Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
972
123.200.673
 
TRẬN ĐÁNH chỉ được THẮNG không được BẠI
Lê Phú Khải

hay là

QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN NHẤT TRONG ĐỜI CẦM QUÂN CỦA TƯỚNG GIÁP

Dấu ấn Điện Biên Phủ : Tại sao Điện Biên Phủ ?(tiếp theo.)

 

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ban đầu được đặt ở Thẩm Púa, cây số 15 đường Tuần Giáo đi Điện Biên. Vùng này có suối, thác và nhiều núi đá. Các đ/c Lê Liêm, Đặng Kim Giang đã đi trước một tháng để chuẩn bị cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi với các đơn vị sau cùng lên Điện Biên Phủ và đi bằng chiếc xe Jeep đã ọc ạch, chiến lợi phẩm của chiến dịch biên giới. Đồng bào vui vẻ hoan hô cán bộ đi ô-tô ra mặt trận, chứng tỏ quân ta đã mạnh. Dọc đường đi, Đại tướng đặc biệt chú ý đến những diễn biến mới ở Điện Biên Phủ. Và, trao đổi với đ/c cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh về cách đánh tốt nhất ở Điện Biên Phủ là tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng. Đồng chí cố vấn rất đồng ý với Đại tướng về lối đánh này.

            Đến gần Thẩm Púa, đồng chí Hoàng Văn Thái ra đón, báo cáo với Đại tướng là đã trao đổi với các đồng chí trong đoàn cố vấn đi trước chuẩn bị chiến trường, là nên dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Theo đ/c Hoàng Văn Thái thì sự xuất hiện của pháo binh và cao xạ pháo của quân ta sẽ làm cho địch bất ngờ lớn. Đánh nhanh thắng nhanh bộ đội sung sức, đỡ tổn thất, không phải đối phó với khó khăn về tiếp tế đạn dược, lương thực cho hàng vạn quân và dân công trong một cuộc chiến đấu dài ngày … Khi Đại tướng hỏi còn cần giải quyết những vấn đề gì thì được hay, đoạn đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ dài 70km là đường cho ngựa thồ, đã bỏ lâu ngày, nay đang phải sửa cho xe kéo pháo vào vị trí nổ súng. Đại tướng đã chỉ thị cho Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái phải gấp rút đưa nhanh Đại đoàn 312 vào đội hình bao vây địch, không để chúng rút chạy như ở Na Sản trước đây.

            Đi tiếp vào chỉ huy sở, Đại tướng thấy một không khí rất nhộn nhịp, ai cũng phấn khởi và chung một ý kiến : cần đánh nhanh thắng nhanh trong lúc địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự, có thể ta giành chiến thắng trong vài ngày đêm !

            Chỉ riêng Đại tướng thì thấy việc đánh nhanh thắng nhanh là quá mạo hiểm vì so sánh lực lượng ta và địch trên chiến trường, không thể huy động toàn bộ lực lượng ta để tiêu diệt lực lượng địch trong một vài ngày. Nhưng khi Đại tướng đem trình bày suy nghĩ của mình với Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh thì được đ/c Vi nói, đã gặp đ/c Mai Gia Sinh và những chuyên gia cùng đi với trước với cán bộ Việt Nam. Các đ/c chuyên gia và các đ/c Việt Nam đều nhất trí là cần đánh sớm, có nhiều khả năng giành chiến thắng (!)

            Trước tình hình đó, vì chưa có đủ cơ sở để bác bỏ phương án các đ/c đi trước đã lựa chọn nên ngày 14.1.1954, mệnh lệnh chiến đấu đã được phổ biến trên sa bàn lớn ở Thẩm Púa. Cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham gia chiến đấu đều có mặt. 308 được giao đánh thọc sâu từ hướng tây, xông thẳng tới chỉ huy sở Đờ Cát. 312, 316 đột kích hướng đông, nơi có các cao điểm trọng yếu. Dự kiến đánh trong 2 ngày 3 đêm !!! Trước hết tập trung lực lượng hoàn thành kéo pháo và đưa pháo vào trận địa dã chiến. Nghe lượng pháo 105 dự trận này, ai cũng trầm trồ. Nhưng khi phổ biến kế hoạch chiến đấu, Đại tướng vẫn chuẩn bị cho bộ đội trước về tư tưởng, ông nói : "Hiện nay, địch chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta cần ra sức nắm vững địch tình, để khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí" (Trang 95 sách đã dẫn).

            Trước mỗi trận đánh, Đại tướng đều khuyến khích cán bộ nói hết khó khăn. Nhưng lần này, ai cũng hăng hái nhận nhiệm vụ. Chỉ có người hỏi cho rõ hơn, không ai thắc mắc gì. Sau này mới biết, có những chỉ huy thấy nhiệm vụ quá nặng, phải lo đột phá liên tiếp, không giải quyết được thương binh và tiếp tế đạn ….nhưng trước không khí hào hùng trao nhiệm vụ, không ai dám nói những băn khoăn của mình !!!

            Tuy nhiên, Đại tướng vẫn chỉ thị cho đ/c Hiếu, Chánh văn phòng của Bộ theo dõi tình hình, nghiên cứu thêm và chỉ được trao đổi riêng với Đại tướng. Đồng thời giao cho đ/c Cao Pha, Cục phó Cục 2 điều tra thật cẩn thận các vị trí trên cánh đồng hướng tây, nơi được coi là mũi đánh  thọc sâu. Đại tướng còn yêu cầu Cao Pha báo cáo từng ngày hiện tượng tăng quân, củng cố công sự.

