Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.370
 
Mưa rừng thông
Phạm Hoài Vũ

 

 

Vượt qua một chặng đường dài mưa xối xả, ông dừng lại giữa đoạn đường rừng, ngó trước ngó sau. Rét run cầm cập. Bùn phủ kín chiếc xe đạp xộc xệch, không còn chỗ nào không bê bết bùn. Thoáng nhìn có một căn nhà tranh trên sườn đồi, ông dắt xe leo lên, gặp ánh mắt tròn xoe của bé gái chừng tám chín tuổi.

-       Bác chào cháu. – Ông lên tiếng chào trước.

-       Dạ. Cháu chào bác. – Bé cười hồ hởi, trả lời ông vẻ ngạc nhiên.

-       Mẹ cháu có nhà không.

-       Không. – Bé chững lại, trả lời cụt ngủn.

-       Mẹ cháu đi chợ chưa về sao?

-       Cháu không có mẹ.

-       Ấy chết. Xin lỗi cháu. Bác vô tâm quá.

-       Dạ.

-       Thế... thế bố cháu có nhà không?

-       Bác hỏi gì bố cháu?

-       Bác xin nhờ cho bác trú mưa.

-       Vâng, thế thì mời bác vào nhà.

-       Cảm ơn cháu. – Vừa nói ông khách vừa kiếm chỗ dựa xe và bước vào nhà. – Bố cháu chạy đâu rồi?

-       Mời bác vào nhà khỏi mưa. – cô bé ậm ừ, mắt cụp xuống,... Mà bác hỏi gì nhiều thế? – Ông nhận ra giọng bực dọc của con bé.

-       Ừ... ừ... Bác chỉ muốn hỏi người lớn để xin trú mưa.

-       Hỏi cháu là được rồi. – Ông khách tròn mắt. Con bé trả lời trống không, vừa tự tin, vừa hờn giận, nhưng chững chạc như một bà chủ.

-       Vậy à. Cảm ơn cháu. Vậy bố cháu đi đâu?

-       Kia. – Con bé chỉ tay về phía ban thờ. Mặt sầm hẳn xuống.

Bé nói với vẻ hằn học.

Ông khách sững sờ nhìn năm bức ảnh kích cỡ khác nhau. Tất cả được lồng chung trong một khung kính. Hai người đàn ông. Ba người đàn bà. Ảnh một người đàn ông bị khuyết góc. Ảnh một người đàn bà đã ố vàng. Ông hẫng như ngã xuống vực trong một cơn ác mộng. Ông ân hận vì những câu hỏi vô ý thức hình như đang xoáy từng cơn vào trái tim bé bỏng của con bé.

Ông lướt nhanh năm bức ảnh.

Chợt ông chững lại. Một thiếu phụ nhìn thẳng mỉm cười. Ông nhìn kĩ. Có lẽ đúng. Ông nhìn kĩ hơn. Không thể lẫn được. Rất quen thuộc. Ông dụi mắt.

-       Bác nhìn gì kĩ thế.

Con bé hỏi làm ông giật thót, như ăn trộm bị bắt quả tang.

-       Ừ.... ừ. – Ông lúng túng.

-       Ô hay. Cháu hỏi bác nhìn gì kĩ thế? – Ông khách bối rối trước cái giọng sẵng và hối thúc của con bé, rồi ngập ngừng:

-       Ờ... ờ. Bố mẹ các cháu là những ai trong năm người trên bàn thờ này? – Hỏi xong, ông chợt nhận ra sự ngớ ngẩn đến vô lí trong câu hỏi của mình.

-       Sao bác hỏi buồn cười thế? – Cô bé nghiêm mặt.., lẳng lặng nhìn ông khách.

-       Vậy bố mẹ cháu là ai trong khung ảnh này.

-       Là tất cả đấy ạ. – Cô bé chớp mắt, nói dằn tiếng một,...

Rồi cô bé quay mặt dõi trông về phía bìa rừng. Câm lặng.

Ông cắt ngang sự im lặng:

-       Cháu cho bác xuống bếp thay quần áo nhá. Bác ướt hết cả. – Vừa nói, ông vừa hướng mặt về phía  căn bếp tranh tồi tàn, ông vừa thoáng nhận ra, nằm cách xa nhà chừng vài bước chân. Hai hàm đập nhau liên hồi.

-       Vâng. Bác đội nón cho khỏi ướt. – Vừa nói bé vừa lấy cái nón ở sau cánh cửa ghép bằng tre đưa cho ông.

Ông tháo bọc ni-lông sau xe và ôm vào bếp.

***

Ông khách vừa thay quần áo, từ dưới bếp lên nhà, thì gặp hai cô chị đi đâu về cũng vừa bước vào nhà. Hai chị tháo mảnh ni-lông khoác trên người, vừa nghe cô em nói:

-       Hai chị ơi. Có bác vào trú mưa.

Hai cô chị nhìn ông khách, cùng gật đầu chào.

Cô chị bình thản: “Cháu chào bác.”

Cô em cười mỉm: “Cháu chào bác ạ.”

Ông khách đáp lời:

-       Bác chào các cháu. Cho bác nhờ trú mưa nhá. Bác đạp xe suốt từ thị xã Bắc Ninh về đến đây, mưa rét quá. Lúc nãy em cháu đã cho bác vào nhà.

-       Vâng ạ. – Cô chị trả lời ông khách.

-       Ở đây có lẽ gần ngã ba Biểu Nghi rồi phải không các cháu. Mưa mù mịt quá, bác không nhận ra đường.

-       Vâng thưa bác. Cũng phải đi gần chục cây số[1] nữa mới đến ngã ba Biểu Nghi. Nhưng đường lội lắm. Bom cầy nát cả đường. Cây cũng bị bom xé gẫy nát ngổn ngang. Vậy ra bác định về Biểu Nghi?

-       Bác còn phải đi xa hơn nữa cháu ạ. Về tận Cẩm Phả cơ. Ngày xưa có xe khách thì từ Bắc Ninh chỉ cần đi chừng hai tiếng đồng hồ[2]. Bây giờ chiến tranh phải đi xe đạp cả ngày đường. Mà trời lại mưa.

-       Bác về thị xã Cẩm Phả ạ?

-       Không. Bác phải vào một cánh rừng trước khi đến Cẩm Phả.

-       Sao bác phải vào rừng? Nhà bác trong rừng à?

-       À... À... Bác về một đoàn địa chất cháu ạ... À mà các cháu tên là gì nhỉ. Bác cháu mình làm quen với nhau nhá.

-       Cháu là Tâm. Em cháu đây là Nguyện. Còn em nhỏ nhất của chúng cháu đây, – vừa nói Tâm vừa quàng tay ôm vai cô bé ông gặp đầu tiên, tên là Uyên. Nhưng mà... Uyên là em út, nên chúng cháu gọi là Út Uyên. – Tâm nói xong nhíu mũi cười.

