1. Trong lịch sử văn học Việt Nam, hình như chưa có tác phẩm văn học nào được luận bàn, bình phẩm từ nhiều điểm nhìn triết học, qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau như truyện Kiều của Nguyễn Du. Có thể nói, truyện Kiều là sự dung hợp, giao thoa của nhiều tư tưởng triết học, và từ hệ qui chiếu của mỗi tư tưởng triết học, người tiếp nhận lại khám phá những ý nghĩa, giá trị khác nhau của tác phẩm bất hủ này.
Trong thời kỳ trung đại, khi chưa tiếp xúc với triết học phương Tây, các nhà nghiên cứu thường qui chiếu tư tưởng truyện Kiều từ cái nhìn của triết lý Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Nhưng từ khi tiếp nhận triết học phương Tây, truyện Kiều lại được tiếp nhận không chỉ từ góc nhìn của triết học phương Đông mà còn được tiếp nhận từ góc nhìn của triết học phương Tây như: phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, thi pháp học, cấu trúc luận... trong đó, việc tiếp nhận truyện Kiều từ góc nhìn triết học hiện sinh là một trong những góc nhìn được các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 quan tâm nghiên cứu. Tuy được khám phá từ nhiều góc nhìn triết học như thế, nhưng theo Chơn Hạnh: “Thúy Kiều và Nguyễn Du mãi mãi là một ẩn ngữ”(1) Vì vậy, việc giải mã ẩn ngữ truyện Kiều với tư cách là một diễn ngôn nghệ thuật từ góc nhìn triết học hiện sinh trong phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 để khám phá những giá trị hiện đại từ những diễn ngôn mà Nguyễn Du thể hiện trong truyện Kiều là một việc làm không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
2. Nói đến triết học phương Tây không thể không nói đến chủ nghĩa hiện sinh, một trào lưu tư tưởng chủ yếu trong trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý của triết học phương Tây thời kì hiện đại. Từ trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh là vấn đề nhân vị, các triết gia hiện sinh đã phát triển thành những phạm trù cụ thể như: phi lý, buồn nôn, hư vô, tự do, lo âu, tha nhân hay người khác là địa ngục, nổi loạn và dấn thân… Tất cả đã được các nhà hiện sinh xem là nền tảng tư tưởng để lý giải về cuộc đời, về thân phận con người được thể hiện trong sáng tác và phê bình văn học.
Ở miền Nam, từ những năm năm mươi, chủ nghĩa hiện sinh đã xuất hiện dưới dạng những bài phê bình tiểu luận, những bài giới thiệu trên các báo, tạp chí: Đại học, Sáng tạo, Văn hóa Á châu, Văn, Văn nghệ, Tư tưởng, Bách Khoa... và ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, thành hệ tư tưởng chi phối sâu sắc đời sống chính trị xã hội miền Nam, trong đó có văn học mà vấn đề tiếp nhận truyện Kiều từ góc nhìn triết học hiện sinh trong phê bình văn học là một hiện tượng khá phổ biến lúc bấy giờ. Với góc nhìn này, các nhà phê bình đã đem đến cho người đọc những cái nhìn mới, nhận thức mới về giá trị của truyện Kiều mà trước kia từ góc nhìn triết học phương Đông chúng ta chưa khám phá hết, khi lý giải hành trình sáng tạo của Nguyễn Du cũng như sự lênh đênh của thân phận nàng Kiều.
