Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.215.731
 
Định hướng bảo tồn, phát triển nghệ thuất múa rối nước.
Tuấn Giang

 

                                   

1.Cơ sở pháp lý& khoa học.

 

Cơ sở khoa học và những điều kiện pháp lý hướng đến bảo tồn múa rối nước dân gian được Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện thực thi hoàn thành. Những điều khoản quy định tại các mục II, III…điểm: 4 5 6 v.v. Nghị quyết TW 15, 9, 6, luôn khẳng định chủ trương chính sách Nhà nước hỗ trợ nhân dân, giới nghệ sỹ trí thức sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo các di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật dân gian làm nền tảng tâm hồn bản sắc văn hóa con người mỗi dân tộc, cần bảo tồn, phát triển vào nhịp sống xã hội mới.

 

Trong các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Dựa trên nền tảng văn hóa nghệ thuật dân tộc gắn bó các hình thức sinh hoạt cộng đồng, nghệ thuật dân gian làm nòng cốt kế thừa, phát triển giá trị tinh thần văn hóa vào nghệ thuật đương đại. Múa rối nước là một bộ phận văn hóa nghệ thuật dân tộc cần bảo tồn, kế thừa phát triển trước con người nhịp sống xã hội mới để giao lưu hội nhập. Sau các Nghị quyết TW về văn hóa văn nghệ, là hầu hết các chỉ thị chủ trương đường lối chính sách của Nhà nước thực hiện bằng được việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật dân tộc trước cuộc sống mới. Cơ sở pháp lý dựa theo Luật Di sản văn hóa, các chỉ thị văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc. Luật Di sản Văn hóa ra đời tháng 6-2001, Luật sửa đổi bổ xung một số điều của Luật Di sản Văn hóa năm 2009. Căn cứ Nghị quyết 05/NQ-CP tháng 1-2011 về công tác dân tộc, Quyết định số 581/QD-TTG tháng 5-2009 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2020…Đây là những cơ sở căn cứ pháp lý bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa rối nước các phường múa rối dân gian, làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Bảo tồn, phát triển nghệ thuật dân tộc một nội dung bao trùm các loại hình văn hóa văn nghệ, thuộc trách nhiệm giới văn nghệ sỹ, các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật cùng Nhà nước thực hiện. Theo Luật Di sản văn hóa, chương II, điều 20 viết: “ Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ di sản văn hóa, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch bị mai một, hoặc thất truyền”. Điều 26, viết: “ Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ với nghệ nhân, nghệ sỹ nắm giữ và công bố, phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”... Những quy định trên, là điều kiện thực thi pháp luật: Bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa rối nước cùng các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc. Dựa trên cơ sở pháp lý bảo tồn, phát triển nghệ thuật dân tộc, múa rối nước muốn thực hiện hiệu quả trong hoàn cảnh xã hội mới cần hoàn thành hệ thống chuyên môn một cách khoa học:

 Sưu tầm-Nghiên cứu-Bảo tồn-Phát triển.

 

Sưu tầm không nghiên cứu chưa thẩm định khoa học những giá trị nghệ thuật múa rối nước nghệ nhân dân gian, sao biết bảo tồn phát triển những giá trị văn hóa dân tộc trước thời đại mới. Bảo tồn còn nhiều hướng giải pháp khác nhau, không phát triển vào cuộc sống mới nghệ thuật dân tộc sẽ mai một rơi vào quá khứ. Bảo tồn, phát triển theo hướng nào trước nhịp sống thời đại mới đang là những khó khăn, thách thức với các phường múa rối dân gian, các đoàn, nhà hát cả giới văn nghệ sỹ múa rối. Dựa trên cơ sở pháp lý các điều Luật Di sản Văn hóa, Luật bảo tồn, phát triển nghệ thuật văn hóa dân tộc, các nghệ nhân, người sáng tạo nghệ thuật múa rối nước được hưởng các quyền lợi: Quyền sáng tạo nghệ thuật, quyền công bố các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc, quyền hưởng thụ chính sách ưu tiên đãi ngộ của Đảng - Nhà nước. Quyền lợi sau cùng là: Quyền bảo vệ bản quyền tác giả. Đây là sự ưu tiên của Đảng - Nhà nước dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật thời toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Điều trước đổi mới chưa có tiền lệ. Từng ngày Nhà nước kiện toàn các văn bản pháp luật ứng xử với sự phát triển văn hóa nghệ thuật, đây là vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân. Ngay khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã dựa trên cơ sở lý luận Mác Lê Nin về dân tộc, Bác nhấn mạnh: “Mỗi dân tộc cần chăm lo đến đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật, gốc văn hóa mới là dân tộc”(nguồn dẫn Cổng thông tin điện tử chính phủ). Văn hóa nghệ thuật dân tộc là cốt cách sống còn mỗi dân tộc, đánh mất bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc là không còn gì? Một đân tộc không có truyền thống văn hóa nghệ thuật là một dân tộc tang thương, nô lệ mất nước. Nhìn lại lịch sử nhân loại, một số dân tộc châu phi những người Mỹ đen, dân tộc Da đỏ họ bị đồng hóa văn hóa nghệ thuật Mỹ,  nhưng lối sống văn hóa âm nhạc Mỹ đen, Da đỏ bất diệt! Điều ấy nói rằng nghệ thuật dân tộc quyết định sự thành bại mỗi quốc gia dân tộc. Tầm quan trọng ý nghĩa chiến lược quyết định sống còn của nghệ thuật văn hóa dân tộc luôn được Đảng-Nhà nước quan tâm, bảo tồn phát triển trước đời sống con người thời đại mới.

