Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.049
 
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (Phần 1)
Đặng Ngọc Tuân

Đặng  Ngọc Tuân là nhà nghiên cứu “nghiệp dư” về văn hóa. Nhưng chất lượng nghiên cứu thì chính các nhà “chuyên nghiệp” cũng vị nể.

 

Anh chuyên sâu về hò khoan Lệ Thủy (Quảng Bình), quê hương anh. Tài liệu của anh được phòng giáo dục đưa vào thực nghiệm ở trường học địa phương.  Trước trào lưu dân ca truyền thống đang dần mai một, thì lối đi “ngược đường” của anh là lối đi đúng dù đầy chông gai và gập ghềnh.

 

BBT xin giới thiệu bài nghiên cứu (nhiều kỳ) của anh.       

 

 

 

 

KHẢO CỨU VỀ HÒ KHOAN LỆ THỦY

(Phần 1)

 

MỞ ĐẦU

 

Từ trước đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu về dân ca miền Trung, dân ca Bình Trị Thiên. Qua đó mà nghiên cứu, giới thiệu về hò, một loại thể dân ca rất đặc sắc và phổ biến ở miền Trung. Những công trình quy mô có thể kể đến “Dân ca Bình Trị Thiên” do Trần Việt Ngữ, Thành Duy sưu tầm, biên soạn, được Nhà xuất bản văn học ấn hành năm 1967. “Hò khoan Lệ Thủy” (tập 1,2) do Trung tâm văn hóa thông tin Lệ Thủy sưu tầm, Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình ấn hành vào năm 1997 và 2001. Rải rác trong một số sách nghiên cứu, sưu tầm của một số tác giả như Nguyễn Tú với “Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình”, Lê Văn Khuyên với “Lệ Thủy quê hương tôi”… cũng có giới thiệu về hò khoan. Có thể nói rằng đó là những vốn quý rất phong phú cho những ai muốn tìm hiểu về hò khoan. Tuy nhiên, ở những công trình nói trên cũng còn một số hạn chế. Do đối tượng nghiên cứu là dân ca nói chung (bao gồm cả hò, hát ru, ca huế và đồng dao), phạm vi nghiên cứu bao trùm cả ba tỉnh Bình – Trị - Thiên, nên “Dân ca Bình Trị Thiên” chưa đi sâu về hò khoan Lệ Thủy. Còn hai tập “Hò khoan Lệ Thủy” có sự phong phú về nội dung sưu tầm nhưng các câu hò sưu tầm được còn có nhiều sai sót, sắp xếp nội dung tùy tiện, chưa giới thiệu được diện mạo của hò khoan để bạn đọc xa gần hiểu về cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của hò khoan Lệ Thủy. Ở một số tác giả khác thì còn rất sơ lược.

Chúng ta đều biết, qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt di cư đi mở đất khắp nơi đã mang theo văn hoá quê mình. Đến nơi mới, hội nhập với văn hóa bản địa, nó được sáng tạo thêm, khác đi một ít, để tạo ra cái mới. Vì vậy, điệu hò như những cánh cò của đồng quê vươn đi khắp nơi. Đâu đâu cũng có hò, bởi nó là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn liền với đời sống, lao động của nhân dân. Chẳng hạn, chỉ riêng hò sông nước thôi đã có hò Sông Mã ở Thanh Hóa, hò khoan ở Quảng Bình, mái nhì ở Huế, hò đò ở Quảng Ngãi, Phú Yên, hò Tháp Mười…

Hò là một loại hình văn hóa dân gian. Mà đã dân gian thì không gian tồn tại của nó rất rộng. Rất khó để trả lời đất tổ của hò là ở đâu? Cũng như ít ai có thể rạch ròi được Chèo, Quan họ, Xoan, ghẹo, Ví, Dặm, Lý… có từ bao giờ và ở đâu là đất tổ của nó. Nhiều lắm thì chỉ nói đến tính phổ biến ở nơi nào đó. Ngay cả cái tên gọi của nó cũng rất khó giải nghĩa. Vì sao gọi là Chèo, là Quan họ, là hát Dặm, là Hò khoan… Chỉ có thể nói rằng tên gọi của nó được dân gian mặc định thế. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã cố giải thích rằng nó là từ nói trại đi của từ gì đó ở địa phương, từ cổ. Nhưng cũng chỉ là phỏng đoán vậy thôi, không khẳng định được. Nếu cứ đi theo cách duy danh, định nghĩa như vậy với văn hóa dân gian thì e không thể đến hồi kết. Vậy nên, chúng ta cứ tạm chấp nhận Hò Khoan là một danh từ riêng chỉ một thể loại hò của Miền Trung mà phổ biến là ở Lệ Thủy.