Từ góc nhìn triết học hiện sinh, các nhà phê bình văn học miền Nam trước 1975 đã tiếp nhận, khám phá, luận giải về Nguyễn Du và truyện Kiều trên một số bình diện sau:
2.1. Nỗi khổ đau phận người hay tự do lựa chọn định mệnh
Đọc truyện Kiều, có lẽ nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với độc giả đó là nỗi khổ đau của kiếp người chảy qua số phận người con gái tài hoa nhưng mệnh bạc: Thúy Kiều, đến nỗi Nguyễn Du cũng phải xa xót thốt lên: Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mênh cũng là lời chung. Song nếu trước kia, các nhà nghiên cứu thường luận giải những gian truân, đau khổ trong đời Kiều từ hệ qui chiếu của tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, cho rằng Thúy Kiều khổ là do nghiệp chướng, thiên mệnh thì các nhà phê bình theo khuynh hướng hiện sinh lại cho rằng những đau khổ của đời Kiều không phải do tiền định, do nhân quả, do nghiệp chướng mà chính do sự lựa chọn của Thúy Kiều trước những sự kiện của đời mình. Theo Nguyên Sa đứng trước những hoàn cảnh trong mỗi khúc đoạn của đời người, chúng ta có quyền “tự do chấp nhận hoặc từ bỏ” “Hoàn cảnh và vận hạn của gia đình họ Vương là một sự kiện rõ rệt. Kiều nằm trong hoàn cảnh đó cũng như mỗi người bị chi phối bởi vô số hoàn cảnh của cuộc đời. (...) Thằng bán tơ không hề bắt buộc khuyên nhủ Kiều bán mình chuộc cha. Cha mẹ Kiều cũng không bắt buộc nàng. Trái lại, các người còn lại còn can ngăn vì e ngại: “Nỡ đày đọa trẻ càng oan khốc già”. Nhưng đứng trước hoàn cảnh đó Kiều đã chọn lựa. Nàng đã sáng suốt lý luận: ... một là nàng mất mà được toàn gia. Hai là gia đình tan nát mà Kiều cũng chẳng vẹn toàn. Những con số của bài toán đó Kiều đã bày ra trọn vẹn trước mắt: “Thà rằng liều một thân con / Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây...” Hoặc nếu ở lại thì: “Tan nhà là một, thiệt mình là hai...” Cho nên có một hoàn cảnh trớ trêu nhưng cũng có một Thúy Kiều tự do chọn lựa con đường đi của mình trước hoàn cảnh đó. Không phải Thúy Kiều đã đi vào con đường một chiều. Nàng đứng trước ngã ba xem một bản họa đồ trước khi đi vào một con đường gai góc. Nếu ta gọi hoàn cảnh đó là định mệnh thì chính Kiều đã chọn định mệnh. Nàng đã đem đến cho định mệnh giá trị của định mệnh bởi vì nếu nàng không tự ý bán mình chuộc cha thì làm gì có định mệnh cho đời nàng. Nàng đã tính toán: Cửa nhà tan nát và mình sẽ lênh đênh. Nhưng đó mới là một giả thuyết. Có thể cửa nhà sẽ tan nát nhưng còn nàng sẽ được đoàn tụ với Kim Trọng thì sao? Làm gì còn định mệnh. Tự do của Thúy Kiều đã đẻ ra định mệnh.” (2)
Đồng quan điểm với Nguyên Sa, Tô Thùy Yên cũng cho rằng chính Kiều đã chọn lựa định mệnh chứ không phải định mệnh chọn lựa Kiều. Sự chọn lựa của Thúy kiều là một sự chọn lựa hoàn toàn tự do và tự nguyện, là một sự dấn thân vì tha nhân chứ không phải vì một áp lực nào, kể cả định mệnh: “Nhưng “có trời mà cũng tại ta”; đứng trước định mệnh thảm khốc, con người vẫn có quyền chọn lựa, vẫn có tiếng nói phê chuẩn của Con người dù sao vẫn tự do và chính Định Mệnh đã làm nổi bật tự do của con người trong những lần lựa chọn cam go. Không ai ép buộc Kiều phải bán mình chuộc cha cả. Trái lại Vương Ông còn cản trở nàng. Tại sao nàng chẳng bắt chước Vân, một mực làm thinh, coi đại họa kia như không hề dính dấp đến mình, mà lại phai hy sinh? Kiều đã hành động trong tự do đã rước lấy số kiếp đoạn trường với tư cách một người tình nguyện, Cả thân thế Kiều cũng chứng tỏ nàng đã có đầy đủ tự do trong hành động.” (3)