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước, các thiết chế văn hóa cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng mới, cơ sở kỹ thuật nâng cao, nội dung hình thức hoạt động văn hóa phong phú. Nhiều loại thể nghệ thuật dân tộc trên mọi miền đất nước được sưu tầm nghiên cứu, không ít loại hình dân ca các dân tộc vùng miền được Uỷ ban Unesco công nhận là di sản văn hóa nghệ thuật nhân loại. Thực tiễn nhiều thập kỷ sau đổi mới, các môn nghệ thuật dân tộc được bảo tồn phát huy vào cuộc sống mới. Nghệ thuật múa rối nước tạo ra bước ngoặc lịch sử huy hoàng, sống dậy cạnh tranh  khẳng định bản thể văn hóa Việt Nam trong nền sân khấu nghệ thuật thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế nghệ thuật dân tộc. Dù công việc bảo tồn nghệ thuật dân tộc đạt những thành công đáng kể, nhưng đang đứng trước nhiều bất ổn thách thức khó khăn mới. Toàn cầu hóa làm biến động cả thế giới, nhiều diễn biến kinh tế, chính trị xã hội phức tạp khó lường, chỉ một việc nhỏ ngày 27-8-2015, Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ làm cả thế giới rung động gây xáo trộn thị trường toàn cầu. Ngày 28-9-2015, Mỹ hạ lãi xuất tiền gửi USD từ 0,75% về 0 % gây sụt giảm thị trường chứng khoán trên phạm vi toàn cầu. Những cuộc chiến ở Ucraina, Siri, Irác…chấn động toàn thế giới, giá dầu mỏ, giá vàng, giá USD luôn sụt giảm gây khó khăn gấp bội cho các nước đang phát triển. Nước ta trong hoàn cảnh hội nhập mất cân bằng nhiều mặt, phải chuyển đổi cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế…trước những tác động văn hóa xã hội trên thế giới vế các mặt: Toàn cầu hóa - Quá trình toàn cầu hóa - Sự suy thoái kinh tế toàn cầu…Toàn cầu hóa mở rộng giao thương, hội nhập văn hóa nghệ thuật tác động ảnh hưởng lối sống thẩm mỹ văn hóa nghệ thuật, làm thay đổi lối sống thẩm mỹ văn hóa lớp người xã hội mới. Những biến động kinh tế thị trường, tái cơ cấu nền kinh tế đất nước làm thay đổi nền tảng xã hội, ý thức tư duy, lối sống tác phong lao động, phá vỡ nhiểu trật tự nếp sống văn hóa truyền thống. Các trào lưu nghệ thuật toàn cầu tác động vào giới trẻ lối sống, sở thích thẩm mỹ văn hóa nghệ thuật làm đổi mới nền nghệ thuật văn hóa xã hội…Là những biến đổi khó lường mang đến nhiều khó khăn thách thức mới. Nghệ thuật dân tộc làm gì để tồn tại, phát triển trước nhịp sống con người xã hội. Nghệ thuật dân tộc, múa rối nước đứng trước sự giao lưu, hội nhập nghệ thuật thế kỷ đang đe dọa ranh giới sân khấu nghệ thuật dân tộc. Múa rối đang hiện đại hóa, làm mới truyền thống theo hường nào? Bảo cổ hay cách tân, hoặc lột xác đổi mới… Ngay bản thân nghệ thuật múa rối nước phát triển trước nhịp sống xã hội đương đại, tự thân đang tồn tại đã nhiều sai lạc: Chèo hóa - Kịch nói hóa - Kịch hát hóa. Nhiều trò múa rối nghệ nhân dân gian bị mai một mất gốc như trò Tễu Múa, biến thành Tễu dẫn trò nhờ chèo hóa, nhiều trò diễn đơn lẻ lấp đầy lời dẫn trò chèo…Quá trình toàn cầu hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội đang làm mất đi nhiều giá trị bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc, những điều kiện thay đổi môi trường thiên nhiên con người xã hội, tăng trưởng gấp bội những khó khăn thách thức nghệ thuật múa rối nước.