            Sở chỉ huy chiến dịch lúc này được chuyển từ cây số 15 vào một khu rừng ngang cây số 62 gần bản Nà Tấu. Khó khăn lúc này là sau khi pháo đã được kéo bằng xe cơ giới đến cách Điện Biên Phủ 15km, nay phải kéo bằng tay vào những trận địa trên quãng đường dài 15km, nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao vực sâu. Người viết bài này trong dịp lên thăm Điện Biên Phủ lần thứ hai vào cuối những ngày cuối năm 2003 vừa qua, trên đường  từ Mường Thanh ngược lại Tuần Giáo để rẽ vào Mường Phăng, đã được tận mắt chứng kiến con đường kéo pháo bằng tay để pháo ta có thể giăng thành vòng vây lửa xung quanh Điện Biên Phủ. Thật không thể hình dung nổi những cỗ pháo nặng hơn 2 tấn, đặc biệt là cao xạ pháo, còn nặng hơn lựu pháo 105 ly bởi chân pháo rất dài … lấy đường đâu mà đi bên những vực thẳm chênh vênh thế này, lấy sức đâu mà kéo khi phải vượt qua những dốc cao 30, 40 độ, có khi đến 60 độ ! Đấy là chưa kể sau đó lại kéo pháo ra !!! Dừng xe quan sát bìa rừng nơi quân ta kéo pháo năm xưa - nay không còn dấu tích sau 50 năm - tôi nhớ lại mấy ngày trước ở Hà Nội, buổi sáng hôm tôi may mắn được Đại tướng tiếp kiến tại nhà riêng, đây cũng là lần thứ 2 tôi được trực tiếp hỏi chuyện Đại tướng về trận Điện Biên Phủ, Đại tướng đã nói vào băng ghi âm : "Đồng chí Phạm Kiệt (người anh hùng của khởi nghĩa Ba Tơ trước Cách mạng tháng 8 - LPK) là người đầu tiên và cũng là người duy nhất phát hiện khó khăn và đề nghị được gặp tôi qua điện thoại hai ngày trước khi nổ súng. Anh Kiệt nói : Pháo ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa …" (Trích băng ghi âm). Tôi rất ngạc nhiên, vì từ trước đến nay chưa bao giờ được nghe nói đ/c Phạm Kiệt, đứng đầu du kích Ba Tơ Quảng Ngãi năm xưa dự trận Điện Biên Phủ tận Tây Bắc nên …. Đại tướng liền cho hay : Đ/c Phạm Kiệt lúc đó phụ trách bảo vệ mặt trận !

            Sau bảy đêm, pháo vẫn chưa tới vị trí quy định. Thời gian nổ súng dự định là ngày 20.1.1954, phải lui lại 5 ngày.

            Thời gian chờ đợi giờ nổ súng, những tin tức Đại tướng thu được qua đ/c Cao Pha, qua các đơn vị đang bao vây, trinh sát của Bộ và cả tin của địch qua vô tuyến điện …. Giặc Pháp ở Mường Thanh đã có thêm nhiều xe tăng và trên bốn chục khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Ở nhiều cứ điểm, địch đã xây dựng công sự kiên cố, đặc biệt là hệ thống công sự phụ, những hàng rào dây thép gai và bãi mìn không ngừng được mở rộng mỗi ngày…Ngày 24, Cục 2 cho biết, Điện Biên Phủ lại được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn … Gần ngày nổ súng, trung đoàn trưởng Hoàng Cầm ở 312 đề nghị trả bớt pháo ! Vì được trao quá nhiều pháo.

            Ý kiến của đ/c Phạm Kiệt và Hoàng Cầm làm cho Đại tướng đặc biệt lưu tâm. Vì đây là lần đầu tiên một đơn vị đột kích lại từ chối pháo phối thuộc (!). Hơn thế, Đại tướng còn nóng lòng khi các chiến trường phối hợp trong toàn quốc đặc biệt là khu 5 chưa nổ súng. Đến ngày 22 mới có tin Khu 5 bắt đầu tiến lên Tây Nguyên và Hạ Lào quân ta đã chuyển động …

            Đến giờ chót, một chiến sỹ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt ! Diễn biến đầu tiên này ngoài dự kiến nên Bộ chỉ huy quyết định dời trận đánh 24 tiếng !

            Từ khi trao nhiệm vụ chiến đấu mới chỉ 10 ngày trôi qua …nhưng với người chỉ huy cao nhất của trận đánh như cả tháng, cả năm đã trôi qua. Lời Bác dặn và Nghị quyết TW lại văng vẳng bên tai người chịu trách nhiệm cao nhất trận đánh lịch sử, chưa từng có với quân đội nhân dân từ ngày đầu cách mạng mùa thu " "chỉ được thắng không được bại vì bại là hết vốn" !

            Đêm 25  tháng 1, Đại tướng thức trắng, đầu đau nhức, y sĩ Thùy phải buộc lên trán Đại tướng một nắm rau ngải cứu !

            "Không phải chỉ có sức mạnh tinh thần cao là lúc nào cũng chiến thắng. Sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn". Những suy nghĩ ấy theo Đại tướng trong đêm và ba khó khăn hiện lên rất rõ : Một là, chủ lực ta đến nay mới chỉ tiêu diệt cao nhất là một tiểu đoàn tăng cường có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản thương vong nhiều…..

            Hai là, đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu mà lại chưa hề qua diễn tập ! Xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào !

            Ba là, chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng có máy bay, pháo và xe tăng yểm trợ.

            Tất cả khó khăn đó đều chưa được bàn kỹ và tìm cách khắc phục!

            Suốt đêm Đại tướng chỉ mong trời sáng …. Sáng 26.1.1954 Đảng ủy mặt trận họp. Trước khi họp, Đại tướng gặp cố vấn. Đ/c Vi Quốc Thanh đã ngạc nhiên khi nhìn thấy nắm ngải cứu trên trán Đại tướng. Ông hỏi : Võ Tổng (tức Võ Tổng Tư lệnh - LPK) cho biết tình hình tới nay ra sao ? Sau khi nêu rõ ba khó khăn, Đại tướng kết luận : Nếu đánh là thất bại ! Trưởng đoàn cố vấn đã đồng ý với Võ Đại tướng và ông hứa sẽ làm công tác tư tưởng trong đoàn cố vấn.

            Nhưng cuộc họp Đảng ủy không dễ dàng. Chủ nhiệm chính trị nêu khó khăn tinh thần bộ đội đang lên cao, nếu thay đổi, giải thích cho bộ đội làm sao ? Chủ nhiệm hậu cần cũng nêu khó khăn, nếu không đánh ngay sau này lại càng không đánh được. Tham mưu trưởng thì cho là, lần này có ưu thế về binh lực, pháo 105 và cao xạ xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn, nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi(!)

