(tặng Đ.Thu – Vỹ Dạ)
(1)
Cà phê sáng quán không tên
Người ngồi bờ đá bóng chênh vĩa hè
Con sông khỏa mộng trôi về
Với Hương lắng lại…giang đi mịt mờ
(2)
Rằng trong cổ tích ra vô…
Chan mưa nắng thả giọng hò thuyền trôi
Dẫu còn mái vỗ trăng rơi
Đâu trong khói tỏa dạng người tóc bay?
(3)
Chân trời sợi mảnh tơ ai
Độc huyền núi Ngự ngân dài trong khuya
Chừng như sênh phách tiếng xưa
Nắn cung Tuy Lý(*)…thông đưa giọng ngàn
(4)
Người đi ra cửa kinh thành
Biệt nơi Thượng tứ(*) bóng hình cố nhân
Vết hằn thế hệ rêu xanh
Bốn phương du tử lênh đênh phận người…
(5)
Điện vàng bệ khảm mồ côi
Mây còn bay mãi ra ngoài thiên thu
Gió lay cành sứ tung hô…
Sân mênh mông trải dâng tờ chiếu không
(6)
Mùa loang lổ nắng lụa vàng
Cuối thu chim đậu kêu hàng phượng khô
Phố nào lững thững ngày qua
Lạc tôi về giữa hằng hà nhớ quên…
(7)
Chiều qua Vỹ dạ thư hiên
Vườn “che ngang mặt chữ điền”(*)là đây
Ai nhìn hỏi lá trúc bay…
Không lầu Hoàng hạc(*) sao đầy hoàng hôn?
(8)
Tóc thề vai nhỏ lưu vong
Trường tiền mấy nhịp gọi hồn áo bay
Thế rồi một góc tỉnh say…
Nghiêng thơ xuống chén rót ngày cạn đêm
(9)
Vườn ai lối cỏ lên xanh
Sân hoang non bộ đêm huyền dưới trăng
Bàn khoa(*) cửa mộng còn không?
Nến bên trường kỷ thư sinh độ nào…
(10)
Canh tàn người đã về đâu..?
Tiếng chuông đồng vọng ngàn sau lững lờ
Tôi còn Huế giữa bài thơ
Huế còn tôi mãi không từ biệt nhau
(thành nội Huế – 20/10/2014)
(1) Thượng tứ: cửa phía đông nam kinh thành Huế
(2) Tuy lý vương: người sáng tác Nam cầm khúc vào thời Tự Đức
(3) Thơ Hàn Mặc Tử
(4) “Hoàng hạc lâu” trong thơ Thôi Hiệu
(5) Bàn khoa : Cánh cửa xưa ở nhà rường, bằng gỗ có phần liếp đẩy qua về để chắn gió