Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.209.660
 
La Gi, xứ biển trăm năm!
Phan Chính

 

 

           Mùa xuân này La Gi (Bình Thuận) đã tròn trăm tuổi. Dù địa danh hành chánh đầu tiên huyện Hàm Tân khi mới thành lập vào năm 1916 dưới triều Nguyễn nhưng cái cốt cách xưa cũ đã sâu kín trong tình cảm cư dân, đời sống xã hội và bối cảnh thiên nhiên dường như bao đời đọng lại ở địa danh La Gi. Trước đó, bộ sách Đại nam nhất thống chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn (1802- 1845) biên soạn đã ghi chép địa danh La Gi (La Di) gắn với dịch trạm, lý lộ, sông núi, quan tấn, khe đầm trên mảnh đất huyện Tuy Lý, thuộc tỉnh Bình Thuận như dẫn vào khung trời huyền thoại. Gặp trên bản đồ tỉnh Bình Thuận được lập dưới thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19, có ghi địa danh “Lagi” xuất hiện bên cạnh những địa danh lâu đời của Bình Thuận. Như vậy La Gi cũng là vùng đất từ lúc buổi lập làng của thời còn lấy cột gỗ cột đá làm giới, đo đạc công điền công thổ bằng cách tính khoảnh, sở… đã có từ trên một trăm năm.

           La Gi - Hàm Tân với hai cửa sông lớn là sông Dinh và sông Phan ghi đậm dấu chân ban đầu của lớp người phiêu tán từ các tỉnh miền Trung đến đây mở đất, lập làng. Biển cả thời ấy vừa là lộ trình vừa là cuộc sống. Xóm chài hiu hắt ở cửa Ba Đăng (sông Phan/ MaLy) dựng nên làng Tam Tân như câu thơ xưa mô tả: “Phong táp sơn yêu truyền pháo hưởng/ Triều phiên hải giác trợ bề thanh” (tạm dịch: Gió giật sườn non rền tựa súng/ Sóng dồi góc biển trống dồn vang). Còn ở trung tâm La Gi ngày ấy là làng chài Tân Long dựa lưng vào động cát cao tránh mùa bấc thổi để cùng với làng Phước Lộc canh giữ cửa tấn LaDi/ La Gi của dòng sông Dinh tuôn chảy từ non xanh rừng vàng ra biển bạc mênh mông. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, mảnh đất La Gi ngày nào chỉ còn gợi được trong hồi ức của thế hệ sau này hình bóng chân quê lãng mạn. Đó là những cánh buồm đan bằng lá buông đẩy nghiêng con thuyền nương ngọn sóng ra khơi rồi mang về những con cá bẹ, mòi, nục, thu, thiều, đỏ dạ… còn tươi rói. Nhưng thuở nghèo với tấm lưới rùng, lưới mén, thuyền nan chỉ chạy ven bờ cũng đủ làm nên nỗi vui trên bến đợi. Chiếc thúng câu tròn như vầng trăng muộn vẫn còn đó hình ảnh đôi quang gánh của mẹ ngày xưa kẽo kẹt trên vai gầy sớm hôm với biển. Hôm nào nhìn mây trời vần vũ biết có bão tố sắp tới rồi, người vợ ngư phủ lên đồi cát cao đứng ngóng ra đảo nhỏ Hòn Bà lâm râm khấn nguyện mong được sự linh diệu an lành.

