Phan Chính vừa mới cho ra mắt tập thơ “bảng lảng gió giêng” - NXB Hội Nhà văn - với 50 bài thơ bảng lảng. Thật vậy, câu thơ mờ nhòe bởi mây, bởi gió, bởi mưa nắng cuộc đời nhưng ý thơ thì rất rõ, nó hiển hiện ngay sau những câu chữ anh cố tình phớt qua.
Tập thơ in khổ vuông mỗi bề 18,5 cm theo kiểu những tập nhạc kèm đĩa CD. Tranh bìa đơn giản nhưng cũng tạo được nét “bảng lảng” như tên của tập thơ. “Gió giêng” có thể hiểu là gió tháng giêng chăng. Sau Tết là Giêng, mọi người vẫn cứ hẹn nhau ra giêng đấy thôi. Tết là mùa xum vầy nên ra giêng luôn là khoảng thời gian hụt hẩng, trống vắng nỗi niềm. Ra giêng, cái nắng bắt đầu rưng rưng khắc khoải, chạp đã về thì giêng phải chia xa, có gì đâu mà bận lòng, ấy thế mà cái cảm giác của “gió giêng” rất lạ, có một chút gì như ám ảnh mỗi khi nhắc đến từ “giêng”. Không biết phải vậy hông mà Phan Chính lại có “gió giêng” cho riêng mình.
BẢNG LẢNG GIÓ GIÊNG - Tập thơ không chút cầu kỳ từ khâu trình bày cho đến nội dung. Ngay sau trang bìa lót là đi vào nội dung tập thơ luôn mà không cần lời tựa hay lời giới thiệu mà ta thường gặp ở mỗi xuất bản phẩm. Có vẻ như tự tin khi anh hiểu rằng thơ sẽ nói hộ anh những điều cần nói mà không nhất thiết phải có những dòng phi lộ.
Mở tập thơ, phần gấp của trang bìa có mấy dòng rất ngắn kèm ảnh chân dung cho ta biết tập thơ đầu tay xuất bản năm 1993, tập kế tiếp năm 1997 và sau đó là tập thứ ba xuất bản năm 2006, bây giờ là tập thơ thứ tư - 2016. Mười năm, một khoảng thời gian khá dài để tích lũy cho một tập thơ với số chẳn: 50 bài!
Phan Chính tâm sự (trên blog cá nhân) “Còn một ngày trên đời, cuộc sống vẫn phải tiếp tục cùng với những nỗi niềm không ai có thể trốn chạy. Và không thể thiếu sự sẻ chia!”. Vâng, thơ là sự sẻ chia cho dù đó là lời tự sự thì cũng là một cách để sẻ chia, tôi nhận được tập thơ anh tặng mà cũng lơ mơ “nghĩ mình bảng lảng cùng mây”, bảng lảng cùng anh với những chiều thu Đà Lạt. “Vẫn phố nghiêng nghiêng quán vắng/ nghĩ mình bảng lảng cùng mây/ phía núi xa mưa lành lạnh/ thì thôi giọt đắng cũng say” (thu Đà Lạt). Anh đã quá tuổi để mà mơ mộng, nhưng với tâm hồn thi sĩ tuổi tác lại chẳng can dự được vào. Mê mãi phiêu du trên “cánh đồng mây” để nói chuyện cuộc đời và lại phiêu bạt đời mình để nói chuyện của mây. Trải dài suốt tập thơ là hình ảnh của mây với những ý nghĩ phiêu bồng có lẽ anh nhặt được qua những cuộc lãng du...
Nếu chưa gặp tác giả, chưa từng quen biết Phan Chính thì tôi đoan chắc bạn đọc vẫn nhận ra đây là tập thơ của người có tuổi, đã trải qua thăng trầm cuộc sống để giờ đây ngẫm nghĩ sự đời. Bảng lảng gió giêng, ngập ngừng nỗi nhớ, bồng bềnh cùng biển, bảng lảng cùng mây và đợi bấc/ có mây trời bảng lảng thuở hư không… Cuộc đời này có gì chắc chắn đâu, bảng lảng phiêu bồng chút vậy mà. Những câu thơ gan ruột như chắt ra từ vị mặn cuộc đời để mà tha thiết với đời: “dẫu bãi bờ phơi một đời mưa nắng/ anh còn nghe biển vẫn hát thì thầm” (đợi bấc).