Và cũng từ góc nhìn triết học hiện sinh, khi tìm hiểu Truyện Kiều, Nguyễn Văn Trung đã đồng cảm với quan điểm của Nguyên Sa nên cho rằng Kiều hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn định mệnh chứ không phải là lá bài của định mệnh như quan niệm của các nhà phê bình dựa trên tư tưởng triết học Nho giáo hay Phật giáo: “Một quan niệm vẫn được công nhận là coi truyện Kiều như một chứng minh thuyết định mệnh. Nhưng gần đây ông Nguyên Sa trong sáng tạo số tháng 12/1957 đã chủ trương trái lại (Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do) đưa ra những lập luận vững chắc chứng minh Kiều luôn luôn hành động như một tự do quyết định và lựa chọn, và nếu có định mệnh thì chính Kiều đã chọn định mệnh; Tự do của Kiều đã đẻ ra định mệnh vì nếu nàng không tự ý bán mình chuộc cha, còn đâu là định mệnh” (4)
Trong dòng tâm thức triết lý về định mệnh và việc chống lại định mệnh như ý kiến của Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Nguyễn Văn Trung... Nguyễn Sỹ Tế trong bài “Triết lý đoạn trường” đã đặt một vấn đề khá lý thú đó là triết lý đoạn trường trong truyện Kiều là triết lý về định mệnh hay thân phận con người. Và cũng từ hệ qui chiếu của chủ nghĩa hiện sinh, Nguyễn Sỹ Tế đã vượt lên cái nhìn hữu hạn của tư tưởng định mệnh theo kiểu Nho giáo vốn được nhiều nhà nghiên cứu từ trước nói đến khi tiếp nhận truyện Kiều để thổi vào tác phẩm một cái nhìn mới từ một hệ hình tư tưởng mới: “Xưa kia, các tác giả Đông – Tây nói tới Định mệnh, ngày nay thêm những nhận thức mới người ta nói tới “Thân phận con người”. Đặt vấn đề Định mệnh hay thân phận con người thì đó cũng là một thực thể nhiều khi ở trong một cái vòng phi lý mà người đời phải nhận... Chúng ta đã nói tới thái độ của Thúy Kiều trong cơn thống khổ. Nàng như đã tự sửa soạn để đón nhận sự Đau khổ. Do đó đoạn trường hầu như cũng không quật ngã được trọn vẹn người con gái đó. Cả cuộc đời nàng là một cái gương cưỡng lại định mệnh.” (5) Và cũng theo Nguyễn Sỹ Tế nếu hiểu truyện Kiều của Nguyễn Du từ góc nhìn rộng mở này thì: “Tiếng than khóc trong Đoạn Trường Tân Thanh không còn ý nghĩa kháng đối cái xã hội gọi là phong kiến Trung Hoa đời Minh hay cái xã hội Việt Nam đầu nhà Nguyễn. Trong những nét ghi nhận rộng lớn của nhà thơ thì hai cái xã hội đó cũng giống như một xã hội thời xưa nào đó, một xã hội thời nay nào đó, xã hội nhân loại trong những nét muôn thuở của nó, xã hội trong đó thân phận con người rủi ro chỉ là: Phận bèo bao quản nước sa / Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.” (6)
Thiết tưởng, những cảm nhận của Nguyễn Sỹ Tế về triết lý đoạn trường trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã thức nhận cho chúng ta nhiều vấn đề trong việc phá vỡ cái giới hạn vốn có của tư duy phê bình trong việc tiếp nhận các hiện tượng văn học. Chính sự cảm nhận từ những tư duy mang tính công thức đã làm nghèo giá trị vốn rất đa nghĩa và phong phú của hình tượng văn học với tư cách là những diễn ngôn nghệ thuật, dẫn đến bệnh đồng phục trong cảm thụ và phê bình văn học của một thời chưa xa mà cho đến nay đang có nguy cơ trở lại trên văn đàn. Điều này hoàn toàn không phù hợp với xu hướng tiếp nhận hiện đại và cũng đi ngược lại với tinh thần dân chủ trong công cuộc đổi mới tư duy lý luận phê bình văn học của dân tộc ngày nay.