 

Hiện tượng thương mại hóa nghệ thuật, thương mại hóa múa rối đang diễn ra âm thầm, công khai từng bước mai một vốn nghệ nhân dân gian thất truyền các mặt: Nghệ thuật tạo hình con rối tả thực hay tả thần? Nghệ thuật xếp trò ngôn ngữ múa hay trò nhời, lấp đầy lời nói diễn ngôn mang tính hề chèo?...Đây là những biến đổi mất gốc nghệ thuật múa rối, con rối cần trả về nguyên bản nghệ thuật dân gian nghệ nhân gọi là: Múa rối. Nghĩa là con rối diễn trò múa, không phải diễn trò nhời! Lâu nay, đang đánh mất bản thể nghệ thuật ngôn ngữ hành động con rối múa. Múa rối từ dân gian hoạt động theo phương thức văn hóa cộng đồng, lễ hội tâm linh. Múa rối khởi nguyên không phải diễn để mọi người xem, càng không phải diễn cho thiếu nhi mà diễn theo nghi thức văn hóa tâm linh. Múa rối xuất phát từ cơ sở xã hội tâm linh, không riêng tại Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á và châu Á. Tại các cuộc Liên hoan Múa rối Quốc tế chứng minh nhiều nước Châu Á: Lào, Thái Lan, Mianma, Inđonésia…trước khi diễn còn tục cúng thần linh xin tạ lễ cầu mong buổi diễn thành công! Rất tiếc! Tính thương mại hóa đã chặt đứt nghi thức đầy ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong nhiều buổi diễn múa rối nước Việt Nam không còn tục thắp hương, xin phép lễ tạ buổi diễn cầu an. Tục này mang nhiều ý nghĩa: Xin phép thần linh -Tưởng nhớ người lập ra nghiệp tổ-Cầu xin buổi diễn an toàn. Đây những ý nghĩa tâm phúc, ăn ở trước sau con người Việt Nam, bỏ đi cái thủ tục rườm rà này, là bỏ đi đạo nghĩa sống làm người quên trước nhớ sau. Đây một phần múa rối bị thương mại hóa thất truyền, đứt gãy truyền thống nghi lễ diễn múa rối, nghi lễ tâm linh.

 

Quá trình đô thị hóa nông thôn làm biến đổi môi trường không gian văn hóa nghệ thuật dân gian, múa rối nước hình thành ra đời gắn với sinh hoạt hội hè tâm linh văn hóa làng xã. Đây một không gian văn hóa bền vững lưu giữ truyền thống văn hóa, phong tục người dân Việt Nam trải ngàn năm lịch sử không phai mờ tình làng nghĩa xóm, tình yêu quê hương đất nước. Nước có thể mất, nhà tan nhưng làng xã không mất những nét văn hóa đồng quê “Sớm lửa tối đèn có nhau. Dù “Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu, Một  trăm năm đô hộ giặc Tây, Hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ một rừng xương kho, gia tài của mẹ là nước Việt buồn” (Lời ca Nhạc Trịnh). Lịch sử đất nước loạn ly điêu linh, nhưng không mất nước! Đất nước hôm nay không phải nước Việt buồn, không còn rừng xương khô, chỉ còn lại những dấu tích lịch sử anh hùng, bên những đô thị nhà cao chọc trời, một dân tộc hiên ngang sánh vai cùng các nước phát triển hội nhập toàn cầu hóa. Đó chính là truyền thống văn hóa làng còn bảo tồn, phát triển đến hôm nay. Văn hóa làng các vùng quê cả nước, là văn hóa Việt Nam không bị đồng hóa, còn kiêu hãnh tiến ra thế giới đối thoại, quảng bá thương hiệu nghệ thuật, sản phẩm văn hóa làng nghề Việt Nam. Dù nông thôn đang đô thị hóa, nhiều vùng quê công nghiệp hóa, đô thị hóa làng xã mang tên phố phường, nhiều phường múa rối chuyển đổi nhà Thủy Đình ao làng thành sân khấu nhà Thủy Đình mái ngói đỏ tươi, điện sáng lung linh, chiếu phim 3D, nghệ thuật sắp đặt… chỗ ngồi sang trọng. Sân khấu múa rối ao làng dân gian dần đi vào quá khứ, nhưng đây là một cách tiếp biến văn hóa thích nghi môi trường không gian văn hóa thời đại mới. Mỗi làng quê còn lưu giữ những “Gien tế bào” văn hóa tiếp tục tồn tại, phát triển trong nhịp sống thời đại mới bằng lối sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên với các không gian văn hóa vật thể làng xã, đền chùa, miếu thờ tự các vị thần làng, quan nha thánh hiền không thể thay đổi. Đây là bản chất tâm linh văn hóa người con dân đất Việt, dù đô thị hóa bao nhiêu cần bảo lưu các di tích lịch sử, không gian văn hóa vật thể làng xã. Cái tiếp biến văn hóa phi vật thể là quy luật lịch sử, nhưng văn hóa vật thể là điều không thể. Đánh mất không gian văn hóa vật thể, đánh mất không gian văn hóa phi vật thể sẽ mất luôn bản sắc văn hóa làng xã Việt Nam đồng nghĩa với mất nước. Quá trình đô thị hóa làng quê, cần giữ lại không gian văn hóa làng xã vật thể, phi vật thể, đây là điều kiện tiên quyết bảo tồn, phát triển nghệ thuật văn hóa dân tộc trong thời hội nhập.

 

Phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, là quá trình đô thị hóa làm thay đổi tận gốc bộ mặt làng xã Việt nam. Thay đổi không gian môi trường văn hóa, thay đổi lối sống xã hội đô thị nhận chìm các nghi lễ phong tục ngàn đời làng xã Việt Nam. Nên điều kiện tiên quyết phải bảo tồn không gian văn hóa làng xã vật thể, phi vật thể, đây là điều kiện sống còn tồn tại nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc trước nhịp sống xã hội mới.