-       Còn bác tên là bác Lâm. Bác là con thứ ba trong nhà nên cả nhà gọi là bác Ba Lâm. Gọi bác Ba cũng được.

Con Út giật thót. Nó gỡ tay con chị khỏi vai, thả tay con chị rơi thõng xuống, rồi trố mắt nhìn ông khách, lộ hai con ngươi.

Hai con chị nheo mắt hỏi lại:

-       Bác ơi! Thế ra... Bác về chỗ đoàn địa chất đóng tại Cẩm Phả à?

-       Ô hay. Sao các cháu biết? – Ông khách tròn mắt. Chột dạ.

-       Ơ... Bác vừa nói mà.

-       Ơ. Thế à. Vậy mà bác quên khuấy. – Ông khách cười chữa thẹn. – Già rồi hay lẫn cháu ạ.

Bác cháu cùng cười rộn nhà. Nhưng đột nhiên con Út cúi mặt, đứng trơ. Gườm mắt nhìn xoáy vào ông khách. Cả nhà im bặt.

-       Nào, Út, Nguyện. Chị em mình đi nấu cơm nhá. – Con chị phá vỡ sự im lặng. – Nhân thể, chúng cháu mời bác xơi cơm rồi hãy đi. Đường còn xa lắm, chiến tranh, lại mưa, chẳng có hàng quán gì ăn đâu bác ạ.

-       Ôi. Cảm ơn các cháu... Ừ, nhân thể cho bác ăn với.

***

Ông khách ngồi ăn với bọn trẻ. Bữa cơm tuềnh toàng, nhưng cũng là chỉn chu giữa thời chiến. Một đĩa rau rừng, lẫn cả rau sam, rau dền, rau muối. Một đĩa cáy biển rang mặn. Một bát mắm cáy. Con chị lớn khoe, ba chị em tự đi đào cáy ngoài bãi biển về làm mắm. Ông khách ngạc nhiên vì chúng biết làm mắm cáy. Tâm khoe, mẹ dạy em đào cáy về làm mắm. Cô bé còn giảng giải, “cơ mà cáy biển làm mắm không ngon bằng cáy đồng bác ạ”. Nó khoe thêm, “mẹ còn dạy ra bãi biển đào sá sùng để mang ra chợ bán”. Ba chị em kiếm sống bằng nghề đào sá sùng ngoài bãi biển.

Cơm nước xong thì trời tạnh, nhưng đã choạng vạng tối. Ông khách gói lại bọc quần áo, gói bộ đồ ướt trong tấm ni-lông riêng ông vừa rút từ trong bọc. Ông chậm rãi:

-       Thôi nhá. Bác cảm ơn các cháu cho bác trú mưa. Lại còn cho bác ăn một bữa cơm thật là ngon, nhất là cái món mắm cáy. Bây giờ bác phải về Cẩm Phả, không thì muộn quá. Hôm nào có dịp qua đây bác lại ghé thăm các cháu nhá. À mà này, Tâm ơi,  – vừa nói ông khách vừa rút từ trong bọc ra một hộp nhôm đưa cho Tâm,  – Bác có hộp đường biếu các cháu.

Tâm tròn xoe mắt...

-       Ôi. Thưa bác. Chúng cháu không dám nhận đâu.

-       Các cháu cầm lấy. Khi nào ốm thì nấu cháo ăn với đường. Đường tiêu chuẩn địa chất của bác mỗi tháng được mua hẳn một cân[3] đấy. Nhiều lắm. Bác ăn không hết đâu.

-       Cơ mà bác phải mang về nhà chứ. Chị em chúng cháu cũng được mua mỗi tháng mấy lạng.

-       Thôi, các cháu cứ cầm lấy, không thì bác buồn lắm đấy.

Con Tâm ngượng nghịu đỡ hộp đường từ tay ông khách.

-       Ôi. Cháu cảm ơn bác... Bây giờ trời tối lắm rồi. Bác đạp xe chưa đến Hồng Gai là đã tối mịt. Thôi. Hay là bác ở lại đây với chúng cháu. Sớm mai cháu đánh thức bác sớm để bác đạp xe về Cẩm Phả.

Ông khách dựng xe đạp bên vách nhà, ậm ừ:

-       Ờ... ờ... Có lẽ...

-       Thôi. Bác đừng... “có lẽ” gì nữa. Bác chỉ về đến cầu Yên Lập là tối mịt, mà tối rồi lên xuống chỗ dốc ấy là khó lắm... Trời tối sầm lại rồi. Sắp mưa nữa đấy. Chúng cháu vẫn đi chợ nên thuộc đoạn đường ấy mà.

Ông khách đang còn ngần ngừ thì con Tâm lại tiếp.

-       Đây. Bác nằm cái chõng này. Ba chị em cháu nằm chung với nhau ở cái giường to trong buồng.

-       Lát nữa em Nguyện nó mắc màn để bác nghỉ. – Con Tâm vừa nói vừa hất hàm hướng về phía con Nguyện.

-       Trời ơi! Các cháu chu đáo quá. Bác ở lại qua đêm ở đây có gì phiền phức cho các cháu không?

-       Không đâu bác ơi! Sao bác hỏi gì lạ thế?

Ông khách trầm ngâm.

-       ... Cháu nói vậy thì bác ở lại. Bác cảm ơn các cháu nhá.

Ông khách dựng lại xe đạp ngay ngắn sát tấm vách xù xì nhồi nhồi trát trát bằng bùn trộn rơm.

***

Trời tối hẳn. Con Tâm trải chiếu dưới đất giữa nhà để bác cháu trò chuyện. Chiếu trải ngay dưới chân ban thờ xây bằng gạch mộc. Con Nguyện thắp ngọn đèn dầu tù mù đặt trên ban thờ. Đủ chiếu sáng gian nhà, soi rõ cả khung ảnh lồng kính.

Cả ba chị em cùng ngồi quanh bác Ba Lâm. Cô chị cả trong nhà mới mười ba tuổi chững chạc nói chuyện với ông khách như một bà chủ đường hoàng. Tâm kể lể với ông khách. Nhà chỉ có ba chị em. Chị cả Tâm mười ba. Chị hai Nguyện mười một. Còn Út Uyên chưa đầy chín tuổi.

Con Tâm bộc bệch với ông đủ chuyện.

Ba chị em đi biển hàng ngày. Rồi mang hải sản ra chợ bán. Bán xong lấy tiền buôn rau. Buôn đầu chợ, bán cuối chợ. Ba chị em nuôi nhau. Cuộc sống tùng tiệm. Thôn bản cũng có một khoản trợ cấp, đỡ đần chút ít những khó khăn trong cuộc sống, nhưng không đáng gì.

Rồi ông khách hỏi thăm về cha mẹ lũ trẻ. Giọng ông trầm hẳn xuống.