Cầm tập thơ trên tay tôi đọc liền một mạch (không biết đây có phải là cách đọc thơ không nhỉ) và giật mình bởi hình ảnh “mây” bay vào thơ nhiều quá (hơn một nửa tập thơ đều có mây trong mỗi bài). Đọc thơ thường phải đọc chậm, đọc và ngẫm ngợi, nhưng ở đây những câu thơ đã cuốn hút lấy tôi. Không hẳn là sự hấp dẫn, tôi đọc anh còn với một niềm hứng thú khác ấy là “sự tò mò” xem ông biên khảo, ông nhà báo này làm thơ ra sao bởi tôi biết anh qua những tập sách biên khảo về Bình Thuận, về Lagi hơn là thơ. Tuy vậy tập thơ cũng đã ngẫm ngợi cùng tôi, tôi hình dung về anh và nhận ra thật rõ “thơ với người là một”.
Thơ Phan Chính đong đầy tình cảm chân thành, vịn vào mây để phiêu du cùng gió, nhưng quê hương vẫn là tất cả, là nguồn cội. Mở đầu tập thơ là bài Bóng quê, tôi không nghĩ đây là sự lựa chọn ngẫu nhiên của tác giả, bởi bài thơ đầu trong một tập thơ không có lời tựa hay lời NXB thì ắt hẳn nó cũng mang một thông điệp tương tự vậy. Và ta hãy lắng nghe: “Dường như có ngọn gió khuya/ Chuốc say hồn phố ngác ngơ mắt đèn/ Mùa này mây cũng lênh đênh/ Bỏ hoang xóm núi giữa mênh mông chiều”. Có một chút gì đó mơ hồ, bảng lảng, phiêu bồng khó cắt nghĩa. Xuyên suốt tập thơ là nỗi lòng tác giả, thổn thức, ưu tư về cuộc đời.
Dùng hình ảnh “mây” như một lối ẩn dụ trong thơ thật sự không có gì mới nếu không muốn nói là sáo mòn, nhưng ở đây tác giả đã như quyện vào mây để nói thân phận mình, để truyền cảm xúc nên bao giờ cũng tươi mới. Anh đã lao động cật lực đúng như người phu chữ trên “cánh đồng mây” ấy để đem lại cho ta những cảm giác mới như “mây lịm giấc”, “mây bời bời”; “mây chìm núi xa”, rồi “mây nương gió về nẻo lạ”, “mây đắm đuối đợi chờ” hay “mây cũng vừa bỏ núi”…
Có đó rồi mất đó, có còn gì không khi: “anh ngồi đó bồng bềnh cùng biển/ có mây trời bảng lảng thuở hư không” (đợi bấc). Ngàn năm sau vẫn “mãi miết nhớ bời bời mây phiêu lãng” và “còn lại gì ta hỡi/ vẫn chiều mây bời bời”. Còn nữa, nhiều và rất nhiều nếu không muốn nói là mây đã tràn ngập vào thơ, phiêu đến thế là cùng: “về đâu lỡ giữa cơn say/ mạn thuyền ta gõ khua mây thẫn thờ” (về đâu?) hay hình ảnh “níu tay với đám mây trời” (cõi xa) là những gì rất thật của Phan Chính “mà rạ khô thơm khói cánh đồng mây” (hạt gạo).
Tuy nhiên, cái gì cũng vậy, nhiều quá ắt khó tránh khỏi sự trùng lắp nên trong tập thơ có đôi bài na ná như nhau, cũng bảng lảng sương khói, cũng đâu đó mơ hồ, cũng ưu tư về cõi nhân gian vốn đầy huyễn hoặc này. Đọc thơ Phan Chính ta hình dung ra một nét riêng Phan Chính từ lối ẩn dụ, so sánh đến việc trau chuốt trong từng con chữ, mà cũng phải thôi anh là người rất cẩn trọng với công việc chính của một nhà biên khảo nên với thơ cũng không thể chấp nhận sự dễ dãi, tùy tiện…
Cám ơn anh đã mang đến cho bạn thơ một món quà đầy ý nghĩa với tất cả tâm tình của người con xứ biển tha thiết với quê hương để đêm đêm lại ngồi “lắng chờ bấc đến”./.