây ra một tiếng động, lão ta lấy ra từ két sắt chiếc chìa khóa của cánh cửa từ mười lăm năm nay chưa được mở, mặc áo khoác vào, và ra khỏi nhà.

Khu vườn tối tăm và lạnh giá. Trời đang mưa. Một cơn gió ẩm ướt và buốt thấu xương rít lên trong vườn lay động mọi cây cối. Dù căng mắt ra, lão nhà băng cũng không nhìn thấy mặt đất, không thấy các pho tượng trắng, không thấy chái nhà cạnh vườn, mà cũng chẳng thấy cây cối gì cả.

Đến gần chái nhà, lão gọi người gác hai lần. Không có tiếng trả lời. Rõ ràng người gác đã đi kiếm chỗ trú ngụ khỏi cái lạnh lẽo ác nghiệt này, và bây giờ có lẽ đang ngon giấc đâu đó trong bếp hay trong nhà kính.


“Nếu ta có đủ can đảm để thực hiện ý đồ của ta,” lão già nghĩ “thì mọi nghi ngờ sẽ rơi vào thằng gác trước nhất”

Lão dò dẫm bước đi trong bóng tối, mò được tới cánh cửa, và bước đến bậc thềm của chái nhà bên vườn, rồi lần mò vào một lối đi hẹp và bật một que diêm. Không một tiếng động. Một chiếc giường của ai đó, không có vải trải giường, đứng đó, và một bếp lò lờ mờ tối ở góc kia. Các dấu niêm phong trên cánh cửa dẫn đến phòng của người tù vẫn còn nguyên. Khi que diêm cháy hết, lão già run lên vì lo sợ, lão ngó trộm qua cửa sổ nhỏ.

Trong phòng của người tù một ngọn nến đang cháy leo lét. Bản thân người tù đang ngồi bên bàn. Chỉ nhìn thấy cái lưng, mớ tóc và hai tay anh ta. Những quyển sách để mở bề bộn khắp mặt bàn, trên hai chiếc ghế và trên tấm thảm gần bàn.

Năm phút trôi qua mà người tù không một lần nhúc nhích. Cấm cố mười lăm năm đã dạy anh ngồi bất động. Lão chủ nhà băng dùng ngón tay gõ vào cửa sổ nhưng người tù không có cử động nào đáp lại.

Rồi lão nhà băng cẩn thận xé niêm phong và đút chìa khóa vào ổ. Chiếc khóa han rỉ rít lên ken két và cánh cửa kêu kẽo kẹt. Lão nhà băng chờ nghe một tiếng kêu kinh ngạc vang lên tức khắc và tiếng bước chân. Ba phút trôi qua mà trong phòng vẫn yên ắng như trước. Lão quyết định bước vào.

Trước bàn một người ngồi, không giống như một con người bình thường. Đó là một bộ xương, với lớp da nhăn nhúm, với mớ tóc quăn dài như tóc phụ nữ, với một bộ râu bờm xờm. Da mặt màu vàng tối như màu đất, má hóp, lưng dài và hẹp, đôi bàn tay mà anh ta tựa cái đầu lên chỉ còn da bọc xương trông thật thương tâm. Tóc anh đã bạc nhiều, và không ai nhìn vào khuôn mặt già yếu hốc hác ấy có thể tin rằng anh ta mới chỉ bốn mươi. Trên bàn, trước cái đầu cúi gục của anh, là một tập giấy có ghi gì đó bằng bàn tay nhỏ xíu.

“Thằng quỷ khốn nạn” lão nhà băng nghĩ “Nó ngủ và có lẽ đang mơ thấy mấy triệu đồng ấy. Ta chỉ việc tóm lấy và ném cái đồ chết dở này lên giường, chẹn cái gối lên nó một lúc, dù cho có khám xét kỹ đến mấy cũng không tìm ra dấu vết cái chết không tự nhiên. Nhưng, trước hết, để xem hắn viết cái gì ở đây đã”

Lão chủ nhà băng lấy mảnh giấy từ trên bàn lên và đọc:


“Ngày mai vào mười hai giờ đêm, tôi sẽ được tự do và có quyền giao tiếp với mọi người. Nhưng trước khi rời bỏ căn phòng này và thấy mặt trời tôi nghĩ cần nói đôi lời với ông. Với lương tâm trong sạch và trước Chúa người đang nhìn tôi, tôi tuyên bố với ông rằng tôi khinh thường tự do, cuộc sống, sức khỏe, và tất cả những gì những quyển sách của các người gọi là diễm phúc nơi trần thế.

“Trong mười lăm năm tôi đã cần mẫn nghiên cứu cuộc sống trần gian. Thật ra, tôi không thấy mặt đất lẫn con người, mà trong các quyển sách của ông tôi đã uống rượu thơm, đã ca hát, đã săn hươu và lợn lòi trong rừng, đã yêu những người đàn bà. Và những đàn bà đẹp, giống như những vầng mây thanh tao siêu phàm, làm nên điều kỳ diệu cho thiên tài thi ca của ta, đêm đêm đến thăm ta và thủ thỉ bên tai ta những câu chuyện tuyệt vời khiến ta say đắm.