2.2. Sự cô đơn của thân phận lưu đày
Một trong những ý niệm, triết học hiện sinh quan tâm luận giải đó là cảm thức cô đơn của con người trong thân phận lưu đày. Hành trình sống của con người trong quan niệm của triết học hiện sinh chính là hành trình lưu đày của thân phận. Nguyễn Du và Thúy Kiều, hai thân phận, hai hữu thể giũa cuộc đời cũng chính là hai thân phận bị lưu đày. Chính vì vậy, từ cái nhìn của triết học hiện sinh, trong bài viết “Đi tìm Nguyễn Du” Tô Thùy Yên cho rằng: “Nguyễn Du là thi sĩ của con người lạc loài. Đặc điểm nổi bật nầy đã phân biệt Nguyễn Du với các tác giả khác trong văn học Việt Nam. Con người lạc loài là cái trục mà hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Du xoay quanh, đeo vào như đàn ong trên ổ mật. Nó là đầu để bất biến của ông” (7)
Nguyễn Văn Trung trong bài viết “Đặt lại vấn đề truyện Kiều hay phê bình phê bình văn học”, trên cơ sở tìm hiểu các bài phê bình truyện Kiều đã có từ trước, ông chia các bài phê bình thành hai loại là phê bình chủ quan và phê bình khách quan để từ đó trình bày quan điểm của mình về cách hiểu giá trị truyện Kiều. Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Truyện Kiều là một tuyệt tác; Truyện Kiều không phải là một tác phẩm triết lý hay luân lý; nhưng không phải bảo Truyện Kiều không bao hàm triết lý hay luân lý”(8) Và cũng từ cái nhìn của triết lý hiện sinh, Nguyễn Văn Trung cho rằng truyện Kiều là “một tác phẩm văn chương và hơn nữa là một kiệt tác vì hai điểm: 1. Nguyễn Du đã đề nghị một lối nhìn về cuộc đời như một phiêu lưu của một tự do luôn luôn phải nhận định một hướng đi trong cái phức tạp, mơ hồ của hoàn cảnh, không biết đâu là con đường sáng, đâu là con đường bế tắc và luôn luôn phải lựa chọn trong lo lắng, xao xuyến trước cái bấp bênh may rủi của tương lai, của tình cờ... Cuộc đời trong truyện Kiều không phải là an nghỉ, thanh bình, thân ái trật tự khi nhìn nó trên lý thuyết, luân lý của nhà triết học hay nhà luân lý nhưng là một thân phận, một cái kiếp con người, long đong ba chìm bảy nổi, không có gì là vững chắc, lâu dài nhưng éo le dễ vỡ, phức tạp, gian khổ... Truyện Kiều đã có một khả năng truyền cảm mãnh liệt vì nó đụng đến những khía cạnh sâu xa, bi đát của hiện hữu, của con người nhập thế và thiết thực ở trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta yêu thích truyện Kiều vì ai cũng gặp mình ít nhiều trong cuộc phiêu lưu của Kiều, nghĩa là trong thân phận làm người có những lúc lo lắng băn khoăn trước một tương lai mờ mịt; có những chán nản, uất ức trước những cái vô lý cuộc đời, có những lúc tin tưởng hy vọng muốn bám víu lấy cuộc sống vì tha thiết sống tuy đôi khi chỉ là những tia hy vọng mỏng manh hay là ảo vọng. 2. Nguyễn Du đã thành công trong việc xử dụng những kỹ thuật diễn tả cuộc đời như một phiêu lưu của con người tự do đó.” (9)
