Lâm Bích Thủy sưu tầm, tổng hợp giới thiệu cùng bạn đọc VCV
Lễ kỷ niệm 100 năm sinh của nhà thơ Yến Lan (2/3/1916-2/3/2016) được tổ chức ngày 1/3, tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật cùng đông đảo người yêu mến thơ Yến Lan.
Sự kiện là dịp ôn lại những kỷ niệm, tiếp tục tôn vinh những giá trị nhân văn, nghệ thuật của thơ Yến Lan; các cơ quan chức năng, có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, đánh giá lại thân thế, sự nghiệp của nhà thơ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa mà thơ Yến Lan để lại.
Yến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ mới (1937), khi ấy ở Bình Định, nhóm “Bàn thành tứ hữu” (hoặc Tứ Linh) gồm Quách Tấn, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên tích cực tham gia cách mạng và kháng chiến.
Ông làm thơ theo luật Đường, thường được nhắc đến với những bài thơ nổi tiếng “Bến My Lăng”, “Những ngọn đèn”, vở kịch “Bóng giai nhân...”
Đa số các ý kiến tham dự đều cho rằng Yến Lan sáng tác ở cả hai thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám, đã có cống hiến không nhỏ đổi với nền thơ ca dân tộc. Ông là một nhà thơ có sức sáng tạo dẻo dai, bền bỉ. Tài năng của Yến Lan sớm nảy nở, sớm được khẳng định.
Ông đã để lại một số lượng tác phẩm không nhỏ cho nền thi ca Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, ông đạt được những thành tích đáng kể ở thể thơ tứ tuyệt với những tìm tòi, sáng tạo mới.
Bên cạnh thơ ca, Yến Lan còn viết truyện ngắn, kịch, cải lương, thành lập hội kịch mang tên ông - Đoàn kịch Yến Lan. Truyện ngắn của ông liên tục được giới thiệu trên các tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm và nhiều tờ báo khác.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận Yến Lan kế thừa được di sản văn hóa của nhiều thời đại. Yến Lan vừa dạy học, vừa viết văn. Cùng các thành viên nhóm “Tứ Linh,” những tác phẩm của ông có dấu ấn của sự chuyên nghiệp.
Yến Lan có thể viết bất cứ đề tài gì, cập nhật những vấn đề rất nóng của xã hội nhưng không bao giờ để mất sự rung động trong tâm hồn mình.
Là nhà thơ tận tâm, tận lực, đức độ, Yến Lan cũng là một cán bộ biên tập mẫu mực, vô cùng nghiêm khắc trong nghệ nghiệp. Ông là một con người mẫu mực, một nhân cách đáng kính của cả thế hệ văn nghệ sỹ ngày nay.
Nhà thơ Yến Lan (1916-1998) tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ra và lớn lên tại miền quê thuần nông của huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sớm mồ côi mẹ, thơ ca trở thành người bạn gần gũi với ông ngay từ thủa nhỏ.
Yến Lan sống bằng nghề dạy học, từng là ủy viên văn hóa cứu quốc tỉnh Bình Định, ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Trưởng đoàn kịch “Kháng chiến...” Sau 1975, ông về sống và làm việc tại quê nhà.
Đưa bến My Lăng về cõi thực
TP - Tọa đàm 100 năm ngày sinh thi sĩ Yến Lan - tác giả bài thơ “Bến My Lăng” hôm qua (2/3) được tổ chức tại chính quê nhà của ông - thị xã An Nhơn (Bình Định). Một bến My Lăng ảo huyền, như chiếc lá Diêu Bông của Hoàng Cầm…
Con đường mang tên Yến Lan tại thị xã An Nhơn nằm khuất nẻo, ít người biết và nay biển hiệu tên đường đã bị gỡ xuống. Ảnh: H.V.
My Lăng ở đâu?
Nhà thơ Thanh Thảo ví Yến Lan là nhà thơ của một bến sông. Theo ông, bài thơ Bến My Lăng thực sự là kiệt tác.
“Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu/…/Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly/ Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi/ Ông lão vẫn say trăng nằm gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng”.
“Bến My Lăng ở đâu? Hình như ở trong mơ, dưới trăng, một vầng trăng bạc xám ám ảnh trên thành cổ Đồ Bàn. Có thể là bến sông của một cô gái người Chàm, của một kỵ sĩ Chàm, của một ông lái đò không tên, không tuổi, quên quá khứ, không nghĩ tới tương lai, ông lái đò của những thời khắc hiện tại, của dòng sông đang trôi chảy. Bến My Lăng ở đâu? Có lẽ, bến sông ấy chỉ có trong thơ Yến Lan, trong những tầng sâu nhớ quên của nhà thơ. Đừng giải thích, đừng định vị…”.
Theo T.S Châu Minh Hùng (ĐH Quy Nhơn), bến My Lăng được xuất thần như kết quả của một chiêm nghiệm rất hiện sinh, nó vắt qua các chiều thời gian. Có lẽ cái tứ Trăng “sáng trưng lên tối ở mày” tạo nên hình ảnh - âm thanh có tính biểu trưng: My Lăng. Hai chữ My và Lăng đều gợi lên những âm cổ: My = Mày (chân mày), Lăng = Trăng (Tlăng, Blăng). Hình ảnh vầng trăng khuyết, bến sông một dải, con thuyền cong và dáng vẻ trầm ngâm của ông đò kết tinh trong âm đọc “My Lăng”.
Bà Lâm Bích Thủy, con gái nhà thơ Yến Lan, xác định: “Theo cha tôi, Bến My Lăng chính là bến đò Trường Thi của sông Trường Thi, một chi lưu của sông Côn đổ ra đầm Thị Nại”. Sinh thời nhà thơ Yến Lan từng kể: Khi ông 6 tuổi, một lần mẹ ốm nặng, không ăn được gì ngoài bánh canh tôm. Chợ xa, phải qua một lần đò, khi mua bánh canh về, đứng đợi ông lái đò ở bờ bên kia sang đón, đợi trong tâm trạng canh cánh sợ bánh canh nguội. Sợ bánh canh bị trẻ chăn trâu chặn đường đánh đổ phải về không. Chú bé hối hả gọi ông lái đò (là cậu ruột mình) từ bên này bờ sông xa lắc mà ông lái lại đang lơ mơ ngủ… Tâm trạng ấy đã đi vào tiềm thức của thi sĩ Yến Lan sau này.
Tham luận Hiện thực hóa một bến sông, nhà văn Trần Quang Khanh giãi bày: sông Trường Thi là điểm nhấn trong quy hoạch của thị xã An Nhơn sắp tới, cũng có nghĩa là bến Trường Thi - Bến My Lăng - của Yến Lan rồi sẽ là điểm nhấn của thị xã. Mong lắm thay, thị xã An Nhơn dành một quỹ đất cho quy hoạch Nhà lưu niệm nhà thơ Yến Lan và phục dựng Bến My Lăng huyễn hoặc trong thơ Yến Lan thành bến sông trăng đẹp, có con đò với ông lão say trăng đầu gối sách, có chàng kỵ mã nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly, có bãi cát vàng như vành mi thiếu nữ… Hẳn cái Bến My Lăng trong thơ ấy sẽ hút hồn du khách bốn phương về thăm Khu du lịch Bến My Lăng.
Con đường mang tên nhà thơ
Chúng tôi tìm đến đường Yến Lan tại thị xã An Nhơn đúng dịp này. Con đường nhỏ dài chừng 100m, rộng khoảng 3m, nằm ở khu phố mới ít người biết đến. Nhưng biển hiệu tên đường đã bị gỡ xuống, chỉ trơ lại cái cột sắt. Trời mưa sụt sùi, đường đã vắng nay càng thêm ảm đạm.