Đô thị hóa làng xã phát triển giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi khách thăm quan du lịch, điều những khách thăm quan trong nước, nước ngoài quan tâm hàng đầu là du lịch văn hóa. Du lịch đang phát triển mạnh tại các nước phát triển thành ngành kinh tế doanh thu cao, đây là tương lai nước ta hướng tới. Nhưng khách hàng du lịch họ muốn gì? Là thăm quan tìm hiểu văn hóa. Những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là điểm đến đầu tiên, đây một tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nếu khai thác tốt du lịch văn hóa sẽ trở thành động lực kinh tế hàng đầu doanh thu, tái phục hồi phát triển nghệ thuật dân tộc. Múa rối nước một số phường khu vực đồng bằng Bắc Bộ đang trong quá trình đô thị hóa đã vận dụng thành công, kết hợp múa rối với du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới không đánh mất các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể còn tạo điều kiện thuận lợi phát triển bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian làng xã. Tuy nhiên những khó khăn thách thức mới đang đặt ra quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch văn hóa, nạn ô nhiễm môi trường, do doanh thu lượng khách du lịch liên tiếp, không ít di tích văn hóa bị xâm hại, xuống cấp chưa khắc phục, nghệ thuật múa rối, nghệ thuật dân tộc bị thất truyền, du nhập văn hóa, lối sống lai căng…Đô thị hóa nông thôn được và mất:

 Được! Làng quê đổi mới, người nông dân không còn kiếp sống lầm than, cảnh “Bán mặt cho đất, Bán lưng cho giời”. Nếp sống đô thị hóa nối mạng Internet, người nông dân văn hóa văn minh. Làng quê tấp nập đông vui, khách thăm quan du lịch “Gió lộng đường thôn, Lộng đất trời”.

 Mất! Các không gian văn hóa bị xâm hại, thu hẹp, “ Dồn điền đổi thửa”, xóa bỏ truyền thống canh tác ngàn đời người nông dân trên cách đồng làng quê, mảnh vườn thôn trang nhiều thi vị truyền thống. “Bát canh rau muống, Quả cà dầm  tương”, “Giá đừng có dậu mùng tơi, Thế nào tôi cũng sang chơi nhà nàng”. “Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ? ra đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”…Mất nhiều thứ, đó là hệ thống văn học đồng quê, nghệ thuật, văn hóa đồng quê, chỉ còn lại nhà cao tầng bê tông hóa phủ kín làng quê, cái nóng đô thi ngột ngạt…Biết làm sao? Quy luật phát triển xã hội loài người!

 

 Đây là lý do các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật phải đấu tranh bảo tồn không gian văn hóa làng xã không bị xâm hại. Đây là cuộc đấu tranh sinh tử giữa được và mất. Du lịch văn hóa, các di sản văn hóa vật thể luôn là điểm hẹn văn hóa, nghệ thuật dân tộc cần bảo vệ không bị xâm hại, biến dạng thất truyền. Dù nguy cơ biến đổi đang hiện ra, chúng ta phải bảo vệ các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Trước những cuộc biến đổi xã hội đô thị hóa nông thôn, cần lựa chọn giải pháp mô hình bảo tồn nghệ thuật dân tộc, nghệ thuật văn hóa múa rối nước làng quê.

 

2.Định hướng chọn mô hình bảo tồn.

 

Cần xác định lựa chọn mô hình bảo tồn nghệ thuật múa rối nước trên cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học thực tiễn. Nhưng không tách rời các quan điểm bảo tồn nghệ thuật dân tộc như nhiều nước trên thế giới từng đi qua, hoặc đang bảo tồn. Các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thế giới quan niệm bảo tồn khoa học, thực tiễn, thực dụng trước đời sống xã hội đương đại.

 

Họ quan niệm thực tiễn từ vốn có nghệ thuật dân tộc, thực dụng bảo tồn có tác dụng thiết thực vào đời sống xã hội. Xưa ta cho thực dụng một khái niệm xấu! Nhưng con người xã hội khoa học nay cần đến thực dụng, một sản phẩm văn hóa không đưa vào sử dụng không mang lại hiệu quả xã hội. Cần thay đổi cách nhìn các hiện tượng sự vật trước nhịp sống con người toàn cầu hóa. Ngày nay, nói bảo tồn nghệ thuật múa rối nước không thể tự nghĩ ra áp đặt chủ quan lên hệ thống văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tính thực dụng khoa học thành một chuyên ngành nghiên cứu bảo tồn văn hóa, nghệ thuật dân tộc tại các nước phát triển đã thực hiện. Theo thông lệ quốc tế nhiều nước công nhân, đặc biệt các nước phát triển thường bảo tồn nguyên hiên trạng vốn có. Vào các năm cuối thế kỷ XX, sang những năm đầu thế kỷ XXI, nhiều nước công nhận làm theo hướng thứ hai: Bảo tồn và phát triển. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang thực hiện ba mô hình bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Mô hình nhiều nước phát triển áp dụng:

                                                Bảo tồn nguyên bản.

                                                Bảo tồn phát triển.

                                                Bảo tồn kế thừa.