            Nhưng khi Đại tướng nhắc lại lời Bác : "Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh" và đề nghị mọi người trả lời câu hỏi : "Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không ?". Câu trả lời là : Làm sao dám bảo đảm như vậy ? Nếu yêu cầu 100% thì khó … Cuối cùng cuộc họp đi đến nhất trí là, trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể khắc phục. Lúc đó Đại tường mới đứng lên dõng dạc kết luận : …."Chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương  châm mới …" (trang 107 - 108 sách đã dẫn)

            Sau đó Đại tướng cầm máy gọi cho pháo binh :

            - Tình hình đã thay đổi : Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (Trần Đình là bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy ra lệnh cho các đ/c 17 giờ hôm nay kéo pháo ra khỏi trận địa … Triệt để chấp hành mệnh lệnh không giải thích…

Đầu dây bên kia chỉ nghe tiếng của chính ủy pháo binh Phạm Ngọc Mậu đáp : Rõ ! Xin triệt để chấp hành ….

            Sau đó, đến lượt Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308 nhận lệnh của Đại tướng : Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đ/c có nhiệm vụ hướng về Luông Phabăng tiến quân … gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi mới trả lời … Đầu dây đằng kia nghe tiếng : Rõ !

            Mặt khác, Đại tướng lại chỉ thị một đơn vị nhỏ mang theo điện đài đi về hướng Mộc Châu, mỗi ngày 3 lần đánh điện về báo cáo : "Đại đoàn 308 đã về đến nơi". Điện mật, xen đôi tiếng không dùng mật mã. Vì thế, địch ban đầu tưởng 308 quay về đồng bằng …

            Trong cuộc tiếp kiến buổi sáng một ngày cuối năm 2003 tại Hà Nội như đã kể ở trên, Đại tường đã nói vào băng ghi âm của tôi : Mấy vạn quân đã dàn trận rồi, sắp nổ súng mà lại ra lệnh rút quân ! Trong dân quân, nhiều người nói đây là lệnh của Việt gian !

            Rồi Đại tướng kết luận : Riêng đối với tôi, quyết định thay đổi phương châm tác chiến là quyết định lớn nhất và khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi.

 

 

Trận Đầu - 13/3/1954

 

ĐỘT PHÁ ĐỒI HIM LAM

 

… Hôm qua đánh trận Điện Biên

   Chiến hào xuất kích  đồi Him Lam ta tiến vào….

(Lời một bài ca)

 

Ngày 31-1-1954 Sở chỉ huy chiến dịch chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng, rặng núi cao nằm ở phía đông Mường Thanh.

Công việc khó khăn và quan trọng nhất trong giai đoạn chuẩn bị này là kéo pháo ra và đưa pháo vào các vị trí an toàn, đặt các cứ điểm trong tầm bắn của pháo. Địch không bỏ lỡ thời cơ để loại trừ một hiểm họa lớn luôn ám ảnh chúng là pháo của đối phương. Vì thế, máy bay trút bom phá, bom na-pan, pháo nã suốt ngày đêm những nơi chúng nghi ngờ ta đang chuyển pháo. Những khu rừng, đỉnh đèo nham nhở hố bom, hố đại bác, cây cối đổ gẫy, xơ xác như vừa qua một cơn bão khủng khiếp.

Nguyễn Trí Việt, quê ở Bến Tre, là một trong bốn chiến sĩ Nam Bộ tham gia trận Điện Biên lịch sử, là chính trị viên đại đội xung kích 245, Tiểu đoàn 11 Phủ Thông, Trung đoàn 141 Ba Vì, Đại đoàn 312 từng chỉ huy một đại đội kéo pháo vào, kéo pháo ra ở Điện Biên năm đó, sau này có viết cuốn hồi ký "Những ngày Điện Biên Phủ" (NXB Trẻ TPHCM 1966) đã kể tỷ mỷ chuyện kéo pháo trong cuốn sách đó. Một lần, người viết bài này đến chơi nhà anh ở đường Mạc Đĩnh Chi Quận 1… trong lúc vui chuyện, anh đã cười phá lên và bảo tôi : …. Bom  na-pan nó bỏ đến hổ báo cũng phải chạy cong đuôi, rừng thì bốc cháy lấy đâu ra "Gà rừng gáy trên nương rồi …" như ông nhạc sĩ sáng tác bài "Hò kéo pháo" ! Nhưng rồi anh lại phán : Nhưng bài ấy đỡ lắm, lính ta quên mệt nhọc mà …hò kéo pháo …Nghệ thuật phải thế chứ ! Hư cấu mà !!!

Nhiều người đến nay vẫn cho rằng, bất ngờ lớn nhất của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ là sự xuất hiện pháo của ta. Thực ra địch không phải không biết là ta đã có pháo. Chính Đờ-Cát ngày 16.12.1954 đã  ra lệnh cho quân lính phải xây dựng các vị trí chống được pháo 105 của đối phương. Vì thế quân giặc mới vào các các bản làng phá nhà sàn của dân để lấy cột gỗ có "đường kính 15 xăng ti mét" để xây hầm có "hai lớp gỗ cách nhau một mét đất lèn chặt" như quy định của chủ tướng (!).

Điều bất ngờ với địch là ta đã đưa pháo vào ngay sườn núi bên trong lòng chảo, đặt các cứ điểm trong tầm bắn và hầm pháo được cấu trúc chắc chắn đến mức chịu được những trận oanh kích của máy bay và pháo binh nếu chẳng may bị lộ ! Sỹ quan chỉ huy pháo binh của địch là Đại tá Pi rốt đã phải tự sát ngay ngày thứ 2 của trận đánh, khi y không thực hiện được lời hứa với NaVa "chỉ cần sau ba phát pháo của Việt Minh, hỏa điểm sẽ lập tức bị dập tắt ! Pirốt là một sỹ quan pháo binh cừ khôi của quân Pháp nên mặc dù đã mất 1 cánh tay, y vẫn được giữ lại trong quân ngũ !!!