Nhiều người băn khoăn, là một trong bốn người nhóm Bàn thành tứ hữu nhưng tại thành phố Quy Nhơn
không có đến một con đường mang tên ông, còn con đường tại thị xã An Nhơn thì quá ư khiêm tốn, khuất nẻo, liệu có xứng đáng với những đóng góp của nhà thơ Bến My Lăng?
Tại tọa đàm, nhiều người đề xuất xem xét đổi vị trí đặt tên đường tại An Nhơn để ghi danh xứng đáng hơn đối với Yến Lan. Đồng thời bố trí địa điểm để xây dựng Nhà lưu niệm Yến Lan và nhóm Bàn thành tứ hữu gắn với Bến My Lăng ven sông Côn, là nơi sinh hoạt của văn nghệ sỹ địa phương và điểm tham quan đặc sắc đối với du khách…
Tọa đàm rồi khép lại, những câu hỏi mở ra, và hậu thế lại tiếp tục chờ đợi như đã từng chờ đợi bấy lâu chăng?!
Nhà thơ Yến Lan cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Quách Tấn hợp thành “Bàn thành tứ hữu” nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam lúc đó. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ có giá trị nghệ thuật cao.
Giới văn nghệ sĩ trong ngoài tỉnh tới dâng hoa, hương nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (2/3/1916 - 2/3/2016)
Ngày 2/3, tại Nhà tưởng niệm nhà thơ Yến Lan (số 57 Quang Trung, thị xã An Nhơn, Bình Định), đông đảo giới văn nghệ sĩ trong ngoài tỉnh, học sinh, sinh viên và những người yêu thơ đã thắp lên nén nhang tưởng nhớ 100 năm ngày sinh của nhà thơ Yến Lan (2/3/1916-2/3/2016).
Đặc biệt, dịp này UBND thị xã An Nhơn phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định tổ chức tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Yến Lan với chủ đề: “Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca” lần đầu tiên được tổ chức tại thị xã An Nhơn với 18 tham luận của giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, nhà thơ tham gia. Ở mỗi tham luận thể hiện những nét riêng, có tham luận chuyên sâu từng mảng, có tham luận là hồi ức, kỷ niệm với nhà thơ, những đúc kết, nhìn nhận tổng thể về con người và sự nghiệp của thi ca Yến Lan.
Sau cách mạng Tháng Tám thành công, nhà thơ Yến Lan (tên thật là Lâm Thanh Lang, quê ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định) là Ủy viên văn hóa Cứu quốc Bình Định, rồi Ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung bộ, Trưởng Đoàn kịch “Kháng chiến”... Đến sau năm 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học. Sau năm 1975, ông trở về quê nhà công tác tại Hội VHNT tỉnh Bình Định cho đến ngày mất (5/10/1998).
Lần đầu tiên tại thị xã An Nhơn (Bình Định) tổ chức tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của nhà thơ Yên Lan với chủ đề: “Yến Lan - một nhân cách, một sự nghiệp thi ca”
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, từ những năm 30 thế kỷ trước, khi bắt đầu và phát triển phong trào thơ mới ở Bình Định đã hình thành nhóm “Thái dương Văn đoàn” tập hợp nhiều cây bút như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Khai (Yến Lan), Nguyễn Lam Vũ, Phú Sơn… Sau này, Thái dương Văn đoàn hình thành nên nhóm thơ Bình Định, còn là “Bàn thành tứ hữu”, gồm 4 nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan. Những người yêu văn chương Bình Định còn dùng tên bộ Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng đặt cho Tứ hữu.
“Đã bảy, tám mươi năm, trải qua nhiều đổi thay và phát triển về thơ, sáng tác và cảm thụ thơ đã khác. Thế nhưng, đọc lại thơ “Bình Định 1935, Bến My Lăng…, những bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ Yến Lan chúng ta vẫn sửng sốt trước các vẻ đẹp thơ ấy. Đặc biệt, bài thơ “Bến My Lăng” không chỉ hiện diện như một trong những bài thơ hay nhất thế kỷ XX của thi ca Việt Nam mà còn được khẳng định trong lòng bạn đọc như một bến thơ huyền thoại”, ông Nguyễn An Pha chia sẻ.