-       Rồi sao hả cháu?

-       Rồi bố dượng cháu bị chết trong trận bom đó. Bố dượng cháu chết đi để lại cho mẹ cháu một em gái, là em Nguyện cháu đấy. Em Nguyện là con riêng của mẹ, không phải con chung với bố cháu. Đây là bố dượng và mẹ cháu. Đây là mẹ em Nguyện cháu. – vừa nói Tâm vừa hướng bàn tay chỉ về phía ban thờ, vào nơi có bức ảnh bố dượng và ảnh hai bà mẹ.

-       Tức là cháu và em Nguyện không phải là chị em ruột hả cháu?

-       Vâng, thưa bác.

-       Thế còn em Út Uyên?

-       Ôi bác ơi. Út Uyên là con của Mẹ Thái. Mẹ Thái đây bác ạ. – Tâm vừa nói vừa chỉ vào bức chân dung người phụ nữ mà ông khách ngắm nhìn từ lúc mới bước vào nhà. – Ba Lâm giật thót người, lặng đi. – Ơ. Bác làm sao vậy? – Con bé nhìn ông khách khựng lại.

-       À không cháu ạ. Chắc mưa lạnh bác rùng mình thôi.

-       Sau khi bố cháu mất, – Con Tâm tiếp tục, – mẹ cháu thương một ông hồi trước là chồng của mẹ Thái. Mẹ Thái về với bố dượng khi mẹ đã sinh em Út Uyên cháu đấy. – Con Tâm chợt nhận ra mắt ông khách đờ đẫn...

-       Vậy thì... người chồng trước của Mẹ Thái, tức là bố đẻ của Út Uyên, là ai hả cháu. – ông khách lúng túng chỉ lên ban thờ.

-       Không ở trên đấy bác ạ. Bố Út Uyên là kĩ sư địa chất. Bố đi nghĩa vụ, bị thương tận trong chiến trường. Người ta đưa bố vào nằm ở một bệnh viện dã chiến. Mẹ Thái đã vào thăm khi bố còn hôn mê bất tỉnh. Sức ép của bom quá mạnh làm bố hôn mê. Sau đó người ta chuyển thương binh đi đâu và mất liên lạc luôn. Rồi đến lượt Mẹ Thái và bố cháu đều bị chết trong một trận bom ngay chỗ cầu Yên Lập. Hôm đó may mà cháu không đi theo nên thoát chết.

Vừa nói, Tâm vừa chỉ vào cái khung ảnh lồng kính, thấp thoáng ánh đèn, hướng ngón tay về phía Mẹ Thái và người đàn ông thứ hai nhập nhòa trong hai tấm ảnh hai người bố của gia đình. Con Uyên nghe chị nói đến đây thì đứng phắt dậy, bỏ vào buồng.

-       Sao không có ảnh bố cháu? Cũng không có cả ảnh của bố em Uyên?

-       Đều không tìm được bác ạ. – Tâm nói giọng buồn. Trĩu xuống, rồi kéo vạt áo thấm nước mắt đang lăn chậm chạp trên khuôn mặt sạm của em.

-       Như vậy là ba chị em cháu đều không cùng chung cả cha lẫn mẹ. Phải thế không hả cháu?

-       Vâng. Đúng vậy bác ạ... Bác nói đúng đấy... Vì thế mà chúng cháu thương nhau lắm. Chẳng còn ai thương mình nữa bác ạ.

-       Ờ... Ờ... Thôi cháu đi ngủ đi. Các cháu có một cảnh ngộ thật đặc biệt, bác chưa gặp bao giờ. Từ nay, thỉnh thoảng cho bác qua thăm các cháu nhá.

Nói rồi ông khách cũng rút khăn thấm nước mắt đang lăn trên gò má ông, không biết nó tràn khỏi khóe mắt tự bao giờ.

***

Rồi đêm đổ xuống. Sâu thẳm.

Ông Ba Lâm trằn trọc không ngủ...

Đã khuya mà ba đứa trẻ vẫn rầm rì trò chuyện. Có tiếng bé Uyên khóc thút thít. Rồi giọng hai con chị dỗ dành. Ông nghe rõ giọng bé Uyên:

-       Bác ấy cứ hỏi đi hỏi mãi bố mẹ em.

-       Thôi. Thôi. Em quên chuyện ấy đi. Bác ấy vô tình thôi. – Giọng con Tâm.

-       Nhưng mà em tủi thân lắm. Các chị còn có bố. Các chị còn được sống với bố. Em thì không. Bố bỏ mẹ con em.

-       Thôi. Mẹ Thái nói vậy, nhưng bố em bị thương hôn mê, biết còn sống hay không. – Giọng con Nguyện.

-       Ờ... mà... Chị ơi. – Giọng Uyên có điệu ngỡ ngàng, nghe như vừa nói vừa bật ngồi dạy. Tiếng nan giường tre lạo xạo.

-       Gì hả em.

-       Em ngờ lắm.

-       Ngờ gì hả em.

-       Bác ấy cứ chăm chăm nhìn vào ảnh mẹ em.

-       Thôi, Ngủ đi. Em nói nhảm rồi.

-       Không. Em không ngủ nữa đâu. Mẹ vẫn bảo bố tên là Lâm. Bác ấy cũng tên là Lâm. Mẹ bảo bố là kĩ sư địa chất ở Cẩm Phả. Bác ấy cũng bảo là làm địa chất ở đấy.

-       À... à... Thiếu gì người trùng tên, cùng địa chất ở Cẩm Phả. Thôi... Em ngủ đi. – Nghe rõ giọng con Nguyện.

-       Đừng buồn nữa em. Nhất định chị em mình sẽ tìm được bố. – Nghe con Tâm vỗ về.

Tiếng rì rầm kéo dài một lúc, rồi im hẳn. Đêm mưa lạnh ngắt.

Tiếp đó là tiếng thở đều đều bình yên của bọn trẻ, vọng từ trong căn buồng tồi tàn trào vào trái tim ông. Ngực ông thắt lại. Nước mắt cứ lăn ra mãi...

Rồi ông cũng thiếp đi.

Buổi sớm tiếng gà gáy làm ông bật dậy... Ông chia tay bọn trẻ.

***

Ông đã qua gần như một đêm thức trắng. Bề bộn các sự kiện ông vừa trải qua trong căn nhà tranh đơn sơ. Ông không cách nào ngủ được.

Thao thức trắng đêm. Một cuốn phim tái hiện. Rạo rực. Trăn trở. Mười năm trước. Thật ngẫu nhiên. Ông đã nhận ra, đúng vạt rừng thông này.