         Mới đó mà nay !… Thường nghe của ai đó khi mở đầu câu chuyện trong bộn bề thực tại. Cuối dòng sông Dinh là bến cảng với kè bê tông thay cho doi đất kéo dài thêm làng biển Tân Long như cánh tay trần của thiên nhiên vịn vào cơn sóng bạc. Những con thuyền giòn giã tiếng máy nối đuôi nhau ra biển khơi bỏ lại hàng dừa xanh Phước Lộc nghiêng bóng bên bờ. Vẫn là ngọn bấc hắt hiu quặn mình muôn thuở, vẫn bầu trời xanh lồng lộng, nhưng con phố dài lại rộn ràng chờ buổi lên đèn ấm áp vào đông. Xa rồi cảnh buồn ngày xưa “triều phiên hải giác” của góc biển Tam Tân bởi ở đây đã trở thành lụa là, kết bằng cát trắng mịn màng đón khách muôn phương đắm mình với sóng nước mênh mang. Xứ biển La Gi ngày trước kéo dài trên 30 dặm, từ đảo Khe Gà đến mũi Dinh, dân các lái ghe bầu trên hải trình vào nam, căng buồm xuôi theo cơn bấc phải nhắc chừng nhau với câu hò “Khe Gà nay đã đến nơi/ Anh em làm lễ một hồi ta qua/ Nới lèo xây (xoay) lái trở ra/ Hòn Lan, Cửa Cạn ấy là Tam Tân/ Sóng ào ào buồm dương ba cạnh/ Chạy một hồi tỏ rạn La Gi/ Hòn Bà, rạn Gõ một khi/ Ngoài khơi rạn Đập trong ni rạn Hồ/ Buồm dương ba cạnh chạy vô/ Mũi Bà, hốc Kiễm quanh co Hồ Chàm (Tràm)/ Kim ngân lể vật cúng dường/ Lâm râm khẩn nguyện lòng nguyền chớ quên…”. Dọc bờ biển La Gi có nhiều rạn đá ngầm đầy hiểm nguy nhưng lại là nơi nuôi dưỡng nhiều loài hải sản, cá tôm giàu hương vị nức tiếng một vùng. Con đường quan báo cặp biển từ bắc vào nam qua đất La Gi phải dừng chân các trạm Thuận Trình (Tam Tân), Thuận Phước (Phước Lộc), Thuận Phương (Thắng Hải) mới giáp đến trạm Thuận Biên của Xuyên Mộc. Nhưng nay lại là con đường liên tỉnh 719 nối tiếp Quốc lộ 55, một cung đường đong đầy hương sắc biển trời song song với quốc lộ 1A, với đường sắt bắc nam đã đánh thức vùng đất La Gi- Hàm Tân ngày ấy. Lại càng ngộ ra một điều, đó là năng lượng thần kỳ của dặm dài phát triển để những dịch trạm thời đặt đạo trị, đồn binh heo hút dưới triều Nguyễn ngày nào trở thành làng mạc, phố phường nhộn nhịp của hôm nay.

           Đến mùa lễ hội Dinh Thầy Thím, giỗ bà Chúa Ngọc (Hòn Bà), cúng đình vạn Phước Lộc nghe giai điệu nhạc lễ với khúc trầm phiêu bạt của bài hò bá trạo từ xứ Quảng miền Trung, một thoáng não nề dân ca Nam bộ… càng nặng lòng nhớ đến đất cũ người xưa. Mùa bấc thổi se tròn những hạt cát trên bãi biển cuối đông để thắm thía nỗi mênh mang của đất trời. Những con còng gió vẫn không rời biển dù nghe xao động bước chân người. Biển hồn nhiên dưới vầng nắng mặt trời vừa nhú lên trên sóng sớm vào xuân. Để rồi lại thầm thì, mới đó mà nay!...

 

 

 

 

Phan Chính
Số lần đọc: 2778
Ngày đăng: 01.03.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm bềnh bồng tàu câu trên vịnh biển Botany - Phạm Nga
Bài tiễn biệt Đinh Cường - Lữ Quỳnh
Nhật ký hành trình: Đà Lạt, những ngày cuối năm - Trần Dzạ Lữ
Sydney ký sự - Trọng Huân
Ghi chép Oktober - 2015 - Nguyễn Hồng Nhung
Tôi Đâu Tháo Được Chiếc Gùi Trên Lưng Nàng - Nguyễn Hàng Tình
Dharamsala- xứ sở bình yên - Nguyễn Nhã Tiên
Một thời không dễ quên - Lâm Bích Thủy
Ghi chép tháng sáu - Junius - 2015 - Nguyễn Hồng Nhung
Đêm trôi cùng Hương Giang - Nguyễn Nhã Tiên
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)