Qua cuộc Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ IV tại Hà Nội vào tháng 10-2015, chứng minh thực tiễn nhiều nước đang thực hiện ba mô hình bảo tồn múa rối. Một số nước Đức, Nhật …bảo tồn nguyên bản, hay nguyên trạng. Nghĩa là bảo tồn nguyên bản nó vốn có trạng thái nghệ thuật cổ. Nhà hát Rối bóng: Annafabuli Đức trình diễn rối bóng giữ nguyên trạng thái vốn có lúc mới ra đời. Sân khấu một ô cửa nhỏ khoảng 0,50m chiếu bóng hình ảnh con rối diễn trong khung cửa khuôn hình nhỏ bé. Một số nước Đông Nam Á diễn kịch Nô, tuồng, múa mặt nạ… diễn nguyên trạng không thay đổi. Nhưng nhiều nước như Laos, Căm phu chia… lại mang đến Festival nghệ thuật múa rối truyền thống theo mô hình thứ ba: Bảo tồn kế thừa. Họ diễn gần như nguyên bản nghệ thuật rối bóng, kế thừa truyền thống nhưng phóng to hình ảnh con rối, còn nghi thức, tích trò Riêm kê diễn nguyên theo cổ truyền. Đất nước Thái Lan mang đến nghệ thuật rối đầy sôi động theo mô hình: Bảo tồn-phát triển. Họ diễn con rối với các tiết mục đương đại: Rối nhảy Dance, Rock metal, Popbalald…Mỗi nước đưa ra một mô hình từ thực tiễn thị hiếu người xem, thị trường nghệ thuật quyết định họ lựa chọn mô hình bảo tồn nghệ thuật múa rối mang hiệu quả thực dụng trong xã hội tiêu thụ.

 

Nghệ thuật múa rối nước ta, thực tiễn các phường, đơn vị chuyên nghiệp đã bảo tồn đang diễn ra nhiều hướng. Nhưng dựa trên cơ sở khoa học pháp lý từ các văn bản nghị quyết của Đảng, Nhà nước, luật Di sản văn hóa, lựa chọn mô hình khoa học thực thi. Mô hình:

                        Bảo tồn- Kế thừa-Phát triển.

Mô hình này gồm hai vế, phần thứ nhất bảo tồn, kế thừa. Phần thứ hai phát triển. Bảo tồn và phát triển như một phương trình toán học cùng tồn tại, thực hành tìm ra đáp số bảo tồn, phát triển múa rối nước. Muốn phát triển phải bảo tồn vốn cổ kế thừa truyền thống, muốn bảo tồn nghệ thuật truyền thống phải phát triển. Bảo tồn không phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc sẽ mai một, thất truyền đánh mất bản sắc văn hóa. Phát triển không bảo tồn vốn cổ thì mất gốc, sẽ sai lạc mất bản chất nghệ thuật dân tộc đứt gãy văn hóa nghệ thuật truyền thống. Bảo tồn và phát triển luôn là cặp phạm trù đồng hành trong thực tiễn hoạt động sáng tạo nghệ thuật dân tộc và múa rối nước.

Bảo tồn nghệ thuật múa rối nước gồm hai phần cơ bản nghiên cứu khoa học:

Bảo tồn tĩnh-Bảo tồn động.

Bảo tồn tĩnh, bảo tồn hệ thống tư liệu múa rối nước gồm các nguồn: Sử liệu, tư liệu nghệ nhân, con rối, những ghi chép kỹ thuật tạo hình con rối, chế tác bộ máy điều khiển các loại con rối. Bảo tồn nguyên trạng lễ hội đình làng, nhà Thủy Đình, ao làng biểu diễn múa rối, coi đây là di tích chứng tích lịch sử ra đời nghệ thuật múa rối nước tại các phường múa rối. Giá trị bảo tồn tĩnh giúp cộng đồng, khách du lịch, thế hệ sau tiếp cận nghiên cứu hiểu sâu sắc chân thực múa rối nước nghệ nhân dân gian qua tư liệu và chứng tích cụ thể.

 

Bảo tồn động: Đưa hoạt động múa rối nước các phường rối làng quê biểu diễn tại ao làng, nơi khai sinh ra phường múa rối trên cơ sở nhà Thủy Đình địa điểm quen thuộc. Dựng và diễn những trò múa rối nghệ nhân dưới dạng bảo cổ, những trò diễn này không cách tân, phát triển. Đây một loại bảo tàng sống về múa rối dân gian cổ truyền, là những trò gốc làm nền tảng cách tân, phát triển múa rối nước hòa nhập nhịp sống mới, bảo vệ bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc. Loại bảo tồn này giống nguyên lý các nhà bảo tàng học, bảo tồn nguyên trạng sản phẩm văn hóa vật thể, đồng quan điểm  với các nhà nghiên cứu bảo tồn quốc tế. Bảo tồn động giữ nguyên trạng các nghi lễ, nghi thức diễn múa rối nghệ nhân dân gian do nghệ nhân lựa chọn xuất phát từ ý thức cộng đồng nhằm bảo tồn phường rối, nghệ thuật múa rối. Quy luật nghệ thuật luôn vận động phát triển theo ý thức thời đại, bảo tồn động góp phần bảo vệ các giá trị văn hóa nghệ thuật làng xã mỗi vùng quê một phong cách bản địa. Bảo tồn tĩnh và động, là bảo tồn tổng thể nghệ thuật múa rối nước trước nguy cơ mai một, thất truyền phong tục văn hóa, nghệ thuật dân tộc.