***

Chiều hôm ấy, anh chàng kĩ sư địa chất đạp xe qua đây, trên con đường từ Uông Bí đến Biểu Nghi. Anh chàng bị mưa và dừng chân ở một quán bên đường. Trời mưa như trút nước. Cô chủ quán mặn mà, duyên dáng. Nghe cô nói có chất giọng dễ thương của người dân tộc thiểu số vùng này. Anh chàng cứ ngồi lai rai, đủng đỉnh ăn hết một cái bánh chưng, một cặp bánh dầy giò, ba cái bánh gio chấm mật mía, thêm hai quả trứng luộc, hai quả chuối, ba chiếc kẹo lạc và cốc chè tươi còn ấm nóng. Cô chủ thú vị vì ông khách ăn một trận làm cô tròn xoe mắt. Cô hỏi vui:

-       Anh ăn khỏe như thợ đóng gạch. Anh làm nghề đóng gạch à?

-       Cũng gần như vậy em ơi. – Anh chàng trả lời giọng đùa cợt.

-       Ơ. Mà anh làm gì nhỉ? Em hỏi thật đấy.

-       Anh làm nghề đi rừng em ạ.

-       À.. à.

Anh chàng ậm ừ...

-       Lâm nghiệp hả? – Cô chủ tiếp lời, ra dáng một người hiểu biết. Mấy anh lâm nghiệp hay qua quán nhà em. Cũng ăn khỏe như anh đấy. Chỉ cần ba anh ngồi một lúc là nhà em hết nhẵn hàng.

Thế rồi, mưa xối xả. Mưa không hề ngưng nghỉ cho đến tối sẫm. Anh đành phải lưu lại đó. Đúng là “hạ vũ lưu khách”[4]. Trên đoạn đường rừng heo hút này gặp một nơi dừng chân trong mưa giông thật là tột cùng hạnh phúc. Anh ta được cô chủ cho nằm trên cái chõng tre ngay cạnh bàn bán hàng để qua đêm. Cô giao hẹn, lát nữa hết mưa, cô về nhà, anh ngủ lại và trông quán cho cô. Cô chủ còn bảo, mọi khi buổi tối cô thường dọn hàng và khóa cửa luôn.

Anh cười cười cảm ơn cô bạn tốt bụng:

-       Khi nào em về thì cứ khóa cửa hàng nhá... Lỡ anh ăn trộm hết đồ hàng của em rồi bỏ trốn đi thì sao?

-       Loại dân đi rừng, đóng gạch như anh thì em lại lo chuyện khác cơ. – Nói xong cô chủ nheo mắt cười khúc khích.

-       Em nói sao? Loại người như anh thì em lại lo chuyện gì? – Anh chàng cao giọng ngạc nhiên.

-       À... à... Gặp người như anh, chắc chỉ trong đêm nay ở trong quán là ăn hết hàng của em, không còn gì để mang đi nữa. Sớm mai em đến chỉ việc tính tiền là xong. – Nói xong cả cô chủ và anh khách cùng cười... ha ha.

Nhà dưới thung lũng xa, trời mưa như trút. Cô gái chủ quán không về nhà được. Đợi mãi cũng chẳng ai trong bản ra đón. Đường rừng về bản phải qua một con suối. Cô phân vân, lộ vẻ lúng túng. Dường như hiểu cảnh ngộ cô chủ, anh địa chất trả lại cái chõng cho cô và ngồi ra ghế:

-       Thôi. Bây giờ anh sẽ ngồi trông hàng để em ngủ. Em đừng ngại. cứ ngủ đi. Anh trong đội tự vệ cơ quan, thức đêm canh gác quen rồi.

Rồi anh chàng hạ giọng tình cảm:

-       Chúc em ngủ ngon nhá.

Cô chủ đứng tần ngần.

-       Bây giờ chiến tranh, ban đêm vẫn có khách qua lại. Có khi cả đoàn xe tải. Anh ngủ đi. Em ngồi trông hàng luôn. Mọi người ở đây vẫn thường bán hàng ban đêm mà.

Thế rồi cô chủ ép anh chàng đi ngủ, Cô kéo tấm màn gió bằng vải hoa đủ che chõng và thắp đèn ngồi bán hàng. Cô chủ nhắc lại:

-       Có Chúa chứng giám. Anh ngủ đi. Cầu Chúa ban phước lành cho anh. – Nói dứt, cô làm dấu Thánh, – Lạy Chúa con lòng lành cô cùng. Amen.

Đêm khuya dần. Đêm xuống rất sâu. Cả một vạt rừng núi cô tịch. Đêm càng về sâu càng thêm cô tịch. Cô chủ vặn nhỏ đèn. Cứ ngồi mãi đấy.

Anh chàng địa chất áy náy. Bật dậy trả chõng nài nỉ cô chủ đi ngủ. Anh kéo hai cái ghế dài kê sát bàn bán hàng và nằm luôn xuống để cô chủ yên tâm. Lại chúc cô chủ ngủ ngon. Cô chủ ngần ngừ rồi ra kéo tấm liếp chắn kín cửa hàng. Rồi vặn nhỏ đèn hơn chút nữa và chui vào màn đi ngủ.

-       Thôi. Anh yên tâm chợp mắt đi một lát. Cũng nhanh sáng thôi mà. Mùa hè tầm năm giờ là sáng rồi. Em sẽ đánh thức anh. – Cô chủ cắt đặt để anh khỏi phấp phỏng khi ngủ. – À mà sớm mai anh đi đâu vậy?

-       Anh đi Cẩm Phả.

-       Ôi. Thế thì anh còn phải đạp xe xa đấy. Thôi, anh ngủ đi. – À mà anh tên là gì nhỉ?

-       Anh tên là Lâm. Anh là con thứ ba, nên ở nhà gọi là Ba Lâm. Gọi thằng Ba cũng được. – Anh chàng đổi giọng đùa cợt. – Còn tên em thế nào nhỉ?

-       Em tên là Thái. Mọi người trong bản gọi em là A Thái.

-       Thôi. Chúc A Thái ngủ ngon.

***

Như một cuốn phim quay ngược dòng thời gian. Hiện rõ từng cảnh một. Sáng rõ. Đằm thắm. Êm đềm. Quá bất ngờ... một cuộc hạnh ngộ tại nơi đây.

Ảnh chân dung Mẹ Thái mỉm cười trên ban thờ.

Út Uyên bực dọc khi ông khách nhắc lại mãi câu hỏi về bố mẹ của bé.

Rồi con bé trố mắt lúc ông xưng tên là Ba Lâm.

Cuối cùng cuốn phim dừng lại với những tiếng rì rầm của ba đứa trẻ trong đêm... Các chị còn có bố. Các chị còn được sống với bố. Còn em thì không... Bố bỏ mẹ con em. Và cuối cùng là những lời từ tâm can con Út Uyên ao ước tìm được bố. Thôi, chị em mình sẽ tìm được bố. Giọng hai con chị vỗ về.

***

Rồi ông lại một mình lặng lẽ trở về cái đêm mưa giông.