Trong những quyển sách của ông, ta leo lên đến các đỉnh Elbruz và Mont Blanc cao chót vót, và từ nơi đó ta thấy mặt trời đã mọc lên như thế nào mỗi sớm mai, và mỗi buổi hoàng hôn nó trải ra trên bầu trời, mặt biển và những rặng núi một màu vàng tía rực rỡ như thế nào.

Từ trên đó ta đã thấy trên đầu ta những ánh chớp chập chờn rạch xé những đám mây, ta thấy những cánh rừng xanh tươi, những cánh đồng, sông, hồ, thành phố; ta đã nghe các nàng tiên cá hát ca, ta đã nghe thần Pan thổi sáo; ta đã chạm vào đôi cánh của những thiên thần xinh đẹp bay đến gặp ta để nói lời ngợi ca Chúa.

Trong sách của ông ta đã ném thân ta vào vực sâu không đáy, ta đã làm nhiều phép lạ, đã đốt cháy những kinh thành, đã thuyết giảng những tôn giáo mới, đã chinh phục các quốc gia.

“Sách của ông mang đến cho ta sự khôn ngoan thông thái. Tất cả những gì mà tư tưởng loài người đã tạo ra trong nhiều thế kỷ nay nén lại thành một mảng nhỏ trong sọ của ta. Ta biết rằng ta thông minh hơn tất cả các người.

“Và ta khinh bỉ sách vở của các người, khinh bỉ mọi hạnh phúc trần tục và mọi khôn ngoan trần thế. Mọi sự là hư không, mỏng manh, hão huyền, lừa dối như ảo vọng. Cho dù các ngươi hào hùng và khôn ngoan và xinh đẹp, nhưng cái chết sẽ quét các người khỏi mặt đất giống như những con chuột ngầm dưới đất; và hậu thế của các người, lịch sử của các người và sự bất tử của những thiên tài của các người sẽ như thứ xỉ đông cứng, bị đốt cháy cùng với quả địa cầu này.

“Các người điên rồ, và đã đi những con đường sai trái. Các người lấy cái giả dối làm chân lý và cái xấu xa làm cái đẹp. Các người lấy làm kinh ngạc nếu bỗng nhiên những cây táo cây cam sinh ra ếch nhái thằn lằn chứ không ra quả, và nếu hoa hồng bắt đầu tỏa mùi mồ hôi ngựa. Vậy ta cũng kinh ngạc vì các người, những kẻ đã đổi trời lấy đất. Ta không muốn hiểu các ngươi.

Ta có thể cho các người thấy bằng hành động sự khinh bỉ của ta đối với những gì các ngươi dựa vào để sống, ta từ bỏ hai triệu rúp mà đã có lần ta mơ ước như một thiên đường, mà nay ta khinh thường. Ta có thể khinh bỉ bản thân ta về cái quyền ta có hai triệu ấy, ta sẽ ra khỏi đây năm phút trước thời hạn đã định, và như vậy để vi phạm hợp đồng.”

Khi đã đọc xong, lão chủ nhà băng đặt tờ giấy xuống bàn, hôn lên đầu con người kỳ lạ, và bắt đầu khóc. Lão ra khỏi gian chái nhà. Chưa bao giờ, kể cả khi lão thua thiệt kinh hoàng ở Sở giao dịch hối đoái, lão cảm thấy khinh bỉ bản thân như lúc này. Lão về nhà, nằm lên giường, nhưng nỗi lo âu và những dòng nước mắt khiến lão rất lâu không sao ngủ được.

Sáng hôm sau, người canh gác khốn khổ hớt hải chạy đến báo với lão rằng người ta đã thấy người đàn ông sống trong chái nhà leo qua cửa sổ và chạy vào vườn. Anh ta đã đi qua cổng và biến mất. Ngay lập tức lão chủ nhà băng cùng với bọn đầy tớ đi đến gian chái nhà và xác định việc bỏ trốn của người tù.

Để tránh những tin đồn bất lợi, lão ta lấy tờ giấy tuyên bố từ bỏ từ trên bàn và, khi trở về, khóa nó trong két sắt của lão.

 

( Trích trong tập truyện ngắn các nước chọn lọc -ÔNG TRỜI CÓ MẮT NHƯNG CÒN ĐỢI- Hiếu Tân dịch)

 

( Các dịch giả Phạm Nguyên Trường- Nguyễn Hồng Nhung-Hiếu Tân)

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2853
Ngày đăng: 21.12.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kẻ giết mẹ - Nguyễn Hồng Nhung
Cội phương mai - Lương Hoàng Hạc
Những năm tháng cuối cùng của Edgar Poe : Thi Sĩ Mỹ (1809 - 1849) - Vương Kiều
Chiếc giày đỏ - Trần Băng Khuê
Từ duy nhất - Nguyễn Hồng Nhung
Thầy Tôi Ông Trần Quý Tuệ - Trần Vấn Lệ
Ông sư… - Trọng Huân
Bán lý tưởng vì yêu - Trọng Huân
Sân ga u buồn - Trần Băng Khuê
Bão ngoài trời bão trong lòng - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)