Mô hình bảo tồn, phát triển múa rối nước, là mô hình khoa học thực thi, từng trải nghiệm thực tiễn nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, còn tồn tại những khó khăn, thách thức bất ổn. Mỗi phường, đơn vị chuyên nghiệp, nghệ sỹ sáng tạo phát triển múa rối nước thiếu cơ sở khoa học, cảm nhận chủ quan, biến đổi liên tục nhiều sai lạc.

 

3.Bảo tồn và phát triển.

            Bảo tồn và phát triển múa rối nước, là hai nhiệm vụ khoa học đồng thời thực thi với các phường múa rối, đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp. Phần bảo tồn đã trình bày ở trên trong hai phần: Bảo tồn tĩnh, bảo tồn động gồm hai nhiệm vụ: Phát triển. Phát triển tư liệu tĩnh và nghệ thuật động. Đó là quá trình làm sống dậy nguồn tư liệu tĩnh, phát triển sống động vào đời sống xã hội.

 

 Phần thứ nhất, phát triển giá trị các tư liệu đọc, xem bao gồm tư liệu nghệ nhân, tổng hợp tư liệu thông tin các phường múa rối, đơn vị chuyên nghiệp, con rối, nghệ nhân… giới thiệu khách tham quan du lịch, cộng đồng dân cư. Tuyên truyền sâu rộng tư liệu nghệ thuật múa rối nước, không để vốn di sản văn hóa vật thể thành tư liệu chết, bụi thời gian bao phủ rơi vào quên lãng. Hệ thống tư liệu vật thể ấy, phát triển vào đời sống con người mới biến thành giá trị lợi ích văn hóa, tạo nguồn thu để bảo tồn tĩnh mang hơi thở nhịp sống tham gia các hoạt động xã hội. Trưng bày, quảng bá thường xuyên vào mùa xuân, lễ hội, hội làng, tín ngưỡng tâm linh mang ý nghĩa hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian.

 

            Phần thứ hai, phát triển nghệ thuật động một loại hình không ổn định, nhiều biến thái khó xác định hình thức tồn tại các loại trò rối. Tuy nhiên, không cái gì là không thể, dù luôn bất ổn nhiều biến đổi thì hệ thống các trò múa rối nghệ nhân dân gian đã tương đối ổn định văn hóa nghệ thuật, hành động ngôn ngữ biểu hiện. Mỗi trò diễn một mô hình biểu hiện nội dung, không gian diễn kể tích trò, ngôn ngữ hành động mô tả nội dung biểu hiện sắc màu văn hóa làng quê. Sự kết hợp tĩnh và động giữa con rối với động tác ngôn ngữ hành động mô tả biến thái không nhiều, còn giữ nguyên những đường nét cơ bản nội dung trò diễn, hình ảnh tính cách nhân vật rối. Những đường nét cơ bản không thay đổi bao nhiêu trong một trò diễn, hay ngôn ngữ hành động con rối do người điều khiến nâng cao hoặc giảm xuống mức biểu hiện đơn giản. Thực tiễn nhiều thập kỷ qua đã xuất hiện các hình thức phát triển:

                        Cách tân nâng cao trò diễn múa rối cổ nhân.

                        Sưu tầm phục dựng trò diễn mới.

                        Khai thác chất liệu dân gian dựng trò diễn, vở múa rối mới.

Bộ phận bảo tồn, phát triển các trò múa rối nghệ nhân dân gian nâng cao cách tân thường xuất hiện tại các phường múa rối: Đào Thục, Đống Ngư, Nam Chấn, Nguyên Xá… Những đơn vị chuyên nghiệp ngoài phần phục dựng 17 trò múa rối như múa Bát tiên, Cáo bắt vịt, Cày cấy, Úp cá (Đánh bắt cá)…Những trò rối này thường nâng cao bằng nhiều cách:

Phương thức thứ nhất: Nơi nâng cao độ khó động tác múa, tạo hình chồng người, động tác cử động con rối nhuần nhuyễn phức tạp. Nơi pha trò nhời gây cười, nơi sử dụng động tác bắt chước sai lạc cố ý gây cười, nơi tăng phối cảnh không gian cây cảnh, thêm con rối đứng ngoài dàn cảnh tạo sân khấu hoành tráng, hoặc diễn trò múa rối dân gian với trang trí nghệ thuật sắp đặt… Bằng nhiều cách phát triển nhưng cố ý bảo tồn vốn cổ những trò diễn nghệ nhân, dù cách tân chỉ là những phối cảnh bên ngoài, hoặc nâng cao giảm nhẹ tình tiết ngôn ngữ hành động con rối, hay kết hợp nghệ thuật đương đại vẫn bảo toàn các trò diễn múa rối dân gian.