Nhà văn Lê Hoài Lương, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Văn học Bình Định thì ví nhà thơ Yến Lan như không gian thơ Bình Định. Trong nhóm “Bàn thành tứ hữu” nếu Quách Tấn như một đại biểu cuối cùng của thơ Đường, đẹp đến cổ điển. Chế Lan Viên năm mười bảy tuổi đã trình làng tập thơ “Điêu tàn” như một niềm kinh dị. Hàn Mặc Tử độc đáo kỳ lạ giữa lộng lẫy trần thế với đau thương, giữa con người và vũ trụ siêu hình. Yến Lan là nỗi buồn kỳ ảo với những vần thơ trác tuyệt về một bến My Lăng huyền hoặc: Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái đò chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu/… ; về một Bình Định “rượu ân tình - hoa tư tưởng - xứ lên men”.
Sông Côn nơi nhà thơ Yên Lan với bài thơ để đời Bến My Lăng
Tại buổi tọa đàm, đại diện gia đình và những người kính trọng tài năng của nhà thơ Yến Lan cũng đưa ra một số vấn đề cần quan tâm trong việc đánh giá vai trò, đóng góp của ông với nền văn hóa Bình Định và nền văn học Việt Nam để tôn vinh xứng tầm với nhà thơ.
Ngoài ra, cần xem xét việc đặt tên đường Yến Lan tại TP Quy Nhơn. Đồng thời đổi vị trí đặt tên con đường mang tên ông tại thị xã An Nhơn (hiện nay là con đường nhỏ, ít người biết đến) để góp phần tôn vinh xứng tầm đối với một thi sĩ tài hoa. Về lâu dài, các cấp chính quyền cũng cần tạo điều kiện, quy hoạch, bố trí địa điểm để xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Yến Lan và Nhóm tứ hữu Bàn Thành gắn với “Bến My Lăng” (ở khu vực ven sông Côn) để gìn giữ và phát huy những di sản, giá trị đặc sắc của văn hóa qua thi ca Bình Định...
Đông đảo giới văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên tới thắp hương tưởng nhớ nhà thơ Yến Lan
Chân dung nhà thơ Yến Lan khi còn sống viết thơ
Bài thơ Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ cả nước
Doãn Công
(HNMO)- Sáng nay (1/3), tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan (2/3/1916 – 2/3/2016) và Hội thảo về những đóng góp của nhà thơ lớn Yến Lan vào tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại.
|
Nhà thơ Yến Lan
|
Hội thảo gồm tám tham luận của các nhà văn, nhà thơ… một lần nữa khẳng định công lao của nhà thơ Yến Lan trong nền văn học rất to lớn, ông là người đi tiên phong trong phong trào thơ mới.
Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu, hồn ma... trong thơ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là uỷ viên văn hoá Cứu quốc Bình Định (1947–1949); là Uỷ viên văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác văn hoá văn nghệ ở Bình Định.
Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định và mất tại đây ngày 5/10/1998. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Tại Hội thảo, TS Lê Thị Bích Hồng đã phân tích, “Nhà thơ Yến Lan là một nhân cách văn hóa. Xét ở góc độ con người cũng như thơ ca, Yến Lan đã thể hiện sâu đậm tình yêu, sự gắn bó sâu nặng với quê hương Bình Đình. Tình yêu ấy da diết, thấm đẫm lên từng trang thơ”.