Công việc kéo pháo và làm đường cơ động cho pháo, chuẩn bị cho trận đánh bắt đầu là một kỳ công của quân ta. Chỉ sau 20 ngày lao động quên mình con đường dài 70km với những chỗ ngoặt rộng 12 mét, có nơi phải phạt thành núi cao 20 - 30 mét… đã được hoàn thành. Sau khi thua trận ở Điện Biên Phủ, đoàn tù binh đi qua con đường này để về nơi tập trung, có tên đã phải thốt lên : "Riêng việc làm những trục đường này, các ông đã đủ thắng rồi !"

Cũng chính trong lúc kéo pháo ra còn nguy hiểm hơn kéo pháo vào, đã xuất hiện những tấm gương hy sinh mà lịch sử đời đời ghi nhớ. Đó là lúc dây kéo pháo đứt, một khẩu cao xạ pháo có nguy cơ lao xuống vực. Khẩu đội trưởng, Tô Vĩnh Diện đã ôm vật chèn lao vào bánh xe mong chặn khẩu pháo cao xạ hai tấn rưỡi lại ! Thủ pháo Nguyễn Văn Chức đã làm như vậy khi kéo pháo vào ! Các anh cùng đồng đội cứu được pháo nhưng đã anh dũng hy sinh.

Trong thời gian quân ta hoãn trận đánh, bỏ cách đánh nhanh thắng nhanh để chuẩn bị theo phương án mới (từ 26.1.1954 đến 13.3.1954) các chiến trường trên toàn quốc đã nổ súng. Ở Bắc Tây Nguyên, những cứ điểm mạnh nhất của địch đã bị bộ đội Liên khu 5 san phẳng, chiến dịch Tây Nguyên đã nổ ra cực kỳ đúng lúc. Tiếng súng phối hợp trên chiến trường Hạ Lào cũng đã nổ. Ở Thượng Lào, trên chặng đường 200km, bộ đội ta đánh nhiều trận, tiêu diệt và làm tan rã 17 đại đội địch, trong đó có một tiểu đoàn lê dương bị tiêu diệt gọn. Ta giải phóng một vùng ước tính 10.000 km2, cô lập hoàn toàn Điện Biên Phủ. Ở đồng bằng Bắc Bộ trên đường số 5 nối Hà Nội với Hải Phòng cũng như nhiều tuyến khác, quân  ta triệt để đánh phá giao thông vận tải, uy hiếp hậu phương, ngăn chặn địch tiếp viện cho Điện Biên Phủ. Đêm 4 tháng 3 năm 1954 quân ta đột nhập sân bay Gia Lâm đốt cháy 12 máy bay địch. Hai ngày sau bộ đội địa phương Kiến An lại đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 4 máy bay B26 và 6 máy bay Moran. Ở Bình Trị Thiên, cực nam Trung bộ quân ta lật đổ nhiều đoàn tàu địch. Tại Lăng Cô (Thừa Thiên) quân ta lật đổ 2 đầu máy, 19 toa xe, diệt 400 địch. Trận Phố Trạch (Quảng Trị) ta tập kích diệt 200 địch, thu 2 đại bác. Tại Nha Trang ta đốt cháy hàng triệu lít xăng. Tại Nam bộ Phân liên khu miền Tây lực lượng vũ trang giữ vững và phát triển vùng giải phóng, tiêu diệt và bức rút trên 1.000 đồn trại, tháp canh. Ngày 24.2.1954 tại Tầm Vu tiêu diệt và  bắt sống toàn bộ tiểu đoàn ngụy và đại đội Pháp số 14. Bộ đội Vĩnh Long còn bắn chìm và hỏng 7 tàu chiến. Tại Sài Gòn, đột nhập kho bom Tân Sơn Nhất, một trong những kho bom lớn nhất của địch tại Đông Dương, phá hủy 300 tấn bom, tiêu diệt cả đại đội lính Âu Phi bảo vệ kho. Tại Bà Rịa - Chợ Lớn quân ta đột nhập khách  sạn Ô Cấp, diệt hơn 100 sỹ quan Pháp và Mỹ …

Có thể nói, ta đã ghìm chân địch trên khắp chiến trường không cho NaVa còn gì để cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Ban đầu, ném 6 tiểu đoàn xuống Điện Biên Phủ NaVa chỉ mới có ý định ngăn chặn một đại đoàn chủ lực ta tiến vào Tây Bắc và làm một cái "nhọt tụ độc" mà thôi! Nhưng chỉ 3 tháng sau, từ những cuộc điều binh của ta trên bàn cờ Đông Xuân 53 - 54, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi quyết định vận mệnh của chiến tranh Đông Dương. Đài TNVN đưa tin chiến thắng rầm rộ trên các chiến trường, duy Điện Biên Phủ chỉ thỉnh thoảng mới nhắc tới !!!

Ngày 4.3.1954 NaVa lên thăm Điện Biên Phủ một lần cuối. Cả Cô Nhi, Đờ Cát và nhiều sỹ quan Pháp lúc này chỉ mong một cuộc tấn công của ta vào Điện Biên Phủ để trông chờ một chiến thắng lớn về quân sự nhằm cứu vãn quân Pháp trên khắp các chiến trường. Quân Pháp cho rằng, Điện Biên Phủ là một "cơ hội bằng vàng" để đánh quỵ quân Việt Minh (!). Riêng NaVa, linh cảm thấy một điều gì không lành nên yêu cầu có thêm một trung tâm đề kháng nữa để đối phương phải điều chỉnh kế hoạch. Chỉ qua vài lần như vậy là mùa mưa sẽ tới, trận đánh sẽ không xảy ra … Nhưng Đờ Cát đã phản đối : "Chỉ sợ chúng không tới. Cần phải đẩy chúng tiến công để kết thúc sớm".. Cô Nhi cũng phản đối : "Không nên làm Việt Minh thay đổi quyết định. Cả tập đoàn cứ điểm đều trông đợi một chiến thắng lớn bằng phòng ngự … Sẽ là một thảm họa về tinh thần nếu Việt Minh không đánh !!!" (trang 198 sách đã dẫn)

Tổng chỉ huy Na Va đã không dám quyết đoán như Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã quyết đoán khi hoãn trận đánh, thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ.

Và cái gì tới đã tới.

17 giờ 05 phút ngày 13.3.1954, 40 khẩu pháo cỡ từ 75 đến 120 milimét của quân ta đồng loạt nhả đạn mở đầu cho trận đánh lịch sử.