 

Phương thức thứ hai: Sưu tầm các trò múa rối dựa theo nguyên lý bộ máy điểu khiển thô sơ của nghệ nhân chế tác bộ máy điều khiển, tạo hình con rối mới đầy phẩm chất nghệ thuật dân gian mang sức biểu đạt nghệ thuật đương đại. Phương thức này giống như dựa trên chất liệu dân gian, hoặc khai thác chất liệu nghệ nhân, sáng tạo trò diễn, vở múa rối mới biểu cảm thẩm mỹ nghệ thuật đương đại. Đây bước phát triển xa nguồn cội, tạo dựng nghệ thuật múa rối ngôn ngữ biểu hiện kỹ thuật cao thuộc thế hệ nghệ sỹ thời đại mới. Nếu phương thức này tiếp tục phát triển, họ sẽ tạo ra nền nghệ thuật múa rối văn hóa con người xã hội thời đại mới. Múa rối nước các vở rối nước ra đời cận và những năm đầu thế kỷ mới: Những bí ẩn chú tễu và Cangaroo, Hồn quê, Chuyện tình Đầm dạ Chạch…Trò diễn: Tiếng khèn Hmông, Thiếu nữ Chăm, Giã gạo chày đôi…Múa rối cạn: Chuyện tò he, Giai điệu quê hương, Vũ điệu hoa quỳnh…Riêng múa rối cạn nhiều vở diễn, trò rối mới thành công cao, nhưng lại chưa chinh phục người xen bằng múa rối nước, đây là điều các nhà phê bình sân khấu cần khám phá nguyên nhân, khắc phục khó khăn thách thức này để rối cạn hấp dẫn như múa rối nước. Hai thể loại này là vốn văn hóa nghệ thuật dân tộc cùng tồn tại, phát triển làm nên lịch sử múa rối Việt Nam. Ngay khi ra đời nghệ thuật múa rối, múa rối nước đã diễn song hành cùng múa rối cạn ghi tạc trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh, vì sao nay rối cạn lại tụt hậu về thị hiếu người xem?

           

 

 

 

Bảo tồn và phát triển múa rối nước, bảo tồn nghi lễ múa rối dân gian, là nghi thức phong tục biểu hiện nhu cầu văn hóa, hành vi sinh hoạt văn hóa múa rối. Hành vi sinh hoạt văn hóa múa rối từ nghi lễ cầu cúng tạo cảm xúc đam mê đức tin tín ngưỡng múa rối, là điều kiện phát triển bền vững. Phát triển múa rối là quy luật nghệ thuật. Mỗi trò múa rối tồn tại đến ngày nay từng vận động phát triển, thích nghi môi trường xã hội ý thức thời đại để sống trong nhân gian dần trở thành biểu tượng văn hóa bất tử. Ngày nay, phát triển múa rối, tạo dựng môi trường không gian văn hóa nghệ thuật mới vì lợi ích lớp người xã hội đương đại. Đó là lợi ích vô giá cái không nhìn thấy cân đo trước mắt bởi nghệ thuật múa rối mang đến tích hợp văn hóa, tiếp biến văn hóa. Không tiếp biến văn hóa không có truyền thống tinh thần một dân tộc, múa rối nước một hình thức sân khấu mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc và đương đại. Bảo tồn múa rối nước là bảo tồn các trạng thái tồn tại văn hóa làng xã, những di chỉ vật thể tĩnh lặng văn hóa vật chất như đã chết trong quá khứ, nhưng thực chất nó đang sống và tồn tại trước đời sống mới với toàn bộ giá trị vật chất tinh thần nhân dân. Hàng ngàn năm nay, hội làng không bao giờ mất! Lúc suy vong có thể gần như quên lãng về “thủ tục hành chính”, người dân không tổ chức hội hè dưới Thần làng, những người công đức hiếu nghĩa với nhân dân. Múa rối cũng không ra nhà Thủy Đình lên sàn diễn mà bị cất vào kho hư hỏng vỡ nát, nhưng khi hưng thịnh lễ hội rầm rộ, con rối sống dậy trong nhân gian. Suốt hai cuộc chiến tranh chẳng hội làng, hội đình, chùa miếu bỏ hoang, múa rối cất vào kho, sau đổi mới tái thiết hàng ngàn lễ hội, hàng chục phường múa rối sống lại. Điều ấy chứng minh hệ thống văn hóa vật chất đình chùa đền miếu, đình làng, hội làng một hệ thống văn hóa tinh thần, ý thức tâm linh bất tử trong lòng nhân dân. Nên bảo tồn cảnh quan tâm linh không gian môi trường đình làng, lễ hội, là bảo tồn nguyên hiện trạng văn hóa nghệ thuật múa rối. Bảo tồn là phát triển nghệ thuật múa rối tương lai tạo ra nền nghệ thuật tiếp biến văn hóa dân gian, đương đại trong đời sống nghệ thuật dân tộc. Tiếp biến văn hóa (Acculturation), chỉ sự tồn tại phát triển thích nghi nền văn hóa khi xảy ra đấu tranh sinh tồn, thì nền văn hóa bản địa học cách thích nghi tồn tại, để bảo tồn phát triển trước một nền văn hóa mới. Tiếp biến văn hóa thời toàn cầu hóa, xuất phát từ sự giao lưu đối thoại giữa các nền văn hoá, tạo ra phương thức tiếp biến văn hóa. Bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối, là một phương thức tiếp biến văn hóa, một phương thức bảo tồn, phát triển nghệ thuật thích nghi thẩm mỹ con người xã hội toàn cầu. Tiếp biến văn hóa nẩy sinh tiếp biến nghệ thuật từ xa xưa đến nay thành một khái niệm khoa học văn hóa nghệ thuật, sự thích nghi tồn tại trong môi trường xã hội. Múa rối nước tiếp biến nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật nhân loại, tồn tại vì công chúng xã hội mới. Nói đến tiếp biến nghệ thuật chưa trở thành khái niệm sử dụng trong mỹ học nghệ thuật hiện nay, các nhà văn hóa học cho là khaí niệm của văn hóa, nhưng không tiếp biến nghệ thuật sẽ mất bản sắc văn hóa, khái niệm “tiếp biến văn hóa” không hoàn thiện.