Cũng như các nhà phê bình khác ở miền Nam trước 1975, Đặng Tiến trong tác phẩm Vũ trụ thơ, một tiểu luận nổi tiếng của ông ở bài viết “Nguyễn Du, nghệ thuật như một chiến thắng” sau khi phân tích các hướng tiếp cận của các nhà nghiên cứu trước đó về truyện Kiều, Đặng Tiến đã xuất phát từ hệ hình tư tưởng của triết học hiện sinh để lý giải các vấn để đặt ra trong truyện Kiều cũng như trong hành trình sáng tạo truyện Kiều của Nguyễn Du. Chẳng hạn khi lý giải vể những lênh đênh trong cuộc đời Thúy Kiều cũng như của Nguyễn Du, xuất phát từ phạm trù phi lý của chủ nghĩa hiện sinh, Đặng Tiến cho rằng: “Cuộc sống trước hết là một thực trạng phi lý. Điều đó nhiều người nói rồi, nhưng nhiều người khác của hậu thế cũng sẽ còn nói nữa. Không phải cuộc sống lênh đênh của Thúy Kiều, của Nguyễn Du là phi lý, nhưng tất cả mọi cuộc sống là phi lý (...) Không phải khi gặp gia biến Thúy Kiều mới sống bi thảm; trước đó lần đầu tiên chọn phím đàn, nàng đã chọn cung bạc mệnh, vì cuộc đời một cách tiên thiên là một thảm kịch. Sự hiện hữu đã phi lý từ khi hai tinh trùng gặp nhau, và nếu chúng không gặp nhau, thì lại càng phi lý hơn nữa. Nỗi đoạn trường thật sự không chấm dứt sau mười lăm năm lưu lạc; Thúy Kiều ý thức sâu sắc điều đó nên không tái hợp với chàng Kim, vì đổi một phi lý cô đơn lấy một phi lý lứa đôi chỉ làm việc chồng một thảm kịch này lên thảm kich khác. Cuộc đời khi chấm dứt vẫn không chấm dứt được thảm kịch ý thức; sự phi lý vẫn còn trương thình ra đấy” (10)
Còn đây là cách lý giải của Đặng Tiến về nỗi cô đơn, lưu đày trong thân phận của Thúy Kiều cũng từ góc nhìn hiện sinh: “Con người, sản phẩm ngẫu nhiên. Không thể có tương quan nào với ngoại nhân và ngoại cảnh. Con người là kẻ tử tội cô đơn. Cô đơn với người khác. Viên ngoại không hiểu nổi cô con gái “mua não chuốc sầu” từ những giấc mơ. Vương Quan và Thúy Vân không hiểu nổi người chị dư nước mắt, Kim Trọng không hiểu nổi những bậc tiêu tao của cung đàn bạc mệnh thì làm sao khách làng chơi hiểu nổi Thúy Kiều, dù kẻ ấy có là Thúc Sinh hay Từ Hải. sự cô đơn trong ngoại cảnh Nguyễn Du đã làm nổi bật trong mười lăm năm lưu đày xa xứ (....) Vận chuyển biện chứng giữa hiện hữu và hư vô tạo tâm trạng lưu đày như một hợp đề: ý thức lưu đày là một ý thức không có tương quan. Giật mình mình lại thương mình xót xa... Khi sao phong gấm... Giờ sao tan tác... mặt sao dày dạn... thân sao bướm chán.... Phút giật mình là phút bừng tỉnh của ý thức trước một thế giới vô nghĩa. Con người lạc loài, xa lạ, chia lìa khỏi ngoại cảnh, và tự tra tấn, tự đọa đày để ngụy tạo một ý nghĩa cho hiện hữu” (11)
Quả thật, cô đơn trong triết học hiện sinh là một vấn đề của bản thể. Con người ý thức được sự cô đơn của thân phận cũng chính là ý thức được sự hiện hữu của chính mình. Không ý thức được cảm thức cô đơn của thân phận, con người sẽ không thể nhận biết hết ý nghĩa và giá trị của hiện hữu và tất yếu phải dẫn đến bi kịch... Và nói như Thanh Lãng khi cảm nhận về cuộc đời của Kiều: “thân phận con người như là một mầu nhiệm, như là đang quay cuồng, nghiền nát trong vong bánh xe vô hình.” (12)
2.3. Cảm thức về thời gian hiện sinh và sự phi lý
Một công trình nghiên cứu khá công phu và sâu sắc về truyện Kiều từ điểm nhìn triết học hiện sinh, không thể không nói đến đó là: “Thời gian hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh” của Lê Tuyên trên tạp chí Đại học số 9/1959. Trong công trình này Lê Tuyên tập trung khám phá, luận giải Nguyễn Du và truyện Kiều từ tâm thức hiện sinh về thời gian và cái phi lý, một trong những phạm trù cơ bản của triết học hiện sinh.