Tuy vậy, qua khảo sát, nghiên cứu người ta vẫn có thể khoanh vùng được những loại hình nghệ thuật dân gian nổi lên ở từng nơi. Trong đó có thể nói hò khoan xuất hiện rất đậm đặc, phổ biến ở Lệ Thủy. Hay nói cách khác, Lệ Thủy là cái nôi của hò khoan. Tương tự như Nghệ Tĩnh là cái nôi của hát ví, dặm. Huế là cái nôi của các điệu lý. Quảng Trị là cái nôi của trống quân. Quảng Nam là cái nôi của bài chòi.

Để chỉ ra sự khác nhau, hay tính khu biệt của hò thì cách chủ yếu là nghiên cứu khía cạnh âm nhạc của nó. Mà đã nói đến âm nhạc là nói đến thang âm, giai điệu, quy tắc diễn xướng... Những cái đó được hình thành, quy định chủ yếu bởi môi trường sinh hoạt, lao động của người bản xứ. Nói vậy bởi, khi sưu tầm lời ca ta có thể bắt gặp một lời ca mà có ở khắp ba miền, thậm chí có ở khắp trong các loại hình dân ca. Nhưng lời ca đó được cấu trúc thành những bài hò theo những thang âm, giai điệu khác nhau tạo thành điệu hò cho từng vùng.

Vì vậy, tôi cũng không mong rằng có thể định nghĩa được hò khoan Lệ Thủy là thế nào, nội dung của nó ra sao, mà chỉ đưa ra một số khái niệm có tính hệ thống về một số khía cạnh nghiên cứu sau đây, với mục đích mô tả một cách cụ thể hơn về hò khoan Lệ Thủy, góp phần bảo tồn giá trị quý báu văn hóa của quê hương.

 

1. MẤY NÉT VỀ LỆ THỦY, MÔI TRƯỜNG HÌNH THÀNH HÒ KHOAN.

 

             Lệ Thủy, dải đất hẹp nhất của đoạn thắt Quảng Bình kéo dài chỉ có 40 km, từ phía bắc tiếp giáp với  các xã của huyện Quảng Ninh đến các xã phía nam tiếp giáp với huyện Bến Hải, Quảng Trị. Trên đoạn ngắn khiêm tốn đó, Lệ Thủy có thế đất chia làm ba vùng rõ rệt, vùng núi ở phía Tây, giáp giới với Lào. Vùng biển ở phía Đông với dãy đồi cát trắng vượt cao lên, ngăn cách biển với đồng bằng. Vùng đồng trũng ở giữa, mênh mông, chằng chịt sông ngòi, đầm phá. Một vùng đất màu mỡ hiếm có ở miền Trung “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Dải đất đó có lịch sử hình thành, phát triển vô cùng khắc nghiệt. Đất và người ở đây đã được hun đúc trong đấu tranh sinh tồn với chiến tranh, bão lụt, gió lào bỏng cháy suốt mấy nghìn năm chưa bao giờ yên. Sân khấu cuộc đời đó đã tạo nên hơi thở của dân ca man mác buồn đau.   

Văn học dân gian nói chung, ca dao dân ca nói riêng có xuất xứ từ trong cuộc sống của con người. Giai thoại dân gian, ca dao hò vè đã xuất hiện từ khi chưa có chữ viết. Nó được sáng tác, trau chuốt, làm phong phú thêm thông qua truyền khẩu. Vì vậy, nó mang dấu ấn vùng miền rõ rệt. Nết ăn, nếp ở, khẩu khí, tính cách, sở trường, sở đoản ra sao đều để lại dấu ấn trong văn học dân gian. Hò khoan Lệ Thủy cũng vậy, nó mang dấu ấn văn hóa lịch sử của vùng đất này. Để hiểu rõ hò khoan thì cần hiểu rõ lịch sử văn hoá vùng đất đã sản sinh ra nó. Có thể khái quát ở mấy điểm về môi trường tự nhiên, xã hội của hò khoan Lệ Thủy như sau:

- Lệ Thủy là vùng đất có lịch sử gắn liền với lịch sử phát triển của đất Văn Lang, Âu Lạc. Từ trước công nguyên, đất này thuộc Nam Việt trong hệ thống Bách Việt phía Nam sông Dương Tử. Từ năm 206 trước công nguyên thuộc quận Nhật Nam. Năm 137 sau công nguyên, một thủ lĩnh người Chăm là Khu Liên đã nổi dậy, chiếm cứ từ phái nam Hoành Sơn lập quốc Chiêm Thành. Lệ Thủy là một châu thuộc đất Chiêm Thành, khi đó còn gọi là châu Địa Lý. Trải các đời từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến Ngô Quyền, Đinh, Lê, Lý của Vạn Xuân, Đại Việt, Lệ Thủy vẫn là đất phên dậu của Chiêm Thành.  Tiếng nói, chữ viết mang dấu ấn của văn hóa Mã Lai, Ấn Độ trải gần một nghìn năm. Mãi đến năm 1069 Lý Thái Tổ mới chinh phạt Chiêm Thành, lấy ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh sáp nhập vào Đại Việt. Từ đó Lệ Thủy mới về đất Việt. Trãi mấy trăm năm từ khởi thủy là Điạ Lý rồi Nha nghi, Tri Kiến, Khương Lộc, Lệ Thủy. Khi thì Phủ, rồi Châu, Quận, Dinh, Trại, Huyện một bộ phận hành chính của đất Lâm Bình rồi Tân Bình, Tiên Bình, Quảng Bình, chia đi nhập lại nhưng không gian địa lý vẫn kéo từ phía bắc giáp với sông Nhật Lệ chạy dài 40 cây số đến dãy núi Ba Núc, Ba Kiềng như một hoành sơn nhỏ phía Nam, kéo từ Trường Sơn ra Bàu Sen, truông Nhà Hồ.

       Văn hóa vùng đất này là sự pha trộn của hai dòng văn hóa Chăm – Việt. Của cộng đồng dân di cư từ đàng ngoài, mà chủ yếu là từ Châu Hoan (Nghệ An), Châu Ái (Thanh Hóa) vào khai khẩn đất đai, định cư, phát triển với cư dân bản địa (Chăm Pa). Ở đây có cả thành quách của Chăm Pa với các làng nghề Đại Việt. Là vùng giao thoa ảnh hưởng của văn hóa, tín ngưỡng Ấn Độ từ phiá Nam lên và Văn hóa, tín ngưỡng Nam Việt, Trung Hoa từ phía Bắc xuống. Ngôn ngữ, tiếng nói gần với vùng Hoan, Ái pha trộn với từ địa phương có gốc gác từ tiếng Chăm.

- Lệ Thủy là đất phên dậu, biên trấn của cả Đại Việt và Chiêm Thành. Trong lịch sử hình thành ngót nghìn năm, ở đất này đã có đến 500 năm chiến tranh. Mở đầu là chiến tranh giữa Đại Việt với Chiêm Thành, mất đi giành lại ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh trong suốt 320 năm (từ 1069 – 1389). 7 cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài 45 năm (1627 – 1672). Chiến tranh chống Pháp ngót 100 năm (1847 – 1954). Chiến tranh chống Mỹ 18 năm. Lúc nào nơi đây cũng ở mũi tên, đầu đạn. Hết bắt phu, bắt lính lại tan cửa nát nhà vì bom đạn. Đình chùa, miếu mạo sụp đổ, cái ăn chẳng còn, nói gì đến của để dành mà vui chơi, ca hát. Trai tráng hết lớp này, lớp khác ra trận, đi thì nhiều, về thì ít. Học hành của con trẻ cũng phải xuống hầm sâu.

       Chính trong đạn lửa ấy đã hun đúc nên khí phách người Lệ Thủy trung dũng, quật cường. Ở thời nào trong lịch sử chiến tranh của dân tộc củng có những người con bất khuất của Lệ Thủy. Lèn Áng từ cổ chí kim được chọn làm căn cứ kháng chiến. Bến sông Dinh Trạm là nơi neo đậu của chiến thuyền ngày ngày tập trận tiếng trống, tiếng tù và hãy còn vang. Dinh Mười nơi đồn trú thủy bộ mặt sau của lũy Thầy, ngựa xe, thuyền bè, cờ xí rợp trời Hạc Hải. Xuân Bồ còn đó khắc ghi căm thù giặc Pháp tàn sát dân lành cùng trận đánh lừng danh của quân và dân Lệ Thủy. Chiến tranh chống Mỹ cả nước biết đến một Lệ Thủy với phong trào “Hai giỏi” (sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi), “tiếng hát át tiếng bom”. Những cô gái Ngư Thủy gan góc đối mặt với tàu chiến Mỹ. Thác Cốc, Dốc Khỉ, Vít Thù Lù…bom dạn hủy diệt của B52 không làm chùn bước gái trai Lệ Thủy quyết tử cho tổ quốc. Đã có thời gian, dân Lệ Thủy phải bầm ruột, tím gan gởi con trẻ ra tận Thanh Hóa, Thái Bình để bảo toàn nòi giống. Người ở lại rảnh tay đánh giặc giữ đất quê hương.                               