Càng về đêm càng mưa xối xả. Anh chàng bắt đầu thấm lạnh. Ho thúng thắng. Rồi ho sù sụ. Khục khục liên hồi.

Cô chủ ngồi dậy bên lề chõng tự lúc nào. Tiếng nài nỉ bên tai anh:

-       Anh ho lắm rồi. Anh chết mất. Em mang tội với Chúa. Thôi. Anh nằm sang bên chõng có chăn. Đổi cho em nằm ở ghế.

-       Thôi. Thôi. Anh đi rừng quen rồi. Ho vớ vẩn chút thôi. Em cứ mặc anh.

-       Em van anh. Anh nằm sang chõng. Em nằm đây. Có cái áo đi lễ của mẹ em. Em đắp cái áo ấm chán.

Nói rồi, cô chủ cười hích hích. Cô đến bên ghế làm từng động tác dứt khoát, xốc nách dìu anh lên chõng. Anh đành nghe theo như một bệnh nhân trước mệnh lệnh của y tá. Cô đắp chăn cho anh, rồi ngả lưng trên ghế, đắp trên mình chiếc áo dài trắng mẹ vẫn mặc mỗi sớm chủ nhật đi lễ nhà thờ.

Đêm càng về khuya càng lạnh. Cô chủ bắt đầu ho. Ho dồn dập. Cô nghĩ ngợi gì đó một lát rồi ngả lưng nằm bên cạnh anh khách, quay lưng về phía anh. Rồi kéo chăn đắp chung với anh.

Anh chàng trở mình nằm quay lưng áp phía lưng cô chủ. Cả hai yên lặng. Như một lời nguyền, từ người này nhắn gửi người kia, rằng mình đang ngủ.

Nhưng cả hai người đều trằn trọc. Không ai ngủ được.

Họ cùng thao thức.

Rồi như mỏi quá. Cô chủ trở mình. Lại trở mình để vẫn nằm áp lưng vào lưng anh khách. Lại trở mình. Trở mình nữa. Và cuối cùng, đành nằm áp lưng xuống chõng.

-       Anh Lâm về Cẩm Phả làm gì đấy? Lâm nghiệp ở đó à? – Đột nhiên cô chủ lên tiếng.

-       Ôi. Em vẫn còn thức đấy à? Anh về một đoàn địa chất em ạ. – vừa nói anh vừa trở mình, cũng nằm áp lưng trên chõng, sóng đôi với cô chủ.

Đột nhiên Thái nắm tay anh. Anh cảm giác rất rõ. Bàn tay vẫn còn lạnh. Anh trở mình, lại trở mình, rồi nằm quay nghiêng, mặt áp sát vào mái tóc cô chủ... mái tóc còn ẩm nước mưa, tỏa mùi thơm bồ kếp chắc vừa mới gội lúc chiều. Cảm giác rạo rực dội lên trong tim anh. Mùi thơm của rừng thông sau cơn mưa mùa hè dìu dịu, quyến rũ... Anh cũng nắm chặt tay Thái.

Rồi anh vòng tay ôm siết cô chủ qua cơn mưa giữa rừng thông đêm ấy.

***

Câu chuyện qua mười năm rồi. Út Uyên chín tuổi. Đúng. Đó là giọt máu của anh. Không lẫn đi đâu được. Nhưng tại sao tên con bé lại là Út Uyên? Không phải tên Nhi như anh và Thái đã đặt cho con bé?

Sau khi sinh bé Nhi, anh và Thái đã quyết định đăng kí kí kết hôn và chuyển mẹ con Nhi về đoàn địa chất. Trong chiến tranh việc này cũng đơn giản. Hai người chưa kịp thực hiện thì anh được lệnh gọi nhập ngũ... Và câu chuyện đã diễn ra như anh vừa nghe bọn trẻ kể lại. Nhưng còn đoạn tiếp sau thì chúng không biết.

Lúc anh hồi tỉnh thì người hộ lý báo tin có một cô gái tên là Thái đến thăm anh. Thái để lại cho anh gói quà, trong gói có cái bánh chưng, mấy cái bánh gio và gói kẹo lạc. Anh ăn lai rai và nhớ lại cái đêm mưa trong rừng thông hôm ấy. Mọi thứ hiện lại sáng rõ như nó vừa mới diễn ra. Bàn tay Thái chưa hết lạnh, và mái tóc ẩm thơm mùi bồ kếp.

Vài ngày sau, anh cùng một tốp thương binh được chuyển khỏi bệnh viện dã chiến, nhưng bị bom dọc đường tan tác. Khi anh tỉnh lại, thì nhận ra mình đang nằm trong nhà dân giữa một cánh rừng. Gia đình chăm sóc, chữa chạy cho anh. Sức khỏe anh dần hồi phục. Nhưng anh không cách nào hỏi được đường về đơn vị... Dân bản sống tách biệt như một bộ lạc nguyên thủy. Anh đành yên vị sống giữa khu rừng heo hút, tới gần ba năm sau mới tìm được đường về vạt rừng thông năm xưa. Hỏi thăm thì được tin A Thái đã đã qua đời trong một trận bom nào đó, còn hỏi con gái là Nhi thì không ai hay biết. Anh buồn bã tìm về đoàn địa chất với một lí lịch tối xám, không rõ là thương binh thất lạc hay lính đào ngũ. Không được đối xử như thương binh, cũng chẳng được như quân nhân xuất ngũ. Còn đoạn lí lịch tù mù thì chẳng tìm đâu ra người xác nhận cho anh. Nhưng rồi anh em trong đoàn địa chất cưu mang anh cho đến bây giờ.

***

Sáng sớm cô bé Tâm đánh thức ông khách. Ông ăn bát cháo ngao với bọn trẻ. Ngao chúng bắt ngoài biển. Rồi ông nói lời chia tay với mấy chị em. Ông cũng không quên thắp nén nhang để vái những bậc cha mẹ của lũ trẻ. Ông dừng lại rất lâu trước bức chân dung đang mỉm cười của Thái.

Rồi ông lẳng lặng dắt xe đạp ra ngoài.

Mưa đã tạnh hẳn lúc trời gần sáng.

Rừng thông cuối mùa hè gió dịu lao xao.

Ông trải mắt xuống vệt đường quanh co dưới chân đồi thông. Xa xa có những quán hàng và những hố bom dưới thung lũng. Trong những quán rải rác dọc đường, ông cố để nhận ra, quán nào là của A Thái. Nhưng thời gian đã xóa mọi dấu tích. Ông đành chịu.

Lát nữa ông sẽ qua dốc cầu Yên Lập. Ông sẽ cố tìm để xem có nhận ra nơi nào còn lưu lại hơi ấm từ những giọt máu lưu đọng của người con gái thân thiết đã ra đi mãi mãi. Ông chớp chớp mắt, thở dài, mặc những giọt nước mắt nóng ấm lăn dài trên má. Ông vẫy bọn trẻ. Bon trẻ cũng vẫy ông. Ông nhìn lại, thấy rõ hai con chị vồn vã:

-       Chúng cháu chào bác Ba. Ơ hay, sao Bác Ba lại khóc.