Tiếp biến văn hóa, là tiếp nhận lựa chọn một một yếu tố văn hóa ngoại lai biến đổi thành sự phù hợp với điều kiện bản địa. Đó là tiếp nhận tinh hoa văn hóa ngoại lai phù hợp với văn hóa xứ sở, sau thời gian phát triển biến đổi những nhân tố ngoại lai thành nhân tố văn hóa dân tộc chính người bản địa không nhận ra sự tiếp nhận mới, gọi là ngoại sinh. Những nhân tố ngoại sinh trong nền văn hóa nghệ thuật mới có gốc từ bên ngoài vào qua công đoạn “tiếp biến”, chế biến thành văn hóa nghệ thuật nội sinh. Nền nghệ thuật văn hóa mới như chính mình sinh ra, điều này từng diễn ra nghệ thuật sân khấu Tuồng Chèo, Cải lương tiếp nhận tinh hoa nghệ thuật biên kịch, kỹ thật diễn viên từ Pháp, Trung Hoa, Đức, Liên Xô cũ sau biến đổi như tự thân nghệ thuật vốn có. Múa rối trong quá trình giao lưu hội nhập đang tiếp biến ngoại sinh chưa tinh tế như các loại sân khấu Tuồng Chèo Cải lương, vì đang quá trình tiếp biến. Đó là sự tiếp nhận các ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu đương đại: Nghệ thuật sắp đặt, người diễn với nhân vật rối, rối sân khấu đen…còn đang trong quá trình phát triển tiếp biến. Quá trình giao lưu hội nhập nghệ thuật làm phong phú nền sân khấu Việt Nam và múa rối nước. Với sân khấu Tuồng Chèo Cải lương là sự tiếp biến lần thứ hai, còn múa rối mới lần đầu tiên, tất cả đang trong quá trình tiếp biến. Quá trình ấy, từng bước nâng cao sân khấu múa rối nước hội nhập nghệ thuật thế giới, hòa đồng và bản sắc dân tộc bản địa. Bản sắc văn hóa nghệ thuật trong tiếp biến văn hóa, tồn tại bằng những biến đổi như sự sống và cái chết. Sự sống tồn tại qua trao đổi chất, đào thải theo quy luật thay thế tạo chất nhân tố mới như cái vốn có trong truyền thống để phát triển tồn tại trước thời đại. Đó là phương thức biến đổi, không biến đổi phát triển không còn văn hóa nghệ thuật dân tộc truyền thống.

Xu hướng hội nhập toàn cầu dẫn đến Chủ nghĩa Quốc tế trên mọi mặt xã hội Việt Nam, vì thế cần phát triển các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc. Hội nhập tạo sự tương đồng là tính quốc tế, nếu không còn bản sắc dân tộc sẽ chẳng còn giá trị đối thoại giữa các nền văn hóa nghệ thuật. Múa rối nước giữ vị trí hàng đầu nền nghệ thuật dân tộc biểu hiện bản sắc văn hóa con người Việt nam, cần bảo tồn toàn cảnh nghệ thuật múa rối nước. Bảo tồn và phát triển một cặp phạm trù nghệ thuật, bảo tồn trong phát triển, phát triển để bảo tồn múa rối nước dân tộc và thời đại.

 

12-2015.

Tuấn Giang
Số lần đọc: 4085
Ngày đăng: 06.03.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chống quan tham sân khấu Sẽ phải “nghỉ hưu” theo chế độ hiện hành - Tuấn Giang
Thiên nhiên ở Guyana - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Xu hướng biến đổi Nghệ thuật múa rối nước truyền thống - Tuấn Giang
"Bốn mươi năm thơ Hải Ngoại Chương 3" - Nguyễn Đức Tùng
Đính chính về tên gọi Năng Gù - Vĩnh Thông
Quê hương như một ngôn ngữ “Bốn mươi năm thơ hải ngoại. Chương 2” - Nguyễn Đức Tùng
Bạo lực học đường - nguyên nhân và giải pháp. - Tuấn Giang
Bốn mươi năm thơ hải ngoại - Nguyễn Đức Tùng
Văn Học Hải Ngoại: Quy Tụ Thơ Hoài Hương Vào Những Vùng Trọng Điểm - Trần Văn Nam
Kháu khỉnh áo dài Việt Nam - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)