Trong những biến cố nói trên, người dân Lệ Thủy phải chịu bao cay cực. Chiến tranh là chết chóc, tan cửa, nát nhà, chia ly. Thiên tai là mất mùa, trắng tay, đói kém. Đồng sâu, nước cả, hạn hán, lũ lụt, lao động nhọc nhằn. Vậy nhưng vẫn phải sống, vẫn phải tròn bổn phận. Những tâm tư đó đã được gửi gắm vào trong dân ca mà than thở, mà san sẻ. Đó chính là cội nguồn cảm hứng của hò khoan Lệ Thủy.

       - Lệ Thủy, eo đất hẹp mà có cả ba vùng biển, đồng bằng, núi non biên giới. Đất đai trù phú nhưng khí hậu khắc nghiệt như thử thách lòng người. Nếu tính theo đường chim bay thì từ bờ biển đến biên giới Việt – Lào chỉ có 40 cây số. Song, trên dải đất hẹp ấy lại có cấu hình địa chất, thủy văn hết sức đặc biệt. Đối diện với biển khơi là  những cồn cát trắng. Cát cao thành đồi hàng chục mét, chạy dài suốt bờ biển, thành lũy Trường sa. Cát bay, cát chạy lấp ruộng, lấp vườn nhưng trong nó trào dâng mạch nước ngầm vô tận, ngọt lịm, trong vắt. Nước ngầm tạo nên cả Bàu Sen rộng hàng chục héc ta ngay cạnh biển mặn mòi.

Ít ai ngờ rằng ở quãng hẹp ấy, lại có một đồng bằng phì nhiêu ngút tầm mắt, thẳng cánh cò bay, hàng triệu năm nay được bồi đắp bằng phù sa được chở về từ Trường Sơn bằng 9 ngọn nguồn của sông Kiến Giang (rào Nậy, rào Con, rào Sen, rào Mỹ Sơn, hói Xuân Lai, hói Thạch Bàn, hói Kỳ Cùng, hói Cừa, hói Phú Thọ). Trước khi đổ ra biển khơi, Kiến Giang còn cố nán lại, xoãi ra thành biển cạn Hạc Hải rộng hàng chục ngàn héc ta, dung dưỡng biết bao sản vật vùng nước lợ, góp phần nuôi sống dân Lệ Thủy.

Người Lệ Thủy trong lịch sử ít khi đi bộ, phương tiện di chuyển chủ yếu bằng thuyền. Đi làm ruộng - thuyền, lên rừng lấy gỗ - thuyền, đi chợ - thuyền, đi buôn chuyến - thuyền, đò dọc đưa người ta về tận Đồng Hới. Đến lúc chết đưa linh cũng bằng thuyền nốt. Sông nước chằng chịt, mênh mông vạn khoảnh. Cứ ra khỏi nhà là gặp sông, quanh làng là sông. Năm nào cũng vậy, cứ sau tiểu mãn là mưa lớn dội xuống Trường Sơn, tràn về dâng nước mênh mông. Đến cái nhà cũng phải có kiểu kiến trúc để thích ứng với lũ. Phải có cái “tra” để thóc, làm sàn ngủ khi nước lên. Vách nhà trát bằng rơm với đất để lụt dâng đến đâu thì rơi đến đó. Nhà giàu thì dựng ván đố để khi lụt thì tháo đi, đỡ cản song. Nước rút đi thì nhào đất lại, trát lên, dựng ván lại làm vách. Hình ảnh con thuyền gắn liền với con người. Khi chèo thuyền người ta hò cho khuây khỏa.

Đất đai trù phú thật như câu ca “Nhất Đồng Nai. Nhì hai huyện”. Song để có hạt thóc cho con người thì cũng lắm gian nan, bởi ở vùng đất này khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Mùa hè bỏng rát gió lào, ngùn ngụt, hầm hập hơi nóng. Gió nóng thổi như bão suốt mấy tháng trời đến sông hồ khô cạn. Mùa thu bão vùi dập, mưa trút xuống dâng lụt mênh mông. Lúa mùa đang chín mà không kịp gặt. Lại phải ngâm mình trong nước vớt từng chẹn lúa đã lên mầm, bát cơm hôi nồng như vôi bột. Đông đến thì rả rích mưa dầm. Mưa từ sáng đến chiều, từ chiều qua sáng. Mưa lùa hơi lạnh thấm nặng quần áo, lạnh buốt ruột gan.