Ông nghe rõ tiếng một cô bé, và nhận ra không có Út Uyên đứng đó. Có lẽ bé còn giận ông về những câu hỏi vô tâm, ngờ nghệch chiều qua, những câu hỏi đang còn xoáy sâu vào chỗ đau của bé... Rồi giọng bé thầm thì trong đêm... “Các chị còn có bố”... “Các chị còn được sống với bố”... “Em thì không”.

Bé không muốn nhìn mặt ông.

Tim ông thắt lại.

-       Thôi. Bác Ba chào các cháu. – Ông ngập ngừng.

-       Vâng. Khi nào bác Ba đi công tác qua, bác nhớ vào nhà chúng cháu.

Ông dắt xe một đoạn, ngoái lại vẫy vẫy chia tay với bọn trẻ lần nữa, rồi ông chậm chạp ghếch chân để ngồi lên yên xe. Chân kia ông đẩy nhẹ. Xe từ từ lăn theo sườn đồi xuống chân dốc.

Ông lặng lẽ đạp xe về phía ngã ba Biểu Nghi.

Ông nhấn từng nhịp chân xuống bàn đạp xe rất chậm.

Ông thắt tim nhìn Út Uyên hờn giận với người cha đã bỏ hai mẹ con của bé. Bé trách móc ông khách vô tâm, mà bé ngờ là bố Lâm của bé. Chính ông đã xoáy sâu thêm những nỗi đau trong con tim của bé...

Ông sẽ đón Út Uyên về nhà ở đoàn địa chất. Ông sẽ dành tình cảm của người cha cho bé. Ông sẽ bù đắp lại những gì bé đã mất mát trong chuỗi năm tháng không có người cha... Vậy còn hai con chị? Chắc chúng nó lớn hơn, hiểu việc Út Uyên về với bố... Nhưng rồi ông cứ vừa đạp xe vừa suy ngẫm... Ông chợt tỉnh ra... Như thế là bất nghĩa. Ba chị em chúng đã đến với nhau vì cuộc chiến. Cuộc chiến đã phá tan nát biết bao gia đình, nhưng chính cuộc chiến đã gắn chúng lại. Bây giờ ông bỗng dưng xuất hiện, xé nát tình thương giữa chúng.

Không thể được. Ông không được phép làm chuyện vô nhân ấy. Ông sẽ xin thôi việc ở đoàn địa chất. Ông về đây ở với bọn trẻ. Ông sẽ tìm một công việc gì đó quanh đây để kiếm sống và nuôi ba đứa trẻ ăn học.

Rồi ông phân vân.

Biết làm gì để kiếm sống khi bỏ đoàn địa chất về đây?

Không. Có lẽ ông sẽ mang cả ba đứa trẻ về đoàn địa chất. Ông vẫn phải cho chúng đi biển kiếm sống. Những đồng lương nhỏ nhoi của ông làm sao đủ nuôi chúng được. Nhưng ông phải cho chúng đi học. Trường tiểu học ngay gần đoàn địa chất của ông.

Vợ ông trước là giáo viên trường tiểu học. Bà chết vì một căn bệnh quái ác nào đấy mà các bác sĩ đều lắc đầu bất lực. Đưa lên bệnh viện Hà Nội thì người ta chuyển hết khoa nọ sang khoa kia. Cũng bất lực luôn. Bà chết đi để lại cho ông đứa con trai năm nay đang học lớp vỡ lòng.

Đón thêm ba đứa trẻ, gia đình của ông sẽ có bốn đứa con. Một gia đình ấm cúng. Nhưng năm miệng ăn. Lương kĩ sư địa chất bậc hai. Cộng cả các khoản phụ cấp là được hơn một trăm đồng. Chật vật lắm. Thử thách đặt trước mắt ông... Ờ...ờ... Con chị tháo vát đảm đang. Bốn đứa trẻ rủ nhau đi biển cũng bù đắp được những khó khăn của cuộc sống thường ngày.

Ông nghĩ miên man...

Chợt ông nhận ra đã đứng sững trước dốc cầu Yên Lập. Vừa lúc bắt gặp mấy bác thợ già ngồi nghỉ uống trà trong quán. Ông cũng dựng xe ngồi vào quán. Ông hỏi thăm các bác về những trận bom ngày ấy. Họ nhớ rất rõ từng nơi máy bay ném bom. Họ tính từng trận. Trận nào cũng ác liệt.

Ông hỏi về mộ của những người đã chết. Mấy bác già nhớ lại mơ hồ. Họ nói, những thân hình còn nhận dạng được đều có người nhà thu gom để đưa về quê quán. Mấy cái mộ còn sót là không tìm được gia đình của họ. Có một trận ác liệt nhất, trận mưa bom dồn dập tàn bạo. Một vạt rừng thông bốc cháy. Không còn ai nguyên vẹn.

Sau khi tốp máy bay trở ra biển. Những trận mưa dồn xuống dập tắt lửa rừng. Khu rừng thông trở lại yên tĩnh. Người dân gom những mảnh vụn của nạn nhân thành đống và chôn chung dưới chân một con đồi nào đó. Mấy bác già vừa nói vừa hua hua tay chỉ theo những hướng dường như là bất định. Rồi ông già chép miệng... Chẳng biết bây giờ có còn được nắm xương tàn nào không.

Ba Lâm ngước theo hướng tay đang đảo vòng vèo trong không gian của mấy ông già... Một ý nghĩ lướt nhanh... Các cụ ơi... rất có thể bây giờ nơi ấy đã là những cánh rừng thông xum xuê tỏa bóng mát sau cơn mưa giông.

Ngồi nán thêm một lúc, Ba Lâm nói lời cáo biệt với mấy ông già, và lại rong ruổi trên những đoạn đường nham nhở hố bom. Ông thủng thẳng đạp xe trên con đường chạy dài về phía đông, nơi mặt trời đang ló rạng dưới khe núi. Phía ấy là Cẩm Phả. Ông lẳng lặng bỏ lại phía sau những cánh rừng thông xào xạc và những đêm mưa định mệnh trong đời.

***

Một tuần sau Ba Lâm trở lại khu rừng thông. Ông đến đúng lúc ba chị em đang nấu cơm. Út Uyên vội lỉnh ra ngoài, phía mấy luống rau. Con Tâm vồn vã:

-       Ôi. Chào Bác Ba. Bác Ba ở đây ăn cơm với chúng cháu, – hướng mặt về phía con Nguyện, – Nguyện vo thêm cho chị nắm gạo, rửa thêm vài củ khoai để chị cho vào nồi luôn thể, – lại hướng về phía ông khách, – Hôm nay Bác ăn cơm khoai với chúng cháu nhá.