Bàn về thời gian trong văn chương nói chung và thời gian trong Đoạn Trường Tân Thanh nói riêng không phải là vấn để mới nhưng bàn về thời gian trong truyện Kiều từ góc nhìn của triết học hiện sinh với những minh chứng sâu sắc và khá thuyết phục như Lê Tuyên thì là một điều mới lạ. Thời gian trong cái nhìn của Lê Tuyên không phải là thời gian vật lý, thời gian tâm lý như xưa nay ta vẫn hiểu mà đó là thời gian của thân phận con người. Thời gian của một hành trình hiện sinh đi từ cõi sống đến cõi chết với những khổ đau, hạnh phúc, buồn vui, vinh nhục, phi lý trong kiếp nhân sinh: “Đi về tương lai từ quá khứ và qua hiện hữu, nghĩa là đi về phi lý của nấm mồ. Chúng ta hằng sống như vậy mà không biết, và thực sống vô ý thức đẹp đẽ kia sẽ đưa và luôn luôn đưa con người đến hủy diệt. Khi con người minh định còn thanh xuân, thì đồng thời cũng đang qui định mình theo thời gian, nghĩa là đang đặt mình trong vị trí thời gian, biết mình đang ở vào một cứ điểm nào của đường biến thiên đã được vạch ra trong tọa độ sống và tung độ chết.(...) Con người sống luôn ao ước ngày mai, luôn nghĩ đến ngày mai, một ngày mai mà có lẽ con người không nên nghĩ đến, có lẽ phải khước từ, vì ngày mai là Cái Chết, ngày mai là tiếng Đoạn Trường: “Nỗi niềm tưởng đến mà đau / Thấy người nằm đó biết sau thế nào” ” (13)
Và để minh chứng rõ hơn cho tâm thức hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh, Lê Tuyên đã đi sâu phân tích hành trình thân phận của Thúy Kiều và cho rằng hành trình của cuộc đời Kiều là hành trình của thời gian hiện sinh. Và hành trình ấy đã hiện hữu ngay từ trong tâm thức của Nguyễn Du: “Con người trước bao nhiêu chuyển vần chỉ biết nức nở, ngậm ngùi và Nguyễn Du cũng như Faulkner nhận định thời gian qua một tiếng lòng đau đớn. Con người không thể thoát được thời gian vì thời gian chính là yếu tố sống của mình và của bao nhiêu thân phận khác” (14)
Quả thật, thời gian trong cái nhìn của triết học hiện sinh là một sự chuyển động vừa ý thức lại vừa vô thức, vừa hiện hữu lại vừa không hiện hữu, vừa thực tại lại vừa mộng ảo. Con người vừa đồng hành với thời gian lại vừa lo sợ, khước từ, chối bỏ thời gian. Thời gian trong tâm thức hiện sinh là sự sống, là nguồn sống nhưng thời gian cũng là sự hủy diệt, là sự chết, là nguyên nhân đẩy con người vào bi kịch và sự phi lý. Vì thế, theo Lê Tuyên: “Nguyễn Du qua Thúy Kiều đã ý thức sâu xa sự chuyển vần phi lý của thời gian ngoại tại và giúp Thúy Kiều sợ ngày mai như Albert Camus. Nhưng sợ không có nghĩa phải từ khước, vì có từ khước cũng không thể được, cho nên vì không thể nào từ khước được nên Kiều đã khóc mà băn khoăn, khóc mà tự hỏi, và trong băn khoăn, tự hỏi ấy Kiều cũng đã khóc mà chấp nhận vì không chấp nhận thời gian cũng đến và cuốn cả đời Kiều đi. Nhận thức của Kiều về chuyển vần phi lý của thời gian qua tiếng khóc chính là một nhận thức sâu xa bao hàm một quan điểm về triết lý về thời gian” (15)