Trên cao là dãy Trường Sơn thâm u với những địa danh Bang, Rợn, Vít Thù Lù, Lèn Bạc, An Mã, Đâu Mâu. Mỗi địa danh ấy đều gắn với những truyền thuyết, giai thoại về địa linh, nhân kiệt, neo đậu lại trong trí tưởng tượng của con người mà ví von. Neo lại trong lời ru của bà, của mẹ.

Vậy đấy, nhưng con người nơi đây luôn vươn tới, vượt lên số phận. Phải tìm cách động viên nhau ngay cả khi lao động cực nhọc. Hò khoan giúp họ khuây khỏa, hò khoan giúp họ vui mà yêu đời. Hò khoan trở thành nếp sống văn hóa không thể thiếu. Chẳng ở đâu như Lệ Thủy, vui mà hò hát đã đành, đằng này cái thú được hò hát len vào cả khi buồn, khi lao động mệt nhọc. Điều đó giúp hò khoan sống mãi, một ngày một phong phú thêm.

- Lệ Thủy địa linh nhân kiệt. Kể ra thì đất và người từ thuở khai thiết đến nay mới có ngót nghìn năm (kể từ thời nhà Lý thu về Đại Việt). Chiến tranh, thiên tai vùi dập cũng không khuất phục được ý chí con người nơi đây. Trong gian khó ấy đã sinh ra nhiều nhà nho học uyên thâm, những quan lại thanh liêm dấn thân vì nghĩa, những vĩ nhân kinh bang tế thế.

Có lẽ đất này hội tụ nhiều linh khí “Đâu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”. Mỗi ngã ba sông cũng tạo thế đất “Mũi viết”. Đi đâu, ở đâu thì người Lệ Thủy vẫn lấy câu đó, hình tượng đó mà tự hào về đất học. Bút nghiên là sự trọng, có học thì mới thoát khỏi đói nghèo. Vậy nên người Lệ Thủy thành đạt nhiều lắm. Danh nhân Lệ Thủy có đủ cả văn, võ. Ai trong họ cũng có cái chí bất khuất, nặng nỗi ưu tư vì dân vì nước. Từ những sỹ phu như Hoàng Hối Khanh, Phạm Đại Kháng, Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Khắc Triển…tiến sỹ nho học và rất nhiều phó bảng, cử nhân khác. Chỉ riêng thời nhà Nguyễn đã có đến 9 vị làm đến Thượng thư nổi tiếng thanh liêm. Đấng nam nhi là vậy, còn có cả  Liệt nữ Hoàng Thị Tám là tướng tài trong phong trào cần vương của cụ Phan Đình Phùng. Và đặc biệt có hai nhân vật ở hai đầu chiến tuyến là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng thống Ngô Đình Diệm. Còn nhiều và nhiều nữa những người học rộng tài cao nức tiếng một huyện, một tỉnh, một nước, vượt ra cả ngoài biên giới. Nhiều người trong số họ, với cái khí khái của nhà nho, gặp khi nhiễu nhương không ra làm quan mà chỉ ở nhà mở lớp dạy chữ, truyền bá đạo lý thánh hiền. Những con người này đã có công lớn trong sáng tạo, truyền bá, bảo tồn di sản dân gian ở chốn thôn quê. Giả như ông Học Chè Lê Văn Khoan ở Lộc An, cụ Châu Đình Khóa ở Sơn Thủy đã sáng tác, lưu giữ rất nhiều hò vè.

- Lệ Thủy tích chứa trong mình một kho tàng văn học dân gian khá phong phú. Đã bao đời nay, cái kho tàng vô giá ấy là nguồn nuôi dưỡng tinh thần, có tác dụng khơi nguồn bồi đắp những tâm hồn văn học tài năng của quê hương. Không ở đâu trên đất Quảng Bình mà nhiều nhà thơ như Lệ Thủy. Cái máu thơ trong họ chắc có mạch nguồn từ máu dân ca của cha ông.

