Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.218.332
 
Đọc sách: Những suy diễn về địa danh trong tập “Trời cao đất thấp chúng ta thì…”
Phan Chính

 

 

 

             Đây là tập tùy bút của tác giả Trần Hữu Ngư, dày 340 trang, phụ bản Đỗ Hồng Ngọc mang logo nhà xuất bản Mỹ Thuật (Hà Nội) không rõ nơi in nhưng từ tháng 12.2015 đã rao báo trên mạng. Nội dung gồm phần nhiều bài viết ngắn, tản mạn về tình yêu âm nhạc khá phong phú, thú vị. Trong tập tùy bút có một số bài mang nỗi niềm ký ức của tác giả qua một thời với quê hương La Gi, Hàm Tân, Tân Thành (Bình Thuận)… cũng là điều đáng quý. Nhưng rất tiếc, qua đó tác giả đã bộc lộ sự vội vàng và sa đà lại coi đó là những phát hiện độc đáo do thiếu sự tìm hiểu thấu đáo qua những tư liệu từng được khẳng định. Do giới hạn của một bài viết, chỉ xin được giới thiệu một vài chỗ rất dễ gây nhầm lẫn cho người đọc.

            Bài “Gió Tết” trang 126, tác giả viết về địa danh La Gi mượn từ một giai thoại:“…trong thời Pháp thuộc, người Pháp đến Lagi, lúc bấy giờ vùng đất này còn hoang vu, người Pháp hỏi thông ngôn: Nơi đây tên là gì? (dịch). Người thông ngôn nghe không rõ hỏi lại người bên cạnh: Là gì? Thằng Pháp “quất” vào “Là gì”. Và nó chết tên từ đó”. Tiếp đến là: “Trước 1975, La Gi viết dính liền nhau (Lagi), nay không hiểu dựa vào đâu mà người ta viết Lagi rời nhau thành hai chữ”. Thật ra nếu có “phịa” chăng hoặc bằng thể loại “tùy bút” tác giả cũng nên chịu khó tìm hiểu về quá trình hình thành một địa danh, nhất là một địa danh hành chánh của một địa phương phải dựa trên nhiều cơ sở vì đó là một phạm trù lịch sử, có tính khoa học. Không thể nào từ thái độ “lấc cấc” của một anh thông ngôn mà tên lính Tây lấy đó đặt tên cho vùng đất đã định danh trên bản đồ từ dưới thời phong kiến. Vậy người Pháp đặt chân đến La Gi đầu tiên là khoảng thời gian nào để tác giả coi đó là cái mốc ra đời địa danh La Gi. Nếu đọc Đại Nam nhất thống chí quyển 12 (Bình Thuận) do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1882 và được Tu Trai Nguyễn Tạo dịch vào năm 1963, thì địa danh La Gi đã có rồi và được dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ là La Di. Kể cả trên “Bình Thuận toàn đồ”, phần Nam phủ Hàm Thuận, vẽ sau năm 1832 ghi bằng chữ Hán tên hai con sông là Maly (Sông Phan) và Sông La Di (Sông Dinh). Hoặc qua biểu dâng vua của Nguyễn Thông trong châu bản “Doanh điền biểu văn” năm 1877 cũng nêu rõ vị trí quan trọng của cửa tấn La Di trên đường vận chuyển sản vật rừng, lúa gạo phía nam của tỉnh ra Phan Thiết. Do cách ghi chép theo phiên âm nên các văn bản hành chánh thời Pháp lúc là La Di, lúc là Lagi nhưng vẫn cho thấy địa danh La Gi đã có từ lâu tức khi chưa có dấu chân người Pháp đến đây. Địa danh La Gi trở thành thiêng liêng, máu thịt của một địa phương không thể nào được khai sinh từ một câu chuyện “hề” vô vị. Thêm nữa, đến bây giờ mà tác giả còn thắc mắc và lại khẳng định trước 1975 địa danh La Gi đều viết liền nhau (Lagi) mà nay lại viết rời ra. Là một địa danh hành chánh, dù tên gọi xuất xứ, nguồn gốc thế nào, nhưng khi được Việt hóa phải viết đúng với âm ngữ đó. Giáo trình tiếng Việt lớp 4 và các văn bản của Chính phủ qui định về cách viết tên, địa danh hành chánh đã đề cập từ lâu. Trước năm 1975, các văn tự, địa chí, chứng thư khá kỹ càng đều ghi La Gi rời ra, lại còn có cả gạch nối đối với những danh từ kép và nhất là cách viết về địa danh (La-Gi). Tuy nhiên cũng có một vài văn bản, bài báo viết như tác giả lấy đó làm căn cứ, kể cả bây giờ vẫn có nhưng không phải là phổ biến.

          Ở bài “Ngày ấy, Phan Thiết” trang 213, tác giả Trần Hữu Ngư viết: “Đi cho đến hừng đông thì Camp Edépic đã hiện ra trên một động cát có doi đất chòi ra phía biển. Ngày đó dân làng tôi đâu biết chữ tây chữ u gì, nghe Cam Edépic thì đọc Căn a-sơ-bíc”. Rồi còn giải thích rất tự tin “Người ta bỏ chữ Ed- épic đằng sau mà chỉ đọc đơn giản là Căn”. Đó là tác giả viết về trại lính Pháp đóng trên phi trường Phan Thiết và cũng là một địa danh gắn với lịch sử chiến tranh nổi tiếng của Bình Thuận mà lại viết không chính xác và không hiểu nghĩa của từ đó là gì? Thực ra căn cứ này thường được viết tắt và gọi là Camp ESEPIC (tức gồm các chữ đầu của Ecole Superieure d’Education Physique de Indo-Chine (Trường cao đẳng thể dục thể thao Đông Dương) và Camp có nghĩa là trại (lính), đồn (binh). Như vậy không biết tác giả dựa vào đâu để có “Camp Edépic” ? Cũng không thể đổ cho lỗi bản in vì được lặp lại nhiều lần và chính tác giả là người sửa bản in. Không những chừng đó mà còn dễ gặp trong tập sách nhiều “lợn cợn” khác.

            Ra đời được một tác phẩm phải có sự đầu tư bằng tất cả tâm huyết, niềm đam mê chưa đủ mà còn cần đến những yêu cầu cơ bản khác.Đừng biến tùy bút thành “tùy tiện” phóng bút. Có như vậy mới  mong đem đến người đọc những điều thú vị, bổ ích. Nhưng nếu áp đặt bằng sự chủ quan, thiếu cân nhắc của mình, dù chỉ đôi bài thì chính tác giả tự đánh mất đi giá trị của tác phẩm.

 

         

 

 

Phan Chính
Số lần đọc: 2677
Ngày đăng: 26.02.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giới thiệu tập tiểu luận triết học của Võ Công Liêm - Từ Hoài Tấn
Xã hội học thi pháp dòng chảy cuộc đời - Phạm Văn Quang,
Những con mắt khát vọng hòa bình - Phan Trang Hy
101 Bài thơ tình, Thiên Hà - Nhị Ka
Huyền thoại kẻ mị tình - Nhật Chiêu
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM: Bốn dấu ấn của hiện hữu (What Makes You Not A Buddhist) - Nguyễn Hồng Nhung
Hành trang nỗi buồn nhân thế - Phạm Xuân Nguyên
Vũ Trọng Quang - gương mặt thơ tự hủy - Lê Huỳnh Lâm
Truyện ngắn và Tùy bút Võ Công Liêm - Võ Công Liêm
Sách mới xuất bản tháng 11 - 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)