Thông thường trong chiến tranh, phía tấn công phải có lực lượng gấp 5 lần trở lên so với phía phòng ngự. Nhưng so sánh lực lượng hai bên ở Điện Biên Phủ thì thấy ; Địch có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, gồm phần lớn những đơn vị tinh nhuệ nhất. Địch còn có hai tiểu đoàn pháo 105 ly, 24 khẩu, 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly 20 khẩu, 1 đại đội pháo 155 ly 4 khẩu, 1 đại đội xe tăng 18 tấn 10 chiếc. Không quân thường trực tại sân bay có 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 vận tải và 1 trực thăng. Ngoài ra 2/3 lực lượng máy bay ném bom tiêm kích và 100% máy bay vận tải toàn Đông Dương yểm trợ cho Điện Biên Phủ. Tổng quân địch ở Điện Biên Phủ là 12.000 người. Lực lượng ta có 9 trung đoàn bộ binh (27 tiểu đoàn), 1 trung đoàn sơn pháo 24 khẩu, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly 24 khẩu, 4 đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu, 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu, 2 tiểu đoàn công binh. Ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12) nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 mỗi tiểu đoàn địch. Ta cũng hơn địch về số lượng pháo (64/48) nhưng đạn pháo dự bị của ta lại rất hạn chế. Ta không có xe tăng và chỉ có 1 trung đoàn pháo cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch ở Đông Dương. Xét toàn cảnh, ta vẫn ở vào thế yếu đánh mạnh.

Nhưng ta chủ động tấn công, tự quyết định đánh hay không đánh, chủ động lựa chọn điểm đánh và thời gian đánh. Đánh hay không đánh đều có lợi cho ta vì đương nhiên, ta đã kìm chân được một lực lượng lớn địch ở đây để giành được thắng lợi trên nhiều chiến trường Đông Xuân 53 - 54. Địch ở Điện Biên Phủ tuy mạnh nhưng bị nhốt trong các cũi thép gai và hầm hố một cách thụ động, không thể đem toàn bộ sức mạnh để đánh trả, cứu nguy cho một cứ điểm bị tấn công. Ta đem toàn bộ sức mạnh để đánh một điểm bao vây chia cắt địch ra mà đánh dần, linh hoạt và cơ động hoàn toàn. Như vậy nếu xét trong một trận đánh, thì ta vẫn mạnh hơn địch. Mạnh sẽ thắng yếu. Thiên tài quân sự của Tướng Giáp là ở chỗ phân tích sắc bén thế và lực trong những tình huống cụ thể ở Điện Biên Phủ để tìm ra cách đánh thích hợp, "đánh chắc tiến chắc" để đi đến đại thắng !

Bởi vậy, khi 40 khẩu pháo các loại của ta được bố trí phân tán nhưng lúc bắn lại tập trung vào những mục tiêu chỉ định như sân bay, trận địa pháo địch ở Mường Thanh và trung tâm đề kháng Him Lam thì cả Him Lam và trung tâm Mường Thanh rung chuyển. Đất đá tung lên, 6 máy bay, 12 khẩu pháo và súng cối của địch bị bắn hỏng, lô cốt, đường hào ở Him Lam bị đè bẹp. Pháo dọn đường cho ba tiểu đoàn xung kích của ta xông lên tiêu diệt 1 tiểu đoàn lê dương của địch chia nhau đóng giữ 3 cứ điểm trên 3 quả đồi của trung tâm đề kháng Him Lam. Chỉ sau hơn 4 tiếng đồng hồ tiến công, quân ta đã tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lamvới 750 lính lê dương, diệt 300 tên, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí làm ba phân khu : Phân khu trung tâm, phân khu bắc và phân khu nam, bao gồm 49 cứ điểm, tập hợp trong 8 trung tâm đề kháng. Trung tâm đề kháng Him Lam nằm ở phía đông bắc trên đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên có nhiệm vụ bảo vệ tập đoàn cứ điểm từ xa. Do tính chất quan trọng của nó nên 1 tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương 13 nổi tiếng, từng phá vòng vây của quân Đức trong thế chiến II, được coi là một trong những đơn vị huyền thoại của quân đội Pháp chưa từng thua trận bao giờ … đóng giữ ! Trung tâm Him Lam gồm 3 cứ điểm có công sự vững chắc, một lưới lửa mạnh bố trí rất cẩn mật, yểm trợ cho nhau, có hệ thống công sự phụ dây thép gai, vật chướng ngại, bãi mìn rộng 100 mét, được trang bị cả súng có kính ngắm điện tử phát hiện mục tiêu trong đêm. Him Lam được trọng pháo 105 và 155 ly ở Mường Thanh và Hồng Cúm yểm trợ theo một kế hoạch hỏa lực dày đặc. Lực lượng dự bị xe tăng, pháo binh, không quân  sẵn sàng chi viện nếu Him Lam bị tấn công. Hai ngày trước trận đánh, quân báo của ta đột kích bắt về 1 trung úy thuộc đội cảnh giới của Him Lam, tên này sau khi được chữa chạy vết thương đã thành thật khuyên ta : "Không nên đánh vào Béatrice tức Him Lam - vì đây là trung  tâm đề kháng mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm !!!"

Trận đánh mở màn đã thành công ngoài sự mong đợi. Him Lam không đứng vững trước sự tấn công của một trung đoàn của ta thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không phải là một pháo đài không thể công phá.

 

 

Đợt tấn công thứ 2 từ 30.3 đến 1.5.1954

 

TRẬN ĐỊA CHIẾN HÀO XIẾT VÒNG VÂY LỬA

 

            Sau Him Lam, cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng)  đồi Độc Lập và Bản Kéo nhanh chóng bị tiêu diệt. Vậy là chỉ sau 5 ngày chiến đấu cánh cửa phía bắc của tập đoàn cứ điểm đã mở toang.