Trên đât này có đủ các loại hình văn học dân gian. Song nổi trội vẫn là hò khoan. Hò khoan có mặt ở mọi  ngõ ngách của cuộc sống từ việc lớn đến việc nhỏ. Đám cưới hò khoan đã đành, đám ma cũng hò khoan, hò để xua đi nỗi buồn, hò để nói với linh hồn người chết rằng, người sống biết ơn họ, đau đớn vì cái chết của họ. Chèo thuyền trên sông hò khoan chưa đã còn bày ra chèo cạn. Giã gạo hò khoan, hết gạo còn nghĩ ra chuyện đổ trấu vào giã. Cày bừa, cấy lúa , đạp nước trên đồng - hò khoan, kéo gỗ trên rừng - hò khoan, nện đất, giã vôi - hò khoan, cất nhà, kéo lưới, đẩy thuyền - hò khoan… Tất tần tật cái gì cũng hò khoan được, ở đâu cũng hò khoan được. Chẳng cần đàn sáo nhị hồ rinh rang làm gì, chỉ cần một cái trống hoặc cái sanh, mà không trống sanh thì vỗ tay bắt nhịp, vậy là hò khoan được rồi. Vậy nên mới dám nói hò khoan là đặc trưng của Lệ Thủy.

Đành rằng, không thể biệt lập địa danh cho văn học dân gian. Bỡi văn học dân gian có sự giao thoa rất rộng do quá trình di dân. Cư dân nơi này đến nơi kia lập nghiệp thì mang theo văn hóa vùng quê mình. Đến nơi mới, hòa nhập với văn hóa bản địa nó có sáng tạo thêm cho khác đi một ít do nhiều lý do. Nhưng, có thể làm rõ được sự nổi trội của mỗi thể loại ở từng vùng khác nhau. Nói đến Kinh Bắc là nghỉ đến quan họ. Nói đến Phú Thọ là nói hát xoan. Nói đến Hà Nam là nghỉ đến chèo. Nhắc đến Nghệ Tĩnh là nhớ ví, dặm. Nhắc đến Huế là liên tưởng đến các điệu lý, Quảng Nam là bài chòi… Còn ở Lệ Thủy, Quảng Bình là hò khoan. Hò khoan đã có ngày hội truyền thống của mình. Đó là ngày 29 tháng 2 âm lịch. Cái này, ngoài quan họ ra, chắc nhiều thể loại khác chưa có.

Tóm lại, chỉ một đoạn ngắn trong chiều dài của đất nước, thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh liên miên. Nhưng nhờ những con người lam lũ mà lại hiếu học, yêu đời, Lệ Thủy đã có cho riêng mình một di sản hò khoan vô cùng quý giá. Với người Lệ Thủy, dẫu có đi đâu, ở đâu, hai tiếng hò khoan vẫn vọng lên trong tâm hồn họ, lan truyền sang mọi người những cảm nhận về quê hương, về khát vọng sống tự do, về những buổi lao động nhọc nhằn của người nông dân lam lũ, một nắng hai sương. Dẫu trong khó khăn, cùng cực vẫn thuần hậu, mặn mà tình người. Vẫn ngân nga trong lòng những ao ước hạnh phúc rất khiêm tốn “râu tôm nấu với ruột bầu” để chồng chan, vợ húp.

 

 

Đặng Ngọc Tuân
Số lần đọc: 2177
Ngày đăng: 08.04.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đẩy nhanh nhân tố sân khấu thị trường Hướng tới nền nghệ thuật hội nhập toàn cầu hóa - Tuấn Giang
Duy cảm khái niệm ( Sensual Concepts) - Tuấn Giang
Bài 2/ Thêm Sáu Hình Bìa Bản Nhạc Của Họa Sĩ Duy Liêm - Trần Văn Nam
Bài 1/ Kỷ Niệm Thơ: Gặp Lại Vài Bài Thơ Cắt Báo Từ Thời 1950 - Trần Văn Nam
Nhàn đàm với nghệ thuật - Nguyễn Huy Lộc
Trích dẫn văn của Kafka trong bản dịch "Lâu đài" (Thử Nêu Ra Chi Tiết Kỹ Thuật Viết Phức Tạp Qua Thứ Tự Các Chương Đoạn Của Tác Phẩm) - Trần Văn Nam
Gặp tác giả "Em ơi! Hà Nội Phố" ở quê nhà - Trần Trung Sáng
Tử vi Ai Cập - Nguyễn Hồng Nhung
Phép thuật của màu sắc - Nguyễn Hồng Nhung
Bản cầu hồn cho Điện Biên Phủ - Nguyễn Anh Tuấn