Ông khách cười:

-       Ở đoàn địa chất dạo này cũng phải mua khoai kèm tiêu chuẩn lương thực[5] cháu ạ. Chỗ bác cũng ăn khoai. Kì này nhà ai cũng ăn khoai.

Ông gỡ cái bọc lá chuối sau xe đạp trao cho Tâm:

-       Bác qua chợ Biểu Nghi mua được con vịt quay, vẫn còn nóng đấy. Chị Tâm chặt ăn luôn thể nhá.

Con Tâm đỡ gói lá:

-       Cháu xin bác. Ối. Bác mua cả con vịt cơ à? – Con bé lưỡng lự. – Cháu chặt nửa con ăn bây giờ nhá. Bốn người chắc ăn hết nửa con thôi bác ạ.

-       Ờ... ờ... Tùy cháu.

Ba Lâm nhìn con Nguyện chặt nửa con vịt quay cho vào đĩa; còn nửa con chặt nhỏ cho vào nồi. Con chị cắt đặt kho nửa con vịt ba chị em ăn dần cũng được vài ngày. Ông nghe mà thấy xót xa.

Ông hướng về phía Út Uyên đang tưới rau cạnh bếp. Con bé vẫn gườm gườm nhìn ông.

-       Mấy hôm nay em Út có đi biển với các chị không.

-       Cháu có. – Bé quay mặt trả lời ông, rồi lại quay phắt về phía bìa rừng, dường như không còn chuyện gì để nói với ông nữa.

Ông đã đoán biết mọi sự. Con bé vẫn không quên lần gặp đầu tiên, và hình như cũng chưa nguôi cơn ấm ức về những điều chất chứa trong lòng.

Bữa ăn các bé đã dọn xong. Vẫn một đĩa rau luộc với bát mắm cáy. Hôm nay không phải đĩa cáy rang, mà là đĩa lươn biển kho mặn, thêm đĩa thịt vịt.

Không đứa nào đụng đũa vào đĩa thịt vịt. Ông phải gắp cho từng đứa. Đến Út Uyên thì con bé bê bát quay lưng lại, làm rơi miếng thịt vịt ra chiếu. Con Tâm phải gắp lại vào bát cho bé:

-       Út phải ăn đi chứ. Em không ăn là cả nhà mất vui đấy.

Ông khách liếc nhìn, thấy con Út vừa ăn vừa rơm rớm nước mắt.

Rồi ông đủng đỉnh.

-       Các cháu ạ. Chưa biết bao giờ mới hết chiến tranh.

Bọn trẻ khựng lại. Sáu con mắt xoáy vào ông. Chờ đợi. Ông tiếp:

-       Không có chiến tranh thì mỗi cháu đều được sống trong một gia đình ấm cúng. Từng cháu một với bố mẹ ruột thịt của mình.

Sáu con mắt trĩu xuống, cùng chớp chớp.

-       Nhưng mà thôi. Cũng vì chiến tranh mà bác mới được gặp các cháu, như trong một gia đình. Các cháu giỏi lắm. Ba chị em mà thành một gia đình ngăn nắp. Chị Tâm cùng với các em... Ờ... ờ, mà các cháu ăn đi chứ. Thôi. Ăn đi, ăn đi... Nào... – Ông gắp thịt vịt cho từng đứa. Lần này thì con Út Uyên chìa bát đón đũa của ông. Ông cười tươi... – Út ngoan lắm.

Rồi ông hất hàm về phía Nguyện:

-       Mấy hôm nay ba chị em có đi biển không?

-       Dạ có ạ. – Con Nguyện cười

-       Kiếm có khá không?

-       Dạ, thưa bác, cũng đong được cả yến[6] gạo ạ. – Vừa nói con Nguyện vừa chỉ tay về phía chõng, – Kia ạ. Bao gạo vừa mang ở chợ về vẫn còn để nguyên trên chõng, chưa kịp cất bác ạ.

-       Ôi. Giỏi thế! Bao gạo to thế kia thì ai mang?

-       Chị Tâm đấy ạ. Bao giờ chị cũng nhận phần nặng về mình.

-       Ờ...ờ... Các cháu có chị Tâm chẳng khác gì người mẹ trong nhà.

Thế là bọn trẻ rào rào khoe đủ chuyện, cả chuyện ngã ướt đầm đìa hôm đi bắt cá ngoài suối.

Ông khách lặng đi, nhớ lại đêm mưa. Thái lo nước suối dâng lên không về bản... Và ghé nằm quay lưng, kéo chăn cùng đắp với anh chàng địa chất.

Xong bữa, bọn trẻ dọn bát ra giếng. Ông bảo:

-       Thôi, các cháu khoan rửa bát. Ngồi cả đây... – Bọn trẻ ngồi quây quần quanh ông. Út Uyên ngồi giữa ông và con Nguyện. – À quên. Ông vừa nói vừa lôi ra một cái túi bằng giấy xi-măng. – Gặp hàng táo, thế là bác bảo chị ấy cân cho một túi. Này, Nguyện rửa táo mấy chị em ăn.

Con Nguyện lấy cái rá, rồi dốc ngược túi táo:

-       Ui. Bác mua nhiều thế.

Út Uyên kéo rá táo từ tay con chị:

-       Chị đưa em đi rửa cho. – Nói rồi Út lăng xăng chạy ra chỗ giếng nước.

Đợi Út vào, ông kể chuyện tốp thương binh của ông bị bom sau khi đi khỏi bệnh viện dã chiến. Sau trận bom, ông được một gia đình trong rừng chăm sóc. Khi khỏe, ông đã về đây tìm mẹ Thái. Cả bọn trẻ chăm chăm nhìn ông... Những người bán hàng quanh đây nói mẹ Thái đã mất. Ông hỏi đứa con gái tên là Nhi thì không ai hay biết...

-       Thế thì đúng rồi bác ơi. Cháu nghe mấy bà bán hàng nói có người tìm mẹ Thái và một đứa trẻ tên là Nhi... – Con Nguyện ngắt lời ông khách.

-       Thôi chết rồi, em Nhi chính là Út Uyên. – Con Tâm ngắt lời con Nguyện.

-       Ơ mà... Sao tên em lại là Uyên nhỉ? – Út Uyên ngắt lời chị Tâm.

-       Trời ơi, khổ lắm. Khi Mẹ Thái lấy bố chị, thì bố đi làm giấy khai sinh để em đi học. Lúc ấy người đông, chốc chốc lại chạy máy bay, lẫn lộn giấy tờ và mấy cô viết nhầm theo giấy tờ của người khác, là Uyên. Rồi lấy chữ kí, đóng dấu và trao cho bố. Bất thình lình máy bay ập đến, mọi người chạy tan tác, bố cầm khai sinh tên Uyên của em, định tìm cái chị viết nhầm. Nhưng thật buồn, chị ấy bị thương phải đưa đi cấp cứu. Thế là tên em thành Uyên. Không chờ chị ấy ra viện để sửa, vì đã đến ngày khai giảng. Khi em đến trường thì mọi người gọi là Uyên, về nhà mới gọi là Nhi, nhưng đến khi cả bố lẫn mẹ đều mất thì tên Nhi cũng mất theo và tên em chỉ còn là Uyên từ đấy.