            Trận Him Lam chói sáng tinh thần chiến đấu dũng cảm và quyết tâm chiến thắng của chiến sĩ ta. Đại đội chủ công của Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141 (312) khi đánh cứ điểm số 2, vừa mở xong hàng rào cuối cùng thì vấp phải một luồng đạn từ lô cốt tiền duyên tuôn ra, hỏa lực bắn thẳng của đại đội cũng không dập ngay được hỏa điểm. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót trườn lên với tiểu liên và lựu đạn, khi hết đạn và lựu đạn anh đã lao mình vào lỗ châu mai làm ngừng tiếng súng trong giây lát, tạo thời cơ cho xung kích lao lên … Hành động anh hùng của Giót cổ vũ toàn đồng đội. Các chiến sĩ ta đã lao lên dùng lựu đạn lưỡi lê đánh giáp lá cà nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm. Nguyễn Trí Việt, chính trị viên đại đội 245 đã nhắc ở trên, trong trận Him Lam này anh chỉ huy đại đội xung kích của mình vượt qua sông Nậm Rốn ở phía tây để đánh 1 quả đồi trong 3 quả đồi của trung tâm đề kháng Him Lam, sau này có kể lại với người viết (LPK) như sau : Dũng cảm nhất trong một cuộc xung kích vẫn là các chiến sĩ bộc phá. Các anh phải đi trước bóc rào kẽm gai, chướng ngại vật cho xung kích lao lên. Trung đội bộc phá của chúng tôi cũng lần lượt hy sinh đến chiến sĩ cuối cùng. Trí Việt giải thích : sau này mới biết, do trời tối quá, khói mù mịt, pháo địch ở Mường Thanh lúc này đã hoàn hồn nên yểm trợ, bắn tập trung liên tiếp, có nhiều anh em ôm bộc phá lên, chưa kịp cho bộc phá nổ đã hy sinh. Có anh em chệch hướng, tưởng hàng rào chưa bị phá, phá tiếp hàng rào kẽm gai đã bị phá rồi. Chúng tôi phải tổ chức rút kinh nghiệm… Sáng hôm sau, từ đỉnh đồi nhìn xuống, thấy dầy đặc sắt thép, rào gai … ai cũng rùng mình, không thể tưởng tượng nổi đêm qua làm sao mà ta có thể lao lên được trước những rào cản dầy đặc thế kia ….nhờ các đồng chí bộc phá mở đường quyết tử …mới có chiến thắng…

            Nghe Trí Việt kể lại chuyện 50 năm xưa trong một quán cà phê ở Sài Gòn… tôi bỗng hình dung ra nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ mà cách đó vài ngày tôi đã đến thắp nhang … chỉ có 4 liệt sĩ có tên : Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, Tô Vĩnh Diện … còn tất cả là vô danh … Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khóc khi viếng những nghĩa trang ở Điện Biên Phủ như thế. Ông nói : Có những đơn vị phải giáp ngay lại trong một trận đánh, chưa kịp biết tên đồng đội thì đồng đội đã hy sinh…

Sau trận mở màn, con nhím Điện Biên Phủ vẫn còn quá mạnh. Ta phải làm cho nó suy yếu trước khi bắt đầu trận quyết định. Đảng ủy mặt trận đã đề ra 3 nhiệm vụ cụ thể chuẩn bị cho đợt tiến công thứ 2 :

Một là, bao vây địch bằng các trận địa tấn công ở tất cả các hướng, đưa trận địa tấn công vào cự ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, súng nhỏ … của ta. Chia cắt phân khu Hồng Cúm với trung tâm.

Hai là, "Bóc" thêm một số cứ điểm ở "vỏ" ngoài của tập đoàn cứ điểm.

Ba là, khống chế sân bay và chuẩn bị đánh địch phản kích.

Trong các nhiệm vụ trên thì nhiệm vụ xây dựng trận địa tấn công là quan trọng nhất. Thời gian cho chuẩn bị là 10 ngày nhưng tuyến chiến hào vạch ra trên bản đồ ước tính 100km ! Hào giao thông chiến đấu phải có : đường trục cho việc cơ động pháo, chuyển thương binh, hào tiếp cận của bộ binh; Đường hào trục bao quanh toàn bộ trận địa địch ở khu trung tâm, hào bộ binh chạy từ những vị trí trú quân trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang hào trục, tiến vào các vị trí mà ta định tiêu diệt. Hào phải sâu 1,70m. đường hào bộ binh rộng 0,5m, đáy hào trục 1,2m. Dọc đường hào bộ binh phải có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với địch tiến công. Hào phải đào vào ban đêm, làm tới đâu ngụy trang tới đó, triển khai cùng một lúc để phân tán sự chống phá của địch. Thời gian biểu của bộ đội là sáng ngủ, chiều lên rừng đốn gỗ xây trận địa, suốt đêm là thời gian đào trận địa. Bộ đội phải lao động cật lực 14 đến 18 tiếng một ngày. Khi hào đã ra đến cánh đồng trống thì không còn cách nào ngụy trang  nữa, mỗi tấc đất chiến hào đều phải trả bằng máu.

            Cả Điện Biên Phủ lúc này là một công trường lao động vĩ đại tạo ra một vòng lửa thiêu đốt con nhím khổng lồ tập đoàn cứ điểm !

            Sau này các nhà nghiên cứu lịch sử và quân sự bình luận rằng, tất cả các cuộc chiến chiến hào từ xưa đến nay đều diễn ra khi hai bên không bên nào thôn tính được bên nào, chán đánh nhau đành phải đào hào trú ẩn chờ thời cơ… Thậm chí có nơi quân lính hai bên quên cả hận thù còn nói chuyện với nhau, lên mặt hào hút thuốc … Nhưng trận địa chiến hào ở Điện Biên Phủ lại là trận địa tiến công. Thông thường bên mạnh tấn công, bên yếu phòng ngự. Nhưng ở đây Pháp mạnh lại chọn thế phòng ngự, ta yếu lại tấn công ! Và trận này chấp nhận  mặt đối mặt với kẻ mạnh. Hào của ta xiết chặt vòng vây lửa mỗi ngày, địch gồng mình lên để giẫy dụa. Chỉ một bóng người nhô lên là hai bên đều nhả đạn. Bắn tỉa trở thành nỗi kinh hoàng của giặc Pháp khi bị chiến hào xiết chặt. Cuộc chiến kéo dài nên cuộc sống dưới hào của bộ đội phải được cải thiện. Các hàm ếch dọc chiến hào phải đủ rộng để bộ đội có thể thay phiên nhau duỗi chân mà nằm ngủ ! Phải được luân phiên nhau về tuyến sau tắm rửa giặt rũ, tìm rau xanh ăn ….Sinh hoạt của bộ đội phải được bình thường để đủ sức chiến đấu lâu dài. Đó là chỉ đạo của Đại tướng. Nhưng lại có quan điểm, đã là chiến tranh là bất bình thường. Nhưng Đại tướng cho rằng bộ đội chiến đấu liên tục 5 tháng liền, cái bất bình thường đã thành bình thường, nên phải bình thường hóa sinh hoạt của bộ đội. Vì thế lính ta được ăn cơm nóng, có báo đọc, tú lơ khơ chơi, ca hát ngay dưới chiến hào để có sức mà đánh chắc tiến chắc tiêu diệt địch. Khi một người chỉ huy có tri thức thì dù cuộc chiến có khốc liệt mấy vẫn có chất nhân văn  là thế !