Rõ ràng, trong cái nhìn của triết học hiện sinh, Lê Tuyên đã khám phá những vẻ đẹp lấp lánh trong vũ trụ truyện Kiều mà với tài năng tuyệt vời của mình Nguyễn Du đã sáng tạo nên như một đỉnh cao của văn hóa dân tộc giúp ta nhìn thấy rõ hơn thiên tài Nguyễn Du... Và đây cũng là cái nhìn của Thanh Lãng trong công trình nghiên cứu khá sâu sắc và tâm huyết “Nguyễn Du như là một huyền thoại”, khi cho rằng: “Khung cảnh truyện Kiều, bởi vậy là chiều sâu, chiều ngang, và chiều dọc của cuộc đời Nguyễn Du. Chính cái kiêu hùng bị bẻ gẫy bi đát, cái chất nghệ sĩ si mê tiếng đàn tuyệt vời, cái mối tình cuồng loạn nhưng tuyệt vọng, cái nghèo khổ túng đói, cái bệnh hoạn hao mòn, cái mối sợ già và tóc bạc, sức ám ảnh của tha ma, nghĩa địa; thái độ chiêm ngưỡng sự tan rã, điêu tàn, hủy diệt, nỗi lòng hốt hoảng xao xuyến, băn khoăn... ngần ấy thứ của thân phận Nguyễn Du dã đúc kết lại, dàn xếp ra, thêm bớt, biến hóa, trá hình để pha thành một màu sắc ảm đạm, tô lên tấm phông truyện kiều những đường nét rã rời, chập chờn” (16)
Vì vậy, cũng theo Thanh Lãng: “Đoạn Trường Tân Thanh như một hiện hữu ở giữa đời. Hay Đoạn Trường Tân Thanh như một bóng người vấy đầy máu, đứng sừng sững ở giữa đời và gây nôn nao cho đời trong suốt 150 năm” (17)
3. Từ điểm nhìn triết học hiện sinh, theo Đặng Tiến: “Con người trong Đoạn Trường Tân Thanh là con người phi lý, nô lệ, cô đơn, nhục nhã, lưu đày, tha hóa, gian dối. Truyện Kiều là ý thức bi đát của thân phận làm người.” Và cũng theo Đặng Tiến “giá trị Truyện Kiều không dừng lại ở ý thức bi đát đó”... mà giá trị của nó còn ở chỗ Nguyễn Du đã “sáng tạo được vẻ đẹp của những kiếp đoạn trường, Nguyễn Du đã tạo một niềm tin mới cho con người, tạo ý thức của những giá trị cao cả tiềm tàng trong cuộc sống. Nghệ thuật hóa thảm kịch thân phận là khơi nguồn vui vô tận cho con người xét dưới khía cạnh đó, cái đẹp là vinh dự của kẻ thất bại, và nghệ thuật là một chiến thắng.” (18) Đây cũng là tâm thức chi phối sự tiếp nhận về Nguyễn Du và truyện Kiều từ góc nhìn triết học hiện sinh trong phê bình văn học ở miền Nam trước 1975. Vì thế, nhận định về trào lưu phê bình truyện Kiều ở miền Nam trước 1975 từ góc nhìn của triết học hiện sinh, Thanh Lãng cho rằng: “Ở trong Nam sau khi người ta đã chán phân tích để khen chê một cách lảm nhảm từ cách đặt câu, chọn tiếng, một lớp nhà phê bình trẻ chịu ảnh hưởng của học thuyết hiện sinh đã đem ra một lối nhìn mới về Kiều. Theo họ Kiều là một trường hợp, là một thân phận làm người phải dấn thân vào cuộc đời. Trong cuộc dấn thân ấy, Kiều phải đặt vào giữa những lựa chọn bi đát, đã phải đối phó với những cảnh đời bế tắc, bi thảm. Kiều chẳng qua là một sự suy tư