Cũng theo TS Lê Thị Bích Hồng, nói đến thơ Yến Lan, bạn đọc thường nghĩ ngay đến bài thơ “Bến My Lăng” viết ở độ tuổi 16 – 17 và ngược lại khi nhắc đến địa danh rất thơ ấy không thể không nhớ đến một hồn thơ rất tình, rất trong trong trẻo với quê hương. Yến Lan đã nhiều lần giải thích nguồn gốc Bến My Lăng là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền. Cái tên My Lăng có thể chỉ là một hồi ức được biến hóa. Cái tên huyền ảo, cái bến siêu thực ấy là cảm xúc sáng tạo của nhà thơ. Bến My Lăng vẹn nguyên trong cảm xúc thi nhân từ khi chàng trai tuổi đôi mươi cho đến cuối đời chân chậm, mắt mờ. “Cái tên My Lăng mang đầy ẩn ức. Thông điệp tác giả chia sẻ từ “Bến My Lăng” lớn hơn nhiều câu chữ văn bản, không dừng ở cái bến thông thường” “những ai đã một lần đứng đợi một chuyến đò ngang… và nhất là những ai có nỗi hy vọng lớn lao phải đợi chờ đợi… "Bến My Lăng" ở trong lòng tôi và có thể ở trong lòng bạn…”, TS. Bích Hồng cho hay.
Còn theo nhà thơ Vũ Quần Phương, “thơ Yến Lan không có cầu non lép. Tôi nghĩ đó là một phần xét đúng. Đúng từ những bài viết ở chặng đầu, trước Cách mạng, đền suốt cả đời thơ ông… Bài, thì khi hay, khi xoàng nhưng câu, bao giờ cũng kỹ càng, cẩn trọng. Yến Lan đầu tư công sức vào đơn vị câu. Ông chọn chữ, đổi sắc các chất liệu bằng thơ bằng các động từ, các tác động chất liệu này lên chất liệu kia một cách khác biệt, tạo nên bối cảnh thơ kỳ lạ từ các chi tiết quen”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét rõ ràng là do cảm xúc của từng nhà thơ. Riêng với Yến Lan, tôi thấy còn có thêm một điều này, ở chặng thơ viết từ các cuộc đi thực tế sau cuộc đấu tranh tư tưởng Nhân văn giai phẩm, tính ghi chép đời sống khá đậm ở thơ ông, đậm hơn trước, chắc ông cũng thấy thế nên có bài ông ghi là bút ký thơ. Bài thơ khi ấy, là một báo cáo thu hoạch về tác động của đời sống vào cách nhìn, cách nghĩ, cách vui buồn của tác giả. Kể nhiều để thấy thu hoạch nhiều, để thấy cuộc sống mới đã tràn vào tâm hồn nhà thơ đầy chật và phong phú như thế nào. Đầu tư vào câu để lạ hóa, kỳ hóa thơ là một sáng kiến, một ưu điểm, giúp sự tiêu hóa các chi tiết sống. Nhưng sa vào câu nào mà quên mất bài thì lại là nhược điểm. Yến Lan đây đó cũng vấp nhược điểm ấy. Hãy coi đấy là sự trả giá cho những thành tựu mà ông đạt được.
Có thể thấy, hơn cả một đời thơ của mình, cái mà nhà thơ Yến Lan để lại cho mọi người là đạo đức, cách sống, tình cảm của ông đối với người, quê hương dân tộc. Những vần thơ chân thực, trang trọng lại ngọt ngào và giàu chất trữ tình của Yến Lan không để lại một chút mùi giáo điều, lên gân nào, chỉ thấy thơ ông tình yêu con người, quê hương khi ông hòa trộn những tình cảm cao quí đó vào nhau. Với sự đóng góp của Yên Lan suốt gần một thế kỷ dâng hiến cho đời biết bao uẩn khúc nhạc lòng quê hương ông dường như cố tình hờ hững. Điều đó cho thấy trong suốt một thời gian dài, tên tuổi và sự nghiệp thơ văn của Yến Lan dường như bị lãng quên...