            Địch đã dùng sức mạnh tối đa của bom đạn trên trận địa bằng phẳng ở Mường Thanh và các cuộc phản kích của chúng có xe tăng yểm trợ để phá công việc xây dựng trận địa của ta. Có trận pháo ở Mường Thanh yểm trợ, rồi xe tăng mở đường phản kích. Lính dù bám theo xe tăng tràn lên trận địa ta, chia cắt đội hình ta, nhẩy xuống chiến hào ….Nhưng ta quyết không rời trận địa, chụm lại ở một ngã ba chiến hào dùng trung liên, tiểu liên thành một vòng tròn, mặc xe tăng vượt qua, nhắm kẻ thù mà bắn .. Có trận lính phòng không của ta chỉ được trang bị trọng liên bắn máy bay, khi xe tăng và bộ binh địch tràn tới, chỉ huy đã hạ lệnh hạ nòng cao xạ xuống bắn xe tăng …nòng súng đỏ rực. Khi xe tăng chà lên chiến hào và ụ súng, lính ta giật lựu đạn, chờ xì khói rồi mới ném vào địch, cuối cùng lựu đạn cũng hết, ta dùng búa đanh, kìm, lắc lê, chân súng gẫy lăn xả vào địch đánh xáp lá cà. Cuộc chiến không cân sức kéo dài đến 2 tiếng đồng hồ … Trận phản kích này của giặc được quân viễn chinh coi là chiến thắng duy nhất của chúng ở Điện Biên Phủ (!)

            Mục tiêu của đợt tấn công thứ hai sau khi đã xây dựng trận địa là đánh chiếm các cao điểm phòng ngự phía đông của khu trung tâm, khống chế đi đến đánh chiếm sân bay, triệt đường tiếp tế của địch. Thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của tập đoàn  cứ điểm. Để hỗ trợ các đơn vị đánh cao điểm, ta có một mũi thọc sâu vào khu đông, đánh trận địa pháo …

            Các đại đoàn 312, 316, 308, 351 vào trận đánh này.

            18 giờ 30 ngày 30 tháng 3 năm 1954, tức sau 15 ngày của đợt tiến công đầu, đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm bắt đầu.

            Các cao điểm phía đông, các vị trí bảo vệ sân bay và khu vực quân cơ động của địch chìm trong khói lửa.

            Khói lửa ở đây là khói lửa của pháo ta đánh phủ đầu. Nhưng không phải đạn ta dư thừa như của địch. Khi đại tướng hỏi trước trận đánh, có ai đề nghị gì không ? Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An nói :

            - A1 là vị trí rất cứng mà chi viện có 100 viên đạn pháo 105, như vậy là ít quá.

            Đại tướng đã nói vui : Được, cho cậu thêm 5 viên nữa ! Mọi người đã cười ồ !

            Tuy đạn pháo ta hạn chế, nhưng cũng như đợt tấn công thứ nhất, suốt nửa giờ đầu, pháo binh địch không thể lên tiếng ! (Ở đợt đầu, sau khi hoàn hồn, Pirốt đã dội 6000 viên đại bác xuống xung quanh Him Lam) !

            Những giờ đầu, cuộc chiến đấu diễn ra khá thuận lợi. Pháo ta bắn chính xác. Ở đồi C1 lần đầu ta mở rào bằng đạn phóng bọc lôi. Khi pháo chuyển làn, các chiến sĩ bộc phá chỉ còn mở nốt những hàng rào còn sót lại. Chỉ sau 45 phút xung kích ta với lưỡi lê, lựu đạn đã đánh tan 3 đợt phản kích của địch, toàn bộ 1 đại đội 149 tên thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 Marốc địch bị tiêu diệt và bắt sống. Tại cao điểm E, sau 1 giờ xung phong, ta đã chiếm cứ  điểm. Tại cao điểm D1 đại uý Garăngđô (Garandeau) chỉ huy tiểu đoàn 3 Angiêri bị pháo ta vùi chết trong hầm chỉ huy. Sau 2 giờ chiến đấu ta chiếm toàn bộ đồi D1, ngọn đồi cao nhất thung lũng Điện Biên. (Tổng thống Mít-tơ-răng Pháp sau này lên thăm Điện Biên Phủ cũng đã lên đây đứng trầm ngâm quan sát toàn lòng chảo Mường Thanh !!!). Những tên lính Bắc Phi và ngụy Thái sống sót tháo chạy về phía Nậm Rốn… Thừa thắng ta đánh xuống D2… Riêng A1 và các mũi thọc sâu …các đơn vị ta gặp khó khăn. Tới nửa đêm cuộc chiến tại A1 diễn ra giằng co, ta và địch mỗi bên chiếm nửa quả đồi (!) ở đồi C2, quả đồi khá rộng nối với C1 bằng một yên ngựa …rất tiện cho quân cơ động địch phản kích, ta xung phong bị hỏa lực địch rất mạnh chặn lại, tiểu đoàn 215 của ta quyết định phải lui về C1 chuẩn bị tiến công C2 vào ban ngày. Ở D2, ta vấp phải hỏa lực bắn thẳng từ trận địa pháo trên cứ điểm 210 và hai cỗ đại liên 4 nòng từ bên kia sông Nậm Rốn, phải ngừng lại để củng cố !