về cuộc đời, một sự chiêm ngưỡng bi đát về thân phận làm người của con người. Được đặt vào một vị trí, một trường hợp cụ thể, và được nhìn trong bối cảnh bế tắc ấy, Kiều đã được ghi nhận như là một lữ hành đang đi tìm, trong mù sương, ý nghĩa sống mà qua mọi trở ngại, bế tắc, một lựa chọn bi thiết. Nói cách khác, truyện Kiều đã cung cấp cho nhà phê bình hiện sinh nhiều đề tài cụ thể, sống động để suy tư và biện minh cho lối nhìn cuộc đời với những khía cạnh rất mực là bi đát” (19)
Thiết tưởng, ý kiến trên đây của Đặng Tiến và Thanh Lãng, những nhà phê bình tên tuổi và uy tín trên văn đàn miền Nam trước 1975 cũng phần nào xác tín cho giá trị của truyện Kiều mà các nhà phê bình đã khám phá từ góc nhìn triết học hiện sinh. Những khám phá này phần nào thức nhận cho người đọc những vẻ đẹp lấp lánh và phong phú của truyện Kiều với tư cách là một diễn ngôn nghệ thuật mang tính đa nghĩa. Đọc những bài phê bình truyện Kiều từ góc nhìn triết học hiện sinh của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 trên tinh thần đối thoại của mỹ học tiếp nhận hiện đại, chắc chắn chúng ta sẽ khám phá thêm nhiều giá trị mới / lạ của truyện Kiều, một di sản văn học / văn hóa vô giá của dân tộc. Đây cũng là tiền đề mở ra những hướng nghiên cứu mới cho các hiện tượng văn học cổ điển của nền văn học dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa văn hóa ngày nay.
Riêng với truyện Kiều của Nguyễn Du, việc luận giải tác phẩm này từ nhiều điểm nhìn triết học khác nhau của phương Đông lẫn phương Tây càng khẳng định hơn nữa sự bất tử của truyện Kiều, của thiên tài Nguyễn Du, một danh nhân văn hóa thế giới trong tâm thức người đọc mọi thế hệ, mọi thời đại...
Xóm Đình, An Nhơn, Gò Vấp 20/1/2015
Chú thích:
(1) Chơn Hạnh “Nguyễn Du trên con đường trở về của Phật giáo”, Tạp chí Tư tưởng số 8/1970, tr.91
(2) Nguyên Sa “Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do” Sáng tạo tháng 12/1957, tr. 51, 52
(3) (7) Tô Thùy Yên , “Đi tìm Nguyễn Du”, Văn nghệ số 17 tháng 9,10/ 1962, tr.6, tr.2
(4) (5) (6) (8) (9) Nhiều tác giả, Chân dung Nguyễn Du, Nam Sơn xb., SG 1960, tr.50, tr.61, tr. 63, tr.50, tr. 48, 49,
(10) (11) (18) Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Nxb. Giao điểm, SG, 1972, tr. 20, 21; tr.22, 23; tr.26, 27
(12) (17) Thanh Lãng, “Đoạn Trường Tân Thanh hay là cuộc đời kỳ quái của Nguyễn Du như được chiếu hắt lên trong tác phảm của ông”, Nghiên cứu văn học số 8 (15/10/1971), tr. 66, 67; tr.67
(13) (14) (15) Lê Tuyên “Thời gian hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh”, Đại học số 9/1959, tr. 52; tr.54; tr. 57, 58;
(16) Thanh Lãng “Nguyễn Du như là một huyền thoại”, Nghiên cứu văn học số 6 (15/8/1971), tr.64
(19) Thanh Lãng, “Kiều qua 150 năm suy nghĩ văn học”, Nghiên cứu văn học số 9 (15/11/1971) tr.16