Phải chăng đó là sự bất công hay nói như Chế Lan Viên “Có nhiều lí do. Nhưng thơ là cái đẹp im lặng, đi lầm lũi trong im lặng” thế nên thi sĩ ấy như một kiếp tằm, rút ruột nhả cho đời những sợi tơ óng ánh để rồi mình lặng im hóa kiếp chẳng ai hay, chỉ biết rằng mình hoàn thành nhiệm vụ “trả nợ dâu” và thanh thảnh! Còn cả đời ông không chức sắc gì to lớn, không giải thưởng đỉnh cao tột bậc, không tượng đài, không tên đường.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh tác giả "Bến My Lăng" đầy mộng tưởng
MỸ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 01/03/16 15:03 BẢN IN
thethaovanhoa.vn)
Lễ kỷ niệm 100 năm sinh của nhà thơ Yến Lan (2/3/1916-2/3/2016) được tổ chức ngày 1/3, tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật cùng đông đảo người yêu mến thơ Yến Lan.
Sự kiện là dịp ôn lại những kỷ niệm, tiếp tục tôn vinh những giá trị nhân văn, nghệ thuật của thơ Yến Lan; các cơ quan chức năng, có thẩm quyền thảo luận, thống nhất, đánh giá lại thân thế, sự nghiệp của nhà thơ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa mà thơ Yến Lan để lại.
Yến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ mới (1937), khi ấy ở Bình Định, nhóm “Bàn thành tứ hữu” (hoặc Tứ Linh) gồm Quách Tấn, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên tích cực tham gia cách mạng và kháng chiến.
Ông làm thơ theo luật Đường, thường được nhắc đến với những bài thơ nổi tiếng “Bến My Lăng”, “Những ngọn đèn”, vở kịch “Bóng giai nhân...”
Đa số các ý kiến tham dự đều cho rằng Yến Lan sáng tác ở cả hai thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám, đã có cống hiến không nhỏ đổi với nền thơ ca dân tộc. Ông là một nhà thơ có sức sáng tạo dẻo dai, bền bỉ. Tài năng của Yến Lan sớm nảy nở, sớm được khẳng định.
Ông đã để lại một số lượng tác phẩm không nhỏ cho nền thi ca Việt Nam hiện đại. Đặc biệt, ông đạt được những thành tích đáng kể ở thể thơ tứ tuyệt với những tìm tòi, sáng tạo mới.
Bên cạnh thơ ca, Yến Lan còn viết truyện ngắn, kịch, cải lương, thành lập hội kịch mang tên ông - Đoàn kịch Yến Lan.
Truyện ngắn của ông liên tục được giới thiệu trên các tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm và nhiều tờ báo khác.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận Yến Lan kế thừa được di sản văn hóa của nhiều thời đại. Yến Lan vừa dạy học, vừa viết văn. Cùng các thành viên nhóm “Tứ Linh,” những tác phẩm của ông có dấu ấn của sự chuyên nghiệp.
Yến Lan có thể viết bất cứ đề tài gì, cập nhật những vấn đề rất nóng của xã hội nhưng không bao giờ để mất sự rung động trong tâm hồn mình.
Là nhà thơ tận tâm, tận lực, đức độ, Yến Lan cũng là một cán bộ biên tập mẫu mực, vô cùng nghiêm khắc trong nghệ nghiệp. Ông là một con người mẫu mực, một nhân cách đáng kính của cả thế hệ văn nghệ sỹ ngày nay.
Nhà thơ Yến Lan (1916-1998) tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ra và lớn lên tại miền quê thuần nông của huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sớm mồ côi mẹ, thơ ca trở thành người bạn gần gũi với ông ngay từ thủa nhỏ.
Yến Lan sống bằng nghề dạy học, từng là ủy viên văn hóa cứu quốc tỉnh Bình Định, ủy viên văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Trưởng đoàn kịch “Kháng chiến...” Sau 1975, ông về sống và làm việc tại quê nhà./.