-       Ôi. Vậy ra Út Uyên chính là Nhi hả con?

Út Uyên tròn mắt lẳng lặng nhìn ông. Không nói một lời. Hai giòng nước mắt tự dưng trào ra, lăn nhanh trên má. Tất cả chững lại, nhìn vào vẻ mặt ngây ngây sững sờ của ông khách, rồi nhìn Út Uyên.

Mọi người chết lặng. Nhìn nhau.

-       Thôi. – Ông phá tan sự yên lặng, – Bây giờ rõ rồi. Út Uyên là con gái của bố. – Ông ngồi xích sát gần, một bàn tay ôm mái tóc con bé. – Khổ. Chiến tranh. Bố đã bỏ hai mẹ con từ bấy đến giờ.

Con bé gỡ tay ông nhè nhẹ. Lặng nhìn ông giây lát. Rồi chạy vuột ra vườn, ngồi gục mặt vào vòng tay sụt sịt. Ông cũng đứng dậy, chạy theo Út ra vườn. Ông ngồi sụp xuống cạnh con bé. Tay vuốt tóc bé:

-       Thôi, vào nhà với các chị. Con.

Con bé từ từ đứng dậy, đột nhiên nó ôm chầm ông, gục mặt vào ngực ông khóc tức tưởi.

-       Ô hay. Con gái. Hôm nay là ngày rất vui chứ. Sao con lại khóc. – Ông vừa nói vừa vuốt tóc con bé, nhưng rồi mắt ông cũng đẫm ướt.

Ông dìu con bé vào nhà. Con Tâm đón ở ngay lối vào nhà, kéo cái khăn trên dây thép lau nước mắt cho em.

Ông dắt tay hai đứa trẻ vào nhà, ngồi xuống chiếu.

-       Thế này. – Con Tâm lên tiếng, – Vậy là gặp được bố Uyên rồi.

Ông Ba đỡ lời con bé.

-       Hôm nào cả nhà mình ăn mừng nhé!

-       Ui. Liên hoan cả nhà. – Con Nguyện vỗ tay.

-       Xong rồi Uyên về với bố. – Vẫn giọng con Nguyện xí xớn. – Nhưng mà chị em mình phải xa nhau à. – Con Nguyện đột nhiên trợn mắt hỏi trống không.

Con Uyên lừ mắt nhìn con Nguyện. Im lặng giây lát, rồi cao giọng:

-       Không không. – Con Uyên hấp tấp cãi lại. – Em ở lại đây với các chị. Em không đi đâu cả. Em không đi đâu sất.

-       Không được. Không được. – Con Nguyện phản đối. – Em gặp được bố. Em phải về với bố.

-       Em không đi đâu cả. Không đi đâu hết. – Út Uyên dứt khoát. – Các chị đừng bỏ em. Các chị không được bỏ em. – Út Uyên vừa nói vừa đập cả hai tay xuống chiếu.

-       Thôi nhá. Hay là thế này. – Cả bọn trẻ ngơ ngác. Ông khách rành rẽ từng lời, – Hay là bác sẽ về đây ở với cả ba chị em. Bây giờ cả ba đứa là con gái của bố.

Thế là bọn trẻ lại nhao nhao... Nghe tiếng con Tâm:

-       Ối giời ơi. Bác làm thế thì mọi người ở nhà lại ghét chúng cháu à? Không được đâu... Không được bác ơi...

Ông cười dàn hòa:

-       Thôi. Thôi. Không tranh cãi nữa. Ba chị em cứ bàn hết nhẽ đi. – Ông cười cười, rồi tiếp. – Tuần sau bác sẽ về đây, cùng các cháu quyết định.

-       Nào con gái Nhi. – Ông vừa nói vừa chìa tay về phía Út Uyên. Con bé ngập ngừng, rồi cũng chìa tay đón tay ông. Út nhìn ông có chút e thẹn. Rồi nắm chặt tay ông. Ông quàng tay ôm vai con bé. Siết chặt. Nhưng rồi con bé gượng gỡ tay ông và ngả người về phía con Nguyện.

Ông cười, mặt tươi hẳn lên, rồi ông đứng dậy.

-       Thôi bác đi nhá. Mấy hôm nữa bác quay lại.

Ba đứa trẻ cùng đứng dậy bước ra cửa chia tay ông. Ông bỗng quay lại phía ba đứa trẻ, dang rộng hai tay ôm trọn ba đứa vào lòng. Ông ôm siết chúng:

-       Thôi nào. Chào các con gái của bố. Các con ngoan lắm. Tuần sau bố sẽ quay lại.

Ba đứa trẻ cười rạng rỡ, cùng dang tay ôm ông. Con Út chen đứng giữa,  ôm siết, áp má vào ngực ông. Bé đứng lặng, để hai giòng nước mắt lã chã thấm ngực áo của ông.

Con Tâm buông khỏi ông, nhíu mũi cười:

-       Thôi nào, các em, để bố đi. Tuần sau nhớ về bố nhá.

Bầu trời rừng thông cuối hè chuyển sang thu trong xanh. Tiếng thông reo lao xao, nương nhẹ, làm lắng lại những nỗi đau của cuộc chiến.

 

Trở lại Yên Lập, 2015

 



[1] Cách nói dân gian, nghĩa là “kilomet”

[2] Cách nói dân gian, nghĩa là “giờ”

[3] Cách nói dân gian, nghĩa là “kilôgram”

[4] Trời mưa giữ chân khách ở lại.

[5] Thời đó, nhà nước bán lương thực, thực phẩm theo tem phiếu cho toàn dân.

[6] Cách nói dân gian, “yến” là mười kilogram.

 

Phạm Hoài Vũ
Số lần đọc: 2139
Ngày đăng: 13.03.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đà Lạt - Nguyễn Thị Hương Thảo
Như người bạn cũ - Đinh Lê Na
Thư viết cho mẹ. - Elena Pucillo Truong
Những người bạn gặp trên đường - Nguyễn Hồng Nhung
Nồi Bánh Tét - Nguyễn Đức Tùng
Kho tàng của sự im lặng - Elena Pucillo Truong
Tin nhắn sau giao thừa - Phan Trang Hy
Câu chuyện đêm ba mươi - Bùi Thanh Xuân
Nụ cười phúc hậu giữa thu vàng - Elena Pucillo Truong
Ý niệm về Mùa Xuân Di Lặc - Mặc Phương Tử
Cùng một tác giả
Mưa rừng thông (truyện ngắn)