            Mất các cao điểm phía đông là mất hết vì các cao điểm này kiểm soát khu trung tâm. Nếu ta chiếm được các cao điểm phía đông thì hỏa lực sẽ bắn thẳng vào trung tâm vì thế địch quyết giữ bằng mọi giá. Qua đêm 30 tháng 3, đến sáng 31.3 máy bay, pháo và xe tăng của địch phản kích … Các cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Ở C1 ta chiếm được đỉnh đồi nhưng máy bay địch quyết biến đỉnh đồi C1 thành "miệng núi lửa" ! Ta quyết bám đỉnh đồi để ở thế "ngồi trên đầu thù" !!! Ở A1, sau 4 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã  mỏi mệt mà chưa chiếm được cả đồi. Trước tình hình đó, ngày 6 tháng 4, Đại tướng đã triệu tập hội nghị sơ kết đợt 2 chiến dịch để triệu tập cán bộ về sở chỉ huy bàn cách đánh mới …

            Cuộc chiến đấu ở đợt 2 kéo dài đến cuối tháng 4 vô cùng khốc liệt với những diễn biến phức tạp đầy kịch tính. Có thể nói, không sách vở nào ghi hết những gương chiến đấu không tiếc máu xương của chiến sĩ ta để giành cho được chiến thắng cuối cùng. Hãy lấy cuộc chiến trên đồi A1 làm điển hình cho đợt tiến công thứ hai này …

            Khi các cao điểm khác đã được công phá thì riêng A1 lực lượng ta bị tổn thất nhiều. Tại đây lính Marốc và lê dương với ba tuyến phòng ngự, có nhiều tuyến chiến hào và giao thông hào liên hoàn, các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp đậy và chịu được đạn pháo …đã chống cự quyết liệt. Ta và địch đã giành nhau từng ụ súng, từng ngách chiến hào. Địch lùi dần và tới đỉnh đồi, chúng biến đi sau một ụ đất cao (!) Sau đó đại bác 105 ly từ Hồng Cúm và súng cối từ Mường Thanh dồn dập trút xuống đỉnh đồi … Tới nửa đêm ta và địch mỗi bên chiếm nửa đồi … Cứ như thế suốt 36 ngày đêm sau đó cuộc chiến trên đồi A1 đã diễn ra cực kỳ ác liệt. Địch từ hầm ngầm giữa đồi, có quân tăng viện và xe tăng yểm trợ luôn mở những đợt phản kích hòng đánh bật ta ra khỏi cao điểm được xem là "chiếc chìa khóa" của tập đoàn cứ điểm. Chỉ có tiêu diệt được A1 ta mới chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Vì thế ta quyết đánh, địch quyết giữ bằng mọi giá (!). Cả pháo ta và pháo địch cùng tập trung bắn vào đồi để yểm trợ cho mỗi bên ; Các ụ súng, chiến hào đều bị đạn bom nghiền nát. Bom đạn đã làm biến dạng quả đồi, duy chỉ có ụ đất đỏ vẫn sừng sững trên đỉnh đồi (!) Thế trận giằng co cho đến khi quân ta phải đào một đường hầm sâu 47 mét, vào một phía đồi ta  chiếm được, cách đỉnh đồi 10 mét để đưa một khối thuốc nổ 954 kg vào cho nổ mong đánh sập hầm cố thủ "bí mật" trên đỉnh đồi. Sau này ta mới biết, hầm ngầm này chỉ là một hầm rượu được gia cố, nhưng có hào sâu dẫn ra phía sau, quân tiếp viện có thể theo hào tiến lên hầm. Thời gian đào mất 18 ngày đêm. Trong khi đó, quân ta không tiếc xương máu, quyết đánh giữ cho được sườn đồi mà ta đã làm chủ để bảo vệ hầm đang đào. Có thể nói, mỗi bước chiến hào của ta được đo bằng thân xác các chiến sĩ xung kích. A1 làm nhức nhối toàn chiến dịch. Cho đến 20 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5 khối thuốc nổ 954 kg được châm ngòi. Đất đá từng mảng tung lên hơn 10 mét, một lô cốt lớn và mấy ụ súng ở sườn phía tây A1 sụp đổ, chôn vùi hơn 2 trung đội địch ở đó. Nhưng khối nổ vẫn cách hầm ngầm 30m. Địch còn lại trong hầm ngầm vẫn không buông súng. Cho đến tận 4 giờ 30 phút sáng 7 tháng 5 ; Đại úy Pugiê (Jean Pouget) chỉ huy tiểu đoàn dù cố thủ A1, thoát chết nhờ ẩn náu trong hầm ngầm giữa đỉnh đồi, chỉ thấy quả đồi "rung rinh" sau tiếng nổ "trầm" của khối thuốc 954kg … vẫn dùng bộ đàm yêu cầu Mường Thanh tăng viện … Sau khi bị Mường Thanh từ chối và Tham mưu trưởng Va-Đô ra lệnh cho y : "Là lính dù nên phải chiến đấu cho tới chết …" ! Y đã tuân lệnh cấp trên, hủy điện đài, tiếp tục chỉ huy 34 tên lính dù còn lại, đánh trả bằng tiểu liên và lựu đạn trước lưỡi lê của xung kích ta cho tới lúc bị thương và bị bắt ! (Pugiê vốn là sỹ quan tùy tùng của tướng Na Va)

            Trên đỉnh đồi A1 bây giờ còn xác chiếc xe tăng lên phản kích chiếm lại đồi bị quân ta dùng Ba-dô-ca bắn hạ lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày 1.4.1954. Suốt 36 ngày đêm quyết chiến, địch  đã 30 lần phản kích như thế. Để chiến thắng, gần 1000 chiến sĩ của ta đã nằm lại nơi đây.

 

 

Lê Phú Khải
Số lần đọc: 3964
Ngày đăng: 14.06.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Di tích lịch sử Côn Đảo - - Nguyễn Đình Thống
Tiềm năng biển và đảo - Nguyễn Trọng Tín
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY - Trần Dũng
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 2 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 3 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam - Khuyết danh
6 biểu tượng thiên nhiên của Phần Lan - Khuyết danh
Văn Thánh Miếu - Khuyết danh
Nghĩ về ông Phan Thanh Giản - Nguyễn Hữu Hiệp